Thứ Bảy, 21 tháng 4, 2018

Hồ Sơ ODESSA - Chương 15

Hồ Sơ ODESSA

Tác giả: Frederick Forsyth
Người dịch: Cung Khắc Dũng
Nhà xuất bản Trẻ - Năm xuất bản: 1974

Chương 15

Vị bác sĩ nhìn Miller với cặp mắt thiếu thiện cảm. Miller rất ghét bận áo cổ cứng và thắt cà vạt, nên mỗi khi có thể được chàng thường bận áo thun trắng cao cổ và khoác bên ngoài chiếc áo vét đen. Thái độ của bác sĩ cho biết là lối phục sức của Miller không mấy thích hợp vói bầu không khi trang trọng của bệnh viện.
Vị bác sĩ cau mày hỏi lại:
- Ông là cháu bà Wendel? Lạ quá! Tôi không bao giờ nghĩ bà Wendel còn bà con thân thích!
Miller làm mặt tỉnh :
- Tôi là đứa cháu duy nhất còn lại của cô Wendel. Đúng lý tôi phải đến sớm hơn để phục dịch cô tôi, nếu biết được tình trạng nguy ngập, nhưng ông Winzer chỉ mới điện thoại cho tôi hay hồi sáng sớm hôm nay.
- Ông Winzer thường đến thăm bà Wendel vào giờ này, - vị bác sĩ nhận xét.
- Theo tôi được biết thì hôm nay ông ấy có việc phải đi xa, và có thể vắng khoảng ba bốn ngày. Trước khi đi ông Winzer có nhắn tôi gởi lời thăm cô Wendel!
- Đi xa? Lạ thật. - vị bác sĩ do dự trong giây lát rồi nói tiếp: - Xin lỗi ông trong vài phút nhé!
Miller nhìn vị bác sĩ đi thẳng vô văn phòng và thoáng nghe được vài lời ông ta nói với người đối thoại bên kia đầu dây:
- Đi thật sao? Hồi sáng nay? Vài ngày nữa về? Không, không. Cám ơn cô... Tôi chỉ muốn xác nhận ông Winzer có muốn đến thăm bà Wendel vào chiều hôm nay không? Thôi... Phiền cô nhiều... Chào cô.
Vị bác sĩ gác điện thoại xuống và trở ra hành lang. Ông ta lắc đầu nói:
- Lạ thật. Ông Winzer luôn luôn đến thăm bà Wendel vào mỗi buổi sáng, ngày nào cũng như ngày nào, từ ngày bà ta nhập viện cho đến nay. Tuy nhiên muốn nhìn mặt bà ta lần chót thì ông ta phải về gấp mới được! Tôi xem bà ta gần đi rồi.
Miller làm bộ mặt đưa đám ma:
- Ông nói thật sao? Cô tôi không còn sống bao lâu nữa hả? Ông cho phép tôi được vô thăm người trong vài phút được không?
- Là bà con thân thích của bà Wendel, ông có thể vô phòng thăm bà ấy trong vài phút. Nhưng tôi dặn hờ ông  trước. Bà Wendel hiện đang hôn mê và nếu ông muốn nói gì với bà ấy, xin ông vắn tắt, Nào, mời ông hãy theo tôi.
Vị bác sĩ dẫn Miller đi qua bốn hành lang và dừng chân lại trước một phòng bệnh.
- Bà Wendel nằm trong này! - Vị bác sĩ nói, chỉ tay về phía cánh cửa khép kín. Để Miller bước vô trong rồi vị bác sĩ nhẹ nhàng khép cửa lại.
Miller phải mất gần hai phút mới tập cho cặp mắt làm quen với ánh sáng yếu ớt trong phòng, và chàng phải bỏ ra ba phút nữa mới nhìn rõ thân hình gầy đét của bà Wendel đang nằm dưới ba lớp chăn, chỉ để thò cái đầu ra ngoài. Đôi mắt bà ta nhắm chặt lại.
Miller nghĩ bụng sẽ không tìm hiểu được gì mới lạ về tên thợ nơi người đàn bà bệnh hoạn này.
Chàng xích gần lại đầu giường, nói nhỏ bên tai bà Wendel:
- Bà Wendel?
Hai mí mắt người đàn bà sắp chết bỗng chớp chớp và người đàn bà này mở cặp mắt ra.
Bà ta nhìn Miller với cặp mắt không hồn, và Miller tự hỏi không biết bà ta có thấy được chàng không.
Bà Wendel vội nhắm mắt lại và cái miệng móm xọm bắt đầu lẩm bẩm những chuyện không đâu. Chàng ghé sát tai gần miệng bà ta đế cố nghe xem bà ta nói gì.
Bà Wendel nói những chuyện không vào đâu cả. Nào là Rosenheim, một ngôi làng nhỏ tại miền Bavaria, có thể là nơi sinh quán của bà ta, nào là “những người bận toàn đồ trắng trông thật xinh đẹp”, nào là một tràng lời nói vô nghĩa.
Miller ghé sát tai gần miệng bà Wendel. Chàng nói nhỏ:
- Bà Wendel, bà nghe tôi rõ không?
Người đàn bà sắp về bên kia the giới tiếp tục lẩm bẩm trong miệng. Miller chợt nghe được những chữ: “Mỗi người tay cầm cuốn Thánh Kinh và một xâu chuỗi, bận đồ trắng, thơ ngây quá!”. Miller cau mày suy nghĩ và hiểu ngay bà Wendel muổn nhắc nhở đến những gì: trong cơn mê sảng, bà ta đang hồi tưởng lại ngày đầu tiên đi rước lễ. Như chàng, bà Wendel có thời là một tín đồ trung thành của Thiên Chúa Giáo.
- Bà nghe tôi nói không? - Chàng nhắc lại câu hỏi.
Bà Wendel bỗng mở mắt lớn ra, nhìn đăm đăm vô ngực Miller, vô chiếc áo thun cao cổ và chiếc áo vét đen khoác bên ngoài.
Chàng kinh ngạc thấy bà ta nhắm nghiền mắt lại, hơi thở dồn dập hơn.
Miller bắt đầu lo lắng. Chàng định chạy ra gọi bác sĩ vô ngay, nhưng khi nhìn thấy hai hàng nước mắt chảy dài xuống hai bờ má thóp, chàng cầm chân lại.
Với một sức mạnh lạ thường hay chỉ vì quá tuyệt vọng, tay bà Wendel bám chặt vô khuỷu tay Miller, Miller tính gỡ bàn tay này ra, và bỏ về, nhưng miệng bà Wendel lầm bầm câu: “Xin Cha ban phước lành cho con vì con có tội!”, làm chàng phóng viên chợt hiểu ý muốn sau cùng của bà ta.
Chàng liếc nhìn xuống y phục mình và hiểu ngay vấn để: Bà Wendel đã lầm tưởng chàng là một vị linh mục. Chàng đắn đo không biết có nên bỏ rơi tất cả mọi việc, và trở về Hamburg, hay phải tiếp tục đóng kịch làm linh mục.
Chàng nghiêng đầu về phía bà Wendel nói :
- Cha sẳn sàng nghe lời xưng tội của con!
Bà Wendel bẳt đầu nói. Với một giọng trầm buồn, mệt mỏi, đời sống của bà ta được giải bày ra cho “Cha” Miller.
Bà Wendel chào đời và lớn lên tại miền Bavaria. Bà chào đời năm 1910 và có thể nhớ lại một cách rõ ràng cảnh người cha rời bỏ gia đình ra mặt trận trong thời đệ I Thế Chiến, và cảnh trở về cố hương của người ba năm sau đó, giận dữ và chua xót trước sự đầu hàng nhục nhã của những tên đầu sỏ tại Berlin. Bà Wendel nhắc lại những bất ổn về chính trị trong những năm 20, và cú đảo chánh hụt do tên Adolf Hitler cầm đầu, dự tính lật đổ chính phủ đương thời. Cha bà Wendel nghe theo lời đường mật của Hitler và gia nhập Đảng Quốc Xã. Vào năm bà Wendel được hai mươi ba tuổi, tên độc tài và bè đảng đã lên cướp chánh quyền. Bà Wendel còn nhớ lại những năm làm thư ký riêng cho Gauleiter tại miền Bavaria, và những đêm khiêu vũ với những chàng trai trẻ oai vệ trong bộ quân phục hào nhoáng. Nhưng bà ta đã lớn lên trong sự xấu xí, với dáng người cao lêu khêu, khuôn mặt chữ điền. Bao nhiêu đó cũng đủ cho bà ta biết sẽ không bao giờ có chàng trai nào sẽ đến hỏi cưới bà ta cả. Hận đời, năm 1939 bà Wendel xin được một chức cai tù tại trại tập trung Ravensbruck.
Bà Wendel thú thật với “Cha” Miller những điều gian ác đã làm với đám tù nhân Do Thái. Bà ta vừa nói vừa thút thít khóc. Đôi tay gầy ốm của bà bám chặt vô tay “Cha” Miller, như sợ “Cha” sẽ bỏ đi vì đã nghe qua những điều ghê tởm mà bà ta đã làm.
- Còn về sau này “con” làm những gì?
Bà Wendel kể rõ những năm tháng dài sống lê lết hết chỗ này đến chỗ khác, những năm tháng bị tập đoàn SS bỏ rơi như con chó, bị quân đội Đồng Minh truy lùng, những đêm lạnh lẽo nằm trong xó bếp, những ngày dài rửa chén bát đầu tắt mặt tối, và ăn những bửa cơm thừa của Đội Binh cứu rỗi linh hồn. Vào năm 1950, bà Wendel gặp Klaus Winzer đang sống tại một khách sạn ở Onasbruck trong khi chở mua nhà riêng. Lúc đó bà Wendel đang làm bồi phòng cho khách sạn này. Klaus Winzer mua nhà xong mướn bà ta về làm quản gia kiêm bồi phòng cho hắn.
- Chỉ bao nhiêu đó thôi sao con? - Miller hỏi.
- Thưa Cha, con chỉ làm bao nhiêu đó thôi.
- Con biết là Cha không thể nào cầu nguyện Đức Chúa Trời cứu rỗi linh hồn con được, khi con chưa thú thật với Cha hết mọi tội lỗi?
- Thưa Cha con chỉ có bao nhiêu tội đó thôi!
Miller hít một hơi thở vô lấy can đảm hỏi:
- Còn chuyện những sổ thông hành giả thì sao? Những sổ thông hành Winzer làm giúp cho bọn SS đào tẩu đó!
Bà Wendel im lặng trong giây phút. Miller sợ bà ta sẽ ngất đi mất.
- Thưa Cha, Cha biết chuyện này sao?
- Phải, Cha biết hết!
- Thưa Cha, con không dự phần vào việc làm thông hành giả!
- Nhưng con biết Winzer làm chuyện này?
- Thưa Cha con biết.
- Hiện nay Klaus Winzer đã đi rồi. Đi xa rồi! - Miller nói.
- Không. Không, Winzer không đi đâu cả. Winzer không đờí nào bỏ con.
- Con biết Winzer đi đâu không?
- Thưa Cha không!
- Con chắc không? Suy nghĩ kỹ đi con. Winder bị ép buộc phải đi xa! Nhưng ông ta đi đâu?
Khuôn mặt gầy mòn lắc qua lắc lại trên chiềc gối:
- Thưa Cha, con không biết. Nếu “họ” đe dọa Winzer, ông ta sẽ trưng hồ sơ ra. Winzer thường nói với con như vậy!
Miller cau mày, không hiểu người đàn bà sắp chết muốn nói gì.
Chàng hỏi:
- Hồ sơ gì con?
Hai người nói chuyện qua lại trong năm phút sau đó. Có tiếng gõ cửa. Miller gỡ tay bà Wendel ra.
- Thưa Cha! - Bà Wendel kêu giật lại. - Thưa Cha ban phép lành cho con.
Bà Wendel nói, trừng mắt nhìn thẳng vào Miller.
Miller thở ra. Chàng cầu mong Thượng Đế sẽ thông cảm và chứng giám cho hành động sắp đến của chàng. Chàng giơ tay phải lên, làm dấu thập.
- Nhân danh Cha, và Con, và Thánh Thần, Cha tha tội cho con!
Bà Wendel thở dài, thỏa mãn. Bà nhắm khít mắt lại và rơi vào tình trạng hôn mê.
Ngoài hành lang, vị bác sĩ lúc nãy đang sốt ruột đứng đợt Miller.  
- Ông vô thăm hơi lâu!
Miller gật đầu:
- Thưa đúng! Cô tôi đang ngủ nên tôi không dám quấy rầy. À, thưa bác sĩ, cô tôi còn cầm cự chừng bao lâu nữa?
Vị bác sĩ do dự nói:
- Tôi cũng không biết nữa. Khó nói quá. Hai, ba ngày không chừng. Tôi rất tiếc vì không biết phải làm gì hơn.
- Tôi hiểu. Xin cám ơn bác sĩ đã cho phép tôi được nhìn bà cô lần chót. - Miller nói.
Vị bác sĩ tiễn chàng ra tới cửa. Miller bỗng sực nhớ ra điều quên nói với bác sĩ:
- Còn chuyên này nữa, phiền bác sĩ giúp hộ. Gia đình chúng tôi đều theo Thiên Chúa giáo. Cô tôi đã nhờ tôi xin được gặp một vị linh mục. Chắc thế nào bác sĩ cũng biết qua những nghi thức của lễ xức dầu?
- Dĩ nhiên! Được, để tôi lo liệu cho!
- Phiền bác sĩ giúp hộ. Xin cám ơn bác sĩ!
- Được, được, không có gì đâu. Quả thật tôi không biết bà Wendel có đạo. Đế tôi cố gắng dàn xếp nội chiều hôm nay cho. Thôi chào ông!
Trời đã sụp tối khi Miller về đến công trường Theodor Heuss và đậu xe cách khách sạn chừng mười lăm thước. Miller leo xuống xe, băng qua đường, bước vô khách sạn và đi thẳng lên lầu.
Trong một căn phòng khác cũng trong khách sạn này, nhưng ở tầng lầu trên, Mackensen đã chứng kiến cảnh này.
Tên sát nhân chuyên nghiệp cẩn thận đặt túi bom vô va li. Hẳn rời khỏi phòng, đi xuống phòng tiếp tân của khách sạn, trả tiền phòng trước, không quên dặn tên quản lý rằng hắn sẽ đi sớm vào sáng ngày hôm sau, rời khỏi khách sạn, băng qua đường, đi về phía chiếc xe Jaguar.
Đôi mắt hắn đảo một vòng quanh chiếc xe để tìm một địa điểm thuận tiện để có thể vừa quan sát chiếc xe vừa chú ý đến cửa ra vô của khách sạn.
Trong vùng còn có nhiều khách bộ hành qua lại, và Miller có thể đi ra ngoài bất cứ lúc nào.
Mackensen nghĩ bụng nếu tên phóng viên lấy xe đi trước khi hắn gài bom thì hẳn sẽ chọn giải pháp theo sát tên phóng viên, đợi dịp tốt để ra tay, Nếu Miller ngủ đêm tại khách sạn, Mackensen sẽ lợi dụng, đêm tối để gài bom vô xe, lựa những giờ thật khuya khi không còn một ma nào đi ngoài đường.
Trong phòng, Miller đang moi óc nhớ ra một cái tên. Miller có thể hình dung được gương mặt, nhưng tên thì chịu thua, Sự việc liên quan đến tên này xảy ra trước mùa Giáng Sinh năm 1961. Miller đang ngồi đợi theo dõi một vụ án quan trọng tại Tòa Án Hamburg, Miller để ý đến phần kết của một phiên xử, chú ý đến một người đàn ông nhỏ thó đang đứng bên vành móng ngựa, và những lời biện hộ của Luật sư xin Tòa khoan hồng, nhấn mạnh đến Lễ Giáng Sinh sắp đến, và trình bày tình cảnh gia đình quá nặng của bị cáo: một vợ và năm con dại. Miller nhớ lại lúc chàng nhìn xuống hàng ghế dành cho công chúng, chàng không tài nào quên được khuôn mặt thiểu não vô vọng của người vợ bị cáo, và cảnh người đàn bà này ôm mặt vào tay khóc nức nở khi nghe Tòa kêu án chồng 8 tháng tù ở. Công tố viên đã mô tả bị cáo như là một trong những tay tổ khoan cốp và mở tủ sắt.
Hai tuần sau, Miller vô quán Reeperbahn nhậu cùng với một vài tuy dô và mật báo viên. Lúc đó túi Miller đầy nhóc tiền mới lãnh được nhờ một loạt phóng sự. Trong lúc nhậu, Miller để ý đến một người đàn bà đang lau nhà. Miller nhận ra người vợ của tên tổ khoan cốp đã gặp hai tuần trước tại Tòa Án Hamburg. Không biết lúc đó chàng hơi quá chén hay tự dưng lên cơn hào hiệp, nên chàng đã dí một tờ giấy bạc 100 Đức kim vô tay người đàn bà đang lau nhà.
Vào tháng giêng năm sau, Miller nhận được một lá thư xuất xứ từ Trung Tâm cải huấn Hamburg. Người đàn bà mà Miller đã cho tiền một tháng trước đó có lẽ đã biết tên và địa chỉ chàng nơi tên bồi hầu rượu, nên đã bảo người chồng viết thơ cảm tạ Miller.
Miller nhớ lại đại ý lá thơ như sau :

        Thưa ông Miller,
        Vợ tôi vừa cho biết nghĩa cử cao đẹp của ông nhân dịp lễ Giáng Sinh. Tôi chưa bao giờ gặp ông, và cũng không quen biết ông, nên không tài nào hiểu được tại sao ông lại cho gia đình chúng tôi tiền. Nhưng tôi muốn cám ơn ông, cám ơn ông thật nhiều. Ông quả là một con người tốt. Số tiền ông cho gia đình chúng tôi đã đem lại một mùa Giáng Sinh tươi vui cho gia đình tôi, nhất là cho mấy cháu...
        Nếu sau này tôi có thể làm bất cứ chuyện gì để đền ơn ông, xin ông đừng ngại...

Nhưng tên ký dưới lá thơ là gì? Koppa? Không. Koppal? Không ! Koppel. Đúng rồi Koppel, Viktor Koppel.
Miller thầm khấn vái Thượng Đế sao cho tên này không vô nằm ấp trở lại.
Miller móc một cuốn sổ nhỏ ghi địa chỉ trong túi ra, xách chiềc máy điện thoại đặt lên đùi mình và bắt đầu liên lạc từng tên ghi trong sổ tay và bắt liên lạc được với Koppel lúc bảy giờ rưỡi tối.
Vì là tối thứ sáu nên tay tổ khoan cốp đang nhậu nhẹt với đám bạn bè.
Koppel nhận ra Miller ngay. Hắn nhắc lại những gì Miller đã làm cho gia đình hắn hai năm trước đó.
- Ông chơi đẹp quá! Cám ơn ông một lần nữa!
Miller ngắt lời hắn:
- Koppel, anh nhớ anh có viết thơ nói khi nào tôi cẩn gì thì đừng ngại hỏi anh, anh nhớ không?
Koppel trả lời:
- Nhớ!
- Bây giờ tôi đang kẹt chuyện này. Không có gì khó hết, anh giúp tôi được không?
- Tôi cũng đang kẹt, không còn bao nhiêu…
- Tôi không muốn hỏi vay tiền anh đâu! Tôi muốn mướn anh làm giúp tôi việc này!
- Được! Được! Hiện nay ông ở đâu?
Miller dặn dò tên đạo chích:
- Anh cứ việc ra thẳng nhà ga Hamburg và đáp chuyến xe lửa sớm nhất đến Onasbruck. Tôi sẽ đứng đón anh ở nhà ga này. À, mà đừng quên mang đồ nghề theo nhé!
Koppel ngần ngại:
- Xin ông hiểu cho tôi việc này. Tôi chủ trương không bao giờ ăn hàng ngoài khu vực của mình. Tôi không muốn đụng chạm với bạn đồng nghiệp, vả lại tôi không quen địa thế ở Onasbruck.
Miller dùng tiếng lóng miền Hamburg thuyết phục Koppel:
- Vua ơi, đây là một cú lương chắc như bắp. Nhà hoang, chủ vắng. Mập lắm. Tôi canh rồi, không sợ bị cớm chém vè đâu! Nội sáng mai anh sẽ có mặt trở lại Hamburg để ăn sáng. Dọn sạch cả nhà hắn trước khi hắn trở về cũng còn kịp chán thì giờ! Tụi cớm địa phương thế nào cũng nghĩ đây là một vố hàng nội hóa!
Koppel có vẻ xiêu lòng:
- Còn phí tổn chuyên chở thì sao!
- Tôi sẽ hoàn lại ngay khi anh đặt chân đến Onasbruck. Rán bắt chuyến xe lửa khởi hành lúc chín giờ tối. Anh còn hơn một giờ đồng hồ nữa để chuẩn bị đồ nghề!
- Được. Tôi sẽ có mặt trên chuyến xe lửa này!
Miller buông máy điện thoại xuống, và bấm chuông gọi bồi phòng lên dặn đánh thức chàng dậy lúc mười một giờ khuya, Chàng phóng viên lăn ra giường ngủ thiếp liền sau đổ,
Ngoài đường, Mackensen tiếp tục canh chừng. Hắn quyết định bắt tay vào việc lúc quá nửa đêm nếu Miller không thò mặt ra khỏi khách sạn,
Nhưng Miller bước ra khỏi khách sạn lúc mười một giờ mười lăm. Mackensen nhìn thấy tên phóng viên băng ngang qua công trường, đi về phía nhà ga.
Tên sát nhân leo xuống xe Mercedes và đi theo Miller tới nhà ga. Liếc mắt qua cửa kính hắn thấy Miller đang đứng lóng ngóng, hình như đang đợi xe lửa đến.
- Mấy giờ xe lửa đến? - Hắn hỏi một viên lao công nhà ga,
- Mười một giờ ba mươi!
Mackensen tự hỏi tại sao Miller phải dùng xe lửa khi hắn có xe đang đậu ngoài kia. Chưa hết thắc mắc, hắn lủi thủi trở về vị trí canh phòng cũ.
Vào lúc mười một giở ba mươi lăm tối, thắc mắc của Mackensen được giải đáp.
Miller rời nhà ga cùng với một người đàn ông lạ mặt, người thấp lùn, tay xách một chiếc cặp da đen. Bọn chúng ra vẻ thân tình lắm.
Mackensen chửi thể trong bụng. Việc cuối cùng mà hẳn muốn thấy là sự kiện Miller xách chiếc Jaguar cho tên lạ mặt này đi, và sẽ gây cho hắn không biết bao nhiêu là rắc rối. Nhưng hắn cười thật đắc chí khi thấy hai tên này vẫy một chiếc xe tắc xi, bước lên xe rồi vọt mất trong đêm tối, Hắn quyết định đợi thêm hai mươi phút nữa rồi bắt tay vào việc.
Vào nửa đêm, công trường Theodor Heuss vắng hoe, Mackensen lẻn ra khỏi xe, cầm theo một ngọn đèn bấm và bao dụng cụ nhỏ, băng qua đường về chỗ chiếc Jaguar đang đậu.
Ánh sáng của ngọn đèn bấm tìm ra ngay chốt khóa ca pô. Hắn phải mất hơn hai mươi phút để nạy chốt này ra. Khi muốn đóng ca pô lại, chỉ cần sập nó xuống là xong.
Hắn đi trở lại phía chiếc Mercedes của hắn và xách túi bom đem đến chiếc Jaguar. Một người lục đục sửa xe dưới ca pô sẽ không làm cho người ngoài chú ý,
Mackensen dùng dây kẽm và chiếc kềm để cột hộp đựng chất nổ vô hông sườn xe, ngay trước mặt chỗ ngồi của tài xế. Bộ phận kích thích trái bom nối liền với hộp đựng chất nổ bởi hai sợi dây điện dài được hắn gài vô hệ thống ống nhún của bánh xe trước, để khi chiếc xe này xả hết tốc lực và gặp phải ổ gà thì cả tài xế lẫn xe sẽ nổ tan thành khói. Mackensen thu dọn hết đồ nghề, đóng sập ca pô xuống và trở về vị trí canh chừng cũ. Hẳn ngã người ra ghế xe, nhắm mắt lại để đánh một giấc ngủ.
Miller ra lệnh cho tên tài xế tắc xi đưa chàng và Koppel đến Saarplatz.
Koppel, tên đạo chích khôn ngoan, đã không hé môi trong suốt cuốc xe. Khi chiếc tắc xi đã khuất dạng ở cuối đường, hắn mới mở miệng :
- Tôi hy vọng ông biết ông đang làm những gì! Tôi không hiểu tại sao một người phóng viên như ông lại đổi nghề!
- Anh không có gì phải lo cả. Chúng ta bắt tay vào việc nhé! Mà quên, chỗ đó còn có một con bé làm bồi phòng ngủ lại đêm!
- Ông nói với tôi nhà đó bỏ hoang mà! - Koppel hớt hải. - Nếu con nhỏ đó xuống nơi chúng ta đang hành sự, tôi cho ông biết trước là tôi sẽ vọt lẹ à. Thằng Koppel này không chơi với bạo lực!
- Vậy chúng ta đợi đến gần hai ba giờ sáng rồi làm việc nhé! Lúc đó con nhỏ sẽ ngù say, lên hãm nó, nó cũng không hay nữa!
Hai người đi bộ đến nhà Winzer, lâu lâu đảo mắt nhìn về phía sau xem có ai theo dõi không. Đến nhà tên thợ, cả hai nhảy phốc qua hàng rào vô nhà.
Họ băng qua bãi cỏ tiến đến những cửa sổ bằng kiếng của một căn phòng có vẻ như một văn phòng riêng.
Koppel di chuyển như một con mèo, đi rảo quanh khu vườn để Miller ở lại canh chừng đồ nghề. Hắn trở ra nói nhỏ bên tai Miller:
- Phòng con bé vẫn còn để đèn!
Một giờ sau Koppel đi thám thính một lần nữa và báo cáo lại cho Miller rằng phòng của con nhỏ đã tắt hết đèn rồi. Hai ngươi ngồi trong bóng tối đợi thêm khoảng gần một giở rưỡi nữa. Koppel quyết định ra tay. Hẳn dắt Miller chạy nhanh về phía những cửa sổ bằng kính.
Koppel mở túi đồ nghề ra, lấy một cuộn băng keo, một vành cao su hút, một dao cắt kính và một chiếc búa bằng cao su. Một cách tài tình, hắn vạch một vòng tròn trên cửa kính ngay giữa then cài cửa. Để chắc ăn, hẳn dán thêm hai đường băng keo ngang qua vòng tròn này. Giữa hai đường băng keo hắn áp vành hút vô. Dùng chiếc búa cao su hắn vỗ nhẹ vô chiếc vòng. Một tay giữ chặt cái vòng hút, hẳn từ từ lột hai đường băng keo ra và kéo nhẹ vòng kính được cắt về phía sau.
Thò tay vô lỗ, hẳn mở then cài, đẩy cửa vô phía trong và nhảy phóc vô phòng như một con mèo. Miller vụng về bắt chước theo. Căn phòng tối om, nhưng hình như Koppel có thêm biệt tài nhìn trong tối như ban ngày.
Hắn đưa ngón tay trỏ lên miệng ra hiệu cho Miller phải giữ im lặng. Miller đứng run lầy bẩy khi Koppel gài then cửa sổ lại. Tên đạo chích luồn qua căn phòng, tài tình né tránh bàn ghế như nhờ vào một giác quan thứ sáu, tiến về phía cửa ngăn căn phòng với hành lang. Hắn đóng nhẹ cửa này lại rồi bật đèn bấm lên.
Ánh sáng của ngọn đèn bấm quét qua căn phòng, bắt gặp một bàn làm việc, một máy điện thoại, một tấm vách tường đầy dẫy kệ sách, và trong một góc chạm phải một lò sưởi.
Hắn ghé miệng sát tai Miller nói :
- Đây đúng là phòng làm việc của hắn rồi. Trong một nhà như thế này, không thể nào có đến hai lò sưởi, kinh nghiệm tôi cho biết như vậy. Lò sưởi này được dùng để ngụy trang tủ sắt của hắn! Ông biết cái cần dùng để mở lò sưởi này nằm ở chỗ nào không?
- Tôi không biết. Anh phải tìm nó chớ tại sao lại hỏi tôi?
Koppel than trời:
- Vậy biết chừng nào mới mò ra!
Nói vậy chớ hắn cũng đi đến túi đồ nghề, lấy một chiếc vành sắt, và ra lệnh cho Miller ngồi xuống ghế nghỉ nhưng phải giữ im lặng, Hắn tiến vể phía cái lò sưởi, lấy cái vành sắt đội lên đầu sau khi đã gắn chiếc đèn bấm lên đó. Hắn chui vô bên trong lò sưởi, mò mẫm những viên gạch từng khe hở. Lúc ba giờ sáng hắn mò ra được cái cần. Cái cần này được giấu giữa hai viên gạch, và khi được bật xuống để lộ một cái tủ sắt đặt tuốt bên trong lò sưởi. Koppel đặt ống nghe - thứ ống nghe của bác sĩ - vào tai, mò mẫn núm số của bổn bộ số liên hợp trên tủ sắt. Hắn để hết tinh thần để nghe từng tiếng tích khi chiếc núm được quay. Và hẳn chỉ mất có bốn mươi phút để mở tủ sắt Winzer ra.
Miller nảy người đứng phóc dậy, chạy lại giật chiếc đèn bấm trên tay Koppel, chiếu thằng ngọn đèn vô bên trong tủ sắt. Trên ngăn trên có vài bó tiền mà Miller liền với lấy trao hết cho Koppel, và ngăn dưới chỉ thấy có một phong bì. Miller chụp lấy phong bì này mở ra. Bên trong đựng khoảng hơn bốn mươi tờ giấy, mỗi tờ đều có dán ảnh. Lật đến tờ thứ mười, chàng không thể nào cầm được sự vui sướng hét lớn lên:
- Hắn đây! Chính hắn! Roschmann!
- Im lặng! - Koppel trách.
Miller nhét vội tập giấy vô phong bì, trả ngọn đèn bấm cho Koppel và bảo tên này khóa tủ sắt lại.
Hai người ra đến đường một cách an toàn.
- Cứ từ từ, bình tĩnh mà đi, vừa đi vừa trò chuyện như hai người bạn vừa đi nhậu về! - Koppel dặn dò
Quãng đường đến nhà ga xe lửa hơn ba cây số, và lúc hai người đột kích nhà Winzer ra đến đường thì đã gần năm giờ sáng.  
Đường phố không đến nỗi vắng vẻ, dù là sáng thứ bảy, vì dân Đức có lệ là thích thức khuya dậy sớm. Họ đi đến nhà ga bình an vô sự.
Bảy giờ sáng mới có xe lửa về Hamburg, nhưng Koppel cho Miller biết hắn muốn vô quán ngồi đợi tàu, thay vì về khách sạn Miller nghỉ.
- Cú này mình ăn đẹp quá ông Miller há! Tôi hy vọng ồng tìm được những gì ông muốn.
- Phải! Cám ơn anh nhiều lắm!
- Vậy thì mình chia tay, đường ai nấy đi! Chào ông!
Tên đạo chích bắt tay Miller và bước vô tiệm cà phê. Miller quay về khách sạn, Chàng đi băng qua công trường Theodor Heuss, không để ý đến cặp mắt cú vọ của người ngồi trong chiếc xe Mercedes đang chăm chú quan sát chàng.
Lúc đó quá sớm để Miller lên đường tiếp tục cuộc điều tra, nên chàng tự cho phép mình hưởng ba giờ ngủ xả hơi.
Thức giấc lúc chín giờ ba mươi sáng, Miller gọi bồi mang thức ăn điểm tâm. Trong khi nhâm nhi tách cà phê chàng nghiên cứu hổ sơ vừa chộp được của Winzer. Trong hồ sơ này Miller nhận diện được ít nhất là một chục tai to mặt lớn.
Tờ thứ mười là tờ được Miller chú ý kỹ nhất, Người đàn ông trong hình trông có vẻ già, tóc để dài ra, lại thêm một hàm râu nữa, nhưng đôi tai và chiếc mũi không thay đổi.
Tên của hắn ghi dưới hình là một cái tên được hầu hết mọi công dân Đức biết đến. Miller chú ý đến địa chỉ của hắn, có thể là một cao ốc nằm ngay trung tâm thành phố.
Trước mười giờ sáng, Miller gọi điện thoại đến Ban Điện Thoại chỉ dẫn của thành phố ghi trên tờ giấy thứ mười, và dò hỏi số điện thoại của viên quản lý cao ốc ghi trên tờ giầy này. Quả thật, đúng như Miller nghĩ, địa chỉ này là một cao ốc, và một cao ốc đắt giá.
Miller gọi điện thoại đến viên quản lý, cho tên này biết là chàng đã liên lạc với một nhân vật mướn văn phòng trong cao ốc nhưng không kết quả, có lẽ vì điện thoại của người này hư?
Người bên kia đường dây cho biết ông Giám Đốc đã đến xưởng hoặc đang nghĩ mát tại tòa lâu đài riêng.
- Xưởng gì? Xưởng của ông Giám Đốc chớ xưởng gì? Xưởng Vô Tuyến Điện đó!
- À phải! Dĩ nhiên! Ồ, sao tôi đãng trí quá!
Miller làm bộ ngớ ngẩn trả lời. Được những gì cẩn biết chàng cảm ơn người đối thoại, rồi để điện thoại xuống. Ban điện thoại chỉ dẫn cho Miller biết số của xưởng Vô Tuyến Điện. Tổng Đài tại đây chuyển đường dây của Miller đến máy điện thoại của cô thư ký riêng của ông Giám Đốc. Cô này cho biết ông Giám Đốc đang nghỉ mát tại biệt thự của người và sẽ trở về làm việc vào ngày thứ hai tới; cô này cũng từ chối không cho chàng biết địa chỉ nghỉ mát của ông Giám Đốc.
Người cho Miller biết địa chỉ nghỉ mát của ông Giám Đốc là một đặc phái viên Kinh Tế Tài Chính của một tờ nhật báo lớn tại Hamburg, đồng thời là một người bạn rất thân của Miller.
Miller ngồi trên giường, cặp mắt dán chặt vào tấm hình của Roschmann, tên mới và địa chỉ mới của hắn. Miller ghi những điểm sau này vô cuốn sổ tay. Đến giờ phút này Miller mới chợt nhớ ra đã nghe nói tới hắn nhiều lần. Một đại kỹ nghệ gia tên tuổi của miền Ruhr. Miller cũng đã thấy máy móc vô tuyến điện do hãng của hẳn sản xuất bày bán khắp nước. Miller lật bản đồ nước Đức ra, xác định lần chót vị trí của tòa lâu đài.  
Miller thu xếp xong hành lý lúc quá nửa trưa. Bước xuống hành lang để tính tiền phòng, chàng phóng viên, đói rã người, đi vô nhà hàng của khách sạn, không quên xách chiếc cặp đen theo, tự đãi cho mình một đĩa thịt bò Beefsteak.
Trong buổi ăn, Miller quyết định đi nốt đoạn đường truy lùng Roschmann ngay vào chiều hôm đó, và giáp mặt mục tiêu vào sáng hôm sau. Miller vẫn còn giữ mảnh giấy ghi số điện thoại của luật sư cộng tác với Ủy ban Z tại Ludwigsburg. Lúc đó chàng có thể gọi điện thoại cho ông ta, nhưng Miller muốn chính chàng là người đầu tiên giáp mặt Roschmann.  
Đến gần hai giờ trưa, Miller mới rời khỏi khách sạn. Chàng cất va ly vô cốp xe và giữ chiếc cặp sát bên mình trong buồng xe.
Miller không để ý đến chiếc Mercedes đang theo sát gót chàng ra tới ngoại ô Onasbruck.
Chiếc Mercedes chạy vô xa lộ chánh, dừng lại trong vài giây cho chiếc Jaguar vọt về phía Nam, rồi quanh đầu xe lại trở về trung tâm thành phố.
Mackensen dừng xe lại bên một trạm điện thoại công cộng để liên lạc với Sài Kíu Tinh tại Nuremberg.
- Hắn đang trên đường đi ra xa lộ miền Nam! - Mackensen báo cáo.
- Bộ máy của đồng chí có đi kèm theo hẳn không?
Mackensen cưòi:
- Có. Gắn chất nổ vô hệ thống ống nhún. Chừng vài ba chục cây số nữa thì hắn sẽ tan thành bụi, mặt mày hắn sẽ không giống ai vì không còn ai nhận diện ra hắn được nữa!
- Tốt lắm! Chắc đồng chí mệt lắm phải không? Thôi về khách sạn nghỉ đi!
Mackensen không đợi mời lần thứ hai. Hắn đã không nhắm mắt từ đêm thứ tư.
* * *
Miller chạy được ba bốn chục cây số và làm thêm một trăm cây số nữa. Mackensen đã lầm lẫn, không đế ý đến một điểm hết sức quan trọng.
Bộ phận kích thích do Mackensen chế tạo chắc chắn sẽ làm cho trái bom nổ ngay nếu được gắn vô hệ thống ống nhún của một chiếc xe Hoa Kỳ. Nhưng chiếc Jaguar là một chiếc xe thể thao do Anh Quốc chế tạo, và hệ thống ống nhún của xe này có tiếng là cứng rắn. Khi chiếc Jaguar vọt mau trên xa lộ đi về hướng Frankfurt, các ổ gà hay mu rùa sẽ làm cho các lò xo cứng hai bên bánh xe trước thun lại, đập vỡ chiếc bóng đèn chêm giữa hai lưỡi cưa sắt, nhưng hai lưỡi cưa này không vì vậy mà chạm vào nhau, vì dù được xáp lại nhưng vẫn còn để hở khoảng một ly rồi lại bung trở ra.
Không biết mình đang gần với cõi chết, Miller tiếp tục cuộc hành trình, chạy qua Munster, Dortmund, Wetzlar và Bad Homburg để đi về Frankfurt. Đến đó Miller cho xe rẽ qua Konigstein để đi đến trạm chót của cuộc hành trình: miền núi tuyết Taunus.
------------
Còn tiếp.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét