Thứ Sáu, 6 tháng 4, 2018

Khi Yêu Cần Nhiều Dũng Cảm - (Chương 15, 16, 17, 18)

KHI YÊU CẦN NHIỀU DŨNG CẢM

Tác giả: Chetah Bhagat
Người dịch: Nguyễn Thị Hương Thảo
NXB Hội Nhà Văn, 05-2015

PHẦN 3 - CHENNAI

15

Chuyến bay của tôi hạ cánh xuống Chennai lúc bảy giờ tối. Chúng tôi bị chậm sáu tiếng ở Delhi vì có một kẻ tâm thần đã gọi điện đến sân bay và báo rằng máy bay bị cài bom. Hành lý của tôi mất thêm một giờ nữa mới tới được băng chuyền. Trong khi chờ đợi, tôi nhìn những người xung quanh. Điều đầu tiên tôi nhận ra, xin thứ lỗi cho tính nông cạn của tôi, là khoảng chín mươi phần trăm mọi người da đều sẫm màu. Trong chín mươi phần trăm đó, tám mươi phần trăm thoa phấn để tông màu da chuyển sang nhờn nhợt. Tôi hiểu tại sao hãng mỹ phẩm Fair & Lovely ra đời. Tôi không thể hiểu tại sao người ta lại muốn trắng ra đến thế.
Hầu hết những phụ nữ đứng ở băng chuyền đều trông giống mẹ Ananya; tôi không thể phân biệt được họ. Ai nấy đều đeo cả tấn vàng trên người, nhưng không hiểu vì sao trông không được như những chiếc vòng cổ của cô Pammi, có gắn đá quý và ngọc trai như những thứ hoa quả khô hình thù kỳ lạ.
Tôi bước ra khỏi sân bay. Tôi phải tìm một chiếc tuk tuk để tới phòng thuê chung của mình. Tôi sờ soạng trong túi tìm tờ giấy ghi địa chỉ mới của mình. Tìm trong túi quần jean mãi không thấy, suýt nữa tôi phát hoảng lên. Tôi chẳng biết nơi nào ở Chennai ngoại trừ T. Nagar. Và tôi biết T. Nagar vì đã tham dự khóa học ở Brilliant Tutorials. Dù sao, tôi không nghĩ họ sẽ chứa một trong số hàng trăm ngàn học viên của họ từ tám năm trước.
Tôi mở ví ra và tìm thấy địa chỉ. Tôi thở phào nhẹ nhõm. Tôi bước tới chỗ chờ xe. Bốn tài xế đang tranh giành nhau hành khách tiếp theo.
- Enga? - một người tài xế đẩy ba người kia ra và hỏi tôi. - Khách sạn Enga hả?
- Không phải khách sạn, - tôi nói và lấy ví ra.
Tôi mở ví, đám tài xế nhìn thấy những tờ một nghìn rupi mẹ tôi đã cho trước khi tôi rời Delhi. Anh ta chép miệng. Tôi lôi tờ giấy ghi địa chỉ ra.
- Tiếng Anh gì gì đó, - anh ta nói.
Tôi nhìn quanh. Có vẻ chẳng có ai thông thạo tiếng Anh quanh đây cả. Tôi đọc địa chỉ.
- Nung-ba-ka-ma-ma? - tôi nói.
- Nungambakkam? - anh tài xế phá lên cười như thể đó là từ dễ đọc nhất trên đời.
- Đúng vậy, - tôi nói và nhớ lại địa điểm mà Devesh đã báo. - Gần trường Loyola. Anh biết trường Loyola không?
- Seri, seri, - người tài xế nói.
Thời gian ở chung với Ananya đã cho tôi biết rằng “seri” là một từ Tamil hòa nhã. Tôi đưa hành lý vào xe.
- Đồng hồ?
Anh ta lại cười như thể tôi vừa kể một câu chuyện cười tục tĩu.
- Gì thế? - tôi vỗ vào cái đồng hồ.
- Đồng hồ gì gì đó, - anh tài xế nói lớn, anh ta đã trở nên hung hăng hơn sau khi rời khỏi sân bay.
- Bao nhiêu? - tôi hỏi.
- Edhuvum, - anh ta nói.
- Tôi không hiểu. Anh dừng lại đi, bao nhiêu?
Anh ta không dừng lại cũng chẳng trả lời. Tôi vỗ vào vai anh ta. Anh ta quay lại nhìn. Tôi chơi trò đố chữ ngớ ngẩn với anh ta, làm điệu bộ “bao tiền thế, anh bạn?”. Anh ta tiếp tục lái xe đi. Sau mười giây anh ta giơ bàn tay phải lên và xòe ra năm ngón tay.
- Năm gì cơ?
Anh ta lại xòe năm ngón tay.
- Năm mươi?
Anh ta gật đầu.
- OK, - tôi nói. Anh ta hiểu chữ này.
- Vokay, - anh ta nói và chìa tay ra để bắt tay. Tôi bắt tay anh ta. Anh ta cười vang và phóng vút vào hoàng hôn Chennai.
Tôi nhìn thành phố. Nó có những thứ Ấn Độ thông thường như những chiếc tuk tuk, những chiếc xe buýt đông nghẹt người, những cảnh sát giao thông gắt gỏng và những cửa hàng nhỏ xíu bán rau quả, đồ gia dụng, quần áo và đồ trang trí. Tuy vậy, vẫn có cảm giác khác biệt. Đầu tiên, biển hiệu ở tất cả các cửa hàng đều được viết bằng chữ Tamil. Kiểu chữ Tamil giống như những tranh đố ảo giác thường làm bạn nhức đầu nếu nhìn quá lâu. Tất cả phụ nữ Tamil đều cài hoa trên tóc. Đàn ông Tamil không tin tưởng vào quần và họ mặc lungi kể cả ở khu thương mại trung tâm. Thành phố ngập đầy những áp phích quảng cáo phim. Bức hình những người hùng làm bạn cảm thấy kể cả các ông chú mình cũng có thể trở thành ngôi sao điện ảnh. Người hùng nào cũng béo, hói, có hàng ria rậm và nữ anh hùng đứng bên cạnh anh ta thì đẹp mê hồn. Có lẽ mẹ tôi đã đúng khi nói rằng phụ nữ Tamil có nét gì đó quyến rũ đàn ông Bắc Ấn.
- Này, đó có phải IIT không? - tôi nói to khi chợt nhìn thấy tấm biển IIT Chennai.
- Guindy, guindy, - tài xế nói một từ mà có thể gây ra rắc rối nếu anh ta nói ở Delhi.
Tôi nhìn bức tường dài tới hơn một cây số bao quanh trường. Anh tài xế đọc tên những khu vực chúng tôi đi qua - Adyar, Saidapet, Mambalam rồi đến những cái tên không thể đọc được và quá dài tới nỗi chẳng hàng ô chữ giải đố nào viết đủ. Tôi thấy thương những người sống ở các khu vực đó bởi vì họ phải bỏ quá nhiều thời gian điền cột địa chỉ trong các bản kê khai.
Chúng tôi đi qua một tấm áp phích phim khổng lồ cao cỡ mười lăm mét khi vào Nungambakkam. Người tài xế dừng xe. Anh ta thò cổ ra khỏi xe và chắp tay.
- Gì vậy? - tôi ra dấu hỏi.
- Thalaivar, - anh ta nói và trỏ tấm áp phích.
Tôi nhìn ra. Đó là áp phích quảng cáo một bộ phim có tên Padayappa. Tôi nhìn các diễn viên và chỉ nhận ra duy nhất một người.
- Rajnikant?
Anh tài xế cười nhăn nhở. Tôi đã nhận ra ít nhất một biểu tượng ở thành phố này.
Anh ta lái vào con đường nhiều cây của Nungambakkam, đi cho tới khi chúng tôi tới trường Loyola. Tôi hỏi một vài người dân địa phương xem Chinappa Towers ở đâu và họ chỉ cho chúng tôi tới đúng tòa nhà đó.
Tôi bước ra khỏi chiếc xe và đưa người tài xế đồng một trăm rupi. Tôi băn khoăn có nên bo cho anh ta mười rupi vì sự thân thiện của anh ta hay không.
- Anju, - anh tài xế nói và lại mở lòng bàn tay ra. Tôi vẫn bối rối và rồi nhận ra anh ta ra hiệu ba lần.
- Anh đòi năm trăm ư? Anh điên rồi sao?
- Điên cái khỉ, - người tài xế nói và chặn cửa xe để tôi không lấy được hành lý ra.
Tôi nhìn đường phố hoang vắng. Con đường quạnh quẽ, mới chín giờ tối nhưng cảm tưởng như hai giờ sáng. Hai chiếc ô tô vượt qua chúng tôi. Tài xế xe tôi dừng họ lại. Một trong hai chiếc xe có hai người lái, cả hai đều ngồi ghế trước. Bốn người bọn họ nói chuyện với nhau bằng tiếng Tamil, giọng họ vống lên.
- Năm trăm, - một người tài xế biết nói một chút tiếng Anh quay ra nói với tôi.
- Không năm trăm đâu. Năm mươi, - tôi nói.
- Ái dà, - một người tài xế khác gào lên. Bốn người bọn họ vây lấy tôi như thể những kẻ xấu xa trong những bộ phim Bollywood rẻ tiền.
- Gì cơ? Trả hành lý đây để tôi đi, - tôi nói.
- Gì đó hành lý. Mày… làm… trả tiền, - Shakespeare của bọn họ nói với tôi.
Bọn họ bắt đầu xoay vòng chầm chậm xung quanh tôi. Tôi tự hỏi thế quái nào mình lại không chọn làm việc trong một văn phòng có điều hòa ở Delhi khi có cơ hội.
- Hãy đến đồn cảnh sát, - tôi nói, vận hết dũng khí Punjab trong người để tỏ ra là thanh niên cứng.
- Gì đó cảnh sát, - tay tài xế của tôi, người vừa mới bắt tay tôi hai mươi phút trước, gào lên.
- Đây là Chennai… cảnh sát ở đây là cảnh sát của tao… đây không phải là Bắc Ấn… gì đó, ennoda poola oombuda, - gã tài xế nói được tiếng Anh cất tiếng.
Những chiếc răng trắng ởn của chúng lóe lên trong đêm. Tất cả ấn tượng về vẻ khiêm nhường của đàn ông Tamil (có được từ bố Ananya) đã bốc hơi mất khi tôi cảm thấy một gã tài xế vỗ vào lưng mình.
- Chết tiệt, - tôi nói khi nhận thấy một gã tài xế lấy gì đó trong túi ra.
Thật may, đó không phải một con dao mà là một hộp diêm và bao thuốc lá. Hắn châm một điếu rất kiểu cách, bắt chước các bộ phim Tamil. Tôi nhìn trên phố, tìm ai đó, bất cứ ai có thể cứu tôi khỏi chuyện vớ vẩn này.
Một người đàn ông bước ra từ tòa nhà cạnh đó. Tôi nhìn ông ta và không thể tin vào mắt mình. Ông đội một chiếc khăn xếp - nhìn thấy một quý ông ở Chennai cũng giống như thấy gấu Bắc Cực ở Delhi vậy. Ông bước ra để phủ bạt lên chiếc xe của mình. Cảm giác nhẹ nhõm chạy ran khắp sống lưng tôi. Krishna đã tới để giải cứu Draupadi. [Các nhân vật trong truyền thuyết của Ấn Độ].
- Chú ơi! - tôi hét to hết mức có thể.
Ông nhìn tôi. Ông thấy tôi bị những chiếc xe tuk tuk vây quanh và đã hiểu tình hình. Ông bước lại phía chúng tôi.
Bọn tài xế quay lại, sẵn sàng xử lý luôn cả ông.
- Enna? - ông chú nói.
Đám tài xế kể cho ông câu chuyện theo kiểu của bọn chúng. Ông nói chuyện với bọn chúng bằng giọng Tamil rất trôi chảy. Thật thích thú khi thấy một quý ông nói tiếng Tamil. Như thể kênh Sun TV sáp nhập với Alpha TV vậy.
- Cháu đến từ đâu? - ông hỏi.
- Sân bay ạ.
- Từ sân bay tới đây thì không thể năm trăm rupi được. Cùng lắm là một trăm thôi, - ông nói.
Bốn gã tài xế đồng loạt cất tiếng với rất nhiều từ “không”. Tuy vậy, bọn chúng đã hạ giọng đôi chút vì ông chú người Tamil. Sau năm phút, chúng tôi đã thu xếp được ở mức một trăm rupi cùng những cái liếc nhìn hằn học của đám tài xế.
Gã tài xế xe tôi lôi hành lý của tôi ra vứt xuống đường rồi biến đi luôn.
- Cảm ơn chú, - tôi nói. - Chú sống ở Chennai lâu chưa ạ?
- Quá lâu rồi. Đừng ở đây quá lâu như chú, - ông nói và giúp tôi đưa hành lý vào trong thang máy. - Cháu là người Punjab à?
Tôi gật đầu.
- Nếu muốn uống rượu hay ăn thịt gà thì để về nhà nhé. Phải cẩn thận, tòa nhà của cháu toàn người ăn chay đấy. Cũng không được phép rượu bia đâu.
- Thế ạ?
- Đúng vậy, ở đây người ta như thế. Với họ, những gì vui vẻ đều đến cùng với tội lỗi, - ông nói khi cửa thang máy đóng lại.
Tôi bấm chuông cửa phòng trọ chung. Lúc đó là mười giờ. Một gã ngái ngủ ra mở cửa. Căn phòng tối đen.
- Xin chào, - tôi nói. - Krish từ Delhi. Tôi ở bộ phận tài chính tiêu dùng.
- Hả? - gã đó nói. - Ồ, cậu là anh chàng đó. Nhân viên tập sự Bắc Ấn duy nhất ở Citibank Chennai. Vào đi, cậu đến muộn thế.
- Máy bay trễ chuyến, - tôi nói và bước vào phòng.
Anh ta bật chiếc đèn phòng khách.
- Tôi là Ramanujan, từ IIMB, - anh ta nói. [IIMB: Học viện quản lý Bangalore, Ấn Độ]
Tôi nhìn anh ta. Cho dù mới ra khỏi giường, tóc anh ta đã được bôi dầu và chải chuốt. Trông anh ta có vẻ là người được việc ở một nhà băng. Với vẻ thảm thương sau vụ đụng độ với mấy tay tài xế tuk tuk, tôi trông như một người chẳng bao giờ mở nổi một tài khoản ngân hàng.
- Kia là phòng của Sendil, còn kia là phòng của Appalingam. - Anh ta chỉ cho tôi phòng của tôi.
- Trong nhà còn gì ăn không? - tôi hỏi.
- Chẳng biết nữa, - anh ta nói và mở tủ lạnh. - Có ít cơm trộn sữa chua đây.
Anh ta lấy bát ra. Trông nó không giống một món ăn. Nó trông giống như cơm chẳng may bị rơi vào sữa chua vậy.
- Còn gì khác không? Có nhà hàng nào quanh đây còn mở cửa không?
Anh ta lắc đầu và nhặt hai chiếc phong bì đưa cho tôi.
- Đây, có thư cho cậu này. Người phục vụ nói có một cô gái tới tìm cậu.
Tôi nhìn mấy lá thư. Một là thư chào mừng của Citibank. Bì thư kia có chữ viết của Ananya trên đó.
Tôi nhìn bát cơm sữa chua lần nữa và cố tưởng tượng đó là thứ gì ngon lành, nhưng tôi không thể huy động đủ dũng khí để nuốt nó.
Tôi vào phòng mình và nằm xuống giường. Ramanujan tắt các bóng đèn ở những chỗ còn lại trong nhà và về phòng ngủ.
- Cậu cần bọn tôi gọi không? - anh ta hỏi trước khi về phòng mình.
- Mấy giờ bắt đầu làm việc nhỉ?
- Chín giờ, nhưng nhân viên tập sự cần đến đó lúc tám giờ. Bọn tôi đến lúc bảy rưỡi. Bọn tôi dậy lúc năm giờ.
Tôi nghĩ về hai tháng vừa rồi ở Delhi, khi đó thức dậy lúc chín giờ là một khỏi đầu sớm sủa.
- Năm giờ trời đã sáng rồi sao?
- Cũng sắp sáng. Chúng tôi sẽ gọi cậu dậy. Ngủ ngon.
Tôi đóng cửa phòng và mở thư của Ananya.

Chào chàng trai Chennai,
Em tới tìm anh, nhưng anh lại không đến vào buổi chiều như anh đã bảo em. Dù sao em cũng không thể chờ lâu hơn vì mẹ nghĩ em đang cùng các bạn tới cửa hàng tơ lụa Radha. Em phải quay trở về. Ở nhà lúc này đang có vài chuyện nhưng giờ em chưa muốn nói với anh ngay.
Đừng lo, chúng mình sẽ gặp nhau sớm thôi. Văn phòng của anh ở Anna Salai, không xa văn phòng của em mấy. Tuy thế, HLL đang bắt em đi khắp cả bang này. Em phải bán tương cà chua. Rất khó khăn, vì không có me chua hay dừa trong đó!
Em phải đi đây. Anh biết không, hôm nay em cài hoa nhài trên tóc đấy! Nó giúp em trông có vẻ nền nã với những người ở trong này. Em đã ngắt ra vài cánh hoa và bỏ vào cùng thư này đấy. Hy vọng chúng làm anh nhớ tới em.
Yêu anh, hôn anh
Ananya.

Tôi mở những nếp gấp của lá thư. Những cánh hoa nhài rơi vào lòng tôi. Chúng thật mềm mại và tỏa hương thơm ngát. Nó là thứ duy nhất trong ngày hôm nay làm tôi cảm thấy hạnh phúc. Nó nhắc nhở tôi rằng tại sao tôi lại ở đây.

16

Thật tồi tệ khi mà ngay giờ đầu tiên trong ngày đầu tiên đến sở làm bạn đã ghét công việc của mình. Chẳng phải Citibank đã làm điều gì khiến tôi bực mình. Thực tế, họ đã cố hết sức để làm tôi cảm thấy thoải mái như đang ở nhà. Tôi đã được phân một khoang và một chiếc máy tính. Công việc đầu tiên của tôi là tham gia vào một nhóm phục vụ khách hàng “cấp cao”, một thuật ngữ chính xác và khéo léo để chỉ những khách hàng “giàu nứt đố đổ vách”. Cũng chẳng cần gì nhiều nhặn để trở thành một khách hàng cấp cao, chỉ cần xòe hàng xập tiền ra trước mặt chúng tôi là được. Những khách hàng cấp cao được chăm sóc đặc biệt, theo đó bao gồm việc được ngồi xô pha ở khu vực chờ thay vì ngồi ghế tựa, uống trà miễn phí trong khi các cán bộ ngân hàng bàn thảo các phương cách mới để rỉa… à, không, xin lỗi, để đầu tư tiền của khách hàng. Và cái điều sang chảnh nhất là bạn có thể vào gặp thẳng các vị Quản lý Chăm sóc Khách hàng của mình. Những phù thủy tài chính từ những trường đào tạo MBA hàng đầu sẽ nâng chiến lược tài chính của bạn lên một tầm cao mới. Đúng thế, đó có thể là tôi. Tất nhiên, chúng tôi sẽ chẳng bao giờ đề cập đến việc vị quản lý chăm sóc khách hàng của bạn chán ghét công việc này, làm công việc này chỉ vì tiền và đến thành phố này chỉ vì bạn gái anh ta ở đây.
Tôi phải giám sát tám nhân viên ngân hàng. Các nhân viên ngân hàng đều trẻ hơn, thường là cử nhân đại học hoặc thạc sĩ từ các trường đại học vô danh tiểu tốt. Còn tôi, tốt nghiệp từ IIM và bởi thế như có một đặc ân trọn đời, được nghiễm nhiên đứng trên họ. Tôi không nói tiếng Tamil và cũng chẳng biết gì về ngân hàng, nhưng tôi phải giả vờ biết mình đang làm gì. Ít nhất là với sếp tôi, Balakrishnan hoặc còn gọi là Bala.
- Chào mừng tới với gia đình này, - ông ta nói khi chúng tôi bắt tay nhau.
Tôi tự hỏi không biết ông ta có họ hàng gì với Ananya không.
- Gia đình ư?
- Gia đình Citibank. Và tất nhiên, gia đình nhóm Dịch vụ Ngân hàng Cấp cao. Cậu rất may mắn. Các MBA mới thèm khát được khởi đầu với nhóm này lắm đấy.
Tôi cười.
- Cậu phấn khích chứ, chàng trai trẻ? - Bala cao giọng hỏi tôi.
- Phấn khích quá mức ấy chứ, - tôi nói, tự hỏi liệu ngày đầu tiên đi làm tôi có được về sớm không nhỉ.
Ông ta đưa tôi tới khu vực chăm sóc khách hàng cấp cao. Tám nhân viên, bốn nam và bốn nữ đọc những bản báo cáo nghiên cứu và hướng dẫn từ rất nhiều phòng ban khác nhau về những thứ họ có thể tiếp thị ngày hôm nay. Tôi gặp từng người nhưng chỉ một phút sau đã quên béng những cái tên Nam Ấn từa tựa nhau của họ.
- Khách hàng bắt đầu tới lúc mười giờ, tức là hai tiếng nữa, - Bala nói. - Và đó là lúc trận chiến bắt đầu. Chúng tôi tin rằng cách tốt nhất giúp nhân viên tập sự học hỏi là đối diện với thực tế. Sẵn sàng cho cuộc chiến chứ?
Tôi nhìn ông ta. Có thể nói ông ta là một người Citibank trọn đời. Ở tuổi bốn mươi, có vẻ như ông ta đã ở ngân hàng này tới hai mươi năm rồi.
- Sẵn sàng chứ? Có câu hỏi gì không, anh bạn? - Bala hỏi lần nữa.
- Có đấy, chính xác là tôi sẽ phải làm gì?
Bala ném cho tôi cái nhìn thất vọng đầu tiên. Ông ta bảo một nhân viên mang tới các báo cáo nghiên cứu hằng ngày.
- Cậu cần làm hai điều, thực ra là ba, - Bala nói trong khi đưa tôi tới bàn làm việc của mình. - Một là, đọc những báo cáo này hằng ngày để xem cậu có thể tư vấn cho các khách hàng đầu tư vào cái gì. Chẳng hạn nhìn đây nhé. - Ông ta lôi ra một báo cáo từ nhóm đánh giá cổ phần. Nó khuyến nghị mua cổ phiếu của các công ty mạng bởi vì giá trị của các cổ phiếu này đã giảm xuống một nửa.
- Nhưng chẳng phải là bong bóng dot com đang vỡ đó sao? - tôi hỏi. - Những công ty này sẽ chẳng bao giờ có lợi nhuận cả.
Bala nhìn tôi như thể tôi vừa nói chuyện đặc tiếng Punjab với ông ta.
- Nhìn đây, nghiên cứu của chúng ta cho thấy mua được đây này. Đây là nghiên cứu chính thức của Citibank đấy, - Bala nói như thể ông ta vừa trích dẫn từ Kinh Thánh ra vậy.
Nghiên cứu chính thức có lẽ được viết ra từ tay MBA nào đó đã say xỉn suốt ba năm học ở trường kinh doanh.
- Được rồi, còn gì nữa?
- Công việc quan trọng thứ hai là vun đắp các mối quan hệ. Người Tamil thích những người có giáo dục. Cậu, tốt nghiệp ET và IIM, phải vun đắp mối quan hệ với họ.
Tôi gật đầu. Tôi là một sinh vật có nguy cơ tuyệt chủng trong một sở thú ngân hàng cấp cao nơi khách hàng có thể đến ném chuối cho chúng tôi.
- Xem nào, việc này sẽ khó cho cậu đấy bởi vì cậu là…
Bala ngừng lại như thể sắp phải bật ra một từ tục tĩu trong một cuộc nói chuyện.
- Người Punjab?
- Đúng thế, nhưng cậu có thể thân thiện với người Tamil không?
- Tôi sẽ cố. Tôi phải làm được, - tôi nói, băn khoăn không biết gọi cho Ananya vào đâu ngoại trừ số cố định nhà cô. Sao những cái điện thoại di động chết tiệt đó không trượt giá nhanh cho tôi nhờ nhỉ.
- Tốt. Còn điều cuối cùng là, - Bala chuyển sang thì thầm, - tụi nhân viên ở đây khá lười. Để mắt đến bọn họ nhé. Nếu ai không làm việc của họ, hãy nói với tôi.
Ông ta nháy mắt với tôi và đứng dậy đi.
- Và đi làm sớm vào nhé.
- Tôi đến lúc bảy rưỡi. Chẳng phải giờ làm việc chính thức là chín giờ sao?
- Đúng thế, nhưng hồi còn ở cấp của cậu, tôi đến lúc bảy giờ đấy. Nếu cậu muốn được như tôi, thức dậy đi, người lính, - Bala tự cười trước câu nói đùa của mình.
Khiếu hài hước của người Tamil, nếu có chút nào đó, thì cũng thực sự khó tiêu hóa.
Tôi không muốn trở thành người như ông ta, tôi thậm chí còn chẳng muốn ở đây nữa. Tôi hít một hơi dài sau khi ông ta đã đi khỏi và suy ngẫm về tiền lương của mình. Mày đang làm việc này vì tiền, tôi tự nhủ. Bốn trăm nghìn mỗi năm, có nghĩa là ba mươi ba nghìn mỗi tháng, tôi tụng câu thần chú ở trong đầu. Bố tôi đã làm việc trong quân đội ba mươi năm mà vẫn chưa bao giờ kiếm được chừng một nửa số đó. Tôi chỉ cần đẩy những cổ phiếu bong bóng ra là tiền sẽ về tay tôi. Cuộc sống đâu đến nỗi quá tệ, tôi tự nhủ.
- Thưa ngài, tôi có thể đi vệ sinh được không? - một nhân viên nữ tới hỏi tôi.
- Gì thế? - Cô ta nhìn tôi, chờ được cho phép. - Tên cô là gì?
- Sri ạ.
- Cô tới từ đâu?
- Coimbatore, - cô vừa nói vừa điều chỉnh lại cặp kính quá khổ với gọng kính màu cánh gián. Thời trang không phải là một tiêu chuẩn ở Chennai.
- Cô có đi học đại học chứ?
- Có, thưa ngài. Đại học Coimbatore, bằng xuất sắc, thưa ngài.
- Tốt. Thế sao cô lại phải xin phép tôi?
- Chỉ là phải xin phép thôi, thưa ngài, - cô nói.
- Không ai cần phải xin phép tôi đi vệ sinh cả, - tôi nói.
- Cảm ơn ngài.
Trong vòng hai tiếng sau đó tôi đọc các bản báo cáo. Báo cáo nào cũng có những mô hình tài chính được xây dựng bởi những MBA thừa nhiệt huyết, sốt sắng giải những phương trình hơn là tự vấn bản thân xem mình đang làm gì. Một bảng tính so sánh giá trị của các công ty mạng với số lượng khách viếng thăm trang web. Công ty được khuyến nghị đó là công ty có tỷ số giá trị trên số lượng con mắt nhìn - một thuật ngữ thời thượng được các nhà phân tích sáng tác ra - thấp nhất. Bởi thế, HÃY MUA ĐI!, bản báo cáo hô hào lên như thế. Tất nhiên, các nhà phân tích chẳng bao giờ thèm đặt câu hỏi rằng liệu có ai trong số khách viếng thăm website trả tiền cho các công ty mạng hay không. “Nó là thương vụ rẻ có thể thấy rõ trên nhiều mặt!” bản báo cáo tóm lại với một dấu chấm than.
- Thưa ngài, khách hàng của tôi đã tới. Tôi đưa người ta vào gặp ngài nhé? -  Sri hỏi sau khi quay trở lại từ nhà vệ sinh.
- Được, - tôi đáp.
- Thưa ngài, đây là bà Sreenivas, - Sri nói.
Một quý bà năm mươi tuổi với những chiếc vòng tay bằng vàng dày hơn cả những chiếc còng bước tới khoang tôi. Chúng tôi tới khu xô pha, để tạo cảm giác thân thuộc, thoải mái ở phòng khách hơn trước khi lột tiền khách hàng.
- Anh học IIT ra hả? - bà ta nhìn tôi săm soi.
- Vâng, - tôi nói trong khi chuẩn bị trình bày về những công ty mua để thua lỗ.
- Cháu trai tôi cũng sẽ thi vào đó, - bà ta nói. Bà ta có mái tóc đen, bôi dầu để trông sáng bóng hơn.
- Trông bà chưa đủ lớn tuổi để có cháu trai chuẩn bị vào học IIT, - tôi nói.
Bà Sreenivas cười. Sri cười lại với bà. Đúng thế, chúng tôi đã đặt một chiếc bẫy chuột và một miếng pho mát. Vào đi nào.
- Ồ không, tôi là một bà già rồi. Mà thằng bé mới học lớp sáu thôi.
- Tài khoản của quý bà đây là bao nhiêu? - tôi hỏi.
- Mười hai triệu rupi, thưa ngài, - Sri trả lời.
Tôi hình dung con số đó trong đầu; tôi cần làm công việc này trong ba mươi năm để có nó. Cảm giác như lấy tiền từ bà ta là một việc nên làm.
- Thưa bà, bà đã bao giờ đầu tư vào chứng khoán chưa? Cổ phiếu của các công ty mạng thời gian này đang rất rẻ, - tôi nói.
Bà Sreenivas nhìn tôi vẻ lo lắng.
- Chứng khoán ư? Chưa bao giờ. Và con trai tôi làm việc cho một công ty mạng ở nước ngoài. Nó nói người ta có thể đóng cửa văn phòng ở đó.
- Đó là ở Mỹ, thưa bà. Đây là Ấn Độ, chúng ta có dân số một tỷ người, tức là hai tỷ con mắt. Hãy hình dung tiềm năng của Internet. Và chúng tôi có quỹ tương hỗ, bởi thế bà sẽ không phải đầu tư vào bất cứ một công ty nào.
Chúng tôi phỉnh phờ bà Sreenivas trong năm phút. Tôi xổ ra vô số những thuật ngữ MBA như lợi thế chiến lược, lợi nhuận trên doanh thu, phương pháp tiếp cận từ trên xuống và từ dưới lên, thành ra nghe tôi có vẻ rất thông thái. Bà Sreenivas và Sri gật đầu trước bất cứ điều gì tôi nói. Cuối cùng, bà Sreenivas đã quyết định mạo hiểm.
- Chúng ta hãy bắt đầu với một triệu nhé, - tôi nói để khép lại vấn đề.
- Năm. Năm trăm nghìn thôi nhé, - bà Sreenivas nài nỉ với chúng tôi về cách sử dụng tiền của chính bà.
Tôi đồng ý với năm trăm nghìn và Sri phấn khích ngất ngư. Tôi đã trở thành quản lý chăm sóc khách hàng ưa thích của bọn họ.
* * *
Bala đưa tôi đi ăn ở Sangeetha, một nhà hàng dosa. [Dosa: món ăn sáng được làm từ bột gạo và đậu lăng để lên men, như bánh kếp].
- Có những loại dosa nào? - tôi hỏi người phục vụ bàn.
- Chúng tôi có tám mươi lăm loại, - người phục vụ trỏ vào tấm bảng. Tất cả những món con người có thể hình dung ra đều có mặt trong danh sách dosa đó.
- Thử món dosa rau chân vịt đi. Và món dosa chuối ngọt nữa, - Bala nói và cười với tôi như một người cha mà tôi chưa từng có. - Cậu cảm thấy thế nào khi có vụ đầu tư đầu tiên? Tim đập loạn xạ chứ?
Tim tôi chẳng đập loạn xạ. Nó chỉ đau đớn. Tôi đã ở Chennai được mười lăm tiếng mà vẫn chưa nói chuyện với Ananya. Tôi muốn mua một chiếc điện thoại di động ngay khi có thể. À mà, tôi cần hai chiếc.
- Tôi nhìn thấy bản thân mình trong con người cậu. Cậu giống tôi đấy, - Bala nói trong khi nhúng chiếc dosa đầu tiên của mình trong sambhar.
Tôi chẳng biết tại sao ông ta lại có kết luận đó. Tôi có số cố định nhà Ananya. Nhưng phải đến bảy giờ cô mới về nhà. Cô làm công việc bán hàng bởi vậy cũng không có số cố định văn phòng. Tôi nhớ những khi chúng tôi kết thúc bữa ăn ở trường và ôm ấp nhau ngủ trưa. Thế đấy, cuộc sống sau khi tốt nghiệp thật chán chết.
- Thế này hay đấy chứ? - Bala hỏi. - Lúc nào tôi cũng hối hả khi tới ngân hàng. Vậy mà đã hai mươi năm rồi. Chà, tôi vẫn nhớ cái ngày sếp tôi đưa tôi đi ăn trưa lần đầu tiên. Này, cậu đang nghĩ gì thế? Thôi suy nghĩ về công việc ngay đi. Giờ là giờ ăn trưa mà.
- Vâng, - tôi nói và cố gắng tập trung. - Văn phòng HLL cách đây bao xa vậy?
- Tại sao? Cậu có khách hàng tiềm năng ở đó à?
Bala hỏi cứ như thể nguyên do duy nhất con người ta tồn tại là để trở thành khách hàng cấp cao của ngân hàng vậy.
- Có thể thế, - tôi nói.
Một điểm tốt trong nghề ngân hàng là bạn không hề cảm thấy áy náy khi nói dối.
- Nó ở Nungambakkam. Apex plaza, - ông ta nói.
Người phục vụ rót thêm sambhar và đưa dosa chuối tới. Món dosa đó ăn giống như bánh kếp, và phải nói rằng, không tệ chút nào.
- Ồ, đó là nơi tôi ở, phải không?
- Đúng, nhà tập thể của Citi. Đó cũng là căn nhà đầu tiên của tôi, - ông ta vươn người lên trước và vỗ vào lưng tôi.
Tôi nghĩ rằng mình có một ông sếp tốt. Tôi nên cảm thấy hạnh phúc nhưng tôi lại không thể. Tôi tự hỏi mình nên gọi tới HLL trước hay thẳng tiến tới đó.
Tôi trở về bàn làm việc của mình vào buổi chiều. Tôi gặp gỡ vài khách hàng, nhưng hầu hết bọn họ không có thời gian để ở lại lâu. Bà Sreenivas đã cho tôi một khởi đầu may mắn, nhưng rốt cuộc, phỉnh phờ các khách hàng người Tamil cẩn trọng cũng chẳng phải việc dễ dàng.
- Tài khoản tiết kiệm. Tôi muốn tài khoản tiết kiệm, - một khách hàng nói với tôi khi tôi hỏi ông ta về ưu tiên đầu tư của mình.
Vào ba giờ chiều, tôi có một cuộc gọi.
- Cuộc gọi dành cho ông đấy, - Sri nói và nối máy cho tôi.
- Xin chào, tôi muốn mở một tài khoản ưu tiên với nhân viên ngân hàng đẹp trai quyến rũ của tôi.
- Ananya? - tôi nói, giọng òa lên vui sướng. - Em đang ở đâu? Khi nào chúng mình mới gặp nhau được đây? Anh tới HLL nhé? Anh xin lỗi vì chuyến bay của anh…
- Bình tĩnh, bình tĩnh nào. Em đang ở Kancheepuram.
- Là ở đâu thế?
- Cách Chennai ba giờ. Em sẽ trở về sớm. Sao anh không tới nhà ăn tối nhỉ?
- Nhà? Nhà em á? Cùng với bố mẹ em?
- Vâng, sao lại không chứ? Đằng nào anh chẳng phải biết họ. Dạo này mẹ không vui vẻ lắm, nhưng không sao đâu.
- Sao mẹ em lại không vui? Bởi vì chuyện chúng mình à?
- Không, bà tìm thấy những nguyên do khác để mà buồn khổ. Thật may, lần này chẳng liên quan gì tới em cả.
- Ananya, chúng ta đi ra ngoài đi, OK?
- Hôm nay thì không được. Bác em từ Canada tới thăm. Anh đến lúc tám giờ nhé.
Cô cho tôi địa chỉ nhà mình. Tôi ghi lại và bắt cô đánh vần lại ba lần.
- Gặp anh năm tiếng nữa nhé, - cô nói và gác máy.
Tôi chằm chặp nhìn đồng hồ, hy vọng nó sẽ quay nhanh hơn. Các nhân viên đã ra về lúc sáu giờ, và theo cái văn hóa vĩ đại của Citi, MBA chẳng bao giờ ra về trước tám giờ cả.
Tôi giết thời giờ bằng cách đọc những tin bài trên tờ Kinh tế Ấn Độ. Những người thông thái đã viết ra chúng, và họ tạo ra những dự báo về GDP trong vòng mười năm tới với sự tự tin đã che giấu một sự thật cơ bản - làm sao anh chắc điều đó là đúng?
Lúc bảy giờ rưỡi tôi đứng dậy để ra về. Bala bước về phía tôi.
- Về à? - ông ta hỏi, trông khó xử như thể tôi đã chủ định nghỉ chui nửa ngày vậy.
- Vâng, - tôi nói. - Chẳng có nhiều việc để làm.
- Một lời khuyên nhé, đừng bao giờ về trước sếp của mình, - ông ta nói và nháy mắt với tôi.
Ông ta cười, còn tôi chẳng thấy có gì buồn cười trong đó cả. Tôi muốn xem một quyển truyện cười Tamil trông thế nào.
- Lúc nào thì ông về? - tôi hỏi vẻ mệt mỏi.
- Sắp rồi, thực ra kết thúc bây giờ được rồi. Kusum sẽ đợi đấy. Cậu muốn về nhà tôi ăn tối chứ?
- Không, cảm ơn, - tôi nói.
Ông ta cho tôi cái nhìn thất vọng thứ hai.
- Tôi phải tới một nơi, thăm họ hàng xa, - tôi nói.
- Ồ, - ông ta nói, giọng vẫn hơi buồn một chút.
Xin lỗi nhé, ông bạn, tôi không đưa ông cái điều khiển từ xa cuộc đời của tôi chỉ bởi vì ông là sếp của tôi đâu, tôi nghĩ.

17

“Swaminathan”, tấm biển tên căn nhà nhỏ nằm riêng biệt của Ananya viết thành vòng cung. Tôi nhấn cái chuông cửa mà kể cả tiếng o o của một chiếc máy xay cũng có thể át đi tiếng reng của nó.
- Vâng? - bố Ananya mở cửa với vẻ bối rối. Tôi cá ông nhận ra tôi nhưng giả tảng không biết để làm tôi bối rối. Ông mặc áo vest trắng cộc tay có túi ngực trước và lungi kẻ ô vuông xanh trắng.
- Cháu là Krish, thưa ngài, bạn của Ananya, - tôi nói.
Cũng chẳng rõ tại sao, nhưng nỗi sợ thường khiến tôi gọi người ta là ngài. Tôi đã mang theo một hộp bánh quy, vì trực giác Punjab của tôi đã dạy tôi rằng đừng bao giờ tới nhà ai mà không mang theo ít nhất bằng lượng calo mà bạn sẽ hấp thụ ở đó.
- Ồ, vào đi, - ông nói sau khi tôi tự giới thiệu lần nữa.
Tôi bước vào bên trong và đưa ông gói quà.
- Giày! - ông nói giọng nghiêm khắc trong khi tôi đang nghĩ ông sẽ nói “cảm ơn”.
- Gì ạ? - tôi hỏi.
Ông chỉ vào chiếc giá để giày bên ngoài nhà.
Tôi tháo giày và kiểm tra tất xem có bị bốc mùi và thủng ở đâu không. Rồi tôi cũng quyết định tháo tất ra. Tôi bước vào bên trong.
- Đừng giẫm lên rangoli, - ông cảnh báo. [Một hình thức trang trí dân gian Ấn Độ với những hoa văn từ bột gạo tại một khu vực trên sàn nhà. Rangoli thường được làm trong các dịp lễ để chào đón các vị thần]
Tôi nhìn xuống. Bàn chân phải của tôi đã để lên một hoa văn bông hoa bằng bột gạo.
- Cháu xin lỗi, cháu thành thật xin lỗi, thưa ngài, - tôi nói và cúi xuống để sửa hoa văn đó.
- Không sao. Giờ cũng chẳng sửa được nữa rồi, - ông nói và dẫn tôi vào phòng khách.
Căn phòng dài hình chữ nhật nhìn giống như những gì còn lại của một phòng khách Punjab sau khi bị cướp khoắng đồ. Những chiếc xô pha khá đơn giản, nệm mỏng hơn những chiếc nệm của đường sắt Ấn dành cho khách đi tàu ngủ và đối ngược với những chiếc xô pha nhung đỏ diễm lệ của cô Pammi. Bức tường được quét màu sơn xanh nhạt. Có rất nhiều bức hình của vô số các vị thần Nam Ấn xung quanh căn phòng. Khu vực ăn có những chỗ ngồi dưới sàn. Ở một góc có chiếc giường với một cây đàn tambura (trông giống như đàn sita). Một ông già ngồi ở đó. Tôi tự hỏi liệu có phải bố mẹ Ananya ăn chơi tới mức bày nhạc sống cho bữa tối không.
[Tambura và Sita là những chiếc đàn có cổ dài, bầu nhỏ, tròn]
- Ngồi đi, - bố Ananya nói, trỏ tay vào xô pha.
Chúng tôi ngồi đối diện nhau, lần đầu tiên tôi đối mặt với bố Ananya. Tôi suy nghĩ rất lung cố nặn ra một chủ đề phù hợp.
- Nhà chú đẹp thật đấy ạ, - tôi nói.
- Đẹp cái gì? Ở đây không có nước đâu, - ông nói và nhặt một tờ báo lên.
Tôi cúi gằm mặt, như thể xin lỗi về sự cố nước nôi ở Mylapore.
Ông mở tờ báo ra, che giữa mặt ông và mặt tôi. Tôi không biết liệu điều đó có phải là chủ tâm không. Tôi giữ yên lặng và quay sang người đàn ông với chiếc tambura. Tôi cười, nhưng ông ta không phản ứng gì. Căn nhà này có một vẻ im lặng kỳ quái. Một ngôi nhà của người Punjab sẽ chẳng bao giờ yên lặng như thế này kể cả khi người ta ngủ ban đêm.
Tôi nghiêng người lên phía trước để xem liệu rằng ông đang đọc báo hay đang tránh tôi. Ông đã mở trang xã luận của tờ Người Hindu. Ông đang đọc một bài bày tỏ quan điểm về việc AIADMK [tên một đảng phái chính trị ở Ấn Độ] yêu cầu chính phủ điều tra bộ trưởng quốc phòng, người đã cách chức một vị chỉ huy hải quân. Đó là những thứ quá to tát. Chẳng ai trong gia đình tôi, nói đúng hơn, chẳng ai họ gần họ xa của tôi từng đọc những trang xã luận trên các tờ báo, chứ đừng nói tới những bài báo về AIADMK.
Bắt gặp tôi đang nhìn trộm, ông gầm gừ:
- Gì thế?
- Không ạ, - tôi nói.
Tôi không biết tại sao mình lại cảm thấy tội lỗi đến thế. Ông tiếp tục đọc trong vòng năm phút nữa. Tôi có cơ hội để cất lời lần nữa khi ông giở trang báo.
- Không có ai ở nhà cả ạ, thưa ngài?
- Họ đi đâu được chứ?
- Cháu chẳng thấy ai cả.
- Nấu ăn. Cậu không nghe tiếng máy xay thịt à? - ông nói.
Tôi không biết bình thường bố Ananya vẫn như thế này hay do hôm nay là một ngày rất bực mình. Có lẽ ông bực vì mình đang ở đây, tôi nghĩ.
- Cậu muốn uống nước không? - ông hỏi.
- Không, thưa ngài, - tôi nói.
- Tại sao? Sao cậu lại không muốn uống nước?
Tôi chẳng biết trả lời thế nào ngoài việc nói rằng tôi cảm thấy sợ sệt và lạc lõng trong ngôi nhà này.
- Vâng, cho cháu ít nước cũng được, - tôi nói.
- Radha, - ông gọi to. - Tanni!
- Có phải đó là ông của Ananya không ạ? - tôi hỏi và trỏ về phía ông già.
- Không, - ông nói.
Tôi nhận ra rằng bố Ananya chỉ trả lời chính xác những gì được hỏi.
- Ông ấy là ai ạ? - tôi hỏi chậm rãi.
- Đó là thầy giáo dạy nhạc camatic của Radha, ông ta đến gặp bà ấy. Nhưng bây giờ bà ấy đang bận bịu trong bếp nấu bữa cho cậu đấy. Làm gì được bây giờ chứ? [Camatic: một hệ thống âm nhạc vùng Nam Ấn]
Tôi gật đầu.
Mẹ Ananya bước vào phòng khách. Bà cầm chiếc khay có cốc nước và một đĩa đồ ăn vặt. Những thứ đồ ăn màu nâu hình xoắn ốc trông giống như rắn hóa thạch.
- Cháu chào cô, - tôi đứng dậy.
- Chào Krish, - bà nói.
- Cháu xin lỗi vì đã đến không đúng lúc, - tôi nói và nhìn vị thầy giáo.
- Không sao. Ananya đã mời cháu mà. Nó thường không hay hỏi tôi trước, - mẹ Ananya nói.
- Thưa cô, chúng ta có thể ra ngoài ăn được mà, - tôi nói.
- Không sao. Đồ ăn cũng sắp xong cả rồi, - bà nói và quay sang chồng mình. - Cho em nửa tiếng với thầy nhé.
Bà bước tới và chạm vào chân vị thầy. Vị thầy ban phúc cho bà. Bà cầm chiếc tambura và họ rời khỏi căn phòng.
- Vậy là Citibank đã phân cậu về Chennai à? - Lần đầu tiên ông cất lời gợi chuyện với tôi.
- Vâng, thưa ngài, - tôi nói. Ananya đã nói với ông việc ngân hàng chuyển tôi tới đây.
- Sao họ lại cử người Bắc Ấn tới đây nhỉ?
- Cháu không biết, thưa ngài.
- Lũ vô dụng chết tiệt, - ông lẩm bẩm và lại vùi mặt vào tờ báo.
Tôi hắng giọng và cuối cùng đã có đủ dũng khí để hỏi.
- Ananya đâu ạ?
Ông ngẩng lên vẻ bị sốc như thể tôi vừa hỏi ông giấu tạp chí khiêu dâm ở đâu vậy.
- Nó đi tắm rồi. Nó sẽ trở lại sau buổi cầu nguyện tối.
Tôi gật đầu. Ananya chẳng bao giờ cầu nguyện buổi tối ở Ahmedabad. Tôi nghe âm thanh từ phòng khác vọng lại. Nghe như những tiếng ỉ ôi dài, như thể có ai đó đang bị siết cổ từ từ. Thấy tôi có vẻ bối rối, ông bèn ngẩng lên nhìn.
- Nhạc camatic đấy, - ông nói. - Cậu biết chứ?
Tôi lắc đầu.
- Thế cậu biết gì? - ông hỏi và lại chúi mũi vào tờ Người Hindu mà chẳng thèm chờ tôi trả lời.
Trong tôi dấy lên thôi thúc được chạy khỏi căn nhà này. Mình đang làm cái khỉ gì trong căn nhà thần kinh này vậy? Tôi nghe tiếng bước chân bên ngoài.
- Em xin lỗi, - Ananya nói và bước vào.
Tôi quay lại nhìn cô. Tôi đang được gặp cô sau hai tháng. Cô mặc một bộ sari cotton màu kem có đường viền mỏng màu vàng. Cô có vẻ xinh đẹp hơn lần gần đây nhất tôi nhìn thấy. Tôi muốn vồ lấy cô và đặt chiếc hôn nồng nàn nhất lên môi cô. Tất nhiên, khi mà ngài Swami khó tính nghiện Hindu còn đang ngồi trước mặt tôi thì tình hình lại khác.
- Chào Ananya, rất vui được gặp lại em, - tôi chào cô như đồng nghiệp chào nhau ở chỗ làm. Tôi giữ tay sát người.
- Gì thế? Ôm em một cái nào, - cô nói và ông bố cuối cùng đã mất hứng thú với tờ Người Hindu.
- Ngồi đây, Ananya, - ông nói và cẩn thận gập tờ báo lại như thể có khả năng ông sẽ đọc lại nó hằng ngày suốt phần đời còn lại của mình.
- Chào bố, - Ananya nói và hôn vào má bố cô. Tôi cảm thấy ghen tị. - Ồ, mẹ đang hát à? - cô nói khi nghe thấy tiếng kêu khóc của mẹ cô.
- Đúng thế đấy, - bố Ananya nói. - Con có biết đó là điệu ca dân gian nào không?
Ananya nhắm mắt lại để lắng nghe. Trông cô rất xinh đẹp nhưng tôi phải nhìn đi chỗ khác bởi vì bố cô để mắt tới nhất cử nhất động của tôi.
- Đó là malhar, chắc chắn là malhar rồi, - cô nói. Ông gật đầu hài lòng.
- Có bao nhiêu điệu ca dân gian thế? - tôi hỏi, cố để len vào câu chuyện.
- Một nghìn, phải không bố? - Ananya nói.
- Ít nhất cỡ đó. Cậu không nghe nhạc camatic sao? - ông hỏi tôi.
- Không nhiều lắm ạ, nhưng loại này nghe có vẻ hay, - tôi nói.
Tất nhiên, có vẻ không hay lắm nếu nói rằng cháu chẳng biết chú đang nói cái quái gì.
- Mẹ đã giành hai chức vô địch ở cuộc thi Tamil Sangam ở Kolkata khi bố còn làm việc ở đó, - Ananya nói, giọng tự hào.
- Nhưng bà ấy đã thôi hát kể từ khi chúng tôi chuyển đến Chennai, - ông nói và giơ tay lên trời.
- Tại sao ạ? - tôi hỏi.
- Có rất nhiều lý do, - Ananya nói và ra hiệu cho tôi thay đổi đề tài.
- Bác em đang ở đây à? - tôi hỏi.
- Vâng, bác Shobha đang ở trong bếp. Bác ấy là chị của bố.
Tôi cầu mong bác Shobha không giống tính người em trai của bà. Sự im lặng trùm xuống căn phòng. Tôi nhặt một miếng snack lên ăn. Mỗi tiếng lạo xạo phát ra đều nghe thấy rõ ràng trong căn phòng này. Tôi phải giữ cho câu chuyện được tiếp tục. Hồi trước tôi đã từng đọc một cuốn sách về cách kết bạn. Nó nói rằng hãy quan tâm tới công việc người ta làm và hãy nhắc tên họ trong cuộc đối thoại.
- Vậy là ngài đã làm việc khắp Ấn Độ, ngài Swaminathan? - tôi ướm hỏi.
- Một vài nơi, cho tới khi tôi bị kẹt lại đây, - ông nói.
- Kẹt lại ư? Cháu tưởng ngài thích Chennai, quê hương của mình, - tôi nói.
Ông nhìn tôi khó chịu. Tôi băn khoăn không biết liệu có phải mình đã nói điều gì đó không phù hợp.
- Tôi đi gọi Shobha đây. Ăn tối sớm thôi, - ông nói và rời khỏi phòng.
Tôi muốn hỏi Ananya về bố cô, nhưng tôi muốn ôm lấy cô trước.
- Đừng, - Ananya nói khi cảm nhận thấy ý định của tôi.
- Sao thế?
- Đừng nhúc nhích. Giữ khoảng cách một mét nhé, - cô nói.
- Em điên à? Có ai ở đây đâu.
- Không có ai ư? Mẹ em đang hát ở phòng bên đấy, trời ạ.
- Đó mà là hát ư?
- Im đi, - cô khúc khích cười. - Và theo em thì anh cũng nên học một chút nhạc camatic đi. Không, dừng lại, đừng đứng dậy khỏi ghế xô pha.
Cô gửi tôi một cái hồn gió và tôi ngồi thụt trở lại xô pha.
- Tháng này là tháng tồi tệ của bố ở ngân hàng, - Ananya thì thào. - Bố đã lỡ cơ hội thăng chức. Đáng lẽ ông đã được làm giám đốc chi nhánh Ngân hàng Baroda của quận này, nhưng những mưu mô chính trị bẩn thỉu đã diễn ra. Còn ông thì ghét chính trị.
Tôi không đề cập đến vẻ quan tâm khi ông đọc bài báo về AIADMK.
- Em trai em đâu?
- Nó đi ngủ rồi. Nó thường dậy sớm để học bài.
Chúng tôi nghe tiếng bước chân.
- Hãy cẩn thận với bác Shobha nhé. Nói càng ít càng tốt, - cô nói.
- Sao lại thế? - tôi nói đúng lúc mẹ Ananya trở lại phòng khách. Bà và vị thầy giáo bước về phía cửa chính. Trông bà lộ vẻ thất vọng.
- Illa luyện tập? - thầy giáo lẩm bẩm khi mẹ Ananya nói với ông bằng tiếng Tamil. Thầy giáo lắc đầu và rời đi.
- Sao vậy ạ? - Ananya hỏi bà.
- Chẳng có gì. Bố và bác con đâu? Ăn thôi, - mẹ Ananya nói giọng nghiêm trọng.
Bố và bác của Ananya bước vào phòng khách. Họ mang nhiều đĩa thức ăn hơn số lượng tay họ mang được. Tôi đứng dậy để giúp.
- Chào bác, để cháu cầm giúp vài thứ ạ!
- Cậu rửa tay đi, - ông bảo tôi và chỉ cho tôi xuống bếp.
Chúng tôi ngồi xuống sàn chuẩn bị ăn bữa tối. Bố Ananya đưa tôi một miếng lá chuối. Tôi tự hỏi không biết phải ăn miếng lá chuối hay dùng nó để lau tay.
- Đặt nó xuống, nó dùng làm đĩa đấy, - Ananya thì thào.
- Radha, - bác Shobha vừa đanh giọng nói vừa trỏ xuống miếng lá chuối của bà. Có đốm bụi ở một bên.
- Ô, em xin lỗi, xin lỗi, - cô Radha nói và thay miếng lá đi.
Chuyện này chẳng khác gì chuyện bác Shipra bới lỗi mẹ tôi. Dù nền văn hóa khác nhau đến đâu thì vẫn luôn có những người họ hàng thần kinh.
Tôi bắt chước Ananya xúc cơm, sambhar, những thứ rau trông ngồ ngộ và hai thứ bột màu nâu vào đĩa.
- Cái gì đây? - tôi hỏi.
- Thuốc súng đấy, thử đi, - cô nói.
Tôi nếm thử. Nó giống như mạt cưa trộn với ớt vậy.
- Ngon không?
Tôi gật đầu với Ananya. Mọi người lúc đầu giữ những đụn nhỏ gọn gàng các món trên tờ lá chuối. Chẳng bao lâu sau họ đã trộn nó thành một đống sền sệt.
- Trộn nữa đi, - Ananya nói khi tôi cố bắt chước nhà vợ tương lai.
- Cậu là bạn học của Ananya à? - bà bác Shobha cất tiếng lần đầu tiên.
- Vâng, ở IIM ạ, - tôi nói.
- Sinh viên IIT à?
Tôi gật đầu. Ananya đã bảo tôi rằng cái mác IIT của tôi là dải bạc lấp lánh duy nhất trong cái vị thế lởm khởm của tôi trước gia đình họ.
- Em họ của Sushila cũng học IIT đấy. Radha, tôi đã bảo cô rồi, phải không? Harish sống ở San Francisco ấy.
- Khóa nào ạ? - tôi hỏi.
- Ở IIT Madras, không phải trường của cậu, - bác Shobha nói, bực mình vì bị chen ngang.
Tôi giữ yên lặng và nhìn rất nhiều các loại rau, cố gắng gọi tên chúng. Tôi chào lũ đậu và cải bắp.
- Bố mẹ Harish muốn nó lấy vợ rồi. Xem nakshatram cho Ananya chưa? - bác Shobha hỏi.
- Chưa, chưa ạ, - mẹ Ananya nói.
- Sao thế, Swami? Vợ cậu không muốn tìm một chàng rể tốt hay sao?
Thật không thể tin được họ lại bàn bạc chuyện này ngay khi tôi đang ở đó.
- Em đưa bát cơm cho anh với, - tôi nói, hy vọng lèo lái được câu chuyện sang hướng nào đó.
- Radha, em phải nghe lời Shobha. Chị ấy hiểu rõ nhất, - bố Ananya nói.
Đàn ông Ấn Độ chẳng hề ngần ngại vả vào mặt vợ mình vì những người chị em của ông ta. Mẹ Ananya gật đầu trong khi bác Shobha bắt đầu bài thuyết trình bằng tiếng Tamil. Bố mẹ Ananya cũng trả lời lại bằng tiếng Tamil. Thật khó chịu, như thể đang xem một bộ phim toàn tiếng địa phương chiếu trước mặt mình vậy.
Sau năm phút tôi nói.
- Cháu xin phép ạ.
- Gì thế? - bố Ananya nói.
- Các bác có thể nói tiếng Anh được không ạ? Cháu không theo được câu chuyện, - tôi nói.
Ananya nhìn tôi, sốc. Thôi cho em xin, mắt cô nói vậy.
- Thế thì học tiếng Tamil đi, - bố Ananya nói.
- Vâng, thưa ngài, - tôi nói vẻ ngoan ngoãn.
- Dù sao, chuyện này cũng không liên quan tới cậu, - ông thêm vào.
Tôi gật đầu.
Tôi nghe rất nhiều tên các công ty công nghệ và tên của các cậu con trai. Tôi chỉ muốn hất tàu lá chuối của tôi vào mặt bà bác.
Tôi ra về khá sớm sau bữa tối. Ananya ra cùng để giúp tôi bắt xe. Cô cầm tay tôi khi chúng tôi bước trên đường phố vắng lặng.
- Anh không nói chuyện với em, - tôi nói và gỡ tay ra.
- Gì thế? - cô hỏi.
Chúng tôi đi qua một ngôi nhà gỗ có khu vườn trồng dừa.
- Mọi người đang bàn bạc về đám cưới của em còn gì. Nakshatram là cái quái gì thế? - tôi hỏi.
- Đó là lá số tử vi. Mọi người cứ viển vông vậy ấy mà. Em sẽ chẳng cưới ai ngoại trừ anh.
Cô cầm tay tôi lên hôn. Tôi lại rút tay về. Tôi vẫy một chiếc tuk tuk. Ananya sẽ phải mặc cả với anh ta bằng tiếng Tamil, nếu không tôi lại phải trả gấp đôi.
- Làm sao anh chiếm được cảm tình của họ bây giờ. Điều đó hầu như là không thể. Ngồi với bố em cứ như là bị gọi lên phòng hiệu trưởng ấy.
Ananya cười phá lên.
- Có gì buồn cười đâu?
- Có một chút đấy. Thế còn mẹ em thì sao?
- Từ hồi ở trường anh đã sợ những bức ảnh của bà chứ đừng nói là ngoài đời thật! Nhìn thấy bà anh đã đủ chết rồi.
- Các bức ảnh của mẹ làm anh sợ sao?
- Đúng thế, chính vì vậy anh chẳng bao giờ muốn làm tình ở phòng em. Cứ nhìn thấy ảnh mẹ em là anh lạnh cả xương sống rồi. Anh cứ tưởng tượng bà đang nói, “Cậu đang làm gì với con gái tôi đấy?”.
Ananya lại phá lên cười.
- Nếu không phải chúng ta đang ở Mylapore thì em đã hôn anh rồi. Anh đáng yêu quá, - cô nói.
- Thôi nào, Ananya, kế hoạch của em là gì? Em sẽ nói chuyện với mẹ em chứ?
- Mẹ đang bực mình. Ông thầy camatic đã từ chối dạy mẹ.
- Tại sao chứ?
- Em sẽ nói với anh sau.
- Mai gặp nhau được không? Ra ngoài nhé, - tôi nói.
- Gặp em ở bãi biển Marina lúc sáu giờ nhé, - cô nói.
- Anh không thể đến lúc sáu giờ được. Ông sếp Bala cực kỳ sát sao của anh tám giờ mới về.
- Em có nói là buổi tối đâu.
- Sáu giờ sáng á?
Tôi nuốt cái ực. Ananya đã quay sang anh tài xế.
- Nungambakkam, hai mươi rupi, không thêm blah blah, OK? - cô nói với anh ta.

18

Bình minh tuyệt đẹp ở bãi biển Marina đã bù đắp cho việc bị gọi điện đánh thức lúc năm giờ sáng. Mới sáng sớm hàng trăm người đã tản bộ trên bờ biển dài hàng dặm.
- Anh có biết đây là bãi biển thành phố dài nhất châu Á không? - Ananya hỏi ngay khi gặp tôi ở tòa nhà sở cảnh sát.
- Em đã bảo anh rồi, - tôi nói.
- Sao anh mặc đồ tề chỉnh thế?
- Anh sẽ tới chỗ làm luôn. Nhân viên tập sự phải đến đó lúc bảy giờ rưỡi, - tôi nói và tháo giày, xắn quần lên để đi dạo trên bãi biển.
- Để làm gì?
- Để nịnh nọt ông sếp, để nếu em làm tốt thì ông ấy sẽ thăng cho em lên cấp nịnh nọt mới. Chào mừng đến với cuộc sống công sở, - tôi nói.
- Em thì chưa phải đối mặt với chuyện đó. Em phải bán hàng nghìn chai tương cà chua mỗi tuần. Em đang hụt so với chỉ tiêu nhiều quá.
- Em phải chai mặt và tương mạnh vào, - tôi nói.
- Buồn cười đấy, - cô nói và đấm tôi.
Ananya nhìn thấy một người đàn ông cùng chiếc xe đạp. Ông ta mang theo một rổ đầy idli. [Idli: Một thứ bánh tròn nhỏ làm bằng bột gạo và đậu lăng để lên men và hấp lên].
- Ăn sáng nhé? - Cô rủ.
- Không có nướng sao?
- Đừng có phàn nàn, - cô nói.
Chúng tôi lấy bốn chiếc idli và ngồi trèn một chiếc ghế dài quay ra phía biển. Cô nói về mẹ cô.
- Thầy dạy nhạc không nhận mẹ. Ông ấy cảm thấy bà chơi chưa đủ hay.
- Nhưng chẳng phải bà rất giỏi sao? - tôi hỏi, mặc dù từ những tiếng khóc the thé nghe được tối qua thì tôi không dám chắc lắm.
- Mẹ chưa đủ giỏi theo các tiêu chuẩn Chennai. Bố hồi trước làm ở các thành phố bên ngoài Tamil Nadu. Mẹ đã trở thành một ngôi sao trong cộng đồng người Tamil ở đó. Ở đây, bà chỉ thường thường thôi. Nhạc camatic ở Chennai ở một đẳng cấp khác.
Tôi gật đầu làm như mình hiểu.
- Bố mẹ em đã rất hăm hở khi tới Chennai. Nhưng giờ đây bố đã mất cơ hội thăng chức. Những người họ hàng phiền phức cứ tới nhà suốt. Trong hoàn cảnh này mà con gái của họ muốn đem một anh chàng Punjab chứ không phải Brahmin, không phải Tamil về ra mắt họ thì tất nhiên là họ sẽ phát điên lên thôi. Chúng mình phải kiên nhẫn. Em cũng yêu họ, Krish ạ, - cô nói và dừng lại để thở.
Một cơn gió nhẹ thổi vào mặt chúng tôi. Cô ngả đầu vào vai trái tôi. Tôi vuốt tóc cô. Mặt trời trồi lên ở vịnh Bengal, đầu tiên màu gần như đỏ, rồi sau biến thành màu da cam ấm hơn. Tôi vòng tay quanh người Ananya. Với chiếc cà vạt và chiếc quần công sở, tôi trông giống như một anh chàng nhân viên tiếp thị không có chỗ nào để đưa bạn gái đi hẹn hò.
- Chỉ có một cách duy nhất để anh có thể đến nhà em thường xuyên, - Ananya nói sau khi nhìn đường chân trời một phút.
- Là gì?
- Ôn cho em trai em vào IIT. Họ sẽ chấp nhận mọi điều vì chuyện đó, - cô nói.
Tôi buông cô ra và ngồi thẳng lên.
- Em điên hay sao thế? Anh ôn thi vào IIT tám năm trước rồi. Anh không thể dạy thằng bé được.
- Em chắc chắn anh có thể xem lại sách vở và giúp được nó. Bố mẹ em sẽ phải dễ chịu hơn với anh. Chỉ tới khi đó em mới có thể yêu cầu họ xem xét chấp nhận anh một cách chính thức.
Tôi nhúng chiếc idli của mình vào chutney dừa và ăn. Tôi nhớ món bánh parantha nóng của mẹ vào bữa sáng.
- Anh có yêu em không?
Cô lau chutney dính trên môi tôi.
Tôi hôn cô. Tôi đang hôn cô sau hai tháng. Suốt một phút tôi vẫn không buông cô ra. Nói thế nào thì nói, tôi ôn lại môn hóa ở IIT cũng là vì cái cảm giác này đây.
- Nào! - Một giọng khàn khàn gào lên đằng sau chúng tôi.
Tôi quay người lại. Một cảnh sát người Tamil bụng phệ, trông giống đầu gấu hơn là cảnh sát, đang bước nhanh về phía chúng tôi.
- Cái gì thế này? - anh ta nói và phang dùi cui xuống ghế.
Cả hai chúng tôi bật dậy. Ananya núp sau lưng tôi.
- Ôi, chết tiệt, - cô nói. - Tìm cách thoát khỏi anh ta thôi.
Viên cảnh sát gào lên với tôi bằng tiếng Tamil. Bất lực, tôi bảo Ananya phiên dịch.
- Anh ta muốn đưa chúng ta tới đồn cảnh sát. Anh ta nói sao chúng ta dám to gan lớn mật làm những trò này ngay bên ngoài sở cảnh sát.
- Ai bảo sở cảnh sát lại đối diện bãi biển chứ? - tôi hỏi.
- Hãy im đi và nhè tiền cho anh ta, - cô thì thào.
Tôi rút ví ra và lấy hai mươi rupi.
- Không gì đó không gì đó… - Viên cảnh sát tiếp tục la hét và túm lấy tay tôi.
Tôi lấy ra một đồng năm mươi. Anh ta nhìn tôi rồi nhìn Ananya.
- Cảnh cáo đấy nhé, - anh ta vừa nói vừa cầm lấy đồng tiền.
Ananya phá lên cười sau khi viên cảnh sát rời chúng tôi đi.
- Không có gì buồn cười đâu, - tôi nói, đi lại giày và bỏ quần xuống. - Gặp nhau ở khu tập thể chỗ anh nhé?
- Để sau đi. Ngày nào em cũng phải rời Chennai, mà về cũng muộn nữa, - cô nói.
- Thế cuối tuần vậy?
- Em sẽ cố, - cô nói. - Anh cho em ăn gà nhé? Em thèm những món không phải đồ chay đến phát điên rồi. Và cả bia nữa.
- OK, - tôi hứa.
Tòa nhà của tôi có luật chỉ được ăn chay, nhưng nếu tôi mang những đồ đã làm sẵn từ ngoài vào chắc họ cũng chẳng biết được.
Chúng tôi ngồi trong xe tuk tuk của mỗi đứa. Cô nói với tôi từ cửa sổ bên hông xe.
- Và em sẽ nói chuyện với bố mẹ em về việc dạy thêm. Tuần hai buổi lúc năm giờ nhé?
- Năm giờ sáng á? Sao mọi người ở thành phố này lại háo hức dậy sớm đến thế chứ?
- Đó là lúc mọi người phải đi dạy thêm, - cô nói và phóng đi.
* * *
Tôi phải đợi hai tuần khốn khổ ở Chennai, cuối cùng Ananya mới quyết định tới thăm tôi ở khu tập thể để ăn trưa vào một ngày thứ Bảy.
Một cuối tuần nọ mẹ Ananya ốm và cô phải nấu ăn cho cả gia đình, theo sau là một bài ca của mẹ cô. Món ăn không được như ý, vì kinh nghiệm nấu nướng của Ananya chỉ giới hạn trong việc làm Maggi trong phòng tôi và làm bánh nướng bằng một chiếc bàn là (đúng thế, làm được đấy). Tiếp theo là một bài ca nữa từ bà bác Shobha dành cho mẹ Ananya vì đã không dạy dỗ con gái cho tới nơi tới chốn. Những chê trách đó thẩm thấu xuống cả Ananya, thế là cô phải đưa bà bác Shobha đi mua sắm trang sức và sari vào cuối tuần tiếp theo.
Trong khi đó, tôi đã tới Brilliant Tutorials và mua quyển hướng dẫn ôn thi vào IIT. Tôi không thể tin những tài liệu đó lại khó nhằn đến thế. Lý do duy nhất khiến tôi gắng học chúng hồi xưa là để không bị những cuộc cãi vã của bố mẹ tôi làm phân tán. Tôi ôn lại hóa học để chuẩn bị cho bài giảng đầu tiên.
Tôi cũng tới chỗ chú hàng xóm Sardar để tìm hiểu cách tốt nhất kiếm được gà và bia.
- Có ai đến thế? Người bạn Punjab của cháu à? - ông hỏi.
- Đồng nghiệp ạ, - tôi nói, để ông không đến.
- Cháu cẩn thận lúc mang lên thang máy nhé, - ông nói.
Được ông mách nước, tôi tới Delhi Dhabha ở Nungambakkam, cách nhà tôi không đến một cây số. Tôi bọc gói gà tandoori ba lần để mùi không bay ra ngoài. Tôi tới một cửa hàng bia rượu được chính phủ cấp phép, họ có làm rầy rà một chút vì tuổi của tôi.
- Cậu qua hai lăm chưa?
- Chưa, nhưng sắp rồi, - tôi nói.
- Thế thì chúng tôi không thể bán cho cậu được, - người bán hàng nói.
- Kể cả khi tôi trả thêm mười rupi mỗi chai ư?
Thật đáng kinh ngạc khi thấy tiền bạc có thể cơi nới luật lệ ở đất nước này đến vậy. Người bán hàng gói ba cái chai bằng một tờ giấy nâu, rồi tôi đặt chúng vào trong một túi nhựa, như vậy người ta sẽ không thể hình dung ra hình dạng.
- Có gì trong đấy đấy? - người giữ thang máy hỏi khi tôi đặt cái túi xuống sàn, những cái chai tạo ra âm thanh rất rõ.
- Nước chanh ạ, - tôi nói.
- Cậu nên uống nước dừa ấy, - người giữ thang máy nói.
Tôi gật đầu và tiến về căn hộ của mình. Ramanujan thấy tôi đặt những chiếc chai vào trong tủ lạnh.
- Gì thế? - Anh ta mặc lungi và thân trên chẳng có gì ngoại trừ một sợi chỉ quấn quanh vai.
- Bia, - tôi nói.
- Anh bạn, cậu không thể mang đồ uống có cồn vào trong tòa nhà này được, - anh ta nói.
- Bạn gái tôi sắp đến chơi. Cô ấy thích uống bia, - tôi nói.
- Cậu có bạn gái ư? - Ramanujan hỏi lại cứ như thể tôi có mười bà vợ vậy.
Chẳng ai trong số những anh chàng đang ở cùng tôi có bạn gái cả. Họ đều là những người có bằng cấp, những anh chàng Tamil làm việc cho Citibank được trả hậu hĩ sắp sửa được bố mẹ đưa ra đấu giá.
- Đúng vậy, từ hồi đại học, - tôi nói.
Những người bạn ở cùng đã vào phòng khách. Chẳng ai trong bọn họ mặc áo cả. Tôi đóng cánh cửa tủ lạnh để tránh đẩy câu chuyện về thứ đồ uống đó đi xa hơn.
- Cô ấy tới thăm Chennai ư? - Sendil hỏi.
- Cô ấy sẽ tới ở đây sao? Cô ấy không thể ở lại đây được, - Appalingam nói.
- Cô ấy sống ở Chennai, - tôi nói.
Mấy anh chàng đó nhìn nhau như thể ai sẽ là người hỏi câu hỏi treo chuông cổ mèo.
- Người Tamil à? - Ramanujan hỏi.
- Ừ, - tôi nói, - Tamil Brahmin.
Tôi thêm vào hai từ cuối để họ đón sốc cùng lúc.
- Chà! - cả bọn đồng thanh.
- Cô ấy uống bia à? - Ramanujan hỏi.
- Ừ, - tôi nói và đổ gà ra một chiếc bát.
- Lại còn ăn gà nữa? Người Brahmin kiểu gì thế? - Sendil nói. - Và anh bạn này, đừng đưa người không ăn chay vào ngôi nhà này đấy.
- Đây cũng là nhà tôi mà, - tôi nói.
- Nhưng luật là luật, - cậu ta nói.
Người ở thành phố này thích các luật lệ, nói đúng hơn là thích tuân theo các luật lệ. Trừ phi bạn là cảnh sát hay người bán rượu hay tài xế tuk tuk.
- Thôi kệ đi, Sendil, - Ramanujan nói.
- Cảm ơn, - tôi nói và đặt chỗ gà vào trong tủ lạnh. - Các cậu ơi, lúc cô ấy đến phiền các cậu mặc áo vào hộ nhé.
Ananya tới chỗ tôi lúc hai giờ. Tôi lịch sự mời cô vào phòng khách. Các bạn cùng nhà của tôi ném về phía nhau những cái nhìn ngại ngùng khi cô chào hỏi bọn họ. Sendil nói chuyện với cô bằng tiếng Tamil. Người Tamil thích chọc tức những người không nói tiếng Tamil bằng cách chỉ nói chuyện với nhau bằng tiếng Tamil trước mặt họ. Đây chỉ là sự nổi loạn âm thầm duy nhất trong tính cách kiềm chế, nhu thuận của họ. Cuối cùng, khi cô vào phòng riêng của tôi, tôi ôm chầm lấy cô từ đằng sau.
- Chúng mình ăn trước nhé? Em không được ăn gà cả tháng rồi.
- Anh không được làm tình trong bốn tháng rồi, - tôi nói, nhưng cô đã bước tới và mở tủ lạnh.
- Anh có cả bia nữa. Tuyệt quá!
Cô tán thưởng và rút ra một chai. Cô mời các bạn cùng nhà tôi; họ từ chối. Chúng tôi đưa thức ăn và bia vào phòng ngủ của tôi. Tôi không muốn các bạn mình bên ngoài phải chứng kiến tội lỗi khi chúng tôi xử lý hết một con gà và hai chai bia.
- Còn giờ là món tráng miệng, - tôi nói và tới gần cô.
- Nếu em ợ, đừng hết yêu em nhé, - cô nói và môi cô kề gần tới môi tôi.
Tôi ợ. Cô phát tôi. Chúng tôi hôn và hôn và hôn nhiều nữa. Chúng tôi làm tình cuồng nhiệt, không phải chỉ vì sau một thời gian dài, mà còn bởi vì lần đầu tiên chúng tôi làm điều đó ở cái thành phố cao ngạo này.
- Ngài Citibank ơi, có lỡ tàu xe gì đâu. Lần sau chậm hơn, nhẹ nhàng hơn nhé, - Ananya nói khi chúng tôi nằm ngửa ra.
Tôi thở dài, bước vào trạng thái mơ hồ. Ramanujan chơi nhạc Tamil bên ngoài phòng.
- Sao, nói gì đi chứ? Đàn ông chỉ thích làm tình thôi, - cô nói và đá chân tôi.
- Đúng thế, chính vì thế mà anh đã đồng ý dạy em trai em lúc năm giờ sáng. Em muốn xem vở hóa học của anh không?
Tôi ngồi dậy, mặc quần áo và lôi những bài giảng từ ngăn kéo ra.
- Đêm qua anh đọc lại suốt bốn tiếng đấy, - tôi nói.
- Đáng yêu quá, - cô nói và bước tới hôn lên má tôi. - Đừng lo. Bố mẹ em sẽ sớm biết anh tuyệt đến chừng nào thôi. Và rồi họ sẽ yêu anh như em yêu anh vậy.
- Họ sẽ ngủ với anh chứ?
Tôi nằm xuống bên cạnh cô. Cô huých cùi tay vào bụng tôi.
- Đau đấy, - tôi nói.
- Tốt. - Cô nhìn vào mắt tôi. Ánh mắt cô trở nên dịu dàng. - Em biết dạy thêm rất vất vả. Bố mẹ em là những người kỳ quặc. Anh đừng bỏ cuộc nhé?
- Anh sẽ không bỏ cuộc.
Tôi vuốt tóc cô.
- Hay thật đấy, gần gũi như thế này còn tuyệt hơn cả làm tình nhỉ?
- Anh không chắc, - tôi nói và với tay ra để chỉnh quạt to hơn.
- Nhà em chẳng bao giờ nói chuyện. Ở nhà bố mẹ em năm thì mười họa mới mở lời. Mọi người nói chuyện về thời sự, về thức ăn, về thời tiết. Nhưng chẳng bao giờ tâm sự về cảm nghĩ của mình. Em chỉ có thể tâm sự với anh thôi, - cô nói.
Tôi im lặng. Cô ngồi dậy để mặc quần áo. Cô nhặt những chiếc gối từ dưới sàn lên và đặt lại trên giường. Tôi kéo tay cô ngồi xuống lại với tôi.
- Sao anh không rủ em bỏ trốn với anh? - cô hỏi.
- Em muốn anh làm thế à? Nếu anh rủ em bỏ trốn thì sao?
- Em sẽ chẳng biết phải làm gì nữa. Em không muốn làm tổn thương họ. Em đã làm thế, bằng cách chọn bạn trai người Punjab, nhưng em nghĩ chúng ta có thể thuyết phục được họ. Em muốn họ mỉm cười vào ngày cưới của em. Em đã tưởng tượng về ngày cưới của mình như thế kể từ khi em còn bé. Còn anh thì sao?
Tôi suy nghĩ một phút.
- Anh không muốn trốn đâu, - tôi nói.
- Tại sao chứ?
- Như thế thì quá dễ dàng. Và nó không phục vụ cho mục đích lớn lao hơn.
Ananya bước ra khỏi giường và mang lại những thứ đồ ăn còn thừa. Cô nhặt ăn những mẩu vụn thịt gà trong khi chúng tôi nói chuyện.
- Mục đích lớn lao hơn ư?
- Đúng vậy, chính những sự phân biệt và chia rẽ ngu ngốc đó là nguyên nhân làm cho đất nước chúng ta trì trệ đến vậy. Là người Tamil trước, sau đó mới là người Ấn Độ. Người Punjab trước, rồi mới là người Ấn Độ. Chuyện này phải kết thúc.
Ananya nhìn tôi.
- Tiếp tục đi, - cô vỗ về vẻ tinh nghịch.
Tôi tiếp tục:
- Quốc ca, đồng tiền chung quốc gia, các đội tuyển quốc gia, vậy mà, con cháu của chúng ta vẫn không được cưới người ngoài bang mình. Sao sự hà khắc này có thể là điều tốt cho đất nước chúng ta được chứ?
Ananya mỉm cười.
- Đây là gà, bia hay sex? Cái gì đã nạp năng lượng cho anh nhiều đến vậy? Hãy nịnh em và nói rằng đó là do sex đi. Nào, nói đi, - cô nói.
- Anh nghiêm túc đấy, Ananya. Chuyện ngớ ngẩn đó phải kết thúc thôi.
- Và làm thế nào chúng ta kết thúc được nó đây?
- Hãy nghĩ về con cái chúng ta.
- Em đã nghĩ rồi, một vài lần. Em muốn chúng có khuôn mặt của em. Chỉ đôi mắt là của anh thôi, - cô nói.
- Không phải cái đó, hãy nghĩ về điều này - chúng sẽ không phải là người Tamil hay người Punjab. Chúng sẽ là người Ấn Độ. Chúng sẽ vượt lên trên những thứ vớ vẩn này. Nếu thanh niên nào cũng kết hôn với người không thuộc cộng đồng của họ, đó sẽ là một điều tốt cho đất nước. Đó chính là mục đích lớn lao hơn.
- Ô, vậy ra lý do anh ngủ với em là muốn tốt cho đất nước này, - cô nói.
- Ở một khía cạnh nào đó thì đúng là như vậy.
Tôi cười bẽn lẽn. Cô lấy một chiếc gối và đập vào đầu tôi. Và sau đó, vì đất nước, chúng tôi lại làm tình tiếp.
- Mở cửa ra, Krish, - giọng lo lắng của Ramanujan cùng những tiếng đập cửa lớn đã đánh thức tôi dậy.
-----------
Còn tiếp.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét