KHI YÊU CẦN NHIỀU DŨNG CẢM
Tác giả: Chetah Bhagat
Người dịch: Nguyễn Thị Hương Thảo
NXB Hội Nhà Văn, 05-2015
2
- Em không sao chứ? - tôi hỏi và bước tới Chỉ Là Bạn của
tôi. Cô vẫn ngồi trên ghế và nước mắt lại trào ra. Tiết học cuối cùng đã kết
thúc và phòng học đã trống không.
Tôi đã không nói chuyện nhiều với Ananya kể từ bữa chúng tôi
ra ngoài ăn trưa tuần trước. Những cô gái đẹp sẽ cư xử đúng mực nhất khi bạn tảng
lờ họ. (Tất nhiên, họ phải biết bạn đang tảng lờ họ, vì nếu không có thể họ còn
không biết đến sự tồn tại của bạn).
Nhưng hôm nay tôi phải nói chuyện với cô. Cô đã khóc trong lớp
học. Chúng tôi có những phòng học theo kiểu thính đường với những hàng ghế hình
bán nguyệt, bởi vậy tất cả mọi người có thể nhìn thấy nhau. Học viên ngồi theo
thứ tự bảng chữ cái. Ananya, giống như tất cả những đứa trẻ bị đày đọa với cái
tên bắt đầu bởi chữ A, ngồi ở hàng đầu bên trái. Cô ngồi giữa Ankur và Aditya,
cả hai chàng IIT đã ngỏ lời với cô mà không cân nhắc đến nỗi hổ thẹn bị từ chối
và rồi phải ngồi gần người đã từ chối mình trong suốt cả một năm.
Tôi ngồi ở hàng thứ ba, giữa Kanyashree - người ghi bài như
một thư ký tòa mẫn cán - và năm Mohit, những người tới từ những vùng khác nhau
của Ấn Độ. Nhưng chẳng ai trong đám Ankur, Aditya, Kanyashree hay năm Mohit nhận
ra những giọt nước mắt của Ananya. Chỉ có tôi bắt gặp cô lau mắt bằng chiếc
khăn choàng dài màu vàng có những chiếc chuông nhỏ ở hai đầu kêu tinh tinh mỗi
khi cô nhúc nhích.
Trong tuần vừa rồi, tôi đã giới hạn giao tiếp của mình với
Ananya xuống những lần chào vội mỗi buổi sáng và những cái vẫy tay hờ hững vào
cuối mỗi ngày. Trong các giờ học chúng tôi chú ý nghe thầy giáo bởi vì chúng
tôi được cộng điểm tham gia đóng góp cho bài học - nói điều gì đó có vẻ thông
thái. Hầu hết dân IIT chẳng bao giờ nói trong khi những người không có nền tảng
kỹ thuật thì nói không phanh lại được.
Đã vào giờ kinh tế vi mô được hai mươi ba phút, vị giáo sư vẽ
một đường cong lợi ích hình chữ L trên bảng. Ông chiêm ngưỡng đường cong của
mình trong mười giây rồi quay xuống lớp.
- Ở đây có bao nhiêu người đã tốt nghiệp kinh tế? - Giáo sư
Chatterjee, một IIMA kỳ cựu hai thập kỷ, hỏi.
Mười lăm trên mười bảy học viên ở khu A giơ tay lên, bao gồm
cả Ananya.
Thầy Chatterjee quay về phía cô.
- Cô nhận ra đường cong này chứ, cô Swaminathan? - Ông đọc
tên cô từ tấm biển ghi tên để ở phía trước.
- Đường lợi ích cận biên cơ sở, thưa thầy, - Ananya nói.
- Thế, cô Swaminathan, cô biểu diễn đường cong đó bằng toán
học như thế nào?
Ananya đứng dậy, mắt cô cho thấy rõ ràng cô không có ý niệm
gì. Mười bốn tên tốt nghiệp kinh tế liền hạ tay xuống.
- Nào, cô Swaminathan? - thầy Chatterjee nói.
Ananya giữ chặt những đồ trang trí trên chiếc khăn choàng của
cô để chúng không gây tiếng động khi cô nói.
- Thưa thầy, đường cong đó diễn tả các gói hàng hóa khác
nhau mà giữa chúng người tiêu dùng không có sự thiên vị. Tức là, ở mỗi điểm
trên đường cong, người tiêu dùng có mức độ ưu tiên như nhau giữa gói này với
gói kia…
- Đó không phải câu hỏi của tôi. Công thức toán học của nó
là gì?
- Cái đó thì em không biết. Dù sao, đó cũng chỉ là một khái
niệm mà thôi.
- Nhưng cô có biết không đã?
- Không. Nhưng em không thể nghĩ ra được bất kỳ tình huống
thực tế nào mà một công thức toán học như thế lại có tác dụng, - Ananya nói.
Vị giáo sư giơ tay để ngắt lời cô.
- Suỵt… - Ông ta cười nham hiểm. - Chú ý, cả lớp, chú ý. Đây
là tình trạng học hành về kinh tế học ở đất nước này đây. Những sinh viên hàng
đầu mà cả những điều cơ bản cũng không biết. Và rồi họ hỏi - tại sao kinh tế Ấn
Độ thụt lùi?
Vị giáo sư hùng hồn thả viên phấn xuống bàn để khép lại vấn
đề. Ông ta vừa giải được bài toán đã làm đau đầu những nhà hoạch định chính
sách trong nhiều thập kỷ. Ananya Swaminathan chính là nguyên do cho sự thụt lùi
của Ấn Độ.
Ananya cúi đầu xấu hổ. Một vài gương mặt IIT bừng sáng lên.
Kinh tế vi mô là một môn học lựa chọn ở IIT và những người đã từng học đều biết
về công thức này. Bọn họ nóng lòng muốn thể hiện.
- Có ai biết không?
Giáo sư hỏi, Ankur liền giơ tay.
- Được, hãy trình bày đi. Còn cô Swaminathan, cô nên nói
chuyện nhiều hơn với các bạn ngồi cạnh mình. Và lần sau đừng có giơ tay nếu tôi
gọi sinh viên kinh tế nhé. - giáo sư nói.
Ông ta bước lên bảng, viết rất nhiều ký tự Hy Lạp và các
phương trình đại số. Lớp học khởi đầu bằng những chuyện vặt vãnh đáng yêu như
người ta lựa chọn ra sao giữa trà và bánh quy. Giờ nó đã chuyển sang những câu
hỏi đáng sợ sẽ chiếm phần chủ đạo trong các kỳ thi. Cả lớp ghi chép điên cuồng.
Kanyashree viết mạnh tới nỗi tôi có thể cảm thấy bàn rung rung vì ngòi bút của
cô ta.
Tôi liếc trộm Ananya. Trong khi Ankur ngạo mạn đang nhìn những
câu chữ của mình được viết lên bảng, những ngón tay trái của Ananya vân vê chiếc
khăn choàng màu vàng. Cô đưa tay trái lên mặt trong khi vẫn tiếp tục viết bằng
tay phải. Bằng một cử chỉ kín đáo, cô thấm những giọt nước mắt. Có lẽ Cô Em Hoa
Khôi cũng có một trái tim, tôi nghĩ. Và có lẽ tôi nên từ bỏ chiến thuật làm lơ
sở trường của mình để nói chuyện với cô sau khi giờ học kết thúc.
- Em không sao chứ? - tôi hỏi lại lần nữa.
Cô gật đầu trong khi vẫn tiếp tục lau nước mắt. Cô cúi gằm
xuống.
- Anh nhớ Topaz, - tôi nói để thay đổi đề tài.
- Em chưa bao giờ bị sỉ nhục như thế, - cô nói.
- Chẳng ai để ý đâu mà. Tất cả các giáo sư đều là những tên
khốn. Đó là sự thực, ở đâu cũng thế, - tôi động viên. - Ít nhất thì từ nơi anh
đến là như vậy.
- Anh muốn xem bằng kinh tế của em chứ? Em sẽ cho anh xem bảng
điểm của em.
- Không, - tôi nói.
- Em xếp thứ ba toàn Đại học Delhi. Những vị giáo sư - kỹ sư
nửa mùa này đã biến kinh tế học từ một môn nghệ thuật tự do hoàn hảo trở thành
bãi thải những ký hiệu Hy Lạp, - cô nói trong lúc trỏ lên công thức trên bảng.
Tôi giữ yên lặng.
- Anh tới từ IIT. Có lẽ anh thích những phương trình này, -
cô nói và ngước lên nhìn tôi. Dù đang nhòe nhoẹt nước mắt, trông cô vẫn xinh đẹp.
Tôi nhìn lên bảng. Đúng, tôi có hứng thú với đại số. Chẳng
có gi đáng hổ thẹn vì điều đó. Nhưng mà, giờ không phải lúc.
- Không, cũng không đến nỗi cuồng nhiệt lắm. Những ký hiệu
Hy Lạp làm mất cảm hứng trong bất kỳ môn học nào.
- Chính xác, nhưng những vị giáo sư này đâu có nghĩ thế. Họ
sẽ đưa những phương trình này vào bài thi tuần tới. Em sẽ trượt mất thôi. Và
ông ấy sẽ biến em thành tấm gương điển hình cho những học viên Ấn Độ được ăn học
mà chẳng biết gì. Em cá là ngay lúc này đây em đang trở thành chủ đề đàm tiếu ở
phòng nghỉ giảng viên.
- Bọn họ tức giận là phải, - tôi nói. - Chúng ta chỉ bằng nửa
tuổi họ nhưng sẽ kiếm gấp đôi họ trong hai năm tới. Em có ghét một đứa mười một
tuổi không nếu nó kiếm được gấp đôi em?
Cô cười.
- Em phải phơi cái khăn đó lên cho khô đi, - tôi nói.
Cô lại cười thêm nữa.
Chúng tôi bước ra khỏi lớp học. Chúng tôi quyết định bỏ qua
bữa trưa, thay vào đó uống trà và ăn trứng ốp lết ở quán Rambhai ven đường bên
ngoài khuôn viên trường.
- Ông ta sẽ trù ẻo em trong môn kinh tế vi mô. Có lẽ ông ta
đã khoanh tên em và ghi điểm D vào đó rồi cũng nên, - cô nói, ấp cốc trà nóng
trong chiếc khăn gấp lại để cách nhiệt.
- Đừng sợ. Nghe này, em có thể học cùng anh. Anh không thích
những phương trình đó, nhưng anh nắm rõ chúng. Đó là tất cả những gì bọn anh đã
học ở IIT trong vòng bốn năm.
Cô nhìn tôi vài giây.
- Này, anh không có hứng thú trở thành người thứ mười một
đâu. Đây đơn thuần là vì lý do học hành thôi.
Cô cười.
- Thực ra bây giờ là mười ba rồi.
- Dân IIT à?
- Không, lần này là từ NIT. Họ bám đuổi sắp kịp rồi. [NIT: Học
viện Công nghệ Quốc gia]
- Anh biết, bọn anh đang đánh mất lợi thế. Dù sao, anh cũng
không muốn trở thành số mười bốn. Anh nghĩ anh có thể dạy em…
Cô ngắt lời tôi:
- Em không thể học kinh tế học từ anh được. Em là một trong
những người đứng đầu trường đại học về môn kinh tế. Anh là một kỹ sư.
- Thế thì chúc em may mắn, - tôi nói và đứng dậy trả tiền.
- Em có nói thế đâu. Em nói anh không thể dạy em. Nhưng
chúng ta có thể học cùng nhau.
Tôi nhìn cô. Cô trông thật xinh đẹp, và tôi không thể trách
cứ gì mười ba anh chàng kia vì đã thử sức.
- Ở phòng em lúc tám giờ nhé? Anh đã tới ký túc xá nữ bao giờ
chưa?
- Cái gì cũng có lần đầu cả, - tôi nói.
- Được lắm! Hãy mang theo thật nhiều sách vở để cho họ thấy
rõ mục đích anh tới đó nhé, - Ananya khuyên.
3
Tôi tới ký túc xá nữ lúc tám giờ tối. Tôi mang theo tài liệu
học tập của cả tuần, dày cỡ sáu lần cuốn danh bạ điện thoại. Tôi gõ cửa phòng
cô.
- Đợi một giây, tôi đang thay đồ, - giọng cô vọng ra từ bên
trong.
Sau ba trăm giây, cô mở cửa. Cô mặc bộ đồ thể thao trắng đỏ.
- Xin lỗi, - cô vừa nói vừa búi tóc lên. - Anh vào đi. Chúng
ta nên bắt đầu ngay thôi, có quá nhiều việc phải làm.
Cô để tôi ngồi ở ghế học của mình còn cô ngồi trên giường. Tấm
ga giường màu gỉ sét hợp với bức tường trơ gạch. Cô đã làm ra một bảng ghi nhớ
từ những tờ giấy vẽ đồ thị và dán những tấm ảnh gia đình kín lên đó.
- Gia đình em đấy. Đó là bố em. Ông rất đáng yêu, - cô nói.
Tôi nhìn chăm chú. Một người đàn ông trung niên với mái tóc
chải ra sau gọn ghẽ làm giảm hiệu quả của nụ cười rộng miệng của ông. Trong hầu
hết các bức ảnh ông đều mặc một chiếc áo cộc tay cùng một chiếc dhoti. [trang
phục truyền thống của đàn ông Ấn Độ, làm từ một miếng vải vuông, quấn lại thành
chiếc váy dài, giống như xà rông]. Ông trông như người hàng xóm thường ngăn bạn
mở nhạc to. Không, chẳng có điều gì đáng yêu ở ông cả. Tôi lướt qua tất cả những
tấm ảnh khác chụp trong các dịp lễ hội, các đám cưới và những bữa tiệc sinh nhật.
Trong một tấm ảnh, cả gia đình Ananya đứng tạo dáng ở bãi biển. Bạn có thể gần
như nghe thấy tiếng quốc ca.
- Đó là bãi biển Marina ở Chennai. Anh có biết đó là bãi biển
thành phố lớn thứ hai trên thế giới không?
Tôi nhìn cậu em của cô, khoảng chừng mười bốn tuổi. Mái tóc
vuốt keo, khuôn mặt của kẻ mọt sách cùng cặp kính cho cậu ta dáng vẻ một IIT tiềm
năng. Biểu hiện thờ ơ với thế giới bên ngoài cho tôi thấy cậu ta sẽ đạt được điều
đó.
- Còn đó là mẹ em? - tôi hỏi. Ananya gật đầu.
Bố và em trai Ananya có vẻ vẫn còn dễ chịu nếu so sánh với mẹ
cô. Kể cả trong các bức ảnh bà vẫn có vẻ mặt cau có đến nỗi làm ta phải tự hỏi
mình đã làm điều gì sai chăng. Bà làm tôi nhớ về bà giáo khó tính nhất tôi từng
học ở trường. Ngay lập tức tôi cảm thấy tội lỗi vì đang ở trong phòng của con
gái bà. Tay tôi run lên như thể tôi e rằng bà sắp nhảy ra khỏi bức ảnh và lấy
thước kẻ quật tôi.
- Mẹ em và em, - Ananya nói trong khi quỳ trên giường và thở
dài.
- Sao thế? - Tôi nhìn bức ảnh chụp đám cưới một người họ
hàng của cô. Với làn da rám đen, răng của mọi người trông càng thêm phần trắng.
Các bà già thì đeo nhiều trang sức bằng vàng hết mức giới hạn cơ thể họ có thể
mang được và mặc những bộ sari lụa bóng bẩy như những tấm phản quang trên đường
cao tốc.
- Chẳng sao, em ước giá mà em gần gũi với bà hơn, - Ananya
nói. - À, anh có ảnh gia đình không?
Tôi lắc đầu. Gia đình tôi quá lộn xộn, chẳng bao giờ ngừng lại
và tạo dáng đúng thời điểm cả. Tôi cũng không nghĩ nhà mình đã bao giờ có máy ảnh.
- Nhà anh có những ai? - Cô lục đống tài liệu để lấy ra phần
bài giảng kinh tế học.
- Bố, mẹ và anh. Vậy thôi. - tôi nói.
- Kể kỹ hơn em nghe. Họ làm gì? Anh gần gũi với ai hơn?
- Chúng ta gặp nhau để học mà, - tôi chỉ ra vấn đề và vỗ vỗ
vào cuốn sách kinh tế học.
- Tất nhiên chúng ta sẽ học. Em chỉ hỏi cho có chuyện thôi.
Đừng có nói với em là anh không thích đấy, - cô nói và chớp chớp mắt.
Sao ông bố bà mẹ đáng sợ đó lại có thể sinh ra một tạo vật
đáng yêu nhường này nhỉ?
- Được, anh sẽ trả lời. Nhưng sau đó chúng ta sẽ học. Không
tán chuyện trong vòng một giờ, - tôi cảnh báo.
- Chắc chắn rồi, em đã mở sẵn sách vở rồi đây này, - cô nói
và ngồi khoanh chân trên giường.
- OK, mẹ anh làm nội trợ thôi. Anh gần gũi với bà hơn, nhưng
không phải cực kỳ gần gũi. Nhắc mới nhớ, anh phải gọi cho bà. Chút nữa anh sẽ tới
bốt điện thoại.
- Còn bố anh? Em cực kỳ gần gũi với bố mình.
- Chúng ta học thôi, - tôi nói và mở sách vở ra.
- Anh không gần gũi với bố mình sao?
- Em muốn thi trượt hả?
- Xì, - cô đồng ý và lấy một ngón tay che môi.
Chúng tôi ngồi học hai tiếng tiếp theo trong yên lặng. Thi
thoảng cô nhìn lên và làm những thứ vớ vẩn như thay vỏ gối hoặc chỉnh lại cái
đèn học. Tôi tảng lờ tất cả những thứ đó. Tôi đã lãng phí quá đủ những năm đầu ở
IIT. Chắc hẳn nhờ một lỗi tính toán nào đó của chương trình máy tính mà tôi có
một cơ hội nữa ở IIMA. Tôi muốn tận dụng nó.
- Chà, anh thật sự tập trung đấy, - cô nói sau một tiếng nữa.
- Mười giờ rồi. Gọi đường dài giờ rẻ đấy.
- Đúng rồi, anh phải đi đây, - tôi nói.
- Em sẽ đi với anh. Em cũng phải gọi về nhà, - cô nói và trượt
ra khỏi giường đi dép vào.
* * *
- Ôi trời ơi, trời ơi là trời! - cô nói, mỗi tiếng “trời” lại
được tăng thêm cao độ, cường độ và mức độ bực dọc. Cô gọi điện về nhà. Rất nhiều
học viên đang đứng xếp hàng để được gọi cước rẻ từ bốt điện thoại đường dài đó,
mất năm phút đi bộ từ trường đại học. Hầu hết bọn họ đều mang theo sách kinh tế
vi mô. Tôi giúp Ananya một ít tiền lẻ sau khi cô gọi xong.
“Cậu ta đang hẹn hò với cô ấy à?”
Tôi nghe thấy một học viên thì thào với một người khác.
“Tớ không nghĩ vậy, cô ấy chỉ xem cậu ta như anh trai thôi”,
người bạn của anh ta cười hô hố.
Tôi tảng lờ lời nhận xét đó và bước vào trong bốt.
“Em gái nào chẳng muốn có một ông anh là dân IIT, hơi bị có
ích với các môn phân tích đấy”, cậu học viên đầu tiên nói và một vài người xung
quanh bọn họ phá lên cười. Tôi cố nén nỗi thôi thúc vặc lại chúng và quay số gọi
về nhà.
- A lô? - giọng bố tôi vang lên sau bốn hồi chuông.
Tôi giữ yên lặng. Đồng hồ tính tiền bắt đầu hoạt động.
- A lô? A lô? - bố tôi tiếp tục nói.
Tôi đặt điện thoại xuống. Chiếc máy in nhè hóa đơn ra.
- Mất kết nối, cậu phải trả tiền, - người giữ bốt nói. Tôi gật
đầu và lại quay số lần nữa. Lần này mẹ tôi cầm máy.
- Mẹ, - tôi gào lên. - Con đã bảo mẹ phải ở gần điện thoại
sau mười giờ mà.
- Mẹ xin lỗi. Mẹ vừa ở trong bếp. Ông ấy muốn nói chuyện với
con nên mới cầm máy. Con chào ông ấy trước rồi bảo ông ấy cho gặp mẹ nhé.
- Con không có hứng.
- Thôi được, bỏ qua chuyện đó đi. Con thế nào? Chỗ đó ra
sao?
- Ổn mẹ ạ. Nhưng ở đây người ta nhồi sọ thậm chí còn hơn cả
trường trước nữa.
- Thức ăn thế nào?
- Cực tệ. Con sống trong ký túc xá. Mẹ còn mong chờ gì chứ?
- Mẹ sẽ gửi một ít dưa chuột muối.
- Trong thành phố cũng có những quán ăn ngon mà.
- Họ có gà không? - bà hỏi, giọng lo lắng như thể bà đang hỏi
về những thứ thiết yếu như điện và nước vậy.
- Một số chỗ có.
- FMS cũng tốt mà. Mẹ chẳng hiểu sao con phải rời khỏi Delhi
mới được.
- Mẹ, con không lựa chọn nghề nghiệp của mình bằng việc xem
chỗ nào có gà, - tôi nói và nhìn đồng hồ tính tiền. Tôi đã tiêu hết mười tám
rupi. - Con gác máy đây.
- Kể mẹ nghe nhiều hơn nữa đi. Con đã kết giao được bạn bè
nào chưa?
- Cũng không hẳn, kiểu như…- Tôi thấy khuôn mặt Ananya bên
ngoài bốt điện thoại. Cô nhìn tôi và cười.
- Ai? Tên là gì?
- An… Anant.
- Người Punjab à?
- Mẹ!
- Mẹ xin lỗi. Mẹ chỉ nghĩ con nên có một người bạn thích
cùng loại thức ăn với con. Không sao. Chúng ta là người tân tiến. Con biết mà,
phải không?
- Vâng, phải rồi. Con sẽ gọi lại cho mẹ sau. Mai con thi rồi.
- Ô, vậy à? Nhớ cầu nguyện trước khi thi con nhé!
- Vâng, hãy để con ôn bài trước đã.
Tôi gác máy và trả hai mươi lăm rupi.
- Sao lúc đầu anh lại gác máy thế? Bố anh nhấc máy, phải
không? - Ananya hỏi khi chúng tôi đi bộ trở về.
Tôi dừng lại.
- Sao em biết?
- Em đoán thôi. Em làm thế với mẹ em khi em bực mình với bà.
Nhưng mẹ con em không gác máy, mà chỉ giữ điện thoại thế không nói gì.
- Và trả tiền?
- Đúng vậy. Một cách khá tốn kém để cho người kia biết mình
đang bực mình. Nhưng mà cũng chỉ thi thoảng thôi.
- Anh chẳng bao giờ nói chuyện với bố, - tôi nói.
- Tại sao? - Ananya nhìn tôi.
- Chuyện dài lắm. Không phải cho tối nay. Hoặc bất cứ tối
nào. Anh sẽ giữ nó cho riêng mình.
- Chắc rồi, - cô nói.
Chúng tôi bước đi trong yên lặng một lúc, rồi cô lại cất tiếng.
- Vậy bố mẹ anh đặt kỳ vọng lớn vào anh phải không? Anh sẽ
chọn công việc kiểu gì? Tài chính? Marketing? Công nghệ thông tin?
- Chẳng cái nào trong số đó cả, - tôi nói. - Tuy nhiên anh sẽ
chọn một công việc để kiếm tiền trước.
- Vậy anh muốn làm gì? Thực sự muốn làm gì?
Cô nhìn thẳng vào mắt tôi. Tôi không thể nói dối.
- Anh muốn trở thành một nhà văn, - tôi nói.
Tôi tưởng cô sẽ phát rồ lên và oặt ra cười. Nhưng cô không
thế. Cô gật đầu và tiếp tục bước. - Nhà văn kiểu gì cơ? - cô hỏi.
- Người kể những câu chuyện vui đồng thời đem đến sự thay đổi.
Ngòi bút có sức mạnh hơn lưỡi gươm, đó là một trong những câu ngạn ngữ đầu tiên
chúng ta được học, phải không?
Cô gật đầu.
- Nghe kỳ quặc nhỉ?
- Không, không hề, - cô nói.
- Thế còn em? Em muốn trở thành gì?
Cô cười.
- Chà, em chẳng biết nữa. Mẹ em đã cảm thấy em quá tham vọng
và độc lập rồi. Bởi vậy em đang cố để không nghĩ quá xa. Vào lúc này, em chỉ muốn
làm tốt bài kiểm tra của mình và làm cho mẹ em vui. Mà cả hai việc đều khó kinh
lên được, - cô nói.
Chúng tôi tới phòng cô và luyện tập số học trong vòng hai tiếng
tiếp sau đó.
- Em rất vui vì có anh ở đây. Em sẽ chẳng thể nào giải được
những bài đó, - cô nói sau khi tôi giải một bài khó cho cô.
- Em không lợi dụng anh đấy chứ?
- Gì cơ?
- Như kiểu em làm bạn với anh bởi vì anh là dân IIT? Để anh
có thể giúp em xử lý những môn phân tích.
- Anh đùa hay sao thế? - Cô trông kinh ngạc.
- Anh không muốn trở thành một ông anh IIT, - tôi nói.
- Gì thế? Dù thế nào đi nữa, anh cũng không phải như thế.
Chúng mình là bạn bè, phải không?
Cô chìa tay ra. Tôi nhìn vào đôi mắt cô. Không, đôi mắt đó
không thể lợi dụng bất kỳ ai cả.
- Chúc ngủ ngon, - tôi nói và bắt tay cô.
- Này, Krish, - cô nói khi tôi quay người ra về.
- Gì thế?
- Điều anh nói, về việc trở thành một nhà văn đem lại sự
thay đổi ấy. Điều đó thực sự rất hay. Em thật lòng đấy, - cô nói.
Tôi mỉm cười.
- Tạm biệt, - cô nói và đóng cửa.
Một vài cô gái không ngủ lang thang trong ký túc xá cùng với
những cuốn vở của họ. Họ ném về phía tôi những cái nhìn nghi hoặc.
- Tôi chỉ tới để học thôi, - tôi nói và bước nhanh ra khỏi
ký túc xá. Tôi không biết tại sao mình lại cảm thấy cần đưa ra một lời giải
thích.
4
Cô bước ra khỏi phòng trợ lý nghiên cứu cùng kết quả bài kiểm
tra kinh tế vi mô. Cô bước vượt qua tụi học viên đang xếp hàng để tới chỗ tôi.
Đến lúc này, tất cả mọi người trong trường đều đã biết tình bạn, hoặc như một số
người sẽ nói, tình anh em, giữa cô với tôi. Cô mặc quần soóc denim và áo cộc
tay màu hồng, khiến những anh chàng từ các trường kỹ thuật cứ dõi mắt nhìn
theo.
- B cộng, mọi người nói đó là một điểm tốt, - cô nói, tay cầm
tờ kết quả.
- Quần soóc của em quá ngắn đấy, - tôi nói.
- Xem điểm của anh nào, - cô nói và giật tờ giấy của tôi. - A
trừ, chà, anh được điểm A trừ!
Tôi không phản ứng gì. Chúng tôi bước về ký túc xá của mình.
- Anh không thể nào cao điểm kinh tế học hơn em được, em
không tin chuyện này, - cô nói. - Anh là một kỹ sư cơ khí. Em là người giành
huy chương vàng ở trường đại học về môn này.
- Em mang huy chương cho thầy Chatterjee xem ấy, - tôi nói bằng
giọng nghiêm túc.
- Này, anh không sao đấy chứ?
Tôi im lặng.
- Dù sao em cũng nợ anh. Môn số học của anh đã cứu em. Anh
đói chứ?
Tôi gật đầu. Người sống trong ký túc xá luôn luôn đói.
- Đến quán Rambhai đi, - cô rủ.
- Em không thể đến Rambhai trong bộ dạng thế này được, - tôi
nói.
- Như thế nào cơ?
- Là mặc quần soóc thế này, - tôi nói.
- Xin lỗi nhé. Cái kiểu này là Delhi hay Punjab vậy? Kiểm
soát cách ăn mặc của phụ nữ sao?
- Cái này là lẽ thường thôi. Quán đó bên ngoài trường. Người
ta sẽ nhìn đấy, - tôi nói.
- Trong trường cũng quá đủ người nhìn em rồi. Em không sao
đâu, đi thôi, - cô nói và bước về phía cổng trường.
- Anh không cần trả ơn. Không sao đâu, - tôi nói và quay đầu
theo hướng ngược lại về ký túc xá.
- Thật đấy à? Anh không đi sao? - cô gọi từ đằng sau.
Tôi lắc đầu.
- Tùy anh thôi.
Tôi tảng lờ cô và tiếp tục bước.
- Tối nay anh có đến học không?
Tôi nhún vai ra chiều “sao cũng được”.
- Có quy định ăn mặc cho em không? - cô hỏi.
- Em không phải bạn gái của anh. Em mặc gì thì tùy. Anh quan
tâm làm gì? - tôi nói.
* * *
Khi tôi tới phòng cô vào buổi tối, chúng tôi không nói về
chuyện lúc chiều nữa. Cô đã về thay bộ đồ quần thể thao đen và một chiếc áo
phông dài tay đen quá khổ. Cô ăn mặc kín đáo đủ để đi dạo ở Afghanistan. Tôi
hơi nhớ chiếc quần soóc của cô, nhưng cũng là do tôi tự chuốc lấy thôi. Tôi mở
bài tập marketing mà chúng tôi phải chuẩn bị cho ngày tiếp theo.
- Thuốc lá không nicotin - Nirdosh, - tôi đọc to tít bài.
- Đếch ai cần thứ đó chứ? Em thích thuốc lá thật hơn, - cô
nói.
Tôi ném cho cô cái nhìn kỳ thị.
- Gì thế? Em không được nói từ “đếch” à? Hay em không được
phép bày tỏ nguyện vọng hút thuốc lá?
- Em đang muốn chứng minh điều gì?
- Chẳng gì cả. Em muốn anh hãy xem xét khả năng phụ nữ là những
người thông minh. Và những người thông minh không muốn bị bảo ban phải mặc gì
hay làm gì, nhất là khi họ đã trưởng thành. Nói thế anh hiểu chứ?
- Đừng có thông minh quá, - tôi nói.
- Đừng có kẻ cả với em, - cô nói.
- Có nhiều cách để thu hút sự chú ý của người khác hơn là mặc
thiếu vải, - tôi nói.
- Em làm điều đó không phải để thu hút sự chú ý. Em mặc quần
soóc bởi vì em thích mặc quần soóc.
- Chúng ta học được chưa? - tôi lại mở sách ra.
Chúng tôi giữ yên lặng trong vòng nửa giờ và đắm mình vào
sách vở.
- Em có cố thu hút sự chú ý đâu, - cô lại mở màn khi ngẩng
lên khỏi cuốn sách.
- Chuyện đó chẳng quan trọng với anh, - tôi nói.
- Anh ghen đấy à?
- Em đùa à?
Tôi gập mạnh cuốn sách lại.
- Không, chỉ kiểm tra xem sao thôi. Học nào.
Cô quay lại với những cuốn sách của mình, một nụ cười nở
trên mặt. Tôi ném một chiếc gối vào cô. Cô cười và đập nó lên trán tôi. Tôi nhận
ra rằng đây là môn thể thao tiếp xúc đầu tiên tôi chơi với cô ngoại trừ môn bắt
tay ra.
------------
Còn tiếp.
Còn tiếp.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét