Thứ Năm, 5 tháng 4, 2018

Khi Yêu Cần Nhiều Dũng Cảm - (Chương 9, 10, 11)

KHI YÊU CẦN NHIỀU DŨNG CẢM

Tác giả: Chetah Bhagat
Người dịch: Nguyễn Thị Hương Thảo
NXB Hội Nhà Văn, 05-2015

9

- Chà, cảm giác thật đặc biệt, - Ananya nói.
Cô mở thư mời làm việc của HLL ra lần thứ ba trong quán Rambhai. Tôi đã nhận thư từ Citibank ngày hôm trước và, sau khi đoán chắc mức lương họ trả, tôi lẳng nó vào trong tủ.
- Đó là lời mời làm nô lệ, đừng có phấn khích quá thế, - tôi nói và gọi một chiếc bánh sandwich samosa.
- Ôi, đừng tiêu cực thế chứ. Họ rất phấn khích khi tuyển dụng em. HLL có chiến lược về Nam Ấn rất nghiêm túc.
Phục vụ bàn quán Rambhai rót trà cho chúng tôi. Trong thời gian hội chợ việc làm, họ đã nhận được nhiều tiền boa.
- Em có đi học không? - Ananya hỏi cậu bé mười ba tuổi đang phục vụ chúng tôi.
- Có, Rambhai cho em đi học, - thằng bé nói.
- Tốt lắm, bởi vì nếu ông ta không làm thế, hãy báo cho cảnh sát, - Ananya nói và đưa thằng bé một tờ năm mươi rupi.
- Họ sẽ cho em làm việc ở Nam Ấn, - tôi nói, - tại một nơi khỉ ho cò gáy nào đó và không có cả mã vùng điện thoại.
- Không, họ sẽ không làm thế. Mà dù họ có làm thế, chồng em sẽ đến cứu em kia mà, - cô nháy mắt.
- Ananya, em chưa hiểu rồi. Chúng mình quyết định cưới. Nhưng bố mẹ chúng mình đã duyệt đâu, - tôi nhắc cô.
- Thôi nào, bố mẹ em khá bảo thủ. Nhưng chúng ta là những đứa con giỏi giang của họ, những đứa con được yêu quý hết mực của tầng lớp trung lưu. Sao họ lại có vấn đề gì cơ chứ?
- Bởi vì họ là bố mẹ. Từ bánh quy tới các cô dâu, nếu những đứa con thực sự thích thứ gì, bố mẹ sẽ có vấn đề với thứ đó, - tôi nói.
- Bố mẹ anh sẽ có vấn đề với em sao? - Ananya kéo tóc về phía sau và vấn thành búi lỏng. Cô dùng răng giữ một chiếc kẹp tóc.
- Họ có vấn đề với bất cứ ai anh lựa chọn. Và em lại là người Nam Ấn, như thế lại càng thêm chuyện. OK, không đến nỗi tệ như cưới một người không cùng tôn giáo. Nhưng cũng gần như thế.
- Nhưng em cũng đứng đầu ở trường đại học. Em có bằng MBA của IIMA và làm việc cho HLL. Và xin lỗi vì em khoe khoang, nhưng em cũng xinh đẹp nữa.
- Không ăn thua. Em là người Tamil. Anh là người Punjab.
Ananya gấp lại thư mời và sắp xếp các thứ đồ trong túi của cô.
- Sao thế? Nói gì đi chứ?
- Chẳng thể tham gia cuộc nói chuyện lạc hậu này được, - cô nói. - Anh hãy thảo luận về những nỗi đau khổ của mình với những người đồng đạo Punjab đi vậy.
Cô đứng lên đi về. Tôi kéo tay cô ngồi xuống.
- Thôi nào Ananya, chẳng lẽ bố mẹ em không điên lên khi biết rằng em có bạn trai người Punjab sao?
- Không. Em không nghĩ vậy.
- Thế em đã nói với họ chưa?
- Chưa.
- Tại sao?
- Đợi lúc phù hợp. Hai tuần nữa đến lễ phát bằng. Họ sẽ tới đây, em sẽ giới thiệu anh. Sẽ nói với họ những gì anh đã làm trong đời thực này, chứ không phải về nơi chôn nhau cắt rốn của anh. Họ có thể sẽ gặp bố mẹ anh. Bố mẹ anh sẽ tới chứ?
- Mẹ anh tới. Bố thì anh không biết.
- Có chuyện gì thế?
- Đừng nói về chuyện này mà.
- Anh sẽ không nói với vợ tương lai của mình sao? Anh đã mời bố tới chưa?
- Chưa.
Cô đứng dậy, tôi đứng dậy theo.
- Tới bốt điện thoại nào, - cô nói.
- Bây giờ ư?
- Cuộc chiến ngấm ngầm nhưng thâm sâu giữa anh và bố anh thế là quá đủ rồi.
- Giờ này gọi tính cước cao đấy.
- Em không quan tâm.
Chúng tôi đi bộ tới bốt điện thoại gần Vijay Char Rasta. Tôi gọi về nhà.
- Mẹ ạ, con đây.
- Krish, chúng ta sẽ đặt vé. Mẹ sẽ tới, bác Shipra muốn đi cùng. Cả bác Rajji và bác Kamla nữa.
- Mẹ, bố có tới không?
- Không, - bà nói và yên lặng.
- Là lễ tốt nghiệp của con mà, - tôi nói.
- Ông ấy nói ông ấy phải làm việc.
- Bố nghỉ hưu rồi mà. Còn việc gì nữa?
Chiếc đồng hồ tính tiền quay lên hai mươi rupi.
- Con nói với ông ấy đi, ông ấy muốn một lời mời trực tiếp, - mẹ tôi nói.
- Không đâu. Chẳng lẽ tự ông ấy không muốn tới sao?
- Không, sao con không mời ông ấy đi?
Bà chuẩn bị gác máy.
 - Đừng, mẹ. Con không muốn gọi cho ông ấy nếu như ông ấy không muốn đến.
- Tốt thôi. Thế các bác trai và bác gái bên ngoại tới được chứ?
- Đừng để họ hàng đi cùng, - tôi cầu xin.
- Tại sao? Mọi người yêu quý con rất nhiều. Họ muốn tới gặp con mà…
- Con muốn mẹ gặp vài người.
- Ai thế?
- Rồi mẹ sẽ biết, - tôi nói.
Tôi bước ra khỏi bốt điện thoại. Ananya và tôi đi bộ trở về. Làm gì có ông bố nào cần con mời mới tới dự lễ tốt nghiệp của nó chứ? Kệ xác ông ta, tôi tự nhủ với bản thân mình.
- Anh mời bố rồi chứ? - Ananya hỏi.
- Bố sẽ không tới đâu, - tôi nói.
- Tại sao chứ?
- Giữa bố con anh không có gì cả, Ananya. Em đừng bao giờ cố hàn gắn nữa. Được chứ?
- Điều gì đã xảy ra vậy?
- Anh không muốn nói về chuyện đó.
- Câu trả lời theo chuẩn đấy.
- Câu hỏi của em cũng là câu hỏi chuẩn mà.
- Anh có quan tâm đến ông ấy. Anh đang bực tức mà.
- Anh bực mình vì phải trả cước giờ cao điểm. Giờ nghe nhé, anh đã phải từ chối các bác của anh dù rằng rất khó khăn. Chỉ mẹ anh đến thôi. Em có kế hoạch rồi, phải không?
Cô bước lên trước tôi.
- Hãy biến nó thành lần gặp mặt tuyệt vời đầu tiên giữa hai gia đình. Chúng ta nên làm điều gì đó vui vẻ cùng nhau.
- Như là bắn nhau chẳng hạn?
- Thôi đi nào. Sẽ ổn thôi mà. Họ sẽ hài lòng vì bạn trai của em học IIT.
- Họ sẽ không hỏi điểm số của anh chứ?
- Có thể đấy. Nhưng sao chứ, anh sẽ làm cho Citibank mà. À mà, chúng mình có nên tổ chức cho họ đi chơi cùng nhau không?
- Anh không chắc gia đình chúng ta lại muốn ở gần nhau nhiều thế.
- Tất nhiên là có rồi. Anh để việc đó em lo. Sau lần này mẹ anh sẽ yêu em hơn anh đấy, - cô nói khi chúng tôi bước tới cổng trường.
* * *
Tôi đón mẹ tôi ở ga Ahmedabad một ngày trước lễ tốt nghiệp. Bố mẹ Ananya tới bằng máy bay, bố cô dùng thẻ công vụ LTC cứ bốn năm được bay một lần. Mẹ tôi tới cùng hai chiếc va li. Một va li chứa quần áo của bà còn va li kia chứa những hộp hoa quả khô mua từ nhiều cửa hiệu ở Delhi.
- Con ở trường năm ngày nữa thôi. Sao mẹ mang nhiều bánh kẹo thế? - tôi hỏi khi ngồi trên xe quay về trường.
- Chẳng phải chúng ta sẽ ăn sao? Và chúng ta có thể gặp mọi người nữa. Người ta lại bảo con bà ấy tốt nghiệp mà bà ấy chẳng có gì để mời cả. Suýt nữa mẹ còn mang theo đồ ăn đóng hộp đấy. Mẹ không muốn ăn đậu lăng hầm Gujarat với đường. Nó ngọt lắm phải không?
- Nó không ngọt đến thế đâu. Mà con muốn mẹ gặp một người, mẹ ạ, - tôi nói trong khi chiếc xe ô tô cố lách qua những làn đường hẹp gần nhà ga.
- Ai thế?
- Một cô gái, - tôi nói.
- Con có Bạn Gái ư? Bạn Gái phải không? - bà hỏi lại cứ như thể tôi bị AIDS không bằng.
- Một người bạn tốt, - tôi nói để bà dịu xuống.
- Bạn tốt à? Con còn có bạn xấu nữa sao?
- Không mà mẹ. Bọn con thường học cùng nhau. Bọn con làm rất nhiều bài tập cùng nhau.
- OK. Con bé có việc rồi chứ?
- Rồi ạ, ở HLL. Đó là một công việc tốt.
- HLL?
- Công ty làm ra Surf ấy. Và Rin và Lifebuoy và xốt Kissan nữa.
Tôi kể tên các sản phẩm, hy vọng rằng một trong số chúng sẽ làm bà ấn tượng.
- Cả mứt Kissan nữa à? - bà hỏi sau khi suy nghĩ ba mươi giây.
- Vâng. Cô ấy làm marketing. Đó là công việc danh giá nhất trong nghề marketing.
- Thế thì con bé sẽ được nhận mứt miễn phí chứ?
- Con nghĩ vậy, - tôi nói, tự hỏi làm thế nào để lái câu chuyện về đúng hướng. - Nhưng chuyện không phải ở đó.
- Đúng, không phải ở đó. Vậy chúng ta nên dừng lại ăn trưa rồi mới tới trường con hay ăn luôn ở trường đây? Bhaiya, ở đây có quán ăn nào ngon không? - bà hỏi người tài xế.
- Thôi mà mẹ. Con đang nói chuyện quan trọng mà.
Nhưng mẹ tôi nói:
- Cánh lái xe luôn biết những chỗ ăn ngon.
- Dừng xe thì sẽ tính thêm tiền, thưa bà, - người tài xế nói, tảng lờ tôi cùng với những lằn giảm tốc trên đường.
- Gì thế? - mẹ tôi hỏi khi thấy tôi tiếp tục chằm chặp nhìn bà nhằm thu hút sự chú ý.
- Cô ấy tên là Ananya. Bố mẹ cô ấy cũng ở đó. Con muốn mẹ gặp họ và hãy lịch sự với họ.
- Mẹ sẽ gặp bất cứ ai con muốn mẹ gặp. Mà mẹ không lịch sự lúc nào đấy? Chúng ta là những người lịch sự mà.
- Mẹ… - tôi nói trước khi bà ngắt lời tôi.
- Hãy mang theo một ít bánh quy Nice. Hợp với trà lắm đấy.
- Mẹ, - tôi gào lên. - Đây chính là điều con không muốn. Con muốn mẹ gặp họ một cách đúng mực và không bị ám ảnh bởi những bữa ăn hay đồ ăn vặt hay trà hay bất cứ thứ gì. Họ phải có ấn tượng tốt.
Mẹ nhìn tôi khó chịu. Tôi không đáp trả.
- Bhaiya, quay xe đi. Tôi sẽ quay về, - mẹ tôi nói. - Đầu tiên, mẹ đi cả chặng đường từ Delhi tới để dự lễ tốt nghiệp của con, mua kẹo từ bốn cửa hàng khác nhau, và giờ mẹ không tạo nổi ấn tượng tốt chứ gì. Không sao, nếu chúng ta không thể tạo ấn tượng tốt thì đừng đến nữa.
Mẹ tôi cứ tiếp tục lẩm bẩm một mình. Bà đã chính thức bước vào cái cung cách kịch tính quen thuộc. Người tài xế dừng xe.
- Gì cơ? Sao anh lại dừng thế? - tôi bực tức hỏi.
- Bà đây bảo tôi quay lại.
- Mẹ, - tôi nói trong khi bà vẫn tiếp tục hờn dỗi.
- Vậy con vẫn nhớ mẹ là mẹ con sao? Mẹ nghĩ con chỉ quan tâm đến bố mẹ của bạn con thôi chứ?
Sự bực dọc đã choán đầy giọng mẹ tôi. Tôi buộc phải dùng các biện pháp khẩn cấp.
- Có một quán pao bhaji rất ngon ở ngay đằng kia. Bhaiya, đưa chúng tôi tới Law Garden.
- Mẹ không đói, - mẹ tôi nói.
- Ăn thử xem có ngon không thôi mà, - tôi nói.
Tôi vỗ vai người tài xế. Người tài xế rẽ về phía Law Garden.
Tôi gọi paneer pao bhaji nhiều bơ và một cốc lassi. Chẳng có gì xoa dịu một người Punjab đang tức giận hiệu quả bằng những sản phẩm từ sữa.
- Con bé đó là ai? - bà hỏi sau khi uống xong cốc lassi.
- Chẳng có gì quan trọng cả. Cô ấy muốn gặp mẹ sau khi con kể với cô ấy rằng mẹ đã phải vượt qua bao nhiêu rắc rối mà bố đã gây ra để nuôi con khôn lớn, - tôi dối phắt.
Chẳng hiểu do nhiều bơ hay do những gì tôi nói, mẹ tôi đã bình tĩnh lại.
- Con đã kể với nó mọi chuyện sao? - bà hỏi.
- Không, chỉ một chút thôi. Với lại bố mẹ của cô ấy có vẻ hơi trang trọng một chút. Chính vì thế con mới nhờ mẹ hãy tạo ấn tượng tốt. Chứ ai mà không muốn gặp mẹ cơ chứ?
- Người Gujarat ăn tráng miệng bằng gì vậy? Hay họ đổ tất cả đường vào thức ăn rồi? - Mẹ tôi lại cầm thực đơn lên.

10

Sáng ngày hôm sau, hai trăm MBA mới tốt nghiệp và các ông bố bà mẹ tự hào thái quá của họ ngồi trên bãi cỏ Louis Kahn Plaza dự buổi lễ tốt nghiệp. Khách mời danh dự, một nhà tư bản công nghiệp ba đời danh gia thế phiệt, bảo ban các học viên phải cố gắng làm việc để vươn tới đỉnh cao. Ông ta cũng có một công việc cực nhọc là phát bằng và đứng chụp ảnh với hai trăm học viên. Hôm nay, chúng tôi nhận bằng thạc sĩ về quản trị, một tấm vé trọn đời cho những công việc được trả lương hậu hĩ. Ananya muốn mọi thứ phải hoàn hảo. Cô đã tới nơi tổ chức trước nửa tiếng để giữ sáu chỗ cho gia đình cô và nhà tôi.
Mẹ tôi mặc bộ sari đẹp nhất bà có. Tôi mặc áo choàng tốt nghiệp thuê ba mươi rupi.
- Mẹ, đây là Ananya. Ananya, đây là mẹ anh, - tôi nói khi hai mẹ con tới đó.
Ananya chìa tay ra để bắt tay mẹ tôi. Mẹ tôi có vẻ bị sốc. Sẽ là thái quá nếu đòi hỏi Ananya chạm vào chân bà, nhưng tôi cảm thấy Ananya tốt hơn nên dùng đến Namaste. [Namaste: hình thức chào hỏi bằng cách chắp hai tay trước ngực để bày tỏ sự tôn kính].
Bất cứ thứ gì hiện đại đều không ăn nhập với các vị phụ huynh.
- Cháu chào bác. Cháu đã được nghe kể nhiều về bác, - Ananya nói.
- Thực ra, từ khi tới đây tôi chỉ toàn nghe về cháu thôi.
Mẹ tôi cười, thành ra khó phát hiện ra vẻ giễu cợt.
- Mọi người ngồi xuống đã nào. Ananya, gia đình em đâu? - tôi hỏi khi chúng tôi ngồi xuống.
- Mẹ em mặc sari phải mất cả ngày. Em tới trước để có chỗ ngồi tốt.
Ananya mặc cùng bộ sari con công màu xanh mà cô mặc hôm phỏng vấn với HLL. Thấy tôi đang nhìn, cô liền hôn gió một cái. May mà mẹ tôi không để ý. Tôi lắc đầu, cầu xin Ananya giữ vẻ đoan trang.
Mười phút sau bố mẹ Ananya tới. Ông bố mặc sơ mi trắng phau, như chiếc áo trong những quảng cáo xà phòng giặt. Mẹ Ananya bước đằng sau trong bộ váy áo lấp lánh. Có thể nhìn thấy bộ sari Kanjeevaram màu đỏ tươi và vàng của bà từ bất cứ góc nào trên bãi cỏ. Trông như thể bà vừa ngã vào một thùng sơn vàng vậy. Đằng sau bà là một cậu bé mười bốn tuổi đeo kính; một phiên bản nhỏ của những anh chàng MBA sẽ được nhận bằng tối hôm nay.
- Chào mẹ, - Ananya nói và đứng dậy, giọng cô ở mức hân hoan nhất.
- Không ghim an toàn gì đó, gì đó, - mẹ cô đáp lại.
Mẹ và con gái sa vào những tràng tiếng Tamil. Bố Ananya lấy máy ảnh ra và bắt đầu chụp những bức ảnh ngẫu nhiên tất cả mọi thứ xung quanh chúng tôi - bãi cỏ, sân khấu, những chiếc ghế, những chiếc micro. Đứa em nhỏ thì chẳng có việc gì để làm nhưng trông có vẻ không thoải mái trong chiếc áo mới cổ đính cúc.
Mẹ tôi nghe bọn họ nói chuyện thì há hốc miệng ra. Tôi thì thào:
- Mẹ đứng dậy đi. Chúng ta hãy tự giới thiệu nào.
- Họ là người Madras hả? - mẹ tôi hỏi, trông rõ là sốc.
- Suỵt, người Tamil, - tôi nói.
- Người Tamil? - mẹ tôi nhắc lại y nguyên cho dù Ananya vẫn đang tiếp tục giới thiệu.
- Mẹ, đây là anh Krish, còn đây là mẹ anh ấy.
- Xin chào, - mẹ Ananya nói, trông cũng sửng sốt y như mẹ tôi.
- Điều này chẳng tuyệt vời sao? Hai gia đình chúng ta gặp nhau lần đầu tiên, - Ananya líu lo cho dù ai nấy đều tảng lờ cô.
- Bố của Krish không tới sao? - bố Ananya hỏi.
- Ông ấy không được khỏe, - mẹ tôi nói, giọng èo uột. - Ông ấy bị bệnh tim. Bác sĩ nói không nên đi lại.
Mẹ tôi bịa đến giỏi, đến tôi cũng cảm thấy cảm thương với bà.
Bố mẹ Ananya gật đầu thông cảm. Họ vừa thì thầm với nhau bằng tiếng Tamil vừa ngồi xuống chỗ của mình.
- Em phải lên trước đây, em đứng gần đầu danh sách. - Ananya khúc khích và chạy lên nhập vào hàng học viên.
Tôi ngồi kẹp giữa, mẹ tôi một bên và mẹ Ananya một bên.
- Mẹ có muốn ngồi cạnh mẹ Ananya không? - tôi hỏi mẹ tôi.
- Tại sao? Những người này là ai? - bà cau mày.
- Đừng lo mà, mẹ. Con hỏi vậy là bởi vì con sắp lên xếp hàng rồi.
- Thế thì đi đi. Mẹ đến để xem con, chứ không phải tới để ngồi cạnh người Madras. Giờ để mẹ xem nào, - bà nói.
Vị khách danh dự đã bắt đầu phát bằng. Những người dự khán đã dành những tràng pháo tay không ngừng cho những học viên lượt đầu. Rồi họ mệt và quay ra quạt bằng những quyển sách giới thiệu lễ tốt nghiệp.
- Mẹ làm quen với họ đi. Có thể chúng ta sẽ đi ăn trưa cùng nhau đấy, - tôi nói.
- Con đi ăn với họ đi. Mẹ ăn một mình cũng được, - mẹ tôi nói.
- Mẹ…
Tôi vừa mở miệng nói thì người dẫn chương trình đọc tên Ananya. Ananya bước lên sân khấu, có lẽ cô là học viên duy nhất đáng để chụp ảnh. Tôi đứng dậy vỗ tay. Mẹ nhìn tôi khó chịu.
- Ngồi xuống đi. Bố mẹ con bé còn không đứng dậy nữa là.
“Có lẽ họ không yêu cô ấy như con”, tôi muốn nói thế nhưng lại thôi. Tôi ngồi xuống. Bố mẹ Ananya vỗ tay khe khẽ, nghển cổ lên để nhìn cho rõ hơn. Mẹ Ananya nhìn tôi vẻ nghi hoặc. Tôi nhận ra rằng tôi chưa nói gì với bà. Bắt đầu nói chuyện đi, thằng ngốc, tôi nghĩ.
- Con gái cô quả là một ngôi sao. Cô hẳn rất tự hào, - tôi nói.
- Chúng tôi quen với chuyện đó rồi. Con bé luôn học tốt ở trường, - mẹ Ananya trả lời.
Tôi thử bắt chuyện với bố cô.
- Chú ở lại đây lâu không ạ?
Ông nhìn tôi từ trên xuống dưới, từ dưới lên trên như thể tôi vừa hỏi ông những mộng tưởng riêng tư tuyệt mật.
- Mai chúng tôi về. Sao thế? - ông hỏi.
Có một vài câu hỏi không có câu trả lời, có điều tôi chỉ đang muốn bắt chuyện thôi mà.
- Không có gì ạ, Ananya và cháu không biết cô chú có muốn đi tham quan thành phố không. Chúng ta có thể đi chung xe, - tôi nói.
Mẹ Ananya ngồi giữa chúng tôi và nghe ngóng từng lời. Bà nói với chồng mình bằng tiếng Tamil.
- Gì đó gì đó Gandhi Ashram gì đó giới thiệu gì đó. [Còn được gọi Sabarmati Ashram, một trong những nơi ở của Mohandas Karamchand Gandhi, lãnh tụ giải phóng Ấn Độ]
- Gandhi Ashram đẹp đấy ạ. Mẹ cháu cũng muốn tới đấy xem, - tôi nói.
- Gì cơ? - mẹ tôi hỏi vọng sang. - Con không phải lên sân khấu sao, Krish? sắp đến lượt con rồi đấy.
- Vâng, - tôi nói và đứng dậy.
Gandhi Ashram sẽ là khởi đầu tốt đẹp cho hai gia đình. Ông đã đứng lên đấu tranh cho hòa bình và thống nhất đất nước, điều đó có thể sẽ truyền cảm hứng cho tất cả chúng tôi.
- Thế thì đi đi, - mẹ tôi nói.
- Khoan đã, - tôi nói và cúi xuống chạm vào bàn chân bà.
- Ơn trời, con đã nhớ ra. Mẹ cứ nghĩ con sẽ sờ chân mẹ Ananya kia đấy, - bà nói.
Mẹ tôi nói đủ to để mẹ Ananya nghe thấy. Họ ném cho nhau những cái nhìn lạnh lùng đủ để dẫn tới một màn nã đạn AK47 vào nhau.
Chắc chắn phải cần tới một Mohandas Karamchand Gandhi mới có thể làm họ hòa thuận được với nhau.
- Kiềm chế nào mẹ, - tôi nói nhỏ với bà và quay lên để đi.
- Mẹ đang kiềm chế đây. Những người Nam Ấn này không biết cách kiểm soát con gái họ. Từ Hema Malini tới Sridevi, tất cả bọn chúng đều muốn kiếm đàn ông Punjab.
Mẹ tôi nói to tới nỗi cả hàng ghế đều nghe thấy. Thoáng chốc, sự chú ý của mọi người chuyển từ buổi lễ tốt nghiệp sang chúng tôi. Mẹ Ananya dùng khuỷu tay huých chồng. Họ đứng dậy, đẩy cậu em gầy nhẳng của Ananya vào giữa và tìm chỗ trống cách đó năm hàng ghế.
- Mẹ, mẹ đang làm gì thế? - Tôi cố giữ cân bằng chiếc mũ tốt nghiệp đội trên đầu.
“Kanyashree Banerjee”, người dẫn chương trình gọi vào micro và tôi nhận ra rằng mình đã rất trễ. Tôi đã lỡ buổi lễ tốt nghiệp lần trước vì ngủ quên. Tôi không muốn lần này cũng bị lỡ.
- Mẹ đã nói gì nào? Đó là sự thật, - mẹ tôi nói, nói với tôi nhưng là nhắm tới tất cả những người đang hướng về cuộc đàm thoại thu hút hơn bất cứ buổi phát bằng buồn chán nào của chúng tôi.
“Krish…”
Nghe thấy tên mình, tôi bèn chạy lên. Năm tên Mohit đang đợi gần sân khấu. Tôi vừa cười với bọn họ vừa leo các bậc thang lên sân khấu. Vị khách danh dự trao bằng cho tôi.
Mẹ tôi đứng dậy và vỗ tay. “Mẹ yêu con”, bà gào lên. Tôi mỉm cười lại với bà. Suốt mười năm qua bố tôi đã bảo với bà rằng con trai bà sẽ chẳng làm nên trò trống gì trong cuộc đời này. Tôi nâng cao tấm bằng của mình và nhìn lên trời để cảm ơn Thượng đế.
- Đi nào, để học viên tiếp theo còn lên chứ, - người dẫn chương trình nói khi thấy tôi cứ nhiệt thành cảm ơn đi cảm ơn lại vị khách danh dự.
Bước xuống các bậc thang, tôi nhìn thấy bố mẹ Ananya. Họ không vỗ tay mà cũng chả có mảy may phản ứng khi thấy tôi đứng trên sân khấu. Tôi quay về ghế của mình. Ananya đứng ở lối vào hàng ghế của chúng tôi, vẻ mặt thất thần.
- Em ở lại chụp vài bức ảnh cùng với các bạn. Bố mẹ em đâu?
- Năm hàng ghế phía sau, - tôi nói.
- Tại sao? Chuyện gì đã xảy ra vậy?
- Có gì đâu. Họ muốn tìm chỗ nhìn cho rõ hơn thôi, - tôi nói.
- Em đặt xe rồi. Sau đấy tất cả chúng ta sẽ cùng đi chứ?
- Em tới chỗ bố mẹ mình đi, Ananya, - tôi nói giọng cương quyết khi thấy mẹ đang nhìn mình chằm chặp.

11

- Bọn con đã trả tiền taxi rồi, - tôi nói. - Bởi vậy mẹ có thể vờ tỏ ra hòa hảo được không. Coi đây là một bài tập tiết kiệm kinh phí đi.
Mẹ tôi và tôi bước về phía bãi đỗ taxi bên ngoài trường. Bà có vẻ chẳng hề mong muốn tới viếng thăm nơi ông Gandhi từng sống. Sabarmati Ashram, ở ngoại ô thành phố, là một nơi rất thu hút khách du lịch. Ananya đã mua bữa trưa gói thành những gói nhỏ từ cửa hàng Topaz. Với cô, đây sẽ là khoảnh khắc rất Kodak để đi picnic gần sông Sabarmati. Tất nhiên, cô chưa có ý niệm gì về khoảnh khắc Kodak cô đã lỡ mất khi mẹ tôi đưa ra những lời nhận xét thâm sâu về một vài cô diễn viên Nam Ấn.
- Chúng tôi đặt xe Qualis cơ mà, - tôi nói với người tài xế đang đứng cạnh một chiếc Indica. Ananya và gia đình cô đã đứng ở chỗ đợi taxi. Trông mẹ cô như thể vừa hoàn thành một màn càu nhàu, có lẽ đó là vẻ mặt vốn có của bà.
- Chiếc Qualis đó phải đi phục vụ bầu cử rồi. Chúng tôi chỉ còn chiếc này. - Người tài xế taxi vò điếu thuốc trong lòng bàn tay.
- Làm sao chúng tôi ngồi đủ được? - tôi băn khoăn.
- Chúng tôi chở gấp đôi cũng được mà, vào đi, - người tài xế nói.
- Chúng ta đi xe tuk tuk vậy, - tôi nói.
- Mẹ không đi xe tuk tuk đâu, - mẹ tôi nói trong khi luồn vào hàng ghế sau.
- Anh có thể ngồi lên trên này và để cô đây ngồi vào lòng anh, - người tài xế chỉ vào Ananya và nói với tôi. Mẹ Ananya trừng mắt nhìn anh ta một cái đủ để anh ta câm nín luôn tới cuối ngày.
- Mẹ, mẹ đi xe tuk tuk được chứ? - Ananya hỏi.
- Sao phải thế? Chúng ta cũng trả tiền xe mà, - bà đáp. - Gì đó không gì đó không gì đó!
- Trời ơi là trời, mẹ ơi là mẹ, - Ananya nói.
Cuối cùng chúng tôi cũng bố trí được. Bố Ananya ngồi ghế trước, Ananya ngồi trong lòng ông. Mẹ Ananya ngồi phía sau, đứa con trai ngồi trong lòng bà. Mẹ tôi thì đã chiếm ghế cạnh cửa sau người tài xế. Tôi len mình vào giữa hai bà.
Sabarmati Ashram cách trường tám cây số. Hai mươi phút đi xe mà cảm tưởng như một giờ, tại vì yên lặng quá. Ananya cố gắng nói chuyện với bố mẹ cô. Họ vờ như không nghe thấy và thò đầu ra khỏi cửa kính. Mẹ tôi lấy ra một gói bánh quy Nice và bắt đầu ăn mà chẳng thèm mời ai. Rồi bà cầm một cái nhét vào miệng tôi, như để khẳng định quyền làm mẹ. Tất nhiên, tôi không thể từ chối.
* * *
- Sao mọi người lại yên lặng thế? - Ananya nói với tôi khi chúng tôi tới quầy bán vé ở Ashram.
- Mẹ anh đã bình phẩm linh tinh ở lễ tốt nghiệp, - tôi nói, hy vọng Ananya sẽ không hỏi thêm chi tiết.
- Bà đã nói gì? - Ananya nói trong khi rút ra đủ tiền trả sáu vé.
- Chẳng có gì quan trọng cả. Nhưng sau đó bố mẹ em đã bỏ đi.
- Chính xác mẹ anh đã nói gì? - Ananya kiên quyết.
- À, điều gì đó về những cô gái Nam Ấn buông thả hay sao đó. Chẳng có gì to tát đâu.
- Gì cơ? - Ananya sửng sốt nhìn tôi.
- Anh có nói đâu. Mẹ anh nói. Bình phẩm linh tinh ấy mà, bỏ đi.
- Em chẳng biết nói gì nữa, - Ananya nói.
- Không có gì đâu. Giờ hãy làm sao để mọi người nói chuyện lại với nhau, - tôi nói khi chúng tôi bước tới cổng chính.
Chúng tôi bước vào trong Ashram. Gandhi đã sống ở đây từ năm 1915 tới 1930. Cuộc diễu hành chống thuế muối nổi tiếng đã bắt đầu từ Ashram này. Ananya chọn một hướng dẫn viên, chẳng vì lý do gì khác ngoài để mọi người bước đi cùng nhau. Chúng tôi đi qua khu triển lãm - với rất nhiều tranh, ảnh, những bức thư và những bài báo của Gandhi.
- Và khi Gandhi rời đi năm 1930 vì cuộc diễu hành chống thuế muối Dandi, Người đã thề không bao giờ quay trở về Ashram cho tới khi Ấn Độ giành được độc lập, - hướng dẫn viên nói bằng giọng bài bản. - Và Người đã không quay trở về từ ngày đó.
- Vậy ông có quay lại sau khi Ấn Độ đã được tự do không? - mẹ Ananya muốn biết.
- Ôi, - hướng dẫn viên thở dài, - Người đã không thể. Người đã bị bắn chết sáu tháng sau khi đất nước giành được độc lập.
Mẹ tôi, không chịu lép vế trong việc đặt câu hỏi, quay sang phía hướng dẫn viên.
- Tại sao lại gọi là cuộc diễu hành Dandi? Bởi vì ông ấy cầm gậy à? [Dandi là tên địa danh, nhưng trong tiếng Sanskrit/Hindi cũng có nghĩa là gậy]
Hướng dẫn viên cười. Cũng giống như phong cách của anh ta, điệu cười của anh ta cũng rất kịch.
- Chúng ta hiểu biết mới ít ỏi làm sao về con người vĩ đại nhất Ấn Độ. Không đâu bà, Dandi là địa danh, cách đây năm trăm cây số.
Anh hướng dẫn viên đưa chúng tôi tới trước một tấm bản đồ và chỉ vào một thành phố ven biển. Mẹ Ananya quay về phía bố cô và nói bằng tiếng Tamil.
- Gì đó không gì đó kiến thức người Punjab gì đó.
- Ôi trời, ôi trời, - bố Ananya đang chú tâm vào tấm bản đồ, nói nhanh cho qua.
Mẹ Ananya tiếp tục.
- Trí thông minh bằng số không, vô văn hóa. Gì đó gì đó đần độn vô giáo dục gì đó.
Tôi không biết liệu mẹ Ananya có nhận ra rằng bà đã sử dụng một vài từ tiếng Anh hay không, hay có lẽ bà đã cố tình chèn chúng vào đó. Bà đã tung đòn trả đũa. Mẹ tôi nghe bà nói liền nhìn tôi. Anh hướng dẫn viên có vẻ lo lắng vì khoản tiền boa của anh ta đang gặp nguy.
- Các vị thấy đó, Gandhi rất tin tưởng rằng tất cả người Ấn Độ sẽ đoàn kết. Giờ chúng ta sẽ đi xem những di vật cá nhân của Gandhi. Mời theo lối này, - anh hướng dẫn viên nói, đánh tan những cái liếc lạnh như băng vùng cực giữa hai bà mẹ.
* * *
Chúng tôi ngồi ăn trưa dưới tán cây trong khuôn viên Ashram, trông như đoàn tử tù chờ lên đoạn đầu đài. Mọi người đang lặng lẽ ăn thì Ananya thông báo.
- Bọn con thích nhau.
Mọi người nhìn nhau bối rối. Hầu hết mọi người trong nhóm này đều chẳng thích gì nhau.
- Krish và con, bọn con thích nhau, - Ananya mỉm cười.
- Mẹ bảo con rồi mà. Mẹ đã nhận thấy có gì đó ám muội… - Mẹ tôi xé chiếc bánh mì.
- Chẳng có gì mờ ám cả. Chẳng có gì phải lo đâu bác. Chúng con chỉ muốn chia sẻ hạnh phúc của mình. Chúng con chỉ là hai người đang yêu thôi.
Ananya đang nói thì mẹ cô xen vào.
- Im ngay, Ananya!
Mẹ Ananya trừng trừng nhìn cô. Tôi tự hỏi không biết liệu bà có tát cô không. Và tôi tự hỏi liệu Ananya có bỏ qua cái tát đó hay không, xét đến việc chúng tôi đang ở trong ashram của Gandhi.
- Đây chính là điều mẹ đã nói về lũ con gái Nam Ấn. Chỉ riêng ở Delhi đã có nhiều trường hợp lắm rồi, - mẹ tôi nói, ngứa ngáy muốn chiến đấu tiếp với mẹ Ananya.
- Mẹ, bình tĩnh đi, - tôi nói.
- Mẹ đã nói gì? Mẹ đã nói gì sao? - mẹ tôi hỏi.
- Đứng dậy đi, - mẹ Ananya nói với chồng mình.
Giống như ti vi tuân theo chiếc điều khiển, ông đứng dậy. Em trai Ananya đứng dậy theo.
- Chúng ta sẽ đi xe tuk tuk về, - mẹ Ananya nói.
Ananya ngồi dưới tán cây, bối rối.
- Giờ con định ở lại với bọn họ hay sao? - mẹ Ananya hỏi.
- Thôi nào, mẹ! - Giọng Ananya như sắp khóc.
Mẹ Ananya xốc cô dậy lôi đi. Anh hướng dẫn viên nhìn thấy họ rời đi thì trông có vẻ bối rối. Tôi trả tiền cho anh ta và quay trở lại với mẹ tôi. Bà đã ăn xong những thìa cuối cùng món gà rán nấu trong hỗn hợp gia vị của Topaz dưới tán cây.
- Họ đi rồi, - tôi nói.
- Tốt. Xe sẽ rộng rãi hơn, - bà nói.
-----------
Còn tiếp.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét