Thứ Ba, 17 tháng 4, 2018

Hồ Sơ ODESSA - Chương 4

Hồ Sơ ODESSA

Tác giả: Frederick Forsyth
Người dịch : Cung Khắc Dũng
Nhà xuất bản Trẻ - Năm xuất bản: 1974

Chương 4

- Nhưng bạn không biết hắn còn sống hay chết!
Peter Miller và Karl Brandt đang ngồi trong xe của Miller đậu trước nhà viên thanh tra cảnh sát, nơi Miller đến đón bạn đi dùng cơm trưa Chúa Nhật, ngày nghỉ của Brandt.
- Tôi không biết nên muốn tìm hiểu. Nếu Roschmann chết rồi thì hết chuyện, ngược lại thì... Bạn giúp gì tôi?
Brandt ngầm nghĩ trong giây lát, lắc đầu.
- Rất tiếc, không giúp được bạn gì hết!
- Tại sao không?
- Đây nhé, tôi biếu bạn cuốn nhật ký vì cảm tình riêng, vì tình bạn hữu giữa tôi và bạn. Tôi đọc thấy tập nhật ký làm tôi cảm động, và vì muốn bạn có đề tài khai thác kiếm chút cháo. Nhưng tình thật tôi không bao giờ nghĩ bạn sẽ có ý định đi tìm cho được Roschmann. Tại sao bạn không chịu “phóng sự hóa” tập nhật ký?
- Vì không có gì để phóng sự hóa cả. Tôi phải viết lách ra sao? Phóng viên Peter Miller vừa khám phá được một cuốn nhật ký cạnh xác một lão già mới tự tử. Cuốn nhật ký mô tả những cực hình mà cụ già phải trải qua trong thời đệ nhị thế chiến. Bạn tưởng các nhật báo sẽ ùa tới mua một thiên phóng sự nhạt nhẽo như vậy sao? Theo tôi cuốn nhật ký rất xác thực và khá giá trị. Nhưng đây là ý kiến riêng của tôi. Còn biết bao nhiêu hồi ký khác tương tự được tung ra thị trường rồi? Đề tài này quá nhàm chán đối với độc giả Tây Đức. Và ngay cả cuốn nhật ký cũng không có ma nào thèm mua!
- Nhưng tại sao bạn cứ phải thắc mắc mãi về Roschmann? - Brandt hỏi bạn.
- Dễ hiểu lắm. Đây nhé. Bắt cảnh sát phải dựa theo cuốn nhật ký của Tauber để truy lùng Roschmann, và tôi sẽ có ngay đề tài làm phóng sự.
Brandt khảy tàn thuốc xuống chiếc gạt tàn trong xe. Viên thanh tra nói:
- Không có truy lùng mẹ gì hết. Này Peter! Bạn có thể hiểu biết nhiều giới báo chí, phần tôi tôi đi trong lòng Cảnh sát Hamburg. Công tác chính của chúng tôi hiện nay là vô hiệu hóa các tội ác đang lan tràn càng ngày càng nhiều. Không một vị chỉ huy cảnh sát nào chịu biệt phái những thám tử, đã làm việc quần quật suốt ngày, để truy lùng một người phạm tội cách đây hai mươi năm. Sự kiện này sẽ không bao giờ xảy ra.
- Ít nhất bạn cũng có thể nêu vấn đề này ra! - Miller nói.
Brandt lắc đẩu:
- Không thể được. Tôi đâu đến nỗi dại.
- Tại sao không? Có uẩn khúc nào ngăn cấm bạn?
- Vì tôi không muốn xía vô vấn để này. Bạn thì khỏi lo rồi. Độc thân, không bị cái gì ràng buộc. Bạn thừa sức đi mò kim dưới đáy biển nếu bạn cảm thấy thích. Phần tôi, tôi còn một vợ, hai con và cả một sự nghiệp phải lo giữ, nhất là khi nghề nghiệp mình là một cái nghề cảnh sát bạc bẽo, và tuy bạc bẽo nhưng tôi không muốn mất nó.
- Tại sao bạn lại phải mất nghề? Roschmann là một tên sát nhân, đúng không? Cảnh sát có bổn phận phải truy bắt sát nhân, Đồng ý! Bạn thấy bạn kẹt chỗ nào đâu?
Brandt dụi thuốc lá.
- Tôi khó trình bày những cái “kẹt” của tôi cho bạn hiểu lắm. Hình như cảnh sát Tây Đức có thái độ không mấy hưởng ứng và tán đồng những ai xía vô những tội ác chiến tranh và bọn tội phạm SS, nhất là khi ai đó lại là một nhân viên cảnh sát. Lời yêu cầu của mình được giao phó nhiệm vụ săn lùng bọn SS cũng giống như tiếng kêu giữa sa mạc, và sẽ bị từ chối ngay lập tức. Nhưng tất cả mọi hành động của mình từ đó về sau sẽ được ghi vô sổ đen và kể như sự nghiệp đi đời nhà ma. Bạn thấy chưa? Nếu bạn cứ khăng khăng yêu cầu tôi rống lên tiếng kêu giữa sa mạc, thì tôi rất tiếc phải từ chối. Bạn tự lo liệu lấy.
Miller liếc nhin qua cửa kính.
- Thôi được. Nếu bạn từ chối thì để mặc tôi. Nhưng ít nhất bạn cũng giúp tôi bắt đầu truy lùng từ một điểm nào chớ. Ngoài tập nhật ký ra, Tauber còn để lại gì khác không?
- Có một lá thơ trăn trối. Tôi phải giữ nó để kèm theo báo cáo. Chắc giờ phút này nó được xếp vô hồ sơ lưu rồi.
- Hắn viết gì trong đó? - Miller hỏi.
- Không có gì. - Brandt đáp. - Hắn nói tự ý hắn tìm lấy cái chết. À, còn một điểm. Hắn trối lại để hết đồ đạc vật dụng cho một người bạn tên Marx gì đó!
- Tên Marx này có thể là một khởi điểm. Hiện nay hắn ở đâu?
- Làm sao tôi biết được? - Brandt nói.
- Chỉ có vậy thôi sao; một tên Marx cộc lốc không họ và không ghi địa chỉ gi hết?
- Đúng, một người tên Marx thôi. Không thấy Tauber cho biết hắn ở đâu.
- Hắn phải có nhà có cửa chớ? Bạn có cho người đi tìm hắn không?
Brandt cau mày :
- Bạn nhớ giùm tôi điều này nhé. Chúng tôi rất bận. Bạn biết có bao nhiêu người tên Marx tại Hamburg này thôi không? Độ vài trăm tên, nhưng chỉ mới thấy liệt kê trong niên giám điện thoại thôi. Chúng tôi có thể bỏ ra hàng tuần, hàng tháng để tìm tên Marx của Tauber sao?
- Bạn có thể cho tôi chừng ấy thôi? - Miller hỏi.
- Chừng ấy thôi, vì tôi chỉ biết có chừng ấy. Nếu bạn muốn tìm ra Marx, mời bạn tự tiện!
- Cám ơn ông Thanh tra. Rồi tôi sẽ tìm ra Marx cho ông lác mắt luôn. - Miller nói.
Hai người bắt tay nhau. Brandt bước xuống xe vô nhà.
Sáng hôm sau Miller đi viếng ngôi nhà Tauber đã sống những ngày cuối cùng trong đời.
Một người đàn ông hơn bốn mươi tuổi mở cửa tiếp Miller.
- Chào bác! Chắc bác là chủ căn phố này?
Người đàn ông nhìn Miller từ trên xuống dưới, khẽ gật đầu. Người tên này hôi như cú.
- Cách đây vài hôm có người tự tử trong phòng thuê của bác? - Miller hỏi.
- Chú em là “cớm” hả?
- Không! Tôi chỉ lả một anh phóng viên thôi. - Miller nói xong chìa thẻ hành nghề ra cho người này xem.
- Tôi không có gì mới lạ để cho chú em biết cả!
Miller dúi một tờ giấy bạc mười Đức kim vô tay hẳn và không thấy hắn phản đối.
- Tôi chỉ muốn nhìn sơ qua căn phòng của cụ già ấy, được không?
- Tôi cho người khác thuê rồi!
- Đồ đạc của Tauber bác cất đâu rồi?
- Đàng sau hè. Không còn gì có thể dùng được!
Mớ đồ đạc còn lại của người quá cố được chất đống cạnh hàng rào, gồm có một chiếc máy đánh chữ cũ, hai đôi giày, một lô quần áo cũ rách, một chồng sách và một chiếc khăn trắng mà Miller nghi có liên hệ gì đó với tôn giáo của lão. Chàng lục lọi hết mọi thứ, nhưng không tìm ra dấu vết gì liên hệ đến Marx cả.
- Bấy nhiêu đây thôi sao?
- Chỉ chừng này thôi. - người chủ phố đáp.
- Bác có người nào mướn phòng tên Marx không?
- Không!
- Bác quen biết ai tên Marx không?
- Khỏng biết!
- Bác thấy lão Tauber có bạn bè nào đến thăm không?
- Tôi không được biết! Hình như hẳn sống cô độc. Đi đi về về vào những giờ bất thường. Chắc hắn ta “mát” quá, nhưng hắn được lắm. Trả tiền phòng đều đặn, đúng ngày, và không bao giờ gây rắc rối cho ai cả.
- Có bao giờ bác gặp lão Tauber với một người nào khác không?
- Không bao giờ. Lão hình như không có bạn bè. Không làm cho ai ngạc nhiên cả. Cả ngày chỉ nói lẩm bẩm cho một mình mình nghe. Đúng là tên già điên.
Miller rời khỏi căn phố, đi bộ dọc bên đường, hỏi thăm dân chúng hai bên lề. Một số người nhớ rõ đã thấy Taưber đi đi về về, nhưng luôn luôn lão đi một mình.
Trong ba ngày liên tiếp, Miller lần mò khắp khu phố, hỏi han người bán sữa, bà chủ tiệm tạp hóa, lão mập bán thịt, cô chủ quán rượu, và hình như Miller đã chất vấn hầu hết mọi khuôn mặt “có thẩm quyền” trong khu xóm, nhưng không ai cho chàng một tin tức nào mới mẻ về Tauber và Marx cả.
Vào chiều hôm thứ tư, chàng bắt gặp một đám trẻ nhỏ đang chơi banh trước khu đất trống gần nhà kho.
- Ông nói sao? Lão già Do Thái đó hả? Solly khùng? - Đứa bé “xếp” bọn trẻ trả lời Miller. Đám còn lại bao quanh chàng phóng viên.
- Đúng rồi! Solly khùng!
- Ông già Solly đó điên! - Một đứa bé trong đám lên tiếng. - Lão thường đi như thế này!
Và hắn bắt chước dáng đi thất tha thất thểu của Tauber, làm cả đám cười vang lên.
- Có em nào thấy Solly đi với một người nào khác không? - Miller hỏi. - Hoặc thấy lão nói chuyện với ai không? Một người đàn ông nào đó?
- Ông muốn biết chi vậy? - Đứa xếp hỏi chàng, đầy nghi ngờ.
Hắn nói thêm:
- Bọn cháu đâu có làm gì hại Solly đâu?
Miller búng đồng tiền năm Mark lên xuống lòng bàn tay. Tám cặp mắt nhìn đồng tiền một cách thèm thuồng. Tám chiếc đầu lắc nhẹ. Miller thất vọng ngoảnh mặt bước đi.
- Ông ơi!
Chàng ngừng chân lại. Đứa bé nhất chạy về phía chàng.
- Có lần cháu thấy Solly với một người đàn ông. Họ nói chuyện với nhau lâu lắm. Họ vừa ngồi vừa nói chuyện.
- Ngồi đâu?
- Gần mé sông. Chỗ có đám cỏ cao. Họ ngồi trên ghế đá.
- Người đàn ông già hay trẻ?
- Già lắm. Tóc bạc nhiều lắm.
Miller búng đồng tiền cho đứa bé chụp, không mấy tin lời nó, nhưng vẫn đi về hướng mé sông. Hai bên bờ đều có hơn mười chiếc ghế đá nhưng không có ai ngồi cả. Vào mùa hè sẽ có rất nhiều người ra ngồi tại đó, dọc theo bờ sông Elbe, ngắm nhìn những chiếc tàu lớn ra vô hải cảng, nhưng vào tháng 11 này không có một ai hết.
Lúc còn nhỏ, Peter đã trở về thành phố đổ nát Hamburg này sau khi tỵ nạn chiến tranh tại một nông trại ở thôn quê, và Peter Miller đã lớn lên giữa đống gạch vụn của thành phố này.
Nơi chàng thường lui tới để nô đùa cho thỏa thích là khu Altona. Trí óc chàng quay về Tauber. Làm sao lão ta có thể gặp và quen Marx được? Miller biết có điều gì thiếu sót trong sự suy diễn của mình, nhưng không tài nào khám phá ra được. Cho đến khi trở lại xe và cho xe ngừng lại một trạm để đổ xăng, câu giải đáp mới đến với chàng. Anh công nhân đứng bơm xăng vô xe chàng cho chàng biết xăng Super đã lên giá. Anh ta đi vô trong để thối tiền để chàng ngồi lại trong xe một minh. Mắt chàng không rời khỏi chiếc bóp đang cầm trong tay.
Tiền! Tiền! Tauber đào đâu ra tiền? Lão ta không làm việc. Lão từ chối không nhận một khoản trợ cấp bồi thường nào của chính phủ, nhưng vẫn có tiền để trả tiền thuê phòng, một cách đều đặn, và còn dư chút đỉnh để ăn uống nữa. Vậy chắc chắn Tauber phải có tiền hưu bổng hàng tháng, hoặc được hưởng tiền trợ cấp tàn phế không chừng?
Miller vội đút tiền thối vô túi và đánh xe đến ngay Ty Bưu Điện Altona. Chàng đi ngay đến quầy đề chữ HƯU LIỄM.
- Bà cho tôi biết ngày nào phát hưu không? - Chàng hỏi một bà đứng tuồi ngồi sau quầy.
- Ngày chót của mỗi tháng.
- Nếu vậy thì tháng này nhằm ngày thứ bảy?
- Không. Ngoại trừ thứ Bảy và Chúa nhật. Tiền hưu sẽ được phát vào ngày thứ sáu trước đó một ngày, và tháng này sẽ là ngày thứ sáu tới.
- Phế nhân cũng lãnh tiền vào ngày này nữa sao?
- Bất cứ ai có tiền hưu bổng hay trợ cấp phế nhân cũng đều lãnh tiền vào ngày chót trong tháng cả!
- Lãnh tại quầy này?
- Phải, nếu cư trú tại Altona. - Ngươi đàn bà đáp.
- Bà bắt đầu phát từ lúc mấy giờ?
- Từ lúc Ty bắt đầu mở cửa cho đến hết giờ làm việc.
- Cám ơn bà nhiều lắm.
Sáng thứ Sáu, Miller trở lại Ty Bưu điện Altona, đứng quan sát đoàn người già yếu, tàn tật, nối đuôi nhau trước quầy Hưu Bổng. Chàng đứng dựa tường đối diện đoàn người để có thế điểm mặt từng người. Phần đông đều bạc đầu, nhưng vì trời lạnh nên ai cũng đều đội nón. Trước mười một giờ sáng, một người đàn ông với mớ tóc bạc như những cụm bông gòn rời khỏi Ty Bưu Điện. Tới cửa, lão đứng lại, đếm tiền một cách thận trọng, đút tiền vô túi áo bành tô, liếc nhìn quanh quất như đang muốn tìm kiếm ai. Sau đôi ba phút không thấy ai đến, lão ngoảnh mặt bước đi. Đến ngã tư đường, lão quay lưng nhìn lại phía sau. Không thấy ai theo mình, lão rẽ sang đường Museum, đi bộ về phía bờ sông. Miller rời Ty Bưu Điện đi theo sau lưng lão.
Lão già mất hơn hai mươi phút để đi quãng đường sáu trăm thước đến Elbe Chaussee. Lão băng qua đám cỏ, tiến đến ngồi xuống một chiếc ghè đá.
Từ phía sau lưng lão, Miller đi tới.
- Cụ Marx?
Ngưòi đàn ông với mớ tóc bạc quay người lại, không lộ vẻ ngạc nhiên, hầu như thường bị người lạ mặt nhận diện.
- Phải, - lão đáp thật trịnh trọng. - Tôi là Marx đây!
- Tên cháu là Miller.
Cụ Marx gục đầu xuống suy nghĩ.
- Thưa cụ đợi cụ Tauber?
- Phải! - Cụ Marx đáp nhỏ.
- Xin phép cụ cho cháu ngồi.
- Cậu cứ tự tiện!
Miller ngồi xuống ghế đá, cạnh cụ già. Hai người già trẻ cùng hướng mắt nhìn ra sông Elbe. Một chiếc tàu hàng khổng lồ đang tiến vô hải cảng.
- Cháu e rằng cụ Tauber đã qua đời! - Miller nói, phá tan bầu không khí im lặng.
Cụ già không rời mắt khỏi chiếc tàu hàng Kota Maru. Lão không để lộ lòng thương tiếc hay ngạc nhiên. Hình như cụ Marx quá chai đá rồi.
Miller tóm tắt cho cụ Marx biết qua vể trường hợp cái chết của Tauber.
- Cháu thấy cụ không mấy ngạc nhiên trước tin cụ Tauber tự tử!
- Chuyện này tôi đã đoán biết từ lâu rồi! Tội nghiệp! Tauber quả là một người bất hạnh! - Cụ Marx đáp.
- Cụ Tauber có để lại một tập nhật ký, cụ biềt không?
- Có. Tauber có nói qua cho tôi nghe.
- Cụ được đọc cuốn nhật ký này cíiưa?
- Chưa. Tauber không chịu để cho ai đọc hết. Nhưng hắn thường nhắc nhở đến nó mỗi khi gặp tôi.
- Cháu được đọc qua nó, và cụ Tauber đã tả lại khoảng thời gian cụ ta bị giam cầm tại Riga.
- Tôi biết! Tauber có nói qua là đã ở Riga.
- Thưa, cụ cũng từng ở Riga sao?
Cụ già Marx quay qua nhìn Miller với cặp mắt sâu buồn.
- Không. Tôi ở Dachau!
- Thưa cụ, cháu cần cụ giúp cho một việc này. Trong tập nhật ký, cụ Tauber có nhắc đến một người, một cựu Đại úy SS tên Eduard Roschmann. Cụ Tauber có nhắc nhở đến tên này với cụ bao giờ không?.
- Ồ, có chứ! Hắn có nói qua về Roschmann cho tôi biết. Roschmann là lẽ sống của Tauber vì Tauber luôn luôn nuôi hy vọng sẽ có ngày lôi Roschmann ra tòa án.
- Thưa cụ đó chính là những gì cụ Tauber đã viết trong nhật ký. Cháu là một phóng viên, và rất mong tìm hiểu thêm về Roschmann để đem hắn ra tòa. Cụ hiểu ý cháu không?
- Vâng, tôi hiểu.
- Nhưng nếu Roschmann giờ đây không còn nữa thì hết chuyện. Cụ Tauber có cho cụ biết Roschmann còn sống hay chết rồi không?
Cụ Marx im lặng trong giây lát.
- Đại úy Roschmann còn sống. - Cụ già tóc bạc trả lời cộc lốc. - Hiện hắn đang tự do, không ai dám đụng đến hắn cả!
Miller nghiêng người qua cụ già Marx.
- Thưa cụ, sao cụ biết được hắn còn sống?
- Vì Tauber đã thấy hắn!
- Hồi tháng 4 năm 1945? Cụ Tauber có nhắc đến sự kiện gặp lại hẳn vào tháng đó trong nhật ký.
Cạ Marx lắc đầu!
- Không phải. Tauber mới thấy hắn hồi tháng trước đây.
Miller không tin lời cụ Marx, cứ nhìn chăm chăm vô mắt cụ ta.
- Tháng trước đây? Cụ Tauber có nói gặp lại Roschmann trong trường hợp nào không? - Miller hỏi.
Cụ Marx cau mày cố nhớ lại.
- Có. Tauber ưa rảo bộ qua khắp các đường phố cho đến khuya, vì ông ta mắc bệnh khó ngủ. Đêm đó, Tauber đang đi bộ ngang qua Đại Hí Viện trên đường trở về nhà. Một đám người ăn mặc sang trọng từ nhà hát bước ra đường. Bọn họ thuộc thiểu số triệu phú. Hàng dãy tắc xi đậu trước cửa nhà hát, và Tauber nhìn rõ Roschmann bước lên một chiếc tắc xi trong số đó.
- Roschmann ở trong đám triệu phú đó?
- Phải. Roschmann lên xe tắc xi cùng với hai người khác, ăn mặc thật sang trọng.
- Chuyện này hết sức quan trọng. Có thật cụ Tauber đã không nhìn lầm người khác không?
- Tauber quả quyết với tôi là đúng Roschmann, chớ không ai khác!
- Nhưng đã hơn mười chín năm cụ Tauber chưa nhìn thấy Roschmann, và thế nào hắn lại không thay đổi? Dựa vào đâu mà cụ Tauber có thể quả quyết với cụ?
- Tauber nói với tôi là đã thấy Roschmann cười.
- Roschmann làm sao?
- Hẳn cười. Roschmann cười.
- Sự kiện này quan hệ lắm sao?
Cụ Marx gật gù.
- Tauber cho biết là hễ ai thấy Roschmann cười rồi thì khó quên lắm. Tauber không tài nào mô tả được nụ cười của Roschmann, nhưng khẳng định sẽ nhận ra nụ cười của hắn trong vô số những nụ cười khác.
- Thưa cụ tin điều này không?
- Dĩ nhiên là tôi tin.
- Cháu cứ tin như vậy đi! Mà cụ Tauber có nhớ số xe chiếc xe tắc xi chở Roschmann không?
- Lúc đó Tauber bấn loạn lên, nên không biết phải làm gì.
- Vậy thì xui quá! Nếu biết được số xe này thì tiện biết mấy! Cụ Tauber cho cụ biết chuyện này hồi nào vậy? - Miller hỏi.
- Tháng trước đây, sau khi lãnh hưu xong, cũng ngay tại chiếc ghế đá này!
Miller đứng lên, cau mày.
- Thưa cụ cũng biết là sẽ không ai tin câu chuyên này hết chứ?
Cụ Marx ngẩng đầu lên nhìn Miller.
- Biết. Tauber cũng biết vậy, và đó chính là lý do cụ ta tự kết thúc đời minh!
* * *
Tối hôm đó, Peter Milter đến thăm mẹ như thường lệ. Và như mọi khi mẹ chàng cứ lo lắng xem đứa con trai độc nhất của bà có ăn đủ no không. Mẹ Miller, dáng người mập mạp, phúc hậu, ngoài sáu mươi. Bà không thể nào hiểu được, vào tuổi của bà, tại sao đứa con độc nhất lại có thể chọn một nghề bạc bẽo như nghề phóng viên này.
Tối hôm đó, bà hỏi Miller đang làm những công việc gì. Chàng nói vắn tắt cho mẹ chàng biết qua câu chuyện của Tauber, nhấn mạnh đến ý định của chàng là sẽ đi tìm cho bằng được tên Roschmann. Mẹ chàng hết sức phật lòng.
Miller nhắm mắt, cố nuốt cho trôi đĩa đồ ăn, không muốn để ý đến những lời trách móc và khuyên răn của bà mẹ,
- Cả ngày chạy đôn chạy đáo soi mói hành động của bọn sát nhân chưa làm hài lòng con sao? - Mẹ chàng nói. - Và bây giờ còn muồn xí mõm vô bọn Nazi nữa sao? - Mẹ chàng nói tiếp: - Má không biết ba con sẽ nghĩ sao nếu còn sống!
Một ý nghĩ thoáng qua đầu chàng.
- Thưa má!
- Gì đó con?
- Trong đệ nhị Thế chiến - những chuyện mà bọn SS đã làm... trong những trại tập trung... Má có bao giờ nghi ngờ hay nghĩ rằng những chuyện đó có thật không?
Sau một thoáng im lặng mẹ chàng nói :
- Kinh khủng lắm! Sau chiến tranh quân đội Anh bắt má và nhiều người khác phải xem qua những đoạn phim mô tả những hành động ghê gớm của bọn SS. Thôi, má không muốn nghĩ đến những chuyện này nữa!
Dứt lời, mẹ chàng bỏ xuống bếp. Peter đứng phóc dậy theo sau mẹ.
- Má còn nhớ năm 1950, khi con vừa được mười sáu tuổi và con được sang Paris nghỉ hè với một nhóm bạn học không?
- Có. Má còn nhớ!
- Chúng con được đưa đi viếng nhà thờ Sacré Coeur. Lúc đó có một buổi lễ cầu hồn cho một ông tên Jean Moulin. Tan buổi lễ, một số người bước ra khỏi nhà thờ và lúc đó con đang đứng trò chuyện với mấy đứa bạn bằng tiếng Đức. Một người trong đám họ tiến về phía con và nhổ nước miếng vô mặt con. Con nhớ đã kể lại cho má nghe rồi. Má còn nhớ lúc đó má nói gì với con không?
Bà Miller cau mày.
- Má đã nói là người Pháp như vậy đó. Bọn họ man rợ lắm.
- Đúng vậy. Má không bao giờ ưa họ cả.
- Má biết mình đã làm gì Jean Moulin không? Mình đã làm gì cho hắn trước khi thủ tiêu hắn không ? Con không biết, ba không biết, má cũng không biết, nhưng dân Đức, hay nói đúng hơn bọn Gestapo, mà dưới mắt người ngoại quốc đều như nhau cả, dư biết!
- Thôi đủ rồi, má không muốn nghe nữa!
- Ngay bây giờ con không thể nào cho má biết được. Má biết tại sao con bị nhổ nước miếng vô mặt không? Không phải con là một tên tay sai của bọn Gestapo, mà chỉ vì con là một công dân Đức.
- Và con phải hãnh diện về điều này!
- Dĩ nhiên con rất hãnh diện được làm một công dân Đức, nhưng điều đó không có nghĩa là con phải hãnh diện về những tên Nazi, bọn SS, hay Gestapo!
- Ờ, có ai hãnh diện về bọn này đâu con! - Mẹ Miller nói.
Bà Miller không mấy hài lòng khi phải cãi vã với con. Bà không thèm nói thêm lời nào nữa, bỏ ra phòng khách. Miller lẽo đẽo theo sau mẹ.
- Xin má hiểu cho con. Trước khi đọc cuốn nhật ký của ông già Tauber, con bán tín bán nghi những điều người ta nói về bọn Nazi. Nhưng bây giờ thì khác. Con đã bắt đầu sáng mắt ra, do đó con phải tìm cho bằng được con Ác Quỷ Roschmann. Công lý phải được tôn trọng!
Mẹ Miller ngồi xuống đi văng, mắt rướm lệ.
- Thôi đi con. Đừng đi bới móc dĩ vãng lên, không lợi lộc gì. Nên quên hết mọi việc này đi con, cho má nhờ!
Miller đứng đối diện lò sưởi, trên tường phía trên có treo một chiếc đồng hồ và di ảnh của cha chàng, trong bộ quân phục Đại úy Lục quân Wehrmacht, nụ cười thoáng buồn trên môi. Bức hình được chụp lúc cha chàng về nhà nghỉ phép trước khi tiếp tục ra mặt trận.
Sau hơn mười chín năm. Peter Miller vẫn còn nhớ rõ từng nét mặt của cha. Bây giờ đứng trước di ảnh cha, ôn lại những kỷ niệm, Peter không khỏi buồn tủi khi người mẹ cử lải nhải bên tai, nài nỉ chàng bỏ qua vụ Roschmann.
Peter nhớ lại một tối nọ, cha chàng hớn hở về nhà báo tin cho mẹ chàng biết là cha chàng đã đầu quân vô quân đội. Peter nhớ lại lúc đó mẹ chàng khóc lóc như thế nào, làm chàng thắc mắc tự hỏi tại sao đàn bà lại có thể ngu ngốc đến độ phải khóc trước một biến cố vui vẻ như vậy. Peter nhớ lại một ngày nọ vào năm 1944 khi chàng vừa lên mười. Một sĩ quan Lục quân Wehrmacht đến nhà báo tin cho mẹ chàng biết rằng người chồng yêu quý của bà đã anh dũng hy sinh vì tổ quốc tại mặt trận miền Đông.
- Vả lại, vào thời buổi này ít ai thèm chú ý đến những vụ như Roschmann được báo chí phanh phui ra, nhất là khi báo chí cho đăng tải những chuyện gớm ghiếc do bọn SS đã làm. Không ai cám ơn con đâu, dù cho con có lôi cổ hẳn ra trước tòa đi nữa. Quá trễ rồi. Con nghe lời má, bỏ qua vụ này đi con. Má van con... - Bà Miller van nài chàng, nước mắt ràn rụa.
Peter nhớ rất rõ cột báo với một vạch đen, ngày nào cũng như ngày nấy, nhưng cùng cột báo này đề ngày 14 tháng 10 có ghi hàng chữ: chết vì Quốc Trưởng và Tổ Quốc, Miller, Erwin, Đại úy, ngày 11 tháng 10 tại Ostland.
Chỉ bấy nhiêu thôi. Không cho biết chết tại đâu, lý do làm sao. Chỉ có một cái tên trong số hàng trăm hàng ngàn cái tên khác chất đầy cột báo, ngày này qua ngày khác, tháng này qua tháng nọ, cho đến khi chính quyền không cho phép đăng nữa, vì sợ làm tổn thương đến tinh thần cán binh.
- Con còn phải nghĩ đến linh hồn của ba nữa! Con tưởng ba con sẽ hài lòng khi đứa con trai duy nhất của ông đi lục lọi, tìm tòi những chuyện không đâu để tạo một xì căng đan mới về tội ác chiến tranh? Chắc ba con sẽ hài lòng lắm! - Mẹ chàng nói.
Miller xích lại gần mẹ, đặt hai tay lên vai người, nhìn xuống cặp mắt buồn thảm của mẹ. Chàng cúi gập người xuống hôn nhẹ lên trán mẹ.
- Má nói đúng! Nếu ba còn sống thì chắc chuyện con làm sẽ làm cho ba hài lòng!
Miller chia tay mẹ, ra xe lái thẳng về Hamburg. Cơn giận của chàng đã bắt đầu nguôi dần.
* * *
Đối với những aỉ đã từng gặp Hans Hoffman, đều đồng ý rằng hắn thuộc “tip” chịu chơi.
Ngoài tứ tuần, khuôn mặt dễ nhìn, tóc uốn dợn sóng, quần áo bảnh bao đặt tại tiệm may danh tiếng Savile Row, cà vạt toàn của Cardin, tất cả những điểm này tạo cho Hans Hoffman dáng dấp phong lưu mà chỉ có tiền mới có thể làm được. Nếu bề ngoài là yếu tố duy nhất để thành công trên đường đời, Hoffman sẽ không bao giờ trở nên một trong những chủ báo giàu và có thế lực nhất Tây Đức. Lập nghiệp sau thế chiến thứ hai với một chiếc máy in quay tay, chuyên sản xuất mẫu ấn phẩm cho Quân Đội Hoàng Gia Anh, vào năm 1949, Hoffman tung ra thị trường tuần báo bằng hình ảnh đầu tiên. Công thức của tuần báo hắn thật giản dị: đặt hàng tựa thật lớn và thật kêu, và chú thích câu chuyện toàn bằng hình ảnh. Và hẳn đã thành công. Tám tuần báo do hắn sáng lập, từ loại tình ái lẩm cẩm đển những tuần báo kinh tế tài chính thật giá trị, đã giúp hắn trở thành tỷ phú. Nhưng tờ Spiegel, tuần báo thời sự quốc tế, vẫn là công trình mà hắn ưa thích nhất, chăm sóc đến nhiều nhất.
Tiền đã đem lại cho hắn một trang trại lớn tại Othmarshen, một biệt thự trên núi, một biệt thự khác sát bờ biển, một chiếc Rolls Royce và một chiếc Ferrari. Hoffman cũng mua được một bà vợ trẻ đẹp, cho hắn hai đứa con ngoan mà hẳn ít khi gặp mặt.
Vào chiều ngày thứ tư, sau khi đã đọc phớt qua vài trang trong tập nhật ký của Salomon Tauber, Hans Hoffman dựa người ra ghế bành, liếc nhìn chàng phóng viên trẻ Miller ngồi đối diện hắn.
- Được rồi, tôi đọc chừng đó cũng đoán ra nội dung của tập nhật ký. Anh muốn gì? - Hoffman hất hàm hỏi Miller.
- Theo tôi thì đây là một tập tài liệu sáng giá. - Miller đáp. - Có một người tên Roschmann được nhắc tới nhiều trong đó. Eduard Roschmann, cựu Đại úy SS, giết hơn 80.000 người. Tôi tin rằng hắn đang sống phây phây tại Đức, và tôi muốn tìm ra hẳn.
- Làm sao anh biết hắn còn sống?
Miller lập lại những gì cụ Marx đã cho chàng biết. Hoffman trề môi.
- Chứng cớ yếu xìu.
- Đúng. Nhưng đáng cho chúng ta chú ý đến. Tôi đã khai thác nhiều vụ dựa trên những chứng cớ còn yếu hơn vụ này nhiều!
Hoffman gượng cười, nhớ lại biệt tài của Miller là moi móc rất hay những câu chuyện làm rúng động báo giới Tây Đức. Hoffmann rất thích đăng những loại chuyện của Miller, vì những chuyện của anh chàng phóng viên trẻ này làm tăng số báo phát hành không ít!
- Ví thử tên này - tên gì quên mất rồi! Roschmann, đúng không? Roschmann, ví thử hắn đang có tên trong danh sách tầm nã và Cảnh sát chịu bó tay không tìm ra hắn được, thì một mình anh làm được gì?
- Cảnh sát có thật đi lùng hắn không? - Miller hỏi móc.
Hoffman lắc đầu:
- Họ có bổn phận phải làm, vì chúng ta đây đều đóng thuế để trả lương cho bọn họ kia mà!
- Tôi nghĩ sẽ không làm hại một ai nếu thử bỏ công ra tìm xem hẳn còn sống hay chết, bị bắt giữ lần nào chưa! Nếu có thì chuyên gì xảy ra sau đó, chừng đó thôi!
- Anh muốn tôi đóng vai trò gì trong ý định của anh? - Hoffman hỏi.
- Tài trợ phí tổn cho tôi đi điều tra, và dành cho tôi cột chính trên tờ Spiegel! Nếu tôi tìm không ra đấu mối nào thì hai ta xí xóa.
Hoffman nhích người trong ghế bành, đưa mắt nhìn qua cửa sổ.
- Tôi thấy anh đã quyết định đi hơi xa, ra khỏi sở trường của anh. Tại sao bỗng nhiên anh lại chú ý đến Roschmann?
Miller suy nghĩ thật kỹ trước khi trả lời tên chủ báo. Thử bàn một đề tài phóng sự cho tên chủ báo loại cá mập như Hoffman không phải là chuyện dễ.
- Đây là đề tài cho một thiên phóng sự liên hệ không nhiều thì ít đến cả nhân loại. Nếu Spiegel có thể phăng ra manh mối người được cảnh sát tìm kiếm trong gần hai mươi năm không ra, thì danh tiếng của tờ báo này còn lên cao hơn nữa! Đây là câu chuyện mà ai ai cũng muốn đọc qua cho biết!
Hoffmann nói, không thèm nhìn Miller:
- Anh lầm to. Và vì vậy nên tôi không tài trợ và cũng không dành cho anh một cột nào trên tờ Spiegel. Theo tôi thì không ma nào thèm đọc chuyện này!
- Xin ông xét lại vấn đề! Những người mà Roschmann giết đâu phải là dân Nga hay Ba Lan. Họ đều là người Đức - tôi xin nói lại, Do Thái gốc Đức, nhưng trước sau gì họ cũng vẫn là người Đức, vì sanh sống tại nước này quá lâu rồi. Tại sao độc giả không muốn biết đến chuyện họ bị tàn sát?
Hoffman xoay người lại, chống hai tay lên bàn, nhìn thằng vô mặt Miller nói :
- Miller! Tôi phải thành thật công nhận anh là một phóng viên giỏi. Tôi rất thích đường lối phóng sự của anh. Tôi có thể nhấc điên thoại này lên và sẽ có ngay bốn năm chục anh phóng viên ào đến và sẽ viết những gì tôi bảo họ viết. Họ như vậy đó. Họ khác anh ở điểm không biết tìm chuyện và khía cạnh độc đáo của câu chuyện như anh. Ưu điểm này là lý do tại sao tôi rất trọng dụng anh và sẽ tiếp tục trọng dụng anh. Nhưng riêng về câu chuyện Roschmann thì không thể được!
- Tại sao không được?
- Nghe cho kỹ đây, anh phóng viên trẻ. Tôi sẽ dạy cho anh một bài học sơ đẳng về báo chí. Báo chí phải luôn luôn viết về những chuyện xấu hóa ra tốt, và tìm môi trường để tiêu thụ câu chuyện của mình. Anh có thể làm phần đầu tiên, tôi thì lo phần thứ hai. Đó là lý do tại sao tôi ngồi ở bàn này và anh ngồi nơi ghế “kẻ xin xỏ”. Anh cho rằng chuyện của Roschmann là chuyện ai ai cũng trông đợi để đọc, chỉ vì những nạn nhân tại Riga là người Đức - xin nói lại, Do Thái gốc Đức. Tôi nói cho anh biết đó mới là lý do không ma nào thèm đọc. Chuyện này sẽ là chuyện cuối cùng mà họ sẽ đọc, và cho đến khi xứ này có được luật bắt buộc phải mua sách vở để đọc, đọc giả sẽ chỉ tìm mua và đọc những gì họ thích mà thôi. Và tôi đây sẽ cung cấp cho đọc giả những gì họ thích đọc.
- Nhưng tại sao ông không cho họ đọc về Roschmann?
- Anh vẫn chưa hiểu sao? Để tôi nói rõ hơn cho anh nhét vô đầu. Trước thế chiến thứ hai, hầu hết người Đức nào cũng đều quen với một người Do Thái nào đó. Trước khi Hitler làm ung thối tất cả mọi chuyện, không ai nghĩ đến việc thù ghét dân Do Thái tại Đức cả. Chúng ta, những người Đức, chúng ta đối xử với thiểu số dân Do Thái trong nước tốt hơn bất cứ dân tộc nào khác tại Âu châu, kể cả Pháp lẫn Anh, và hơn gấp triệu lần bọn Ba Lan và Nga Sô. Nhưng Hitler đã làm hỏng tất cả. Hắn tuyên truyền, tại Do Thái mới xảy ra thế chiến thứ nhất, gây ra không biết bao nhiêu là cảnh thất nghiệp, nghèo đói, trong khi bất cứ một công dân Đức nào chính gốc cũng biết qua một người Do Thái nào đó: ông chủ Do Thái rất tốt bụng, nhân công cần cù. Thiểu số họ rất lễ độ, tuân theo luật lệ răm rắp. Họ không hại một ai, trong khi Hitler tung tin cho rằng phải đổ lên đầu họ mọi khó khăn mà họ đã gây ra cho dân tộc Đức. Rồi những đoàn xe đến đón họ đi, dân chúng bàng hoàng không ai nói năng gì được. Họ không buồn phản đối, và lần hồi họ đâm ra tin theo luận điệu xuyên tạc của Quốc Trưởng. Dân chúng thì ở đâu cũng vậy, nhất là khi dân chúng lại quá dễ tin như dân Đức. Chúng ta là một dân tộc rất biết vâng lời. Đó là sức mạnh lớn lao nhất mà cũng là điểm yếu lớn nhất của chúng ta. Đặc tính này giúp dân tộc chúng ta biến “Phép lạ kinh tế” thành sự thật, trong lúc dân Anh kêu la vì đình công bãi thị, và nó cũng hại chúng ta đi theo một tên như Hitler xuống đám mồ tập thể.
Trong nhiều năm dài, dân chúng không ai hỏi han đến số phận của những người Do Thái trước thế chiến. Họ chấp nhận sự kiện thiểu số này đã bỗng dưng biến mất mà không thắc mắc gì. Họ đã được đọc những gì xảy đến cho những người Do Thái vô danh quê quán tại Warsaw, Lublin, Bialystok, những người Do Thái không tên gốc Ba Lan và Nga Sô, những bài tường thuật những vụ án tội phạm chiến tranh, và họ đã nôn mửa rồi, và bây giờ anh lại muốn mô tả, chi tiết hóa những gì đã xảy đến cho những người bạn láng giềng Do Thái của họ nữa sao? - Hoffman vỗ nhẹ lên bìa tập nhật ký nói tiếp:
- Anh tưởng đọc giả Đức muốn đọc những gì đã xảy đến cho những người Do Thái bạn họ, những người chào hỏi họ mỗi buổi sáng, được từng đoàn xe chở đến trại tập trung Riga cho tên Roschmann làm tình làm tội, trong khi họ đứng nhìn một cách dửng dưng và bất lực?
Thuyết xong chàng phỏng viên trẻ, Hoffman ngả người ra ghế, với tay rút điếu xì gà từ một chiếc hộp bằng bạc và mồi nó bằng một hộp quẹt máy hiệu Dupont. Miller ngồi ngẩn người ra, cố nuốt bài học mà “lão tiền bối” vừa giảng cho chàng nghe.
- Ồng nói đúng ý tôi!
Hoffman gằn giọng:
- Có thể một phần thôi!
- Nhưng tôi vẫn cứ muốn tìm cho ra tên khốn nạn Roschmann mới thôi!
- Kệ nó, Miller. Không ai nhớ đến công lao anh đâu.
- Phản ứng của dư luận không phải là lý do duy nhất ông từ chối tôi. Còn một lý do nào khác, phải không?
Hoffman trợn mắt nhìn Miller qua khói thuốc xì gà.
- Phải.
- Thời buổi này mà một người như Hoffman phải sợ bọn chúng sao? - Miller hỏi.
Hoffman lắc đầu:
- Tôi không sợ thằng chó nào hết. Tôi không muốn sinh chuyện.
- Sinh chuyện lôi thôi như thế nào?
- Anh nghe nói đến người nào tên Hans Habe chưa? - Hoffman hỏi,
- Văn sĩ Habe hả? Có! Chuyên gì can hệ tới hắn?
- Habe từng làm chủ nhiệm một tạp chí lớn tại Munich, vào những năm 50. Một tạp chí rất hay - lúc đó hắn vừa là chủ nhiệm vừa là một phóng viên lành nghề, cỡ anh vậy, Tạp chí đó có tên là Echo of the Week, Habe căm thù bọn Nazi, nên viết một loạt bài vạch mặt chỉ tên cả một tập đoàn bọn quỷ này đang sinh sống tại Munich.
- Việc gì đã xảy đến cho Habe?
- Không có gì quan trọng. Bản thân hắn thì không hề hấn gì. Một hôm hắn nhận được nhiều thư hơn mọi khi. Hơn phân nửa số thư là thư của những nhà quảng cáo xin rút lại những trang quảng cáo đăng thường lệ trên tờ Echo of the Week. Một thư khác do Ngân hàng Habe gửi đến mời hắn đến gặp mặt. Vị Tổng Giám đốc ngân hàng thông báo cho hắn là ông ta rút lại số tiền ứng trước ký quỹ cho tờ tạp chí của hắn. Một tuần lễ sau hắn sập tiệm. Bây giờ hắn chuyên viết tiểu thuyết! Hắn đã dứt khoát giã từ nghiệp báo.
- Thấy gương Habe trước mắt, rồi những chủ báo khác vãi đái ra quần hết sao?
Hoffman lôi điếu xì gà đang ngậm trong miệng ra, trợn mắt nhìn Miller nói lớn tiếng:
- Tôi không ưa cách nói xiên nói xỏ của chú em đâu, liệu mà giữ mồm lại! Tôi cũng đã từng ghét bọn chó đẻ Nazi và đến giờ phút này tôi vẫn còn thù chúng. Nói cho bạn rõ, tôi chỉ lo cho độc giả của tôi thôi, và tôi biết chắc họ sẽ không thích đọc về Roschmann.
- Xin lỗi ông, tôi hơi lỡ lời. Nhưng tôi nhất quyết rồi.
- Anh bạn phóng viên nóng nảy ơi! Nếu tôi chưa quá rành về anh, thì tôi sẽ nghĩ ngay đến chuyện gì bí ẩn đàng sau vụ Roschmann này! Chuyện có liên hệ đến cá nhân anh không chừng. Đừng bao giờ để cho cá nhân lung lạc báo chí! Lời tường thuật của anh sẽ không được khách quan. Anh nhất quyết rồi hả? Chịu bỏ tiền, tốn công ra làm chuyện này?
- Tôi còn một ít tiền dành dụm được và hiện nay không biết làm gì hơn! - Miller nói xong đứng dậy sửa soạn ra về.
- Chúc anh gặp nhiều may mắn. - Hoffman nói, đứng lên, đi vòng quanh bàn làm việc. - Tôi có thể làm điều này giúp anh. Ngày nào Roschmann bị thộp cổ và bị Cảnh sát Tây Đức tống vô khám, thì ngày đó tôi sẽ dành cho anh đặc quyền khai thác câu chuyện trên tờ Spiegel. Lúc đó tin tức anh viết ra sẽ trở thành tin thời sự rồi. Nếu không in chuyện của anh trên tờ Spiegel được, tôi cũng sẽ bỏ tiền túi ra mua những bài của anh về đọc chơi! Anh thông cảm. Tôi chỉ có thể làm được chừng đó thôi. À, còn một điểm này tôi lưu ý anh. Khi đi săn Roschmann, anh đừng mượn tiếng tờ Spiegel nghe!
-----------
Còn tiếp.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét