Thứ Sáu, 6 tháng 4, 2018

Khi Yêu Cần Nhiều Dũng Cảm - (Chương 19, 20, 21, 22)

KHI YÊU CẦN NHIỀU DŨNG CẢM

Tác giả: Chetah Bhagat
Người dịch: Nguyễn Thị Hương Thảo
NXB Hội Nhà Văn, 05-2015

19

Ananya đang ngủ kế bên tôi, đầu tôi vẫn nhức do uống bia. Ramanujan vẫn tiếp tục đập cửa.
- Gì thế? - Tôi mở cửa.
- Tôi đã gõ cửa năm phút rồi đấy, - Ramanujan nói. - Ra ngoài đi, chủ nhà tới kia kìa.
- Chủ nhà?
- Đúng vậy, hãy cư xử đàng hoàng với ông ấy. Đây là nhà trọ cuối cùng ở Nungambakkam đấy. Tôi không muốn bị đuổi ra ngoài đâu.
- Chuyện gì đã xảy ra vậy? - tôi hỏi.
- Cứ ra đi đã.
Tôi đóng cửa và mặc nốt quần áo vào.
- Ananya, - tôi nói.
- Anh yêu, em buồn ngủ, - cô nói, cố kéo tôi trở lại giường.
- Ông chủ nhà đang ở đây, - tôi nói.
Cô không phản ứng cho dù tôi lắc người cô như điên.
- Bố em đang ở bên ngoài đấy, - tôi nói.
Cô ngồi bật dậy trên giường.
- Gì cơ ạ?
- Ra ngoài đi. Ông chủ nhà anh đang ở đây, - tôi nói.
Tôi tới phòng khách. Hội bạn cùng nhà đã ngồi ở bàn ăn. Ông Punnu, ông chủ nhà sáu mươi tuổi của chúng tôi, bệ vệ ngồi ở chiếc ghế lớn nhất. Khuôn mặt ông ta có vẻ ảo não thường trực.
Tôi ngồi cạnh ông ta. Không ai nói gì.
- Chào mọi người, - Ananya bước ra sau năm phút. - Có ai muốn uống trà không? Tôi sẽ pha trà.
Cô bắt đầu bước về phía bếp.
- Ananya, gặp em sau nhé, - tôi nói.
Ananya nhìn tôi, sốc. Đến lúc ngồi ở bàn ăn cô đã điều chỉnh về trạng thái bình thường.
- Em về đây. - Cô cầm chiếc túi của mình lên.
Ông Punnu đứng dậy sau khi Ananya đã rời khỏi ngôi nhà. Ông ta khịt mũi đánh hơi như điên. Ông ta liếc nhìn về phía phòng tôi.
- Gà à? - Ông ta nhăn mặt.
Tôi không trả lời. Những chai bia nằm trên chiếc bàn phòng ngủ.
- Con gái à? - ông ta nói.
- Cô ấy làm cho HLL, - tôi nói, chẳng hiểu tại sao mình lại lôi tên tuổi công ty cô ra làm gì.
- Gà, bia, bạn gái - chuyện gì đang xảy ra ở đây vậy? - ông ta nói.
Vui thú, tôi muốn nói vậy nhưng thôi. Dù sao đàn ông cũng sống vì ba thứ đó mà.
Tất cả mọi người yên lặng. Tôi tự hỏi kẻ nào đã bép xép. Những anh chàng cùng nhà với tôi không phải kiểu để làm bạn, nhưng dù sao tôi cũng không nghĩ họ lại đểu như vậy. Có lẽ người gác cửa đã làm điều đó.
- Tôi không nghĩ các cậu lại làm ra những điều này, - Punnu nói bằng giọng đặc Tamil.
- Đó là lỗi của cháu. Cháu đã mang gà và bia tới cho bạn gái cháu, - tôi nói.
- Bạn gái ư? - ông Punnu nói cứ như thể tôi nói thuần bằng tiếng Phạn.
- Cô ấy là bạn học của cháu. Một cô gái tốt, - tôi nói.
Ông Punnu có vẻ chẳng thấy ấn tượng gì.
- Cô ấy là người Tamil Brahmin, - tôi nói.
- Còn cậu?
- Người Punjab, - tôi nói và đầu tự động cúi thấp xuống một chút.
- Sao có thể là một cô gái tốt nếu như cô ta bám theo cậu chứ? - ông Punnu hỏi.
Ông ta nói có điểm đúng. Tôi quyết định thay đổi đề tài.
- Ông Punnu, đây không phải là ký túc xá trường học. Chúng tôi đều là những người đi làm và chúng tôi có làm gì thì cũng là ở nhà mình…
Ông Punnu giáng nắm đấm xuống mặt bàn.
- Đây là nhà tôi, - ông rạch ròi.
- Vâng, nhưng ông đã cho chúng tôi thuê. Đúng lý ra, chúng tôi có quyền không để ông vào trong căn nhà thuộc sở hữu của chúng tôi.
Ông Punnu lộ vẻ kinh ngạc. Ramanujan phải cứu vãn tình thế.
- Cậu ấy không biết đâu, ông Punnu. Cậu ấy mới tới đây. Đáng lẽ chúng tôi nên nói với cậu ấy đây là tòa nhà ăn chay và không được dùng đồ uống có cồn.
- Một giọt cũng không được, - ông Punnu nói. - Cả đời tôi còn chưa từng động vào nó.
Ông Punnu trông có vẻ như người chưa từng động vào rượu hoặc phụ nữ, nhưng rất cần làm những việc đó.
- Xin lỗi đi, - Ramanujan bảo tôi.
Tôi liếc nhìn xung quanh. Dân Tamil vây xung quanh tôi như phiến quân “Những con hổ giải phóng Tamil”. Tôi không có lựa chọn.
- Tôi xin lỗi, - tôi nói.
- Kể từ giờ không được đưa con gái vào nữa, - ông Punnu lắc lắc ngón tay.
- Thế còn bia và gà? - tôi nói.
- Cái đó thì từ trước đã cấm rồi mà, - Sendil nói.
Tất cả mọi người xung quanh tôi gật đầu như thể mơ hồ cảm thấy ấm áp vì đã có những luật lệ được thiết lập để dạy họ cách sống cuộc sống của mình.
Tôi băn khoăn không biết lần sau sẽ phải đưa Ananya về đâu.

20

- Em giỏi hóa học. Em cần giúp môn vật lý, - Manjunath, mọt sách tương lai và là em trai Ananya, nói bằng năng lượng của một con gà trống. Lông mày của cậu nhướng lên hạ xuống trong khi nói, đồng điệu với ba nếp nhăn trên trán.
Tôi đã đến dạy buổi đầu tiên. Ananya đã đi Madurai từ đêm trước đó vì một phi vụ bán hàng dài cả tuần. Dậy sớm làm tôi đau đầu. Mẹ Ananya đã mang cà phê đến phòng Manju. Cũng không tác dụng gì.
Việc tôi chỉ mới ôn lại môn hóa thôi cũng vậy.
- Dù sao thì cũng ôn lại xem sao, - tôi nói và mở sách ra.
- Hydrocarbon à? - cậu nói khi nhìn thấy cuốn sách của tôi. - Em đã làm ba lần rồi.
Tôi ra một bài tập và cậu giải xong trong vòng hai phút. Tôi cho một bài khó hơn, và cậu giải trong cùng thời gian đó.
Một cuốn băng được bật ở phòng bên cạnh. Nghe như dàn hợp xướng của những người phụ nữ đang hành quân đi nhập ngũ vậy.
- M.S. Subbulakshmi. [Madurai Shanmukhavadivu, nghệ sĩ nhạc camatic nổi tiếng của Ấn Độ], - Manju nói khi nhận ra vẻ lo lắng của tôi. - Nhạc để cầu nguyện ạ.
Tôi gật đầu và lật giở cuốn sách Hóa học để tìm một bài tập đủ khó cho gã Einstein bé nhỏ này.
- Nhà Tamil nào cũng bật nó vào buổi sáng, - cậu nói.
Tôi tự hỏi liệu Ananya có bật băng đó mỗi sáng ở nhà chúng tôi sau khi cưới nhau không. Mẹ tôi có thể sẽ gặp chấn thương tâm lý nghiêm trọng với âm thanh đó. Càng lúc tiếng cầu nguyện càng lớn hơn.
- Trường IIT như thế nào ạ? - cậu hỏi.
Tôi nói với cậu về ngôi trường trước kia của tôi, loại bỏ bớt tất cả những phần cay đắng đã xảy ra trong cuộc đời mình.
- Em muốn vào ngành hàng không, - Manju nói.
Hồi bằng tuổi cậu, tôi còn không biết đến từ đó nữa kia.
Sau khoảng chừng một tiếng thì cậu rút sách Vật lý ra. Cậu đưa ra cho tôi một bài tập và tôi bảo cần có thời gian để giải. Cậu gật đầu và đọc chương tiếp theo. Người đi dạy đang được dạy. Tôi dành phần còn lại của giờ học học Vật lý từ Manju. Tôi đứng dậy đi về. Tôi tới phòng khách, ở đó bố Ananya đang chậm rãi ân ái với tờ Người Hindu. Ananya đã dặn tôi rằng hãy dành thời gian với bố cô càng nhiều càng tốt. Tôi đợi mười phút để ông đọc xong bài báo.
- Gì thế?
- Không có gì ạ, - tôi nói. - Cháu xong bài giảng rồi.
- Tốt, - ông nói và giở trang báo khác.
- Ở ngân hàng thế nào ạ, thưa chú?
Ông liếc nhìn lên khỏi tờ báo, ngạc nhiên.
- Ngân hàng nào?
- Ngân hàng của chú ạ. - Tôi hắng giọng. - Công việc của chú thế nào ạ?
- Gì thế? - ông nói, bí thế bởi sự ngu ngốc của câu hỏi. - Công việc thì có gì chứ? Công việc nào chả thế.
- Vâng, đúng thế ạ, - tôi nói.
Tôi đứng đó thêm năm phút nữa, chẳng biết nên làm gì. Tôi không đấu lại được với tờ Người Hindu, và mỗi ngày lại có một tờ mới được đưa đến.
- Cháu đi về đây chú ạ, - tôi nói.
- OK, - ông nói.
Tôi ra đến cửa thì ông gọi:
- Ăn sáng nhé?
- Cháu sẽ ăn ở cơ quan.
- Cơ quan cậu ở đâu?
- Anna Salai ạ, - tôi nói.
- Tôi đi qua chỗ đó đấy. Tôi sẽ đi lúc tám rưỡi. Tôi sẽ đưa cậu tới đó, - ông nói.
Tôi nhận thấy tám rưỡi đồng nghĩa với việc tới muộn một tiếng so với ông sếp của tôi. Như thế không ổn với tôi. Nhưng chuyến đi nhờ xe cũng có nghĩa rằng tôi có thể ở trong căn nhà này thêm hai tiếng nữa và ở riêng trong chiếc xe cùng với ông bố vợ tương lai của mình.
- Như thế tốt quá ạ. Cháu cũng phải tới cơ quan tầm đó, - tôi nói.
- Tốt, - ông nói và trở lại với tờ báo.
Chúng tôi ngồi ăn sáng lúc bảy rưỡi. Bố Ananya tới phòng thờ để cầu nguyện và quay trở lại với ba dải sọc màu xám trên trán theo phong tục. Tôi băn khoăn không biết có nên cầu nguyện cùng hay không, nhưng không chắc sẽ phải giải thích ra sao về việc đi làm muộn cùng ba vệt sọc.
Bữa sáng có idli, và mẹ Ananya đã để đến năm chục chiếc trước mặt chúng tôi. Chúng tôi ăn lặng lẽ. Ananya cũng đã nói với tôi rằng họ chẳng mấy khi mở lời. Cách tốt nhất để hòa hợp là đừng bao giờ nói.
- Thêm chutney nhé?
Câu hỏi của mẹ Ananya (cùng với cái lắc đầu của tôi) là cuộc đàm thoại có chiều sâu duy nhất của chúng tôi trong bữa ăn.
Bố Ananya lùi chiếc Fiat ra khỏi ga ra. Ông ngoái ra nhìn tôi vài lần. Tôi không chắc liệu ông muốn tránh hay muốn tông cho tôi một cú trực diện.
- Vào đi, - ông nói.
Tôi vòng qua bên kia xe để ngồi bên cạnh ông. Việc ngồi cùng xe với bố bạn gái gợi lại cho tôi những ký ức đau thương. Tôi hít vài hơi sâu. Đây không phải tình huống đó, hãy bình tĩnh đi, tôi tự nhủ mình vài lần.
Ông lái xe với tốc độ khoảng mười cây số một giờ, và tôi tự nhủ không biết phải giải trình thế nào với sếp vì đã không đến văn phòng từ hai tiếng trước. Xe tuk tuk, xe máy và thậm chí cả những loại xe dùng sức người như xích lô cũng có thể vượt được chúng tôi.
Tôi muốn nói chuyện nhưng không thể nghĩ được bất kỳ chủ đề nào mà không gây ra rắc rối. Tôi mở chiếc cặp đi làm có in dòng chữ đáng nghi hoặc “Citi không bao giờ ngủ” và lấy các bản báo cáo nghiên cứu của mình ra đọc. Tuần qua cổ phiếu dot com đã giảm hai mươi lăm phần trăm. Các nhà phân tích từng dự đoán rằng các cổ phiếu này sẽ tăng gấp ba giá trị mỗi giờ thì nay lại tuyên bố rằng thị trường đã đi vào chế độ tự chỉnh định. Tự chỉnh định - thuật ngữ nghe rất thông minh và đã khéo léo lấy bớt đi một phần đau đớn của những người vừa đánh mất đi khoản tiền tiết kiệm của cả đời mình. Nó cũng làm bạn trở nên ngu ngốc nếu bạn hỏi tại sao thị trường lại không tự chỉnh định sớm hơn? Hoặc theo cách cơ bản hơn, tự chỉnh định là cái chết tiệt gì cơ chứ?
Có hai khách hàng, mỗi người đã mất một triệu rupi, sẽ đến gặp tôi hôm nay. Với tấm bằng IIMA của mình, tôi phải cần tới phép thần thông mới làm cho những khoản lỗ đó biến mất được.
Chiếc xe dừng lại gần một cột đèn giao thông.
- Cậu viết những báo cáo đó à? - ông hỏi.
Tôi lắc đầu.
- Là nhóm nghiên cứu ạ, - tôi nói.
- Thế ở ngân hàng cậu làm gì?
Có vẻ ông đang thích dùng câu hỏi tu từ.
- Phòng chăm sóc khách hàng ạ, - tôi nói, không chắc những gì mình làm có phải là chăm sóc không. Bảo người ta đưa tiền của họ cho mình rồi bòn rút từ đó không phải là chăm sóc.
- Cậu có biết cách viết các báo cáo đó không? - ông hỏi.
Những chiếc xe sau chúng tôi bắt đầu bấm còi. Chiếc Fiat không khởi động ngay lập tức được. Ông thử hai lần trong tuyệt vọng.
- Không gì đó chất lượng dịch vụ, - ông chửi thề với chiếc xe trong khi kéo bướm gió. Tôi để những bản báo cáo lại bên trong và sẵn sàng đẩy chiếc xe. Thật may, đến lần thứ ba thì xe khởi động được.
- Cháu viết được, sao ạ? - tôi nói, trả lời câu hỏi lúc trước của ông.
- Chẳng có gì. Ngân hàng của chúng tôi đã liên doanh một cách ngu ngốc. Giờ họ muốn tôi đề xuất một kế hoạch làm việc. Chính tay tổng giám đốc đó đã yêu cầu tôi.
- Cháu có thể giúp, - tôi la lên như một cậu hướng đạo sinh.
- Nhãi ranh, - ông nói.
- Gì cơ ạ?
- Tay tổng giám đốc Verma ấy. Trong ba mươi năm làm việc ở ngân hàng, tôi chưa từng làm một báo cáo nào. Giờ tôi còn phải làm trình chiếu pinpoint nữa.
- Trình chiếu PowerPoint ấy ạ? - tôi hỏi.
- Đúng rồi, cái đó đó. Cái thằng nhãi ranh ấy cố tình đưa tôi những thứ tôi không hiểu được, - ông nói.
- Cháu có thể giúp, - tôi nói.
Có lẽ tôi đã tìm được cách để làm thân với ông.
- Không cần, - ông nói, giọng rất nghiêm trọng.
Ông đã nhận ra rằng mình cởi mở quá mức cần thiết.
- Cậu xuống đây đi, - ông nói và lái xe tới một góc đường. - Citibank chỉ cách đây khoảng trăm mét thôi.
Tôi bước ra khỏi xe. Tôi nói cảm ơn ba lần và vẫy tay tạm biệt ông, ông không đáp lại.
Ông đặt tay lên cần số.
- Đừng có gặp Ananya quá nhiều. Chúng tôi là những người đơn giản, chúng tôi không nói nhiều. Nhưng đừng làm hỏng danh tiếng của con bé trong cộng đồng chúng tôi, - ông nói.
- Thưa chú, nhưng…
- Tôi biết cậu là bạn học với nó và cậu đang giúp đỡ Manju. Chúng tôi có thể biết ơn cậu, chúng tôi có thể mời cậu ăn, nhưng chúng tôi không thể để Ananya cưới cậu được.
Tôi đứng ở ngã tư đường. Những chiếc xe tuk tuk bóp còi inh ỏi như thể đang có cuộc cãi vã căng thẳng. Đó thật khó có thể xem là nơi để thuyết phục ai đó về quyết định quan trọng nhất đời của bạn.
- Chú ơi, nhưng… - tôi lại nói.
Ông chắp tay lại trước khi nhấn ga. Chiếc xe bắt đầu chuyển động. Chết tiệt, tôi phải đáp lại sao đây với bàn tay chắp lại? tôi nghĩ. Ông lái xe vượt qua tôi. Giống như một anh chàng bán bảo hiểm thất trận, tôi nhấc cặp lên và bước về phía ngân hàng.

21

- Chào mừng ngài, chào mừng đến với Ngân hàng Nhà nước Ấn Độ, - Bala nói. Giọng ông ta không che giấu nổi sự giận dữ, bởi vậy nó đã làm hỏng mất sự châm chọc trong đó. Ông ta ngồi trên bàn tôi, chờ đợi ngay cái khoảnh khắc vui thú này đây, để có thể vùi dập tôi.
- Tôi thực sự rất xin lỗi, xe tôi gặp tai nạn, - tôi nói dối.
- Người phục vụ nhà trọ nói cậu đi lúc năm giờ, - ông ta nói.
- Ông đã gọi tới nhà trọ sao? Chỉ mới chín giờ thôi mà. Chẳng phải đó cũng là thời gian làm việc chính thức sao?
- Không, đây là Citibank. Không phải ngân hàng quốc doanh, - ông ta nói.
- Bởi thế người làm việc ở đây không thể có đời tư, - tôi lẩm bẩm.
- Gì cơ?
- Không có gì. Bà Sreenivas sẽ đến lúc mười giờ hôm nay, - tôi nói.
- Mà cậu thì chưa chuẩn bị gì. Cậu đã đọc các báo cáo chưa?
- Rồi, tôi đã đọc. Nhưng khó là ở chỗ bà ấy đã bị mất một triệu rupi. Và đó là bởi bà ấy tin vào những báo cáo này. Bởi thế, dù tôi có đọc chúng kỹ tới chừng nào, bà ấy sẽ chẳng tin. Tôi có thể ngồi vào ghế được chứ? - tôi hỏi.
Bala trừng trừng nhìn tôi, sốc trước thái độ bất chấp của tôi. Tôi ngồi vào ghế.
- Ông bảo tôi thúc đẩy việc mua những cổ phiếu này, - tôi nói, - và giờ khách hàng của chúng ta bị mất vốn. Bà Sreenivas đã già. Bà ấy sẽ hoảng loạn. Tôi muốn ông chuẩn bị trước tinh thần.
- Chuẩn bị cho cái gì?
- Rằng bà ấy, và cả một vài khách hàng khác nữa, có thể sẽ chuyển vốn của mình tới một nơi nào khác.
- Như thế nào? Sao họ có thể làm thế chứ? Đây là Citibank, - Bala nói.
- Bởi vì cho dù Citibank không bao giờ ngủ, chúng ta cũng đã làm cho khách hàng của mình phải khóc.
Sự hoảng loạn của bà Sreenivas đủ kích thích để gợi sự chú ý của những nhân viên ngân hàng từ các nhóm khác tới khu vực của chúng tôi. Đầu tiên, bà nói chuyện với tôi bằng tiếng Tamil trong vòng hai phút. Khi nhận ra rằng tôi không hiểu ngôn ngữ đó, bà chuyển sang nói tiếng Anh.
- Cậu, cậu đã nói nó sẽ tăng gấp đôi. Nó đã giảm bảy mươi phần trăm, - bà Sreenivas nói.
- Thực ra, thưa bà, thị trường đã chuyển về chế độ tự chỉnh định, - tôi nói.
Giờ tôi đã hiểu mục đích của những thuật ngữ nghiên cứu phức tạp. Chúng đánh lạc hướng những câu hỏi khó không có câu trả lời.
- Nhưng tôi đã bị mất một triệu, một triệu! - bà gào lên.
- Thưa bà, thị trường chứng khoán có lúc thăng lúc trầm. Chúng tôi có những sản phẩm khác ít tính rủi ro hơn, - tôi nói, nhấn mạnh vào sự đau khổ của bà để gây tác động hơn.
- Quên chuyện đó đi. Tôi với Citibank đến đây là xong. Tôi bảo cậu lập tài khoản tiết kiệm. Cậu đã không làm. Giờ tôi sẽ chuyển tài khoản của tôi sang Vysya Bank.
Nhân viên kinh doanh của tôi mang đồ ăn nhẹ và đồ uống mát cho bà. Bà Sreenivas chẳng hề nhúc nhích.
- Nhưng, thưa bà, Citibank có tên tuổi tốt hơn nhiều so với Vysya, - tôi nói.
- Đưa tôi giấy tờ đóng tài khoản đi, - bà Sreenivas nói.
Chúng tôi không có lựa chọn. Giờ đầu ở văn phòng, đã mất một khách hàng. Ti vi ở quầy lễ tân đang chiếu kênh CNBC. Hôm đó cổ phiếu Internet đã giảm thêm năm phần trăm nữa.
Trong hai tuần tiếp theo, những khách hàng tin tưởng chúng tôi nhất, do đó cũng là những người cả tin nhất, những người đã bị chúng tôi xúi đầu tư vào những công ty chẳng làm gì ngoài thiết kế một cái website, đã mất tổng cộng tới hai mươi triệu rupi. Tổn thất đối với khách hàng của riêng tôi giới hạn lại trong hai quý bà, bởi vì tôi chẳng thể nào tiếp thị tốt cho những công ty đó được. Song Bala, với đế chế những nhân viên thông thái của mình, đã tước đoạt tài sản của những người giàu, phải giải trình với trụ sở toàn quốc ở Mumbai.
- Tôi nhận được bảy đơn khiếu nại, - trưởng bộ phận chăm sóc khách hàng toàn quốc nói trong một cuộc hội đàm điện thoại.
- Thưa ngài, đó chỉ là phản ứng thái quá trước sự biến động của thị trường, - Bala nói.
- Đừng có trích dẫn bản báo cáo nghiên cứu đó. Tôi đọc nó rồi, - vị trưởng bộ phận nói.
Cuộc gọi chấm dứt. Mặt Bala chuyển sang xanh nhợt. Các vị sếp đã quyết định sẽ tới chi nhánh Chennai. Đầu tiên tôi chỉ nghĩ mình tưởng tượng thế thôi, nhưng sự thực đúng như vậy; Bala run rẩy một chút khi nghe tin đó. Ngay từ đầu Mumbai đã nói rằng chúng tôi không nên tiếp thị cổ phiếu Internet tới các nhà đầu tư riêng lẻ, chứ đừng nói gì đến các bà nội trợ. Tất nhiên, họ chẳng bao giờ phàn nàn khi các hợp đồng liên tục được ký. Nhưng giờ đây năm khách hàng đã đóng tài khoản và một khách hàng đã gửi thư tới tận CEO của Citibank ở New York.
Trong cuộc họp hằng tuần của nhóm tôi, tôi đã bảo các nhân viên kinh doanh của mình không tiếp thị cho khách hàng Chennai bất cứ thứ gì ngoài các khoản tiết kiệm, vàng và sari.
- Thưa ngài, chúng ta không bán sari, - một trong những nhân viên của tôi đính chính.
- Xin lỗi, tôi chỉ pha trò chút thôi. Chúng ta cũng không bán vàng, nhỉ?
- Có. Tài khoản theo giá vàng, thưa ngài, - cô ta nói.
Đúng vậy, tôi còn chẳng biết nhóm tôi tiếp thị cái gì. Thực ra, tôi thậm chí còn chẳng biết tại sao tôi làm công việc này. Tôi gật đầu và mỉm cười. Ở bộ phận chăm sóc khách hàng, bạn cần cười nhiều hơn cả một người mẫu quảng cáo kem đánh răng.
- Có phải bà Sreenivas đã bị mất một triệu không vậy? - một bà khách khác của tôi bước vào ngân hàng.
Bà tặc lưỡi và ngồi sát vào các nhân viên kinh doanh để có thể nắm được toàn bộ sự thật. Quá tệ là chúng tôi không thể cho bà xem chi tiết bởi vì các lý do bảo mật. Chúng tôi không thể hoàn lại tiền, nhưng ít nhất chúng tôi có thể tán gẫu. Có thể điều đó sẽ phỉnh phờ được khách hàng.
- Krish, lại đây, - Bala chạy đến với tôi như một chú cún hoảng sợ vào lúc bảy giờ tối.
Tôi đã gói ghém cái cặp “Citi không bao giờ ngủ” của mình chuẩn bị về nhà ngủ. Các sếp của chúng tôi sẽ tới sau hai ngày nữa. Tôi đã dành ra hai đêm vừa rồi làm phần trình chiếu cho họ. Đó là một công việc vớ vẩn nhất, không được người ta trân trọng nhất ở Tamil Nadu. Cho dù tôi có làm các slide tuyệt vời thế nào thì số liệu vẫn rất tệ, dù gì thì chúng tôi cũng sẽ bị la mắng. Đêm qua tôi về nhà lúc ba giờ và rồi lại dậy lúc năm giờ để dạy ông em vợ yêu quý nhất của tôi. Tôi không muốn Bala, tôi muốn một cái gối.
- Bala, tôi…
Tôi dừng lại ở giữa câu vì ông ta đã quay người hướng về phòng mình, chờ đợi tôi đi theo.
Tôi bước vào văn phòng của Bala. Ông ta đóng cửa nhẹ nhàng hết sức có thể. Ông ta buông rèm và nhấc điện thoại khỏi giá. Ông ta muốn đuổi việc hay muốn quấy rối tình dục tôi đây, tôi nghĩ.
- Tình hình thế nào rồi? - ông ta thì thào, khá không cần thiết bởi vì mọi người đã tan làm cả rồi.
- Ổn. Tôi đã gửi ông bản trình chiếu rồi. Ông đã thông qua, phải không? - tôi nói.
Buổi chiều ông ta đã OK với tôi rồi. Điều tôi không mong muốn nhất là lại một đêm nữa không được ngủ.
- Ừ, cái đó ổn. Này, anh bạn, tôi cần một ân huệ từ cậu.
Bala chưa từng gọi tôi là anh bạn. Căn phòng bốc mùi dừa và mùi tanh. Mùi dừa tới từ tóc của Bala, và mùi tanh tưởi tới từ những ý đồ chưa nói ra của ông ta.
- Ân huệ gì cơ? - tôi hỏi mà không cười.
- Cậu thấy đấy, Krish, công việc này, sự nghiệp của tôi, nó là tất cả đối với tôi. Tôi đã cống hiến cuộc đời mình cho ngân hàng này.
Tôi gật đầu. Vào việc luôn đi, ông bạn, tôi nghĩ.
- Còn cậu, cậu sẽ phải thừa nhận, là cậu chưa hết mình với nó như tôi. Đừng hiểu sai nhé.
Ông ta đã đúng trăm phần trăm. Nhưng khi người nào đó bảo bạn đừng hiểu sai, thì bạn sẽ phải hiểu sai. Thêm nữa, tôi đã thức ba đêm vừa rồi làm việc cật lực chỉ với những người bảo vệ máy ATM cho công ty. Tôi xứng đáng được nhiều hơn.
- Điều đó sai một trăm phần trăm, - tôi nói. - Tôi đang sắp kiệt sức vì công việc. Tôi làm bất cứ điều gì ông muốn tôi làm. Tôi bán những thứ cổ phiếu Internet vớ vẩn…
- Bình tĩnh, bình tĩnh nào, - Bala suỵt tôi.
- Chẳng có ai ở đây cả. Chúng ta đâu có lên kế hoạch điệp vụ James Bond đâu mà phải thì thào chứ, - tôi nói.
Dân công sở thích làm ra vẻ đời sống của họ rất sôi động. Những tiếng thì thào, động tác giật tay ăn mừng và những cử chỉ ra hiệu đều được sinh ra để thổi phồng nghề nghiệp của chúng tôi hơn thực chất của nó - giống như một thư ký được trả lương quá cao so với mức anh ta đáng được hưởng.
- Tôi không nghi ngờ sự làm việc vất vả của cậu. Nhưng cậu thấy đấy, trong đời sống công ty, chúng ta phải quan tâm lẫn nhau.
- Gì cơ? Như thế nào?
Nếu ông ta không đi thẳng vào nội dung trong vòng hai giây nữa, tôi sẽ vả cho ông ta một cái. Trong trí tưởng tượng của tôi, tôi đã làm điều đó rồi.
- Tôi là sếp của cậu, bởi thế dù gì tôi cũng có thể quan tâm tới cậu. Nhưng hôm nay, cậu có cơ hội để quan tâm tới tôi.
Tôi im lặng.
- Giám đốc toàn quốc sắp đến. Họ sẽ hỏi tại sao chuyện cổ phiếu chứng khoán lại đi bán cho các bà nội trợ. Dù sao tôi cũng sẽ phải chịu trận vụ đó. Nhưng nếu như cậu có thể…
- Có thể gì cơ?
Tôi giục, chỉ để cho gã đê tiện đó nói toẹt ra. Ông ta lại không nói.
- Ông muốn tôi chịu tội thay ư? - Tôi đoán liều.
Ông ta gật đầu vội.
- Chà, thật không thể tin được, Bala. Tôi là một nhân viên tập sự cơ mà. Sao họ có thể tin tôi chứ?
- Cậu từ IIMA. Nếu lúc trước cậu có phán điều gì đó thì cũng dễ hiểu thôi mà.
- Và nếu tôi nói điều đó, sự nghiệp của tôi sẽ đi tong.
- Không, cậu là nhân viên tập sự. Tôi là người đề nghị thăng chức cho cậu. Cứ coi như điều đó đã xảy ra đi. Nhưng nếu tôi là người chịu trách nhiệm, tôi sẽ không được thăng chức, không bao giờ.
- Ông là người chịu trách nhiệm ấy à, - tôi nhìn thẳng vào mắt ông ta.
- Xin cậu đấy, Krish, - Bala nói.
Quan hệ sếp-thuộc cấp đã thay đổi. Bala đã van xin tôi giúp đỡ. Tôi nhận ra sức mạnh tôi có thể có đối với ông ta nếu tôi nhận lời. Tôi có thể tới văn phòng giống như một người điên. Tôi có thể về sớm. Tôi có thể đánh một giấc tại bàn mình. OK, nếu làm vậy sự nghiệp thư ký được trả lương quá hậu của tôi ở Citi có thể sẽ bị ảnh hưởng. Thế thì sao nào?
Tôi có thể nói đồng ý ngay vào lúc đó, nhưng tôi muốn ông ta phủ phục thêm chút nữa. Tôi im lặng.
- Giám đốc toàn quốc không thích tôi. Ông ấy là người Bắc Ấn. Ông ấy sẽ bỏ qua cho cậu nhưng không bỏ qua cho tôi đâu, - Bala nói.
Tôi tự hỏi liệu có khi nào ông ta bật khóc không đây. Tôi có thể để màn kịch diễn ra lâu hơn nhưng tôi cũng muốn về nhà nghỉ ngơi.
- Tôi sẽ xem mình có thể làm được gì. - Tôi đứng dậy.
- Đó là một lời đồng ý phải không? - Bala hỏi. Mắt ông ta đầy trông đợi.
- Chúc ngủ ngon, thưa ngài, - tôi nói, nhấn giọng vào từ cuối cùng.

22

Bố tôi chẳng bao giờ gọi cho tôi. Chẳng hiểu sao tối đó ông lại gọi. Tôi muốn đi ngủ trước khi nỗi thống khổ của sự nghiệp gia sư và công việc ở văn phòng bắt đầu trở lại. Nhưng vào mười một giờ đêm đó, Ramanujan gõ cửa.
- Gì thế? - tôi hỏi vọng ra.
Kể từ ngày Ananya tới đây, tôi chẳng mấy khi nói chuyện với những người cùng nhà.
- Có điện thoại cho cậu đấy.
- Ai vậy?
Thậm chí cả Ananya cũng chẳng bao giờ gọi tôi muộn vậy.
- Bố cậu. Cậu bảo ông ấy đừng gọi vào giờ này nữa nhé. - Ramanujan ngáp.
Tôi sững người khi nghe nói tới bố tôi. Tôi cầu trời mẹ tôi không sao. Sao ông ấy lại gọi tôi nhỉ?
- A lô?
- Tôi đang nói chuyện với con trai tôi phải không?
Tôi thấy thật lạ khi ông gọi tôi là con trai. Suốt ba năm vừa rồi chúng tôi chưa bao giờ nói chuyện một đối một.
- Là Krish đây, - tôi nói.
- Là con trai tôi, phải không?
- Nếu như bố nói thế, - tôi nói.
Có hai tiếng xẹt xẹt trên điện thoại, theo sau là sự im lặng.
- Bố nghe đây, - ông nói.
- Nghe gì cơ?
- Nghe bất cứ điều gì mà con trai bố phải nói với bố.
- Chẳng có gì để nói cả. Sao bố lại gọi muộn thế? - tôi nói bằng giọng giận dữ.
- Con đã gửi cho mẹ con chi phiếu tháng lương đầu tiên hả?
- Đúng, - tôi nói sau một khoảng lặng.
- Chúc mừng, - ông nói.
- Mẹ con không sao chứ? Con hy vọng bố gọi cho con không phải vì bố đã lỡ gây ra lỗi lầm gì đó. Bởi vì nếu mẹ con mà có làm sao… - tôi nói, chậm rãi nhả từng chữ một.
- Mẹ con không sao. Bà ấy tự hào về con, - ông nói.
- Còn gì nữa không?
- Cuộc sống thế nào?
- Đó không phải chuyện của bố, - tôi nói.
- Đây là cách con nói chuyện với bố mình sao? - ông gào lên.
- Con không nói chuyện với bố, - tôi nói, - bố chưa nhận ra điều đó à.
- Còn bố đang cố nói chuyện nhiều hơn, - ông nói, giọng vẫn còn rất to.
Tôi có thể gác máy ngay lúc đó, nhưng tôi không muốn ông lại trút cơn điên lên mẹ tôi. Tôi giữ yên lặng trong khi ông ca cẩm rằng tôi, trong vai trò một người con, đã làm ông thất vọng như thế nào. Ông không nói bất cứ điều gì mà ông chưa từng nói trong hai mươi năm vừa rồi. Tôi cũng biết rằng một khi đoạn độc thoại đó bắt đầu, sẽ cần một lúc lâu để dừng lại. Tôi để điện thoại lên bàn và mở tủ lạnh. Tôi lấy ra một quả táo và một chai nước. Tôi vào bếp, bổ quả táo thành những miếng nhỏ và quay trở lại. Tôi cắn hai miếng và uống một cốc nước. Tiếng quang quác vẫn phát ra từ ống nghe điện thoại.
Sau khi ăn hết nửa quả táo, tôi cầm ống nghe lên.
- Mày chẳng có phẩm chất gì để tao có thể tự hào. Những thứ bằng cấp đó chẳng có nghĩa lý gì cả. Chỉ vì mày gửi tiền về cho mẹ mày, là mày nghĩ mày có thể lên mặt được hả? Tao nghĩ thứ như mày…
Lúc tôi bỏ điện thoại xuống lần nữa, ông vẫn đang nói. Tôi lại cầm điện thoại lên sau khi ăn hết quả táo.
- Tao hỏi, mày vẫn còn nghe đấy chứ? - Giọng ông run lên.
- Con vẫn nghe đây, - tôi nói. - Giờ muộn rồi. Bố cũng đã gọi tốn nhiều tiền rồi. Con đi ngủ được không?
- Mày thật hỗn xược.
- Bố đã nói điều đó rồi mà. Giờ con đi ngủ được chứ? Chúc ngủ ngon, - tôi nói.
- Chúc ngủ ngon, - ông nói và gác máy.
Dù có nổi điên cỡ nào, những quân nhân vẫn tin tưởng ở phép lịch sự. Tôi chắc rằng những quân nhân Ấn Độ và Pakistan đã chúc nhau những điều tốt lành trước khi bắn tung não nhau ra.
Tôi quay trở lại giường. Tôi không muốn lại có thêm một chương về ông bố trong cuộc đời mình nữa. Không có bố còn tốt hơn là có một ông bố tôi. Thêm nữa vào lúc này tôi phải đối đầu với một ông bố khác, người đã chắp tay xin tôi tránh xa con gái ông ra. Và còn có Bala, những tay cùng nhà bạc nhược và lão chủ nhà thần kinh cùng với thứ mùi sambhar kinh khủng ở mọi nơi trong thành phố này. Bao nhiêu ý nghĩ vẩn vơ đột nhiên trào lên trong óc trước khi tôi đi ngủ. Những ý nghĩ đó bơi lội xung quanh như những con cá vụng về, và bộ não bé nhỏ tội nghiệp của tôi thì cầu xin - các cậu, tôi cần phải nghỉ ngơi. Các cậu không phiền chứ? Nhưng những ý nghĩ đó không biến mất. Con cá nào cũng mắc chứng rối loạn giảm chú ý. Ý nghĩ về Bala cho thấy viễn cảnh tôi đang đâm ông ta bằng thứ gì đó sắc nhọn. Ý nghĩ về bố Ananya bắt tôi phải nghĩ về hàng tá những câu sắc sảo mà tôi đáng lẽ phải nói khi ông chắp tay - Nhưng tôi yêu cô ấy, thưa ngài; Nhưng chú phải hiểu cháu hơn; Ông biết là chúng tôi có thể bỏ trốn mà, đồ thất thế nghiện đọc Hindu.
Có những người may mắn. Họ nằm xuống, nhắm mắt lại và giống như những con búp bê nhập từ Dubai mà những người bà con đã mang cho bạn, họ sẽ bước vào giấc ngủ. Tôi phải tắt năm mươi kênh trong não mình, mỗi lần phải click một cái. Một giờ sau, tôi tắt ý nghĩ cuối cùng về việc tôi phải thú nhận mình đã dạy các bà nội trợ cách chơi với thứ cổ phiếu nhiễm phóng xạ hạt nhân đó như thế nào.
-----------
Còn tiếp.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét