KHI YÊU CẦN NHIỀU DŨNG CẢM
Tác giả: Chetah Bhagat
Người dịch: Nguyễn Thị Hương Thảo
NXB Hội Nhà Văn, 05-2015
58
- Bố con đâu ạ? - tôi hỏi mẹ tôi, - bố không nói với con bố
cần bao nhiêu bản copy.
Dù ngồi ăn sáng trước khi đi làm, tôi chỉ uống một cốc sữa.
Những thứ rắn vẫn không thể tiêu hóa được. Tôi muốn chạy ù đi làm và để đầu óc
tôi bận rộn trước khi nó lại rơi vào cái hố đen chết tiệt đó lần nữa.
- Đi bộ buổi sáng rồi, - mẹ tôi nói.
- Sao bố không mang di động? - tôi vừa nói vừa xỏ giày để tới
công ty.
- Cứ copy mỗi cái bốn bản, đề phòng, - mẹ tôi nói.
Đó không phải chuyện lớn. Tuy vậy, những ngày này tôi rất dễ
cáu bẳn.
- Cứ như con chẳng còn việc gì để làm ở văn phòng vậy, - tôi
nói.
- Tất cả những người gắt gỏng trong cái nhà này, xin hãy đi
đi, - mẹ tôi nói và chắp tay. - Mẹ không biết khi nào con mới quên con bé ấy.
- Con không biết khi nào mẹ mới kết thúc vở kịch của mẹ, -
tôi nói.
- Đứa con gái này… - mẹ tôi bắt đầu.
- Tạm biệt mẹ, - tôi nói vội và vọt khỏi nhà.
Đêm đó tôi về nhà muộn. Tôi đã vục đầu vào nước quả và sữa cả
ngày.
- Lại không ăn tối à? Dạo này con ăn uống ở đâu thế, và nhìn
con kìa, phờ phạc quá. Mà cạo râu đi, xin con đấy, - mẹ tôi nói.
- Bố đã về chưa ạ? - tôi hỏi, - Đây là giấy tờ của bố.
Tôi lấy ra các bản in và đặt chúng lên trên bàn. Mẹ tôi lắc
đầu và bảo tôi rằng ông đã đi đâu cả ngày nay rồi.
- Mẹ đưa cho bố hộ con nhé, - tôi nói.
Tôi về phòng và nằm vật ra giường. Sợ hãi mảnh-đất-hố-đen,
tôi để đèn sáng. Tôi đọc báo, cố gắng tập trung hết sức vào từng bài để làm cho
tâm trí bận rộn. Một cô gái quảng cáo với bức ảnh mặc bikini nói rằng cô muốn
được yêu chân thành. Tôi thấy yêu cầu của cô khá hợp lý. Bố tôi trở về lúc nửa
đêm.
- Bố nghĩ đây là khách sạn sao? - tôi nói và mở cửa.
Mấy tuần nay tôi chưa có trận cãi cọ nào với ông, nên bây giờ
cũng đến lúc rồi. Bố tôi không đáp lại.
- Đây là các bản in của bố. Con không biết bố cần bao nhiêu
bản.
- Cảm ơn con, - bố tôi nói.
- Bố đi đâu mà muộn vậy? Công việc đại lý bất động sản của bố
không thể muộn thế này được, - tôi nói.
- Bố không trả lời cho con được, - bố tôi nói.
- Và đó chính là lý do tại sao chúng ta là một gia đình chết
tiệt, - tôi nói.
Tôi về phòng mình. Tôi đóng sầm cửa vào và chuẩn bị cho một
đêm nữa với những con quỷ trong đầu mình. Tôi đã tự hứa sáng mai sẽ gọi cho bác
sĩ Iyer và lấy một đơn thuốc phấn chấn tinh thần. Ngoài ra thì, tôi không chịu
đựng nổi những con quái vật trong đầu nữa.
Đến ba giờ sáng tôi vẫn nửa thức nửa ngủ. Những tiếng chuông
liên tiếp đánh thức tôi dậy. Tôi xem đồng hồ, năm giờ sáng. Gã quái quỷ nào gọi
vào giờ này vậy nhỉ?
Tôi lảo đảo thức dậy với cơn đau đầu chực sẵn. Tôi ra phòng
khách. Tôi cầm điện thoại lên, sẵn sàng gào vào mặt tay đưa sữa hoặc bất cứ kẻ
nào khác nghĩ rằng gọi lúc này cũng không vấn đề gì.
- A lô, - một giọng nữ nói.
- Ananya? - tôi hỏi. Tôi biết giọng nói này quá rõ.
- Cảm ơn anh, cảm ơn anh rất nhiều, - Ananya nói. Cô ấy có
quay nhầm số không nhỉ?
- Gì cơ? - tôi nói, các giác quan vẫn chưa hoạt động hết.
- Anh đã giải quyết được mọi chuyện. Cảm ơn anh rất nhiều, -
cô nói, giọng cô vô cùng phấn khích.
- Anh đã làm gì nhỉ? - Tôi chớp mắt ngái ngủ.
- Đừng giả vờ! Đáng lẽ ít ra anh cũng phải bảo em chứ.
- Bảo em cái gì cơ?
- Rằng bố anh sẽ đến Chennai, - Ananya nói.
- Gì cơ? - tôi nói và tỉnh ngủ ngay lập tức.
- Đừng có giả vờ ngốc nghếch nữa. Bác ấy đã dành bảy tiếng với
bố mẹ em ngày hôm qua. Bác ấy đã thuyết phục họ rằng em sẽ được đối xử như con
gái mình và xin lỗi về tất cả những điều không đúng trong quá khứ.
- Bố anh ấy à? - tôi cố gắng hỏi lại cho rõ.
- Vâng, bố mẹ em đã cảm thấy tốt hơn nhiều sau khi gặp gỡ
bác ấy. Thực tế, họ còn hỏi em đã tính ngày cụ thể hay chưa. Anh có thể tưởng
tượng được không? - Ananya nói quá nhanh, thật khó để hiểu hết lời cô.
- Hả, thật vậy sao? - tôi nói.
- Ồ, hãy thức dậy hẳn đi rồi gọi em nhé. Em yêu anh, anh
yêu. Xin lỗi anh về chuyện ngày hôm trước nhé, em đã quá rối trí.
- Anh cũng vậy, - tôi nói.
- Gì cơ? Anh cũng yêu em hay anh cũng đang rối trí.
- Cả hai, - tôi nói, - nhưng gượm đã, bố anh đến nhà em ư?
- Anh không biết thật đấy à.
- Không, - tôi nói.
- Chà, - cô nói, - thế thì cảm ơn bác giùm em nhé.
Tôi bước vào phòng bố mẹ mình. Họ đang ngủ. Không biết tại
sao, nhưng tôi đã làm một việc hoàn toàn ngớ ngẩn. Tôi nằm vào giữa và mỗi tay
ôm một người.
Một phút sau, tôi đã ngủ thiếp đi.
Tôi tỉnh dậy năm tiếng sau đó, lúc mười giờ. Bố mẹ tôi không
ở trong phòng. Tôi bật dậy khỏi giường, hoảng hốt vì mình đã quá muộn giờ đi
làm. Tôi bước ra ngoài.
- Bố đâu rồi ạ? - tôi hỏi khi nhìn thấy mẹ tôi.
- Ngoài ban công ấy, - mẹ tôi nói.
Bố tôi ngồi trên ghế, đang xới đất trong một chậu hoa. Ông
nhìn thấy tôi nhưng vẫn giữ yên lặng. Tôi băn khoăn không biết nên nói điều gì
với ông. Tôi nhặt một chiếc bay khác và bắt đầu xới đất cùng.
- Bố, bố đã tới Chennai à?
- Tin tức lan truyền nhanh đấy, - ông nói.
Ông không ngẩng lên khỏi chậu hoa.
- Tại sao? Ý con là, sao có thể chứ?
- Con bố cần giúp đỡ, - bố tôi vừa nói vừa nhổ cỏ từ đất
lên.
Giọng ông đều đều, nhưng tôi cảm thấy cổ họng mình nghèn nghẹn.
Ông đặt một cây con vào trong chậu và vun đất tơi mới xung quanh nó. Tôi tới ngồi
cạnh ông và lấy ngón tay ấn đất.
- Sao bố lại biết được? - tôi hỏi.
Ông nhìn thẳng vào tôi, nói:
- Bởi vì bố là bố của con. Một người bố tồi, nhưng bố vẫn là
bố của con.
Ông tiếp tục:
- Và cho dù con cảm thấy bố đã làm con thất vọng đến thế nào
trong quá khứ, bố vẫn cảm thấy lần này nên làm việc của mình. Một người bạn đời
là rất quan trọng. Ananya là một cô gái tốt. Con không nên để mất con bé.
- Cảm ơn bố, - tôi nói, cố kìm những giọt nước mắt.
- Không có gì, - ông nói.
Ông ôm tôi.
- Bố không hoàn hảo. Nhưng đừng cướp đi đứa con trai của bố
trong những năm cuối đời này, - ông nói.
Tôi ôm lại ông. Không cần kiềm chế gì nữa, tôi để mặc nước mắt
trào ra. Thế giới chào đón những đứa trẻ và những người mẹ của chúng, nhưng
chúng ta cũng cần những người bố.
Tôi nhắm mắt lại. Tôi nhớ tới vị guru. Tôi đứng trên đỉnh một
ngọn núi xanh, ngắm nhìn bình minh tuyệt đẹp. Khi tôi ôm bố tôi, chiếc áo
choàng nặng trĩu đã rơi xuống, tôi lại cảm thấy nhẹ nhõm.
- Dù sao bố cũng sẽ không tới đám cưới đâu, - bố tôi nói.
- Tại sao ạ? - tôi hỏi, ngạc nhiên.
- Mẹ con sẽ không đi mà không có họ hàng của bà ấy. Bố không
biết phải làm gì ở đó nếu như họ có mặt.
- Bố không đến đám cưới của chính con trai mình ư? - tôi
nói.
- Ananya tới nhà mình là được rồi, - bố tôi nói.
Lúc đó tôi cảm thấy biết ơn đến mức không giận nổi ông.
- Bố phải tới. Con muộn làm rồi, nhưng con sẽ thuyết phục bố
sau, - tôi nói.
59
- Như em đã nói đấy, sẽ đơn giản hơn nhiều cho chúng ta nếu
anh đưa họ hàng anh đến Chennai, - Ananya nói.
- Sao anh có thể đưa tất cả bọn họ đến được. Anh không thể
trả nhiều vé máy bay thế được, - tôi nói.
Chúng tôi đang tiếp tục những cuộc gọi bất tận trước đám cưới.
- Họ không tự bay đến được sao? - Ananya nói.
- Em điên hay sao thế? Tất nhiên nhà anh sẽ phải lo cho đằng
trai, cho tới khi đến nhà em.
- Đúng là chỉ có anh hiểu nổi những phong tục Punjab này, -
Ananya nói.
- Em cũng nên hiểu đi, - tôi nói.
- Nó sẽ là một đám cưới theo kiểu Tamil, - Ananya nói.
- Gì cơ? - tôi hỏi.
- Đúng thế đấy, anh còn mong chờ gì khác ở Chennai chứ? Mà
chẳng nhẽ họ hàng anh không muốn nhìn thấy điều gì đó khác biệt sao?
- Thực sự là không, - tôi nói.
- Để rồi xem, mà mọi người có thể đi tàu hỏa tới Chennai mà.
Tàu cao tốc Rajdhani mất hai mươi tám tiếng.
- Đó là một chuyến đi dài với họ hàng nhà anh, - tôi nói.
- Anh đã chờ đợi chuyện này lâu lắm rồi, còn có ngày nào
khác sao? - Ananya nói và kết thúc cuộc gọi.
* * *
- Bố thực sự không đến sao? Con mua vé cho bố rồi này.
Bố tôi giữ yên lặng, mẹ tôi ngồi gần tôi ở bàn ăn.
- Tại sao phải lựa chọn? Tại sao mẹ không thể đưa họ hàng của
mẹ và cả bố đi cùng? - tôi nói.
Tại sao chúng tôi không thể là một gia đình bình thường một
lần? Tôi nghĩ. Tôi đoán chẳng có gia đình nào trên thế gian này bình thường. Tất
cả đều tâm thần, và lấy trung bình của tất cả những cái tâm thần đó thì ra cái
mà chúng ta gọi là bình thường.
- Ông ấy cảm thấy trước kia họ đã xúc phạm ông ấy, - mẹ tôi
nói.
- Chẳng phải bố đã xúc phạm họ sao? - tôi nói, - Dù sao đi nữa,
chuyện đó sao có thể ảnh hưởng tới lễ cưới của con chứ? Bố, bố nói gì đi.
- Con có lời chúc phúc của bố là được rồi. Đừng trông chờ bố
có mặt, - bố tôi nói.
- Màn kịch của ông ấy chẳng bao giờ kết thúc, - mẹ tôi nói. -
Ông ấy tự mình tới Chennai và đồng ý với những người Madras đó. Chuyện này đáng
lẽ đã không xảy ra. Giờ đây mọi người trong gia đình chờ đợi đám cưới, thì ông ấy
lại ngăn cản họ. Tại sao vậy? Bởi vì ông ấy không thể nhìn thấy họ vui vẻ. Trên
tất cả, ông ấy không muốn nhìn thấy mẹ hạnh phúc.
Bà nói và bật khóc.
- Có phải thế không, bố?
- Không, bố đã cho con lựa chọn, - ông nói.
- Đứa con nào mà không muốn bố mình đến cơ chứ? - Mẹ tôi
nói. - Đó không phải là một lựa chọn. Đó là một sự cưỡng ép.
- Bà thích gọi thế nào thì gọi. Nếu đám cưới này diễn ra nhờ
tôi, thì tôi nên được chọn khách.
- Đừng, bố, - tôi nói. - Mẹ cũng có ngang quyền như bố vậy.
Thật không may, con là con của cả hai người.
- Vậy, con quyết định đi, - bố tôi nói.
Cả hai cùng nhìn tôi. Tôi đi đi lại lại trong phòng suốt mười
phút.
- Bố, nhà ngoại phải tới. Bố hãy làm điều gì bố phải làm, -
tôi nói và rời khỏi phòng.
* * *
Bác Rajji đã bố trí một ban nhạc dholak hai người ở nhà ga
Hazrat Nizamuddin. Tôi giúp sắp chỗ cho ba mươi bảy vé giường nằm có điều hòa
loại hai được đặt trước dành cho họ hàng nhà tôi trên các toa tàu cao tốc
Rajdhani. Hai chị họ của mẹ tôi đã quyết định gia nhập vào phút chót và chúng
tôi cũng phải bố trí chỗ cho họ. Mẹ tôi đã sáng tác một câu chuyện tuyệt vời về
bệnh sốt vi rút có thể là sốt rét của bố tôi. Ai nấy đều biết tỏng sự thật, và
ngoại trừ việc khó xử khi phải nói dối bố mẹ Ananya một lần nữa, mọi người đều cảm
thấy nhẹ nhõm, vì bố tôi đồng nghĩa với không vui vẻ gì.
- Dì chẳng thể nói được cái gì ra hồn khi chồng dì ở đây, -
bác Shipra nói với mẹ tôi.
Tôi đứng bên trong khoang tàu, khớp vé từng người với chỗ của
họ. Bác Rajji kéo tôi ra.
- Cháu phải nhảy một chút chứ? Khởi hành đoàn nhà trai phải
thế mà, - ông nói.
Vào lúc bốn giờ chiều, hàng trăm hành khách buồn chán trên
sân ga đã được xem màn giải trí miễn phí được gia đình tôi mang đến. Những nhạc
công dholak chạy theo tàu và cãi cọ với bác trai tôi về khoản tiền thù lao. Họ
không thể đòi hỏi được thêm nhiều từ ông vì đoàn tàu đã bắt đầu tăng tốc.
Tôi bước vào bên trong khoang của mình, các bà các cô đã biến
nó thành một cửa hàng sari. Toàn bộ tầng giường bên dưới được xếp đầy những bộ
váy áo mọi người dự định mặc cho mỗi một công đoạn.
- Cái này đẹp quá, - bà bác họ xa bảy mươi tuổi của tôi vừa
nói vừa vuốt ve một chiếc sari màu tía với chỉ thêu bằng vàng thật. Phụ nữ dù
già đến mấy cũng không ngừng ngưỡng mộ những bộ sari.
Những anh chị họ của tôi đã chiếm khoang tiếp theo. Các cô
gái đã mở bộ trang điểm của họ. Họ nói chuyện về việc chia sẻ mascara. Tôi hiểu
tại sao cả gia đình lại phấn khích vì một đám cưới: mọi người được cùng nhau
làm gì đó.
Tôi bước ra bên ngoài và đứng ở cửa toa. Trong mấy tiếng tiếp
theo đoàn tàu sẽ vượt qua Agra, Gwalior và Jhansi. Tôi vẫn còn một ngày nữa,
trong khi đoàn tàu xuyên qua đất nước rộng lớn này, cắt qua những bang mà tôi
đã phải chiến đấu suốt năm vừa rồi. Những bang đó đã tạo nên đất nước của chúng
tôi. Những bang đó cũng chia rẽ đất nước tôi. Và trong một số trường hợp, những
bang đó đã phá hoại tình yêu đôi lứa của chúng tôi.
Đến giờ ăn tối, tàu đã đến Bhopal, tôi bèn bước vào bên
trong. Họ hàng nhà tôi chẳng thể che giấu sự phấn khích của họ khi tàu cao tốc
Rajdhani phục vụ bữa ăn miễn phí.
- Ăn các món không chay đi, người Madras sẽ không cho ăn những
món đó đâu, - bác Shipra khuyên mọi người.
- Vâng, thưa bác, trong ba ngày tiếp theo, sẽ không có người
Madras, chỉ người Tamil thôi, - tôi nói.
Bác Shipra gỡ giấy nhôm khỏi con gà của bà.
- Được rồi, được rồi, bác biết. Bang này là Tamil Nadu.
Nhưng chúng ta sẽ chỉ tới Madras thôi, phải không? Sao vé lại ghi là Chennai?
- Cũng thế thôi mà. Giống như Delhi và Dilli, - bác Kamla vừa
nói vừa húp xúp ngô gà.
- Có phải thủ hiến của họ là một nữ anh hùng trên mấy phim
cũ không nhỉ? - bác họ tôi hỏi.
- Đúng vậy, - một bà bác khác nói, - những người phụ nữ Nam Ấn
đó khá là thông minh.
- Thượng đế đã cho họ bộ não, ngoài ra chẳng còn gì, - một lời
nhận xét bừa bãi nữa bay tới khiến tôi cân nhắc việc nhảy khỏi con tàu.
60
Bố Ananya nhận hai mươi phòng khách sạn Sangeetha Residency ở
Mylapore cho cả đoàn nhà tôi. Phòng ốc cũng bình thường, nhưng sạch sẽ và có điều
hòa.
- Chuyện gì xảy ra với bố cháu vậy? Chúng tôi vừa mới gặp
ông ấy, - ông hỏi.
- Bố cháu bị sốt vi rút, có thể tiến triển thành sốt rét, -
tôi nói.
- Có thể thế sao?
- Ở Delhi vẫn thế đấy ạ. Thế còn lịch trình thì sao chú? -
tôi điều chỉnh cuộc nói chuyện.
- Chúng ta có lễ puja vào chiều mai và một lễ nữa vào buổi tối.
Giờ lành cho đám cưới thì vào buổi sáng ngày kia, - ông nói.
- Thế còn DJ thì sao ạ? Không có tiệc tùng sao? - tôi kinh
ngạc giùm bạn bè, họ hàng của mình.
- Chúng ta có một buổi tiệc đón tiếp vào buổi tối. Vui vẻ
nhé, - ông nói và quay sang mẹ tôi. - Chị Kavita, chị Shipra, tôi có thể nói
chuyện với các chị một lát được chứ?
Mẹ tôi, bác Shipra và bố Ananya bước ra xa tôi và những người
họ hàng khác. Họ nói chuyện trong năm phút. Mẹ tôi quay lại với tôi. Bác Shipra
tới quầy lễ tân để lấy chìa khóa của bà.
- Gì thế mẹ? - tôi hỏi khi chúng tôi leo cầu thang lên phòng
khách sạn của mình.
- Chẳng có gì, - mẹ tôi nói.
- Đây là đám cưới của con. Con đáng được biết.
- Họ hỏi mẹ có muốn một món quà đặc biệt không, - mẹ tôi
nói.
Có lẽ Ananya đã thuật lại đám cưới của Minti cho bố mẹ mình.
- Rồi sao ạ? Mẹ đã nói gì? - tôi nói, nhìn chằm chằm mẹ tôi
đầy ngờ vực.
- Đừng nói với mẹ bằng cái giọng đó, - mẹ tôi bảo.
- Chính xác mẹ đã nói gì hả mẹ? - tôi nói, giọng căng thẳng.
- Là gì? Mẹ đã bắt chú ấy mua một chiếc xe hơi hay điều hòa hai chiều, hay cái
gì?
- Con nghĩ mẹ là người như thế. Phải không? - mẹ tôi nói khi
chúng tôi lên đến tầng hai. Bà ngừng lại để lấy hơi.
Có thể nghe thấy tiếng đôi xăng đan đắt tiền của bác Shipra
bốn giây trước khi bà tới cùng chúng tôi ở tầng hai.
- Đây là cô em ngu ngốc của tôi. Dì ấy nói không cần quà cáp
to tát gì cả, - bác Shipra nói với tôi.
- Mẹ đã làm thế ư? - tôi hỏi mẹ.
Bà nhìn tôi.
- Con sẽ không bao giờ hiểu mẹ yêu con chừng nào, - mẹ tôi
nói.
Tôi cúi gằm mặt xấu hổ. Mẹ tôi phát vào sau gáy tôi. Tôi xứng
đáng ăn một cái tát. Bác Shipra vừa xua tay vừa nói.
- Cháu và mẹ cháu, cả hai đều như thế - không thực tế tẹo
nào. Dì ấy nói với ông ta, “Tôi cho con trai tôi đi học một bằng MBA, cuối cùng
tôi lại chuẩn bị được nhận hai bằng MBA. Ananya là quà tặng tốt nhất rồi”, -
bác Shipra nói. - OK, con bé kiếm được nhiều tiền, nhưng Kavita, người ta đã có
lòng thì sao dì lại từ chối chứ hả. Sao không lấy luôn cho rồi.
- Bởi vì mẹ con cháu không phải loại người như thế, bác
Shipra, - tôi nói và ôm mẹ tôi một cái, - mẹ cháu mạnh miệng thế thôi, chứ chẳng
bao giờ có thể hành xử như mẹ Công tước được. Không bao giờ, - tôi nói.
Tôi bước vào phòng khách sạn của mình, mười người anh chị em
họ, sáu bà bác và bốn ông bác đang ngồi trên giường tôi. Tôi ngồi xuống sàn vì
lúc này không gian đã thành thứ xa xỉ. Chúng tôi có hai mươi phòng để chọn,
nhưng họ hàng tôi lại thà dồn đống chen chúc nhau hơn là để lỡ mất thời gian
buôn chuyện ngọt ngào này.
Những anh chị em họ trẻ tuổi hơn đang giành nhau điều khiển
ti vi. Tôi nhắc lại lịch trình cho các bà bác tôi.
- Họ thật buồn chán quá. Làm sao họ có thể tổ chức puja cả
ngày thế chứ? - bác Kamla nói.
- Họ còn không có cả lễ Sangeet ư? - mẹ tôi nói.
- Tôi nghĩ họ đang cố tiết kiệm tiền đấy, - bác Shipra nói.
- Các lễ puja sẽ dùng tiếng nào? Madras? - một bà bác khác
nói.
- Tiếng Tamil, có thể là Sanskrit, - tôi nói.
- Tôi sẽ không đến đâu, - mẹ tôi nói.
Tôi nhìn bà.
- Chúng ta sẽ ăn ở đâu? - một bà bác bày tỏ mối quan ngại của
tất cả mọi người.
- Ở phòng ăn nơi tổ chức cưới. Hãy đi ngủ nào, chúng ta sẽ
phải thức dậy sớm đấy, - tôi nói.
Chúng tôi đã lên kế hoạch gặp nhau ở sảnh khách sạn lúc bảy
rưỡi sáng. Đến chín giờ chúng tôi mới rời đi.
- Địa chỉ ở đâu nhỉ? - bác Rajji nói.
Tôi lấy ra một tờ giấy bố Ananya đã đưa cho tôi.
- Tôi không thể đọc được cái này, - bác Rajji nói.
Tôi lấy lại tờ giấy. Trên đó ghi:
Arulmigu Kapaleeswarar Karpagmbal Thirumana Mandapam 16, phố
Venkatesa Agrabaram, Mylapore, Chennai.
Sau ba lần cố gắng đọc nó, tôi bị đau đầu. Tôi đếm những ký
tự: địa điểm cưới của tôi có năm mươi chữ cái. Delhi chẳng bao giờ phức tạp đến
thế này. Một trong các chị họ của tôi từng tổ chức đám cưới ở Batra Banquets, một
người khác ở Bawa Hall.
Chúng tôi trầy trật trên những con phố của Mylapore suốt hai
mươi phút mới tới được nơi đó. Thật may mắn, những người dân địa phương đã rút
gọn cái tên thành AKKT Mandapam. Từ các diễn viên tới các đảng phái chính trị tới
các tòa nhà tổ chức tiệc cưới, người Tamil thích giữ những cái tên phức tạp trước,
rồi sau mới đặt tên gọi tắt cho chúng.
- Ý anh nói bữa sáng đã kết thúc là sao? - bác Shipra hỏi.
- Không gì đó, không gì đó, - một ông đầu bếp rậm râu, da
ngăm, bụng bự nói và huơ tay. Ông ta mặc lungi và đội mũ đầu bếp. Nếu đội mũ để
ngăn tóc rơi vào thức ăn, thì ông ta sẽ cần tới một tấm bao toàn thân vì lông
tay và lông ngực của mình.
- Orunimishum, - tôi nói, - chuyện gì xảy ra vậy?
- Thằng con dì nói tiếng Tamil đấy hả? - bác Shipra hỏi mẹ
tôi.
Mẹ tôi đảo mắt chán nản.
- Không, cháu không. Đó là một từ phổ biến để nói “gượm đã”,
- tôi nói.
- Giờ nó đã thuộc về họ. Họ sẽ bắt nó làm bất cứ thứ gì, - mẹ
tôi than thở thật to.
- Mẹ, con xin mẹ. Hãy để con giải quyết chuyện này, - tôi
nói.
- Con định giải quyết việc gì? Họ sẽ bắt chúng ta nấu nướng
cùng luôn đấy, - mẹ tôi nói.
- Tất cả mọi người, xin hãy vào phòng ăn ngồi ạ, - tôi nói,
rồi quay trở lại với người đầu bếp. - Ông không thể làm món gì sao?
- Thế ai sẽ làm tiffin? Chúng tôi phải phục vụ món đó lúc mười
một giờ, - người đầu bếp nói.
Tôi xem đồng hồ. Đã là chín giờ rưỡi. Gia đình tôi sẽ phải
đi cấp cứu nếu bị đói lâu đến thế.
- Chúng tôi muốn thứ gì đó, - tôi nói, - thứ gì đó nhanh
vào.
- Thế còn tiffin thì sao? - người đầu bếp hỏi.
- Chúng tôi không muốn tiffin. Chúng tôi chỉ quay trở lại để
ăn trưa sau đó thôi.
- Đằng nhà gái muốn tiffin. Họ đến ăn sáng từ sáu rưỡi, -
ông ta nói.
Bác Rajji bước tới chỗ tôi.
- Hối lộ cho lão ta đi, - ông thì thào.
Tôi nghĩ không hiểu luân thường đạo lý ở đâu khi phải hối lộ
ở chính đám cưới của mình mới được ăn.
- Được thôi, giờ tôi đi đây, tôi đang bận, - người đầu bếp
nói và tự lẩm bẩm, - pundai maganey, thaayoli koodhi.
- Anna, đợi đã, - tôi nói.
Người đầu bếp nhìn tôi kinh ngạc như muốn hỏi: Làm sao một
người nặng giọng Delhi lại có thể thốt ra một hai từ Tamil như thế?
Tôi giữ tờ một trăm rupi trong tay mình và bắt tay với ông
ta. Bối rối, ông ta kiểm tra lại đồng tiền.
- Chúng tôi chia sẻ cho ông hạnh phúc của chúng tôi, - ông
bác tôi nói.
- Tôi có thể làm nhanh món upma, - người đầu bếp nói.
- Upma là gì? - bác tôi hỏi.
- Là halwa mặn.
- Không, không, đừng làm upma. Ông có thể làm dosa không? -
tôi nói.
- Làm dosa từng chiếc từng chiếc một thì chúng tôi không có
người. Thế thì bữa trưa cũng sẽ bị muộn, - người đầu bếp rên rỉ.
Cuối cùng chúng tôi chốt lại bằng idli. Sẽ không có sambhar.
Dù vậy, người đầu bếp có một thùng đầy chutney dừa, đủ để rải đường.
Mọi người ngồi ở phòng ăn, những người phục vụ đặt những chiếc
lá chuối trước mặt chúng tôi.
- Chúng ta phải ăn lá sao? - bác Shipra nói, - Chúng ta là
gì vậy? Bò à?
- Đó là đĩa ăn, - tôi nói, - và không có thìa nĩa đâu ạ.
- Họ hầu như không phải chi tiêu gì cho đám cưới đâu nhỉ,
may thế chứ, - bác Kamla nói.
Bốn mươi người chúng tôi ăn ít nhất hai trăm cái idli.
Bố Ananya tới khi chúng tôi đã ăn xong.
- Không có bữa sáng sao? Tôi xin lỗi, - ông nói.
- Không sao ạ, - tôi nói, - nhà cháu tới muộn.
- Chào chị Kavita, - bố Ananya nói, bàn tay chắp lại, như
Ananya đã chỉ dẫn. Ông lấy một xô idli từ người phục vụ và đưa một chiếc cho mẹ
tôi.
- Xin chào anh, - mẹ tôi đáp lại, giọng bà thoáng tự hào khi
những anh chị bà nhìn thấy bà được bố của cô gái phục vụ. Đây là những điều mà
người lớn muốn có, vì đời sống của họ có quá ít niềm vui.
- Giờ bố Krish cảm thấy thế nào rồi? - bố Ananya nói tiếp.
- Ông ấy cảm thấy tốt hơn rồi, tối qua ông ấy đã húp xúp và
sáng nay ăn cháo. Giờ ông ấy đang nghỉ ngơi. Ông ấy gửi lời hỏi thăm, - mẹ tôi
nói.
Bố Ananya gật đầu vẻ quan tâm.
- Hôm nay có những lễ gì, thưa chú? - tôi hỏi giùm cho họ
hàng mình.
- Đầu tiên, chúng ta có Vrutham, buổi cầu nguyện đầu tiên của
đám cưới. Chúng ta cũng có Nischayathartham, lễ đính hôn chính thức, lúc đó
chúng ta sẽ định giờ tốt cho đám cưới và tặng quà cho họ mạc thân thuộc, - bố
Ananya nói.
Các bà bác tôi chỉ chú tâm vào mấy từ cuối cùng.
* * *
Chúng tôi tới hội trường, trung tâm của các hoạt động cho
hai ngày tới. Tất cả lễ nghi trong đám cưới của tôi sẽ diễn ra ở căn phòng này.
Giữa phòng có một cái vạc lửa, không khác lắm so với đám cưới của người Punjab.
Tuy nhiên trong đám cưới của người Punjab, người ta chỉ đến chỗ vạc lửa sau khi
kết thúc bữa tối và món tráng miệng. Còn ở đây, người ta cứ như sống cùng với
cái vạc đó. Tôi ngồi xuống sàn. Bốn tu sĩ đã bắt đầu cầu nguyện. Họ hàng gần ngồi
dưới sàn trong khi họ hàng xa và những ai bị đau khớp thì ngồi ghế ở hàng sau.
Các tu sĩ cầu nguyện khá to, khiến mấy đứa em họ tôi sợ phát khóc còn mọi người
thì khó mà nói chuyện với nhau. Mấy bà bác đằng sau tôi cựa quậy mấy lần.
- Sau đây chúng ta sẽ đi thăm thành phố một tua nhé? - bác
Kamla nói.
- Có gì xem ở Chennai không? Nếu muốn xem người Madras thì
trong phòng này cũng có đủ rồi, - bác Shipra nói.
Tôi nhìn thấy những người họ hàng của Ananya. Tôi nhận ra một
vài bà bác. Những anh em họ trẻ tuổi đã từ bên ngoài bước vào. Trong các bộ
trang phục Tamil truyền thống, họ ngồi xuống, nắm chặt những chai nước khoáng của
họ.
- Em Ananya, - Minti nói khi Ananya bước vào.
Cô mặc bộ sari Kanjeevaram màu hạt dẻ có viền vàng từ nhạt đến
thẫm. Mái tóc được tết chặt làm cô trông giống một nữ sinh đáng yêu. Gương mặt
cô đã trang điểm và cô trông xinh đẹp hơn bất cứ cô gái nào trên các poster
phim Tamil từ trước đến nay. Đôi mắt cô trông sâu hơn do lớp phấn mắt xung
quanh. Mất một vài giây tôi mới nhận ra đó là Ananya của tôi. Đó có phải vẫn là
cô gái mà tôi bắt gặp đang đứng cãi nhau vì món sambhar trong hàng chờ của căng
tin không vậy?
Mắt chúng tôi gặp nhau thoáng qua. Cô cười với tôi một cái,
hỏi xem trông cô thế nào. Tôi gật đầu, đúng vậy, trông cô xinh đẹp hơn bất kể
lúc nào trước kia.
Việc cầu nguyện tiếp tục trong vòng một tiếng nữa. Khói đầy
phòng. Các tu sĩ vẫn tiếp tục cho thêm cành cây và từng thìa bơ sữa trâu vào lửa.
Ananya và tôi liếc nhìn nhau và cười với nhau một vài lần. Chuyện gì đang thực
sự xảy ra vậy? Cuối cùng tôi cũng đã kết hôn, với sự chứng kiến của tất cả mọi
người có cùng huyết thống ư?
Vị tu sĩ hỏi thăm bố tôi. Mẹ tôi nói với ông là bố tôi không
được khỏe. Tôi lại nghĩ về bố. Tại sao người lớn lại bế tắc như vậy?
- Quê của bố mẹ cháu ở đâu? - bố Ananya hỏi tôi.
Các vị tu sĩ muốn biết điều đó để làm lễ Nischayathartham.
Tôi chẳng biết gì. Tôi quay sang mẹ tôi. Mẹ tôi quay sang
các bà bác. Các bà bác tranh luận với nhau để tìm ra câu trả lời.
- Lahore, - mẹ tôi nói sau khi cuộc thảo luận chấm dứt.
- Lahore ở Pakistan? - bố Ananya hỏi. Ông có vẻ lo lắng; tôi
sợ rằng ông sẽ lại thay đổi ý định.
- Ông bà cháu đã tới Delhi sau khi hai nước chia tách, - tôi
giải thích với ông.
Ông gật đầu.
- Chú ơi, khi nào thì đám cưới xong ạ? Kiểu như lúc nào thì
không thể đảo ngược được và không ai có thể phản đối nó nữa ấy?
- Ý cháu là gì? - ông hỏi.
- Chẳng có gì ạ, - tôi nói khi vị tu sĩ gọi tôi đến để cống
nạp.
Tôi đưa ông ta một tờ một trăm rupi. Ông ta từ chối, vẻ rõ bực
mình.
- Đừng đưa trực tiếp cho ông ấy, bỏ nó vào một cái
thamboolam, - bố Ananya nói, ngụ ý những chiếc đĩa cầu nguyện.
Tôi đặt số tiền đó vào chiếc đĩa. Tôi trang trí nó bằng một
quả chuối, lá trầu và quả cau. Tôi dâng nó một lần nữa và vị tu sĩ đã chấp nhận
nó. Ông tuyên bố các chi tiết của đám cưới - cái tên không rút gọn của địa điểm
cưới, lagnam, sao và ngày tháng ngày mai.
- Muhurtam sáu giờ ba mươi, - vị tu sĩ nói.
- Buổi sáng ư? - bác Rajji nói, sốc.
Họ hàng Ananya chúc mừng nhau vì đã xác định được thời gian
chính thức. Họ hàng tôi thì đang kinh ngạc.
- Đây là đám cưới hay hành xác vậy? Cứ như là phải bắt một
chuyến bay sáng sớm ấy, - bác Kamla nói.
Thật may, mẹ Ananya đã làm dịu các quý bà lại bằng cách mang
ra mười túi đầy quà.
- Bác Kamla, - bà đọc tên từ chiếc túi đầu tiên. Mỗi món quà
có tên người nhận trên đó, quan hệ với tôi ra sao và một mã từ cho thứ ở bên
trong.
- Tôi đây, - bác Kamla nói và giơ tay như một đứa trẻ muốn
phát biểu ở trong lớp học. Quà cáp có sức mạnh gì đó có thể biến tất cả mọi người
thành trẻ con.
- Về khách sạn chúng ta sẽ mở ra, - bác Shipra nói sau khi lễ
phát quà kết thúc.
- Và giờ, chúng ta sẽ ăn trưa, - bố Ananya nói và mời chúng
tôi tới phòng ăn bữa trưa với cơm, sambhar, rasam, các loại rau, sữa đông và
payasam.
- Chúng ta bị lừa rồi. Không có paneer, - bác Kamla nói khi
chúng tôi tiến đến phòng ăn không paneer.
61
- Vậy kế hoạch tối nay là gì? - bác Rajji nói khi chúng tôi
quay trở lại khách sạn.
- Bữa tối ở phòng ăn lúc tám giờ, - tôi nói.
- Bác không ăn thêm cơm được nữa đâu, - bác Shipra nói.
Các bà các cô đã mở những bộ sari Kanjeevaram quà tặng của họ.
Tôi đã bảo Ananya cứ để nguyên nhãn giá. Họ hàng nhà tôi ca tụng Ananya thêm
chút ít khi họ nhận thấy mỗi chiếc sari giá hơn ba nghìn rupi.
- Sau bữa tối là gì? - bác Rajji hỏi.
- Lễ Muhurtam lúc sáu rưỡi mà bác. Hãy đi ngủ sớm thôi.
- Thấy chưa Kavita, con trai em đã trở thành người Madras rồi
đây này, - bác Kamla nói và tất cả mọi người phá lên cười như thể bà vừa nói một
câu đùa hay nhất trên thế giới.
Tôi cũng làm mặt cười.
- Làm sao các bác ngủ sớm được cơ chứ? Đây là đám cưới của
cháu mà, - bác Kamla véo má tôi.
- Thế bác định làm gì nào? - tôi hỏi.
- Bọn ta sẽ tổ chức một bữa tiệc. Bố Minti, đi nào, - bác
Kamla nói và họ bước ra ngoài.
- Còn con đi spa làm mặt đi, - mẹ tôi nói.
- Con á?
- Ừ, nhưng cẩn thận đấy. Mấy cái spa có thể làm cháu bị đen
đấy, - bác Shipra nói và cả họ hàng nhà tôi lại tìm ra được một lý do khác để
cười hô hố đúng kiểu Punjab.
Khó mà gọi bữa tiệc mà bác Rajji tổ chức cho tôi là bữa tiệc
đêm cuối trước đám cưới đúng nghĩa, nhất là khi tất cả các bà bác của tôi đều
có mặt. Tuy vậy, cách bố trí tạm bợ của nó cũng đưa đến cảm giác cuộc sống độc
thân sắp kết thúc. Bác Rajji đã trở lại với hai chai whisky, một chai vodka và
một thùng bia. Bác Kamla cũng mang khoai tây chiên và nước ngọt cho đám phụ nữ.
- Đêm nay các bà cũng phải uống, - bác Rajji tuyên bố, nhiều
bà bác làm bộ sợ phát ngất. Các anh em họ của tôi đã xí phần chai vodka.
- Đá nhé, - bác Rajji bảo người phục vụ khách sạn và đưa anh
ta một trăm rupi. Anh ta quay trở lại với một xô đầy.
- Các cậu có nhạc nhẽo gì không? - bác Rajji hỏi người phục
vụ.
Anh ta đồng ý đi mượn từ bạn bè anh ta sau khi đã được chi một
trăm rupi nữa. Việc lựa chọn nhạc cũng rất khó khăn, chúng tôi phải giới hạn lại
với những bài hát trong phim Roja và Gentleman. Lời hát thì bằng tiếng Tamil,
nhưng ít nhất thì giai điệu cũng quen thuộc.
- Sau hai lượt uống nữa là sẽ hiểu được tiếng Tamil ngay ấy
mà, - bác Rajji nói.
Các ông thì lấy phòng 301, phòng tôi. Các bà vào phòng 302,
trong khi lứa thanh niên và các anh chị em họ trẻ tuổi thì ở phòng 303. Dưới mười
ba thì ở phòng 304, xem hoạt hình trên truyền hình cáp. Nhóm dưới năm tuổi và
trên bảy mươi lăm được dồn về phòng 305, người già kiêm luôn trông trẻ.
Bác Rajji cứ chạy như con thoi giữa hai phòng 301 và 302, để
tán gẫu với các bà và bàn chuyện chứng khoán và địa ốc với các ông ở phòng 301.
- Mười một giờ rồi, - tôi nhắc nhở họ hàng tôi, - chúng ta
nên đi ngủ thôi.
- Ồ, im đi, - bác Rajji nói và ôm tôi sung sướng. - Nếu đi
ngủ bây giờ, bọn ta sẽ không dậy được đâu. Hãy để tiếp tục cho tới sáng luôn.
Bữa tiệc tiếp tục và các phòng 301, 302, 303 biến thành sàn
nhảy. Đoạn nhạc Indian được chơi năm lần.
Tôi nhận ra rằng nếu họ hàng tôi không ngủ, chúng tôi có thể
chẳng bao giờ đến đám cưới được. Tôi bước ra sảnh lúc quá nửa đêm.
- Gọi cảnh sát đi, - tôi ra chỗ bàn tiếp tân nói.
- Gì cơ? - người quản lý nói, - Anh là chú rể mà.
- Vâng, và tôi có lễ Muhurtam vào lúc sáu rưỡi. Tôi cần ở đó
lúc năm giờ với tất cả bọn họ. Đến giờ họ vẫn chưa muốn đi ngủ.
Người quản lý phá lên cười. Bác Rajji đã cho ông ta kha khá
rồi.
- Đừng lo, thưa ngài, tôi sẽ ngăn họ trong vòng nửa tiếng nữa.
Vừa ngay lúc đó, một chiếc xe dừng lại bên ngoài khách sạn
và một người bước ra ngoài. Kể cả trong bóng tối tôi vẫn biết người đó là ai.
Ngay lập tức tôi chạy lên cầu thang, tim đập thình thịch. Bác Rajji đang nhảy
thân ái với dì Kamla ở phòng 302 trong giai điệu một bài hát buồn phim Roja.
- Bố cháu đang ở đây, - tôi tuyên bố.
Trong đúng hai phút, các câu lạc bộ đêm của chúng tôi đóng cửa
như thể vừa có cảnh sát đi tuần. Mọi người trở về phòng mình để ngủ. Hành lang
trở nên hoàn toàn yên ắng khi bố tôi leo cầu thang lên tầng ba.
- Bố ạ, - tôi nói.
Chúng tôi nhìn nhau một vài giây. Cuối cùng thì ông đã quyết
định tới. Tôi đã không dám nghĩ tới điều này. Tôi cũng chẳng thúc ép gì ông cả.
Ông cũng giống tôi, những người đàn ông Ấn Độ chúng tôi không được tình cảm cho
lắm.
- Con không ngủ sao? Mấy tiếng nữa là đám cưới rồi còn gì? -
ông hỏi nhẹ nhàng.
Tôi không trả lời. Ông bước đến phòng 301. Tôi ngăn ông lại.
Tôi không muốn ông nhìn thấy sự trụy lạc của các ông bác bên đằng mẹ tôi.
- Còn có nhiều phòng ở tầng trên. Phòng này cần sửa sang lại,
- tôi nói và đưa ông lên tầng trên. Tôi để ông ở đó để thay đồ. Mẹ tôi ở phòng
301, đang cố gắng dọn dẹp nhanh nhất có thể.
- Không sao, bố ở trên tầng, - tôi nói.
- Ông ấy làm gì ở đây vậy? - mẹ tôi nói, - Ông ấy tới đây để
gây rắc rối sao?
- Không, - tôi nói, - Bố ổn. Ông đến để dự đám cưới con.
- Lúc này ư? Giờ ông ấy đến ư?
- Không sao đâu, mẹ, mẹ đi ngủ đi. Con sẽ nói với bố là mẹ
đang ngủ, - tôi nói.
Bố tôi đã thay một bộ pyjama kurta trắng.
- Con cảm ơn bố, - tôi nói.
- Đừng ngốc nghếch thế, - ông nói. - Mẹ con đâu?
- Mọi người đã ngủ sớm cả rồi. Chúng ta phải thức dậy lúc bốn
giờ, - tôi nói.
- Ồ, bố đã làm con phải thức rồi. Con sẽ ngủ ở đây chứ?
Tôi gật đầu và tắt đèn. Tôi nằm xuống ngay cạnh ông, có lẽ
là lần đầu tiên trong hai mươi năm.
- Bố yêu con, con trai, - ông nói, mắt ông nhắm lại.
Tôi nghẹn ngào. Những từ đó cũng nhiều ý nghĩa với tôi như lần
đầu Ananya nói yêu tôi vậy.
- Con cũng yêu bố, - tôi nói, và tự hỏi tình yêu nào mới là
thứ tôi đang thực sự theo đuổi đây.
------------
Còn tiếp.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét