Thứ Bảy, 7 tháng 4, 2018

Khi Yêu Cần Nhiều Dũng Cảm - (Chương 35, 36, 37, 38)

KHI YÊU CẦN NHIỀU DŨNG CẢM

Tác giả: Chetah Bhagat
Người dịch: Nguyễn Thị Hương Thảo
NXB Hội Nhà Văn, 05-2015

35

Ba năm trước.
Bố tôi trở về nhà lúc nửa đêm. Tôi đã đợi nhiều giờ rồi. Tôi không có thời gian, đêm nay tôi phải nói chuyện với ông. Ông phẩy tay từ chối bữa tối và ngồi phịch xuống xô pha phòng khách để cởi giày.
- Bố? - tôi nói, giọng nhỏ nhẹ.
Tôi mặc quần soóc và áo phông trắng. Chiếc áo phông có một lỗ nhỏ ở vai.
- Gì thế? - Ông quay ra phía tôi. - Ở nhà mà mày ăn mặc như thế này à?
- Đây là quần áo ngủ của con, - tôi nói.
- Mày không có quần áo ngủ nào ra hồn à?
Tôi thay đổi đề tài.
- Bố, con muốn nói với bố một chuyện.
- Gì thế?
- Con thích một cô gái.
- Rõ là mày lắm thời gian đấy, - ông nói.
- Không phải thế. Cô ấy là một cô gái tốt. Con gái một giáo sư ở ITT.
- Ồ. Vậy giờ chúng ta biết mày làm gì ở IIT rồi.
- Con đã tốt nghiệp. Con tìm được việc rồi. Con đang chuẩn bị học MBA. Thế thì có chuyện gì nào?
- Tao chẳng có chuyện gì cả. Mày mới là người muốn nói chuyện cơ mà, - ông nói mà không nhìn tôi.
- Bố cô ấy sắp sửa đưa cô ấy ra nước ngoài. Họ sẽ cho cô ấy đính hôn với một người khác.
- Ồ, vậy là bố nó không chấp thuận hả?
- Không.
- Tại sao chứ?
Tôi nhìn xuống sàn.
- Chúng con có một vài vấn đề với ông ấy, con và các bạn con.
- Vấn đề gì? Kỷ luật hả?
- Vâng, - tôi nói.
- Sốc đấy. Con trai một sĩ quan quân đội mà gặp vấn đề kỷ luật. Tất cả những tiếng tăm tao đã tạo dựng nên, mày sẽ phá hủy mất thôi.
- Những chuyện đó giờ đã là quá khứ.
- Thế thì tại sao ông ấy lại có vấn đề chứ? Mẹ mày có biết chuyện này không?
- Có, - tôi nói.
- Sao bà ấy không nói với tao? Kavita! - bố tôi gào lên.
Mẹ tôi bước vào phòng, vừa thức dậy sau một giấc ngủ sâu.
- Có chuyện gì vậy?
- Sao không nói với tôi chuyện con bé đó sớm hơn? - bố tôi gào lên.
- Nó mới chỉ nói với tôi mấy tuần trước, - mẹ tôi nói.
- Thế là bà giấu tôi à, đồ đĩ, - bố tôi nói.
- Đừng nói với mẹ như thế, - tôi nói theo phản xạ.
Đáng lẽ tôi nên nói nhiều hơn, nhưng hôm nay tôi cần ông.
Mẹ tôi bật khóc. Chuyện sẽ không tốt chút nào.
- Bố, con xin bố. Con muốn sự hợp tác của bố. Nếu bố gặp bố cô ấy, ông ấy có thể nghĩ lại.
- Tại sao tao phải gặp ai chứ? - ông nói.
- Bởi vì con yêu cô ấy. Và con không muốn cô ấy đi mất.
- Mày bị mất hồn, chứ không phải yêu.
- Bỏ đi, Krish, ông ấy sẽ không nghe đâu. Hãy xem cách ông ấy nói với mẹ. Con không biết mẹ sống thế nào khi con ở ký túc xá đâu.
Bố tôi nhào tới phía mẹ tôi đầy hăm dọa. Ông giơ một tay lên để đánh bà. Tôi lôi mẹ tôi ra đằng sau tôi.
- Đừng, - tôi nói.
- Mày nghĩ mày là ai hả? - Ông tát thật mạnh vào má phải tôi. Tôi ngồi xuống ghế phòng ăn. 
- Hãy để chúng tôi yên và đi đi. Sao ông còn quay lại làm gì chứ? - Mẹ tôi chắp tay trước ông.
- Đừng cầu xin, mẹ, - tôi nói, cố nuốt cơn giận trong cổ.
Trước kia, bố tôi đã từng cười nhạo vì tôi khóc. Với ông, chỉ những người đàn ông yếu đuối mới khóc.
- Nghe giọng nó kìa, cứ như con gái ấy, - bố tôi mỉa mai.
Ông nhìn tôi khinh miệt rồi vào phòng tắm thay đồ.
- Đi ngủ đi con, - mẹ tôi nói.
- Tuần sau ông ta sẽ đưa cô ấy đi rồi, - tôi nói.
- Con dính dáng đến đứa con gái kiểu gì vậy? Con còn quá trẻ, - mẹ tôi nói.
- Con có cưới cô ấy ngay ngày mai đâu mà mẹ.
- Nó là người Punjab à? - mẹ tôi hỏi.
- Không, - tôi nói.
- Gì cơ? - bà nói, kinh ngạc như thể tôi vừa nói rằng bà không phải là con người vậy.
- Mẹ gặp bố cô ấy được không, một lần thôi?
Bố tôi bước ra khỏi phòng tắm. Ông đã nghe câu cuối cùng của tôi.
- Bà dám đi không, Kavita, - bố tôi nói, mắt long lên sòng sọc. Tôi nhìn lại ông.
- Đi về phòng mày, - bố tôi nói.
Tôi trở về giường của tôi. Tôi nghe những âm thanh phát ra từ phòng bố mẹ mình. Không ngủ được, tôi bèn bước về phía phòng họ. Tôi đã nghe quá đủ những cãi vã của bố mẹ tôi suốt cuộc đời rồi, nhưng tôi vẫn áp tai vào cửa.
- Thằng bé đang trưởng thành, - mẹ tôi nói.
- Với tất cả những giá trị sai trái. Nó biết gì về lũ con gái chứ? Nó là con trai tôi, nó học ITT ra, hãy xem lúc nào đó tôi sẽ kiếm cho nó một mối ra trò.
Vậy đó, theo phương châm của bố tôi, tôi là chiếc cúp của ông để mang bán ở chợ cho người trả giá cao nhất.
- Đúng cái kiểu con hư tại mẹ, - bố tôi gào lên với mẹ tôi.
Tôi nghe thấy tiếng cốc thủy tinh đập vào tường.
- Tôi đã làm gì nào? Tôi thậm chí còn chẳng biết đứa con gái này…
Bốp… bốp… bố tôi ngắt lời mẹ tôi. Tôi đạp cửa mở ra khi nghe thấy vài tiếng tát nữa. Tôi thấy mẹ đang ôm tay che mặt. Một mảnh kính làm chảy máu cánh tay bà.
Bố tôi quay lại phía tôi.
- Mày có biết lịch sự là gì không? Không biết gõ cửa à?
- Ông đâu có dạy tôi lịch sự, - tôi nói.
- Biến đi, - ông nói.
Tôi lắc đầu. Tôi nhìn thấy nước mắt trên mặt mẹ tôi. Mặt tôi bừng lên cuồng nộ. Bà đã sống với những chuyện này trong hai mươi lăm năm. Tôi không biết tại sao - để nuôi lớn tôi; tôi không biết sao bà lại làm được. Bố tôi giơ tay để đánh tôi. Vô thức, tôi chộp lấy cổ tay ông giữ chặt.
- Ồ, giờ mày định ra tay với bố đẻ của mày đấy à, - ông nói.
Tôi vặn tay ông.
- Kệ ông ấy đi, ông ấy sẽ không thay đổi đâu, - mẹ tôi thở hổn hển.
Tôi lắc đầu, nhìn thẳng vào mắt ông. Tôi tát vào mặt ông một cái, hai cái, rồi tôi nắm tay thành nắm đấm và đấm vào mặt ông.
Bố tôi quá sốc, ông không thể đánh trả. Ông đã không ngờ đến chuyện này; suốt tuổi thơ tôi, tôi chỉ chịu đựng sự áp chế của ông. Chuyện hôm nay không chỉ vì chiếc cốc vỡ. Không chỉ vì cô gái tôi yêu sẽ ra đi. Nó là sự đáp trả cho hai thập kỷ bị ngược đãi. Hoặc đó là cách tôi tự vệ. Hoặc đó là bất cứ cách biện hộ nào cho việc đánh bố đẻ mình? Vào lúc đó, tôi không thể dừng lại. Tôi đấm vào đầu ông cho tới khi ông đổ gục xuống sàn. Tôi không thể nhớ được đã có bao giờ tôi cảm thấy vui thú với bạo lực như lần này chưa. Từ bé đến lớn, tôi luôn là một cậu bé chăm chỉ vùi đầu vào đống sách vở. Hôm nay, may cho tôi là không có khẩu súng nào trong nhà.
Cơn cuồng điên qua đi sau năm phút. Bố tôi không nhìn vào mắt tôi. Ông ngồi trên sàn và xoa bóp cánh tay đã bị tôi vặn. Ông nhìn mẹ tôi, với vẻ “thấy chưa, tôi đã bảo bà rồi mà”.
Mẹ tôi ngồi trên giường, cảm xúc giằng xé lẫn lộn.
Chúng tôi nhìn nhau. Chúng tôi là một gia đình, nhưng là một gia đình chẳng ra gì. Tôi lấy chổi và quét những mảnh cốc vỡ vào một tờ báo. Tôi nhìn bố tôi và thề sẽ không bao giờ nói với ông một lời nào nữa. Tôi thu tờ báo lên cùng những mảnh kính và rời khỏi phòng.

36

- Chuyện là thế, thưa thầy, - tôi nói, những giọt nước mắt giờ đã khô trên mặt. - Con chưa từng chia sẻ nhiều như thế với bất kỳ ai.
Có thể nghe thấy những âm thanh của biển cả, tiếng sóng đồng điệu với những ý nghĩ xáo động trong tôi.
- Con mở mắt ra đi, - vị guru nói.
Tôi chầm chậm mở mắt ra.
- Đi nào, chúng ta sẽ tới ban công phía sau, - vị guru nói.
Tôi theo ông tới một nền đất cao phía sau ngôi nhà. Gió từ biển thổi vào có cảm giác khá lạnh dù mặt trời đang chói chang. Tôi ngồi xuống một trong hai chiếc ghế để bên ngoài. Ông bước vào bên trong và quay trở ra với hai chiếc cốc và một quyển sách.
- Đó là nước dừa đấy. Còn đây là Gita. Con đã từng nghe về Gita chưa?
- Rồi ạ, - tôi nói, - chút ít thôi.
Tôi uống một ngụm nước dừa.
- Con đã nghe gì?
- Như kiểu nó là quyển sách tối thượng. Nó có tất cả sự thông thái của cuộc đời. Ta phải làm việc và đừng lo lắng về việc mình sẽ nhận được gì. Phải không ạ?
- Con đã đọc nó chưa?
- Một vài phần. Nó hay nhưng có chút…
- Nhàm chán?
- Không, thực sự là nó không nhàm chán. Khó mà làm theo và áp dụng mọi điều.
- Ta sẽ cho con chỉ một từ để áp dụng trong đời mình.
- Là gì ạ?
- Tha thứ.
- Nghĩa là? Thầy muốn con tha thứ cho bố mình? Con không thể.
- Tại sao không?
- Bởi vì điều ông ấy làm là quá sai trái. Ông ấy đã phá hỏng cuộc đời của mẹ con. Ông ấy chưa bao giờ yêu con.
- Ta không nói là ông ấy đã làm điều đúng đắn. Ta đang yêu cầu con tha thứ cho ông ấy.
- Tại sao chứ?
- Vì con. Tha thứ không khiến người làm con tổn thương cảm thấy tốt hơn, mà nó làm cho con cảm thấy tốt hơn.
Tôi ngẫm nghĩ những lời của ông.
- Hãy nhắm mắt lại lần nữa đi, - vị guru nói. - Hãy tưởng tượng trong đầu con có những chiếc túi. Chúng là những chiếc túi của sự giận dữ, đau đớn và mất mát. Con cảm thấy chúng thế nào.
- Nặng ạ, - tôi thở dài.
- Hãy nhấc chúng ra khỏi đầu con từng chiếc từng chiếc một, - vị guru nói. - Hãy tưởng tượng con đang mang một chiếc áo choàng dày làm người con mỏi mệt. Hãy tha thứ cho những người đã gây cho con đau đớn. Điều họ làm đã là quá khứ. Điều làm con phiền muộn ngày hôm nay là những cảm giác hiện tại của con tới từ khối nặng đó. Hãy buông nó ra đi.
Thật lạ lùng, như những phép ẩn dụ của vị guru, tôi cảm thấy bị buộc phải tuân theo những hình dung trong đầu mình. Đầu tôi cảm thấy nhẹ hơn.
- Và hãy để Thượng đế định đoạt, - ông tiếp tục. - Con không kiểm soát bất cứ thứ gì hoặc bất cứ ai.
- Con không hiểu, - tôi nói.
- Con có kiểm soát cuộc sống của mình không? Cuộc sống của con phụ thuộc vào sự vận hành chính xác của biết bao nhiêu cơ quan bên trong. Con chẳng kiểm soát được chúng. Nếu phổi con không phối hợp vào, nếu thận con hỏng, nếu tim con ngừng lại, tất cả sẽ chấm dứt. Con sẽ chết ngay lập tức. Thượng đế đã chọn con để trao cho quà tặng cuộc đời, hãy phủ phục trước Người.
Ông giữ tôi suy tưởng vài phút tiếp sau đó.
- Và bây giờ, con có thể đi, - vị guru mỉm cười.
Tôi mở mắt ra. Ánh mặt trời chiều chói lọi đang rọi trên khuôn mặt vị guru. Ông bước vào bên trong và mang ra một chiếc cốc nhỏ đựng thứ tro màu xám. Ông chấm ngón tay trỏ vào tro và đánh dấu lên trán tôi.
- Cảm ơn thầy, - tôi nói khi ông đặt tay lên trán tôi ban phước.
- Không có gì, - ông nói. - Con còn muốn ta giúp gì nữa không?
- Có ạ, cho con hỏi đường đến khách sạn L’Orient?
- Ồ, cái đó hả? - Vị guru cười. - Nó ở đường Rue Romain Rolland. Cách đây một cây số.
* * *
Tôi tới L’Orient lúc bốn giờ. Ananya đang đợi ở lối vào. Khách sạn này là một tòa nhà di sản đã được tân trang lại. Hồi xưa, khi người Pháp đô hộ Pondicherry, nó từng là văn phòng Bộ Giáo dục. Giờ nó là một khách sạn có mười phòng nhỏ, một nhà hàng nhỏ ở sân trong. Chúng tôi gọi cà phê và một lát bánh gừng cùng với sữa trứng.
- Chẳng phải nơi này rất tuyệt sao? - Ananya hít thật sâu.
Tôi gật đầu, vẫn còn đắm trong suy tưởng.
- Thế, hãy kể em nghe, anh đã làm những gì nào? Và sao lại có dấu tilak trên trán anh?
- Anh đã đánh bố anh.
- Gì cơ?
- Đã khá lâu rồi. Em có nhớ anh luôn tránh nói về bố mình hồi còn ở trong trường chứ?
- Có, và em không bao giờ ép anh sau đó nữa, - cô nói. - Nhưng anh đang nói gì vậy?
Tôi thuật lại câu chuyện đêm hôm đó. Cô nhìn tôi, sững sờ.
- Ôi trời, em không biết bố mẹ anh lại như thế.
- Anh chưa từng kể với em. Không sao đâu.
- Anh không sao chứ? - cô nói và với tay ra để cầm tay tôi.
- Ừ, anh không sao. Anh gặp một vị guru, ông ấy cho anh một lời khuyên hữu ích.
- Gì cơ? Vị guru nào? Lời khuyên thế nào? - Ananya hỏi.
- Anh không biết vị guru đó. Nhưng thế cũng chẳng sao. Đôi khi trong cuộc đời, việc gặp ai đó hoặc nghe điều gì đó thôi cũng có thể nắn ta vào con đường đúng đắn. Và đó trở thành lời khuyên đúng đắn nhất. Nó có thể chỉ là một lẽ thường tình nhưng khi được nói ra, nó cộng hưởng với điều gì đó trong ta. Chẳng có gì mới mẻ, nhưng bởi vì nó kết nối với ta, nó có ý nghĩa với ta.
Tôi giải thích đầy hứng khởi đến nỗi Ananya trở nên lo lắng.
- Anh không sao đấy chứ, anh yêu? Em không nên bỏ lại anh ở bên ngoài mới phải.
- Anh không sao. Anh mừng vì anh đã có thời gian. Anh cảm thấy khá hơn rồi.
- Em yêu anh, - cô nói, dụi mái tóc mềm vào mặt tôi.
- Anh cũng yêu em, - tôi nói và nắm chặt tay cô.
Người ta đưa các món chúng tôi gọi ra, cô cắt bánh thành hai miếng và đưa một nửa cho tôi. Tôi muốn thay đổi đề tài. Cô đọc được suy nghĩ của tôi.
- Kể cho em về sự kiện lần này của Citibank đi. Là một nhạc hội à?
- Đúng thế, - tôi nói, - nhưng mà chỉ dành cho khách hàng thôi.
- Em có được đến không?
- Tất nhiên rồi, anh sẽ lấy vé cho cả nhà em.
- Ai biểu diễn thế?
- S.P. Balasubramanium, Hariharan và…
Tôi ngừng lại.
- Chà, toàn những tên tuổi lớn. Còn ai nữa?
- Một ca sĩ mới.
- Tuyệt! Em chắc rằng mẹ và bố sẽ rất muốn đến.
Tôi gật đầu. Tôi nói sau khi nhấp vài ngụm cà phê.
- Anh đã thử đủ rồi, Ananya. Anh muốn quay về.
Tôi kể cho cô nghe cuộc nói chuyện với mẹ tôi về việc chuyển về Delhi.
- Ý anh là sao? - cô nói và lau sữa bám quanh miệng tôi.
- Anh không thể làm việc ở Chennai mãi mãi được. Anh sẽ cố thêm vài tuần nữa, rồi anh sẽ nói chuyện với bố mẹ em và để họ quyết định.
- Vài tuần? Nhỡ bố mẹ em nói không thì sao?
- Thì rồi chúng ta sẽ xem. Anh để cho Thượng đế định đoạt mọi chuyện.
- Gì thế?
- Chẳng gì cả, chúng ta đi thôi. Anh muốn đi về khi trời vẫn còn sáng.
Tôi cầm mũ bảo hiểm lên.

37

- Cô ơi, cháu xin lỗi làm phiền cô, nhưng tuần sau nhạc hội rồi ạ, - tôi nói qua điện thoại.
Tôi gọi cho mẹ Ananya từ văn phòng của tôi vào buổi chiều. Tôi đang cầm bản thiết kế quảng cáo trong tay.

Dịch vụ Ngân hàng Cấp cao Citibank
hân hạnh kính mời quý khách hàng
Tới đêm nhạc mê đắm ở Fisherman’s Cove
Với những danh ca:
S.P. Balasubramanium
Hariharan
Và tài năng mới, Radha
Tiếp sau phần ca nhạc sẽ là bữa tối.
Chỉ dành cho những người được mời.
(Để lấy vé mời, xin liên hệ với nhân viên chăm sóc khách hàng hoặc bất cứ chi nhánh nào) Ghi chú: Những chủ tài khoản mới mở trước đêm nhạc cũng sẽ có giấy mời.

Tôi ghét dòng cuối cùng vì điều đó quá hiển nhiên rồi. Tuy vậy, Bala cứ nhất quyết điền vào.
- Cô ơi? Cô vẫn ở đó chứ? - tôi hỏi.
- Cháu làm cô bị vướng vào chuyện gì thế này? - Mẹ Ananya than thở.
- Cô đang luyện tập, phải không ạ?
- Ừ, nhưng…
- Nhưng sao ạ? Cô đã hát các bài trong Kaho Na Pyaar Hai chưa ạ? Những bài đó đang đình đám đấy, - tôi nói.
- Có, cô hát rồi. Bài hát trong phim thì dễ mà. Cô… tự tin với những bài đó.
- Cô sẽ ổn thôi. Hôm nay cháu sẽ gửi quảng cáo lên báo. Có tên của cô ở đó, nhưng giấu họ đi như cô đã yêu cầu. Nó sẽ được đăng vào Chủ nhật, hôm tổ chức nhạc hội.
- Đừng, đừng đưa tên cô. Nếu mà cô quyết định không đến nữa thì sao? - bà hỏi, có chút hoảng hốt.
- Sẽ ổn thôi ạ. Có rất nhiều người tên Radha ở Chennai. Nếu cô không xuất hiện thì người ta cũng chẳng biết đấy là Radha nào, - tôi nói.
- Cô sẽ làm cháu thất vọng mất, - bà nói.
- Không đâu, - tôi nói.
- Hạn chót mà cháu có thể bỏ tên cô khỏi mẩu quảng cáo đó là khi nào?
- Thứ Bảy ạ. Cháu xin cô đừng nghĩ như thế, - tôi nói.
- OK, cô vẫn muốn xem lại đã, - bà nói.
- Được ạ, cô tập bài Ek Pal Ka Jeena nhé. Đó là bài số một trên bảng xếp hạng đấy ạ, - tôi nói.
* * *
- Cô đã bảo cháu bỏ tên cô đi mà, - mẹ Ananya gọi sáng Chủ nhật lúc sáu giờ.
- Cô đã thấy quảng cáo rồi ạ? - Tôi dụi mắt. Tôi nhặt tờ Người Hindu từ dưới cửa ra vào nhà trọ. Tôi mở tờ Metroplus, phụ trương ngày Chủ nhật.
- Rồi, - bà thì thào. - Gì thế này?
Bà gọi lúc bố Ananya đi tắm. Ananya thì chưa dậy còn Manju nằm cuộn tròn trong phòng cùng với những người bạn tốt nhất của nó - Vật lý, Hóa học và Toán.
- Cháu không thể làm được, - tôi nói, và bịa ra một câu chuyện. - Tòa báo đã nói là tờ Metroplus cho in quảng cáo được hai hôm rồi. Chỉ tờ báo chính mới thay đổi được từ đêm hôm qua thôi.
- Vậy chúng ta phải làm gì bây giờ?
Bà đã gọi cho tôi sáng hôm qua để loại bỏ tên bà ra. Tuy thế, tôi đã không hề gọi tới tòa báo để thay đổi nội dung viết trên mục quảng cáo đó.
- Không có gì đâu ạ, chúng cháu chỉ bảo Radha ốm là được, - tôi nói.
Bà yên lặng.
- Nhưng chẳng phải như thế sẽ làm cháu mất thể diện sao? - bà hỏi sau một chút ngập ngừng.
- Vâng, nhưng cũng chẳng phải lần đầu. Cháu sẽ lo được. Mà cả nhà mình sẽ đến nhạc hội phải không ạ? - tôi hỏi.
- Được rồi, nghe nhé, nếu như cô phải biểu diễn, cô sẽ phải báo lại ở đâu và khi nào?
Tim tôi bắt đầu đập nhanh hơn. Bà sẽ biểu diễn.
- Thưa cô, mọi thứ đều được tổ chức rất tốt. Chúng cháu có một phòng gần với vườn nhạc hội dành làm phòng chuẩn bị. Cô đến đó trước ba tiếng, lúc bốn giờ. Được chứ?
- Được, - bà nói.
- Cảm ơn cô, - tôi nói.
- Cô mới cần cảm ơn cháu. Cô chưa nói với ai trong nhà cả.
- Tốt lắm, cô cứ bịa lý do và ra khỏi nhà. Hẹn gặp cô sau ạ.

38

- Cô nên mặc bộ nào đây?
Mẹ Ananya hỏi khi ngồi trên chiếc giường cỡ đại trong căn nhà mà chúng tôi đã biến thành một phòng đợi. Những chuyên viên trang điểm, kỹ thuật viên âm thanh và đội ngũ phục vụ của Hariharan và S.P. cũng đã tới. Các ca sĩ chính sẽ chỉ đến vào phút chót. Dù vậy, Radha đã tới sớm và trải ba bộ sari lụa Kanjeevaram ra cho tôi chọn.
- Chúng đều rất đẹp, - tôi nói.
Chiếc đầu tiên màu tía và vàng sậm, chiếc thứ hai màu vàng và vàng sậm còn chiếc thứ ba màu cam và vàng sậm.
- Trang điểm nhé, thưa bà?
Chuyên viên trang điểm bước tới chỗ mẹ Ananya.
- Cháu nên ra khỏi phòng thôi, - tôi nói.
Cho dù có nửa tá người xung quanh đó, tôi vẫn cảm thấy kỳ cục khi nhìn mẹ vợ tương lai của tôi chải mascara.
- Cô căng thẳng quá, cô không lựa chọn được, - bà nói và quệt mồ hôi trên trán.
Chuyên viên trang điểm thoa phấn nền lên má mẹ Ananya. Tôi cố gắng không nhìn.
- Cô mặc cái màu cam ấy, đẹp và sáng.
- Đó là bộ sari ngày cưới của cô. Cô chẳng mấy khi mặc nó kể từ ngày đó.
- Đêm nay cũng khá đặc biệt mà.
Chuyên viên trang điểm xịt khoáng lên trán bà và lau khô.
- Cháu sẽ ở bên ngoài. Cháu sẽ gặp cô trên sân khấu.
Bà nhắm mắt lại và khép tay cầu nguyện. Tôi bước ra bên ngoài và kiểm tra việc sắp xếp đồ ăn. Tôi gọi cho Ananya lúc sáu giờ để chắc chắn rằng họ xuất phát kịp lúc.
- Anh giết em rồi, - Ananya nói.
- Tại sao? - tôi hỏi.
- Mẹ không đến đâu.
- Sao thế? - tôi nói, cẩn thận để ra vẻ bực mình.
- Mẹ nói bà em bị ngã ở Thirukudayur. Sau bữa trưa mẹ đã đi rồi.
- Thirukudayur ở đâu?
- Cách Chennai sáu giờ cơ. Mẹ sẽ không về kịp đâu.
- Còn mọi người thì sao?
- Mọi người khá là sẵn sàng rồi. Em muốn mặc bộ sari Kanjeevaram màu cam đẹp đẽ của mẹ nhưng chẳng tìm thấy nó đâu. Em hy vọng mẹ chưa đánh mất nó. Mẹ không mang nó đi cùng đâu, chẳng mấy dịp như thế cả.
- Khởi hành nhanh nhé, Ananya, đến muộn là anh không hứa sẽ giữ được chỗ tốt đâu đấy, - tôi nói.
- Được rồi, được rồi, rõ rồi, - cô nói và gác máy.
* * *
Bala đến lúc sáu rưỡi cùng với Anil Mathur, giám đốc toàn quốc. Anil đã bay tới đây từ Mumbai. Bala đã đảm bảo rằng một chiếc Mercedes sẽ chở Anil thẳng đến địa điểm tổ chức. Bala theo đuôi ông ta như thể một lũ côn đồ Tamil theo đuôi nhau, chỉ trỏ cho ông ta những việc sắp xếp và vơ về toàn bộ công lao tổ chức sự kiện.
- Còn đây là quầy bar. Và hãy nhìn banner của Citibank ở đằng sau đó. Tôi đã đặt một quảng cáo lớn trên tờ Người Hindu hôm nay. Đó là tờ báo số một ở đây, - Bala nói.
Tôi chào Bala. Ông ta tảng lờ tôi và tiếp tục bước đi.
- Này, cậu có phải là anh chàng Internet bại trận đó không? - Anil nhận ra tôi.
- Chào ngài, - tôi nói.
- Chẳng phải cậu là người Punjab duy nhất ở đây sao? - Ông ta cười. - Tôi nghĩ sự trừng phạt đó là quá đủ. Phải không, Bala?
Bala cười hô hố, cho dù câu chuyện cười đó là về ông ta, hơn là về thành phố của ông ta.
- Đang muốn chuyển trở về à? - vị giám đốc toàn quốc hỏi.
- Tôi sẽ nói chuyện với ngài về điều đó, - tôi nói.
- Phải cho tôi biết trước đấy, - Bala cuối cùng đã công nhận tôi. - Tôi sẽ giúp cậu ấy, thưa ngài.
Giám đốc vỗ vào vai tôi và bước đi.
Ananya đến cùng với bố và em lúc bảy giờ mười lăm.
- Nhà em muộn rồi à? - cô hỏi không ra hơi.
Cô mặc một bộ sari the màu hồng đào có viền bạc mỏng. Trang sức đồng bộ là chiếc vòng cổ bạc và hoa tai bạc.
- Đúng thế, nhưng nhạc hội chưa bắt đầu mà. Mọi người vào đi, - tôi nói.
Tôi dẫn họ tới một trong những chiếc bàn tròn được đặt trong vườn. Tôi chọn một cái gần sân khấu.
- Thức ăn ở đằng đó, còn quầy bar thì ở đằng kia chú ạ, - tôi nói.
- Tôi không uống, - ông nói và nhìn Ananya.
- Vâng, - tôi đáp.
Mười tám bàn, mỗi bàn mười ghế ngồi đều đã chật cứng khách. Mỗi bàn có một hoặc hai đại diện của ngân hàng, chủ yếu là các nhân viên Citibank Chennai trẻ tuổi. Bala và giám đốc toàn quốc ngồi ở một bàn riêng với những khách hàng lớn nhất, những người có tài khoản năm mươi triệu rupi hoặc hơn. Tôi cảm thấy thật tiếc cho những vị khách đó. Thành thật mà nói, tôi thà không giàu có còn hơn chịu đựng nỗi thống khổ ngồi ăn tối với những quản lý cấp cao của ngân hàng.
Các ngọn đèn tối xuống lúc bảy rưỡi. Những tiếng trò chuyện ở các bàn tròn ngừng lại khi Bala bước lên sân khấu. Ông ta mặc áo vest, bên trong là sơ mi lụa màu kem sáng bóng, trông hệt như một tên ma cô tập sự.
- Chào mừng tất cả mọi người, một buổi tối thật tuyệt vời làm sao. Tôi là Bala, quản lý khu vực của Nhóm Dịch vụ Ngân hàng Cấp cao, - ông ta nói và quệt mồ hôi trên mặt.
- Sếp của anh đấy à? - Ananya thì thầm với tôi. Tôi gật đầu. - Chiếc áo sơ mi đó sao vậy?
- Suỵt, - tôi nói.
Manju và bố Ananya chăm chú lắng nghe Bala.
- Tôi muốn chào mừng một người đặc biệt, - Bala nói.
Đám đông reo hò vì họ tưởng là Hariharan hay S.P. chuẩn bị lên sân khấu.
- Xin hãy chào mừng ông Anil Mathur, tiến sĩ quản trị kinh doanh, giám đốc toàn quốc của Citibank Ấn Độ.
Đám đồng buông ra những tiếng thở dài thất vọng.
Anil bước lên sân khấu và nhận ra rằng không có ai quan tâm tới ông ta. Ông ta cố gắng kể một câu chuyện cười.
- Chào mọi người, ai mà nghĩ được là có những khách hàng lớn nhất của chúng tôi lại tới từ vùng đất của dosa và idli chứ?
Đám đông trở nên vô cùng yên lặng, bạn có thể nghe thấy những tiếng sóng ở bãi biển gần đó.
Ananya nhìn tôi kinh ngạc. Tôi nhún vai. Tôi không thể kiểm soát được chuyện này.
Anil nhận ra rằng câu chuyện cười đó không có tác dụng, ông ta bèn cố gắng vớt vát.
- Các bạn thấy đấy, ở Bombay, idli và dosa được xem là những đồ ăn vặt đơn giản, - Anil nói.
- Ông ta đang đào hố chôn mình sâu hơn, - Ananya nói.
- Đúng thế, thật may là ông ta chỉ có năm phút thôi.
Anil nhận ra rằng khiếu hài hước của mình chỉ hữu dụng với những kẻ làm việc dưới quyền mà thôi. Ông ta chuyển sang thứ mà những người làm ngân hàng làm tốt nhất, đó là màn trình diễn PowerPoint buồn chán với những biểu đồ biểu diễn tăng trưởng.
- Các bạn thấy đấy, khi chúng tôi tới Chennai, chúng tôi khởi đầu với một bước chân nhỏ bé, mà giờ chúng tôi đã là một người khổng lồ. Từ một chiếc idli mini chúng tôi đã trở thành một dosa bằng giấy, - Anil nói, lấy tay làm điệu bộ để cho thấy mức độ lớn nhỏ giữa hai món đó.
- Nào, ai đó ngăn ông ta lại đi, - Ananya rên lên.
- Bọn anh không thể. Ông ta là sếp, - tôi nói.
Anil kết thúc bài diễn văn của mình và đội nhân viên vỗ tay nhiệt tình. Các khách hàng khổ sở ngồi chờ trong khi hai bài phân tích không có luận cứ gì xác thực nhưng hết sức tự tin về viễn cảnh của ngân hàng trong vòng mười năm tới được đem ra diễn thuyết.
- Cứ cho tỉ lệ tăng trưởng GDP là bảy phần trăm, bức tranh sẽ là như vậy, - nhà phân tích nói.
Không ai buồn hỏi bảy phần trăm ấy lấy đâu ra, nhưng ngay sau đó, nhà phân tích đã đưa ra đủ các loại biểu đồ để cho thấy chuyện gì sẽ xảy ra nếu tỉ lệ tăng trưởng đúng là bảy phần trăm thật.
Màn thuyết trình kết thúc lúc tám rưỡi. Người ta bắt đầu xáo động khi Bala quay trở lại sân khấu.
“Không phải là một tay ngân hàng nữa chứ”, bạn gần như có thể nghe thấy họ nghĩ vậy.
- Và giờ đây, cho phần nhạc hội chúng tôi sẽ có riêng một MC, cô T.S. Smitha, - Bala nói.
Đám đông vỗ tay khi cô Smitha ngực bự bước lên sân khấu. Cô mặc một chiếc áo cánh cổ khoét sâu, hơi quá sâu một chút so với tiêu chuẩn Citibank.
- Chào mừng quý ông quý bà, - Smitha nói, cầm chiếc mic trong tay. - Các vị cảm thấy vui chứ ạ?
Không ai trả lời.
- Cô ấy mặc cái gì vậy? - Ananya nói.
Cả bàn chúng tôi đều nghe thấy và cười khúc khích.
- Anh phải thừa nhận nó hơi khiêu khích một chút, - tôi nói.
- Khe ngực lớn thế kia, cô ấy có thể dùng để kẹp cái mic luôn ấy chứ. Thế là rảnh tay, - Ananya thì thào với tôi.
- Yên nào, Ananya, - tôi nói, cố kìm để khỏi bật cười.
- Tối nay chúng ta có ba ca sĩ tài năng, - Smitha nói. Tim tôi đập nhanh. - Tất nhiên tất cả chúng ta đang chờ đợi những ca sĩ gạo cội. Nhưng ca sĩ đầu tiên là một người mới, rất tài năng, Radha. Hãy chào mừng cô ấy lên sân khấu.
Đám đông vỗ tay còn tôi nghển cổ nhìn lên sân khấu. Mẹ Ananya bước ra sân khấu trong bộ sari màu cam.
- Là mẹ kìa, - Manju nhận ra đầu tiên, thằng bé đứng phắt lên.
-----------
Còn tiếp.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét