Thứ Hai, 16 tháng 4, 2018

Hồ Sơ ODESSA - Chương 1

Hồ Sơ ODESSA

Tác giả: Frederick Forsyth
Người dịch : Cung Khắc Dũng
Nhà xuất bản Trẻ - Năm xuất bản: 1974

Lời nói đầu

       ODESSA không phải là tên của một cảng tại miền Nam Liên Bang Sô Viết, hoặc một thành phố nhỏ nào dó tại tiểu bang Texas, Hoa Kỷ, mà là một danh từ riêng gồm sáu mẫu tự thoát thai từ sáu tiếng Đức Organisation Der Ehemaligen SS-Angehorigen, tạm dịch là “Tổ chức cùa những cựu thành viên SS”.
        Như phần đông độc giả được biết, tồ chức SS là một quân đội trong một quân đội, một quốc gia trong một quốc gia, do Adolf Hitler thành lập và đặt dưới quyền giám sát của Heinrich Himmler. Tồ chức SS được giao phó nhiều nhiệm vụ đặc biệt trong thời gian đảng Quốc Xã cai trị nước Đức, từ năm 1933 đến năm 1945. Những nhiệm vụ này liên hệ đến an ninh chung của Đức Quốc Xã; thật vậy, tổ chức SS phải thực thi tham vọng của Hitler, loại bỏ khỏi Đức quốc và Lục địa Âu châu mọi thành phần mà Hitler xét “Khônq đáng sống” cũng như “xiềng xích những giống bán nhân”, và tiêu diệt loài Do Thái, không kể đàn ông, đàn bà hay trẻ nít.
        Để thi hành những nhiệm vụ đặc biệt này, SS đã tổ chức và hành quyết khoảng mười bốn triệu người, gồm có gần sáu triệu dân Do Thái, năm triệu dân Nga Sô, hai triệu dân Ba Lan, và khoảng nửa triệu người thuộc đủ mọi sắc dân khác, gồm có gần hai trăm ngàn người không phải là Do Thái, Đức hay Áo. Số người bất hạnh nầy, vì cơ thể yếu, mắc bệnh thần kinh, hoặc những người được quan niệm là “Kẻ thù của chế độ”, như những thành phần Dân Xã, Tự do, hoặc những nhà báo, nhà văn, tu sĩ thường bộc lộ và phát biểu ý kiến ngược lại chánh sách vô nhân dạo của bọn Quốc Xã, và sau này những Sĩ Quan Lục Ọuân bị kết tội bất trung với nguyên thủ Hitler. Trước khi bị tiêu diệt, tổ chức SCHUTZ- STAFFELf1 được gọi tắt là SS và tượng trưng bởi hai hình sét song song, đã thành công trong việc làm cho tên gọi của nó đúng nghĩa với sự vô nhân dạo tột cùng, mà không một tổ chức nào từ trước đến nay sánh bằng.

[SCHUTZ STAFFER tức giai cấp phòng vệ, là lực lượng cảnh sát quân sự hóa của Đức Quốc Xã. Thành lập năm 1925 để đặc trách an ninh cho Hitler, nhưng sau này được giao phó canh giữ những trại tập trung và giám sát những lãnh thổ chiếm đoạt được]
.
        Khi thế chiến thứ hai đến hồi tàn, những thành viên SS cao cầp nhất đoán biết trước sau gì Đức Quốc cũng sẽ bại trận, và chúng hy vọng sau này sẽ không có ai nhận diện ra chúng; chúng tìm phương tiện để biến khỏi nước Đức và tạo lập đời sống mới tại hải ngoại, bỏ lại quê hương cho dân chúng Đức gánh chịu sự nguyền rủa của toàn thể thế giới. Trong âm mưu này, hàng tấn vàng được chuyển ra ngoài, gửi vô những trương mục mang ám số bí mật, lý lịch ngụy tạo được chuẩn bị sẵn, và đường dây đào tẩu được triệt để khai thác. Khi Quân đội Đồng Minh chiếm Đức Quốc, tập thể sát nhân chiến tranh SS đã trốn thoát gần hết.
        ODESSA là tổ chức có nhiệm vụ chuẩn bị và thực hiện cuộc đào tẩu cho bọn nầy. Khi đã hoàn tất mỹ mãn công tác nầy, ODESSA lại nuôi tham vọng lớn lao hơn. Một phần lớn thành viên SS không rời khỏi Đức Quốc mà chọn cuộc sống trong bóng tối trong thời gian Quân đội Đông Minh còn chiếm đóng nước Đức; một số khác sau khi đã bôn ba hải ngoại, có được lý lịch và giấy tờ tùy thân hoàn toàn mới, ra mặt trở về, trong khi những thành viên nòng cốt ở lại ngoại quốc để điều khiển tổ chức.
        ODESSA đề ra năm mục tiêu hoạt động: Phục hồi những cựu nhân viên SS vào đúng chuyên nghiệp trong Chánh Phủ Liên Bang dược Quân đội Đồng Minh thành lập vào năm 1949; Xâm nhập các cơ sở đảng phái chánh trị; tìm mọi cách gỡ tội cho bất cứ tên sát nhân SS nào không may bị lôi ra Tòa, và bằng mọi cách làm lệch cán cân công lý tại Tây Đức khi một cựu Kamerad (đồng chí) gặp chuyện rắc rối; gài cựu nhân viên SS vô những cơ sở thương mại và kỹ nghệ sao cho hợp thời và hợp lúc để kịp khai thác triệt để “Phép lạ kinh tế”, tái tạo Đức Quốc từ năm 1945; sau hết, tuyên truyền cho dân chúng biết rằng bọn sát nhãn SS chỉ là những chiên sĩ ái quốc như trăm ngàn chiến sĩ khác, thi hành nghĩa vụ công dân đối với Tổ quốc, và không đáng nhận lãnh lời nguyền rủa của dư luận và công chúng!
        Được yểm trợ mạnh mẽ về tài chánh, ODESSA đã thành công trong nhiệm vụ thực thi năm mục tiêu đề ra. Thay đổi danh xưng nhiều lần, ODESSA còn tự phủ nhận sự hiện hữu như một thực thể hùng mạnh: sự kiện này làm cho phần đông dân chúng Tây Đức tưởng thật. Nhưng không. ODESSA là tổ chức có thật, đang hiện hữu và bành trướng trên thế giới. Hệ thống quân giai của tập thể “Kameraden” vẫn được áp dụng chặt chẽ.
        Dù đã khá thành công trong tất cả năm mục tiêu đã được đề ra, nhưng đôi khi ODESSA cũng gặp phải một vài thất bại, mà điển hình nhất là biến cố xảy ra vào đầu mùa Xuân năm 1964, khi một kẻ vô danh gởi một bưu kiện đến Bộ Tư Pháp Tây Đức tại Bonn. Đối với một số giới chức có quyền hiểu biết rộng rãi, món quà quý giá của kẻ vô danh gởi tặng trở thành một yếu tố trọng yếu trong toàn bộ HỒ SƠ ODESSA.

Lời Nhà Xuất Bản

        Như trong cuốn tiểu thuyết đầu tiên của Frederick Forsyth, nhiều nhân vật trong “Hồ sơ ODESSA” là những người có thật trên đời mà chúng tôi biết chắc thể nào độc giả cũng nhận biết ra ngay một số. Một vài nhân vật khác sẽ làm cho độc giả thắc mắc, tự hỏi không biết họ có thật hay chỉ là sản phẩm tưởng tượng của Tác Giả. Chúng tôi không muốn soi sáng vấn đề thêm nữa, vì theo thiển kiến của chúng tôi, gút mắc của “Hồ sơ ODESSA” ở chỗ làm cho độc giả phải tự tìm hiểu và dự đoán tầm mức xác thực của câu chuyện.
        Tuy nhiên, chúng tôi có bổn phận phải xác nhận với độc giả rằng quá trình hoạt động của cựu Đại úy Eduard Roschmann, thuộc tổ chức SS, Chỉ Huy Trưởng Trại Tập Trung Riga từ năm 1941 đến năm 1944, từ lúc chào đời vào năm 1908 tại Graz, Áo quốc, cho đến ngày phải tự ý lưu đày tại Nam Mỹ, hoàn toàn xác thực và đã được chúng tôi phối kiểm với Văn Khố của Tổ Chức SS và với hồ sơ lưu của Nhà Cầm Quyền Tây Đức.

New York   

Chương 1

        Tel Aviv. Mặt trời bắt đầu ló dạng khi phân tích viên tình báo hoàn tất bản báo cáo. Hắn duỗi vai cho bớt mỏi, châm điêu thuốc, và đọc lại đoạn chót của bản báo cáo. Ngay lúc đó, người được đề cập đến trong bản báo cáo đang đứng cầu nguyện tại một nơi cách Tel Aviv năm mươi dặm về phía Đông trong khu Yad Vashem; nhưng phân tích viên tình báo không biết được điểu này. Hắn cũng không biết nguồn gốc của những tin tức đến tay hắn. Hắn không cần biết vì nhiệm vụ của hắn không phải là dự đoán những điều trên mà là đảm bảo được tầm mức xác thực và giá trị khi phân tách nội dung của những tin tức;
Nhiều dữ kiện khác phù hợp với lời khai của đương sự liên quan đến địa điểm của cơ xưởng. Nếu áp dụng phương pháp thích nghi, chắc chắn Chính Phủ Tây Đức sẽ ra lệnh dẹp bỏ cơ xưởng này.

        Đề nghị: Chuyển báo những dữ kiện cụ thể nhất đến tay nhà cầm quyền nêu trên. Hành động này sẽ tạo ấn tượng tốt đối với giới lãnh đạo Bonn và sẽ đảm bảo sự liên tục trong việc thực thi Thương Uớc Waldorf.

        Ý kiến: Rất có thể Dự Án Vulkan đang được xếp. Do đó các hỏa tiễn Ai Cập sẽ không bao giờ rời khỏi dàn phóng.

        Nhận định: Nếu chiến tranh bùng nổ giữa Do Thái và Ai Cập (khó tránh khỏi) thì đó sẽ là một cuộc chiến của những vũ khí quy ước, thắng bởi vũ khí quy ước, tức Do Thái.

Phân tích viên tình báo đặt bút ký tên dưới hàng ngày tháng: 23 tháng 2 năm 1964 Một bưu tín viên sẽ khẩn mang báo cáo này vô phủ Thủ Tướng.
Hình như ai cũng nhớ rõ mình đang làm gì vào ngày 22 tháng 11 năm 1963 ngay sau khi được hung tin Tổng Thống Kennedy qua đời. Tổng Thống Kennedy bị bắn lúc mười hai giờ ba mươi trưa, giờ Dallas, và bản tin đầu tiên truyền đi tin Tồng Thống bị ám sát chết được loan báo lúc mười ba giờ ba mươi, cũng theo giờ Dallas. Lúc đó là mười bốn giờ ba mươi tại New York, mười chín giờ ba mươi tại London, và hai mươi giờ ba mươi tại Hamburg. Sau khi thăm bà mẹ già tại nhà trong khu Osdorf, ngoại ô Hamburg, Peter Miller lái xe quay về trung tâm thành phố. Peter thường đến thăm mẹ vào tối thứ sáu, một phần để xem mẹ có cần điều gì không, và hơn thế nữa, vì cảm thấy có bổn phận phải đến thăm mẹ, ít nhất mỗi tuần một lần. Nếu bà mẹ có điện thoại, Peter sẽ dùng điện thoại để thăm hỏi. Nhưng bà nhất quyết không chịu gắn điện thoại, cốt ý để Miller lái xe đến thăm.
Như thường lệ Peter mở máy thu thanh trên xe. Vào lúc hai mươi giờ ba mươi, khi chiếc Jaguar đang ngon trớn lăn bánh trên đại lộ Osdorf, và Miller đang thưởng thức chương trình nhạc do đài Northwest German phụ trách, tiếng nhạc bỗng im bặt, nhường cho giọng nói khàn khàn và trịnh trọng của xướng ngôn viên.

        “Chú ý! Chú ý! Đây là bản tin quan trọng. Tổng Thống Kennedy vừa qua đời. Tôi xin lập lại, Tổng Thống Kennedy vừa qua đời”.

Chân Miller tự động rà lên thắng và đôi tay dán chặt trên tay lái, lách chiếc Jaguar cặp sát lề phải. Chương trình nhạc êm dịu được thay thế một cách đột ngột bằng bản Tang hành khúc ngắt khoảng bởi những mẩu tin vụn vặt bổ túc thêm tin Tổng thống trẻ tuổi của Hoa Kỳ vừa qua đời. Đoàn xe mui trần lượn qua đường phố Dallas. Tay súng sát nhân núp sẵn bên cửa sổ của Thư Viện. Không nghe nhắc đến việc bắt giữ ai cả.
Tài xế của chiếc xe đậu trước Miller bước xuống xe và đi về phía chàng. Hắn đến phía cửa bên trái, giật mình vì chỗ ngồi của tài xế bên phải, đi vòng lui lại quanh chiếc Jaguar. Miller quay cửa kiếng xuống.
- Ông bạn có nghe không? - hắn hỏi, cúi gập người xuống.
- Có! - Miller đáp.
- Thật ngoài sức tưởng tượng. - hắn nói tiếp. - Chắc bọn Cộng sản lại nhúng tay vô nữa chớ gì?
- Tôi không biết.
- Nếu quả thật chính bọn chúng xía vô vụ này, thì chắc chắn không tránh khỏi một cuộc đại chiến thử ba!
- Có thể lắm. - Miller trả lời. Chàng mong sao cho tên này đi khuất mắt mình cho rồi. Là một phóng viên báo chí, Miller thừa sức tưởng tượng cơn khủng hoảng đang tạt qua những tòa soạn trong nước: nào là triệu hồi toàn thể nhân viên trong ban biên tập trở lại tòa soạn để kịp cho ra số báo đặc biệt phát hành vào sáng ngày hôm sau, nào là soạn thảo tiểu sử, nào lục lọi moi tìm hàng ngàn câu nói lịch sử của vị Tổng Thống quá cố, và tất cả những nỗ lực này chỉ để khai thác một người với chiềc sọ vỡ toang, chết tại một thành phố tại Tiểu bang Texas.
Miller ước muốn có mặt tại tòa soạn nhật báo ngay lập tức, nhưng ba năm trước, vì muốn tạo cho sự nghiệp mình một hướng đi khác biệt, chàng đã trở thành một phóng viên độc lập, chuyên điều tra những vụ án mạng và “thế giới đen”. Má chàng không mấy thích công việc của đứa con trai độc nhất, vì Miller phải giao thiệp với những “kẻ xấu xa”, và dù chàng có biện minh cách nào đi nữa, bà cũng không bao giờ thay đổi lập trường.
Trong lúc những bản tin liên quan đến cái chết của Kennedy dồn dập truyền đi qua hệ thống truyền thanh, trí óc của Miller chạy đua với thời gian, cố tìm cho được một “góc cạnh” khác có thể khai thác được để làm một phóng sự liên quan đến biến cố quan trọng này. Chắc chắn các ban biên tập sẽ khai thác phản ứng của Chánh phủ Bonn, và kỷ niệm cuộc công du chính thức của Tổng Thống Kennedy qua Berlin thế nào cũng sẽ được nhắc nhở đến.
Miller ngã người ra ghế, châm điếu thuốc Roth Handl, một loại thuốc lá nâu, không đầu lọc, có hương vị khét. Thêm một điều má chàng không thấy hài lòng.
Thử nghĩ trên đời này chuyện gì sẽ xảy ra nếu... Hoặc nếu không? Thường thì là một việc làm vô ích, không đi đến đâu, nhưng thử tưởng tượng nếu đêm đó Miller không mở máy thu thanh, chàng sẽ không cho xe dừng lại bên lề đường trong hơn nửa giờ, chàng sẽ không thấy chiếc xe cứu thương, hoặc sẽ không bao giờ nghe nói đến Salomon Tauber hay Eduard Roschmann, và bốn mươi tháng sau, có thể Cộng Hòa Israel sẽ không còn hiện hữu nữa trên quả đất này.
Miller hút hết điểu thuốc, quay cửa kiếng xuống, búng mẫu thuốc tàn ra ngoài. Chỉ cần ấn một chiếc núm là bộ máy 3.8L đặt dưới ca pô dài thườn thượt của chiếc Jaguar XK 150S rống lên trong một thoáng rồi trở lại nhịp điệu bình thường như một con thú dữ muốn xổ lồng. Miller bật hai đèn pha, liếc nhìn vô kiếng chiếu hậu, cho xe vọt nhanh chen lấn trong chiều lưu thông rộn rịp của đại lộ Osdorf.
Khi đến ngã tư Stresemannstrasse, đèn lưu thông bật đỏ. Tiếng còi hụ của một xe cứu thương rú lên sau lưng vượt qua mặt Miller, rẽ qua phải trực chỉ Daimlerstrasse. Chàng phản ứng thật nhanh, phóng chiếc Jaguar theo sau. Có thể không có gì hết, nhưng ai biết? Xe cứu thương đồng nghĩa với rắc rối, có nghĩa là Miller sẽ có đề tài nóng bỏng để khai thác, nhất là khi chàng là người đầu tiên có mặt tại chỗ. Có thể đó chỉ là một tai nạn lưu thông rùng rợn trên xa lộ, hoặc một đám cháy lớn với hàng chục trẻ em kẹt trong đó. Bất cứ chuyện gì cũng có thể xảy đến. Miller luôn luôn cất trong xe một chiếc máy ảnh Yashica nhỏ gọn với bộ phận đèn, sẵn sàng đi thu nhặt chứng tích, vì không ai có thể dự đoán những gì sẽ xảy ra trước mắt mình.
Miller biết một anh chàng đứng đợi đào vào ngày 6 tháng 2 năm 1956 tại phi trường Munich, và chứng kiến cảnh chiếc phi cơ chở đội danh cầu Manchester United nổ tung cách chỗ anh ta đứng độ vài trăm thước. Anh chàng này không phải là một nhiếp ảnh gia nhà nghề, nhưng nhờ sẵn mang theo máy chụp hình để tặng cho cô đào vài kiểu, đã vô tình bấm được những bức hình độc đáo nhất của tai nạn phi cơ thảm khốc này. Các tạp chí và nhật báo trong và ngoài nước đã thi nhau bỏ những món tiền khổng lồ để mua cho bằng được cuộn phim của anh ta.
Chiếc xe cứu thương len lỏi vô những khúc đường chật hẹp của khu Altona, chạy về phía bờ sông. Tài xế chắc phái già tay lái lắm, vì mặc dù hệ thống ống nhún rất cứng rắn và sức vọt của chiếc Jaguar rất dũng mãnh, Miller vẫn phải khó nhọc lắm mới giữ được hai bánh xe sau khỏi trượt trên con đường đá trơn ướt. Chạy quanh co một lúc, chiếc xe cứu thương dừng lại trước một dãy phố tồi tàn, đổ nát. Một viên cảnh sát đang đứng trước đó, cố gắng đuổi đám người hiếu kỳ càng lúc càng đông tụ tập quanh xe cứu thương. Tài xế và y tá nhảy phóc xuống, đi vòng ra sau kéo chiếc băng ca ra. Sau một đôi lời với viên cảnh sát, cả hai hối hả chạy thẳng vô dãy phố, leo lên lầu. Miller cho xe đậu tại một khúc quanh gần đó. Chàng đảo mắt nhìn quanh quất. Không có dấu hiệu nào cho thấy tai nạn này là một đám cháy có trẻ nít mắc kẹt trong đó. Có lẽ là một người đang lên cơn đau tim. Chàng bước xuống xe, lững thững bước về phía đám đông mà viên cảnh sát đang cố sức dồn lui về phía sau.
- Xếp ơi! Cho tôi lên trên kia xem một chút! - Miller nói lớn cho viên cảnh sát nghe.
- Còn lâu! Không có chuyện gì liên quan đến ông bạn hết! - Viên cảnh sát đáp.
- Nhà báo mà! - Miller nói, chìa tầm thẻ phóng viên ra.
- Còn tôi đây là cảnh sát, - Viên trung sĩ Cảnh Sát nói vặn lại. - Không ai được phép lên trên kia hết vì cầu thang chật hẹp, vả lại mấy tay cứu thương cũng sắp trở xuống, mặc sức mà xem.
Vóc dáng của viên trung sĩ cảnh sát thật to lớn; hắn cao gần một thước chín, và nhìn từ xa hẳn trông như một tay đô vật trong chiếc áo mưa rộng phùng phình, và đôi tay dang ra như tay vượn dề cản đám đông không cho tràn vô dãy phố.
- Chuyện gì vậy xếp? - Miller thắc mắc hỏi.
- Nói không được. Muốn biết thì lát nữa lại Ty mà hỏi.
Một người đàn ông bận thường phục bước xuống cầu thang và xuất hiện trên lề đường. Chiếc đèn đỏ gắn trên mui xe Volkswagen của Cảnh sát quét ngang mặt người này, và Miller nhận ra hắn ngay. Hắn cùng Miller theo học trường Hamburg Central High. Giờ đây hắn trở thành Thanh Tra Cảnh Sát tại Hamburg, đặc trách khu vực Altona.
- Karl!
Viên thanh tra cảnh sát quay ngưòi lại khi nghe gọi tên mình. Hắn quan sát từng mặt một trong đám đông chen chân sau lưng viên trung sĩ. Hắn nhận ra Miller, vẫy tay chào. Gương mặt hắn nhăn nhó, có vẻ mệt mỏi. Hẳn gật đầu về phía viên trung sĩ ra hiệu cho phép Miller đến gần hẳn.
- Thôi được, Trung Sĩ. Cho hắn vô, coi vậy chớ hắn vô hại!
Viên trung sĩ cảnh sát hạ cánh tay xuống và Miller lách mình qua.
Chàng bắt tay Karl Brandl.
- Gió nào đưa bạn tời đây?
- Tôi theo sau xe cứu thương.
- Mấy thẳng nhà báo như, nhau hết. Hễ thấy chuyện gì lạ một chút là theo sát ngay như bầy kên kên. Sao dạo này làm ăn phát đạt không?
- Thưòng thôi! Phóng viên tự do, khỏe làm mệt nghỉ, không bị ai ràng buộc.
- Xem bạn phát tài và phát tướng quá. Cầm tờ tạp chí nào lên cùng thấy tên Peter Miller.
- Có gì đâu! Viết lách bậy bạ kiếm cơm vậy thôi! Nghe vụ Kennedy chưa?
- Rồi! Kinh thật. Bọn cớm Mỹ chắc đang càn quét Dallas. Rất may không xảy ra trong khu vực của tôi.
Miller liếc nhìn về phía hành lang u tối của dãy phố được dùng làm nhà trọ. Một ngọn đèn chiếu sáng hai vách tường loang lổ, một cách yếu ót.
- Tự tử bằng hơi đốt. Hàng xóm đánh mùi và gọi chúng tôi đến. May mà không có có ai bật diêm hay đốt lửa. Nếu không thì cả khu này đều bị bà hỏa nuốt hết!
- Tài tử xi nê tự từ hả? - Miller hỏi.
- Dĩ nhiên. Họ luôn luôn chọn những ổ chuột như thế này để xây nhà cất phố. Đùa vừa thôi! Chỉ là một cụ già thôi. Trông cụ ta như đã chết cách đây vài chục năm rồi.
- Dù giờ này cụ ta có ở đâu đi nữa, thì chắc chắn cũng khá hơn chỗ này!
Brandt cười thật chua chát. Hai nhân viên cứu thương thận trọng bước xuống từng nấc thang một, khiêng cái xác không hồn tiến ra đường.
Brandt ra lệnh cho đám đòng:
- Tránh chỗ cho họ đi!
Viên Trung sĩ cảnh sát lập lại câu trên và xô đẩy đám đông lùi về phía sau. Hai nhân viên cửu thương đều bước tiến về chiếc xe Mercedes. Brandt đi theo sau với Miller nối gót sau lưng. Không phải Miller chủ ý muốn nhln khuôn mặt người chết, mà chàng chỉ muốn đi theo Brandt thôi.
Khi hai nhân viên cứu thương đến sát cửa xe đang mở, người đi trước lùi người bước lên xe, hai tay nắm chặt lấy cáng kéo lui về phía trong xe để đặt lên giá. Brandt lên tiếng: “Khoan!”, và tiến sát đến gần chiếc cáng, kéo một góc chăn che mặt kẻ quá cố qua một bên.
- Chỉ là thủ tục thôi. Tôi phải báo cáo rõ ràng với thượng cấp là tôi đã đi theo xác chết đến tận xe cứu thương và về nhà xác.
Đèn bên trong xe cứu thương đủ sáng để Miller thoáng nhìn thầy gương mặt của cụ già mới qua đời. Ấn tượng đầu tiên và duy nhất của Miller là chưa bao giờ trong đời phóng viên, chàng có dịp thấy một ngưòi nào xấu xí hơn cụ già này. Dù cho “nhan sắc” có bị ảnh hưởng của hơi đốt đi nữa, cụ này lúc sinh tiền chắc không thuộc “típ” đẹp trai. Khuôn mặt gầy đét, hai tròng mắt sâu húp, cặp má móm xọm, và một vài cụm tóc trên đầu làm cho Miller tưởng tượng đến những chiếc sọ người thu nhỏ của các bộ lạc man rợ Amazon. Để tăng thêm vẻ xấu xí, khuôn mặt của lão còn có thêm hai chiếc sẹo dài chạy từ màng tang xuống khóe miệng.
Quan sát xác chết trong giây phút, Brandt kéo chăn lại và gật đầu ra hiệu cho nhân viên cứu thương đứng sau lưng. Brandt lách người qua một bên cho nhân viên đẩy cáng vô xe. Hắn đóng cửa lại và đi vòng ra phía trước. Chiếc xe rú ga vọt mạnh, nhấn còi inh ỏi. Đám đông giải tán dần theo giọng nói càu nhàu của viên trung sĩ:
- Hễt có gì coi rồi. Ai về nhà nầy! Bộ vô gia cư hết cả lũ sao!
Miller nhìn Brandt lắc đầu:
- Tội thật!
- Phải Nhưng bạn còn đáng thương hơn lão ta nữa, vì không có gì để bạn khai thác cho mấy tờ lá cải của bạn!
Miller thất vọng ra mặt.
- Đúng, không có đề tài nào hết. Như bạn đã từng nói, đêm nào lại không có người chết và có ai đếm xỉa đến, nhất là đêm nay, đêm của Kennedy.
Brandt cười khoái chí.
- Bọn phóng viên đểu giả cả một lũ.
- Đểu giả sao! Dân chúng tò mò, muốn biết về cái chết của Kennedy, bọn tôi viết, họ mua báo đọc. Thế thôi.
- Thôi, thôi! Không cãi lý với bạn đâu. Tôi phải về Ty, chào bạn!
Hai người bạn học bắt tay nhau rối đường ai nầy đi. Miller quay xe lại chọn con đường chính đi về trung tâm thành phố. Hai mươi phút sau chàng cho xe vô ga-ra gần công trường Hansa, cách phòng trọ hơn một trăm thước.
Mùa Đông mà gởi xe vô ga-ra ngầm dưới đất thật là tốn kém, nhưng đối với Miller đó là một số ít tiền hoang phí mà chàng chấp nhận, Chàng rất thích căn phòng mướn đắt giá vì nó nằm tít trên tầng chót cao ốc, và vị thế cao ráo cho phép chàng thưởng ngoạn sự nhộn nhịp của Đại lộ Steindamm dưới chân mình. Chàng không mấy quan tâm đến vấn đề ăn diện. Hai mươi chín tuổi, cao một thước tám, tóc quăn màu nâu, cặp mắt hạt dẻ thật lẳng, đủ làm cho mấy bà xồn xồn và mấy cô mới lớn mê mệt, do đó quần áo cũng bằng thừa.
Những đam mê của Miller là xe thể thao, săn tin và Sigrid. Đôi khi tự vấn lòng mình, chàng cảm thấy xấu hổ. Vì nếu phải chọn lựa giữa Sigrid và chiếc Jaguar, tin chắc chắn Sigrid sẽ phải đi tìm tình yêu nơi những người đàn ông khác. Miller đứng ngắm chiếc Jaguar không chán. Bình thường thì một phóng viên trẻ, độc lập, ít khi nào dám mua một chiếc Jaguar XK 150S. Đồ phụ tùng khó kiếm tại Hamburg, nhất là phụ tùng dành cho kiểu XK 150S không còn được hãng sản xuất nữa. Ngay sau khi mua xe về, Miller đã cho sơn hai lằn chỉ vàng hai bên hông xe. Vì được chế tạo tại Coventry bên Anh, và không thuộc loại xe dành để xuất cảng, nên tay lái nằm bên mặt.
Đến giờ phút này, Miller cũng không biết tại sao mình lại quá may mắn có đủ tiền mua nó.
Vào mùa hè năm đó, khi ngồi chờ hớt tóc, chàng đọc qua một tạp chí thời trang, ít khi nào Miller chú ý đến những chuyện tào lao liên quan đến đào kép hát bóng hay ca nhạc, nhưng lúc đó chàng không có gì khác hơn để làm trong khi chờ đợi. Trong tạp chí có bài đề cập đến bốn chàng ca sĩ tóc dài đang làm mưa làm gió trong làng nhạc trẻ. Bức hình chụp bốn chàng ca sĩ làm cho Miller để ý ngay đến ba khuôn mặt quen quen, hình như đã gặp qua một lần thì phải.
Hai bản nhạc đưa bốn chàng này lên đài danh vọng “Please, Please me” và “Love me do” không gợi ý gì nhưng ba gương mặt quen quen cứ ám ảnh Miller suốt hai ngày liền. Sau đó chàng mới chọt nhớ ra. Năm 1962, ba chàng này đã phụ diễn tân nhạc cho một hội quán nhỏ trong khu Reeperbahn. Miller mất thêm một ngày nữa để nhớ ra tên hội quán này, vì có lần chàng đã đến đó để gặp một số “đầu mối” có tin liên quan đến “băng” du đảng Sankt Pauli. Hội quán Star. Miller liền đến đó, lục lọi những chương trinh phụ diễn tân nhạc trong năm 1962, và tìm ra ba chàng này. Lúc đó ban nhạc của họ gồm năm người, trong số đó có ba người bây giờ trở thành thần tượng, Pete Best và Stuart Sutliffe.
Từ hộp đêm Star, chàng đến liên lạc ngay với nhiếp ảnh gia đã chụp ảnh quảng cáo cho ban nhạc này, với ông bầu Bert Kampfert, và đã mua hết bản quyền của những tấm ảnh độc đáo. Bài phóng sự của chàng nhan để “Hamburg khám phá ban nhạc Beatles trước thế giới!” được hầu hết tạp chí trong và ngoài nước dành nhau khai thác. Nhờ đó Miller mới dư tiền mua chiếc Jaguar do một Sĩ Quan Tùy viên Quân Lực Hoàng gia Anh nhượng lại. Chàng cũng bỏ ra một ít tiền để mua vài đĩa nhạc của ban Beatles, có lẽ để đền ơn họ, nhưng về đến nhà chỉ có Sigrid nghe thôi.
Miller rời ga-ra đi bộ về phòng. Lúc đó quá nửa đêm, và mặc dù đã ăn một bữa cơm tối no nê tại nhà mẹ, Miller vẫn cảm thấy đói bụng. Lên đến phòng, chàng làm một đĩa chả trứng, vừa ăn vừa nghe bản tin cuối cùng. Mọi tin tức đều dồn về cái chết của vị lãnh đạo thế giới tự do: Cảnh sát Liên bang đang bù đầu truy lùng hung thủ. Xướng ngôn viên bình luận về mối thiên cảm của vị cố Tổng Thống đối với Tây Đức, cuộc viếng thăm Bá Linh vào mùa hè năm trước, và câu nói lịch sử: “Ich bin ein Berliner!” - Tôi là dân Bá Linh. Bản tin cuối cùng cũng cho phát thanh lại những bài truy điệu của Thị trưởng Tây Bá Linh, Willy Brandt, với giọng nói trầm buồn, nghẹn ngào vì xúc động, và những lời ca ngợi công đức vị Tổng thống trẻ của Thủ Tướng Ludwig Erhard và cựu Thủ Tướng Konrad Adenauer, từ nhiệm vào ngày 15 tháng 10 trước đó.
Miller tắt máy thu thanh leo lên giường. Chàng mong Sigi có mặt trong phòng ngay lúc đó, vì chàng vẫn thích ôm nàng vô lòng mỗi khi cảm thấy bải hoải trong người. Nhưng vũ trường nơi Sigi biểu diễn thoát y mỗi đêm tới bốn giờ sáng mới đóng cửa, và những đêm thứ sáu còn mở cho tới sáng, vì du khách nghỉ cuối tuần thường kéo xuống khu Reeperbahn, sẵn sàng bỏ tiền uống rượu Champagne với giá cắt cổ để được xem tận mắt những cô gái với bộ ngực đồ sộ và quần áo cụt cỡn múa may quay cuồng trong những vũ điệu khiêu dâm. Sigi là một trong số rất ít cô gái hội đủ những yếu tố này.
Miller mồi thêm điếu thuốc thứ hai, rít vội vài hơi và lăn ra ngủ một mình trên chiếc giường rộng thênh thang vào lúc hai giờ kém mười lăm sáng, khuôn mặt dị hình của lão già quá cố chập chờn ẩn hiện trong mộng tưởng.
* * *
Trong lúc Peter Miller ngồi ăn chả trứng trong căn phòng mướn tại Hamburg, năm người đàn ông đang ngồi nhậu nhẹt thân mật và cởi mở trong phòng khách của một biệt thự tiếp giáp với Hội Kỵ mã nằm trong khu vực Kim Tự Tháp ở ngoại ô Cairo. Lúc đó là một giờ sáng. Năm người này đã dùng bữa cơm tối thật sang trọng và hợp khẩu, và ai nấy đều tươi vui ra mặt ngay sau khi bản tin đầu tiên do hệ thống truyền thanh Ai Cập loan báo Tổng Thống Kennedy đã qua đời. Ba người trong số này mang quốc tịch Đức, hai người còn lại là công dân Ai Cập. Bà vợ ông chủ biệt thự và Hội Trưởng Hội Kỵ mã, nơi gặp mặt của giới thượng lưu Ai Cập và Phái Bộ Đức, đã bỏ lên phòng cho năm người này được tự do trò chuyện. Ngồi ở ghế bành da kê sát cửa sổ là Hans Appler, Cựu chuyên viên nghiên cứu Do Thái Vụ trong Tổng Bộ Tuyên Truyền của Josef Goebbels. Lập nghiệp tại Ai Cập ngay khi Thế chiến thứ hai chấm dứt và được Odessa móc nối, Applet đã nhập tịch Ai Cập, đổi tên thành Salah Chaffar, và cộng tác với Chánh phủ trong cương vị chuyên viên Do Thái Vụ cho Bộ Hướng dẫn và Nghiên cứu. Ngồi bên trái Chaffar, là một cựu chuyên viên khác trong Tổng Bộ Tuyên Truyền của Goebbels, Ludwig Heiden, hiện cũng phục vụ tại một nhiệm sở thuộc Bộ Hướng dẫn Nghiên cứu Ai Cập. Heiden đã bỏ Thiên Chúa Giáo để theo Hồi Giáo, đã từng hành hương sang Mecca, và được mọi người biết qua tên mới El Hadj. Để tỏ ra mình là một tín đồ trung kiên của Hồi Giáo, tay hắn vẫn cầm một ly nước cam trong khi bốn người kia dùng rượu mạnh. Chaffar và El Hadj đều là những tên Nazi cuồng tín.
Hai công dân Ai Cập là Đại Tá Shamseddin Badran, phụ tá tin cẩn của Thống Chế Abdel Hakim Amer, sau này trở. thành Phó Tổng Thống trước khi bị kết tội phản nghịch sau cuộc chiến tranh 6 ngày năm 1967. Người Ai Cập còn lại là Đại Tá All Samir, Trùm Moukhabarat, Cơ quan Mật Vụ Tình Báo Ai Cập.
Lúc dùng cơm tối còn có một thực khách thứ sáu nữa, và người đó là vị khách danh dự. Ông đã rời bàn tiệc ngay khi được tin Tồng Thống Kennedy bị ám sát. Vị khách quý đó là Anwar El Sadat, Chủ Tịch Quốc Hội Ai Cập, cộng tác viên thân cận, sau này trở thành người kế vị của Nasser. Hans Appier nâng ly rượu:
- Vậy là rồi đời tên mến mộ Do Thái. Nào, mời quý bạn cạn ly mừng biến cố này.
- Nhưng ly chúng tôi cạn rồi! - Đại Tá Samir phản đối.
Chủ nhân vọi vã châm rượu Scotch. Sự kiện Appler nhắc nhở đến Tổng Thống Kennedy như là một người mến mộ dân tộc Do Thái không làm cho bốn người còn lại ngạc nhiên. Vào ngày 14 tháng 3 năm 1960, khi Dwight Eisenhower còn làm Tổng Thống Hoa Kỳ, Thủ Tướng Do Thái David Ben Gurion và Thủ Tướng Tây Đức Konrad Adenauer đã bí mật gặp mặt tại khách sạn Waldorf Astoria, New York, một cuộc họp mà mười năm trước đây không thể nào thực hiện được. Kết quả thu đạt được trong buổi họp này thoạt có vẻ vô lý, và chính đó là lý do mà Nasser khăng khăng không chịu tin vào những bản báo cáo mật do Odessa và Moukhabarat đệ nạp. Hai nhà lãnh đạo Do Thái và Đức quốc đã thông qua và ký kết một hiệp ước, trong đó có khoản quy định Đức cho Do Thái vay vô điều kiên năm mươi triệu Mỹ kim một năm. Tuy nhiên, Ben Gurion đã nhận biết được có tiền là một chuyện còn dùng tiền vay mượn được để có một nguồn cung cấp vũ khí một cách an toàn là một chuyện khác, nan giải. Do đó sáu tháng sau, một hiệp ước thứ hai ra đời, được nhị vị Tổng Trưởng Do Thái Shimon Peres và Tổng Trưởng Tây Đức Franz Josef Strauss duyệt ký. Những điều khoản trong hiệp ước thứ hai này - gọi đúng hơn là thương ước - cho phép Do Thái sử dụng tiền do Tây Đức cho vay để mua khí giới tại Tây Đức. Đoán biết trước hình thái phức tạp của thương ước này, Adenauer đã trì hoãn việc thực thi cho đến khi gặp được vị Tổng Thống tân cử John Fitzgerald Kennedy tại New York năm 1961. Kennedy làm áp lực, nhưng lại không muốn Hoa Kỳ trực tiếp gởi khí giới đến Do Thái, mà phải bằng mọi giá Do Thái có được vũ khí cần thiết. Thật là cả một sự mâu thuẫn. Nhu cầu của Do Thái là phi cơ oanh tạc, vận tải, đại bác 105 ly, súng cối, thiết vận xa và thiết giáp xa. Adenauer nhượng bộ và Thương ước Strauss-Peres được thi hành. Tây Đức lúc đó có sẵn những món hàng Do Thái cần, phần lớn mang nhãn hiệu Hoa Kỳ, được cường quốc này viện trợ để bù đắp kinh phí đài thọ quân đội Hoa Kỳ tại Tây Đức đúng theo tinh thần của Minh Ước Bắc Đại Tây Dương, hoặc được chế tạo ngay tại Tây Đức theo đồ án của Hoa Kỳ, Những thiết giáp xa đẩu tiên được chở tỏi hải cảng Haifa vào cuối tháng 6 năm 1963. Thật khó mà giữ được điều gì bí mật mãi mãi, vì quá nhiều người biết đến nó. Odessa đã phanh ra nội vụ vào cuối năm 1962 và khẩn báo cho Ai Cập biết, qua trung gian của nhân viên chìm do Odessa gài tại Cairo. Nhưng cuối năm 1963, sự việc bắt đầu thay đổi: ngày 15 tháng 10, Konrad Adenauer, con cáo già của Chính phủ Bonn, vị Thủ Tướng “sắt đá” từ nhiệm nhường ghế lại cho Ludwig Erhard, cha đẻ “Phép lạ kinh tế”, nhưng là một nhà ngoại giao rụt rè, thiếu lập trường.
Ngay khi Adenauer còn nắm ghế Thủ Tướng, một thiểu số trong nội các của ông đã chống đối, làm áp lực đòi xé bỏ hiệp ước. Nhưng vị Thủ Tướng cáo già đã khóa miệng họ lại bằng một vài lý luận vững chắc, và sự kiện này đủ chứng tỏ cho thế giới thấy uy quyền của ông.
Erhard thì khác. Mới ngồi ghế Thủ Tướng chưa nóng đít đã bị báo chí tặng cho mỹ từ “Sư tử cao su”. Nhóm chống hiệp ước Waldorf dưới thời Adenauer đo Bộ Ngoại Giao giật dây trổ mòi làm áp lực “Sư tử cao su”. Erhard có mòi thay đổi lập trường, nhưng sau lưng ông còn có sự cương quyết của vị lãnh đạo thế giới tự do, nhất định đảm bảo việc thi hành Thương ước.
Nhưng giờ đây ông không còn nữa. Dầu hỏi to lớn là liệu tân Tổng Thống Johnson có thay đổi chính sách đối với Tây Đức, và ngưng tạo áp lực với Thủ Tướng của Chính phủ Bonn không? Gia chủ của ngôi biệt thự xây cất ở ngoại ô Cairo rót rượu vô ly mình. Hắn là Wolfgang Lutz, chào đời năm 1921, cựu Thiếu Tá Lục quân Đức, kẻ thù không đội trời chung của Do Thái, di cư sang Ai Cập năm 1961. Tóc vàng, mắt xanh, gương mặt sắt đá, Lutz là một trong những bộ mặt có ảnh hưởng nhất đối với sinh hoạt chính trị Ai Cập, và trong tập thể dân Đức tỵ nạn.
Hắn quay mặt về phía bốn người khách, cười thật tươi. Nếu có gì dối trá trong nụ cười thì cũng không có ai có đủ tài trí để khám phá được. Nhưng nụ cười của hắn quả thật xảo trá. Hắn gốc Do Thái Mannheim, di cư sang Palestine năm 1933, lúc mới được mười hai tuổi
Tên thật là Ze’ev và hiện mang cấp bậc Thiếu Tá trong Quân Đội Do Thái. Hắn cũng là điệp viên số một trong tổ tình báo Do Thái tại Ai Cập. Ngày 28 tháng 2 năm 1965, sau khi Cảnh Sát Ai Cập bất thần đột nhập biệt thự và khám phá một máy phát giấu trong buồng tắm, Lutz đã bị câu lưu. Được đem ra xét xử ngày 26 tháng 6 năm 1965, Lutz bị kêu án khổ sai chung thân, nhưng được phóng thích vào năm 1967 trong cuộc trao đổi tù binh với Ai Cập. Lutz và gia đình chánh thức đặt chân xuống miền đất hứa tại phi trường Lod ngày 4 tháng 2 năm 1968.
Những gì sau này xảy đến cho Lutz và gia đình, và tai họa ghê gớm mà hắn sẽ phải gánh chịu như bị bắt bớ, tra tấn, chứng kiến cảnh vợ bị hiếp dâm, đều đã được an bài ngay trong đêm Tổng Thống Kennedy qua đời.
Lutz nâng ly mời bốn người “bạn quý”, mong sao cho chúng uống thật say để ra về. Có điều một trong bốn người này tiết lộ quan trọng đối với tiền đồ của dân tộc Do Thái nên Lutz nôn nóng, bồn chồn, muốn được vô buồng tắm một mình, đem máy phát thanh ra để báo cáo ngay về Tel-Aviv. Lutz giữ nụ cười trên môi hô lớn: “Đả đảo bọn cảm tình viên Do Thái, Sieg Heil!”.
* * *
Peter Miller tỉnh giấc lúc chín giờ sáng hôm sau. Ưỡn mình dưới lớp chăn ấm áp và dù còn ngái ngủ, Miller vẫn cảm thấy kích thích bởi thân hình mời mọc của Sigi nằm sát bên. Sigi càu nhàu khi Miller xáp lại gần:
- Thôi bỏ qua đi ông già! - Sigi nói, không thèm mơ mắt.
Miller thở dài, quay người nằm sấp lại, giơ cao đồng hồ đeo tay lên xem giờ. Chàng nhảy phóc xuống giường, quấn chiếc khăn bông quanh bụng, mò mẫm từng bước đi lại phía cửa sổ, kéo màn ra. Ánh sáng èo ọt của mặt trời tháng 11 chiếu vô phòng. Miller nheo mắt nhìn xuống đại lộ Steindamm. Sáng thứ bảy xe cộ lưu thông thưa thớt trên đường nhựa đen bóng. Miller lừng khừng bước xuống nhà bếp, nấu nước pha tách cà phê đầu tiên trong ngày. Cả mẹ chàng lẫn Sigi đều than phiền vì chàng uống quá nhiều cà phê và hút thuốc như ống khói. Nhâm nhi tách cà phê và phì phà điếu thuốc lá đầu tiên trong ngày, Miller ngồi trầm ngâm suy nghĩ xem có chuyện gì thật đặc biệt phải làm không? Không có gì hết. Chắc các nhật báo sẽ đồng loạt kéo dài cột tin liên quan đến Tổng Thống Kennedy hết tuần này sang tuần khác, không có cột nào dư để cho chàng khai thác cả; ngoài ra ngày thứ bảy là ngày xấu để thương lượng bất cứ chuyện gì, vì ai ai cũng mải mê bàn tính chương trình nghỉ cuối tuần. Miller vừa hoàn tất một thiên phóng sự về sự xâm nhập của những tay giang hồ Áo, Pháp, và Ý vô “mỏ vàng Reeperbahn”, khu ăn chơi nhất tại Hamburg, nhưng đến ngày hôm nay chàng vẫn chưa nhận được tiền thù lao. Miller nghĩ bụng phải đến gặp tên chủ nhiệm đã mua bản quyền thiên phóng sự để đòi tiền, nhưng sau lại thôi. “Gấp gáp gì, trước sau gì hắn cũng gởi chi phiếu cho mình mà”, Miller nghĩ thầm. Vả lại mình đâu cẩn tiền lắm, vì trong trương mục mình còn hơn năm ngàn Đức kim!
Miller xách máy thu thanh vô buồng tắm, đóng cửa lại để khỏi đánh thức Sigi, vừa tắm rửa vừa nghe tin tức. Vẫn những mẩu tin liên quan đến vụ Tổng Thống Kennedy: một người đàn ông vừa bị bắt giữ. Đúng y như Miller dự đoán, bản tin không loan báo một mẩu tin nào khác ngoài vụ Kennedy.
Ra khỏi buồng tắm, Miller xuống nhà bếp chế cà phê cho hai người uống. Mang khay vô phòng ngủ, đặt xuống chiếc bàn nhỏ, cởi áo bông khoác lên người ra, chàng rúc người vào sát Sigi.
Năm lên mười hai, lẽ ra Sigi đã trở thành vô địch Thế vận hội nếu bộ ngực của nàng không căng phòng quá độ như vậy. Rời trường nàng trở thành huấn luyện viên thế vận, và từ huấn luyện viên sang hành nghề thoát y vũ. Lý do chuyển nghề là tiền, vì bây giờ Sigi kiếm tiền gấp năm lần số lương huấn luyện viên.
Dù rất thích cởi bỏ y phục trước đám đông khán giả vũ trường, Sigi vẫn hay bẽn lẽn, mắc cỡ, nếu nghe được ai trong đám khán giả bình phẩm về những đường cong trên thân hình của nàng.
Có lần Sigi giải thích cho Miller hiểu triết lý đơn giản của nghề nghiệp như thề này: “Khi đang trình diễn, em không thấy gì hết đàng sau những ngọn đèn màu, do đó không thấy mắc cỡ. Nhưng nếu có ai nhìn mà em thấy được mặt người đó, thì chắc em phải giải nghệ quá”.
“Nghề” thoát y còn cho phép Sigi xuống ngồi chung bàn với khán giả sau khi trình diễn, và không ai cấm nàng uống rượu với họ nếu được mời. Thử rượu độc nhất Sigi chịu uống là Champagne, nhưng phải được rót từ một chai nguyên, vì ngoài việc được thưởng thức mùi vị nồng và ngọt của rượu, Sigi còn được hưởng mười phần trăm hoa hồng trên mỗi chai Champagne khui ra mời nàng.
- Tội nghiệp cho bọn đàn ông! - Sigi thường nói với Miller. - Đáng lý phải cấp cho mỗi anh một bà cho đỡ tủi.
- Tội nghiệp cái gì? - Miller phản đối. - Thằng nào thằng nấy cũng đều dê xồm, trác táng, mất nết hết.
- Họ đâu đến nỗi như vậy nếu họ có một người đàn bà nào đó biết săn sóc và chiều chuộng họ. - Lý luận của Sigi thật vững chắc.
Miller tình cờ quen nàng tại quán Kokett, đặt dưới hầm Cafe Keese trên đường Reeperbahn. Vóc dáng của Sigi không phù hợp với tuổi hai mươi của nàng: cao một thước bảy mươi, khuôn mặt và thân hình hòa hợp một cách tuyệt diệu. Miller phải công nhận nếu hình Sigi được đăng vào trang giữa tạp chí Play Boy, mấy hoa hậu khỏa thân của tạp chí này sẽ được coi như những trường hợp thiếu dinh dưỡng. Sau hơn ba tháng tán tỉnh, Miller mới thành công mời Sigi lên giường, và sau đó chung sống luôn với chàng. Với tinh thần cởi mở và đơn giản đối với những điều quan trọng nhất trong đời, Sigi quyết phải chài và lấy cho bằng được Miller, nhưng kẹt không biết có nên cho Miller nếm mùi trước hay không? Nhận biết Miller đẹp trai và thành công với đàn bà, Sigi đành phải dọn đến sống và làm cho Miller thoải mái đến độ phải hỏi cưới nàng. Hai người đã sống chung trong tinh trạng chờ đợi như vậy được sáu tháng, tính đến cuối tháng Mười một. Miller, một thanh niên phóng khoáng, phải công nhận Sigi là một người đàn bà đảm đang trong công việc nội trợ, và một người tình tuyệt vời trên giường, Sigi không bao giờ trực tiếp nhắc nhở đến cưới hỏi, nhưng có trăm phương ngàn cách để làm cho Miller hiểu chuyện...
- Đánh thức người ta kiểu gì vậỳ? - Sigi càu nhàu.
- Còn nhiều cách khác ác liệt hơn nữa! - Miller đùa.
- Mấy giờ rồi anh?
- Gần mười hai giờ rồi. - Miller nói láo, biết chắc Sigi sẽ cắn nát bắp tay nếu biết được lúc đó mới hơn mười giờ. - Thôi em ngủ lại đi!
- Cám ơn cưng! Sao hôm nay tử tế vậy? - Sigi vừa nói xong vội xoay người lại nằm ngủ tiếp.
Miller, đang định bỏ chân xuống giường thì chuông điện thoại reo. Chàng bước nhanh qua phòng khách.
- Peter?
- Phải! Ai ở đầu dây đó?
- Karl đây!
Trí óc Miller còn đang rối vò, chưa định thần được, vì chàng không nhận ra giọng nói bên kia đầu dây.
- Karl nào?
- Karl Brandt! Chuyện gì vậy? Bộ còn say ke hả?
Miller tỉnh người lại.
- Ồ Karl! Xin lỗi, mới ngủ dậy chưa hoàn hồn. Có chuyện gì vậy?
- Tên Do Thái tự tử chết. Tôi cần gặp bạn để bàn.
Miller thắc mắc không hiểu đầu đuôi gì hết.
- Tên Do Thái nào?
- Thì thằng già đêm hôm qua đó, khu Altona, nhớ ra chưa?
- Tối hôm qua thì nhớ, nhưng làm gì biết đuợc lão ta người Do Thái?
- Tôi muốn gặp bạn bàn chuyện này, - Brandt nói - nhưng không thể nói trong điện thoại được. Gặp bạn tại đâu được?
Đầu óc phóng viên của Miller hoạt động liền. Bất cứ điều gì không muốn tiết lộ trong điện thoại chắc phải là chuyện thật quan trọng. Trong trường hợp Brandt, Miller không thể nghi ngờ một thanh tra cảnh sát phải thận trọng như vậy nếu điều hắn muốn nói không quan trọng.
- Trưa nay bạn rảnh không?
- Rảnh!
- Tốt lắm, tôi sẽ mời bạn ăn cơm trưa nếu những điều bạn cho tôi biết thật giá trị. - Chàng nói tên một quán ăn nhỏ gần chợ Goose, giờ hẹn, rồi gác điện thoại xuống. Miller phân vân không biết có gì quan trọng nơi cái chết của một cụ già Do Thái để phải bận công Brandt.
Suốt buổi cơm trưa, Brandt né tránh không để cập đến “những điều quan trọng”. Nhưng khi cà phê được dọn ra, Brandt chi nói:
- Ông già đêm qua.
- Ông ta làm sao? - Miller nóng lòng hỏi.
- Bạn cũng như tôi đều biết qua những tội ác do bọn Đức Quốc Xã gây ra cho dân Do Thái trong thời đệ nhị thế chiến?
- Dĩ nhiên.
Miller khó chịu với lối nhập đề mập mờ của Brandt. Như tất cả những thanh niên cùng tuổi, lúc còn cắp sách đến trường Miller được nhồi sọ rằng dân tộc Đức phải trả những gì cha chú cậu dượng của họ đã làm. Lúc đó ai nói sao Miller nghe vậy, không cần để ý thêm làm chi cho mệt. Vào những năm hậu chiến, thanh niên Đức khó hiểu rõ được những gì họ được nhồi vô sọ. Không còn ai để họ chất vấn những điều thắc mắc, và cũng không có ai chịu hé môi. Chỉ khi trưởng thành, Miller mới tìm hiểu thêm vấn đề qua báo chí sách vở, và những gì đọc được dù có kinh tởm đi nữa, thì sự việc cũng đã rồi, và đã lui về quá khứ, về một khoảng thời gian và không gian nào đó thật xa vời.
Brandt xoay tách cà phê trong đĩa, lúng túng không biết mở đầu câu chuyện ra sao.
- Lão già đêm qua. - Brandt nói, đắn đo từng chữ một. - Hắn người Do Thái gốc Đức, từng bị đày trong trại tập trung.
Miller hổi tưởng lại gương mặt người chết đêm qua. Chắc lão đã được quân đội Đồng minh phóng thích cách đây mười tám năm và sống tại khu Altona cho đến khi chết. Khuôn mặt lão luôn luôn ám ảnh Miller. Chàng chưa bao giờ thấy ai bị đày đọa trong trại tập trung mà sống sót bao giờ cả. Tâm trí Miller nhớ lại vụ án Eichmann cách đây hai năm tại Jerusalem. Gương mặt tên đồ tể SS thản nhiên và bình tĩnh một cách lạ lùng, trái hẳn với những nạn nhân của hẳn. Miller quay về thực tại. Brandt mất tự nhiên, khiêu dậy tính hiếu kỳ nơi Miller.
- Lão ta làm sao? - Miller nhắc lại câu hỏi.
Thay vì trả lời bạn, Brandt rút một phong bì dày cộm ra khỏi cặp và trao cho Miller.
- Lão già có để lại một cuốn nhật ký. Thật ra thì không nên gọi ông ta bằng lão, vì tuổi ông ta chưa quá năm mươi sáu. Hình như ông ta đã ghi chép trong thời gian bị giam cầm, và sau này mới viết lại thành nhật ký.
Miller ái ngại nhìn phong bì:
- Bạn tìm thấy ở đâu vậy?
- Gần xác nạn nhân. Tòi lượm đem về nhà thức trắng đêm để đọc.
Miller nhìn bạn với cặp mắt soi mói.
- Ghi toàn những chuyện kinh tởm không hả?
- Phải - Kinh tởm lắm. Đến giờ phút này tôi vẫn không thể tưởng tượng được mức độ tàn ác của bọn SS.
- Tại sao bạn lại đem cho tôi?
Branđt bối rồi, lắc đầu.
- Tôi nghĩ đó là một đề tài khá hấp dẫn cho bạn khai thác.
- Bây giờ sở hữu chủ của cuốn nhật ký là aỉ?
- Theo lẽ thuộc về những người thừa kế của Tauber. Nhưng cảnh sát sẽ không bao giờ tìm ra họ được vì không còn ai sống sót. Do đó nó thuộc tài sản của sở Cảnh sát Hamburg, nhưng chắc chắn sở cảnh sát cho xếp vô hồ sơ lưu. Bạn có thể khai thác nếu bạn thấy hay, nhưng nhớ đừng cho ai biết là tôi đưa cho bạn,vì tôi không muốn rắc rối.
Miller trả tiền bữa cơm và cả hai bước ra ngoài.
- Được. Tôi sẽ đọc nhưng không dám hứa với bạn sẽ khai thác thành một xi căng đan đâu nhé.
Brandt nhìn bạn, cười.
- Bạn đúng là thằng vô ơn.
- Không bao giờ. - Miller cãi lại. - Tôi giống như trăm ngàn người khác, chỉ quan tâm đến thực tại mà thôi. Quên không hỏi thăm bạn dạo này có thăng quan tiến chức chưa? Tôi nghĩ sau mười năm phục vụ trong ngành, chắc bạn sẽ trở thành con người tỉnh bơ chớ! Vụ này làm bạn ấm ức lắm phải không?
Brandt nhìn xuống phong bì Miller cầm trong tay, gật đầu.
- Đúng vậy. Tòi ấm ức lắm vì chưa bao giờ nghĩ bọn SS có thể tệ hại như vậy. Tiện thể nói cho bạn biết. Câu chuyện Tauber không thuộc về quá khứ đâu. Câu chuyện kết thúc ngay đêm hôm qua, cũng tại thành phố Hamburg yêu quý này. Thôi, chào và cám ơn bạn.
Brandt ngoảnh mặt bước ra xa.
------------
Còn tiếp.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét