Thứ Ba, 17 tháng 4, 2018

Hồ Sơ ODESSA - Chương 5

Hồ Sơ ODESSA

Tác giả: Frederick Forsyth
Người dịch : Cung Khắc Dũng
Nhà xuất bản Trẻ - Năm xuất bản: 1974

Chương 5

Sáng thứ Tư là thời gian trong tuần năm vị lãnh đạo hệ thống tình báo Israel gặp nhau để duyệt xét và đúc kết tình hình trình Hội Đồng Nội Các.
Trong khi tại một số quốc gia khác, những cơ quan Tình Báo thường tìm cách chèn ép nhau, nghi kỵ lẫn nhau, Israel may mắn hơn không có tệ trạng này.
Tại Liên Sô, KGB căm thù GRU. Tại Hoa Kỳ FBI không đời nào chịu hợp tác với CIA. Cơ quan mật vụ Anh quốc ví ngành đặc biệt của Scotland Yard như một đám múa rối. Còn SDECE của Pháp chứa toàn những tên lưu manh, ma cạo, buôn lậu, đến độ người ta tự hỏi Cơ quan Tình báo này của Pháp có phải là một công cụ của chính phủ hay của “Thế giới Đen”.
Israel lại khác hẳn. Mỗi tuần một lần, năm vị lãnh đạo năm ngành tình báo gặp nhau để trò chuyện một cách thân mật, và không bao giờ họ đi bươi móc những khuyết điểm của nhau. Trong những buổi họp này, cà phê, bánh ngọt, nước trà được dọn ra, những ai hiện diện gọi nhau bằng tên một cách thân thiện, bầu không khí trong phòng họp thật cởi mở, và nhiều việc được giải quyết một cách mau chóng; thay vì phải chuyển qua hệ thống hành chánh phức tạp.
Đại Tướng Meir Amit, Tổng Kiểm Soát Viên Mossad tức Ủy Ban Phối Họp Tình Báo Quốc Gia, kiêm Chủ tịch năm ngành tình báo của Do Thái đang trên đường đi đến buổi họp thường lệ này vào ngày 4 tháng 12. Qua khung cửa kính của chiếc xe Hoa Kỳ bóng loáng, bầu trời Tel Aviv đang dần sáng. Nhưng Tướng Amit không để ý mấy đến khung cảnh đầy màu sắc này. Ông ta đang lo âu. Tướng Amit luôn luôn lo âu.
Nguyên nhân của sự lo âu là một mẩu tin nhỏ mà Đại Tưởng vừa nhận được vào lúc tờ mờ sáng. Một vài diễn biến mới mẻ được bổ túc thêm vô hồ sơ càng lúc càng nhiều, và những diễn biến này có tầm mức hết sức quan trọng vì liên hệ đến những hỏa tiễn tại Helwan.
Khuôn mặt lạnh như tiền của vị Đại Tướng bốn mươi bốn tuổi không bao giờ để lộ một thoáng ưu tư nào. Chiếc xe chở ông chạy vòng quanh công trường Zina, rẽ ra ngoại ô. Tướng Amit ngả lưng ra chiếc nệm êm ái, ôn lại quá trình của những hỏa tiễn đang được chế tạo ở vùng ngoại ô Cairo, đã làm thiệt mạng không biết bao nhiêu công dân Do Thái, và đã làm cho vị tiền nhiệm của ông, Tướng Isaar Harel, bay chức Tổng Kiểm Soát Viên Mossad.
Năm 1961, trước khi hai hỏa tiễn của Nasser được đem ra trình diễn cho công chúng xem, Mossad đã biết qua sự hiện hữu của chúng. Từ lúc bản tin đầu tiên được đánh đi từ Ai Cập, Mossad đã đặt Xưởng 333 trong tình trạng thường xuyên theo dõi.
Mossad cũng biết rõ công cuộc tuyển mộ khoa học gia Đức sang Ai Cập làm việc do Odessa chủ trương. Đây là một biến cố hết sức quan trọng, và trở nên cực kỳ nghiêm trọng vào đầu mùa Xuân năm 1962.
Tháng 5 năm đó, Heinz Krug, tên trùm tuyển mộ, đến Vienna để tiếp xúc với nhà Vật lý học Áo, Tiến sĩ Otto Yoklek. Thay vì nhập bọn với các đồng nghiệp sang Ai Cập, Yoklek tìm cách liên lạc với Israel. Những điều Yoklek thông báo cho Tel Aviv thật kinh khủng. Yoklek tiết lộ cho nhân viên của Mossad được gởi đến Vienna, rằng Ai Cập dự tính nhồi hàng trăm ký siêu vi khuẩn dịch hạch và bạch kim nhiệt bức vô đầu nổ. Tin tức do Yoklek tiết lộ quan trọng đến độ vị Tổng Kiểm Soát viên Mossad đương thời, Đại Tướng Isaar Harel, phải thân hành sang Vienna để tìm hiểu thêm. Tướng Harel là người đã hộ tống Eichmann từ Buenos Aires về Tel Aviv. Harel tin chắc rằng những tin tức do Yoklek tiết lộ rất chính xác, vì những tin tức này phù hợp với nguồn tin cho rằng Cairo đã đặt mua nơi một hãng tại Zurich một số lượng bạch kim có nhiễm phóng xạ gấp 25 lần nhu cầu thực sự cần thiết. Trở về Tel Aviv, Harel vô yết kiến ngay Thủ tướng Ben Gurion, khuyến cáo Ben Gurion cho phép thực hiện một chiến dịch trả đũa nhằm vô đám khoa học gia Đức đang cộng tác với Ai Cập, hoặc đang dự tính sang Cairô. Vị Thủ tướng già đứng trước một tình thế thật khó khăn, nan giải. Một mặt, nhận biết mối nguy hại của những hỏa tiễn và đầu nổ của chúng, một mặt không thể chối bỏ giá trị của những chiến xa và súng nặng mà Đức đang chuyển qua Tel Aviv. Và nếu cho phép trả đũa đám khoa học gia Đức dự tuyển sang Ai Cập, ngay ngoài đường phố của Tây Đức, điều đó sẽ khiến cho Adenauer hùa theo thiểu số chống đối hiệp ước vũ khí. Ngay trong chính phủ Tel Aviv cũng có một sự rạn nứt, như trong Nội các Bonn, chỉ vì hiệp ước Waldorf này, Isaar Harel và Ngoại trưởng Golda Meir đều đồng ý phải áp dụng chính sách cứng rắn đối với đám khoa học gia Đức, trong khi Shimon Peres và vị Tư lệnh Quân lực Israel lo ngại sẽ mất những chiến cụ quý giá nếu chính sách của Israel quá cứng rắn. Ben Gurion đứng giữa, không biết theo ai, bỏ ai. Ông đành phải chọn giải pháp đi hàng hai. Ông cho Harel hành động một cách kín đáo để làm thất vọng những ai dự tính cộng tác với Nasser. Nhưng tướng Harel căm thù Đức không đội trời chung, được dịp tung hoành, và đi ngược lại chủ trương của Thủ tướng Ben Gurion.
Heinz Krug, tên trùm tuyển mộ, người của Odessa, mất tích vào ngày 11 tháng 10 năm 1962. Đêm hôm trước hắn dùng cơm với Tiến sĩ Kleinwachter, chuyên viên hỏa tiễn mà Krug định kết nạp, cùng với một người Ai Cập vô danh khác. Sáng hôm 11 chiếc xe hơi của Krug được tìm thấy bỏ hoang trước mặt nhà hắn ở ngoại ô Munich. Vợ hắn liền tố cáo chính Do Thái đã nhúng tay vô vụ này chớ không ai vô đó cả. Cảnh sát Munich không tìm ra được một vết tích nào liên can đến Kug hay bọn bắt cóc hẳn cả. Thật ra Krug bị một nhóm người hành tung rất bí mật, do một tên Leon nào đó cầm đầu, nhận chìm xuống đáy hồ Starnberg.
Chiến dịch trả đũa sau đó chuyển sang những khoa học gia hiện làm việc tại Ai Cập. Ngày 27 tháng 11, gói hàng được gửi bảo đảm từ Hamburg đến Cairo cho Giáo sư Wolfgang Pilz, cha đẻ của hỏa tiễn Véronique của Pháp. Thư ký của Giáo sư Pilz, cô Hannelore Wenda mở gói hàng ra, và bị chất nổ giấu trong đó làm mù cả cặp mắt. Một ngày sau, một gói hàng khác xuất xứ cũng tại Hamburg đến Xưởng 333. Sau vụ Giáo sư Pilz, cơ quan an ninh Ai Cập đã bủa một màn lưới an ninh dày đặc, chặn và kiểm soát mọi thư từ bưu kiện. Một nhân viên an ninh Ai Cập mở gói hàng ra. Sau tiếng nổ long trời lở đất, năm người chết liền tại chỗ và mười một người khác bị thương nặng, Ngày 29 tháng 11, thêm một gói khác được gửi đến Xưởng này, nhưng không ai hề hấn gì.
Bắt đầu từ ngày 20 tháng 2 năm 1963, nhân viên của Hard một lần nữa chuyển hướng hoạt động sang Tây Đức. Tiến sĩ Kleinwachter, do dự không biết phải sang Ai Cập hay ở lại Tây Đức, đang lái xe từ phòng thí nghiêm Lorrach gần biên giới Thụy Sĩ trở về nhà. Bỗng một chiếc Mercedes đen từ đâu trờ tới, chận ngang dường. Kleinwachter chỉ còn kịp lao mình nằm sấp xuống sàn xe để tránh một tràng liên thanh bẳn vỡ tung kính xe trước. Sau đó chiếc xe Mercedes đen này, bị đánh cướp hai ngày trước khi xảy ra vụ mưu sát, được tìm thấy nằm lăn lóc trong một khu rừng.
Trong hộp đựng bao tay có một tấm danh thiếp đề tên Đại tá Ali Samir. Sau khi tận lực điều tra, Cảnh sát Tây Đức mới khám phá ra rằng Đại tá Samir chính là trùm mật vụ của Ai Cập. Đám bộ hạ của Tướng Harel đã thuyết phục được Kleinwachter với một chút khôi hài đen.
Sau vụ này, chiến dịch trả đũa của Israel trở thành đề tài số 1 của báo chí Tây Đức. Nhưng sau vụ Ben Gal, chiến dịch này mất hết ý nghĩa của nó, cũng như uy lực mà nó đã tạo dựng được qua những vụ trả đũa trước.
Vào ngày 02 tháng 3 năm 1963, cô Heidi Gorke, trưởng nữ của Giáo sư Paul Gorke, một trong những vị đầu tiên khai sáng chương trình hỏa tiễn cho Nasser, nhận được một cú điện thoại tại nhà ở Friburg. Người gọi điện thoại để nghị gặp cô Heidi tại khách sạn Three Kings ở Basel, gần biên giới Thụy Sĩ. Heidi mật báo cho Cảnh sát Tây Đức, và cơ quan này thông báo cho đồng nghiệp Thụy Sĩ. Họ đặt một hệ thống thu thanh ngay trong phòng được dành cho cuộc họp mặt giữa Heidi và người gọi điện thoại. Trong buổi gặp gỡ, hai người đàn ông mang kiếng mát khuyến cáo Heidi và người em phải thuyết phục cha họ rời Ai Cập càng sớm càng tốt, nếu muốn bảo toàn tính mạng cho cả gia đình. Bị theo sát về tận Zurich và bắt giữ vào đêm hôm đó, hai người đàn ông đeo kiếng mát được đem ra xét xử vào ngày 10 tháng 6 năm 1963 tại Basel. Đây là một vết nhơ của Israel trên chính trường quốc tế. Yosef Ben Gal, công dân Israel, là thủ lãnh của hai người này. Nhưng vụ án theo đà thuận lợi cho Israel. Giáo sư Yoklek được mời ra tòa với tư cách nhân chứng, và ông đã trưng ra những bằng cớ liên hệ đến những đầu đạn diệt chủng của Ai Cập, gây sững sờ cho cả phiên tòa. Họ nghị án và tha bổng cả tổ của Ben Gal.
Nhưng khủng hoảng thật sự xảy đến cho Israel. Dù Thủ tướng Adenauer đã cam kết vói Ben Gurion là sẽ cố gắng ngăn chặn và chấm dứt nạn tuyển mộ khoa học gia Đức sang Ai Cập, Ben Gurion vẫn cảm thấy mất mặt vì vết nhơ Ben Gal.
Vị Thủ tướng Israel đổ hết tội lên đầu Tướng Isaar Harel, vì Tướng này đã quá hăng say trong nhiệm vụ, và vượt quá quyền hạn được cho phép, Harel phản ứng lại Ben Gurion bằng cách đệ đơn từ chức Tổng Kiểm Soát Viên Mossad, Ben Gurion chấp thuận ngay đơn từ chức của Tướng Harel, chứng minh cho nội các của ông thấy rằng không một ai thật sự tối cần thiết và không thể thay thế được, ngay cả vị trùm tình báo trong nước,
Đêm 23 tháng 6 năm 1963, Tướng Issar Harel trò chuyện thật lâu với người bạn thân, Tướng Meir Amit, lúc đó còn làm Chỉ Huy Trưởng Nhánh Quân Báo, Tướng Amit nhớ lại nội dung câu chuyên rất rõ ràng, và khuôn mặt lúc đó của Tướng Harel, khuôn mặt chứa đựng sự tức giận, khuôn mặt của “Con Hổ dữ”, “Tôi cần cho bạn biết, bạn Meir thân mến của tôi, rằng kể từ giây phút này Israel không còn thực hiện một hành động trả đũa nào nữa hết! Tôi đã đệ đơn từ chức và Ben Gurion đã chấp thuận, Tôi đã yêu cầu Nội các tín nhiệm bạn trong chức vụ Tổng Kiềm Soát Viên Mossad, và tôi tin chắc Nội các sẽ chấp thuận”.
Hội đồng Tổng trưởng Israel chấp thuận lời yêu cầu của Tướng Harel và vào cuối tháng 6 năm 1963, Tướng Meir Amit tuyên thệ nhận chức Tổng Kiểm Soát Viên Mossad.
Tuy nhiên ngày tàn của Ben Gurion cũng đã đến. Phe diều hâu trong nội các, do Levi Eshkol và Ngoại trưởng Golda Meir cầm đầu, buộc Ben Gurion phải từ chức, và vào ngày 26 tháng 6 năm 1963, Levi Eshkol được tín nhiệm trong ghế Thủ tướng Israel. Ben Gurion đành nuốt giận trở về nông trại trong vùng Negev, vẫn còn được làm ủy viên trong Knesset tức Quốc Hội Israel. Mặc dù đã thanh trừng Ben Gurion, Levi Eshkol vẫn không phục hồi chức vụ cho Tướng Isaar Harel, vì cho rằng Meir Amit là một tướng lãnh chín chắn và “dễ bảo” hơn Tướng Harel, người đã trở thành thần tượng của dân tộc Do Thái. Chính sách đối ngoại đo Ben Gurion đề ra vẫn còn được tân chính phủ áp dụng. Lệnh ban cho Tướng Amit vẫn như cũ, nghĩa là tránh tạo thêm xì căng đan tương tự như vụ Ben Gal. Không biết hướng mục tiêu trả đũa vô đâu, Tướng Amit nhắm vô thiểu số khoa học gia tại Ai Cập.
Những kiều bào Đức này sống thật thoải mái tại Meadi cách thủ đô Cairo chừng mười cây số, nằm bên bờ sông Nile. Meadi sẽ là một khu trú ngụ lý tưởng cho thiểu số này, nếu không bị nhân viên an ninh Ai Cập canh giữ như nhà lao. Để thấu đạt đến mục tiêu này, Tướng Meir Amit phải dùng đến nhân viên ưu tú nhất trong cụm tình báo Israel tại Ai Cập, Wolfgang Lutz, Hội trưởng Hội Kỵ Mã Cairo. Kể từ tháng 9 năm 1963, Lutz phải thật liều lĩnh để mong hoàn thành nhiệm vụ, và không tránh khỏi để lộ tung tích 16 tháng sau đó.
Đối với thiểu số khoa học gia tại Cairo, chưa hoàn hồn sau vụ những bưu kiện gài chất nổ, mùa Thu năm 1963 biến thành mùa ác mộng. Ngay trong khu an toàn như Meadi họ vẫn nhận đều đều những lá thư hăm dọa xuất xứ từ Cairo.
Tiến sĩ Josef Eisig nhận được một bức thư mô tả sinh hoạt hằng ngày của cả gia đình ông một cách thật chính xác. Bức thư được kết luận bằng một lời khuyến cáo Tiến sĩ Eisig nên hồi hương. Những khoa học gia khác đều nhận được một bức thư tương tự. Ngày 27 tháng 9 năm 1963, một bức thư nổ tung vô mặt Tiến sĩ Kirmayer. Đối với một số khoa học gia, sự kiện này gây nên tình trạng tức nước vỡ bờ. Một số trong nhóm lũ lượt khăn gói hồi hương. Cuối tháng Chín, Tiến sĩ Pilz rời Cairo trở về quê cha đất tổ cùng với cô Wenda, cộng sự viên đắc lực của ông. Và theo gương Tiến sĩ Pilz, hàng chục chuyên viên về vật lý không gian rời bỏ Ai Cập không mến tiếc, và Cơ quan Moukhabarat nhìn họ ra đi một cách bất lực, không biết làm sao cầm chân họ lại.
Vị Tướng ngồi trong chiếc xe Hoa Kỳ bóng loáng đang chạy qua đường phố Tel Aviv tin chắc rằng nhân viên của ông, tên thiên Nazi giả hiệu Lutz, là tác giả của những bức thư quái ác gởi đến đám khoa học gia Đức. Ông cũng thừa biết không phải vì vậy mà chương trình chế tạo hỏa tiễn của Ai Cập phải bị trì trệ. Bản tin mới nhất chứng minh điều này: Viện Y Khoa Ai Cập vừa cô lập được một giống vi khuẩn dịch hạch cực mạnh, và ngân khoản dành cho chương trình nghiên cứu này được tăng gấp mười lần. Bản tin này còn nhận định thêm rằng, mặc dù bị ảnh hưởng mạnh bởi kết quả của vụ án Ben Gal, Ai Cập vẫn quyết thi hành chương trình diệt chủng.
* * *
Nếu giờ này Hoffman biết được, hắn phải công nhận thêm một lần nữa rằng Miller quả không hổ danh một phóng viên kỳ tài, mưu mẹo.
Sau khi rời khỏi văn phòng chủ nhiệm tờ Spiegel, chàng phóng viên dùng thang máy xuống tầng lầu năm để ghé thăm Max Dorn, cố vấn pháp luật của tuần báo này.
- Tôi vừa gặp ông Hoffman. - Dứt lời, chàng tự động ngồi xuống ghế đối diện Dorn.
Miller nói tiếp:
- Bây giờ tôi đang cần một vài manh mối mà chỉ cổ bộ óc siêu việt của bạn mỏi có thể giúp tôi thôi!
- Muốn hỏi gì cứ nói chớ đừng nâng tôi quá! - Dorn trả lời, nghĩ bụng Miller đang phụ trách một loạt phóng sự gì đây cho tờ Spiegel.
- Ai phụ trách điều tra tội ác chiền tranh tại Đức?
Câu hỏi đột ngột của Miller làm Dorn chưng hửng.
- Tội ác chiến tranh? - Dorn lập lại.
- Phải, tội ác chiến tranh. Cơ quan nào phụ trách điều tra những gì đã xảy ra tại những nước do Đức Quốc Xã chiếm đóng, và những kẻ bị kết tội phạm nhân chiến tranh?
- Ồ! Tôi hiểu bạn muốn hỏi gì! Trên căn bản thì thuộc thẩm quyền Tòa án địa phương thụ lý nội vụ!
- Tất cả Tòa án địa phương trong nước đều có quyền này sao? - Miller hỏi lại cho rõ.
Dorn dựa lưng ra ghế, ra mặt “thầy đời”.
- Có tất cả mười sáu tỉnh tại Tây Đức. Mỗi tỉnh đều có một Tòa Sơ thẩm, do một Chánh án chủ tọa mọi phiên xử. Tại văn phòng của chánh án là một Ban đặc trách điều tra những điều gọi là “Tội ác bạo tàn xảy ra dưới thời Đức Quốc Xã cai trị”. Mỗi tỉnh chịu trách nhiệm một vùng của lãnh thổ Đức Quốc Xã, hay một phần của lãnh thổ do bọn này chiếm đóng được.
- Bạn đơn cử tỷ dụ xem!
- Đây nhé! Stuttgart đặc trách điều tra và thụ lý mọi tội ác do bọn Nazi hay SS gây ra tại Ý Đại Lợi, Hy Lạp và Ba Lan. Frankfur thì lo điều tra lò “sát sinh” lớn nhất tức Auschwitz. Có lẽ bạn đã nghe qua vụ xử hai mươi tên lính gác SS tại Auschwitz sắp được đem ra trước Tòa Frankfurt rồi? Kể đến là những trại tập trung Treblinka, Chelmno, Sobibor và Maidanek được Tòa án Dusseldorf Cologne điều tra. Munich chịu trách nhiệm những tội ác xảy ra tại Ukraina và Lodz, những miền trước đây được đặt dưới quyền thống trị của Ba Lan.
Miller gật gù, cố ghi nhận những điều Dom vừa trình bày. Chàng phóng viên hất hàm hỏi Dom:
- Tỉnh nào đặc trách điều tra những tội ác xảy ra tại ba tiểu bang miền Baltic?
- Hamburg! - Dorn đáp lẹ và nói tiếp: - Hamburg cũng điều tra luôn những gì xảy ra trong vùng Danzig và yếu khu Warsaw, Ba Lan!
- Hamburg? - Miller ngạc nhiên hỏi: - Ngay tai đây?
- Phải! Có gì làm bạn thắc mắc?
- Tôi chỉ chú trọng đến Riga mà thôi!
Dorn nhăn mặt:
- Ồ. Bạn chú ý đến dân Do Thái gốc Đức? Nằm trong khu vực tư pháp của Hamburg rồi!
- Nếu có cơ quan hay cá nhân nào tố cáo những tội ác tại Riga, thì Hamburg sẽ lo thụ lý và xét xử nội vụ. À, mà hồi trước đến nay Hamburg đã xử vụ nào chưa?
- Bạn đoán đúng. Những gì xảy ra tại Riga thì Tòa án Hamburg sẽ xét xử, còn việc bắt giữ phạm nhân thì bất cứ cơ quan nào hay cá nhân nào cũng có thể yêu cầu cảnh sát sở tại bắt giữ, bất cứ tại đâu.
- Phương thức bắt giữ phạm nhân ra sao?
- Có một tập hồ sơ được gọi là hồ sơ tầm nã. Danh tánh của bất cứ phạm nhân nào, cùng với tên thật, bí danh, ngày sinh, nơi sinh, được ghi đầy đủ trong đó. Bình thường thì Ban đặc trách điều tra của Tòa án chịu trách nhiệm khu vực của mình phải bỏ ra hàng năm để soạn thảo bản cáo trạng trước khi bắt giữ phạm nhân, Sau khi hoàn tất bản cáo trạng và thu thập mọi chứng cớ rành rẽ, Ban này yêu cầu cơ quan cảnh sát bắt giữ phạm nhân đó, dù cho hắn có trú ngụ trong tỉnh nào đi nữa trong nội địa Tây Đức. Vài nhân viên cảnh sát sẽ được phái tới nơi cư trú của phạm nhân và dẫn độ hắn về, Nếu phát hiện được một tên tội phạm chiến tranh hạng gộc thì cảnh sát có quyền bắt giữ hắn trước rồi mới thông báo cho Tòa án trách nhiệm dẫn độ hắn về khu vực quản trị của mình. Nhưng kẹt một nỗi là phần đông bọn phạm nhân chiến tranh hạng gộc thường sinh sống dưới lốt một lý lịch hoàn toàn mới mẻ và xử dụng tên giả.
- Bạn nói đúng! Tôi muốn biết hồi trước đến nay Hamburg đã xử qua vụ nào tương tự chưa?
- Tôi không tài nào nhớ được! - Dorn đáp.
- Chắc thư viện phải lưu giữ những tài liệu, nếu có?
- Chắc vậy. Nếu vụ xử xảy ra từ năm 1950 trở về sau thì thế nào thư viện cũng lưu giữ tài liệu liên hệ.
- Bạn cho phép tôi xuống thư viện trổ tài lục lọi được không?
- Mời bạn cứ tự nhiên! Mà thôi! để tôi đi với bạn cho vui.
Thư viện đây là thư viện riêng của tờ Spiegel, và có đến năm chuyên viên quản thủ thư viện phụ trách cập nhật hóa mọi vấn đề, liên quan đến mọi thứ tin tức.
- Ông cần chi? - Ngươi quản thủ thư viện hỏi Dorn.
- Tài liệu về Eduard Roschmann. - Miller cướp lời Dorn.
- Phần hồ sơ phiếu ở phía này, mời hai ông theo tôi. - Người quản thủ trả lời, dẫn đường cho hai người theo sau. Hắn mở một hộc tủ để tựa Roa - Roz và cặm cụi lục lọi trong đó.
Miller nghĩ thật lâu trước khi nói:
- Ông có lưu giữ tài liệu nào liên quan đến tội ác chiến tranh không?
- Có ! Phần tội ác chiến tranh và những phiên xử liên quan đến mục này được lưu đàng kia!
Một lần nữa Dorn và Miller đi theo sau người quản thủ thư viện.
- Hãy kiểm tra dưới đầu đề Riga xem sao? - Miller đề nghị.
Người quản thủ thư viện tìm kiếm trong một ngăn tủ đem ra cho Dorn và Miller xem một hồ sơ đựng trong một phong bì màu đỏ mang đầu đề Riga - phiên xử Tội ác chiến tranh. Miller mở phong bì ra. Bên trong chỉ có hai mẩu tin lớn bằng hai con tem. Miller liếc mắt đọc. Hai mẩu tin này được cắt ra từ nhật báo năm 1950, tường thuật lại phiên xử ba chú binh nhì đã có những hành động dã man và phi nhân trong thời gian làm lính canh tại Riga từ năm 1941 đến năm 1944. Họ đều lãnh án khổ sai hữu hạn.
- Chỉ có bấy nhiêu đây sao? -» Miller hỏi.
- Phải, chừng này thôi. - Người quản thủ thư viện đáp.
- Bạn có thể tưởng tượng nổi không? - Miller nói với Dorn. - Trong mười lăm năm Tòa án Hamburg chỉ làm có chừng đó thôi, trong khi hàng năm, từ năm này sang năm nọ, chúng ta phải è cổ ra đóng thuế để nuôi họ!
Dorn có vẻ hơi đứng về phía Luật Pháp, liền bệnh vực Tòa án Hamburg:
- Tôi tin chắc họ đã làm hết sức mình!
- Còn khuya! - Miller nói, bỏ ra về trong cơn mưa tầm tã.
* * *
Cao ốc nằm ở phía Bắc ngoại ô Tel Aviv, nơi đặt bản doanh Mossad, giống như bất cứ cao ốc nào được xây cất trong chương trình bành trướng thủ đô ra ngoại ô. Không ai thèm để ý đến cao ốc này, ngay cả những người cư ngụ trong xóm. Hai bên cổng ra vào là hai tiệm tạp hóa, và trong hành lang trước khi đến trước cửa kính của trụ sở Ngân Hàng X là một chiếc thang máy, sát bên có một tấm bảng chỉ dẫn lối đi lên trụ sở của những Công ty Thương Mại, Bảo Hiểm, Văn phòng kiến trúc sư và một đại công ty xuất nhập cảng đặt trụ sở trên tầng chót của cao ốc. Công ty xuất nhập cảng này là trụ sở ngụy trang của Mossad.
Trong phòng họp của Mossad vỏn vẹn chỉ có một bàn dài và hai hàng ghế dành cho những vị Trưởng Ngành Tình Báo gặp mặt hàng tuần.
Năm vị Trưởng Ngành ngồi vào bàn trong khi đoàn tùy tùng gồm thơ ký và tốc ký viên đứng chầu sau lưng. Đôi khi những nhân vật quan trọng trong Nội các cũng có thể được mời tới dự thính những phiên họp này. Các buổi họp đều “Tối Mật” và không một ai được quyền phổ biến tin tức ghi nhận được trong những buổi họp này,
Ngồi ở đầu bàn là Tổng Kiểm Soát Viên Mossad. Hình thành năm 1937 dưới danh xưng Mossad Aliyah Beth, hay Tổ Chức của Cuộc Di Dân Thứ Hai, Mossad là cơ quan tình báo đầu tiên của Israel. Công tác đầu tiên của Mossad là đưa kiều dân Do Thái từ Âu châu về Palestine một cách an toàn. Sau khi Cộng Hòa Israel chào đời vào năm 1948, Mossad cầm đầu tất cả những ngành tình báo khác, và Tổng kiểm soát Viên Mossad đương nhiên trở thành Trùm Tình Báo của Israel.
Ngồi bên mặt của Tướng Amit là vị Chỉ Huy Trưởng Shaman, tức ngành Quân Báo mà nhiệm vụ chính là điều nghiên địch tình, Vị Trưởng Ngành đương thời là Tướng Aharon Yaariv.
Ngồi bên trái Tướng Amit là vị Chỉ Huy Trưởng Shabak, thường được gọi lầm là Shin Beth. Shabak là tiếng tắt của Sherut Bitachon, theo tiếng Do Thái có nghĩa là “Mật Vụ”. Danh xưng trọn vẹn của Tổ Chức Giám Sát An Ninh lãnh thổ Israel - an ninh lãnh thổ thuần túy - là Sherut Bitachon Klali, và được gọi tắt là Shabak.,
Ngồi cạnh hai vị trùm Shaman và Shabak là vị Tổng Giám Đốc Tổng Nha Nghiên Cứu, trực thuộc Bộ Ngoại giao, có nhiệm vụ ước đoán tình hình chính trị trong khối A Rập, một nhiệm vụ tối cần thiết cho nền an ninh Israel. Người kia là vị Giám Đổc đặc trách Do Thái vụ lo về số phận của những người Do Thái còn đang bị kẹt tại những nước bài xích Do Thái như Liên Sô và Ai Cập.
Mục đích của những buổi họp hàng tuần là tạo dịp cho năm vị Trưởng Ngành Tình Báo Do Thái duyệt xét tình hình trong tuần qua, và thông báo cho nhau biết những thành quả thu đạt được trong lãnh vực của mình, và trình bày những trở ngại và khó khăn lên Tổng Kiểm Soát Viên Mossad giải quyết.
Hai nhân vật khác cũng thường có mặt trong những buổi họp hàng tuần này, một là vị Tổng Thanh Tra Cảnh Sát, vị còn lại là vị Trưởng Khối Đặc Biệt trong Shabak, đặc trách phản dấy loạn và phản phá hoại.
Buổi họp hôm đó rất bình thường. Meir Amit ngồi vô ghế đặt ở đầu bàn và cuộc hội thảo bắt đầu. Tướng Amit dành lại mẩu tin mới nhận được hồi sáng sớm cho đến phút chót mới phổ biến cho cử tọa biết.
Mọi người, sau khi nghe tướng Amit đọc qua mẩu tin, đều ngồi im lặng và đều thấy rõ trong đầu viễn ảnh đen tối của Quốc Gia họ.
Vị trùm Shabak phát biểu ý kiến trước :
- Vấn đề là bằng bất cứ giá nào cũng phải ngăn chặn không cho hỏa tiễn của Ai Cập rời khỏi dàn phóng. Nếu chúng ta không ngăn nổi Ai Cập chế tạo hỏa tiễn, chúng ta cũng phải làm sao cho chúng không rời khỏi dàn phóng được!
- Đồng ý! - Tướng Amit nói. - Nhưng ngăn chận bằng cách nào?
 - Tiêu diệt chúng! Tiêu diệt chúng với tất cả những gì chúng ta đang có. Ezer Weizmann thừa sức san thành bình địa Xưởng 333 trong một phi vụ.
- Và khai chiến với Ai Cập trong khi chưa chuẩn bị sẵn sàng? - Amit hỏi lại. Ồng nói thêm:
- Mình cần phải có thêm nhiều chiến cụ nữa: thiết giáp, máy bay, pháo binh, nếu muốn thắng Ai Cập trong một trận chiến diện địa. Tôi tin rằng mọi người đều đoán biết trước sau gì chiến tranh Ai Cập - Israel cũng sẽ xảy ra. Nasser đã nhất quyết đánh chúng ta, nhưng hắn sẽ không dại gì đánh khi chưa ở trong tư thế sẵn sàng. Và ngay bây giờ, nếu chúng ta buộc hắn phải chấp nhận chiến đấu thì kết quả ra sao, quý vị đều hiểu. Nga Sô sẽ tức tốc viện trợ thêm cho hắn và với đống chiến cụ sẵn có trong tay, Nasser sẽ sẵn sàng hơn chúng ta.
Không khí im lặng một lần nữa bao trùm phòng họp. Vị Tổng Giám Đốc Tổng Nha Nghiên Cứu lên tiếng:
- Tin tức từ Cairo cho biết Ai Cập sẽ chuẩn bị xong vào năm 1967, với hỏa tiễn và đủ thứ chiến cụ khác!
- Lo gì! Lúc đó chúng ta sẽ sẵn sàng xuất quân rồi, với chiến xa, súng nặng và những phản lực cơ tối tân Mirage III của Pháp.
- Trong khi mình xài phản lực thì chúng có hỏa tiễn và bốn trăm chiếc mới ác chớ! - Một vị hiện diện lên tiếng.
- Thưa Quý vị! - Tướng Amit nói. - Chúng ta chỉ có một giải pháp duy nhất. Khi chúng ta chuẩn bị sẵn sàng cả rồi thì số hỏa tiễn quái ác của Ai Cập đều đã được chôn giấu rải rác khắp nơi rồi, và chúng ta sẽ bất lực không phản ứng kịp thời, bởi chúng được chôn sâu dưới đất và không những phải tiêu diệt chín mươi phần trăm trong số, mà phải tiêu diệt hết số bốn trăm hỏa tiễn này, điều mà Ezer Weizmann và những phi công cảm tử của ông sẽ không bao giờ làm được!
Tướng Yaariv lên tiếng:
- Vậy chúng ta phải phá hỏa tiễn ngay tại nơi sản xuất!
- Đồng ý! Nhưng không được dùng phương tiện quân sự thuần túy. Mình phải cố làm sao buộc bọn khoa học gia Đức rời khỏi Ai Cập trước khi họ hoàn tất chương trình chế tạo hỏa tiễn. Quý vị nên nhớ là giai đoạn thí nghiệm đã qua, và bây giờ chúng đang ở trong thời kỳ sản xuất. Chúng ta chỉ còn sáu tháng nữa để hành động mà thôi! Sau thời gian này, bọn khoa học gia sẽ không thành vấn đề nữa. Lúc đó Ai Cập có thể tự chế lấy hỏa tiễn được. Tôi sẽ ra lệnh tiếp tục chiến dịch “khủng bố” khoa học gia trong một ngày gần đây.
Phòng họp trở nên im lặng trong vài ba phút sau khi tướng Amit dứt lời. Õng liếc nhìn những người hiện diện xem có ai thắc mắc gì không.
Vị Tổng Giám Đốc Tổng Nha Nghiên Cứu gằn giọng cho thông cổ và do dự hỏi:
- Thưa Đại Tướng! Chúng ta được phép “thuyết phục” bọn khoa học gia ngay tại quê nhà của chúng không?
Đại Tướng Amit lắc đầu:
- Không được, vì tình trạng căng thẳng hiện nay. Lệnh trên vẫn không thay đổi. Không được dùng bạo lực trong nội địa Tây Đức. Từ nay trở đi, những hỏa tiễn tại Ai Cập sẽ trở thành trung tâm điểm của những nỗ lực chúng ta!
Đại Tướng Meir Amit, Tổng Kiểm Soát Viên Mossad ít khi dự tính sai. Nhưng lẩn này ông lầm to. Vì trung tâm điểm của mọi nỗ lực của Do Thái không nằm tại Helwan mà tại một cơ xưởng trong nội địa Tây Đức.
------------
Còn tiếp.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét