Thứ Ba, 10 tháng 4, 2018

Khi Yêu Cần Nhiều Dũng Cảm - (Chương 54, 55, 56, 57)

KHI YÊU CẦN NHIỀU DŨNG CẢM

Tác giả: Chetah Bhagat
Người dịch: Nguyễn Thị Hương Thảo
NXB Hội Nhà Văn, 05-2015

PHẦN CUỐI - DELHI & CHENNAI

54

Từ sau vụ Goa, tôi trở thành kẻ nghiện công việc, dành mười bốn tiếng mỗi ngày làm việc như điên ở văn phòng. Tôi thậm chí còn mang laptop của công ty về nhà để cày bừa nữa. Tôi đạt được gấp đôi mục tiêu công việc của mình, tôi không giao lưu, tôi không xem phim và tôi ngừng đi ăn nhà hàng.
- Cậu có tương lai xán lạn đấy, - Rannvijay, sếp mới của tôi bảo.
Khi Citibank nhìn thấy tương lai xán lạn ở bạn, điều đó có nghĩa là bạn không có cuộc sống ở thời điểm hiện tại.
- Cảm ơn ông, Rannvijay, - tôi nói.
- Mà cậu cạo râu đi. Không muốn thay đổi diện mạo à? Để ria à? Và trông cậu có vẻ đuối… Chăm sóc sức khỏe của mình đi nhé.
Tôi đã cố gọi cho Ananya vài lần sau khi quay về. Nếu tôi gọi tới nhà, bố mẹ cô không chuyển máy cho cô. Còn khi gọi tới văn phòng, lễ tân sẽ bảo tôi là cô đang bận họp. Nếu tôi có gặp được cô, cô cũng tìm cớ thoái thác để không trò chuyện gì hết. Ananya giờ đã có điện thoại di động, nhưng cô lại chặn không nhận bất cứ cuộc gọi nào từ Delhi. Một ngày nọ có khách từ Citibank Mumbai tới văn phòng. Tôi nhờ điện thoại của ông để gọi một cuộc.
- Xin chào, - Ananya nhấc máy.
- Chào em, đừng gác máy. Là anh, - tôi nói.
- Krish, xin anh… điện thoại của ai vậy?
- Một người đồng nghiệp từ văn phòng Mumbai. Nghe này, anh xin lỗi, lần thứ mười đấy. Cô lễ tân bên em biết anh đã gọi đến không biết bao nhiêu lần rồi.
- Krish, đây không phải chuyện xin lỗi.
- Vậy đừng hờn dỗi nữa.
- Em không hờn dỗi. Em đang làm cái điều để tối đa hóa hạnh phúc của tất cả mọi người xét về khía cạnh lâu dài.
Tôi vò đầu bứt tai tìm lời đáp lại cái kiểu “xét từ góc độ tập thể” của cô.
- Còn em và anh thì sao?
- Với riêng em mà nói, em không thể để bố mẹ mình cảm thấy kém cỏi được.
- Em có nhớ anh không? - tôi hỏi.
Cô yên lặng. Tôi kiểm tra điện thoại, tôi đã gọi bốn phút. Đồng nghiệp của tôi nhìn tôi khó hiểu như thể tại sao tôi phải dùng điện thoại của ông ta.
- Ananya? Anh hỏi là, em có nhớ anh không?
- Có ích gì chứ? Cứ cho là em tha thứ cho anh, thì có thay đổi được điều gì nào? Mẹ anh có chịu thay đổi hay không? Định kiến của bà với em, với người Nam Ấn, với đằng nhà gái, có thay đổi hay không?
- Thực tâm thì bà là người tốt, Ananya. Hãy tin anh, - tôi nói.
- Ồ, vậy hả, thế sao anh không bảo mẹ anh xin lỗi bố mẹ em đi? - cô nói.
Giờ tới lượt tôi yên lặng.
- Thấy chưa? - cô nói.
- Giờ bà nhạy cảm với tất cả mọi thứ.
- Không, bà khư khư cái lối nghĩ mình là người bên nhà trai.
Tôi thở dài.
- Ananya, còn kế hoạch bỏ trốn của chúng ta thì sao? Hãy bỏ đi cùng anh, - tôi nói.
- Và đi đâu cơ? Đến với bà mẹ chồng đầy quan tâm, săn sóc của em sao? - Ananya nói, - Không, em muốn gả vào nhà nào mà bố mẹ em được đối xử công bằng.
- Em nên sinh ra là con trai mới phải, - tôi nói.
- Đừng phân biệt giới tính như thế, đáng lẽ em đã gác máy nếu không còn quan tâm đến anh.
- Em có quan tâm đến anh hay không? Em không yêu anh sao? Chẳng phải tình yêu của chúng ta hơn tất cả mọi thứ sao?
- Đừng hỏi những câu không thực tế, - cô nói, giọng trĩu xuống.
- Anh có thể làm được gì không? Bất cứ điều gì? - tôi nói trong tuyệt vọng.
- Đừng gọi cho em nữa. Giúp em thoát khỏi chuyện này đi, - cô nói.
- Anh yêu em, - tôi nói.
- Tạm biệt, Krish.
* * *
Tôi trở về nhà và ngồi trước ti vi. Với những gia đình không còn đúng nghĩa là gia đình, chiếc ti vi là một đặc ân lớn. Không có chất keo kết dính điện tử này, hàng triệu gia đình Ấn Độ đã tan đàn xẻ nghé rồi.
Những kênh âm nhạc đang phát những bản tình ca bất hủ. Những cặp đôi dường như vô cùng hạnh phúc. Có lẽ họ cùng một bang, cùng tôn giáo, địa vị, văn hóa và các ông bố bà mẹ của họ hoàn toàn đồng điệu với nhau. Không thế thì làm sao có thể yêu nhau ở Ấn Độ? Những người lớn trong gia đình bạn sẽ bị chọc cho nhảy dựng lên.
Mẹ tôi không nói về Goa hoặc cho thấy bất cứ dấu hiệu nào ăn năn hối lỗi. Bà có cảm thấy hơi áy náy về tâm trạng xuống dốc của tôi; sự ăn năn của bà bao gồm việc ngày nào cũng nấu những món paneer. “Mẹ đã làm paneer bhurji. Con sẽ ăn bánh parantha với nó chứ?”, bà hỏi.
Tôi không trả lời. Bà xem việc tôi không phản đối tức là đồng ý. Bà quay trở lại với bữa tối sau hai mươi phút.
- Con muốn ăn bơ trắng chứ? - mẹ tôi hỏi.
Tôi lắc đầu.
- Ở công ty nhiều việc quá hả con? Có ngân hàng Canara gần nhà chúng ta. Mẹ nói chuyện với quản lý ở đó kiếm một công việc nhé?
- Không, ở công ty cũng bình thường, - tôi nói.
Tôi cố ăn, nhưng không thể. Đã ba ngày nay tôi chưa ăn gì. Thấy bà không để ý, tôi giấu cái bánh parantha vào túi đựng laptop của mình.
- Bác Shipra đã giới thiệu một cô gái khác. Họ có một ngôi nhà ở Shalimar Bagh. Con có muốn gặp cô ấy không? - bà nói.
Tôi trừng trừng nhìn mẹ tôi.
- Gì thế? - bà hỏi.
- Con sẽ cưới cô ta. Không cần gặp. Được chứ? - tôi nói.
- Krish, đừng nói như thế. Mẹ đã ép buộc con khi nào?
- Con gặp các cô gái đó để làm gì? Con sẽ tìm hiểu được gì sau một giờ đây? Nước da của cô ấy à? Hình dáng - béo hay gầy? Có phải đá cẩm thạch trong nhà cô ta là thật? Tất cả những chuyện đó chẳng có ý nghĩa gì khi ta phải sống cả đời với một người, vậy nên tốt nhất là tiết kiệm thời gian. Bố mẹ hai bên cứ gặp nhau đi. Người nào làm thỏa mãn cái tôi của mẹ nhiều hơn thì mẹ ừ với người ta.
- Chuyện gì đã xảy ra với con vậy? Cái công ty đa quốc gia này đang hút máu con, - mẹ tôi nói.
- Mẹ xin lỗi bố mẹ Ananya được không? - tôi hỏi.
Mẹ tôi không đáp lại. Bà đứng dậy khỏi ghế xô pha và đi vào bếp.
Tôi bước theo bà.
- Sao mẹ không thể làm điều đó? - tôi nói.
Bà không trả lời tôi. Bà thấm nước rửa bát vào miếng bọt biển và cọ rửa xoong nồi. Bà nói với những thính giả tưởng tượng:
- Đầu tiên là một ông chồng vô dụng, giờ một đứa con vô dụng. Tôi cứ tưởng rằng sau đám cưới của con trai mình tôi sẽ nhận được sự tôn trọng. Tôi đã đồng ý cho nó lựa chọn cô gái đó, nhưng ít nhất hãy cư xử như đằng nhà gái chứ. Giờ nó muốn tôi phủ phục dưới chân họ. Đứa con gái đó có gì tuyệt vời đến thế? Bác Shipra đã nói đúng, tất cả mọi người đều ích kỷ.
- Dừng lại đi, mẹ, con có bảo mẹ nằm phục xuống đất đâu? Mẹ có thể xin lỗi họ qua điện thoại.
- Xin lỗi về cái gì? Chờ đợi những cái mẹ đáng được hưởng là sai sao? Chẳng phải mẹ đã chăm sóc bà nội con tới khi bà mất sao?
- Chẳng phải Ananya đã giúp giải quyết vụ nhà Công tước hay sao? Sau đó mẹ đã đồng ý rồi còn gì?
- Mẹ đã sai. Khi đó mẹ chưa gặp bố mẹ con bé. Mẹ chưa từng gặp những người khô như ngói vậy. Hãy nhìn cách họ ăn tối, cứ như đang bị đày đọa vậy. Mẹ Ananya - bà ấy có bao giờ cười không chứ? Đen từ trong ra ngoài.
Chuông cửa reo lên. Bố tôi đã trở về sau một chuyến đầu tư làm ăn nữa, cũng chẳng sáng sủa gì. Tôi tắt ti vi và mở cửa. Tôi đã nói với ông một phần sự thực về Goa. Tôi đã nói công ty có hội thảo ở đó và tôi sẽ đưa mẹ theo cùng. Tôi đã trở nên yên lặng sau khi trở về và thậm chí còn chẳng buồn đấu đá với ông nữa. Ông bước vào bên trong và nhận ra sự im lặng giữa mẹ tôi và tôi. Dạo này thường có những buổi tối chẳng ai thèm nói chuyện với ai cả.
- Con đã quyết định không nói chuyện với cả mẹ con luôn rồi à?
Bố tôi hỏi khi ngồi xuống ghế xô pha và cởi giày.
Phản ứng của tôi như lệ thường đáng lẽ là “Đó không phải việc của ông”. Nhưng tôi đã đấu đá với thế giới đủ rồi. Một cuộc cãi cọ nữa cũng chẳng được cái gì cả.
- Mẹ và con vẫn bình thường, - tôi nói.
Tôi ước mẹ tôi mang bữa tối ra cho ông nhanh lên.
- Con không thích công việc của mình sao? - bố tôi nói.
- Công việc thì tốt. Họ nói con có tương lai xán lạn, - tôi nói.
Tôi không biết tại sao mình lại nói câu cuối đó. Chẳng hiểu vì duyên cớ gì, tôi cảm thấy cần nói với bố mình rằng tôi đang làm tốt.
- Sao con lại bực dọc với mẹ con? - ông nói.
OK, thế là đủ rồi.
- Đó không phải việc của bố, - tôi nói.
- Con đang nói với bố rằng gia đình của bố không phải là chuyện của bố ư? - ông nói.
- Bố, đủ rồi. Con quá mệt mỏi để tranh cãi rồi.
Mẹ tôi mang bữa tối ra cho ông còn tôi quay trở lại phòng mình. Tôi lấy những bức ảnh của Ananya ra xem. Tôi trằn trọc trên giường tự hỏi không biết nên làm gì tiếp theo. Khi không ngủ được, đầu óc bạn nghĩ ra những kế hoạch kỳ quái. Tôi không thể làm điều đó qua điện thoại. Tôi phải tới tận nơi mới làm được.
Tôi thức dậy lúc bốn giờ và đi tắm.
- Giờ con đã đi làm rồi ư? - mẹ tôi nói khi nghe thấy tôi chuẩn bị.
- Con có một buổi thuyết trình, con sẽ về muộn, - tôi nói.
Tôi bắt một chiếc tuk tuk tới sân bay. Tôi đã vung hẳn một tháng lương để làm một chuyến ngang qua đất nước.
- Cho tôi một chuyến khứ hồi trong ngày tới Chennai, - tôi nói ở quầy của Indian Airlines.

55

Đến chuyến đi lần thứ hai, Chennai dường như đã quá quen thuộc với tôi. Tôi có thể nói đôi từ Tamil và mặc cả với cánh lái xe tuk tuk. Tôi biết những con đường chính. Tôi đến văn phòng Ananya lúc mười một giờ.
- Xin chào, tôi là Krish, - tôi nói với người lễ tân.
- Ồ, chính là anh Krish đó hả? - cô nói và gọi Ananya.
Ananya bước ra. Tôi dang tay để ôm cô, nhưng cô chỉ bắt tay.
- Anh đi về trong ngày thôi, - tôi nói khi chúng tôi ngồi trong căng tin của HLL.
- Anh không nên đến, - cô nói. - Sao râu ria anh không cạo à? Và sao trông anh có vẻ phờ phạc thế? Anh ốm à?
- Anh muốn gặp bố mẹ em, - tôi nói.
- Chẳng có ích gì đâu. Dù cho anh có lôi cuốn thế nào đi nữa, họ cũng không còn tin tưởng anh, - Ananya nói.
- Em có tin anh không?
- Không liên quan, - cô nói.
- Anh sẽ tới nhà em, - tôi nói.
- Đừng, bố mẹ Harish đang ở trong thành phố. Hôm nay họ sẽ tới thăm bố mẹ em.
Tôi hít vào một hơi sâu để ổn định tâm trạng.
- Ít nhất cũng dành một ngày cho anh đi, - tôi nói.
- Em không thể. Em phải làm việc. Thêm nữa, điều đó không tốt cho danh tiếng của bố mẹ em.
Máu dồn lên mặt tôi.
- Danh tiếng nào? Thế còn về Ahmedabad thì sao? Thế còn khi em nói dối họ để gặp anh ở Chennai thì sao? Thế còn lúc ở cửa hàng Ratna thì sao?
Vào lúc thân thể đã rã rời, tôi chợt lớn giọng. Cô đứng dậy.
- Xin đừng gây chuyện ở chỗ em làm.
- Xin đừng đùa giỡn với cuộc đời anh.
- Em không đùa giỡn gì cả! Hãy mạnh mẽ lên, bước tiếp đi, - cô nói. - Chuyện này với em chẳng dễ dàng chút nào. Bởi vậy, hãy để em yên.
Cô quay trở về văn phòng của mình, để tôi ngồi đó bừng cháy trong sự mệt mỏi và giận dữ. Tôi đã không cạo râu mười ngày rồi. Các cô gái khác trong căng tin ngồi tránh xa tôi. Tôi trông giống hệt một tên lưu manh Kollywood có thể hiếp dâm bất cứ ai ở bất cứ đâu vào bất cứ lúc nào. Đến tối chuyến bay của tôi mới cất cánh. Tôi có nửa ngày mà không có tiền tiêu. Tôi là một kẻ bại trận tuyệt đối, tôi quyết định tới Citibank và gặp Bala.
- Krish! - Bala nói, sốc vì sự xuất hiện và bộ dạng của tôi.
- Chào ông, nhà vô địch của phương Nam thế nào?
- Tôi ổn, nhưng cậu trông chán quá, - ông ta nói.
- Tôi chán, - tôi nói và sụp xuống trước mặt ông ta.
Bala gọi cà phê cho cả hai chúng tôi. Ông ta kéo ghế lên trước, háo hức nghe những chuyện ngồi lê đôi mách ở văn phòng tôi.
- Citi Delhi đối xử tệ với cậu à? Đừng có nói với tôi cậu muốn quay lại đấy nhé.
- Thôi nào, Bala, ông nghĩ Citibank có thể lấy đi phần tốt đẹp của tôi sao? - tôi nói.
- Rõ ràng ai đó đã làm việc đó. Ôi, mắt cậu. Cậu bị viêm màng kết à?
Tôi lắc đầu. Ông ta chạm vào tay tôi.
- Anh bạn, cậu bị sốt cao rồi. Cậu muốn tới gặp bác sĩ không?
- Tôi muốn uống. Lấy tôi một cốc được không? - tôi nói.
- Bây giờ ư? Đã đến giờ ăn trưa đâu.
Dạ dày tôi quặn lên và thế là tôi nôn. May quá, chẳng có gì tuôn ra và văn phòng của Bala vẫn có thể giữ được trạng thái như trước khi tôi đến.
- Cậu bị ốm rồi. Em họ tôi là bác sĩ, tôi sẽ gọi cậu ấy. Cậu ấy làm việc trong Bệnh viện Thành phố ở phố bên cạnh.
- Các cô gái nghĩ gì thế? Chúng ta không thể sống thiếu họ hay sao? - tôi lẩm bẩm.
Tôi không thể tin mình lại than thở với Bala. Nhưng tôi cần một ai đó, bất cứ người nào.
Bala đưa tôi đến một phòng khám của em họ ông ta, bác sĩ Ramachandran tức bác sĩ Ram. Bác sĩ Ram đã quay về từ Mỹ hai năm trước sau khi trở thành một bác sĩ đa khoa, công tác trong lĩnh vực nghiên cứu ung thư và đã gặt hái được một vài bằng cấp hàng đầu. Anh ta bảo tôi tới giường khám trong khi anh ta lấy các y cụ.
- Tôi sẽ gặp cậu sau vậy, - Bala nói.
- Người Nam Ấn các ông có quá nhiều óc nhưng quá ít tim, - tôi nói với Bala khi ông ta rời đi.
- Tôi đã nghe điều đó, - bác sĩ Ram nói khi bước tới chỗ tôi.
Anh ta đặt cái ống nghe lạnh ngắt lên ngực tôi.
- Vậy, tình huống này liên quan tới một cô gái à? - bác sĩ Ram hỏi.
- Cô gái nào?
- Lần cuối cùng anh ăn là khi nào? - anh ta hỏi.
- Tôi không nhớ nữa,  tôi nói.
- Mùi gì thế nhỉ? - vị bác sĩ hỏi.
Anh ta đánh hơi tới chỗ chiếc túi đựng laptop của tôi. Mùi parantha ôi thiu bốc lên khắp căn phòng.
- Cái gì thế này?
- Bữa tối ngày hôm qua, - tôi nói. - Ôi, laptop của tôi, hy vọng nó không sao.
Tôi mở laptop và nhấn nút nguồn. Nó vẫn hoạt động tốt.
- Tôi có thể xem nó được không? - bác sĩ Ram nói và trỏ tới máy tính của tôi.
- Được chứ, anh định mua một cái à? - tôi hỏi.
Anh ta không đáp lại. Anh ta dùng máy tính của tôi năm phút rồi trả lại.
- Sao thế?
- Đương nhiên anh cần nghỉ ngơi và ăn uống rồi. Nhưng anh cũng cần gặp bác sĩ tâm lý nữa.
- Gì cơ? Tại sao? - tôi hỏi.
Chắc chắn rồi, tôi đang hơi thần kinh một chút, nhưng tôi không muốn chính thức hóa nó.
- Tên cô gái đó là gì? - bác sĩ Ram hỏi.
- Cô gái nào? Tôi không thích các cô gái.
- Bala nói cô ấy là người Tamil. Ananya Swaminathan sống ở Mylapore, phải không? - anh ta nói.
- Tôi không thích người Tamil, - tôi gào lên. - Và đừng nhắc đến tên cô ta hay nơi đó.
- Tốt, bởi vì bác sĩ tâm lý tôi đang định giới thiệu cho anh là một cô gái Tamil. Bác sĩ Iyer đang ở trên gác. Anh đi luôn đi.
- Bác sĩ, tôi sắp có một chuyến bay. Tôi không sao mà.
Tôi cố gắng ra khỏi giường. Hai chân tôi có cảm giác như thể đã bị rút sạch máu. Tôi không thể giữ thăng bằng. Tôi ngã xuống sàn.
Bác sĩ Ram giúp tôi đứng lên.
- Tôi bị sao vậy? - tôi hỏi, lần đầu tiên lo lắng về bệnh lý của mình.
Anh ta đưa tôi một tờ giấy giới thiệu và nói.
- Chẳng có thuật ngữ chính xác nào. Nhưng có thể coi nó là những biểu hiện ban đầu của chứng suy nhược thần kinh.

56

- Mọi chuyện là thế đấy, tôi đã kể hết với chị rồi, - tôi nói.
Bác sĩ Neeta Iyer phá lên cười khi tôi kết thúc câu chuyện của mình.
- Chuyện này thật điên khùng. Chị thấy trong bi kịch của tôi có hài kịch sao?
Tôi mếch lòng. Chị ta vẫn không ngừng cười.
- Tôi trả tiền cho chị để điều trị cho tôi, - tôi nói và xem giờ. - Và hai mươi phút nữa tôi phải ra sân bay rồi.
Tôi chợt nhận ra rằng tôi đã nói chuyện với chị ta bốn tiếng rồi. Tôi không có đủ tiền để phung phí thế này.
- Xin lỗi, - chị ta nói, - anh làm tôi nhớ đến bạn trai đầu tiên của tôi. Anh ấy là người Bắc Ấn.
- Chị không cưới anh ta sao?
- Anh ta không muốn gắn bó, - chị ta lắc đầu.
- Ồ, xin lỗi, - tôi nói.
- Không sao. Tôi vượt qua chuyện đó rồi.
- Tất nhiên chị sẽ vượt qua, chị là một bác sĩ tâm lý cơ mà. Chị phải có khả năng tự chữa lành cho bản thân mình, nếu không làm sao chữa cho người khác.
Chị ta bước tới cửa sổ.
- À, Krish, chuyện không giống như thế. Một trái tim tan vỡ là thứ khó hàn gắn nhất.
Tôi thở dài.
- Tôi thanh toán bằng thẻ tín dụng Citibank có được không? - Tôi mở ví ra.
- Không sao, gửi séc cho tôi sau cũng được, - chị ta nói. - Hai người nên bỏ trốn đi.
- Chúng tôi cứ tưởng sẽ chinh phục được bố mẹ mình. Kết hôn còn gì vui vẻ nếu các bậc sinh thành chẳng thể nở được nụ cười trong ngày cưới của chúng tôi chứ? - tôi nói.
Chị ta bước tới và vỗ vào lưng tôi.
- Anh phải đi rồi. Thế, giờ tôi phải làm gì đây? Anh có muốn uống thuốc không? - chị ta hỏi.
- Ý chị là thuốc chống trầm cảm? Chẳng phải chúng không tốt sao?
- Đúng, nhưng còn tùy thuộc vào việc hiện tại anh cảm thấy tệ đến mức nào nữa. Tôi không muốn anh lên mạng Google tìm thuốc tự tử.
- Không đâu, - tôi nói, - đằng nào chắc tôi cũng héo rũ đi thôi, có cách nào khác cho tôi ngoài thuốc không?
- Có trị liệu, những buổi tư vấn như thế này. Nhưng nó sẽ mất vài tháng. Hay tôi thử tìm một chuyên gia tâm lý cho anh ở Delhi nhé.
- Không, gia đình tôi là người Punjab, họ mà phát hiện ra là tôi xong phim. Họ sẽ nói tôi bị tâm thần.
- Anh không bị tâm thần. Nhưng anh biết không, có thứ mà anh tự mình thử được đấy.
- Là gì vậy?
- Khi kể chuyện cho tôi nghe, sao anh lại nhắc tới vị guru đó?
- Ở tu viện Aurobindo?
- Đúng rồi, câu chuyện đó không thực sự liên quan tới Ananya hay bố mẹ cô ấy. Nhưng anh đã ghi nhớ tất cả mọi điều ông ấy nói.
- Phải rồi, về sự tha thứ.
- Đúng vậy, có lẽ nó quan trọng với anh đấy, - chị ta nói.
Tôi im lặng. Đồng hồ trong phòng chị ta nói với tôi rằng đã tới lúc quay trở lại hành trình của mình.
Tôi rời khỏi đó.
- Sân bay, làm ơn, - tôi nói khi vẫy một chiếc tuk tuk.

57

Tôi biết tôi phải ăn, não tôi biết thế, nhưng cơ thể tôi thì không chịu nghe. Ngày hôm sau khi trở lại Chennai, tôi chỉ húp xúp ở văn phòng; ở nhà tôi giả vờ là mình ăn tối rồi. Mẹ tôi hỏi khi nào tôi muốn cạo râu. Bà muốn tôi sắp lịch xem mặt một cô gái mới. Tôi nói với bà là tôi đã quyết định để râu suốt quãng đời còn lại. Bà làm mặt giận và rời khỏi phòng.
Bố tôi quay về nhà lúc mười giờ. Trông ông cực kỳ mệt mỏi. Chiếc áo ông thường bỏ trong quần đã bung ra ngoài, và mái tóc ông không được chải gọn ghẽ như ngày thường. Ông ngồi trước mặt tôi.
- Tôi ăn tối rồi, - ông nói với mẹ tôi.
- Tôi không biết tôi nấu ăn để làm gì nữa, - mẹ tôi vừa càu nhàu vừa rời khỏi phòng.
- Đêm qua con về muộn, - bố tôi nói.
Tận nửa đêm tôi mới từ sân bay về nhà.
- Con phải làm việc muộn, - tôi nói.
- Mọi thứ ổn chứ? - ông hỏi.
Tôi gật đầu.
- Bố đã có một ngày thực sự tồi tệ, - bố tôi nói. - Giấy tờ nghỉ hưu của bố bị kẹt ở các cơ quan nhà nước. Một lũ sâu bọ lười biếng.
Tôi gật đầu mà không chú tâm lắm. Những ý nghĩ của tôi đang tung ra khắp nơi, nhưng không có gì trong số đó liên quan đến bố tôi. Tôi có cảm giác cực kỳ khao khát và cực kỳ căm ghét Ananya cùng một lúc. Tôi cảm thấy oán giận mẹ tôi. Những vấn đề của chính tôi, ít nhất theo cách nghĩ của tôi, lớn hơn nhiều so với những thứ hồ sơ nghỉ hưu đang kẹt ở một cơ quan nhà nước nào đó.
- Giờ họ yêu cầu bố phải nộp ba lá đơn khác nhau. Ngày mai bố phải nhờ người ta đánh máy, - bố tôi nói.
Khi bố tôi phải chịu khổ, ông quên mất thiên hướng của mình - khiến cho những người khác chịu khổ. Ông không hề hét một tiếng kể từ lúc về nhà.
- Con có biết chỗ nào bố có thể thuê đánh máy các lá đơn không? Con có máy tính phải không? - bố tôi hỏi.
- Vâng, con có, - tôi nói.
Bố tôi tiếp tục nhìn tôi chờ đợi.
- Được, con sẽ đánh máy chúng bây giờ rồi mai đến cơ quan con sẽ in ra, - tôi nói.
Dù sao tôi cũng muốn có thêm việc để làm sao nhãng bản thân mình. Tôi mở laptop.
- Cảm ơn con, - ông thốt ra những từ ngữ chúng tôi còn không biết là có sống bên trong ông.
Tôi gõ ba lá đơn cho ông trong vòng ba mươi phút tiếp theo.
- Bạn con thế nào rồi? - ông nói với tôi.
- Bạn nào cơ? - tôi hỏi.
- Cô gái từ Chennai đến để dự đám cưới ấy, - ông nói.
Chỉ nhắc tới Ananya là cảm xúc của tôi đã bị khuấy đảo lên rồi. Tôi cảm giác như vừa bị ai đó đấm vào bụng. Có lẽ mình nên lấy những viên thuốc trầm cảm đó, tôi nghĩ.
- Con chẳng biết nữa. Chắc cũng ổn, - tôi nói sau một phút ngừng lại.
- Con không liên lạc với con bé sao?
- Ai bận việc người nấy mà bố, - tôi nói cho qua. - Mấy lá đơn của bố xong rồi đây. Ngày mai con sẽ in ra.
Tôi tắt máy tính.
- Thi thoảng hai bố con nói chuyện thế này cũng tốt, - bố tôi nói.
- Chúc bố ngủ ngon, - tôi nói và về phòng mình.
Tôi nằm trên giường và đó là khi cơn trầm cảm tổng tấn công tôi. Bác sĩ Iyer đã nói đúng, không thuốc thang nào có thể tệ hơn những gì tôi cảm thấy ngay lúc này. Tôi nằm bất động. Tôi cảm thấy như thể mình sẽ không bao giờ ra khỏi giường được nữa. Tôi nghĩ về tất cả mọi người trong cuộc đời mình. Từng người từng người một, tôi chỉ cho bản thân mình thấy rõ mỗi người trong bọn họ ghét tôi chừng nào. Nếu ngày mai tôi chết, có lẽ tất cả bọn họ sẽ vui sướng hơn. Và xét tới những điều chết tiệt mà tôi đang phải chịu đựng, thì chẳng có lý do nào để níu kéo tôi ở lại nữa. Tôi chẳng có ai để nói chuyện về hoàn cảnh của mình, trừ phi trả cho họ năm trăm rupi một giờ. Tôi ghét tiền, tôi ghét Citibank, tôi ghét công việc của tôi và tôi ghét loài người trên trái đất.
Bình tĩnh nào, Krish, chuyện này rồi sẽ qua, tôi tự nhủ. Thằng người lý trí trong tôi đang nói. Không đâu chú em, lần này chú mày quá bế tắc rồi. Đến hết đời chú mày vẫn sẽ cảm thấy như thế này, thằng người bấn loạn trong tôi nói. Như thế thật vô lý. Dù có tai ương gì xảy ra trong cuộc đời, người ta cũng phải làm quen với nó. Cậu không phải là anh chàng đầu tiên đối mặt với đổ vỡ, thằng tôi lý trí nói. Đúng, nhưng không ai thích cách tôi làm. Bởi thế, chẳng ai bị tổn thương nhiều như tôi cả, thằng người bấn loạn nói. Ừ, được rồi, thằng tôi lý trí nói và ngáp, chúng ta ngủ được chưa? Cậu biết cậu cần ngủ mà. Chú mày điên sao? Làm sao chú mày lại đi ngủ khi chúng ta có thể thức cả đêm và lo lắng về chuyện này chứ? thằng tôi bấn loạn nói.
Con người lý trí nhất và ngu ngốc nhất thế giới cùng tồn tại bên trong chúng ta. Điều tồi tệ nhất là, bạn thậm chí chẳng thể phân biệt được ai là ai.
-----------
Còn tiếp.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét