Thứ Ba, 17 tháng 4, 2018

Hồ Sơ ODESSA - Chương 3

Hồ Sơ ODESSA

Tác giả: Frederick Forsyth
Người dịch : Cung Khắc Dũng
Nhà xuất bản Trẻ - Năm xuất bản: 1974

Chương 3

Trong khi Peter Miller và Sigi ôm nhau ngủ tại Hamburg, một chiếc phản lực cơ Convair Coronado của hãng Hàng Không Á Căn Đình lượn vòng cuối cùng trên những ngọn đồi Castile trước khi đáp xuống phi trường Barajas ở ngoại ô Madrid.
Ngồi ở hàng ghế thứ ba cạnh cửa sổ trong khu hành khách hạng Nhất là một người đàn ông trạc sáu mươi tuổi, tóc muối tiêu và để râu mép.
Hiện nay chỉ còn lại một bức ảnh duy nhất của người đàn ông này, chụp lúc ông ta còn trong tuổi bốn mươi ngoài. Hình cho thấy lúc đó tóc ông ta ép sát da đầu, chưa để râu để che bớt cái miệng hàm ếch.
Không ai trong một thiểu số rất hạn chế được may mắn xem qua bức hình có thể nhận ra người đàn ông ngồi trên phi cơ, vì tóc của ông ta bây giờ để dài hơn và chải lậtt về phía sau. Ảnh dán trên thông hành phù hợp với bộ mặt mới của ông ta. Tên ghi trong thông hành là Ricardo Suertes, quốc tịch Á căn đình. Tên này là một trò đùa mỉa mai toàn thể thế giới, bởi Suerte tiếng Tây Ban Nha có nghĩa là “hên” và “hên” theo tiếng Đức là Gluck. Hành khách trên chuyến bay tối thứ Hai hôm đó chào đời với tên Richard Glucks, sau này trở thành một vị Tướng trong hàng ngũ SS, làm đến chức Văn Phòng Trưởng Văn Phòng Trung Ương Quản Trị Kinh Tế Đức Quốc Xã, kiêm Thanh Tra đặc biệt của Hitler đặc trách các Trại Tập Trung. Trên danh sách tầm nã của Chính Phủ Liên Bang Tây Đức và Cộng Hòa Israel, Glucks được sắp hạng ba sau Martin Bormann và cựu trùm Gestapo Heinrich Muller. Hắn được xếp hạng cao hơn Bác Sĩ Josef Mengele, con ác quỷ của Auschwitz. Trong tổ chức Odessa hắn đứng thứ nhì, kiêm phụ tá trực tiếp cho Martin Bormann, người được Hitler chọn làm ngưòi kế vị vào năm 1945.
Sự đóng góp của hẳn trong các tội ác của SS vô cùng độc đáo, và chỉ sánh bằng những phương kế mà hắn đã đề ra để trốn khỏi nước Đức vào năm 1945 mà thôi. Glucks vượt xa Adolf Eichmann về tài đặt ra những tội ác ghê gớm, dù hắn chưa bao giờ bóp cò nhả đạn vô bất cứ ai.
Nếu người hành khách ngồi sát bên hắn trên phi cơ biết được hắn là ai thì chắc hẳn người này phải thắc mắc tự hỏi tại sao một Văn Phòng Trưởng Quản Trị Kinh Tế lại có thể được sắp hạng nhì trên danh sách tầm nã. Nhưng nếu biết được rằng trong tất cả những tội ác mà Đức Quốc Xã đã gây ra cho nhân loại từ năm 1933 đến năm 1945, có đến chín mươi lăm phần trăm phải đổ lên đầu bọn SS. Trong số này khoảng từ tám mươi đến chín mươi phẩn trăm phải do hai cơ quan trong tổ chức SS gánh chịu. Hai cơ quan này là Văn Phòng Trung Ương Đặc Trách An Ninh và Văn Phòng Trung Ương Quản Trị Kinh Tế Đức Quốc Xã.
Nếu cho rằng một Văn Phòng Quản Trị Kinh Tế không dính líu gi đến những tội ác tập thể thì ý niệm này hết sức lầm lẫn, bởi vì tất cả mọi công tác thực thi những cuộc tàn sát được trù định trước và thi hành đúng y theo kế hoạch, Không những Đức Quốc Xã dự tính tiêu diệt hoàn toàn dân tộc Do Thái và giống dân Slave khỏi Lục địa Âu châu, mà bọn đầu sỏ Đức Quốc Xã còn trù liệu bắt những giống người trên phải trả giá “đặc ân” được chết mà họ sẽ hưởng.
Trước khi mở cửa những phòng hơi độc đón tiếp các giống người được hưởng ân huệ, bọn SS đã hoàn tất vụ cướp lớn nhất lịch sử. Trong trường hợp những người Do Thái, họ phải trả giá đặc ân làm ba giai đoạn. Giai đoạn thứ nhất, họ bị tước đoạt hết những cơ sở làm ăn, nhà cửa, xưởng máy, trương mục trong ngân hàng, xe cộ, vật dụng trong nhà, quần áo; Tiếp sau đó, họ sẽ được di chuyển về miền Đông về những “Trại Công Tác” và những “Trại Tiêu Diệt” trong khi vẫn đinh ninh rằng họ được đưa đi nơi khác lập nghiệp, với chút vốn liếng còn lại đựng trong vài ba chiếc xắc tay. Tại trại, vốn liếng nhỏ nhoi này một lần nữa được bọn lính SS tước đoạt hết, cùng với quần áo đang mặc trong người.
Do đó hành trang của chừng sáu triệu người Do Thái trị giá hàng triệu Mỹ kim bị bọn SS bòn tỉa hết. Từ các Trại Tập Trung hàng đoàn xe lửa chất đầy vòng vàng, nữ trang, kim cương, vàng được nấu thành khối, tiền tệ đủ mọi loại của đủ mọi quốc gia, đổ những đống của cải này về Bộ Tư Lệnh SS trong nội địa nước Đức. Trong suốt quá trình hoạt động của nó, tổ chức SS đã thủ lợi rất nhiều. Một phần lớn trong kho tàng này, dưới hình thức hàng vạn thỏi vàng khối với ấn tín con ó tượng trưng cho Đức Quốc Xã và hai làn sét biểu hiệu cho tổ chức SS, được gởi vô những ngân hàng tại Thụy Sĩ, Liechtensen, Tangier và Beirut, khi thế chiến gần đến hồi tàn lụi, để sau này nhờ đó mà thành lập Odessa. Phần lớn số vàng này hiện đang được cất giấu dưới đường phố Zurich, và được các tay chủ ngân hàng canh phòng cẩn mật.
Giai đoạn khai thác thứ hai nằm trong thân thể nạn nhân. Trong khi họ còn sức và có thể làm việc, họ được sử dụng một cách có lợi cho Đức Quốc Xã. Những người không đủ khả năng và sức khỏe để công tác bị thủ tiêu ngay. Những người mạnh khỏe sẽ được các cơ xưởng của SS tuyển dụng, hoặc những cơ sở lớn của nền kỹ nghệ Đức như Krupp, Thyssen, Von Opel khai thác và bóc lột sức lao động với giá biểu thù lao ba Mark một ngày cho nhân viên tập sự, và bốn Mark một ngày cho một người thợ lành nghề. “Một ngày” có nghĩa là phải làm việc quần quật suốt hai mươi bốn giờ liền với một phần ăn thật ít ỏi. Hàng trăm ngàn công nhân đã bỏ xác lại tại những cơ xưởng này.
SS là một quốc gia trong một quốc gia. Nó có cơ xưởng công binh kiến tạo, bảo trì, xưởng quân nhu, may cắt quần áo riêng, SS tự thực hiện lấy những gì nó cần, với sự trợ giúp của đám nhân công - nô lệ, mà theo một sắc lệnh của Hitler thuộc tài sản của SS.
Giai đoạn thứ ba là giai đoạn khai thác xác chết. Nạn nhân bị buộc phải cởi hết quần áo trước khi đem đi hành quyết, để lại cho bọn SS hàng núi giày vớ, bàn chải, áo quần, mắt kiếng. Họ cũng để tóc họ lại, sau này sẽ được dùng làm nỉ lót giày cho bọn SS, và những chiếc răng vàng nếu có sẽ được nhổ ra, nấu chảy thành những thỏi vàng khối. Trước đó bọn đồ tề SS dự tính dùng xương tử tội để làm phân bón, và mỡ của họ dùng làm xà bông, nhưng dự tính này bị hủy bỏ vì quá tốn kém và ít lời.
Đặc trách toàn bộ khía cạnh kinh tế, nói đúng hơn, thủ lợi với những cuộc tàn sát mười bốn triệu người vô tội, là Văn Phòng Trung Ương Quản Trị Kinh Tế do người đàn ông ngồi trong ghế 3B trên phi cơ này đã có thời làm mưa làm gió.
Glucks không thuộc “típ” người ưa thích mạo hiểm, hoặc muốn thách thức số mạng bằng cách trở về quê cha đất tổ, sau khi đã bỏ ra đi vào năm 1945. Hắn không cần phải làm chuyện điên rồ này. Được Quỹ bí mật cung cấp đầy đủ về mặt tài chính, hắn thừa phương tiện và khả năng để sống khoảng đời còn lại trong xa hoa tại miền đất lưu đày, quê hương thứ hai Á Căn Đình. Lòng trung thành với chủ nghĩa Quốc Xã không bị những biến cố hậu 45 chi phối. Đức tính này cộng với uy danh xưa cũ đủ bảo đảm cho hắn một thế đứng cao và danh dự trong tập thể Nazi tỵ nạn tại Á Căn Đình, nơi đặt bản doanh của ODESSA.
Phi cơ hạ cánh xuống phi trường một cách êm ái và an toàn. Tất cả hành khách trên chuyến bay qua khỏi hàng rào Quan thuế không gặp trở ngại nào. Tiếng Tây Ban Nha trôi chảy mà người hành khách lúc nãy ngồi ở ghế 3B sử dụng có thể làm cho bất cứ ai cũng lầm tưởng hắn là người Nam Mỹ chính gốc.
Ra khỏi phi trường, hắn đón tắc xi và do một thói quen cố hữu, bảo tên tài xế đưa tới một địa điểm cách xa khách sạn Zurburan, nơi hắn đặt phòng trước. Sau khi xuống xe tại Trung tâm kinh đô Madrid, hắn tự xách lấy hành lý, đi bộ đến khách sạn.
Đặt phòng trước bằng Telex, Glucks ghi tên vô sổ bộ của khách sạn và dùng thang máy lên phòng để tắm rửa. Vào lúc chín giờ sáng, hẳn nghe ba tiếng gõ nhẹ nơi cửa, tiếp sau bởi một khoảng cách im lặng và hai tiếng gõ sau cùng. Hắn bước ra mở cửa và thụt chân lại khi nhận ra người khách. Người mới đến bước vô phòng, đóng cửa lại, đứng vào thế nghiêm, dang thẳng tay phải ra, lòng bàn tay úp xuống, hô to “Seig Heil!”.
Tướng Glucks gật, đầu, có vẻ tán đồng cử chỉ của người khách trẻ, đưa tay mặt ra phía trước nói thật nhỏ nhẹ: “Sieg Heil”. Hắn ra dấu cho người khách trẻ ngồi xuống ghế.
Người khách là một công dân Tây Đức, cựu sĩ quan SS, đương kim Trưởng Lưới Hoạt động của ODESSA tại Liên Bang Tây Đức. Hắn rất hãnh diện vì được gọi đến Madrid để diện trình một vị Tướng lĩnh. Hắn nghi có một điều gì đó liên hệ đến cái chết của Tổng Thống Kennedy xảy ra ba mươi sáu giờ trước đây. Quả hắn đã đoán đúng.
Tướng Glucks rót cho mình, và mời tên Trưởng Lưới ODESSA một tách cà phê. Hắn cẩn thận đốt điếu xì gà Corona to tướng.
- Có lẽ anh đoán được lý do cuộc hành trình đột ngột và nguy hiểm của tôi trở về Lục địa Âu châu? - Glucks hỏi.
- Vì tôi không mấy ưa lưu lại Lục địa này quá thời gian ấn định nên tôi sẽ vô đề ngay lập tức! - Hắn nói tiếp.
Người khách ngồi đối diện Glucks hơi nhích mình về phía trước.
- Bây giờ Kennedy không còn nữa. Đây là điều hết sức may mắn cho chúng ta, - Tướng Glucks nói. - Chúng ta không được phép thất bại trong dự tính khai thác triệt để biến cố này. Anh nghe tôi kịp không?
- Thưa Đại Tướng, tôi nghe kịp. Trên nguyên tắc và trong phạm vi hoạt động của tôi, xin Đại Tướng an tâm, sẽ không bao giờ xảy ra một trục trặc nhỏ nhoi nào. Nhưng tôi chưa được hiếu ý Đại Tướng, muốn đề cập đến vấn đề nào?
- Tôi muốn nói đến Hiệp ước vũ khí bí mật giữa bọn phản loạn tại Bonn và lũ heo Do Thái tại Tel Aviv. Anh nghe nói đến hiệp ước này bao giờ chưa? Ngay trong giờ phút này hàng trăm tấn súng nặng, đạn dược, chiến xa, đang được Tây Đức chuyển đến Israel!
- Thưa Đại Tướng, tôi biết rõ về “gian ước” vũ khí này!
- Và anh cũng thừa khôn ngoan và thông minh để hiểu rằng tổ chức chúng ta đang làm hết sức mình để trợ giúp chính nghĩa Ai Cập đạt được thắng lợi trong một cuộc chiến sắp đến?
- Thưa Đại Tướng tôi cũng biết vậy, nên đã tổ chức tuyển mộ những nhà bác học Đức trong mục tiêu này rồi!
Tướng Glucks gật đầu.
- Tôi sẽ trở lại vấn đề này sau! Những gì tôi muốn đề cập ngay bây giờ là chính sách do ODESSA đề ra và phương cách thông báo cho Ai Cập mọi dữ kiện liên quan đến “gian ước” như anh vừa nói, để cho những người bạn chủng ta có thể làm áp lực với chính quyền Bonn qua đường dây Ngoại giao. Các phản kháng của Ai Cập đã đem đến sự hình thành của một nhóm người nằm trong chính phủ Bonn chống đối mạnh mẽ hiệp ước vũ khí này, vì hiệp ước này làm thương tổn mối bang giao Đức-Ai Cập. Nhóm người này vô tình đã giúp ODESSA rất nhiều, gây áp lực với tên “Già điên” Ehrard, ngay cả trong những phiên họp Hội Đồng Nội Các họ vẫn khăng khăng đòi xé bỏ hiệp ước. Anh theo kịp không?
- Thưa Đại Tướng, kịp!
- Bây giờ Kennedy không còn nữa!
Người khách trẻ ngả lưng ra ghế, đôi mắt sáng lên trước viễn tượng phải thi hành những công tác đại sự mà hắn sắp sửa được giao phó. Tướng Glucks khảy tàn vô tách cà phê.
- Do đó mục tiêu hoạt động chính trị trong năm nay, mà cảm tình viên và thân hữu của chúng ta tại Tây Đức phải chu toàn, là vận động dư luận quần chúng chống lại hiệp ước vũ khí, và cổ võ thắt chặt thêm mối bang giao Đức-Ai Cập.
- Vâng, vâng! Chuyện này tôi dư sức làm, - người khách trẻ tươi cười đáp.
- Một vài nhân vật do Odessa gài trong chính phủ Cairo sẽ xúc tiến việc phản kháng hiệp ước trên mặt ngoại giao qua trung gian của Tòa Đại sứ Ai Cập và các Tòa Đại sứ bạn. Những người bạn Ai Cập khác sẽ giật dây những vụ biểu tình trong hàng ngũ sinh viên Ai Cập và Tây Đức. Công việc chính của anh là phối hợp báo chí, cho in hàng loạt truyền đơn, bích báo (Odessa sẽ tài trợ mạnh mẽ), quảng bá trên hệ thống truyền thanh và truyền hình mọi tiến triển về công cuộc chống đối hiệp ước, rỉ tai tuyên truyền những nhân viên, cán bộ, công chức, cố thuyết phục họ đứng về phía dư luận chống đối hiệp ước.
Người khách trẻ cau mày:
- Thời buổi này khó kích động tinh thần chống Do Thái trong đân chúng Tây Đức lắm. - Hẳn nói nhỏ.
Glucks vội cải chính.
- Anh hiểu lầm tôi rồi. Khía cạnh vận động quần chúng rất đơn giản. Vì những lý do thực tiễn, Tây Đức không thể nào bán đứt tám triệu dân Ai Cập, với những chuyến tàu chở vũ khí bí mật điên rồ của mình. Sẽ có nhiều người Đức nghe và tin vào luận điệu này, nhất là trong giới ngoại giao. Chúng ta thừa khả năng móc nối giới này. Trên căn bản quan điểm này, chúng ta tự do hành động. Dĩ nhiên ngân khoản dành cho công tác này sẽ rất dư giả, không thành vấn đề. Điều cốt yếu là, giờ đây với Kennedy trở thành người thiên cổ, liệu Johnson có còn muốn tiếp tục chánh sách đối ngoại “Trọng Tài Quốc Tế và thiên Do Thái” không, và nỗ lực chính yếu của Odessa là giúp tạo áp lực với Erhard và nội các của ông ta để tiến tới việc xé bỏ hiệp ước này. Nếu chúng ta có thể chứng minh cho những người bạn Ai Cập thấy rằng chúng ta thừa khả năng khuynh đảo chính sách đối ngoại của Bonn, thì giá trị của Odessa tại Cairo không mấy chốc sẽ lớn mạnh.
Người khách trẻ gật gù; kế hoạch cho chiến dịch này từ từ hình thành trong đầu óc anh ta.
- Tôi sẽ chu toàn nhiệm vụ giao phó, xin Đại Tướng an tâm!
- Tốt lắm!
Người khách đối diện Glucks ngước mắt lên hỏi:
- Lúc nãy Đại Tướng có đề cập đến vài nhà bác học đang cộng tác với Ai Cập...
- Phải! Tôi sẽ trở lại vấn đề này sau. Bọn họ là mũi dùi thứ hai của chúng ta nằm trong toàn bộ kế hoạch tiêu diệt lũ heo Do Thái. Chắc anh cũng đã biết qua về những hỏa tiễn tại Helwan!
- Thưa Đại Tướng, tôi chỉ nghe nói phớt qua thôi.
- Nhưng không biết rõ chúng sẽ được thả xuống đâu?
- Theo, thiển ý tôi, dĩ nhiên chúng sẽ được thả xuống…
- Dồn một vài tấn chất nổ vô đó rồi thả xuống Israel?
Tướng Glucks cười ha hả nói tiếp:
- Anh bạn lầm rồi! Tuy nhiên, tôi có bổn phận phải bổ túc sự hiểu biết của anh về vụ những hỏa tiễn và những kẻ đã chế tạo ra chúng!
Tướng Glucks ngã người ra ghế, ngước mặt nhìn lên trần nhà, trầm ngâm trong giây phút, rối bắt đầu kể lại câu chuyện thật liên quan đến những hỏa tiễn tại Helwan,
Sau đệ II thế chiến, khi vua Farouk còn cầm quyển tại Ai Cập, hàng ngàn người Đức có liên hệ xa gần với Đức Quốc Xã và hàng ngàn cựu thành viên SS đã trốn sang Ai Cập tỵ nạn, Trong số này có rất nhiều nhà bác học. Ngay trước khi bị lật đổ vì một cuộc đảo chính, Farouk đã giao cho hai nhà bác học Đức nghiên cứu dự án thành lập một xưởng chế tạo hỏa tiễn, Lúc đó vào năm 1952, và hai nhà bác học Đức là Paul Gorke và Rof Engel. Dự án được bỏ dở trong một vài năm dưới thời Naguil. Khi Nasser lên nắm chính quyền, và khi Ai Cập thảm bại trong chiến trận Sinai năm 1956, nhà độc tài mới nổi của Ai Cập thề nguyền sẽ có ngày ông tiêu diệt Israel,
Năm 1961, khi được Moscow trả lời một tiếng “KHÔNG” dứt khoát trước lời yêu cầu được viện trợ thêm hỏa tiễn hạng nặng, dự án Gorke - Engel thành lập xưởng chế tạo hỏa tiễn được hồi sinh, Làm việc cả ngày lẫn đêm, với ngân khoản vô hạn định, hai nhà bác học Đức và cộng sự viên của họ đã thiết lập xong nhà máy 333 tại Helwan, ở phía Bắc Cairo,
Lập xong nhà máy là một chuyện, vẽ kiểu và chế tạo hỏa tiễn là một chuyện khác, Trước đó, những ủng hộ viên của Nasser, phần lớn có khuynh hướng thiên Đức Quốc Xã từ hồi sau thế chiến II, đã bắt liên lạc với đại diện Odessa tại Ai Cập, Từ đó nhà lãnh đạo Ai Cập đã tìm được câu giải đáp cho bài toán nan giải, là làm thế nào tuyển mộ được khoa học gia cần thiết đế chế tạo hỏa tiễn.
Nga, Mỹ, Anh và Pháp, không nước nào chịu cung cấp khoa học gia cho Ai Cập. Odessa thuyết phục được Nasser rằng những hỏa tiễn mà Ai Cập cần chế tạo phải là những hỏa tiễn có kích thước và đặc tính y như những hỏa tiễn V2 mà Wernher von Braun và các cộng sự viên đã chế tạo được tại Peenemunde. Một số lớn cộng sự viên cũ của Von Braun vẫn còn sống sót sau cuộc oanh kích quy mô vào Peenemunde, và hiện đang sống tại Tây Đức. Cuối năm 1961, công tác tuyển mộ khoa học gia Đức bắt đầu. Một số lớn được tuyển dụng và đang phục vụ tại Viện Nghiên Cứu Không Gian Tây Đức tại Stuttgart, số này đều bất mãn vì Hòa ước Paris ký vào năm 1954 cấm chỉ Tây Đức nghiên cứu, thí nghiệm một vài địa hạt, đáng kể nhất là vật lý nguyên tử và vật lý không gian. Thêm vào đó, ngân khoản dành cho họ rất hạn chế. Đối với một số khoa học gia, được tặng cho cơ hội tạo thanh danh cho mình, được ngân khoản khổng lồ tài trợ, và cơ hội ngàn năm một thuở để chế tạo hỏa tiễn, đó thiệt là hấp dẫn.
Odessa bổ nhiệm một cựu Thiếu tá SS, Tiến sĩ Ferdinand Brandner, làm sĩ quan tuyển mộ tại Tây Đức. Ferdinand mộ thêm cựu Trung sĩ SS làm phụ tá, Cả hai thầy trò lần mò khắp các thành thị Tây Đức mưu tìm cho bằng được những nhà bác học và khoa học gia muốn sang Ai cập chế tạo hỏa tiễn cho Nasser.
Với ngân khoản tuyền mộ lớn lao, không thiếu gì khoa học gia chịu nghe theo. Đáng ghi nhận trong số này là Giáo sư Wolfgang Pilz, được Pháp tuyển dụng ngay sau Đệ nhị Thế chiến, sau này trở thành cha đẻ của hỏa tiễn lừng danh Veronique của Pháp, đặt nền tảng cho chương trình không gian của De Gaulle. Giáo sư Pilz được Odessa khuyên dụ sang Ai Cập phục vụ, năm 1962. Kế đến là nhà bác học Eugen Sanger và hiền nội Irene, cựu cộng sự viên của Von Braun trong chương trình V2, Josef Eisig và Kirmayer, hai chuyên viên khoa học gia tốc và nhiên liệu.
Cả thế giới đã mục kích thành quả Ai Cập trong một cuộc diễn binh qua đường phố Cairo ngày 23 tháng 8 năm 1962, ngày kỷ niệm Đệ Bát Chu Niên Cộng Hòa Ai cập. Hai kiểu hỏa tiễn đặt tên El Kahira và El Zafira, tầm hoạt động khả dụng 300 và 500 cây số, diễn hành qua tiếng reo hò cổ võ của hàng trăm ngàn dân chúng, Mặc dù chỉ là hai hỏa tiễn mẫu, chưa được trang bị đầu nổ và chưa xác định được nhiên liệu sẽ được dùng đến, nhưng chúng là hai trong số bốn trăm chiếc dự tính chế tạo mà một ngày nào đó sẽ rơi xuống Israel.
Tướng Glucks im lặng trong giây lát, kéo một hơi xì gà dài, xong kể tiếp câu chuyện.
- Vấn đề hiện nay như thế này. Dù đã giải quyết xong các bài toán khó khăn liên quan đến nhiên liệu, đầu nổ, nhưng hỏa tiễn vẫn chưa sử dụng được vì còn thiếu hệ thống điều khiển nó. Và đó là điều mà chúng ta hiện chưa có khả năng cung cấp thẳng cho Ai Cập. Kẹt cho chúng ta hơn nữa là, mặc dù Stuttgart không thiếu gì chuyên viên và kỹ sư về vô tuyến điều khiển, nhưng chúng ta không thể nào mộ được họ. Tất cả những khoa học gia mình gởi sang Ai Cập đều chuyên về khí động học, sức đẩy và đầu nổ, nhưng chưa có ai rành về vô tuyến điều khiển cả. Chúng ta đã lỡ hứa với Nasser là Ai Cập sẽ có được hỏa tiễn, và nhất định phải có cho họ bằng bất cứ giá nào. Tổng thống Nasser cương quyết sẽ khai chiến một lần nữa với Israel. Ông ta tin rằng chiến xa và bộ binh sẽ đem lại thắng lợi, nhưng theo tin tức của Odessa thì tình thế không như Nasser nghĩ. Ai Cập sẽ không thể nào thắng nổi Israel dù có quân số đông hơn. Anh nghĩ xem địa vị của chúng ta sẽ lên như thể nào, nếu hàng tỷ Mỹ kim lọt vô tay của Nga Sô để đổi lấy hàng ngàn tấn chiến cụ, nhưng vẫn thất bại trước Israel, trong khi những hỏa tiễn do những khoa học gia được Odessa tuyển mộ sẽ đem lại thắng lợi? Chắc chắn địa vị chúng ta lúc đó sẽ lên như diều. Chúng ta sẽ đi một thế cờ và đạt được hai mục tiêu: Mục tiêu thứ nhất là đảm bảo sự nhớ ơn trường cửu của Trung Đông, nơi sẽ được dùng làm mảnh đất dung thân an toàn cho tập thể chúng ta, và mục tiêu thứ hai là tiêu diệt được lũ heo Do Thái, thỏa mãn được nghị quyết cuối cùng của nguyên thủ Hitler. Đây là một thử thách hết sức cam go, mà chúng ta không được phép thất bại.
Người khách trẻ kinh hãi nhìn Glucks bước qua bước lại trong căn phòng. Hắn do dự hỏi:
- Xin Đại Tướng cho phép tôi được hỏi. Liệu bốn trăm hỏa tiễn Ai Cập đủ sức tiêu diệt hết lũ heo Do Thái không? Có thể sức tàn phá của chúng ghê gớm lắm, nhưng tôi e không đủ sức hủy diệt hoàn toàn lũ heo Do Thái.
Glucks quay sang người khách trẻ, nhìn xuống hắn, cười lớn:
- Anh nghĩ trong đầu xem Ai Cập sẽ dùng loại đầu nổ nào gắn trên hỏa tiễn? Anh tưởng mình đem phung phí một vài tấn chất nổ để giết lũ heo sao? Chúng ta đã đề nghị với Nasser, và nhà độc tài này đã đồng ý trên nguyên tắc rằng những đầu nỗ của E1 Kahira và El Zafira sẽ hơi khác lạ, bởi chúng sẽ chứa toàn vi khuẩn dịch hạch và sẽ phát nổ trước khi chạm mặt đất, bao bọc bầu trời Israel bằng một màn “Bạch kim 60 nhiệt bức”. Trong vòng vài tiếng đồng hồ sau đó chúng sẽ chết như rạ vì bệnh dịch hạch. Đây là quà của Odessa dành tặng cho Israel!
Người khách trẻ, há hốc mồm, trố mắt nhìn GJucks:
- Kinh khủng thật. Bây giờ tôi mới nhớ đến một vài điểm liên quan đến một vụ án xử tại Thụy Sĩ vào mùa hè năm ngoái. Chỉ toàn tin đồn thôi, vì chứng cớ đều bị ém nhẹm hết cả rồi! Thưa Đại Tướng, vậy thì những lời đồn quanh vụ án có thật sao? Tuyệt quá!
- Đúng, tuyệt thật, và tuyệt hơn nữa nếu Odessa có thể trang bị hệ thống vô tuyến điều khiển những hỏa tiễn này. Và hiện nay người giám sát toàn bộ hệ thống nghiên cứu vô tuyến điều khiển đang ở tại Tây Đức. Ám danh của hẳn là Vulkan, như thần Vulkan trong chuyên cổ tích vậy, chuyên rèn sét cho các vị thần khác đó!
- Vulkan là một khoa học gia? - Người khách trè hỏi.
- Không. Đáng lý hắn phải trở về Á Căn Đình sau khi bị lộ mặt vào năm 1955, nhưng chúng tôi đã dàn xếp với tiền nhiệm của anh là phải kiếm cho hẳn một thông hành mới để hắn có thể lưu lại Tây Đức. Lúc đầu mục đích của chúng tôi là sử dụng cơ xưởng hiện do hắn làm chủ để thực hiện một loạt dự án nghiên cứu, nhưng bây giờ phải xếp bỏ hết để chỉ chú trọng vào vô tuyến, và chế tạo hệ thống thích hợp để gắn vào các hỏa tiễn đang nằm ụ tại Helwan.
Cơ xưởng mà hiện nay Vulkan đang trông coi chuyên chế tạo máy thu thanh transistor. Trong Ban nghiên cứu, một toán khoa học gia đang ngày đêm làm việc, cố chế tạo cho được hệ thống vô tuyến điều khiển các hỏa tiễn Ai Cập.
- Tại sao những khoa học gia này không sang Ai Cập làm việc? - Người khách trẻ ngạc nhiên hỏi.
Glucks cười, vừa đi vừa nói:
- Đây là cú đòn tài tình nhất của Odessa. Tôi vừa mới nói với anh rằng Tây Đức không thiếu gì chuyên viên hiểu rành về vô tuyến điều khiển, nhưng ngặt một nỗi là không ma nào chịu sang Ai Cập làm việc cả. Nhóm khoa học gia hiện nay làm việc cho Vulkan cứ tin rằng họ đang làm việc theo một giao kèo tối mật của Bộ Quốc phòng Tây Đức.
Nghe đến đây người khách trẻ bộc lộ sự kinh ngạc và thán phục Odessa bằng cách nảy người lên khỏi ghế, làm đổ cà phê tung tóe ra áo. Hắn thở ra, khuất phục bởi tài trí của mấy ông xếp của mình.
- Trời đất! Làm sao có thể bịp đưọc họ?
Glucks cười, trả lời thắc mắc của người khách trẻ.
- Đơn giản vô cùng. Hiệp ước Paris cấm chỉ Tây Đức nghiên cứu về hỏa tiễn. Những người làm việc cho Vulkan bị buộc phải tuyên thệ bảo mật, và lời thề này được một chức sắc của Bộ Quốc phòng chứng giám. Khỏi nói anh cũng biết người này thuộc phe ta. Một tướng lĩnh thật của Quân lực Tây Đức cũng tháp tùng theo chức sắc này trong buổi lễ tuyên thệ bảo mật, và tất cả mọi người hiện diện trong buổi lễ đều nhận ra vị tướng này. Bọn khoa học gia này tình nguyện làm việc để phục vụ nước Đức. ngay cả sự kiện bị ép buộc phải làm việc trong những điều kiện hết sức khó khăn, bởi công việc của họ đi ngược lại với tinh thần Hiệp ước Paris. Cho đến giờ phút này họ vẫn đinh ninh rằng họ đang phục vụ hết minh cho chính phủ Tây Đức. Dĩ nhiên Odessa phải chi bộn bạc cho ván bài tháu cáy này, và cho cả công cuộc nghiên cứu nữa. Bình thường, một quốc gia hùng mạnh mới dám bỏ tiền ra tài trợ cho một dự án tương tự như của chúng ta. Cả chương, trình này đã làm cho Quỹ Mật của chủng ta thâm thủng rất nhiều. Bây giờ anh thấy rõ tầm mức quan trọng của Vulkan chưa?
- Thưa Đại Tướng, nếu có điều gì không may xảy đến cho hắn, chương trình có tiếp tục không?
- Không! Và hắn vừa làm chủ vừa làm Tổng giám đốc cơ xưởng này. Và chỉ có hắn mới có khả năng trả lương hàng tháng cho các khoa học gia và những khoản chi tiêu khổng lồ dành cho chương trình này. Ngoài ra không có khoa học gia nào xía vô công việc thường nhật của xưởng, và không có một công nhân nào hiểu rõ những khoa học gia trong Ban Nghiên cứu làm những công việc gì. Đám công nhân làm việc tại cơ xưởng được Vulkan cho biết là nhóm khoa học gia đang nghiên cứu chế tạo những mạch vi ba, sẽ đảo lộn thị trường điện tử. Tính chất bí mật của công việc được giải thích như là những biện pháp đề phòng gián điệp kỹ nghệ. Mối chốt duy nhất giữa ban nghiên cứu và phần còn lại của cơ xưởng là Vulkan. Nếu hắn ngã, cả chương trình sẽ sụp đổ theo hắn!
- Thưa Đại Tướng, tôi có thể biết tên của cơ xưởng đó không?
Tuớng Glucks suy nghĩ trong một thoáng, và nói cho người khách trẻ biết tên của cơ xưởng đó bắt đầu bằng những chữ Tele...
Người khách trẻ nhìn Glucks tỏ vẻ không tin.
- Những máy thu thanh mang tên Tele...
- Đúng rồi. Tele... là một xưởng chế tạo máy thu thanh giàu lòng nhân dạo, chuyên sản xuất máy thu thanh bán trả góp hoặc biếu không cho các hội từ thiện, dân nghèo.
- Và vị Tổng giám đốc là...?
- Đúng. Vulkan đó. Bây giờ anh nhận thức được tầm mức quan trọng của hắn chưa? Bởi đó, tôi còn lệnh này ban cho anh.
Tướng Glucks móc trong túi ra một phong bì trao cho người khách trẻ. Trong phong bì có một tấm ảnh.
Sau khi xé phong bì ra, nhìn ngắm tấm hình trong đôi phút, người khách trẻ quay qua phía Glucks than trời:
- Vậy mà tôi cứ tưởng “đồng chí” ấy còn ở bên Á Căn Đình!
Glucks lắc đầu :
- Vulkan đó. Vào giờ phút này công việc do hắn trông nom đã bước sang một giai đoạn hết sức quan trọng. Do dó, nếu có ai thắc mắc muốn tìm hiểu về hắn, phải tìm mọi cách cho ai đó thất vọng hoàn toàn: một lời khuyên bảo, và nếu không nghe lời thì áp dụng biện pháp mạnh. Nghe kịp tôi nói không “Kamerad”? Tôi nhắc lại, không một ai được phép tò mò tìm hiểu về Vulkan để có thể phơi bày ra ánh sáng lý lịch của hắn, nghe chưa!
Glucks đứng phắt dậy và người khách trẻ cũng bắt chước theo.
- Bàn tán hồi nãy đến giờ đủ rồi. Chỉ thị như vậy, anh cứ thi hành!
-----------
Còn tiếp. 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét