Thứ Sáu, 6 tháng 4, 2018

Khi Yêu Cần Nhiều Dũng Cảm - (Chương 27, 28, 29, 30)

KHI YÊU CẦN NHIỀU DŨNG CẢM

Tác giả: Chetah Bhagat
Người dịch: Nguyễn Thị Hương Thảo
NXB Hội Nhà Văn, 05-2015

27

- Như thế này là gần xong rồi!
Tôi lướt qua một lượt các slide. Ông đã đưa cho tôi một CD tác phẩm của ông. Tôi tải nó vào máy laptop của mình. Những slide chưa được định dạng gồm những đoạn văn toàn chữ, không có gạch đầu dòng và cỡ chữ thay đổi từ tám tới bảy mươi hai.
- Đúng thế, tôi mất ba tuần cho nó đấy, - ông nói.
Chúng tôi ngồi ở bàn làm việc trong phòng khách. Manju đang học bên trong. Không còn ai khác ở nhà. Bố Ananya và tôi cùng cúi khom xuống để nhìn vào màn hình laptop.
- Những slide này chẳng có hình ảnh, bảng biểu, thậm chí chẳng có những điểm nhấn nữa… - tôi nói, cố gắng nói một cách thật ít chỉ trích nhất.
- Hình ảnh thì ở đây, - ông nói và mở cặp tài liệu. - Tôi vẫn còn phải học chức năng đó trong PowerPoint.
Ông lấy ra ba tập hồ sơ dày với những cái bìa nâu bụi bẩn và mỗi tập dày hai trăm trang.
- Cái gì thế ạ?
- Dữ liệu kinh doanh năm ngoái của chúng tôi, - ông nói.
- Chú không thể đưa hết vào trong được, - tôi nói. - Khi nào thì cái này hết hạn ạ?
- Thằng nhãi Verma đó muốn xong trong một tuần, - ông nói.
Với tốc độ hiện tại của bố Ananya, một năm ông cũng chẳng thể làm xong nó được.
- Một tuần? Đây chỉ là dữ liệu đánh giá công việc trong quá khứ thôi mà. Chú phải lên kế hoạch cho năm tới kia mà?
- Tôi sẽ làm chuyện đó, sớm thôi. - Ông nuốt khan.
Tôi chống khuỷu tay lên bàn và lòng bàn tay úp lên trán. Tôi lật lướt các trang slide ngược trở lên để về trang đầu.
- Sao thế? - ông hỏi. - Tôi làm chuyện gì không đúng sao?
Tôi quay về phía ông và khẽ cười:
- Không ạ, chỉ tỉa tót thêm một chút thôi ạ, - tôi nói.
- Vậy, chúng ta làm như thế nào?
- Hãy bắt đầu bằng việc tả cho cháu chính xác chú làm gì ở ngân hàng. Và rồi hãy cho cháu xem những hồ sơ này.
Tôi tắt laptop. Trong vòng ba tiếng tiếp theo tôi đã hiểu một phó giám đốc chi nhánh quận của một ngân hàng nhà nước thì làm gì. Thực ra, có rất nhiều việc, trái ngược với hình dung của tôi rằng nhân viên ngân hàng nhà nước chẳng làm gì cả. Tuy vậy, rất nhiều công việc liên quan đến báo cáo, phê duyệt và lưu giữ một số loại báo cáo. Nó mang nặng tính quan liêu và ít tính kinh doanh.
Tôi ngáp dài khi ông kết thúc việc diễn giải quy trình tuyển dụng nhân sự ở quận Egmore của ông. Tôi nhìn chiếc đồng hồ treo tường. Đã là chín giờ rưỡi.
- Xin lỗi, tôi thậm chí còn chưa mời cậu ăn tối đấy, - ông chú Swaminathan nói.
- Không sao ạ, cứ tiếp tục thôi. Cháu đi rửa mặt, - tôi nói và kéo ghế ra đằng sau.
Tôi quay trở lại từ phòng tắm thì ông đã mang ra hai chiếc đĩa sắt và một bát cơm chanh. Ông đặt bát vào lò vi sóng để làm nóng thức ăn.
- Xin lỗi vì không thể mời cậu một bữa đàng hoàng tối nay. Tôi đã bảo người giúp việc làm gì đó đơn giản, - ông nói.
- Không sao ạ, - tôi nói khi đón lấy những chiếc đĩa từ tay ông.
Tôi bước tới bếp. Tôi lấy sữa đông và nước. Tôi nhìn thấy những chiếc thìa nhưng quyết định sẽ không lấy chúng.
- Còn Manju? - tôi hỏi khi quay trở lại bàn.
- Nó ăn rồi. Nó thức dậy lúc bốn giờ bởi thế bây giờ nó phải đi ngủ rồi, - ông nói.
Chúng tôi yên lặng ngồi ăn. Lần đầu tiên trong ngôi nhà của họ, tôi có cảm giác được chào đón. Chắc chắn rồi, họ vẫn cho tôi bữa sáng và cho tôi đi nhờ xe đến chỗ làm ba ngày một tuần. Tuy vậy, hôm nay rất khác biệt. Ông thêm thức ăn vào đĩa của tôi khi tôi ăn xong và rót nước cho tôi. Chúng tôi tiếp tục làm việc sau bữa tối cho tới khi ông không còn giữ mắt khỏi díp vào nhau được nữa.
- Mười một rưỡi rồi, cháu phải về thôi, - tôi nói. Tôi tắt máy tính và sắp đống giấy tờ lại.
- Ừ,  ông nói trong khi nhìn đồng hồ. - Tôi không biết rằng lại nhiều việc tới vậy.
Tôi bước ra cửa và vạch ra một chương trình làm việc.
- Kế hoạch như thế này nhé, - tôi nói. - Ngày mai chúng ta sẽ dựng một khung kiến trúc, như thế thì ít nhất chúng ta cũng có tiêu đề cho tất cả năm mươi slide. Ngày tiếp theo chúng ta sẽ đưa chữ vào. Ngày sau đó chúng ta sẽ bắt đầu phần hình và bảng biểu.
Chúng tôi bước ra khỏi căn nhà.
- Muộn rồi. Để tôi chở cậu về nhé? - ông nói.
- Không ạ, vẫn còn xe tuk tuk trên đường chính. Chúc chú ngủ ngon, chú bảo Manju là ngày kia cháu sẽ tới gặp em ấy.
- Cảm ơn cậu, Krish, - ông nói và vẫy tay tạm biệt tôi.
- Không có gì ạ, - tôi nói.

28

Tôi dành ba tối tiếp theo cùng với ông chú Swaminathan. Bản kế hoạch kinh doanh của ngân hàng Baroda Egmore đã trở thành tâm điểm cuộc sống của tôi. Tôi đã mang vài phần việc của ông tới văn phòng của chính mình để làm vào buổi trưa.
- Cậu đang làm gì thế? - Bala hỏi khi chúng tôi gặp nhau ở gần máy in chung của văn phòng, tôi phải tới đó để lấy những tờ in bản thuyết trình.
- Nghiên cứu cá nhân, - tôi nói, giữ chặt những tờ giấy trong tay và chạy lại bàn mình.
Rất kỳ lạ, nhưng tôi có thể biết rằng tiếng chuông điện thoại đó chính là cuộc gọi từ Ananya.
- Chào người đẹp. Mọi chuyện thế nào?
- Em có biết rằng bốn năm trước đây Ngân hàng Baroda không có máy ATM nào, nhưng bây giờ chỉ riêng ở Egmore đã có hơn chục ATM rồi không? - tôi nói trong khi mở slide thứ mười hai trong bản thuyết trình.
- Gì thế? - cô hỏi.
- Và trong vòng hai năm tới, sẽ là ba mươi chiếc, - tôi nói.
- Anh đang nói chuyện gì thế?
- Anh đang xử lý bản thuyết trình cho bố em, tại văn phòng của anh, - tôi nói và xoay ghế để quay ra xa khỏi màn hình.
- Chính vì thế mà anh thật đáng yêu, - cô nói.
- Anh đang ăn cắp thời gian của một MBA tài năng được Citibank trả lương. Anh có thể phải vào tù vì chuyện này, - tôi nói.
- Tuyệt vời làm sao! Tình yêu của em vào tù vì em, - cô tặc tặc lưỡi.
- Manju nói với em là tối nào anh cũng ở đó đến tận khuya. Và buổi sáng hôm nay anh lại dạy thêm cho nó nữa. Anh phải giữ gìn sức khỏe đấy nhé.
- Anh không sao. Anh sẽ nghỉ ở văn phòng. Và bản thuyết trình sẽ xong đêm nay.
- Tuyệt. Quan hệ với bố thế nào?
- Hừm, cũng là chuyện công việc thôi. Nhưng nói thế này nhé, anh đã nhìn thấy ông cười. Anh đã ăn nguyên một quả ớt vào bữa tối và phải chạy vào bếp. Khi anh trở ra, ông đã mỉm cười nguyên ba giây và chính anh đã tạo ra nụ cười đó đấy.
- Với bố em, đó là bước tiến lớn đấy, - Ananya nói. - Bố em không hề cười trong bất cứ bức ảnh cưới nào của ông.
- Hừm, ông ấy bắt buộc phải cưới mẹ em, - tôi nói.
- Thôi ngay, - Ananya nói.
Người cần vụ đến chỗ tôi nói rằng Bala đã quay số nối dài của tôi nhưng không liên lạc được. Tôi bảo Ananya giữ máy.
- Bảo ông ấy tôi đang làm việc với một khách hàng tiềm năng mới. Đang mời họ tới nhạc hội, - tôi nói.
Người cần vụ gật đầu và rời đi.
- Nhạc hội ư? - Ananya hỏi.
- Đó là một sự kiện cho khách hàng cá nhân. Ở Fisherman’s Cove, - tôi nói.
- Fisherman’s Cove đẹp lắm. Em tới được chứ? - cô hỏi.
- Chỉ khi em có một triệu để dành thôi, - tôi nói.
- Được thôi, chồng em sẽ gửi tiền, - Ananya nói.
- Đúng thế, ngay sau khi anh thực hiện vụ cướp ngân hàng. OK, giờ anh nên pha trò với em hay đảm bảo để bố em không bị người ta cười nhạo trong năm ngày tới đây? - tôi hỏi.
- Bố trước đi, - cô nói, - em sẽ quay về sau ba ngày nữa.
- Thanjavur thế nào?
- Những ngôi đền, những người Tamil và sự chăm sóc của bà mẹ tính khí thất thường ư? Anh muốn biết không? - cô nói.
- Có lẽ để lần sau vậy. Chuyện gì gây ra tính khí thất thường đó thế?
- Em, em và chỉ em thôi, - Ananya nói và cười, - luôn luôn là như thế.
- Thế sao? Tội lỗi của em là gì thế?
- Em chẳng có thời gian cho bà. Đúng vậy đấy, em phải đi khắp quận gặp gỡ người ta cả ngày. Tất nhiên, bà cũng cảm thấy việc nói không với Harish cũng chẳng khác gì từ chối giải Nobel vậy. Bởi thế, đó là món khai vị của bữa tối. Món chính là bài thuyết giáo về việc em đã lạm dụng đặc quyền của mình như thế nào khi được cho học cao hơn. Món tráng miệng thường là nước mắt. Tuần tới em phải tới Pondicherry. Không đời nào em đưa bà theo cùng.
- Em bắt buộc phải đi?
- Chỉ trong ngày thôi.
- Này, chẳng phải Fisherman’s Cove nằm trên đường tới Pondicherry sao? - tôi hỏi.
- Đúng thế, sao?
- Tốt lắm, anh sẽ tới đó trước và kiểm tra địa điểm. Anh sẽ đến với em ngày hôm đó, - tôi nói. - Bất cứ thứ gì để thoát khỏi văn phòng.
- Ồ, tuyệt, - cô nói.
Người cần vụ lại tới.
- Gì thế? - tôi quay sang người cần vụ sau khi bảo Ananya giữ máy.
- Ông đang mời khách hàng nào vậy? - người cần vụ nói.
Tôi nhìn quanh. Bên ngoài cửa sổ văn phòng có một vài kho chứa. Tôi nhìn thấy một cái để pháo hoa.
- Pháo hoa chuẩn, Sivakasi. Được chứ? - tôi nói.
Người cần vụ gật đầu.
- Tạm biệt nhé, bé yêu, em làm phiền anh phải không?
- Đúng vậy, nhưng cuộc đời còn ra cái gì khi không được làm phiền bởi đúng người cơ chứ, - tôi nói.
- Cảm ơn anh. Yêu anh, - Ananya nói.
- Anh cũng yêu em, - tôi nói và gác máy.
Người cần vụ đứng trước mặt tôi, đôi mắt anh ta mở to sau câu cuối cùng của tôi.
- Sao anh vẫn còn ở đây? - tôi hỏi.
- Xin lỗi ngài, - người cần vụ nói và rời đi.
* * *
Tôi rời văn phòng sớm để hoàn thành bản thuyết trình ở nhà Ananya. Chúng tôi đã đến đoạn cuối và chỉ còn lại phần chỉnh định dạng cuối cùng. Tôi đi qua một cửa hàng CD ở Mylapore. Tôi nghĩ một chút nhạc chắc sẽ thú hơn trong khi tôi hoàn thiện bản thuyết trình. Tôi bước vào.
- Ngài cần gì vậy? - người chủ cửa hàng hỏi.
Tôi lướt qua những giá để đầy những đĩa CD Tamil trong những bìa đĩa điên khùng trông hệt các tiểu thuyết trinh thám.
- Anh có đĩa nào không phải tiếng Tamil không? - tôi hỏi.
Anh ta lắc đầu thất vọng.
- Không phải tiếng Tamil thì mời ngài đến Nungambakkam.
Nhưng người coi cửa hàng vẫn nhìn các dãy đĩa để tìm gì đó.
- OK, đây rồi, - anh ta nói và lấy ra ba chiếc đĩa CD.
Chiếc CD đầu tiên là liên khúc những bản hit tiếng Hindu. Có hình các cô gái lộ rãnh ngực trên bìa đĩa. Tôi phải từ chối cái đĩa đó. Chiếc thứ hai là tập hợp những bản tình ca lãng mạn, bìa đĩa có hình trái tim. Chiếc CD thứ ba là những ca khúc cho trẻ em bằng tiếng Anh.
- Cho tôi đĩa tình ca, - tôi nói.
Người chủ cửa hàng tính hóa đơn trong khi tôi lướt qua khu đĩa nhạc camatic.
- Có đĩa CD nhạc camatic nào hay không anh? - tôi hỏi.
- Hay là thế nào cơ, thưa ngài? - anh ta nói trong khi gói đĩa CD màu đỏ của tôi.
Tôi nhìn những chiếc bìa đĩa nhạc camatic. Hầu hết đều có hình những người đàn ông và đàn bà Tamil trung niên trên đó.
- Anh có tuyển tập những bài nhạc camatic nổi tiếng chứ? - tôi hỏi.
Người chủ cửa hàng có vẻ bối rối. Tôi giơ tay lên tuyệt vọng.
- Tôi không biết gì cả. Tôi chỉ muốn bắt đầu tìm hiểu thôi, - tôi nói.
- Người Bắc Ấn à? - anh ta hỏi.
Tôi gật đầu.
- Thế tại sao anh lại muốn học nhạc camatic? - Tôi không trả lời.
Người chủ cửa hàng đưa tôi hai đĩa CD. Một đĩa có hình một người phụ nữ cầm một chiếc đàn tambura ở bìa. Chiếc còn lại có hình một ông già. Toàn bộ chữ được viết bằng tiếng Tamil. Tôi lật xem nó.
- T.R. Subramanium, được đấy, - một bà đứng tuổi vừa mới bước vào cửa hàng và nhận ra những chiếc CD của tôi.
- Vâng, đĩa nhạc yêu thích mọi thời đại của cháu đấy, - tôi nói trong khi bỏ những chiếc CD vào trong túi và bước ra khỏi cửa hàng.
* * *
Tôi tới nhà Ananya lúc sáu rưỡi. Bố cô đã ngồi sẵn ở bàn rồi. Ông đeo kính đọc sách và đang sửa bản in của bài thuyết trình. Ông đã để bánh rán nóng trên bàn cùng với chutney màu đỏ, xanh và trắng.
- Lấy một cái đi. Ở một hiệu nổi tiếng gần công ty tôi đấy. Tôi mua cho cậu, - ông nói.
Tôi nhìn ông trong khi nhặt một chiếc bánh. Lần đầu tiên kể từ khi tôi biết ông, mắt chúng tôi gặp nhau. Tôi nhận ra rằng nếu bỏ qua khuôn mặt nhăn nheo và cặp kính đọc sách, ông có đôi mắt giống hệt Ananya.
- Hôm nay, bất kể muộn thế nào, chúng ta cũng phải làm xong vụ này, - tôi nói trong khi mở file.
Ông gật đầu. Ông kéo ghế của mình gần ghế của tôi để nhìn màn hình.
- OK, chúng ta hãy chạy qua tất cả các slide nhé. Cháu sẽ chỉnh định dạng khi chúng ta xem slide, - tôi nói.
Tôi xem được năm slide đầu tiên trong vòng một giờ.
- Chú ơi, chú có phiền nếu cháu bật một chút nhạc không? Việc chỉnh format này khá nhàm chán, - tôi nói.
Tôi mở trình chạy đĩa trên laptop của mình.
- Mở stereo ấy, - ông nói và chỉ vào dàn hi-fi được đặt trong tủ kính phòng khách.
Tôi lấy những đĩa CD từ chiếc cặp đi làm ra.
Ông bước đến chỗ tôi để kết nối hệ thống. Trong khi ông loay hoay với đống dây nhợ, tôi nhận thấy chai whisky Chivas Regal một lít chưa mở để cạnh dàn stereo.
Tôi tận dụng cơ hội và hỏi ông.
- Chú thích whisky ạ?
- Không, chỉ thi thoảng một chút Cognac khi tôi bị cảm lạnh thôi. Harish cho tôi cái chai lớn này đấy. Tôi phải uống vài năm mới hết, - ông nói.
Tôi im lặng.
- Cậu biết Harish chứ? Anh chàng đến coi mắt Ananya ấy.
Tôi gật đầu.
- Thực sự là một anh chàng rất tốt, - ông nói.
Ông bật hệ thống stereo. Tôi đã đưa ông chiếc đĩa CD hình trái tim trong túi tôi. Ông lật nó vài lần trên tay mình.
- Cửa hàng Mylapore chỉ có thế thôi ạ, - tôi nói giọng ngại ngùng.
- Những cái còn lại là gì?
Tôi đưa ông hai chiếc đĩa CD kia.
- T.R. Subramanium và M.S. Sheela? Cậu mua đĩa này cho ai đấy?
- Cho cháu ạ.
- Cậu hiểu nhạc camatic à?
- Không ạ, nhưng cháu muốn học. Cháu nghe nói đó là dạng âm nhạc nguyên thủy nhất, - tôi nói.
Ông lắc đầu. Tôi tự hỏi liệu có phải lý do của mình chưa đủ thuyết phục. Ông bỏ những chiếc đĩa CD vào lại trong túi tôi.
- Đôi khi, tôi ước gì tôi đừng cổ vũ Radha hát nhạc camatic. Nó chỉ mang đến cho bà ấy đau khổ thôi.
Tôi gật đầu, không biết mình nên đáp lại thế nào. Lần đầu tiên ông đề cập đến chuyện riêng tư. Thật kinh ngạc là hai người đàn ông cùng với một chiếc laptop trong một căn phòng đóng cửa trong vòng năm ngày lại đạt được sự gần gũi đến vậy.
Chúng tôi ngồi lại bàn và tôi làm việc với slide thứ sáu. Bài hát lãng mạn của Mandy Moore tràn ngập căn phòng.

Em muốn ở cùng anh
Dù chỉ là một đêm thôi

Ca từ có vẻ hơi kỳ quặc một chút cho một buổi làm việc chung giữa một người đàn ông Tamil năm mươi tuổi và một chàng trai Punjab hai mươi tư, nhưng dù sao cũng còn tốt hơn là yên lặng. Tôi hào hứng đặt những hộp chữ, bảng biểu, đồ thị và danh sách vào đúng vị trí của chúng và làm cho mỗi slide trông thật hấp dẫn. Ông đọc từng dòng và kiểm tra phần hình ảnh. Bài hát vẫn tiếp tục.

Được ở trong vòng tay anh
Được ôm anh thật chặt

Tôi chưa đi được nửa đường thì chiếc CD đã chạy được hơn ba lượt. Chúng tôi tạm nghỉ ăn tối lúc mười giờ. Ông vào bếp và quay trở lại với hai đĩa cơm cà chua.
- Cậu chắc phát ngán với đồ ăn Nam Ấn rồi hả? - ông hỏi.
- Không ạ, giờ cháu quen rồi. Cảm giác như thức ăn ở nhà, - tôi nói.
- Tốt, - ông nói.
Ông bước tới tủ kính. Tôi đã đạt tới loại “tốt” dù rằng vẫn chưa “rất tốt” như Harish, tôi nghĩ.
- Bản thuyết trình giờ đã ổn rồi. Cậu muốn uống chút gì không? - ông hỏi.
- Vâng, - tôi đáp.
Ông lấy hai chiếc cốc từ cái giá trong tủ. Ông bảo tôi lấy một chiếc thìa và đá ở trong bếp. Ông mở nút chai.
- Tôi chỉ năm thìa là đủ, - ông nói trong khi lấy đồ uống cho mình. - Thế còn cậu?
- Chúng cháu không dùng thìa để đong rượu, - tôi nói.
Tôi đã hơi kích động một chút. Một tuần làm việc cật lực và Harish vẫn là anh chàng “rất tốt”. Đồ chết tiệt Harish, tôi sắp sửa uống Chivas Regal của anh đây. Tôi rót thứ chất lỏng màu vàng cao cỡ bốn ngón tay.
- Cậu đang làm gì thế? - ông kêu lên.
- Thế này mới gọi là uống. Cụng nào, - tôi nói và nâng cốc.
- Thực ra, Radha đã cấm tôi không được uống hơn, - ông nói và lấy chiếc chai từ tôi. Ông nghiêng nó và rót cốc của ông ngang bằng với cốc của tôi.
- Cụng nào, - ông nói, - và cảm ơn cậu. Người IIT các cậu rất giỏi. Cậu đã làm ra một bản thuyết trình thật tuyệt.
- Không có gì ạ, - tôi nói.
Chúng tôi kết thúc bữa tối và lượt uống đầu tiên lúc mười rưỡi. Tôi mang chai whisky tới gần laptop. Tôi rót cốc thứ hai cho mình và mời ông. Ông không từ chối. Đĩa nhạc chuyển sang bài “Last Christmas”.
Ông bước tới dàn stereo và tăng âm lượng. “Anh đã dâng trọn trái tim”, ông hát theo và búng ngón tay. Ông quay trở lại và ngồi xuống.
Tôi vừa chứng kiến một cảnh tượng kinh ngạc. Một người Tamil Bramin đã giải phóng bản thân mình có lẽ là lần đầu tiên. Nếu không còn bản thuyết trình phải làm, có lẽ tôi sẽ thích thú ngồi nhìn ông hơn.
Tất cả những gì tôi nhớ là trong vòng hai tiếng tiếp theo, chúng tôi đã tới slide cuối cùng và chai whisky còn một phần ba.
- “Trân trọng cảm ơn”, - tôi nói khi đọc slide cuối cùng. - Vậy là xong rồi ạ.
Tôi lưu file.
- Lưu hai lần nhé, - ông nói.
Tôi bấm lưu lần nữa và xem thời gian. Lúc đó đã là một giờ sáng. Ba tiếng nữa, Manju sẽ thức giấc.
- Chú sẵn sàng thuyết trình rồi chứ? - tôi hỏi.
- Thuyết trình? Tôi ư? Không, không, Verma sẽ thuyết trình. Việc của tôi là hoàn thành bản thuyết trình và thế là xong.
- Chú ơi, - tôi nói, giọng đĩnh đạc nhờ rượu whisky, - chú phải thuyết trình. Cả tuần cày cuốc vừa rồi sẽ là công cốc nếu như chú không thuyết trình.
- Tôi chưa dùng máy chiếu bao giờ cả, - ông nói.
- Chuyện đó thì chẳng có gì đâu. Kỹ thuật viên sẽ kết nối thiết bị cho chú. Chú chỉ cần bấm mũi tên để sang slide tiếp theo thôi.
- Tôi chẳng biết nữa.
Ông trở nên im lặng. Tôi đóng laptop và lắc đầu.
- Chuyện này thật không thể tin được. Bản thuyết trình rất tốt. Giám đốc toàn quốc của chú sẽ ở đó. Và chú chỉ muốn ngồi ở trong góc thôi sao. Verma sẽ hưởng hết công lao.
- Vậy sao? - ông nói.
- Tụi sếp thì luôn làm thế mà, đâu có ngoại lệ, - tôi nói.
- Thằng Bắc Ấn khốn nạn, - ông nói.
Tôi đứng dậy đi về.
- Buồn ngủ à? - ông hỏi.
- Không bằng chú đâu ạ. Chú vẫn ngủ lúc mười giờ, phải không? - tôi nói.
- Nó đánh thức tôi đấy, - ông nói và trỏ vào cốc của mình. - Muốn uống thêm một cốc không?
- Chú, cháu phải bắt xe. Muộn rồi ạ.
- Sao cậu không ở lại đây đi? - ông nói.
- Gì cơ ạ? - tôi hỏi.
- Đúng thế, tôi sẽ đưa cậu một bộ quần áo ngủ. Của tôi chắc sẽ vừa với cậu đấy, - ông nói.
Trong quá khứ tôi đã có niềm đau phải mặc quần áo bố bạn gái. Đây không thể là một ý hay, tôi nghĩ. Tôi còn chưa kịp đáp lời, ông đã rót thêm cho chúng tôi một lượt uống nữa.
- Cứ đổi đĩa nhạc nếu cậu muốn, - ông nói.
Tôi lục tìm trong đống băng đĩa của Ananya trong ngăn kéo. Tôi tìm thấy một album của Pink Floyd và không thể cưỡng lại được. Rượu bia đòi phải có Floyd.
Đoạn nhạc dạo đầu dài và ma mị của Shine On You Crazy Diamond vang lên trong căn phòng. Ông giậm giậm chân nhè nhẹ theo nhịp nhạc chậm. Tôi băn khoăn không biết liệu ông có chịu được lượng cồn nhiều như thế hay không. Tôi muốn hút thuốc. Không, đừng có nghĩ về việc hút thuốc, trí óc tôi khuyên can. Đừng nghĩ về việc ở cùng với Ananya. Hãy nghĩ tới kế hoạch khẩn cấp cho tình huống tồi tệ nhất. Nếu như ông ấy nôn hay xỉu đi thì sao? Làm thế nào gọi được xe cấp cứu ở Chennai? Mình sẽ phải giải thích ra sao với mẹ Ananya?
Dù vậy, ông dường như đang thoải mái. Ông ngồi ở ghế xô pha và đặt hai chân lên bàn.
- Có một điều Verma đã nói với tôi và tôi sẽ không bao giờ quên, - ông nói. Tôi gật đầu. - Verma nói, “Swaminathan, ông biết tại sao họ cho ông làm phó giám đốc còn cử tôi làm giám đốc không?”.
- Tại sao? - tôi hỏi, đã quá say để tỏ ra kiềm chế.
- Hắn nói đó là bởi vì người Nam Ấn đứng nhì rất giỏi, nhưng rất tệ khi đứng đầu. - Ông lắc đầu và uống một ngụm lớn. Kể cả trong cơn say của ông, tôi có thể cảm thấy nỗi đau. Tôi không biết phải nói gì.
- Cậu đồng ý không? - ông hỏi.
- Ồ, cháu chẳng biết. Sếp của cháu là người Nam Ấn, - tôi nói.
- Ừ, nhưng cậu chỉ mới đi làm thôi. Có lẽ hắn nói đúng. Chúng tôi không muốn nổi bật. Tôi biết tôi nên thuyết trình, nhưng tôi không muốn.
- Tại sao chứ?
- Bởi vì kiến thức không phải để khoe khoang. Nếu tôi làm việc tốt, mọi người sẽ chú ý đến tôi. Tôi không thể phô bày mình như tay Verma trơ trẽn đó được.
Tôi gật đầu, để ông thấy là tôi vẫn nghe hơn là đồng ý. Chẳng gì sáng suốt bằng hai người đàn ông say xỉn.
- Phải vậy không?
- Cũng còn tùy ạ, - tôi nói.
- Tùy cái gì?
- Chú có thấy bực khi họ không để chú làm giám đốc không? - tôi hỏi.
Ông nhìn tôi một vài giây. Ông nghiêng người lên trước ghế xô pha và tới gần tôi.
- Để tôi nói với cậu một điều. Tên cậu là gì nhỉ? - ông hỏi.
Rõ ràng, tôi còn lâu mới ở cái mức gần gũi với ông.
- Krish, - tôi nói.
- Đúng rồi, tôi xin lỗi, thứ rượu whisky này… Krish này, tôi đã từng có những lời mời. Mười năm trước tôi đã có lời mời từ những ngân hàng đa quốc gia. Nhưng tôi trung thành với ngân hàng của mình. Và tôi đã kiên nhẫn chờ tới lượt mình trở thành giám đốc. Giờ đây, chỉ còn năm năm nữa là tôi nghỉ hưu, vậy mà họ điều thằng nhãi Bắc Ấn đó đến.
- Vậy là chú đã cảm thấy bực, - tôi nói.
- Tôi vẫn còn cảm thấy rất tồi tệ. Tôi thậm chí còn chưa kể chuyện này với vợ mình. Tôi đã uống quá nhiều rồi, - ông nói.
- Không sao. Vấn đề là, nếu chú thấy chuyện đó tồi tệ thì chú phải làm tất cả để lấy được vị trí số một. Và… - Tôi dừng lại.
- Gì cơ? Cứ nói ra đi, - ông nói.
- Và nếu chú không có các kỹ năng marketing, thì nên thú nhận điều đó hơn là cứ lên giọng đạo đức về kiến thức. Chú đã làm việc tốt, hãy để thế giới biết điều đó. Có cái quái gì hèn hạ hay đáng hổ thẹn vì việc đó đâu chứ?
Ông không trả lời.
- Cháu xin lỗi, - tôi nói, tự trấn tĩnh lại.
- Không, cậu nói đúng. Tôi thật vô dụng, - ông nói, giọng ông run run.
Tôi bỗng lo rằng ông sẽ khóc.
- Cháu không nói điều đó. Chúng ta đã làm ra nó, phải không nào? - tôi chỉ vào laptop của mình.
- Cậu nghĩ tôi nên thuyết trình? Liệu tôi có làm được không? - ông hỏi.
- Chú sẽ đá đít hắn, - tôi nói.
- Sao?
- Xin lỗi, cháu hỏi chú có cần thêm đá không?
Ông lắc đầu.
- Chú sẽ ổn thôi. Hãy nói với Verma là chú sẽ thuyết trình. Đừng đưa cho hắn bản sao.
- Tôi sẽ đối đầu với hắn sao?
- Vâng, nếu chú gọi thế, - tôi nói. - Và hãy đảm bảo từ giờ trở đi, mọi người biết về việc chú làm. Hãy xem Bala, sếp của cháu. Hắn bắt chước giám đốc toàn quốc tất cả mọi thứ. Bala học lại giám đốc toàn quốc cả thực đơn cho buổi nhạc hội địa phương vớ vẩn mà chúng cháu sẽ tổ chức tháng tới. Chú nhất định phải được chú ý đến, chú không phải làm việc. Các công ty vận hành như vậy, tất cả mọi người đều biết thế.
Ông gật đầu và trầm tư nghĩ ngợi. Tôi xem giờ: hai giờ sáng. Tôi chẳng thể kìm được một cái ngáp.
- OK, chúng ta nên đi ngủ thôi, - ông nói và đứng dậy.
- Chờ đã. - Ông quay lại với một chiếc lungi và áo vest. - Đây, thế được chứ?
Chú đùa hay sao thế này, tôi muốn nói thế, nhưng rồi lại nói, “Hoàn hảo”.
Ông chỉ tôi phòng nghỉ dành cho khách. Tôi ngồi xuống giường, quần áo ngủ trong lòng.
- Cậu muốn trở thành gì? Giám đốc điều hành ở Citibank? - ông hỏi khi ra cửa rời khỏi phòng tôi.
- Nhà văn ạ, - tôi nói.
- Gì cơ? - ông hỏi và cơ thể mệt mỏi của ông lại trở nên tỉnh táo.
- Giám đốc điều hành, giám đốc quốc gia, cháu chẳng ham, đó không phải là cháu, - tôi nói.
- Cậu định rời ngân hàng đó à?
- Bây giờ thì chưa ạ. Cháu sẽ dành dụm một vài năm đã.
- Thế sau đó thì sao? Còn bố mẹ cậu nữa? Họ nhất trí với chuyện này chứ?
- Rồi chúng ta sẽ biết. Chú nên đi ngủ thôi ạ. Ngày mai chú còn phải thuyết trình nữa, - tôi nói.
Ông tắt đèn chính và rời đi. Tôi vào phòng tắm và chật vật với chiếc lungi. Cuối cùng tôi dùng thắt lưng để thắt nó quanh hông và nằm xuống giường. Lưng tôi giờ mới được nghỉ ngơi sau mười tám tiếng; tôi thở ra nhẹ nhõm.
 Ông gõ cửa phòng tôi. Ông bước vào trong và lại bật đèn lên. Tôi ngồi dậy ngay lập tức.
- Gì đấy ạ?
- Nước đây, - ông nói và để lại một chai gần giường tôi. - Uống đi, không mai cậu sẽ nhức đầu khi đến cơ quan đấy.
- Cảm ơn chú, - tôi nói.
- Cậu mặc chiếc lungi đó thoải mái chứ? Cậu cần giúp gì không?
- Không ạ, cháu ổn, - tôi nói và giữ chặt dây lưng hơn.
- Chúc ngủ ngon, - ông nói và lại tắt đèn.
- Chúc ngủ ngon, thưa ngài, - tôi nói và nguyền rủa bản thân mình trong vòng mười phút sau đó vì đã gọi ông là ngài.

29

- Một triệu! - Bala búng ngón tay trong cuộc họp của ủy ban chỉ đạo nhạc hội. Đúng, một trong những giá trị lớn lao được Bala thêm vào là làm cho mọi thứ nghe có vẻ quan trọng. Ông ta đã lập ra Ủy ban Chỉ đạo Nhạc hội. Nghe có vẻ rất quan trọng, suýt nữa tôi đã nộp hồ sơ xin vào đó.
Nhưng ngay lúc này đây, chúng tôi có một rắc rối. Tất cả mọi người yên lặng khi người chịu trách nhiệm lo liệu về ca sĩ báo cáo.
- Ngài muốn ba ca sĩ nổi tiếng mà, - Madhavi, một nhân viên béo đeo kính trông lai lai giữa một lớp trưởng ở trường và một y tá chăm sóc các bệnh nhân đặc biệt.
- Nhưng sao bọn họ lại được trả nhiều như thế chứ? - Bala nói. Không biết làm sao mà Bala cảm thấy chỉ có mình mới xứng đáng với một công việc được trả lương quá nhiều so với những gì đã làm.
- Họ đến cùng với ban nhạc, thưa ngài, và cả ca sĩ hát phụ nữa, - Madhavi nói.
Tất cả mọi người trong phòng gật đầu.
Bala lắc đầu.
- Sao lại cần ca sĩ phụ? Ca sĩ chính sẽ bị đụng xe hay gì đó à?
Không có ai cười cả.
- Phụ tức là hát bè ấy, thưa ngài, - Madhavi nói.
Bala vẫn không ấn tượng gì.
- Hát bè là những người cứ aaaaaa trong các bản tình ca ấy, thưa ngài, - Renuka, một nhân viên khác nói.
- Tôi biết hát bè là gì, - Bala nói và đập tay xuống bàn. - Nhưng thế này là quá nhiều.
- Chúng ta có thể giảm đồ ăn đi, - một nhân viên nói.
Anh ta nhận được nhiều cái nhìn kỳ thị hơn cả một kẻ ghẹo gái trên xe buýt. Anh ta thu lại lời đề nghị của mình.
- Sao chúng ta không mời những ca sĩ bớt tiếng tăm hơn? - tôi hỏi.
- Nhưng đây là một sự kiện của Citibank. Nếu chúng ta mời ca sĩ hạng B mà ngày mai HSBC tổ chức một sự kiện với những ca sĩ hạng A, chúng ta chỉ có nước đào hố mà chui xuống đất, - Bala nói.
- Thưa ngài, địa điểm… - một người chưa từng nói câu nào trong một cuộc họp nào suốt sự nghiệp của mình vừa nói đã bị chặn họng.
- Phải là năm sao, - Bala nói.
- Ca sĩ nào nổi nhất trong ba người? - tôi hỏi.
- Hariharan, - một nhân viên nói.
- Không, là S.P. Balasubramanium, - một người khác nói.
Chiến tranh đã nổ ra giữa những người Tamil bình thường rất hiền lành. Hễ nói tới âm nhạc, họ có thể giết người.
- Không hợp, Hari hợp với S.P, - Madhavi gào lên kích động.
- Suchitra? Mọi người quên Suchitra sao? - một nhân viên khác nói.
Bala đứng dậy. Giống như tất cả các cuộc họp công ty khác trên thế giới, kể cả cuộc họp này cũng phải dừng lại mà không đi đến kết luận gì.
- Tôi phải nói thế này, chúng ta không thể trả nhiều vậy được. Địa điểm, đồ ăn và quảng cáo đã tốn mất bốn trăm nghìn rồi, - Bala nói.
- Quảng cáo ư? - tôi hỏi.
- Chúng ta quảng cáo nửa trang trên tờ Người Hindu, - Bala nói.
Các nhân viên gập hồ sơ của họ lại để ra về.
- Chẳng phải đây là sự kiện chỉ dành cho khách mời hay sao? - tôi hỏi.
- Mục quảng cáo sẽ nói y như thế. Chỉ khách hàng của chúng ta mới được mời. Tuy vậy, quảng cáo đó sẽ đảm bảo rằng bạn bè và người thân của họ cảm thấy ghen tị.
- Đó là lợi thế của Citi, - tôi nói.
- Chuẩn đấy, - Bala vỗ lưng tôi.
* * *
- Thế nào, bố vui chứ hả? - tôi hỏi Ananya trong xe tuk tuk.
- Đúng thế. Bữa tối nào bố cũng chỉ nói về bản thuyết trình. Và giờ ông đang ở Delhi, để thuyết trình chính cái bài đó ở trụ sở chính. Anh có tin được không? - Ananya nói.
- Chà! - tôi nói vừa lúc chúng tôi tới nơi.
Chúng tôi đã tới cửa hiệu tạp hóa Ratna ở T. Nagar để mua vài chiếc đĩa sắt cho phòng trọ của tôi. Tôi cần bốn chiếc, ở nơi này có tới bốn triệu chiếc. Thật sự tất cả các bức tường, trên mái, trong góc, trên các kệ và giá khắp hai tầng nhà đều được phủ bởi những thứ đồ ăn bằng thép sáng bóng. Nếu tia nắng lọt vào trong cửa hàng, bạn có thể sẽ bốc cháy như một con kiến dưới một chiếc kính lúp. Tôi tự hỏi làm thế nào cửa hàng này theo dõi việc kiểm kê được.
- Làm thế nào chọn được đây? - tôi hỏi Ananya khi chúng tôi tới gần khu bày đĩa.
Ananya giơ tay miêu tả độ dày chiếc đĩa mong muốn với một trong những người phục vụ.
- Em thật lòng cảm ơn anh vì đã giúp bố. Em nghĩ giờ ông thích anh rồi, - cô nói.
- Không nhiều như ông thích Harish đâu. Dù sao anh đã uống whisky của anh ta.
- Gì cơ? - Ananya nói.
Tôi kể với Ananya về vụ uống rượu của chúng tôi.
- Anh mặc cái gì của bố đi ngủ cơ? - cô hỏi, sốc vì kết cục câu chuyện của tôi.
- Lungi, - tôi vừa nói vừa trả tiền ở quầy thu ngân. - Có gì đáng ngạc nhiên thế đâu? Nó khá thoải mái mà.
Ananya nhướng lông mày lên.
- Anh làm việc đó vì em. - Tôi nhìn vào mắt cô.
Cô tiến lên trước và mặc dù người ta có thể nhìn thấy hình ảnh phản chiếu của chúng tôi trong cả năm trăm chiếc chảo rán xung quanh, cô vẫn hôn tôi. Tất cả những bà nội trợ Tamil trong cửa hàng đó quay lại nhìn chúng tôi kinh ngạc.
- Ananya, - giọng một bà vọng tới từ đằng sau chúng tôi.
Ananya quay lại.
- Chết rồi, cô Chitra, - Ananya nói và nhấc một khay sắt lớn lên che mặt. Đã quá trễ bởi vì bà đó đã bắt đầu tiến tới chỗ chúng tôi.
- Cô Chitra nào thế? - tôi hỏi.
- Cô Chitra ở cùng dãy phố với nhà em. Cô ấy hát nhạc camatic cùng với mẹ em, - Ananya nói sau chiếc khay.
- Anh cũng đã mua mấy đĩa CD nhạc camatic đấy, - tôi nói.
- Gì cơ? - cô hỏi.
- Thôi bỏ đi, cháu chào cô, - tôi nói khi cô Chitra bước gần lại chúng tôi.
- Đây là Krish, - Ananya nói. - Đồng nghiệp ạ.
- Vậy sao, đồng nghiệp kiểu gì thế? - bà cô Chitra hỏi vẻ hách dịch.
- Anh phải đi đây, - tôi nói và nhặt những chiếc đĩa của mình. - Bọn anh cần những thứ này trước bữa tối.
* * *
Tối muộn, Ananya gọi cho tôi, sau khi tôi đã dùng bữa xong xuôi với những chiếc đĩa sắt mới.
- Mọi chuyện ổn chứ? - tôi hỏi.
- Đại loại thế, - Ananya nói. - Dự là cô ấy sẽ kể với mẹ em. Dù sao họ cũng là đối thủ của nhau. Thầy dạy nhạc nhận cô ấy nhưng không nhận mẹ em.
- Rồi sao?
- Chẳng sao cả, em sẽ nói với mẹ là cô ấy nói quá lên thôi. Em có khùng đâu mà âu yếm ai đó trong cửa hàng Ratna? - cô nói.
- Có khùng đấy, - tôi cười.
- Đúng thế, nhưng có mỗi anh biết thôi.
- Anh không muốn phá hỏng những gì anh vừa tạo dựng được với bố em, - tôi nói.
- Giờ anh phải lo phần mẹ đi thôi. Manju và bố ổn rồi.
- Bằng cách nào đây?
- Em chẳng biết đâu. Em đã bảo với mẹ rằng anh sẽ đến ăn tối ngày mai.
- Tại sao chứ?
- Lý do đưa ra là cảm ơn anh vì đã giúp bố. Chúng ta có thể kể với bà về chuyến đi tới cửa hàng Ratna trước cô Chitra. Tất nhiên chúng ta sẽ bỏ qua vài chi tiết.
- Em không nên hôn anh ở đó. Sao em lại làm thế?
- Bởi vì em không cưỡng lại được, đôi khi anh thật khó cưỡng, - Ananya nói.
Tim tôi ngừng lại một giây trước lời đáp của cô. Được rồi, bà Swaminathan, nếu con gái bà không thể từ chối tôi, thì bà cũng không làm được đâu.

30

- Buổi thuyết trình xuất sắc, hội đồng đã nói với bố ở Delhi như vậy. Giờ họ yêu cầu tất cả các văn phòng khu vực làm các bài thuyết trình tương tự, - Ananya nói với giọng phấn khích.
Chúng tôi ngồi xuống sàn chuẩn bị ăn bữa tối. Mẹ Ananya giữ yên lặng trong khi đảo bát rasam. Bà đưa nó cho tôi mà không nói lời nào.
- Mẹ không sao chứ? - Ananya hỏi.
- Có phải con đã tới cửa hàng Ratna với cậu ấy không? - mẹ Ananya trỏ tôi hỏi.
- Chết tiệt! Hẳn là cô Chitra đã nói với mẹ ngay buổi sáng hôm sau, - Ananya nói, tay bận rộn trộn cơm và đậu lăng hầm.
- Chị, đừng nói tục ở bàn ăn, - Manju nói.
- Manju, ăn đi. Chị đang nói chuyện với mẹ mà, - Ananya nói.
- Nó nói đúng đấy. Chúng ta không nói chuyện như thế ở cái nhà này. Chúng ta cũng không làm những chuyện con đã làm, - mẹ Ananya vừa nói vừa trút một phần cơn giận vào chỗ cơm trên lá của bà. Bà bóp rồi đập nó thật mạnh cùng với tất cả những thứ rau rợ trên đó.
- Con có làm gì đâu, mẹ? Krish muốn mua đĩa sắt. Anh ấy còn đến chỗ nào được chứ? Con đã đưa anh ấy tới cửa hàng Ratna.
- Và con làm những chuyện rẻ tiền ở trong cửa hàng đó? - mẹ Ananya hỏi.
- Chuyện rẻ tiền gì hả mẹ? - Manju hỏi.
- Manju, em có thể ra khỏi phòng được không? Đi đọc sách vật lý đi, - Ananya nói.
- Nhưng hôm nay em đã ôn vật lý rồi mà, - Manju nói.
- Thế thì học toán hay hóa đi, trời ạ. Đi đi.
Cái nhìn nghiêm nghị của Ananya đã giải quyết được vấn đề. Manju thu tấm lá chuối của mình và mang vào phòng.
- Gì đó gì đó rẻ tiền gì đó… - mẹ Ananya vừa nói, cô đã ngắt lời bà.
- Mẹ, Krish không hiểu tiếng Tamil đâu. Mẹ nói tiếng Anh đi, - Ananya nói.
Mẹ Ananya trấn tĩnh lại một chút và lại bắt đầu nói.
- Sao con bảo em con đi chỗ khác, trong khi con lại sẵn sàng làm những chuyện rẻ tiền ở chỗ công cộng?
- Con chẳng làm bất cứ chuyện gì rẻ tiền cả.
- Cô Chitra nói dối sao?
- Con chỉ hôn phớt anh ấy một cái thôi mà.
- Hôn! - mẹ Ananya nói như thể Ananya vừa thổ lộ chuyện chúng tôi hít ma túy.
- Mẹ, đừng có bé xé ra to thế. Anh ấy là bạn trai con. Mẹ hiểu chứ?
- Con là con gái mẹ, con hiểu chứ? Con đang bôi nhọ danh tiếng nhà ta giữa chốn công cộng, con hiểu chứ? Mẹ nuôi con lớn, cho ăn học, hy sinh cho con, con hiểu chứ?
Tôi không biết bà mẹ và cô con gái có hiểu gì không, nhưng tôi hiểu đã đến lúc tôi phải đi. Tôi đứng dậy.
- Anh đi đâu đấy? - Ananya hỏi tôi.
- Anh đi rửa tay, - tôi nói, giơ đôi tay dính đầy sữa đông ra cho cô xem để chứng minh.
- Tay em cũng bẩn đây. Ở đây với em, - Ananya ra lệnh.
- Con không biết mẹ phải chịu đựng những gì vì con đâu, - mẹ Ananya nói. Bà đứng dậy, thu chiếc lá, lấy lại bình tĩnh và rời khỏi phòng.
Ananya thở ra một hơi dài.
- Anh thích xúp rasam, ngon và thơm, - tôi nói.
* * *
- Ông đã nói có nợ lớn với tôi, - tôi nói.
Tôi ngồi trong văn phòng Bala. Ông ta chống cả hai khuỷu tay trên bàn và sục cả mười ngón tay vào mái tóc bóng dầu.
- Nhưng tôi có thể làm thế nào? - Bala nói.
- Ông đã nói bị quá ngân quỹ. Tôi có một ca sĩ cho ông, miễn phí luôn.
Tôi nghịch cái chặn giấy trong văn phòng ông ta. Chỉ có hai chúng tôi với nhau, tôi cư xử ngang hàng với ông ta.
- Ai thế? - ông ta hỏi.
- Radha Swaminathan, một ca sĩ đang lên.
- Vậy sao? Chưa bao giờ nghe nói về bà ta, - Bala nói.
- Bà ấy vẫn đang ở trong màn bí mật. Bà ấy đã tu luyện nhạc camatic.
- Nhưng đây là đêm nhạc phổ thông. Chúng ta sẽ có đội múa phụ họa cho các ca sĩ.
- Bala, nhạc phổ thông thì ăn thua gì với các ca sĩ camatic chứ. Ông biết điều đó mà.
- Bà ấy hát hay chứ? Cậu nghe bà ấy hát bao giờ chưa?
- Kiểu như thế.
- Kiểu như thế?
- Có, tôi đã nghe. Sẽ ổn thôi mà. Thêm nữa ông đã có Hariharan và S.P., không thể không ổn được.
Bala đứng lên và bước về phía cửa sổ.
- Bà ấy nóng bỏng chứ? - Bala nói, - Trông có được không ấy?
- Bà ấy là mẹ bạn gái tôi. Với tôi con gái bà ấy rất xinh.
- Gì cơ?
- Tôi phải làm chuyện này, Bala. Tôi đang có khoảng thời gian cực tệ với bà ấy. Nếu không làm gì đó thật quyết liệt, có thể tôi sẽ phải hôn chào vĩnh biệt bạn gái. Nhà họ chấm một gã làm ở Cisco, tinh khiết như dầu dừa ấy.
- Bạn gái cậu là người Tamil à?
- Đúng vậy, Brahmin, bởi thế ông có thể đồng ý một lần được chứ?
- Người Iyer hay là…
- Iyer, thế thì có sao không?
- Không, - Bala nói và quay trở lại ghế ngồi của ông ta. - Giờ tôi biết tại sao cậu lại đến Chennai rồi.
- Ngoài lý do là tôi khát khao muốn làm việc với một phù thủy tài chính như ông, - tôi nói.
- Gì cơ?
- Không có gì, thế ông có làm việc đó không?
- Việc gì?
- Chốt danh sách ca sĩ, Hariharan, S.P. và tài năng mới Radha.
- Rồi các nhân viên sẽ nói gì? Chúng ta có ủy ban chỉ đạo cơ mà.
- Tất cả mọi người trong ủy ban đó đều làm việc cho ông. Họ là đám lâu nhâu của ông thôi.
- Nhưng mà… - Bala nói vẻ trầm ngâm.
- Tùy ông quyết định, - tôi thở dài. - Tôi có việc. Tôi chưa dọn hộp thư cả năm nay rồi. Tôi vẫn còn có những email ông yêu cầu tôi thúc mua những cổ phiếu Internet đó. Tôi nên xóa chúng đi mới phải, nhỉ?
Bala chằm chặp nhìn tôi khi tôi quay đầu bước ra.
- Nghe này, cũng không phải chuyện riêng tư gì lắm, - tôi nói, - nhưng nó liên quan đến những đứa con tương lai của tôi.
-----------
Còn tiếp.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét