Thứ Năm, 19 tháng 4, 2018

Hồ Sơ ODESSA - Chương 11

Hồ Sơ ODESSA

Tác giả: Frederick Forsyth
Người dịch : Cung Khắc Dũng
Nhà xuất bản Trẻ - Năm xuất bản: 1974

Chương 11

Peter Miller viết thơ cho mẹ và Sigi dưới cặp mẳt cú vọ của Motti. Gần trưa hôm đó, Miller hoàn tất công tác đầu tiên do Leon giao phó.
Hành lý của Miller được mang đến, tiền mướn phòng tại khách sạn được thanh toán sòng phẳng, và quá mười hai giờ trưa, Motti, Miller và người tài xế đêm qua lên đường đi Bayreuth. Với giác quan bén nhạy của một phóng viên, Miller đưa mắt liếc nhìn tầm bảng số của chiếc Opel sơn màu xanh thay thế chiếc Mercedes sử dụng đêm qua. Motti kè theo Miller bắt gặp tia nhìn của chàng phóng viên, bật cười thành tiếng:
- Ngó gì dữ vậy! Xe này tụi này mượn tạm đó!
- Được biết mình hợp tác với những tay nhà nghề cũng đỡ lo!
Moíti tiếp tục cười:
- Bắt buộc! Phải lành nghề lắm mới sống nổi với bọn Odessa!
Ngồi vào băng xe Opel rồi, chiếc vớ đen lại được trùm lên đầu Miller. Khác hơn hôm qua, lần này chàng bị buộc phải gập người xuống sàn xe cho đến khi ra đến xa lộ E.6 mới được ngồi lại ngay ngắn và được cởi chiếc vớ ra.
Miller mở mắt ra khi chiếc Opel đang ngon trớn trên xa lộ trực chỉ Nuremberg và Bayreuth. Cả ba người dùng cơm trưa tại Ingolstad và một giờ sau đến Bayreuth.
Nằm trong lòng một trong những vùng đẹp nhất Đức Quốc, biệt danh là Thụy Sĩ của miền Bavaria, thị trấn Bayreuth nhỏ bé chỉ được biết đền nhờ vào Đại nhạc hội nhạc Wagner hàng năm. Trong những năm đầu tiên tổ chức đại nhạc hội này, Bayreuth đã được vinh hạnh tiếp đón tập đoàn đầu sỏ Đức Quốc Xã, kể cả Adolf Hitler.
Tên cựu sĩ quan SS đang đứng đợi Motti và Miller. Người hắn vạm vỡ, khuôn mặt sắt đá, với cặp mắt xanh lơ và mái tóc bạc trắng, Dù thời tiết đã sang Đông, tên này vẫn giữ được nước da ngăm ngăm sạm nắng.
Motti lãnh phần giới thiệu từng người một và trao cho Oster một lá thơ của Leon. Oster đọc nhanh nội dung lá thơ, gật đầu tỏ vẻ đồng ý, liếc nhìn Miller.
- Được. Tôi có thể cố gắng thử xem sao. Ông bạn này có thể ở với tôi trong bao lâu?
- Tôi cũng không biết nữa! Nhưng ít ra cũng đến khi bạn Miller của tôi đây được huấn luyện đầy đủ và kiếm được một lý lịch mới! - Motti đáp.
Một vài phút sau Motti bỏ ra về.
Ooter đưa Miller vô phòng khách và kéo màn che cửa sổ xuồng, trước khi bật đèn trong phòng lên.
- Kinh nhỉ! Ông quyết tâm muốn đội lốt một cựu nhân viên SS? - Oster hỏí. .
Miller gật đầu.
- Vâng! Đúng vậy.
Oster quay qua nói với chàng:
- Được rồi. Ngay bây giờ tôi sẽ dạy cho ông một vài điều căn bản. Tôi không biết ông thụ huấn căn bản quân sự tại đâu, nhưng tôi nghĩ chắc trong cái tổ chức vô kỷ luật, tự do dân chủ quá lố, tức Quân Đội Tây Đức tân thời, Đây là điểm quan trọng thứ nhất ông phải khắc ghi vô đầu: Quân Đội Tây Đức tân thời của ông sẽ chỉ chịu đựng chừng mười giây trước bất cứ một Trung đoàn thiện chiến nào của Đồng Minh trong Đệ II Thế Chiến. Ngược lại bộ đội Waffen SS có thể đánh tan bất cứ một lực lượng Anh. Mỹ, Pháp, và Nga đông gấp trăm lần quân số chúng. Điểm thứ hai: Bộ đội Waffen SS là một tập thể quân nhân chì nhất, được huấn luyện thuần thục nhất, có kỷ luật nhất, và khôn ngoan nhất được tung ra trận trong lịch sử chiến tranh của quả đất này. Dù cho họ có làm gì đi nữa thì các đặc tính vừa kể cũng không bao giờ thay đổi. Và chừng nào ông còn ở trong nhà này, ông phải làm đủng những gì tôi bảo. Mỗi khi tôi bước vô phòng, ông phải đứng vào thế nghiêm ngay lập tức! Khi tôi đi ngang qua ông, ông chụm gót giày lại và đứng nghiêm cho đến khi tôi đi qua được năm bước, Khi tôi nói với ông bất cứ điều gì, không cần câu trả lời ông phải hô lớn “Jawohl, Herr Haupsturmfuhrer” - Thưa Đại úy, vâng ạ - và khi nào tôi ra lệnh cho ông làm chuyện gì, ông phải trả lời “Zu Befel, Herr Haupsturmfuhrer”  Tuân Lệnh Đại úy - Rõ chưa?
Miller gật đầu.
Oster hét lớn:
- Chụm gót giày lại! Tôi muốn nghe tiếng gót giày chạm vào nhau. Được. Khá lắm. Vì chúng ta không có nhiều thì giờ, chúng ta sẽ bắt đầu học ngay kể từ ngày hôm nay! Trước khi chúng ta dùng cơm tối, tôi sẽ dạy ông hệ thống quân giai của SS bắt đầu từ Binh nhì đến Đại Tướng. Ông sẽ được học cách xưng hô và huy hiệu cũng như cấp hiệu của các cấp bậc SS gắn trên cổ áo. Sau đó chúng ta sẽ học các loại đồng phục khác nhau, những ngành phức tạp trong SS và các phù hiệu tương ứng, các dịp phải bận đồng phục tiểu, đại lễ, khi nào phải bận đồng phục dạo phố, quân phục tác chiến v.v...
Sau đó tôi sẽ hướng dẫn ông trong phần học tập chiến tranh chính trị, ý thức hệ, mà bất cứ đội viên SS nào cũng phải thông qua tại Trại Huấn Luyện Dachau. Sau đó ông sẽ được học các hành khúc ca, và những bài hát khác của tập thể SS.
Ngoài ra tôi có thể đặt cho ông câu chuyện ngụy tích xác thật từ lúc ông rời khỏi Trại Huấn Luyện Dachau đến nhiệm sở đầu tiên. Sau đó Leon phải cho tôi biết thêm dữ kiện về đơn vị ông được bổ xung đến, tên Chỉ huy trưởng là ai, khi chiến tranh chấm dứt ông ra sao, và từ năm 1945 đến nay ông làm những gì. Tuy nhiên phần đầu của chương trình huấn luyện sẽ kéo dài từ hai đến ba tuần, và vì đây là một chương trình cấp tốc nên tôi hy vọng ông sẽ chăm chú ghi nhớ mọi lời giảng dạy của tôi.
À, còn một điểm quan trọng nữa! Ông đừng bao giờ nghĩ trong đầu đây là một chuyện chơi, chuyện cà rỡn. Vì một khi đã lọt vô quỹ đạo của ODESSA rồi, biết được những tên trùm là ai, mà ông còn lơ là sơ hở cũng như vi phạm truyền thống tục lệ của SS, thì chắc chắn đời ông sẽ “hai lần năm mươi” và xác ông sẽ trôi dạt vô bờ một con kinh nào đó! Ông tin lời tôi đi. Kinh nghiệm bản thân của tôi đây. Tôi không phải là một con gà chết nhưng khi đã phản lại ODESSA rồi, tôi vẫn cảm thầy hơi “lạnh cẳng”.
Đó là lý do tại sao tôi phải sống chui sống nhủi như thế này, xài tên giả, không dám ló mặt ra đường!
Lần đầu tiên từ khi có ý định truy nã Roschmann, Miller tự vấn lòng mình, tự hỏi minh, có đi quá lố không?
* * *
Vào mười giờ sáng, Mackensen diện trình Sài Kíu Tinh. Khi cánh cửa ngăn cách văn phòng riêng của Sài Kíu Tinh với văn phòng của cô thơ ký Helda được đóng lại, Sài Kíu Tinh ra hiệu cho “Mack dao phay” ngồi xuống ghế trước mặt hắn và châm một điếu xì gà.
- Có một thằng phóng viên điều tra về hành tung và lý lịch mới của một đồng chí trong tập thể chúng ta. - Sài Kíu Tinh nói qua một màn khói thuốc.
Đao phủ thủ của ODESSA im lặng gật đầu. Mackensen đã quá quen thuộc với lối nhập đề như vậy trong bất cứ cuộc thuyết trình tay đôi nào giữa hai tên ác ôn.
- Trong tình thế thông thường, chúng ta sẵn sàng thả lỏng vấn đề. Hoặc thằng phóng viên sẽ chán nản bỏ cuộc vì không tìm ra cái đếch gì hết, hoặc đồng chí đang bị hắn theo dõi điều tra không đáng cho chúng ta bận lòng! - Sài Kíu Tinh nói.
- Nhưng lần này thì sao? - Mack Dao Phay hỏi.
Sài Kíu Tinh gật gù ra vẻ hối tiếc:
- Khác lắm. Vì một sự xui xẻo bất lợi cho chúng ta và cho đồng chí bị theo dõi nữa, nên thằng phóng viên mới tung hoành được. Lẽ thứ nhất: Đồng chí mà thằng phóng viên đang truy lùng là một nhân vật tối quan trọng, quan trọng cho chính chúng ta đây và cho cả kế hoạch trường kỳ của Tổ Chức nữa. Lẽ thứ hai: Thằng phóng viên này hết sức kỳ cục. Hắn thông minh, cứng đầu, khôn ngoan, và mang nặng trong đầu mối hiềm khích sâu xa đối với đồng chí chúng ta!
- Động lực nào thúc đẩy hẳn?
Sài Kíu Tinh cau mày vì chính hắn cũng không biết nữa.
- Chúng ta không biết tại sao hắn lại hành động như vậy. Nhưng chắc chắn hắn có ẩn ý nào đó. Đồng chí mà tôi vừa nói đã có những hành động có thể khơi dậy sự thù oán của bọn Do Thái và bè lũ. Đồng chí này từng chỉ huy một Khu Xóm tại Ostland. Một số người, mà phần đông là người ngoại quốc, không chấp nhận lời biện minh của tập thể SS chúng ta về những gì đã xảy ra tại Khu Xóm đó. Chuyện lạ nơi thằng phóng viên này là hắn không phải là người ngoại quốc, Do Thái, thiên tả, hay một thằng bất mãn, mà bất cứ chuyện gì cũng nhúng tay vô để rước lấy vài tiếng khen. Thằng này khác hẳn. Hắn là người Đức giống Aryan thuần túy, con trai độc nhất của một vị anh hùng của Thế chiến và không có gì trong lý lịch hắn cho thấy hắn có lý do thù ghét tập thể chúng ta, và cũng không thấy có nguyên cớ nào để hắn phải truy lùng cho bằng được đồng chí này. Chúng ta khuyến cáo, hăm dọa hắn đủ điều, để hắn bỏ qua mọi việc nhưng hắn không chịu. Tôi rất tiếc phải ra lệnh thủ tiêu hắn. Hắn đã không cho tôi chọn giải pháp nào khác!
- Thủ tiêu hắn? - Mackensen hỏi lại.
- Phải. Giết hắn cho tôi! - Sài Kíu Tinh xác nhận.
- Tông tích hắn hiện nay?
- Tôi chưa được biết. - Sài Kíu Tinh nói xong, đưa cho Mackensen hai tờ giấy đánh máy, và nói tiếp: - Chính hắn đó. Peter Miller, nghề nghiệp: Phóng viên tự do. Lần sau cùng thấy hắn ngụ tại khách sạn Dreesen tại Bad Godesberg, Bonn. Chắc hẳn đã rời khỏi nơi đó rồi, nhưng nên bắt đầu tìm hắn từ đó. Chỗ khác phải tìm là căn phòng thuê của hắn, nơi hắn sống chung với con đào. Nếu “chú” đến đó thì nói cho con đào hắn biết chú được một tờ tạp chí nào đó gửi đến gặp hắn để điều đình, như vậy con đào hắn mới tiết lộ tông tích của hắn cho chú biết. Hắn làm chủ một chiếc xe rất dễ nhận diện. Tất cả những chi tiết này được ghi đầy đủ trong hai tờ giấy tôi vừa đưa cho chú.
- Tôi cần tiền! - Mackensen nói gọn lỏn. Sài Kíu Tinh đã đoán biết trước điều này nên móc túi ra đưa cho Mackensen một phong bì đựng hơn 10.000 Đức Kim.
- Tiêu lệnh hành quân ra sao?
- Tìm và thủ tiêu. - Sài Kíu Tinh đáp.
* * *
Ngày 13 tháng Giêng năm 1964, tin tức liên quan đến cái chết của Rolf Gunther Kolb tại Bremen cách đó năm hôm đến tai Leon tại Munich. Bằng lái xe của kẻ quá cố được người đại diện Tổ Hoạt Động của Leon tại miền Nam Đức Quốc gửi kèm theo lá thơ.
Leon đối chiếu cấp bậc và số quân của Kolb với danh sách nhân viên SS và với danh sách tầm nã của Liên Bang Tây Đức, và không thấy ghi tên Kolb trong hai tài liệu này. Leon ngắm nhìn bức ảnh dán trên bằng lái xe trong một đôi phút và quyết định hành động ngay.
Leon gọi cho Motti tại Tổng Đài điện thoại nơi tên này làm việc, ra lệnh cho Motti trình diện ngay sau khi mãn phiên.
Leon đặt bằng lái xe của Kolb xuống trước mặt Motti.
- Đúng là người chúng ta đang tìm. - Leon nói. - Kolb được lên chức Trung sĩ nhất lúc mới mười chín tuổi, ngay khi chiến tranh chấm dứt. Khuôn mặt Kolb không giống Miller chút nào cả, dù cho chúng ta có đem Miller đến viên giải phẫu thẩm mỹ đi nữa. Nhìn gần thì thấy lộ ngay. Nhưng chiều cao và bề ngang của hai đứa xấp xỉ nhau. Do đó chúng ta cần có một tấm ảnh của Miller dán vô bằng lái xe này. Việc này không gấp lắm. Và để cho cái hình mới dán vô bằng lái xe có vẻ chính thức, chúng ta cần mượn tạm con dấu của Sở Cảnh Sát Lưu Thông Bremen trong một vài giờ, đồng hồ. Anh lo việc này cho tôi nhé!
Khi Motti ra về, Leon lại nhắc điện thoại lên gọi về Bremen để ra một loạt chỉ thị.
* * *
- Hay lắm! - Alfred Oster nói với “đệ tử”. - Bây giờ chúng ta học hát. “Chú” - Oster đã đổi cách xưng hô: - Chú nghe qua bài Horst Wessel chưa?
- Thưa rồi. Horst Wessel là hành khúc ca của Đệ Tam Đức Quốc Xã! - Miller đáp.
Oster hát lên vài đoạn.
- Ồ, tôi nhớ ra điệu nhạc rồi, nhưng lời ca thì...
- Được, từ từ. Tôi sẽ dạy chú ca chừng mười bài “tủ”, rủi trường hợp có ai bắt chú ca thử. Nhưng điều này quan trọng lắm nhé. Có thể bọn chúng sẽ yêu cầu chú đồng ca với chúng, mỗi khi được chấp nhận vô tập thể Kameraden rồi. Không thuộc lời ca không khác nào nhận bản án tử hình. Bây giờ hát theo tôi: ...Cờ bay, cờ bay dập dìu Đồng chí chúng ta một lòng siết chặt hàng ngũ sau lưng...
* * *
18 tháng Giêng.
Mackensen ngồi trầm ngâm truớc ly rượu tại khách sạn Schweizerhof, Munich, duyệt xét lại tình hình của cuộc điều tra. Là một tên sát nhân chuyên nghiệp, Makensen đã liên lạc với đại diện hãng Jaguar tại Tây Đức và đã xin hàng tá hình ảnh liên quan đến chiếc Jaguar XK 150S để dễ nhận ra nó mỗi khi bắt gặp. Nhưng kẹt một nỗi là hắn chưa tài nào bắt gặp được nó cả. Dấu tích của Miller tại Bad Godesburg đưa Mackensen đến phi trường Cologne và nơi đây cho biết Miller đã đáp máy bay qua London và trở về lại ba mươi sáu giờ đồng hồ trước đêm giao thừa. Sau đó cả xe lẫn người đã biến mất.
Những câu tra vấn tại căn phòng thuê và với con Sigi không cho Mackensen biết được gì mới lạ, ngoại trừ một lá thơ của Miller, gởi đi từ Munich, đại ý nói rằng hắn sẽ ở. lại thành phố này trong một thòi gian.
Trong suốt một tuần lễ, Munich trở thành đầu mối “chết” đối với Mack Dao Phay. Mackensen đã kiểm soát hầu hết những khách sạn, nhà trọ, ga ra, trạm vô dầu mỡ xe, và không tìm ra manh mối nào về Miller. Tên phóng viên tự do mà Mackensen dự tính cho đáp tàu suốt về bên kia thế giới, một cách lẹ làng và êm thắm, đã biến mất.
Nốc cạn ly rượu xong, Mackensen đến chiếc điện thoại đặt trên quầy rượu để báo cáo kết quả công tác cho Sài Kíu Tinh. Lúc đó hắn không biết rằng hắn chỉ đứng cách xa chỗ chiếc Jaguar được cất giấu chừng một cây số, trong một khuôn viên phía sau một tiệm bán đồ cổ, nơi Leon sanh sống và điều khiển Tổ Chức bé nhỏ và cuồng tín.
* * *
Tại Tổng Y Viện Bremen, một người đàn ông bận áo blouse trắng đi vô phòng hồ sơ bệnh lý. Chàng ta mang một ống nghe trước ngực, biểu hiện của một y sĩ nội trú.
- Tôi cần xem qua hồ sơ bệnh lý của tên Rolf Gunther Kolb. - Chàng ta nói với cô thư ký phụ trách.
Cô này không nhận ra vị y sĩ nội trú, nhưng đó không thành vấn đề, Tổng Y Viện Bremen có hàng chục y sĩ nội trú và làm sao biết mặt họ hết được? Và biết chi cho mệt.
Cô thư ký liếc mắt duyệt qua hộc hồ sơ phiếu, ngập ngừng  trong một thoáng trước tên Kolh, rồi đi về phía tủ sắt lôi hồ sơ của Kolb ra trao cho vị y sĩ. Điện thoại reo và cô ta ngoáy đít bỏ vị y sĩ đứng đó, ra trả lời điện thoại.
Vị y sĩ ngồi xuống ghế lật hồ sơ ra xem. Mớ giấy tờ này chỉ cho biết Kolb lên cơn đau, ngất xỉu ngoài đường và được xe cứu thương chở vô đây. Sau khi khám và định bệnh ung thư thời kỳ thứ ba cho hắn, Hội đồng Bác sĩ tại Tổng Y Viện quyết định không giải phẫu Kolb. Hắn được chừa trị bằng nhiều thứ ma túy khác nhau, nhưng không có hy vọng sống sót. Tờ giấy chót trong hồ sơ chi ghi võn vẹn có hàng chữ: “Bệnh nhân qua đời vào đêm 8 rạng 9 tháng giêng. Nguyên nhân: thủng ruột. Không có bà con thân thích. Thi hài được chuyển đến nhà xác công cộng ngày 10 tháng Giêng. Tờ giấy khai tử do vị bác sĩ trực trong đêm 8 tháng Giêng duyệt ký”.
Vị y sĩ nội trú rút tờ giấy chót này ra và thay vào đó một tờ giấy khác nội dung như sau:
“Dù được nhập viện trong tình trạng hôn mê, nhưng loạt ma túy chữa trị cho bệnh nhân hầu như đã cô lập được vi khuẩn. Bệnh nhân được thuyên chuyển qua Dưỡng Đường Hồi Sinh Arcadia vào ngày 16 tháng Giêng”.
Chữ ký thị thực chứng từ này lem nhem đọc không được.
Vị y sĩ nội trú trao hồ sơ lại cho cô thư ký, cám ơn cô ta vói một nụ cười thật tươi và bỏ đi ra ngoài. Ngày đó là ngày 22 tháng Giêng.
Ba ngày sau Leon nhận được bản tin cuối cùng ráp đúng vào phân cảnh cuối cùng của màn đạo diễn, tạo dựng nhân vật sẽ xâm nhập Odessa. Một tên thư ký hãng du lịch nọ tại Tây Đức gởi thư thông báo cho một chủ nhân một lò bánh mì tại Bremerhaven, xác nhận đã ghi chỗ chính thức cho vợ chồng ông ta trong chuyến du hành qua biển Carribe. Cặp vợ chồng già sẽ đi khỏi Bremerhaven trong vòng bốn tuần lễ bắt đầu từ ngày 16 tháng 2.
Leon thừa biết tên chủ lò bánh mì này là một cựu Đại Tá SS, và trở thành một ủy viên trong tổ Odessa tại Tây Đức.
Leon sai Motti ra ngoài phố mua một cuốn sách chỉ dẫn cách thức làm bánh mì.
* * *
Sài Kíu Tinh đang điên đầu. Trong ba tuần qua, hắn đã ra lệnh cho tất cả nhân viên nằm vùng tại những thành phố lớn trong nước truy lùng Miller và chiếc xe Jaguar, và đặc biệt chú ý đến căn phòng thuê, ga ra gởi xe, bà mẹ già. Ngân hàng của Miller cũng đã được chiếu cố đến, nhưng không nơi nào biết Miller ở đâu cả. Tóm lại hắn đã biến mất.
Đã đến ba mươi tháng Giêng rồi. Trái với ước muốn của hắn, Sài Kíu Tinh bắt buộc phải gọi điện thoại. Tay hắn rụt rè bốc điện thoại lên.
Tại miền rừng núi Đức quốc, một người đàn ông đặt điện thoại xuống, miệng lẩm bẩm chửi thề. Đêm đó là đêm thứ sáu, và hắn chỉ mới đến Lâu Đài để nghỉ cuối tuần chưa tròn hai ngày, thì đã gặp ngay chuyện bực mình do cú điện thoại vừa rồi.
Hắn tiến về phía cửa sổ của căn phòng làm việc được trưng bày một cách sang trọng và lịch sự. Ánh đèn từ cửa sổ chiếu ngang qua lớp tuyết dày đọng trên sân cỏ và kéo dài đến tận rừng thông, giới hạn của địa sản hắn.
Hắn luôn luôn ưa thích đời sống biệt lập tại một tòa lâu đài trên núi, vì đã nuôi mộng này từ nhỏ khi ngắm nhìn một cách thèm thuồng những dân giàu có đến nghỉ mát tại những vùng rừng núi quanh Graz.
Bây giờ hắn đã có trong tay những gì đã từng ấp ủ, ao ước suốt cả một thời thơ ấu, và hắn rầt lấy làm mãn nguyện.
Dĩ nhiên lâu đài này phải khá hơn nhà của một công nhân hãng la-ve nhiều. Và cũng còn hơn xa căn nhà cây, tiền chế, nơi hắn đã ăn nằm suốt bốn năm dài tại Riga.
Hắn cũng không thèm đoái hoài đến căn phòng tạm trú tại Buenos Aires hay một căn phòng khách sạn sang trọng tại Cairo. Tòa lâu đài này đúng là những gì hắn hằng mong ước.
Cú điện thoại lúc nãy đã làm cho hẳn bực tức. Hắn đã cho người bên kia đường dây biết rằng không có ma nào rình rập quanh đây và quanh xưởng máy cả. Nhưng trong bụng, hẳn cảm thấy phập phòng, lo âu. Miller? Miller là thằng con c... nào đây? Những lời trấn an trong điện thoại, cho biết bằng mọi giá sẽ tìm ra Miller và thủ tiêu tên phỏng viên báo đời này, không đủ để cho hắn an tâm.
Mối đe dọa của Miller quan trọng đến độ Sài Kíu Tinh phải quyết định gởi đến cho hắn một tên cận vệ để làm công việc tài xế và để luôn luôn ở kề bên hắn.
Hẳn kéo màn che cửa lại. Tiếng động duy nhất trong phòng là tiếng nổ lốp đốp của củi thông trong lò sưởi. Cánh cửa phòng mở ra và vợ hắn xuất hiện.
- Cơm tối đã dọn rồi! Mời anh xuống dùng!
- Anh xuống ngay! - Eduard Roschmann nói.
* * *
Sáng thứ Bảy hôm sau. Oster và Miller bị quấy rầy bởi sự hiện diện của một phái đoàn nhỏ do Leon cầm đầu từ Munich đến. Xe chở họ đến Bayreuth gốm có Leon, Motti, người tài xế hôm nọ, và một người lạ mặt tay xách cặp đen.
Khi tất cả đều an tọa tại phòng khách trong nhà Oster, Leon xoay qua nói với người khách lạ:
- Anh lên buồng tắm, sửa soạn đồ nghề đi!
Người lạ mặt khẽ gật đầu và bước lên lầu. Tên tài xế cũng bỏ ra ngoài để coi chừng xe. Leon ngồi vào bàn, ra hiệu cho Oster và Miller kéo ghế đến trước mặt. Motti đứng gần cửa ra vào, tay mân mê chiếc máy ảnh, Leon đưa bằng lái xe của Kolb cho Miller. Chỗ dán ảnh của Kolb được để trống.
Leon nói:
- Đây là người mà ông sẽ trở thành: Rolf Gunther Kolb, sanh ngày 18 tháng 6 năm 1925. được mười tám hay mười chín tuổi gì đó khi Thế chiến chấm dứt và hiện nay 38 tuổi rồi! Chào đời tại Bremen và lớn lên tại đó. Gia nhập Đoàn Thanh Niên Hitler lúc mười tuổi vào năm 1935, và gia nhập hàng ngũ SS năm 1944 lúc được mười tám tuổi. Cả cha mẹ đều bỏ mạng trong những cuộc oanh tạc của Đồng Minh xuống Bremen.
Miller nhìn xuống bằng lái xe cầm trong tay.
- Quá trình hoạt động của hắn trong hàng ngũ SS ra sao? Hiện nay chúng tôi đang lâm vào ngõ bí. - Oster hỏi.
- Miller có cho thấy chút tiến bộ nào không? - Leon hỏi.
- Khá lắm! Hôm qua tôi quay đệ tử tôi trong hai giờ liền, và chú ấy đã trả lời suôn sẻ hết tất cả mọi câu hỏi. Trừ trường hợp có ai hỏi về chi tiết nào đó trong đời binh nghiệp thì chú ấy kẹt, vì không biết đếch gì để trả lời.
Leon gật gù, chăm chú đọc một vài tài liệu mang theo:
- Chúng tôi không được biết quá trình hoạt động của Kolb trong hàng ngũ SS. Có thể không có gì đặc sắc vì tên hắn không được cho vô sổ Truy Nã của Chính Phủ Liên Bang, và hắn cũng không làm gì để lưu lại tiếng xấu. Sự kiện này rất bất lợi cho chúng ta bởi lẽ Odessa sẽ không thèm đếm xỉa đến một cựu Hạ sĩ quan SS không có tiền tích và không có lý do gì để bị Luật Pháp truy đuổi. Do đó chúng tôi đã phịa cho Kolb một đời binh nghiệp khá ly kỳ sôi động! Đây này! - Leon nói xong đưa những tài liệu đánh máy cho Oster đọc.
Khi đã duyệt qua hết câu chuyện ngụy tích, cựu Đại úy SS Oster gật đầu, tỏ vẻ vừa ý:
- Hay lắm! Rất phù hợp với những dữ kiện thật. Và cũng đủ để cho Pháp Luật truy lùng hắn.
Leon cười, đắc chí:
- Đây là câu chuyên ngụy tích mà ông phải dạy cho Miller học thuộc lòng. Rất may cho chúng ta là tôi đã tìm được một người bảo hộ cho Miller: một người đàn ông tại Bremerhoven, cựu Đại Tá SS, sắp sửa đi du ngoạn vào ngày 16 tháng 2 tới đây. Tên này là chủ nhân một lò bánh mì. Miller sẽ đội lốt Kolb để ra mắt với tên đại diện ODESSA, cùng với một lá thư giới thiệu của tên chủ lò bánh mì, xác nhận rằng người cẩm thư quả thật là một cựu Hạ sĩ quan SS và đang bị kẹt, cần ODESSA giúp đỡ. Vào thời gian này tên chù lò bánh mì đang lênh đênh ngoài biển cả, ngoài tầm liên lạc vô tuyến của ODESSA. À quên! - Leon chợt nhớ, đưa cho Miller một cuốn sách dày cộm rồi nói tiếp: - Ông nên học cách làm bánh mì đi là vừa! Vì đây là nghề của ông từ năm 1945 đến nay!
Leon không nói cho Miller biết việc người chủ lò bánh mì chỉ đi vắng trong bốn tuần lễ mà thôi và sau thời gian này, mạng sống của Miller cũng như chỉ mành treo chuông.
- Bây giờ, anh bạn lúc nãy, anh thợ cạo, sẽ thay đổi hình dáng Miller-Kolb. Sau đó chúng ta sẽ chụp sự biến thể này đế dán vô bằng lái! - Leon nói.
Trong buồng tắm trên lầu, “ông bạn thợ cạo” đang cặm cụi hớt tóc cho Miller. Lần đầu tiên trong đời, Miller mới chịu cho một bác thợ cạo hớt tóc chàng thật ngắn, chỉ chừa lại một bờm thưa trên chóp đầu, trông giồng y như một chiếc bàn chải. Chưa hết, “ông bạn thợ cạo” cũng cạo sạch lông mày chàng phóng viên trẻ, không để lại một cọng nào hết!
- Cạo chân mày không làm cho một người đàn ông trông già đi, nhưng làm cho ta khó phân biệt được tuổi tác. - Tên thợ cạo nhận xét và nói tiếp: - Còn một điểm này nữa. Ông phải để râu, nhưng tỉa bề ngang cho thưa tương đối vói miệng ông. Hàm râu này sẽ làm cho ông già đi chừng vài ba tuổi. Chừng hai tuần nữa mọc kịp không?
Miller quá biết râu chàng mọc như thế nào rồi.
- Chắc được! - Chàng nói.
Chàng ngắm nhìn mình trong gương. Trông chàng già hẳn, và với hàm râu nữa, thế nào người ta cũng tin chàng đã quá ba mươi bốn hay ba mươi lăm tuổi.
Khi họ đi xuống nhà dưới, Miller được sắp đứng trước một mảnh vải trắng được Oster và Leon căng lên, trong khi Motti làm phận sự phó nhòm, bấm lia bấm lịa một loạt kiểu hình dưới nhiều góc cạnh khác nhau.
- Được rồi! Trong ba ngày nữa sẽ có bằng lái xe cho ông bạn. - Motti nói.
Phái đoàn Leon bỏ ra về liền sau đó. Oster quay qua nói với Miller:
- Được rồi Kolb. - Oster chấm dứt lối xưng hô trước đây. - Chú được huấn luyện tại trại Huấn Luyện SS Dachau, bổ sung đến trại tập trung Flossenburg, và vào ngày 19 tháng 4 năm 1945 chú chỉ huy tiểu đội hành quyết Đô đốc Canaris, trùm Abwehr (Quân Báo). Chú cũng tham dự nhiều vụ thủ tiêu một số lớn sĩ quan Bộ binh khác bị Gestapo tình nghi nhúng tay về âm mưu hạ sát nguyên thủ Hitler vào ngày 19 tháng 7 năm 1944. Không còn nghi ngờ gì hết khi nhà cầm quyền đương thời muốn tóm cổ cho được chú. Đô đốc Canaris và bộ hạ không phải là Do Thái. Không nên quên điểm này, Kolb nhé! Thôi. Chúng ta bắt đầu học.
* * *
Buổi họp hàng tuần của Mossad đến hồi kết thúc khi Tướng Amit đứng lên nói:
- Thưa quý vị! Còn một điềm chót nữa tôi muốn thông báo cho quý vị rõ, mặc dù điểm này không quan trọng mấy. Từ Munich, Leon đã điện về cho biết hắn đang huấn luyện một công dân Đức trẻ, thuộc giống người thuần túy Aryan, thúc đẩy bởi một động lực nào Leon chưa được rõ, và mang trong đầu một mối thù bất cộng đái thiên với bọn SS, để xâm nhập vô Odessa.
- Không biết động lực nào thúc đẩy hắn hành động như vậy sao? - Một ủy viên Mossad hỏi, chưa hết nghi ngờ.
- Theo tôi được biết thì hắn muốn truy lùng cho ra một tên cựu Đại úy SS Eđuard Roschmann vì lý do riêng! - Tướng Amit nhún vai đáp.
Vị Trưởng cơ quan đặc trách Do Thái Vụ tại các Quốc Gia Ả rập và Liên Sô giật nẩy người hỏi lại:
- Eduard Roschmann? Tên đồ tề Riga?
- Phải, chính hắn!
- Ổ! Nếu bắt được tên này thì trút bớt một gánh nặng cho cơ quan chúng tôi!
Tướng Amit lắc đầu:
- Tôi đã nhiều lần nói với quý vị rằng, chính sách đối ngoại hiên nay của Chính phủ Israel loại bỏ mọi vụ trả đũa. Do đó tôi tuyệt đối cấm ngặt mọi hành động trả đũa. Ngay trong trường hợp tên Đức này, dù cho hắn có tìm ra được Roschmann đi nữa, thì tôi cũng mong quý vị không nên làm một hành động quá khích nào để thủ tiêu hắn, hay bắt cóc hắn về đây như vụ Eichrnann. Nếu sau vụ Ben Gal mà chúng ta còn tiếp tục những màn bắt cóc, thủ tiêu, đe dọa nữa, thì tôi e rằng sẽ đem đến tình trạng đổ vỡ giữa Israel và Erhard. Quý vị nhớ cho rằng chúng ta đang ở thế kẹt, là mỗi khi có tên Nazi nào “tịch” thì dư luận thế giới luôn luôn xuyên tạc, cho chúng ta là thủ phạm.
- Với tên Đức này, chúng ta làm gì? - Vị trùm Shabak hỏi.
- Cố sử dụng hẳn trong mục tiêu nhận diện thêm vài tên Nazi, SS hạng gộc nữa, hoặc nếu khả năng thâu đạt mục tiêu của hắn không hạn chế thì hắn sẽ có bổn phận báo cáo cho chúng ta danh tính của những khoa học gia đang chuẩn bị sang cộng tác với Ai Cập. Đối với Mossad chúng ta, vấn đề này là ưu tiên một. Tôi quyết định gửi một nhân viên đến Tây Đức với mục đích duy nhất là theo sát tên Đức này thôi, làm “vú em” thì đúng hơn. Ngoài ra nhân viên này không còn nhiệm vụ đặc biệt nào khác hơn.
- Đại Tướng đã quyết định chọn ai chưa?
- Rồi. Nhân viên này rất đáng tin cậy. Công việc của hắn là đi theo sát từng bước tiến của tên Đức, và báo cáo thẳng về tôi mọi diễn biến. Nhân viên này có thể cải trang thành một người Đức chính gốc. Hắn gốc người Yekke, quê quán tại Karlsuhe.
- Còn Leon? Liệu hắn có ra tay báo thù không? - Một ủy viên hỏi.
- Leon sẽ hành động theo lệnh của Mossad. - Tướng Amit nói một cách giận dữ. - Sẽ không có chuyện ân oán nào hết!
Sáng hôm sau tại Bayreuth, Miller bị Oster quay tơi bời.
- Giỏi lắm! Cho biết trên dao găm của binh lính SS có khắc gì?
- Hàng chữ MÁU và DANH DỰ! - Miller đáp, không suy nghĩ.
- Đúng! Dao găm được trao cho nhân viên SS vào dịp nào?
- Vào buổi duyệt binh sau ngày mãn khóa huấn luyện!
- Đọc cho tôi nghe lời thề “máu” trung thành với Adolf Hitler.
Miller đọc rành rẽ không bỏ sót một chữ nào!
- Nhắc lại lời thề của tập thể SS.
Miller làm y theo.
- Cho biết ý nghĩa của chiếc sọ người trên phù hiệu của SS.
Miller nhắm mắt lại, đọc những gì chàng được giảng dạy:
- Dấu hiệu sọ người phát xuất từ một huyền thoại Đức. Đó là dấu hiệu của những nhóm chiến sĩ Teuton, những người đã thề nguyện trung thành vói tổ quốc cho đến chết, và cho đến khi qua bên kia thế giới Valhalla. Do đó chiếc sọ người và hai khúc xương chéo trên phù hiệu của SS tượng trưng cho đời sống bên kia thể giới.
- Giỏi lắm! Có phải tất cả nhân viên SS đều tự động trở thành đảng viên của tổ chức “Sọ Người” không?
- Thưa không!
Oster nhỏm người dậy, duỗi chân tay nói:
- Không đến nỗi nào! Tôi không còn biết điều gì khác để quay chú nữa. Bây giờ chúng ta học qua phần chi tiết. Đây là những điều chú phải nhớ về trại tập trung Flossenburg, nhiệm sở đầu tiên của chú.
* * *
Người đàn ông ngồi trong ghế cạnh cửa sổ chiếc phản lực cơ của Hãng Olympic Airways khởi hành từ Athens đến Munich trông có vẻ bình thản vả trầm tĩnh.
Nhà kinh doanh Đức ngồi sát ghế người này, sau khi đã thất bại trong việc gợi chuyện, tán dóc với người này, đành bằng lòng giải khuây với tấm hình giữa của tạp chí Play Boy cho qua thời giờ.
Người đàn ông ngồi gần cửa sổ nhìn xuống biền Aegean đang lướt qua nhanh dưới cánh phi cơ, từ từ rời bỏ mùa Xuân nắng ráo của miền Đông Địa Trung Hái để bay đến những ngọn núi tuyết của dãy núi Alps.
Ít ra nhà kinh doanh Đức cũng đã biết được một điều nơi người bạn đồng hành. Hẳn là một người Đức chính gốc, sử dụng Đức ngữ một cách rành rẽ, và biết rõ sử ký địa dư của quê cha đất tổ một cách thấu đáo. Nhà kinh doanh, sau một chuyến xuất ngoại thương lượng công việc tại Athens trở về Đức, không nghi ngờ chút nào về quốc tịch Đức của người bạn đồng hành mình cả.
Nhưng nhà kinh doanh đã lầm to! Người khách đồng hành ngồi sát nách ông ta quả thật đã mở mắt chào đời tại Đức cách đây ba mươi ba năm với tên Josef Kaplan, con của một người thợ may Do Thái, trú quán tại Karlsruhe. Lúc chàng Kaplan vừa lên ba. Hitler đã cướp chính quyền, và khi chàng được bảy tuổi thì cha mẹ chàng bị bắt đẩy lên một chiếc xe đen bít bùng. Trong suốt ba năm sau đó chàng phải sống chui rúc như chuột và vào năm 1940, khi chàng được 10 tuổi, đến lượt chàng bị đẩy lên chiếc xe đen bít bùng, chiếc xe đã đến bắt cha mẹ chàng mang đi. Chàng sống những năm kế tiếp của đời niên thiếu trong mưu mẹo và sự lanh lợi của một thiếu niên bị tù đày, tranh đấu, giành giựt sự sống trong sáu trại tập trung khác nhau, và cho đến năm 1945, vói sự nghi kỵ của một con thú dữ qua đôi mắt sáng quắc, chàng đã chụp giựt một vật nhỏ gọi là kẹo Hershey khỏi bàn tay lông lá của một người đàn ông to lớn, dùng ngôn ngữ lạ tai nói qua lỗ mũi, và đã trốn chạy thật xa để ngấu nghiến mẩu kẹo Hershey này trước khi nó bị những đứa trẻ khác cùng cảnh ngộ cướp giựt.
Hai năm sau, thân hình thêm được vài ký lô nữa, mang 17 tuổi đời trên vai, đói khát như con chó hoang, luôn luôn nghi kỵ bất cứ ai và bất cứ cái gì do kinh nghiệm của một kiếp niên thiếu bị đọa đày, chàng bước lên tàu President Warfield, tức Exodus, để đi đến một dãy đất hoang vu cách xa Dachau và Karlsruhe.
Những năm sau đó dã trui rèn bản chất chàng trở nên chín chắn và ôn hòa, đã cho chàng một người vợ hiền, hai đứa con xinh ngoan, một chức vụ trong quân đội, nhưng đã không làm sao loại bỏ được mối căm thù sâu xa của chàng đối với quốc gia mà ngày hôm nay chàng sẽ đặt chân đến. Chàng đã chấp nhận đi đến đó, dồn nén tình cảm cá nhân mình xuống, để một lần nữa, như chàng đã làm hai lần qua trong vòng mười năm, khoác lên bộ mặt nhã nhặn và chất phác cần thiết để biến đổi chàng thành một công dân Đức.
Sở đã cung cấp cho chàng đầy đù những nhu cầu khác: Sổ Thông Hành, thư giới thiệu, danh thiếp và những giấy tờ linh tinh khác thường bắt gặp trong ví của bất cứ một công dân Đức nào, những bộ đồ lót, giày vớ, và hành trang để kiện toàn ngụy tích một nhà mại bản Tây Đức cho chàng.   .
Khi chiếc phản lực cơ đã lọt vô vùng mây đen dày đặc của bầu trời Tây Âu, và không cho chàng nhìn thầy bất cứ gì qua cửa sổ, chàng quay người lại ngồi dựa lưng vô ghế, nhắm mắt lại và duyệt xét nhiệm vụ mà vị Đại Tá tại một trại Cộng đồng sản xuất, một Kibbutz sản xuất rất ít thực phẩm nhưng rất nhiều điệp viên Israel, đã nhồi vô trí óc chàng trong ba ngày ba đêm: theo dõi một người, một công dân Đức trẻ hơn chàng ba tuổi, đi sát hắn trong khi hắn dự tính làm một việc mà bao nhiêu người đã thất bại, xâm nhập vô Odessa, quan sát mọi hành động của hắn và định giá mức độ thành công hay thất bại, ghi nhận mọi mối dây liên lạc hắn bắt được với Odessa, kiểm chứng lại những điều hắn thu nhận được, và cố gắng thuyết phục hắn tìm ra tên “Trùm” tuyển mộ khoa học gia Đức mới được Odessa bổ nhiệm; không được ra mặt, không được xía vô hành động của tên Đức. Sau hết, báo cáo thẳng về Mossad những thành quả của tên Đức trước khi ngụy tích của hẳn bị Odessa phát hiện, sự kiện này không sớm thì muộn gì cũng phải xảy ra.
Chàng nhất định sẽ chu toàn nhiệm vụ dù không cảm thấy phần khởi hay hân hoan, và nhất định sẽ chu toàn nhiệm vụ này, gạt ra ngoài những ân cừu cá nhân, vì nhiệm vụ này là một nhu cầu tối cần thiết cho Israel. Rất may nhiệm vụ không đòi hỏi chàng phải vui chơi, hòa đồng với dân Đức, vì nếu nhiệm vụ đòi hỏi chàng phải như vậy chắc chắn chàng đã từ chối, bời lẽ chàng căm thù dân tộc Đức, kể cả tên Đức mà chàng có nhiệm vụ phải làm vú em cho hắn. Và không có gì làm chàng thay đổi lập trường được hết.
Ngày hôm sau Leon đến viếng Oster và Miller một lần chót. Ngoài Leon và Motti ra còn có một người lạ mặt khác, khá đẹp trai, nước da sạm nắng, trẻ hơn Leon và đồng bọn. Miller đoán tuổi người này không quá ba mươi. Hắn được gióỉ thiệu với Miller là Josef, và suốt buổi gặp gỡ hắn không hé môi lần nào.
- Quên! - Motti nói với Miller. - Tôi đem xe ông đến đây, gửi tại một bãi đậu xe công cộng ngoài chợ!
Nói xong, Motti trao chùm chia khóa xe cho Miller :
- Ông đừng xài đến nó khi đi gặp bọn Odessa. Thứ nhất chiếc Jaguar của ông quá lòe loẹt. Thứ hai là ông đang xài ngụy tích một tay thợ làm bánh mì đang trốn tránh pháp luật sau khi bị nhận diện là một tên lính SS từng tác yêu tác quái tại trại tập trung. Thử hỏi một người thợ làm bánh mì lấy tiền đâu ra để mua một chiếc Jaguar? Tôi khuyên ông nên dùng xe lửa, tiện và kín đáo hơn!
Miller gật đầu, đồng ý, nhưng trong thâm tâm chàng hơi tiếc vì phải xa rời chiếc Jaguar yêu quý.
- Bằng lái xe của ông đây! Hình ảnh đầy đủ hết. Nếu có ai thắc mắc hỏi tại sao ông lại có bằng lái xe, thì cứ trả lời rằng ông làm chủ một chiếc Volkswagen nhưng phải bỏ nó lại Bremen vì sợ Cảnh Sát sẽ truy lùng ra ông một cách dễ dàng nhờ vào bằng lái xe và tấm thẻ chủ quyền.
Miller ngắn nhìn mảnh bằng lái xe với hình mình trong đó, đầu tóc hớt cua và mày râu nhẵn nhụi. Hàm râu của chàng giờ đây có thể được giải thích như là một biện pháp để phòng nhân viên công lực nhận ra mình khi danh tánh đã bị phát lộ.
- Người bảo hộ của ông (hẳn không biết điều này) sẽ rời Bremerhaven để đi du ngoạn vào ngày 16 tháng 2 tới. Hắn là một cựu Đại Tá SS, hiện làm chủ một lò bánh mì, đồng thời cũng là chủ nhân của ông. Tên hắn là Joachim Eberhardt. Đây là thư giới thiệu ông với đầu giây liên lạc đầu tiên. Giấy viết thơ của chính hắn do chúng tôi ăn cắp được. Chữ ký được chúng tôi bắt chước, nhưng giống y chữ ký thật. Lá thư bảo đảm với người nhận rằng ông là một cựu Hạ sĩ quan SS hiền lành, đáng tin cậy, hiện đang gặp nạn vì bị người ta nhận diện, đồng thời yêu cầu người nhận làm mọi cách để kiếm cho ông giấy tờ lý lịch mới.
Leon nói xong đưa lá thơ cho Miller. Chàng đọc nội dung trong đó thật nhanh và bỏ vô một phong bì.
- Phiền ông dán kín nó lại! - Leon nói.
Miller làm y theo lời. Chàng hỏi:
- Người tôi sẽ đến liên lạc là ai vậy?
Leon rút trong túi ra một tờ giấy có ghi địa chỉ, tên người đó:
- Hắn đó. Hiện ở tại Nuremberg. Chúng tôi không biết chắc những gì hắn đã làm trong thời đệ nhị Thế chiến, hoặc có chức vụ gì trong hàng ngũ SS, nhưng chúng tôi biết chắc một điều là hiện nay hắn đang xài tên giả. Hắn rất có thế lực trong tổ chức Odessa. Có thể hắn chưa bao giờ gặp qua Eberhardt, tên sau này cũng có chức tước trong Odessa tại miền Bắc nước Đức, tuy nhiên ông nên xem qua tấm ảnh này của hẳn, trường hợp có ai bắt ông mô tả hình dáng của Eberhardt.
Miller nhìn kỹ tấm ảnh của Ederhardt trong đôi phút.
Leon nói tiếp:
- Khi nào ông chuẩn bị sẵn sàng cả rồi, tôi đề nghị ông nên đợi vài ba hôm cho chiếc tàu chở Eberhardt vượt quá tầm liên lạc vô tuyến điện thoại giữa đất liền và chiếc tàu. Chúng tôi không muốn thấy người ông sẽ liên lạc gọi điện thoại cho Eberhardt, khi tàu còn ở trong hải phận Đức và trong tầm liên lạc vô tuyến. Hãy đợi cho nó lênh đênh ngoài biển Đại Tây Dương rồi hãy khởi hành. Theo tôi thì ông nên đến gặp hắn vào sáng thứ ba tuần sau!
Miller gật đầu:
- Được, sáng thứ ba tới tôi sẽ đi.
- Còn hai vấn đề chót này nữa! Ngoài việc truy ra một Roschmann, ước muốn duy nhất của ông, chúng tôi yêu cầu ông thu thập cho vài tin tức. Chúng tôi muốn biết hiện nay tên nào đặc trách việc tuyển mộ khoa học gia Đức sang giúp cho Nasser chế tạo hỏa tiễn. Công việc này hiện do ODESSA phụ trách. Và xin ông nhớ giùm, cố moi tin trong nội bộ ODESSA xem ai trông coi việc này. Vấn đề thứ hai: luôn luôn giữ liên lạc với chúng tôi. Luôn luôn dùng điện thoại công cộng để gọi số này. - Leon đưa cho Miller một mảnh giấy khác có ghi số điện thoại vừa kể, nói tiếp: - Luôn luôn có người túc trực ở số này, dù tôi không có mặt tại đó. Xin ông báo cáo ngay mọi sự kiện ghi nhận được!
Hai mươi phút saụ phái đoàn Leon ra về.
Leon và Josef cùng ngồi nơi băng sau xe chở họ về Munich. Josef ngồi thu mình vô một góc, im lặng. Khi chiếc xe vượt qua ngọn đèn đường tại ngã tư Bayreuth, Leon thúc tay vô hông Josef hỏi:
- Làm gì trông có vẻ chán đời quá vậy? Mọi việc đều trôi chảy cả mà?
Josef xoay qua nhìn Leon:
- Tên Miller này đáng tin cậy không?
- Tin cậy không hả? Hắn là cơ hội ngàn năm một thuở của chúng ta để xâm nhập vô ODESSA. Anh nghe Oster nói gì không? Hắn có thể đóng vai trò Trung sĩ nhất Kolb một cách trọn vẹn, không làm cho ai nghi ngờ hắn là một tên giả mạo cả!
Josef chưa hết nghi ngờ:
- Tôi được lệnh phải luôn luôn theo sát hắn. Đáng lý ra tôi không được rời hắn nửa bước, và báo cáo ngay về Trung ương những đầu mối hắn liên lạc được, cũng như chức vụ của những đầu mối này trong tổ chức ODESSA, và đáng lý tôi phải chống đối việc cho hắn tự do hành động một cách đơn độc, và báo cáo lại những gì hắn thu thập được cho chúng ta bằng điện thoại. Giả thử hắn không gọi điện thoại cho chúng ta?
Leon cố gắng kiềm chế cơn giận lại. Hai người Do Thái này chắc đã không ưa nhau từ lâu rồi. Leon trợn mắt nói:
- Nghe cho kỹ điều này đây, ông trời con! Miller do thằng Leon già này khám phá ra. Hắn là người của tôi. Tôi đã đợi hàng mấy năm để có được một người như hắn, một người không phải là người Do Thái, và bây giờ tôi không muốn thấy hắn bị lộ chỉ vì sau đít hẳn có một người vú em tè tè theo sau.
- Hắn là tay mơ, còn tôi đây là dân chuyên nghiệp! - Josef cãi lại.
- Hắn giống người Aryan. - Leon phản pháo lại. - Cho đến khi hắn trở thành vô dụng, tôi hy vọng hắn sẽ cho chúng ta tên tuổi, danh tánh của mười tên trùm ODESSA tại Tây Đức. Sau đó, chúng tôi sẽ tỉa từng thằng một. Trong số đó thế nào cũng có tên trùm tuyền mộ khoa học gia. Ông trời con đừng có lo! Rồi chúng tôi sẽ tìm tên này ra, và những thằng khoa học gia nào hắn dự tính tuyển mộ.
Tại Bayreuth, Miller nhìn ra cửa sổ, suy nghĩ vẩn vơ. Trong thâm tâm, chàng không muốn gọi điện thoại thông báo kết quả, nếu có, cho bọn Leon chút nào cả, vì chàng không mấy quan tâm đến việc truy lùng một tên trùm tuyển mộ khoa học gia làm gì. Chàng chỉ có một mục đích mà thôi: lột mặt nạ Eduard Roschmann.
------------
Còn tiếp.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét