Hồ Sơ ODESSA
Tác giả: Frederick Forsyth
Người dịch : Cung Khắc Dũng
Nhà xuất bản Trẻ - Năm xuất bản: 1974
Chương 7
Ngày mừng Chúa Giáng Sinh thứ 1963 nhằm vào ngày thứ Tư
trong tuần, và chỉ sau ngày đó người nhận được tin tức liên quan đến sự hiện diện
của Miller tại Trung Tâm Hồ Sơ mới báo cáo sự việc lên cấp Chỉ huy Tối cao. Người
được thông báo bản tin cám ơn mật báo viên, của hẳn, đặt máy điện thoại xuống,
ngả người ra chiếc ghế bọc da, nhìn ngắm những mái nhà phủ đầy tuyết trắng của
khu Old Town, qua khung cửa kính.
- Verdamnt! Verdamnt! - Hắn chửi thầm trong bụng. - Tại sao
xảy ra ngay vào lúc này?
Đối với những ai sống trong thành phố biết hắn, hắn là một luật
gia tài ba lỗi lạc nhất! Còn đối với thượng cấp trong và ngoài nước, hẳn là Sĩ
Quan Điều Hành tổ chức Odessa tại Tây Đức. Số điện thoại của hắn không được phổ
biến trong niên giám và bí danh của hắn là “Sài Kíu Tinh”.
Không giống khuôn mặt ghê tởm thường được phim ảnh Âu Mỹ
nhân cách hóa, Sài Kíu Tinh của huyền thoại Đức không phải là một hình ảnh ghê
rợn, lông mọc đầy lòng bàn tay khi trăng lên. Sài Kíu Tinh Werwolf là một trang
anh hùng ái quốc tình nguyện nằm lại trong lòng đất địch, tổ chức bộ đội kháng
chiến khuấy rối địch, đêm đột kích vô sào huyệt quân xâm lược, hành tung bí mật,
xuất quỷ nhập thần, chỉ lưu lại nơi trận địa bốn dấu chân bán nhân bán thú.
Vào cuối đệ nhịI Thế chiến, một nhóm sĩ quan SS, tin chắc
trong vài tháng sắp đến quân đội Đồng Minh sẽ làm cỏ nước Đức, đã tổ chức và huấn
luyện một số thanh niên cuồng tín để dùng vào công tác khuấy rối và phá hoại
quân Đồng Minh. Bọn này được thành lập tại miền Bavaria, nhưng chưa kịp áp dụng
những điều học hỏi được thì đã bị tiêu diệt hoàn toàn khi quân đội Hoa Kỳ tràn
ngập trại chúng. Bọn chúng chính là bầy “Sài Kíu Tinh” nguyên thủy.
Vào cuối thập niên 40, Odessa xâm nhập vô Tây Đức, Lúc đó Sĩ
Quan Điều Hành của tổ chức này là một trong những sĩ quan đã hướng dẫn, huấn
luyện bầy Sài Kíu Tinh của năm 1945. Hắn lấy luôn biệt danh “Sài Kíu Tinh”.
Sài Kíu Tinh của năm 1963 là người thứ ba giữ chức Sĩ Quan
Điều Hành tổ chức Odessa tại Tây Đức. Khôn ngoan, cuồng tín, luôn luôn tuân
theo thượng lệnh tại Argentina, Sài Kíu Tinh theo sát quyền lợi của các cựu
thành viên SS trong lãnh thổ Tây Đức, và nhất là những cựu thành viên hạng gộc
hiện đang có tên trong danh sách tầm nã của nhà cầm quyền Bonn.
Sài Kíu Tinh nhìn ra cửa sổ, hồi tưởng lại giờ phút gặp gỡ
Tướng Glucks tại Madrid, và những lời khuyến cáo của thượng cấp nhận được sau
cuộc gặp gỡ, nhấn mạnh đến tầm mức quan trọng trong việc bảo mật danh tính và bảo
đảm an ninh cá nhân cho chủ nhân xưởng chế tạo vật dụng vô tuyến điện mang bí
danh Vulkan, hiện đang điều khiển chương trình nghiên cứu và chế tạo hệ thống
vô tuyến điều khiển dùng cho các hỏa tiễn của Ai Cập. Tại Tây Đức chỉ một mình
Sài Kíu Tinh biết được có thời Vulkan mang tên Eduard Roschmann.
Giọng cô thư ký riêng trỗi lên:
- Thưa ông gọi?
- Này Hilda, cô còn nhớ tên thằng thám tử tư mình mướn theo
dõi một vụ ly dị hồi tháng trước không?
- Xin ông đợi một phút để tôi tìm xem,.. Thưa ông tên thám tử
tư đó là Memmers. Heins Memmers.
- Cô cho tôi số điện thoại của hắn. Không. Khỏi cẩn. để tôi
đích thân gọi hắn cũng được.
Sài Kíu Tinh ghi vội số điện thoại của Memmers dưới hàng số
xe của Miller trên cuốn sổ tay.
Hắn rời khỏi bàn làm việc, đi đến phía tủ sắt được giấu một
cách khéo léo sau một bức tranh. Hắn lấy ra một cuốn sách dày cộm và đi lại bàn
làm việc. Hẳn tìm ra những điều mong muốn. Trong sách có ghi hai tên Memmers,
Heinrich và Walter. Hắn đọc qua ngày và nơi sanh của Heinrich, tính thầm tuổi của
Heinrich trong đầu và cố nhớ lại khuôn mặt của tên thám tử tư. Hắn ghi hai số
khác có liên hệ tới Heinrich vô cuốn sổ tay, cầm điện thoại lên xin một đường
dây ngoài.
Giọng một người đàn bà trả lời hẳn :
- Đây Sở thám tử tư Memmers!
- Cô cho tôi nói chuyên với ông Memmers, mau lên!
- Xin ông vui lòng cho biết quý danh. - Cô thư ký của sở
thám tử tư nói.
- Không được. Tôi cần gặp ông Memmers gấp!
Một thoáng sau có người đàn ông trả lời điện thoại:
- Memmers, tôi nghe đây!
- Phải Heinz Memmers đó không?
- Thưa đúng. Heinz Memmers đây. Tôi được hân hạnh tỉếp chuyện
với ai đây?
- Bạn khỏi cần biết tên tôi! Không quan hệ. Bạn chỉ có việc
cho tôi biết số 245.718 có nghĩa gì với bạn không?
Điện thoại bỗng im bặt, ngắt quãng bởi hơi thở dồn dập của
Memmers. Hắn đang lo lắng cố moi óc tìm hiểu tại sao số hiệu SS của mình được
người khác biết.
Cuốn sách dày cộm đặt trước mặt Sài Kíu Tinh là sổ bộ của tất
cả cựu nhân viên SS.
Giọng đầy nghi ngờ của Memmers trở lại trong điện thoại.
- Có hay không thì đã sao?
- Nếu tôi cho bạn biết số hiệu của tôi có năm hàng số thì bạn
nghĩ sao?
Sự thay đổi thật mau lẹ trong ngôn ngữ của Memmer. Hắn thừa
biết năm hàng số là số hiệu của một sĩ quan cao cấp:
- Kính chào thượng cấp! - Memmers hét lên.
- Tốt lắm! Tôi có chút việc này muốn nhờ “chú”. Có một thằng
hiếu kỳ đang xía mỏ vô đời tư của một đồng chí. Tôi muốn biết hắn là ai?
- Xin tuân lệnh thượng cấp! - Memmers đáp.
- Khá lắm. Nhưng giữa chúng ta gọi nhau bằng đồng chí được rồi.
Giọng của Memmers trở lại trong điện thoại, lần này có vẻ
hài lòng hơn:
- Thưa đồng chí, được đổng chí cho phép gọi như vậy làm tôi
ái ngại quá! Bất cứ chuyện gì đống chí nhờ, Memmers sẽ làm hết.
- Hiện giờ tôi chỉ mới có được số xe của thằng hiếu kỳ này
thôi, xuất xứ từ Hamburg. - Sài Kíu Tinh đọc cho Memmers chép.
- Ghi rõ chưa?
- Thưa đồng chí rõ!
- Tôi muốn chú đích thân đi Hamburg. Tôi muốn biết tên tuổi,
địa chỉ, nghề nghiệp, gia đình, thành phần xã hội, nói tóm lại, tất cả những gì
liên quan đến hắn. Chú liệu làm chuyện này trong bao lâu?
- Khoảng bốn mươi tám tiếng! - Memmers đáp.
- Tốt lắm. Trong hai ngày nữa tôi sẽ gọi lại. A, còn chuyện
này nữa. Chú cố làm sao đừng đến gần hắn quá và đừng bắt chuyện với hắn. Nếu có
thể chú cố điều tra sao cho hắn không hay biết được! Rõ không?
- Đồng chí yên tâm. Tôi rành nghề tôi lắm.
- Khi hoàn thành công tác, nhớ tính sẵn công tác phí để tôi
gởi ngân phiếu bồi hoàn cho chú!
Memmers phản đối:
- Thưa đồng chí, sẽ không có công tác phí nào hết! Đây là một
vấn đề chung liên quan đến tập thể chúng ta, và ai ai cũng đều có bổn phận góp
phần vô đó để đối phó với nó.
- Memmers này! Đồng chí khá lắm.
Sài Kíu Tinh đặt máy điện thoại xuống giá.
* * *
Chiều hôm đó Miller rời Hamburg, cho xe Jaguar chạy trên xa
lộ chàng đã chạy qua cách đây hai tuần. Chàng vượt ngang qua Bremen, Onasbruck,
và Munter, trực chỉ miền Rheineland và Cologne. Lần này chàng đến Bonn, một
thành phố nhỏ, buồn tẻ, nằm bên bờ sông, thành phố mà Konrad Adenauer đã chọn
làm thủ đô, chỉ vì nơi đây là nơi chôn nhau cắt rốn của ông.
Gần đến Bremen, chiếc Jaguar của chàng phóng viên trẻ vượt trái
chiều chiếc Opel của Memmers đang phóng hết tốc lực về Hamburg.
Trời đã sụp tối khi Miller đến con đường chính của thủ đô
Bonn. Chàng bắt gặp chiếc nón Kepi trắng của một nhân viên cảnh sát và cặp xe
sát người hắn.
- Thầy làm ơn chỉ giúp tôi đường đến Tòa Đại sứ Anh quốc! -
Chàng nói với nhân viên cảnh sát.
- Họ sẽ nghỉ việc trong nửa giờ nữa! - Hắn trả lời Miller.
- Vậy tôi phải đến đó gấp mới được. Đi lối nào thầy chỉ tôi
đi, làm ơn!
Nhân viên cảnh sát chỉ tay về phía cuối đưòng nói:
- Cứ chạy thẳng hết đường này, đi theo đường xe điện dẫn đường
Friedrich Ebert Aliee. Khi chạy hết đường này rồi sẽ thấy đường Bad Godesberg.
Phía bên trái của đường này là Tòa Đại sứ Anh, phía trước luôn luôn thắp đèn
sáng trưng và treo quốc kỳ.
Miller cám ơn nhân viên cảnh sát và cho xe chạy theo lời chỉ
dẫn của hắn. Đúng theo lời nhân viên cảnh sát, Tòa Đại sứ Anh là một cao ốc nằm
giữa một khách sạn và một sân chơi.
Miller đậu xe ở bãi dành riêng cho quan khách của Tòa Đại sứ.
Chàng vô Tòa Đại sứ, bước dọc theo một hành lang đưa đến một phòng khách nhỏ,
nơi đặt một bàn nhỏ do một nữ tiếp viên ngồi.
- Cô vui lòng cho tôi được yết kiến ông Tùy viên Báo chí. -
Miller nói với cô nữ tiếp viên, sử dụng tiếng Anh học được từ bậc Trung học.
Cô tiếp viên Tòa Đại sứ lộ vẻ đăm chiêu:
- Thưa ông không biết giờ này ông tùy viên báo chí có mặt tại
văn phòng hay đã về rồi. Ông biết, chiều thứ sáu...
- Phiền cô liên lạc giúp tôi xem ông tùy viên chịu tiếp tôi
không? - Miller nói, chìa thẻ phóng viên của chàng ra.
Cô tiếp viên liếc nhìn tấm thẻ của Miller, bốc điện thoại
lên. Miller gặp đúng ngày hên. Ồng tùy viên báo chí chưa ra về và bằng lòng tiếp
Miller. Chàng được đưa vô một căn phòng chờ đợi khác. Một vài phút sau, Miller
được một viên trung sĩ hộ tống lên lầu và đưa vô một văn phòng nhỏ.
Ông tùy viên báo chí Tòa Đại sứ Anh tại Bonn trạc tuổi
Miller, và khuôn mặt, dáng người của ông vừa trông là có cảm tình ngay.
- Tôi có thể giúp ông gì không?
Miller quyết định vô đề ngay:
- Tôi đang điều tra một vụ cho một tờ tạp chí lớn, - Chàng
phịa, - liên quan đến một cựu sĩ quan SS, một tên đồ tể, một tên tội phạm chiến
tranh mà chính phủ tôi hiện đang truy lùng. Tôi được biết tên này cũng được quý
quốc chiếu cố khi quân đội Hoàng Gia Anh chiếm đóng phần đất này. Xin ông tùy
viên vui lòng cho tôi được phép phối kiểm những điểm còn mập mờ với quý Tòa Đại
sứ.
Nhà ngoại giao trẻ tuổi có vẻ lo nghĩ :
- Nói thật với ông, tôi không biết phái giúp ông cách nào
đây! Theo tôi được biết, tất cả những hồ sơ quân đội chúng tôi thu góp được
trong thời đệ nhị thế chiến liên quan đến bọn SS đều được bàn giao cho chính phủ
quý quốc vào năm 1949. Và chính phủ của ông đã tiếp tục những gì chúng tôi đã
làm và bỏ dở dang. Theo thiển ý tôi, chính phủ quý quốc chắc đã thu thập và
phân loại hồ sơ này rồi?
Miller tránh để cập đến việc nhà cầm quyền Tây Đức từ chối
giúp đỡ chàng cho người ngoại quốc biết:
- Ông nghĩ phải lắm. Tuy nhiên cuộc điều tra riêng của tôi
cho thấy là tên đồ tể này chưa từng bị Tòa án Tây Đức xét xử lần nào hết kể từ
năm 1949 cho đến nay. Sự kiện này chứng minh rằng trong thời gian này không ai
tóm được hắn cả. Hơn nữa, theo tôi được biết, vào năm 1947, nhà cầm quyền Anh
có mượn hồ sơ của Roschmann nơi Trung Tâm Hồ Sơ Hoa Kỳ. Phải có lý do nào đó
nhà cầm quyền quý quốc mới mượn hồ sơ của Roschmann.
- Vâng. Chắc có lý do nào đó.
- Vậy theo ông, trong thời gian chiếm đóng - tôi muốn nói,
trong thời gian chuyển tiếp - cơ quan nào của Anh đặc trách điều tra phạm nhân
SS?
- Có thể là Tòa Tổng Trấn! Lúc đó các nước Đổng minh điều
tra những vụ án SS một cách riêng rẽ, chuyện ai nấy làm, nhưng dù vậy họ vẫn hợp
tác với nhau một cách chặt chẽ, ngoại trừ Nga Sô không chịu theo đường lối này.
Ông nghe kịp tôi nói không?
- Kịp.
Ông tùy viên tiếp tục nói:
- Tòa Tổng Trấn, trong đó có Quân Cảnh, chịu trách nhiệm những
cuộc điều tra và thi hành các án lệnh do ngành Quân Pháp chuyển qua. Các hồ sơ
lưu liên quan đến những chuyện này được chuyển giao hết cho quý quốc vào năm
1949.
- Nhưng thế nào nhà cầm quyền Anh lúc đó cũng có giữ lại một
vài bản sao?
- Chắc có! - Nhà ngoại giao đáp - nhưng bây giờ thì đã được
lưu trong văn khố của quân đội Hoàng Gia rồi.
- Người ngoài có thể tham khảo được không?
Viên tùy viên báo chí giật mình :
- Tôi tin là không được rồi. Vài sử gia hay học giả có thể
làm đơn xin tham khảo nhưng phải mất thì giờ đi tới đi lui, phiển phức lắm! Vả
lại chúng tôi - tôi muốn nói là quân đội Hoàng Gia không bao giờ cho phép báo
chí xem văn khố của mình cả.
- Tôi hiểu! - Miller đáp.
- Vấn đề là, - Nhà ngoại giao trẻ nói. - ông không phải là một
giới chức chính thức, và chúng tôi không muốn thấy một hành động sơ suất nào về
phần chúng tôi có thể làm cho quý quốc phật lòng.
- Thưa đúng!
Nhà ngoại giao đứng lên:
- Nếu vậy thì Tòa Đại sứ chúng tôi không thể làm gì giúp ông
được hết!
- Thưa ông có. Phiền ông cho tôi biết có vị nào thuộc cựu
trào còn hiện diện tại Tòa Đại sứ này không?
- Không còn ai cả. Thay đi đổi lại hàng chục lần, vả lại
không một nhân viên tòa đại sứ nào được phép ở một chỗ hàng năm cả. - Nhà ngoại
giao dứt lời, tiễn Miller ra cửa.
- À quên. Còn một người. Cadbury. Ông này lưu lại quý quốc từ
sau thế chiến cho đến nay!
- Cadbury? - Miller hỏi.
- Anthony Cadbury. Đặc phái viên của một tờ báo lớn ở Anh.
Ông ta là niên trưởng trong làng báo ngoại quốc tại quý quốc. Có vợ người Đức.
Tôi nghĩ ông nên gặp ông ta hỏi thử xem!
- Nếu vậy thì đỡ cho tôi lắm! Có thể gặp ông ta ở đâu, ông
biết không?
- Hôm nay thứ Sáu. Chắc Cadbury đang ngồi nhậu tại Hội quán
quen thuộc Cercle Francais. Ông biết nơi này không?
- Tôi chưa bao giờ đến đó cả!
- Hội quán này do người Pháp làm chủ. Thức ăn ngon tuyệt, và
là nơi gặp gỡ của báo giới. Ông đi hết đường Bad Godesberg sẽ thấy Cercle
Francais liền.
Miller tìm ra hội quán này cách sông Rhine chừng một trăm
thước, nằm trong một hẻm nhỏ, hẻm Ann Schwimmbad. Anh bồi bàn biết rõ Cadbury,
nhưng hôm đó ông ta không có mặt tại Hội quán. Anh bồi bàn cho Miller biết là nếu
ban đêm Cadbury không đến thì thế nào trưa hôm sau ông ta cũng sẽ có mặt.
Chàng phóng viên trẻ mướn phòng tại khách sạn Dreesen, một
tòa nhà được xây cất từ thế kỷ mười chín, được Hitler ưa chuộng nhất trong số
hàng ngàn khách sạn trong nước. Khách sạn Dreesen được nhà độc tài Đức chọn làm
nơi gặp gỡ Thủ tướng Anh Neville Chamberlain vào năm 1938.
Miller dùng cơm tối tại Hội quán Cercle Francais, nhấm nháp
tách cà phê, đợi chờ trong hy vọng Cadbury sẽ xuất hiện. Nhưng gần đến nửa
khuya mà không thấy tăm tích Cadbury đâu, Miller gọi bồi bàn trả tiền và trở về
khách sạn.
Ngày hôm sau, lúc gần nửa trưa, Cadbury xề đến quầy rượu tại
Hội quán Cercle Francais. Ông vẫy tay chào một vài bạn hữu và ngồi xuống chiếc
ghế quen thuộc cạnh quầy rượu. Miller bước dậy khỏi bàn tiến về phía Cadbury.
- Ông Cadbury?
Cadbury xoay người lại, quan sát Miller.
- Phải. - Ông gật đầu đáp.
- Tôi là Peter Miller, phóng viên tự do tại Hamburg. Xin
phép ông được tiếp chuyện với ông trong vài phút.
Cadbury ra dấu cho chàng ngồi xuống chiếc ghế cạnh ông. Ông
nói:
- Tôi nghĩ ông nên nói tiếng mẹ đẻ, dễ dàng cho ông hơn. Tôi
có thể làm điều chi giúp ông?
Miller kể lại câu chuyện từ đầu, từ lúc bắt gặp Tauber tự tử.
Cadbury chăm chú nghe, không ngắt lời Miller. Khi chàng dứt lời, Cadbury nốc trọn
ly rượu Ricard và ra dấu cho anh bồi châm một ly khác cho ông và một chai la ve
cho Miller.
- Ông dùng bia Spatenbrau? - Cadbury hỏi.
Miller gật đầu.
- Nào, mời ông cạn ly. - Cadbury nói. - Ông gặp đúng chuyện
kẹt. Tôi phải thành thật thán phục tánh kiên trì của ông.
- Kiên trì? - Miller thắc mắc.
- Phải. Vì chuyện của bạn không phải là loại chuyện thích hợp
để mở cuộc điều tra trong hiện tình nước Đức, nhất là sau khi ông bạn đã trải
qua vài kinh nghiệm buồn tức.
- Có rồi. Chuyện thường. Tôi không quan tâm lắm.
- Thôi. Chúng ta đi kiếm gì ăn trước đã. Chuyện đâu còn có
đó. Vợ tôi hôm nay đi vắng nên đi ăn tiệm một bữa không sao!
Trong bữa cơm Miller hỏi Cadbury có mặt tại Đức sau đệ nhị
thế chiến không.
- Có. - Cadbury trả lời Miller. - Lúc đó tôi làm đặc phái
viên. Dĩ nhiên còn trẻ hơn bây giờ nhiều. Tôi đến Đức với quân của Montgomery,
nhưng không đến Bonn liền, vì lúc đó có ai biết Bonn là thành phố nào đâu? Tôi ở
lại đây từ đó đến giờ.
- Ông có theo dõi những vụ án xử tội phạm chiến tranh không?
- Có. Tôi tường thuật tất cả những vụ án xảy ra trong khu vực
do Anh chiếm đóng. Những tội phạm sáng giá nhất trong khu vực này là Josef
Kramer và Irma Grese. Ông nghe nói đến bọn này bao giờ chưa!
- Chưa!
- Biệt danh của chúng là Ác Quỷ và Nữ Quái Belsen. Biệt danh
này do tôi đặt ra. Ông biết Belsen không?
- Một cách mơ hồ thôi. Ít ai chịu nói rõ vấn đề này cho thế
hệ chúng tôi rõ lắm. Không ai chịu hé môi cho chúng tôi biết một điều gì cả.
Cadbury nhìn Miller với cặp mắt đầy ngạc nhiên.
- Và bây giờ ông muốn biết chứ gì?
- Sớm muộn gì chúng tôi cũng phải biết những gì người ta
bưng bít, giấu chúng tôi. Phiền ông cho tôi hồi điều này: Ông có ghét dân Đức
không?
Cadbury suy nghĩ trong giây phút:
- Sau khi phát hiện ra lò sát sinh Belsen, một phái đoàn
phóng viên biệt phái cho quân đội Hoàng Gia được đưa đến xem tận nơi. Thú thật
với ông, tôi chưa bao giờ mục kích cảnh tượng nào ghê tởm hơn cảnh tượng tại
Belsen lúc đó. Tôi đã thấy nhiều điều ghê tởm trong chiến tranh, nhưng Belsen
thì hết chỗ nói. Kinh khủng lắm. Và lúc đó tôi căm thù dân Đức.
- Nhưrg bây giờ?
- Bây giờ thì hết rồi. Ông nghĩ xem. Tôi cưới vợ Đức năm
1948. Tới sinh sống tại Đức từ đó đến nay. Nếu tôi thù ghét dân Đức như đã từng
làm trong những năm 45 thì đâu có lý do nào tôi còn ở lại đây? Và cưới vợ người
Đức nữa!
- Tại sao ông thay đổi lập trường?
- Thời gian. Thời gian đã cho tôi nhận thức rằng không phải
toàn thể dân Đức đều là Josef Kramer hay Irma Grese hết, hoặc tên…? Roschmann?
Phải, Roschmann. Nhưng dù vậy - nói ông đừng giận - tôi vẫn còn hoài nghi những
công dân Đức thuộc thế hệ tôi lắm!
- Còn thế hệ trẻ chúng tôi? - Miller hỏi lại.
- Khả hơn nhiều! Bắt buộc phải khá mới tạo nên nước Đức ngày
nay! - Cadbury đáp.
- Ông có thể giúp tôi điều tra vụ Roschmann được không? -
Miller hỏi, - vì ngoài ông ra tôi không biết phải nhờ vả ai khác!
- Nếu tôi có khả năng. - Cadbury đáp. - Ông muốn biết điều
gì?
- Ông thử nhớ lại xem Roschmann đã từng bị đem ra xét xử lần
nào chưa?
Cadbury lắc đầu:
- Chắc chắn chưa bao giờ. Lúc nãy ông có nói hắn sinh tại
Áo, lúc đó đang bị Tứ Cường đô hộ. Tôi dám cam đoan với ông là Roschmann chưa từng
bị đem ra xét xử trước tòa án thuộc thẩm quyền khu vực chiếm đóng của Anh, vì
tôi nhớ rõ tên từng phạm nhân một!
- Nhưng tại sao nhà cầm quyền Anh lúc đó lại xin một phó bản
của hồ sơ Roschmann nơi Trung Tâm Hồ Sơ Hoa Kỳ?
Cadbury suy nghĩ trong giây phút.
- Có thể nhà cầm quyền Anh lúc đó để ý đến một khía cạnh nào
đó trong vụ Roschmann. Lúc đó không ai biết gì về Riga cả, vì thái độ của Nga
Sô ngổ ngáo vô cùng. Họ không phổ biến cho chúng tôi biết những gì họ tìm thấy
được tại miền Đông do họ chiếm đóng. Nhưng có lời đồn đại cho rằng phần lớn tội
ác của bọn SS đều xảy ra tại miền Đông. Chúng tôi đứng trước vấn đề là có khoảng
tám mươi phần trăm tội ác chống lại nhân loại xảy ra tại miền Đông, trong khi hết
chín mươi phần trăm tội phạm hiện còn tại đào tại ba khu vực Tây phương. Hàng
trăm phạm nhân hạng gộc lọt khỏi tay chúng tôi vì chúng tôi không được thông
báo những gì chúng đã làm tại miền Đông. Về phần Roschmann, nếu hắn bị bắt điều
tra vào năm 1947, tất nhỉên chúng tôi phải biết.
- Ông nhận xét đúng như tôi nghĩ vậy. Nếu muốn bắt đầu một
cuộc điều tra từ phía nhà cầm quyền Anh, người đầu tiên phải đi đến gặp là ai? -
Miller hỏi.
- Cadbury này đây, và hồ sơ cá nhân của “già” này, hiện được
lưu trữ cách đây không xa mấy!
Rất may, Cadbury là con người thật ngăn nắp, vì nhà báo lão
thành đã lưu giữ tất cả những bản tin do ông tường thuật từ lúc chiến tranh chấm
dứt cho đến nay. Phòng làm việc cùa Cadbury đầy dẫy những hộc hồ sơ xếp thành
hàng dọc theo hai bên tường, Ngoài ra còn có hai tủ sắt kê nơi hai góc tường.
- Tôi có phương pháp riêng để lưu trữ hồ sơ, và tôi là người
duy nhất biết sử dụng nó. Đây, để tôi chỉ ông xem. - Cadbury đi về phía các tủ
sắt.
- Một trong hai tủ này chứa vô số hồ sơ cá nhân sắp theo mẫu
tự. Tủ kia chứa những tiết mục cũng liệt kê theo mẫu tự. Chúng ta bắt đầu khai
thác tủ thứ nhất. Hãy tìm chữ Roschmann xem.
Tủ đựng hồ sơ cá nhân không có tên Roschmann.
- Thôi được! - Cadbury nói. - Bây giờ chúng ta thử tìm trong
tủ tiết mục. Hãy tìm tiết mục Nazi, sau đến SS. Nếu không có thì mình thử tìm
tiết mục tư pháp gồm có nhiều tiểu hồ sơ, một trong số này gom góp tất cả những
mẩu tin liên quan đến những vụ án, phần lớn của những tên sát nhân chiến tranh
được xử tại Tây Đức từ năm 1949 trở về sau. Nào, bắt đầu nhé!
Cadbury đọc mau hơn Miller, nhưng cả hai phải thức gần đến nửa
đêm mới đọc xong tất cả những mẩu tin trong bốn tiết mục. Cadbury đóng tập hồ
sơ “Tội ác chiến tranh” lại cho vô tủ sắt.
- Rất tiếc, tôi phải đi có việc. Hồ sơ chót còn lại là những
chiếc hộc hai bên tưòng này! - Cadbury nói.
Miller hỏi:
- Trong đó có những gì?
- Trong đó là tất cả những bản tin do tôi ghi nhận và gửi về
tòa soạn trong suốt mười chín năm qua, và những mẩu tin khác liên quan đến Đức
và Áo quốc. Một năm có chừng sáu hộc như vậy. Khá nhiều! Nhưng không sao. Ngày
mai Chúa Nhật, tôi không có việc gì để làm, và chúng ta có thể bỏ ra một ngày
dài để đọc hết nếu ông muốn.
- Thật làm phiền ông quá!
Cadbury lấc đầu:
- Tôi không biết phải làm gì cho qua ngày lễ, vả lại thứ hai
vợ tôi mới về. Mười một giờ rưỡi mai ông gặp tôi tại Cerclc Franẹais nhé!
Vào xế chiểu ngày Chủ Nhật, Cadbury và Miller mới tìm ra điều
mong muốn. Anthony Cadbury đọc gần hết những mẩu tin đựng trong hộc đề “Tháng
11, 12 năm 1947”, bỗng hét lớn “Eureka” và lấy ra một tờ giấy đánh máy với hàng
chữ “23 tháng 12 năm 1947”.
- Không có gì lạ khi ít ai để ý đến mẩu tin này. Không ai
thèm để ý đến một tên Đại úy SS trước ngày Chúa ra đời cả! - Cadbury đặt mảnh
giấy lên bàn làm việc và hạ thấp ngọn đèn xuống. Miller gập người xuống đọc.
“23 tháng 12
năm 1947. Nhà Cầm Quyền Quân Sự Hoàng Gia Anh.
Một cựu Đại úy
của Tổ Chức dã man SS đã bị Nhà Cầm Quyền Quân Sự Hoàng Gia Anh Quốc bắt giữ tại
Graz, và hiện đang bị giam giữ để chờ điểu tra bổ túc, phát ngôn viên chánh thức
của Nhà Cầm Quyền Anh Quốc cho biết như trên.
Eduard
Roschmann bị nhận diện ngoài đường phố Graz bởi một cựu tù nhân của một trại tập
trung. Theo lời tố cáo của người này, Eduard Roschmann là cựu Chỉ Huy Trưởng Trại
tập trung tại Latvia. Sau khi bị theo dõi đến nơi cư trú, Rosckmann liền bị
nhân viên mật vụ Anh tóm cổ.
Phát ngôn viên
còn cho biết thêm rằng cơ quan thẩm quyển đã thụ lý nội vụ và đã yêu cầu Bộ Tư
Lệnh Khu Vực Nga Sô cung cấp thêm dữ kiện liên quan đến trại tập trung Riga. Cảnh
sát đang tìm thêm nhân chứng để buộc tội Roschmann. Đồng thời lý lịch của
Roschmann cũng đã được Trung Tâm Hồ Sơ Hoa Kỳ chính thức xác nhận, dựa trên bảng
lược đính danh sách nhân viên SS do Hoa Kỳ tìm thấy được”.
Miller đọc lại bản tin năm bảy lượt.
- Trời! Vậy thì tóm cổ hắn được rồi! - Chàng hét lên.
- Vậy ông bạn phải khao tôi một chầu mới được! - Cadbury cười
sướng thỏa.
* * *
Khi gọi điện thoại cho Memmers vào sáng thứ sáu, Sài Kíu
Tinh đã tính toán vụng về vì thời hạn giao cho Memmers điều tra Miller sẽ chấm
dứt sau 48 tiếng, tức vào ngày Chúa Nhật.
Dù vậy Sài Kíu Tinh cũng vẫn điện thoại cho Memmers tại văn
phòng từ sáng cho đến hết chiều Chúa Nhật, ngày mà Cadbury và Miller phăng ra
được manh mối liên quan đến Roschmann.
Đầu dây phía Memmers vẫn không có ai trả lời.
Mười giờ sáng hôm sau, Memmers đã có mặt tại văn phòng.
Độ nửa giờ sau, Sài Kíu Tinh gọi điện thoại đến cho hắn.
- Đồng chí gọi tôi thật hân hạnh cho tôi quá. - Memmers bốc
Sài Kíu Tinh. - Tôi mới vừa về hồi tối qua.
- Có tin tức gì không?
- Dạ có. Đồng chí có giấy bút sẵn để ghi không?
- Có. Đọc đi.
- Chủ chiếc xe Jaguar là một phóng viên tự do tên Peter
Miller. Hình dáng: độ 29 tuổi, một thước tám mươi, mắt nâu, tóc nâu. Còn một bà
mẹ góa sống tại Osdorf ngoại ô Hamburg. Miller sống riêng trong một căn phòng
thuê gần khu Steindamn ngay trung tâm thành phố Hamburg. - Memmers đọc tiếp số
điện thoại và số nhà của Miller. - Hẳn chung sống với một con vũ nữ thoát y tên
Sigrid Hahn. Hắn thường cộng tác với nhiều tạp chí bằng hình ảnh. Rất thành
công và sáng giá, chuyên về điều tra, phóng sự. Đúng như đồng chí nhận xét, hắn
thuộc loại chó săn tin.
- Biết ai bảo trợ hắn trong vụ này không? - Sài Kíu Tinh hỏi.
- Thưa đồng chí, không! Lạ quá. Không ai biết hiện nay hắn đang
làm gì hoặc đang làm việc cho ai. Tôi thử dò hỏi con nhỏ bồ hắn, tự giới thiệu
mình là thư ký tòa soạn một tạp chí nổi tiếng. Chỉ dò hỏi bằng điện thoại thôi.
Con nhỏ cho biết là không rõ hiện giờ hắn ở đâu, nhưng cho biết chiều nay thứ Hai,
hắn sẽ gọi điện thoại cho nó.
- Còn gì nữa không?
- Chiếc xe của hắn. Thuộc loại đắt tiền, hiệu Jaguar của
Anh, vói hai làn chỉ vàng hai bên hông, xe thế thao loại hai chỗ ngồi. Tôi có tạt
ngang qua ga-ra nơi hắn gửi xe!
- Tôi muốn biết hiện nay hắn ở đâu? - Sài Kíu Tinh hỏi.
- Hắn không có mặt tại Hamburg là cái chắc! Hắn rời thành phố
này vào chiều thứ Sáu sau bữa cơm trưa, ngay trước khi tôi đến đó. Hắn có dự lễ
Giáng Sinh với con bồ hắn trước khi lên đường. Trước thời gian này, hắn cũng
không có mặt tại Hamburg.
- Tôi biết!
- Tôi có thể điểu tra thêm hắn đang làm gì! - Memmers cố lập
công. - Tôi đã không điều tra sát lắm, vì đồng chí đã ra lệnh không được làm
cho hắn chú ý!
- Tôi biết hẳn đang điều tra vụ gì! Lật mặt nạ một đồng chí
của chúng ta.
Sài Kíu Tinh suy nghĩ trong giây lát:
- Đồng chí có thể tìm hiểu xem hiện nay hẳn ở đâu không?
- Thưa được. Chiều nay tôi có thể gọi điện thoại cho con bồ
hắn, viện cớ tôi cần liên lạc hắn gấp vì tòa soạn đang muốn gặp mặt hắn để bàn
bạc một vài chuyện phóng sự gì đó. Con bổ hẳn ngây ngô lắm.
- Được, đồng chí làm vậy đi ! Bốn giờ chiều nay tôiỉ sẽ gọi
lại.
* * *
Sáng thứ hai hôm đó, Cadbury gọi điện thoại cho Miller tại
khách sạn Dreesen lúc quá xế trưa,
- May quá. Gặp bạn trước khi bạn đi. Tôi nảy ra ý kiến này
hay lắm, Chiều nay gặp tôi tại Cercle Francais lúc mười sáu giờ nghe!
Sau đó Miller gọi điện thoại cho Sigi, cho biết chàng vẫn
còn ở tại khách sạn Dreesen.
Khi họ gặp nhau, Cadbury nói:
- Tôi có ý kiến này hay lắm. Nếu Roschmann bị bắt và bị nhận
diện như là một phạm nhân bị truy nã, hồ sơ của hắn thế nào cũng phải lọt qua
tay các giới chức tư pháp trong khu vực chiếm đóng của Anh. Tất cả hồ sơ được
sao ra và trao đổi giữa Anh vói Pháp và Hoa Kỳ. Ông nghe nói đến tên Russell ở
Liverpool bao giờ chưa?
- Thưa chưa!
- Russell là cố vấn luật pháp cho Toàn quyền Anh trong thời
gian Anh chiếm đóng Đức quốc. Sau này ông ta viết cuốn “The Scourge of Swastika”.
Ông có thể hình dung ra nội dung cuốn sách này. Nó không làm cho ông ta nổi tiếng
tại Đức vì nội dung của cuốn sách quá chính xác. Mô tả toàn những tội ác của bọn
SS!
- Ông ta là luật sư?
- Có thời. Rất nối tiếng. Hiện đã về hưu và sống tại Wimbledon.
Tôi không biết ông ta còn nhớ tôi không, nhất là khi ông ta mới được nâng lên
hàng quý tộc. Nhưng tôi cứ viết thơ giới thiệu cho ông.
- Không biết ông Russell nhớ dai không!
- Tôi không biết. Russell không còn trẻ nữa, nhưng hồi đó
người ta phải thán phục trí nhớ của ông ta. Nếu vụ Roschmann được ông ta thụ lý
thì tôi dám cam đoan với ông là Russell sẽ nhớ rõ chừng chi tiết một.
- Được. Cứ thử xem. Tôi có thể bay qua London để tiếp xúc với
ông ta!
Cadbury móc trong túi ra một phong bì:
- Tôi đã viết sẵn thư giới thiệu cho ông rồi.
Cadbury trao bức thơ cho Miller nói:
- Chúc ông gặp nhiều may mắn!
* * *
Memmers có sẵn tin tức khi Sài Kíu Tinh gọi điện thoại lại
lúc bốn giờ chiều.
- Miller vừa gọi cho con đào hắn! Hiện hắn đang mướn phòng tại
Khách sạn Dreesen, đường Bad Godesberg, Bonn.
Sài Kíu Tinh đặt điện thoại xuống. Hẳn lật cuốn sổ ghi địa
chỉ ra.
Đắn đo một đôi phút, hắn bốc điện thoại lên quay một hàng số,
hàng số điện thoại tại Bonn, khu vực Bad Godesberg.
* * *
Miller trở về khách sạn để gọi điện thoại ra phi trường
Cologne đặt chỗ đi London vào ngày hôm sau, thứ Ba 31 tháng 12.
Khi đến quầy khách sạn để lấy chìa khóa lên phòng, cô tiếp
viên ngồi sau quầy cười mỉm với chàng, chỉ tay về phía phòng khách nói:
- Có người muốn gặp ông.
Chàng liếc nhìn về phía phòng khách. Một ngươi đàn ông ngồi
chễm chệ trên chiếc ghế bành đọc báo. Hắn chừng bốn mươi tuổi. Miller tiến về
phía người khách lạ mặt.
- Ông muốn gặp tôi?
Người khách lạ đứng phắt dậy:
- Ông Miller?
- Phải.
- Peter Miller?
- Đúng!
Ngưòi khách lạ cúi đẩu chào:
- Tên tôi là Schmidt; Bác sĩ Schmidt.
- Ông cần gặp tôi có chuyện gì?
Schmidt gượng cười, liếc nhìn cô tiếp viên nói:
- Tôi được biết ông là một phóng viên, có đúng không? Phóng
viên tự do, rầt lành nghề.
Schmidt liếm môi nói tiếp:
- Ông nổi danh vì sự gan dạ và kiên trì của ông.
Miller đứng im không nói, đợi Schmidt vô đề.
- Một vài người bạn tôi cho biết ông đang điều tra một vài sự
kiện xảy ra, cách nay lâu lắm rồi! Lâu lắm rồi!
Miller suy nghĩ xem “những người bạn” là ai, nhưng không lấy
làm lạ vì chàng đã chạy rong khắp nước để tìm tông tích của Rochmann.
- Tôi đang điều tra một tên Eduard Roschmann. Có liên quan
gì tới ông không? - Miller gằn giọng.
- Eduard Roschmann? Tôi có thể giúp ông được. Giúp ông kết
thúc cuộc điểu tra một cách mau lẹ, vì lẽ Roschmann đã ra người thiên cổ rồi!
- Ô! Thật vậy sao? - Miller giả vờ kinh ngạc, - Vậy mà tôi
không được biết!
Bác sĩ Schmidt thích thú ra mặt:
- Bây giờ ông mới biết thì cũng chưa muộn gì. Ông mất thì giờ
điều tra, thật vô ích!
Miller tỏ vẻ thất vọng:
- Ông có thể cho tôi biết Roschmann chềt ngày nào không?
- Ông chưa đoán ra nguyên nhân cái chết của hắn sao?
- Chưa! Lần cuối cùng người ta thấy hắn còn sống, như ông với
tôi, là vào cuối tháng tư năm 1945.
- Dĩ nhiên. Hắn đã bị quân Mỹ bắn chết khi định vượt biên giới
trở về quê hương vào khoảng giữa năm 1945. Một vài người quen biết hắn từ nhỏ
đã nhận diện được thi hài của hắn.
- Roschmann quả là một nhân vật độc đáo. - Miller mỉa mai.
Schmidt gật đầu tán đồng:
- Rất nhiều người nghĩ như ông!
- Ồng hiểu lầm tôi! - Miller cải chính. - Tôi muốn nói sự độc
đáo của Roschmann ở chỗ là ngoài chúa Ki Tô ra, hẳn là người duy nhất chết đi sống
lại. Hẳn bị quân Anh bắt sống vào cuối tháng 12 năm 1947 tại Graz, Áo quốc.
Schmidt đỏ mặt. Lấy lại bình tĩnh, Schmidt nói:
- Ông Miller, ông đúng là một người điên rồ. Cho phép tôi được
khuyên ông, với tư cách một người lớn tuổi hơn ông. Hẵy bỏ qua vụ này đi!
Miller trừng mắt:
- Tôi xin cám ơn lời răn dạy của đàn anh!
- Nếu ông chấp nhận lời khuyên của tôi, tôi rất hân hạnh đón
nhận lời cảm ơn của ông!
- Ông lại hiểu lầm tôi rồi! Tôi muốn nói là có người nhìn thấy
Roschmann bằng xưong bằng thịt hồi tháng 10 vừa qua! Tin này chưa được xác nhận,
nhưng bây giờ thì khác hẳn. Chính miệng ông vừa xác nhận điều này đó!
- Tôi nhắc lại một lần nữa là nếu ông không bỏ qua vụ này
thì chắc ông phải là người mất trí quá!
Schmidt nói, nhìn Miller vói cặp mắt lang sói, lạnh như tiền,
nhưng thoáng vẻ sợ hãi.
Schmidt nói tiếp:
- Có người lúc đầu bảo không chịu nghe lời, nhưng sau biết
nghe, thì đã quá trễ.
Miller giận điên người lên :
- Bác sĩ! Bác sĩ làm tôi buồn nôn! - Chàng chửi. - Cá nhân
ông và bè lũ SS chúng mày! Bề ngoài làm cho người đời thán phục, nhưng đối vói
xứ Đức đã đau khổ nhiều vì bè lũ của chúng mày, nhãn hiệu Bác sĩ của ông chỉ là
một đống c... thối, một đống c... thối tha nhất. Ông đừng khuyên răn tôi chi
cho phí sức già, vì tôi đã quyết định tìm cho ra Roschmann, và tôi sẽ thộp cổ hắn
bằng bất cứ giá nào.
Miller quay lưng bỏ đi, nhưng Schmidt kéo tay chàng lại.
- Miller! Ông đâu phải là dân Do Thái? Ông thuộc giống người
Aryan, một cá nhân xuất sắc trong tập thể dân tộc chúng ta! Chúng tôi đã làm gì
hại ông đâu? Có Trời chứng giám! Chúng tôi có hại gì ông đâu?
- Thế hệ của ông! Cả một lũ thối tha như nhau!
- Đồ cứng đầu! - Schmidt bực tức nói.
- Vì thế hệ trẻ chúng tôi như vậy đó! Nói đúng hơn vì tính ù
lỳ của tôi như vậy đó.
Schmidt nheo mắt nói với theo Miller:
- Ông không có vẻ gì là một con người dại khờ, nhưng cách cư
xử và hành động của ông như là một thằng khùng! Như một sinh vật dị hợm luôn
luôn bị cái gọi là lương tâm sai bảo. Tôi nghi ngờ động lực của ông trong vụ
này quá! Chắc phải có chuyện gì riêng tư trong đó!
Miller quay mặt lại nói:
- Có lẽ vậy!
------------
Còn tiếp.
------------
Còn tiếp.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét