Thứ Bảy, 7 tháng 4, 2018

Khi Yêu Cần Nhiều Dũng Cảm - (Chương 31, 32, 33, 34)

KHI YÊU CẦN NHIỀU DŨNG CẢM

Tác giả: Chetah Bhagat
Người dịch: Nguyễn Thị Hương Thảo
NXB Hội Nhà Văn, 05-2015

31

- Thưa cô, cháu vào được chứ ạ? - tôi hỏi.
Mẹ Ananya nhìn tôi qua cửa lưới với đôi mắt lờ đờ. Bà mặc một bộ đồ ngủ; tôi đã quấy rầy giấc ngủ trưa của bà.
Tôi đã bảo với các nhân viên của mình là tôi sẽ ra ngoài ăn trưa muộn. Trước khi tới nhà họ, tôi đã ghé qua cửa hàng Grand Sweets và mua hai cân Mysore pak. [Một thứ đồ ăn ngọt, được nấu từ bột, đường và sữa trâu, thường được dùng làm món tráng miệng].
Bà mở cửa. Tôi bước vào. Bà vào trong nhà để thay quần áo. Tôi lật giở tờ Người Hindu cho tới khi bà quay trở lại.
- Chú đã về chưa ạ? - tôi hỏi.
- Ông ấy về tối qua. - Bà ngáp. - Nhưng giờ ông ấy đang ở văn phòng.
- Cháu xin lỗi đã đánh thức cô, - tôi nói và đưa bà hộp kẹo.
- Cái gì thế?
- Cháu muốn xin lỗi vì bữa tối hôm đó.
Bà giữ yên lặng và nhìn chiếc bàn cà phê.
- Cháu xin lỗi về chuyện ở cửa hàng Ratna. Cháu đảm bảo với cô, không hề có chuyện gì rẻ tiền xảy ra đâu ạ, - tôi nói.
- Chitra là một kẻ lắm mồm, - bà đáp. - Giờ chắc cô ta đã nói với toàn thể Mylapore rồi.
- Cháu có thể hiểu được. Người Punjab chúng cháu cũng có những người như thế. Những người thích chọc ngoáy vào cuộc sống của người khác.
Bà tảng lờ tôi. Bà bước vào bên trong để cất kẹo vào tủ lạnh. Bà quay trở lại với một cốc nước và thứ bánh vòng xoắn, cứng, giòn, chẳng có mùi vị gì của gia đình họ.
Tôi lấy một cái. Răng tôi phát đau khi cố cắn nó. Tôi lấy cái vòng ra khỏi miệng và ra vẻ vừa cắn một miếng bằng cách vờ nhai chóp chép. Chúng tôi có một phút im lặng ngượng nghịu.
- Thưa cô, cháu muốn cho cô xem cái này, - tôi nói và mở cặp ra. Tôi lấy những đĩa CD nhạc camatic và đưa cho bà.
- T.S. Subramanium? Của ai vậy?
- Của cháu.
- Gì cơ?
- Cháu đang cố thưởng thức. Cháu đang học, nhưng khó quá. Có swara, có hát dân gian, rồi shruti.
- Cháu biết shruti ư?
- Chỉ cơ bản thôi ạ. Cháu không phải chuyên gia như cô.
Bà đưa trả tôi những đĩa CD và cười méo mó.
- Ở Chennai cô chẳng là ai cả. Thậm chí Chitra còn khá hơn cô. Cho dù người ta nói cô ta quen biết một ông hội đồng của Chennai, tay đó đã yêu cầu thầy dạy nhạc nhận cô ta. Tay hội đồng đó quản lý các địa điểm kutcheri, bởi vậy thầy phải chấp nhận cô ta. Cháu có tưởng tượng được cô ta tầm thường thế nào không?
- Phải có những ông thầy khác chứ, - tôi nói.
- Cô đã chuẩn bị sẵn sàng cho một ông giỏi hơn. Dù sao đi nữa, cô xin lỗi vì đã phản ứng thái quá hôm đó.
- Không, không, cô không phải xin lỗi. Cháu tới để xin lỗi mà. Và có một đề nghị nhỏ.
- Đề nghị? Cháu đề nghị gì cô? Dù sao người trẻ các cháu toàn làm bất cứ gì mình muốn mà.
- Không, chuyện này không phải về Ananya và cháu. Chuyện này là về nhạc hội của Citibank.
Trong vòng nửa tiếng sau tôi giải thích cho bà về sự kiện sắp tới. Tôi nói với bà về địa điểm ở Fisherman’s Cove, có những ai ở Chennai chúng tôi chờ đợi xuất hiện ở đó, nhạc hội phổ thông kéo dài hai giờ được phân ra cho ba ca sĩ, và tôi muốn bà là một trong số họ.
- Cô ư? - bà nhắc lại, sốc.
- Vâng, - tôi nói.
- Cô đã bao giờ hát nhạc phổ thông đâu, - bà nói.
- Cô có chất giọng đã được rèn luyện. Hãy bật kênh MTV và xem những bài trong bảng xếp hạng mới nhất. Ba bài Kollywood, ba bài Bollywood. Thế là xong.
- Tại sao lại là cô? - bà hỏi, vẫn còn bối rối.
- Thực ra, chúng cháu đang tuyệt vọng. Chúng cháu cần ba ca sĩ mà mới chỉ tìm được hai. Sếp cháu giao cho cháu tìm ca sĩ thứ ba. Bởi thế, cơ hội thăng tiến của cháu phụ thuộc vào cô đấy.
- Hai ca sĩ kia là ai?
- Họ có chút tiếng tăm. Bởi vậy, người thứ ba phải là người mới để cân bằng.
- Ai thế?
- Hariharan và S.P. Balasubramanium, - tôi nói.
Miệng bà há hốc. Bà đứng dậy và ra khỏi phòng. Tôi theo bà vào trong bếp.
- Thưa cô, không có gì đáng ngại đâu. Đây đâu phải là nhạc hội đại chúng.
Bà trả lời bằng cách đặt một chảo rán lên bếp và đổ dầu vào. Khi dầu đã nóng, bà rắc hạt mù tạt và lá cà ri vào. Mùi hăng tỏa khắp căn bếp. Tôi ho hai cái.
- Thấy chứ, đây là việc cô làm cả ngày. Cô nấu nướng, cô không biểu diễn. Cô chỉ là nghiệp dư thôi. Cô thậm chí còn chẳng dám ngồi trước mặt Hariharan và S.P., chứ đừng nói đứng chung sân khấu.
- Đó là một tối vui vẻ, chứ không phải một cuộc thi. Họ sẽ hát sau cô.
Bà bỏ hành thái nhỏ vào trong chảo. Mắt với cổ họng tôi bỏng rát.
- Cô, cô đã bao giờ biểu diễn trên sân khấu chưa ạ?
- Chưa. À mà có, một vài lần trong các sự kiện ở Tamil Sangam nơi bố Ananya làm việc hồi trước. Nhưng lần này, khách sạn năm sao, tầng lớp cao, Hariharan… Cháu đã có Hariharan rồi, sao lại cần đến cô nữa?
- Chỉ có những ca sĩ chuyên nghiệp thôi thì trông tính thương mại quá. Chúng cháu muốn khách hàng của mình cảm thấy như ở nhà. Có được bầu không khí thân thuộc thì tuyệt, - tôi nói.
Bà lắc đầu. Tôi tiếp tục thuyết phục bà cho tới khi bà đã nấu xong bữa tối với rasam cà chua, cơm chanh và bhindi rán. Tôi đã học được công thức làm rasam và giờ đây có thể tự mình làm từ đầu. Dù vậy, tôi vẫn chưa thể lôi kéo bà được.
- Sao cháu lại làm việc này. Chẳng phải cô đã chấp nhận lời xin lỗi của cháu rồi sao?
- Đó không phải lý do cháu làm việc này đâu ạ.
- Thế thì tại sao? - Bà đậy đồ ăn lại bằng những chiếc đĩa.
- Cháu làm bởi cháu nghĩ cô là một ca sĩ tốt.
- Làm sao cháu biết điều đó?
- Bởi vì Ananya đã bảo cháu. Cô ấy cũng nói rằng cô đã rèn luyện suốt cuộc đời mình. Và cháu tin cô ấy.
Bà nhìn tôi.
- Đừng nói với cháu rằng ý tưởng đó không làm cô phấn khích. Dù chỉ một chút thôi sao? - tôi nói khi chúng tôi quay trở lại phòng khách.
- Tất nhiên, đó là một vinh hạnh lớn, nhưng cô không thể.
- Đừng nói rằng cô không thể. Nào, chúng ta sẽ giữ nó là một bí mật bất ngờ nhé. Chúng ta sẽ không nói với chú. Nếu cô muốn, chúng ta thậm chí sẽ không nói với Ananya nếu cô muốn.
Chúng tôi ngồi xuống xô pha. Tôi để ý thấy chai whisky vẫn ở mức cũ như lúc tôi để lại.
- OK, vậy thế này nhé. Bây giờ cô cứ tạm nhận lời. Cô chuẩn bị các bài hát khi Ananya và chú không ở nhà. Nếu đến lúc tổ chức nhạc hội, cô muốn rút, cô cứ bảo cháu từ tối hôm trước đó và cháu sẽ thu xếp. Không thì cô cứ thử đi. Vậy cô nhé?
- Đến cuối thì cô sẽ lại nhát chết thôi, - bà hứa.
- Cháu sẽ mạo hiểm. Đi mà, cô, - tôi nói.
Bà lặng yên mười giây, nhưng cuối cùng bà khẽ gật đầu một cái. Tôi bật lên trên ghế xô pha đầy phấn khích.
- Tuyệt lắm, việc luyện tập của cô bắt đầu ngay bây giờ, - tôi nói và cầm điều khiển ti vi lên bật kênh MTV.
- Những bài hát này là gì thế? - bà nói khi màn hình hiện lên hai trăm vũ công Nam Ấn đang nhảy trên Vạn Lý Trường Thành của Trung Quốc.
- Cháu sẽ để cô tự tìm hiểu. Còn bây giờ, cháu phải đi làm đây, - tôi nói, - Citi không bao giờ ngủ, nhưng Citi cũng không nên bỏ việc ở văn phòng.
Tôi giật nắm tay vui sướng khi rời khỏi nhà Ananya.

32

Những người ở gần ta nhất có quyền năng để quấy rối ta nhiều nhất. Đáng lẽ tôi nên xé bỏ bức thư của bố tôi. Cuối cùng tôi đã phải đọc nó ba lần.

Con trai,
Bố đã bỏ đi chữ “Thân mến” bởi vì bố không chắc bố có thể gọi con như thế nữa không. Bố biết ngay từ cái ngày con bất kính với bố mình thì con đã đi sai đường rồi. Bố chắc chắn con nhớ ngày đó. Con đã dứt mọi mối liên hệ với bố kể từ khi đó.
Bố đã biết rằng con có quan hệ với một cô gái ở Chennai. Bố không biết chi tiết thế nào. Bố chỉ có thể suy luận ra được chừng đó từ những cuộc trò chuyện của mẹ con với những người họ hàng vô dụng của bà ấy.
Đáng lẽ chúng ta phải là người chọn bạn gái cho con, chứ không phải con. Bởi vì con đang trên đường trở thành một người đàn ông có tư cách thấp kém. Bởi những thứ giá trị mà mẹ con và chị em của bà ấy đã cho con, có lẽ con thậm chí không biết những hành động của con đáng hổ thẹn nhường nào.
Việc con chọn cách che giấu bố những hành động của mình chỉ chứng tỏ thêm rằng ở một mức độ nào đó con cũng hổ thẹn về những hành động ấy.
Thật chẳng may,
Bố của con

Tôi thay đổi tư thế ngủ của mình tới lần thứ mười. Tôi muốn ngủ, nhưng lại thấy tỉnh hơn bất cứ lúc nào ở văn phòng. Quên chuyện đó đi, ông ấy chỉ muốn chọc tức mày thôi, tôi tự nhủ một lần nữa. Giờ đi ngủ, ngay! Tôi gắt lên với bản thân mình. Có một điều buồn cười về giấc ngủ là không phải ta cứ bảo thì nó sẽ đến. Tâm trí ta biết những chuyện gì đã xảy ra và nhắc lại cho ta - muộn rồi, chỉ năm tiếng nữa là ta lại phải thức giấc, ta cần phải nghỉ ngơi. Tâm trí ta cũng có hàng triệu lựa chọn để cân nhắc; những ngôi sao trên bầu trời trong không trăng, những bông hoa đẹp ở cửa hàng hoa Nungambakkam, mùi nhang ở nhà Ananya, bữa tiệc sinh nhật tuyệt vời nhất của ta. Đâu đó trong đầu ta lúc nào cũng có những suy nghĩ tích cực. Nhưng bằng cách nào đó, chỉ cần một suy nghĩ tiêu cực thôi cũng đủ đánh bay chúng ra. Có lẽ đó là cơ chế tiến hóa để chúng ta có thể tập trung vào những vấn đề trước mắt hơn là vui thú với tất cả những thứ tuyệt vời trên trần thế. Nhưng nó cũng làm cho cuộc sống trở nên thật khốn nạn, vì những ký ức tốt đẹp cứ phải dọn chỗ cho những nỗi đau dai dẳng sắp đến. Và người ta được gì khi mất ngủ? Tôi hy vọng gien của chúng ta có thể đột biến mau chóng để chúng ta tiến hóa thoát khỏi chuyện này.
Hồi ức về cái ngày mà bố tôi đã nhắc tới lại trở về. Ông định diễn vở tuồng như thế nào nếu tôi nói với ông về kế hoạch cưới xin của tôi? tôi nghĩ. Ngủ đi, đồ ngốc, chỉ còn bốn tiếng nữa là phải dậy rồi, tâm trí tôi gắt gỏng với tôi.
Não tôi từ chối nghỉ ngơi. Tôi bật ra khỏi giường lúc hai giờ sáng và gọi về nhà.
- A lô, - mẹ tôi nói giọng ngái ngủ.
- Con xin lỗi, là con đây ạ.
- Krish? Mọi việc ổn chứ? - bà kêu lên hoảng hốt.
- Vâng, - tôi nói.
- Có chuyện gì vậy?
- Bố đã gửi thư cho con. Con khá là bức bối.
- Ồ, thật vậy sao? Trong đó viết gì thế?
- Điều đó không quan trọng. Ông ấy biết chuyện Ananya.
- Bạn con hả? Ừ, thế thì sao?
- Mẹ, cô ấy không chỉ là bạn. Con muốn cưới cô ấy.
- Ôi, Krish, đêm hôm rồi đừng nói chuyện này nữa. Bạn gái thì cũng tốt thôi, ở Chennai thì cứ làm bất cứ điều gì con muốn. Nhưng sao con lại ép buộc chúng ta phải theo con bé chứ?
- Con không ép buộc gì cả, con đang nói với mẹ về sự lựa chọn bạn đời của con, - tôi lớn giọng.
- Đừng có gào lên thế.
- Con xin lỗi.
- Nếu có gan thì đi mà gào lên với bố con ấy.
- Con không nói chuyện với ông ấy đâu. Mẹ biết con không quan tâm mà.
- Thế thì sao con lại bận tâm đến lá thư đó?
Tôi im lặng.
- A lô? - mẹ tôi nói sau năm giây sau.
- Con đây, - tôi nói. Giọng tôi dịu lại.
- Con không sao chứ?
Tôi kìm nước mắt khi nói.
- Con thấy cô độc lắm, mẹ ạ. Bố đâu cần cho con cái cảm giác này chứ.
- Xé lá thư và vứt nó đi.
- Ở đây con cũng đang phải đấu tranh với bố mẹ Ananya. Đây là một thành phố xa lạ, con chẳng được chào đón ở đâu cả. Và giờ đến lượt mẹ nghĩ con đang ép buộc mẹ, - tôi nói và không thể kiểm soát bản thân mình nữa. Tôi giữ chặt điện thoại và khóc.
- Thôi nào Krish, đừng, - mẹ tôi nói.
Tôi trấn tĩnh lại và dùng chân trái mở tủ lạnh. Tôi lấy ra một chai nước và uống.
- Con phải làm sao đây? - tôi hỏi khi đã bình tĩnh trở lại.
- Quay về đi. Sao con không xin chuyển công tác về Delhi?
- Con mới chỉ tới đây được có sáu tháng.
- Cứ nói là ở nhà có việc. Nói với họ là mẹ ốm.
- Mẹ, thôi mà.
- Nếu cần thì bỏ việc cũng được. Chúng ta sẽ tìm một công việc khác. Có ngân hàng Canara ngay đối diện với nhà ta.
- Mẹ, con đang làm cho Citibank, một ngân hàng đa quốc gia.
- Chẳng sao, chúng ta sẽ tìm một ngân hàng đa quốc gia. Hãy hứa với mẹ là con sẽ xin điều chuyển nhé. Đừng có kẹt lại thành phố đó với những người da đen kinh khủng.
- Mẹ, không phải tất cả bọn họ đều xấu.
- Mẹ không quan tâm. Con không xin điều chuyển là mẹ gửi thư tới sếp của con đấy. Mẹ sẽ nói tôi là một bà già và ông phải xem xét lời thỉnh cầu của tôi trên khía cạnh nhân đạo.
- Mẹ, hãy hứa với con mẹ sẽ không bao giờ làm bất cứ chuyện gì như thế, - tôi nói và cười vì sự lựa chọn từ ngữ của bà chịu ảnh hưởng của các cơ quan nhà nước Ấn Độ.
- Thế thì con làm điều đó đi.
- Con sẽ làm, mẹ ạ. Con phải hoàn thành một vài thứ trước đã. Con đang sắp tới đích rồi, - tôi nói và lấy lại bình tĩnh.
- OK, giờ con ổn rồi chứ? - bà hỏi.
- Vâng, con ổn.
- Tốt. Và đừng nhận bất cứ thứ vớ vẩn nào từ lũ người Madras đó, trả lại cho bọn họ. Bọn họ sẽ sợ quýnh lên ấy mà.
- Vâng, mẹ.
- Và đừng tính chuyện nghiêm túc với cô gái đó.
Chuyện đó thì đã quá trễ rồi, mẹ ạ, tôi nghĩ.
- Chúc mẹ ngủ ngon, - tôi nói.
- Mẹ yêu con. Chúc ngủ ngon, - bà nói và gác máy.
Tôi quay trở lại giường và quăng lá thư vào sọt rác. Tôi cảm thấy nhẹ nhõm sau khi nói chuyện với mẹ và chìm vào giấc ngủ sau năm phút. Thế giới này sẽ thế nào nếu không có các bà mẹ nhỉ?

33

- Xe máy cơ à? - Mặt Ananya sáng bừng khi tôi tới đón cô trên một chiếc Yamaha RX 100 màu đen.
- Xe của Bala đấy, - tôi nói.
Ananya ngồi ở yên sau trong bộ slawar kameez màu hạt dẻ, dùng chiếc khăn choàng trắng để che đầu và mặt. Trông cô như người của băng nhóm tội phạm Veerappan.
Pondicherry cách Chennai một trăm bốn mươi ki lô mét, theo đường East Coast, chạy dọc Vịnh Bengal. Fisherman’s Cove nằm trên tuyến đường đó, cách thành phố Chennai hai mươi ki lô mét.
Chúng tôi rời khỏi văn phòng của Ananya ở Anna Salai. Cô ngồi đằng sau tôi và giữ chặt khung hông xe. Nhưng đến lúc chúng tôi rời khỏi thành phố ở đường Lattice Bridge, cô chuyển từ nắm thanh khung sang hai vai tôi. Chúng tôi đi đường Old Mahabalipuram, nó sẽ dẫn chúng tôi đến đường East Coast.
- Đẹp quá, - tôi nói khi biển hiện ra trước mắt.
- Em đã bảo rồi mà. - Ananya hôn một cái vào sau gáy tôi.
Chúng tôi dừng ở Fisherman’s Cove, tôi gặp qua người phụ trách hậu cần một chút. Mọi việc chuẩn bị cho sự kiện của Citibank có vẻ đang nằm trong tầm kiểm soát. Chúng tôi rời khỏi khu resort đó và lại quay trở lại đường East Coast. Lái xe tiếp một tiếng sau, chúng tôi vượt qua Mahabalipuram. Có những ngôi đền tạc từ vách đá đẹp đến mức kinh ngạc giáp với biển.
- Chà, những ngôi đền này đẹp quá, - tôi nói khi những cơn gió lùa vào tóc mình.
Ra khỏi Mahabalipuram một giờ thì hết đường East Coast. Những con đường trở nên hẹp hơn. Chúng tôi đi qua vài thị trấn nhỏ với những cái tên dài và những cánh đồng mênh mông. Tôi phải dừng lại ở một số chỗ để nhường đường cho những chiếc xe bò, những đứa trẻ trong làng đi học và những đàn dê. Chúng tôi đến Pondicherry vào khoảng giữa trưa, và phản ứng đầu tiên của tôi là thất vọng.
- Nó đây ư? - tôi hỏi khi tới khu trung tâm của thành phố.
Nó cũng giống như bất cứ thành phố nhỏ nào khác trên đất Ấn, bụi bặm và ồn ã với những biển quảng cáo Coca sơn trên những bức tường lồi lõm.
- Phần thú vị ở bên trong cơ, khu phố cổ Pháp và tu viện Aurobindo, - Ananya nói khi tôi lượn vào khúc cua gấp trên một con đường dài cùng với năm mươi chiếc xe hai bánh khác và bốn chiếc xe tải.
Thứ Pháp duy nhất mà tôi thấy là một tấm biển cỡ lớn quảng cáo đồ lót mang nhãn hiệu Frenchie.
- Thả em xuống đây, - Ananya nói khi chúng tôi đi qua đường Cuddalore, HLL có một nhà máy ở đây.
Tôi có ba tiếng để giết thời gian ở cái thành phố Magudi này vì Ananya có một cuộc họp kéo dài qua trưa. Chúng tôi đã thống nhất gặp nhau ở khách sạn L’Orient lúc bốn giờ để uống cà phê.
Tôi lái xe ra khỏi khu phức hợp nhà máy và theo các biển chỉ dẫn tới tu viện Aurobindo trên đường Rue de la Marine. Tu viện trông như một cư xá yên lặng bên bãi biển. Tôi bước tới quầy tiếp đón. Khách nước ngoài đang xúm xít ở hành lang nhiều hơn người Ấn Độ.
Một người phụ nữ Tây phương chừng bốn mươi tuổi, mặc sari và đeo vòng hạt trên cổ ngồi ở quầy.
- Anh đang tìm gì? - bà hỏi tôi.
Có thể vì đang ở một tu viện, hoặc do cái cách nói của bà, tôi đâm ra nghi ngờ dụng ý của câu hỏi đó. Tôi nhìn bà. Bà có đôi mắt xanh lơ đầy nếp nhăn xung quanh.
- Tôi tới đây lần đầu, - tôi thú nhận.
Bà đưa tôi cuốn sách giới thiệu về tu viện. Một người khác bước qua và mua vé đồ ăn.
- Tôi mua bữa trưa ở đây được chứ? - tôi hỏi.
- Được, ở phòng ăn lớn của tu viện, - bà nói và đưa tôi cuốn sổ vé.
Tôi mua một vé cho mình.
- Đi với tôi, tôi sắp tới đó, - bà nói và bước ra khỏi quầy tiếp tân với tôi.
Chúng tôi bước dọc một lối đi kế bên tu viện. Phòng ăn cách đó nửa cây số. Bà nói với tôi tên bà là Diana và bà tới từ Phần Lan. Từng là một luật sư, giờ bà cảm thấy mãn nguyện khi làm tình nguyện ở tu viện hơn là giúp bảo vệ những sáng chế của Nokia.
- Tôi làm việc cho Citibank, - tôi nói. Tôi có niềm thôi thúc kể với bà về giấc mơ trở thành nhà văn, nhưng tôi không nghĩ mình biết đủ nhiều về bà.
- Cậu là người tìm kiếm hay đến đây như một du khách? - Bà đưa tôi tờ vé.
- Người tìm kiếm?
- Đúng thế, nếu như cậu muốn tìm kiếm lối đi của mình. Hoặc muốn tìm kiếm câu trả lời cho một vấn đề nào đó.
- Thành thực mà nói, tôi tới cùng với một người bạn có chút việc ở đây. Tôi muốn có một ngày rời xa văn phòng.
Diana cười to. Chúng tôi tới phòng ăn và lấy những chiếc khay inox. Chúng tôi bước vào khu vực ăn, tất cả mọi người đều ngồi trên sàn. Bữa trưa đơn giản - cơm gạo nâu, đậu láng vàng hầm và cà rốt cùng với đậu subzi.
- OK, vậy tôi đang tìm kiếm một câu trả lời. Tôi có thể tìm thấy nó ở đâu?
- Câu trả lời nằm trong chính bản thân chúng ta. Người ta ở trong tu viện một vài tuần để nhìn vào nội tâm mình, họ dự satsang và đặt câu hỏi với các guru. Cậu có bao nhiêu thời gian? [Guru: người thầy hay thủ lĩnh tinh thần trong đạo Hindu]
- Hai tiếng nữa tôi phải tới gặp bạn gái đi uống cà phê. Rồi quay trở lại Chennai.
Diana mỉm cười và lắc đầu.
- Đó quả là một thời hạn quá ngắn ngủi để tìm ra những câu hỏi chưa có lời đáp trong cuộc đời.
- Thế thì có lẽ tôi không nên cố, - tôi nói.
- Đợi đã, thấy người đàn ông đó không? - bà nói và chỉ cho tôi một ông già bảy mươi tuổi mặc áo choàng trắng ngồi cách hai hàng phía trên. - Ông ấy là một guru. Tôi có thể giới thiệu cậu với ông ấy.
- Không, không, xin đừng, - tôi nói.
- Tại sao không? Nếu ông ấy bận, ông ấy sẽ nói không.
- Thưa guru Pranam, - Diana nói và chạm vào hai bàn chân ông. Tôi làm theo và ông ban phước cho chúng tôi. - Thưa guru, đây là bạn con. Tên cậu ấy là…
Diana nói và ngừng lại.
- Krish.
- Vâng, cậu ấy chỉ có hai giờ thôi. Nhưng cậu ấy muốn tìm kiếm câu trả lời cho một vài vấn đề, - Diana nói.
- Hai giờ nữa thì con phải làm gì? - vị guru hỏi, giọng điềm tĩnh.
- Cậu ấy phải tới gặp bạn gái, - Diana nói, nhấn mạnh đầy phấn khích vào hai từ cuối cùng.
- Và chắc chắn, bạn gái thì quan trọng hơn nhiều so với vấn đề đó, - vị guru mỉm cười.
- Thực ra, cô ấy chính là vấn đề, - tôi nói.
Diana nhìn tôi đầy bối rối.
- Không phải cô ấy. Nhưng là gia đình con, gia đình cô ấy, - tôi nói. - Không sao đâu ạ. Con biết còn rất ít thời gian.
- Đưa cậu ấy tới nhà ta sau mười lăm phút nữa nhé, - vị guru nói và rời đi.

34

Trước khi bước vào, tôi do dự trước cánh cửa mở của nhà vị guru.
- Vào đi, Krish, - vị guru nói.
Ông ngồi trên một chiếc đi văng trong phòng khách. Tôi đã nghĩ mình sẽ lang thang ở các quán cà phê Pháp ở Pondicherry. Tôi không ngờ cuối cùng mình lại ở trong nhà một vị guru. Ngôi nhà nhỏ xíu chỉ có vài đồ đạc bằng gỗ.
- Con có thể cảm thấy lạ lẫm khi ở đây. Nhưng ta thì nghĩ chúng ta đã có cơ duyên gặp mặt, - vị guru nói.
- Thầy có đọc suy nghĩ không ạ? - Tôi muốn biết.
- Ta nhìn người để đọc ra suy nghĩ. Sự lo lắng của con là quá rõ ràng. Ngồi đi, - ông nói và vuốt chòm râu bạc.
Tôi ngồi khoanh chân trên sàn, đối diện với ông.
- Có chuyện gì làm con phiền muộn?
- Bạn gái con là người Tamil, con là người Punjab. Gia đình hai bên đang phản đối hôn nhân của chúng con. Con đang làm tất cả những gì có thể, nhưng thật căng thẳng.
- Hừmm, - vị guru nói. - Hãy nhắm mắt lại và nói ra bất cứ điều gì đến với trí óc con.
- Con yêu cô ấy, - tôi nói, - và bọn con làm cho nhau hạnh phúc. Nhưng nếu hạnh phúc của chúng con làm nhiều người buồn lòng đến thế, thì đó có phải là điều đúng đắn không?
Tôi huyên thuyên một lúc nữa; vị guru chẳng có động tĩnh gì. Bởi vì mắt đang nhắm, tôi không biết liệu rằng ông còn ở xung quanh đó nữa hay không.
- Cô ấy là tương lai của con, - tôi kết lại.
- Vậy thôi hả?
- Thầy vẫn còn ở đó chứ ạ? - tôi hỏi lại.
- Con có chắc đây là vấn đề duy nhất làm con buồn phiền không?
- Ý thầy là gì ạ?
- Có rất nhiều… đau đớn trong con, những vấn đề chưa có lời giải. Trước khi tạo dựng tương lai, con phải sửa chữa quá khứ.
- Thầy đang nói gì thế ạ?
Tôi mở mắt ra. Mắt vị guru đang nhắm.
- Nhắm mắt lại, - vị guru nói.
- Vâng, - tôi nói và lại nhắm mắt.
- Chuyện gì khiến con thao thức đêm đêm?
Tôi im lặng.
- Con có trằn trọc nhiều trước khi ngủ không? - ông thăm dò.
- Có, - tôi nói.
- Chuyện gì làm con không ngủ được dạo gần đây?
- Có rất nhiều chuyện. Có chuyện về công việc, công việc mà con không thật sự hứng thú cho lắm. Có những băn khoăn về chuyện Ananya. Có…
- Thế còn về bố con thì sao?
- Đó là chuyện rất phức tạp, - tôi nói.
- Và một gánh nặng, phải không?
Tôi thở dài thật dài.
- Hãy nói ra đi, - vị guru nói.
- Con không thể. Con không muốn. Con chưa từng nói về điều đó.
- Ta nghe đây, - vị guru nói.
Ông nghiêng người ra trước và đặt lòng bàn tay lên đầu tôi. Tôi cảm thấy một ánh sáng mới. Tôi cảm giác như được mang sang một thế giới khác. Cứ như thể linh hồn tôi vừa chối bỏ thể xác tôi vậy.
- Thưa thầy, đừng bắt con làm điều đó, - tôi cầu xin, không muốn phải quay trở lại với nỗi đau vốn luôn chờ đợi mình.
- Nói đi, ta đang nghe đây, - vị guru nói.
-----------
Còn tiếp.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét