Chủ Nhật, 8 tháng 4, 2018

Khi Yêu Cần Nhiều Dũng Cảm - (Chương 48, 49, 50)

KHI YÊU CẦN NHIỀU DŨNG CẢM

Tác giả: Chetah Bhagat
Người dịch: Nguyễn Thị Hương Thảo
NXB Hội Nhà Văn, 05-2015

48

Chúng tôi tạo thành một vòng tròn gồm một tá anh em họ cùng với Minti và Công tước. Những người lớn tuổi nhìn chúng tôi nghi hoặc từ xa, muốn biết chuyện gì đang xảy ra nhưng Ananya buộc đám anh em họ phải quay lưng lại phía những người lớn tuổi.
- Chúng ta không nên cho phép chuyện này, - mẹ Công tước nói.
- Tất nhiên rồi, thưa chị, chỉ hai phút thôi, - bác Rajji nói, đồng ý với bất cứ điều gì bố mẹ Công tước nói.
- Chào tất cả mọi người, - Ananya đứng dậy để nói với đám anh em họ. Tôi ngồi cạnh cô. Cả đám đáp lại hai tiếng “xin chào” ngoan ngoãn.
- Mọi người nghĩ điều đang xảy ra ở đây có đúng đắn hay không? - Ananya nói.
Công tước và các anh em họ của anh ta cúi gằm xuống, tránh nhìn thẳng vào mắt. Các anh em họ của tôi xúm xít quanh Minti, cố giữ cho chị bình tĩnh.
Bác Rajji và bác Kamla đưa những cái nhìn bất lực về phía bố mẹ Công tước bởi vì tất cả bọn họ đều muốn ngó xem cuộc thảo luận của Ananya như thế nào.
Bác Shipra bước tới chỗ đám thanh niên.
- Cháu đang làm gì vậy? - bác Shipra nói với Ananya, - Họ mà bỏ về là cuộc đời Minti sẽ bị hủy hoại đấy.
- Cháu nghĩ nếu họ ở lại thì cuộc sống của chị ấy mới bị hủy hoại. Cháu xin bác, hãy cho chúng cháu một chút riêng tư. Bác hãy đảm bảo bố mẹ Công tước ngồi yên đó nhé, - Ananya nói.
Khi bác Shipra rời đi, Ananya quay sang Công tước,:
- Đúng rồi anh ạ. Hãy đứng lên nếu anh có thể.
Công tước đứng lên. Anh ta cao hơn Ananya mười lăm phân và nặng gấp đôi cô. Tất nhiên, những chỉ số cơ thể đó chẳng nghĩa lý gì với cô bạn gái đang nổi điên của tôi.
- Anh làm nghề gì, Công tước? - Ananya hỏi.
- Tôi là kỹ sư phần mềm, - anh ta nói.
- Anh kiếm được bao nhiêu? - Ananya nói.
Công tước yên lặng.
- Nói tôi nghe xem nào, - Ananya lớn tiếng.
- Mười nghìn một tháng, - anh ta nói, bằng giọng đặc Punjab.
- Tuyệt, tôi được hai mươi lăm nghìn. Thế anh có thể nói tôi nghe xem anh đã làm gì để xứng đáng với một đám cưới như thế này không? Anh đã làm gì để đáng được tặng một chiếc xe?
- Tôi, tôi là... bên nhà trai, - Công tước lắp bắp.
- Thì sao? Anh đã nhìn thấy Minti chưa? - Ananya hỏi. Công tước gật đầu. - Đám cưới của anh được sắp đặt. Chính vì thế anh mới có được một người con gái như cô ấy. Nếu phải tán tỉnh cô ấy, đến cả trong mơ anh cũng chẳng mong có được một người bạn gái như vậy, đúng chứ?
Công tước yên lặng và chuyển chân trụ để đỡ lấy thân hình đồ sộ của mình.
- Thế nào? - Ananya hỏi.
- Thế này là quá đáng, - Công tước nói.
- Tôi quá đáng đấy, - Ananya đồng ý và lườm Công tước cái kiểu Bharatnatyam cháy mặt.
Cô lại nói tiếp.
- Anh có biết bố mẹ Minti đã phải trải qua những gì để có đám cưới này cho anh không? Chiếc xe đó đáng giá hai năm rưỡi lương của anh đấy, ngài Công tước! Hai buổi lễ này đã lẳng họ vào nợ nần. Giờ anh muốn một chiếc Accent? Nó không phải là chiếc Accent của anh, nó là cái thứ anh đã xoay xở để vắt ra từ một ông bố tuyệt vọng, bởi ông ấy không muốn tấn kịch xảy ra ở đám cưới con gái mình chuyển thành một xì căng đan.
Quá nhiều từ ngữ cho Công tước xử lý cùng một lúc. Cũng như đám anh em họ còn lại, anh ta ngẩn mặt ra, vì sự tự tin và tiếng Anh trôi chảy của Ananya hơn là vì những gì cô nói.
- Ngồi xuống, - Ananya nói. Công tước tuân theo ngay lập tức. Ananya quay sang tất cả mọi người, - Tất cả các anh chị em của Công tước, hãy nghe này, sẽ không có chiếc Accent nào cả. Những người lớn đã lộ bộ mặt của họ, giờ mọi chuyện phụ thuộc vào Công tước và tất cả các bạn. Nếu anh ta muốn cưới Minti trong danh dự, anh ta nên nói như thế. Nếu anh ta không muốn thế, thì anh ta chỉ là một kẻ đáng khinh và chúng tôi không muốn đám cưới này.
- Này cháu, Ananya… - Bác Rajji đến chỗ chúng tôi khi thấy cuộc họp của đám thanh niên diễn ra quá lâu.
- Sắp xong rồi bác ạ, - Ananya nói. - Năm phút nhé, Công tước. Hãy quyết định đi.
Tất cả mọi người trở nên yên lặng khi Ananya Swaminathan, thạc sĩ quản trị kinh doanh, quản lý của HLL, cô gái xinh đẹp nhất theo kết quả bỏ phiếu chung ở IIMA và là cô bạn gái tuyệt nhất theo kết quả bỏ phiếu của riêng tôi, đã ép thế hệ trẻ trong gia đình Công tước phải suy nghĩ.

49

Từng giây đồng hồ trôi qua, đám anh em họ vẫn im như thóc. Công tước muốn nói gì đó, nhưng rồi nhìn thấy những bộ mặt cau có của bố mẹ mình ở đằng xa, anh ta bèn giữ yên lặng. Anh ta chụm đầu lại với những anh em họ của mình để thì thà thì thụt. Sau bốn phút, anh ta lại đứng lên và nói với Ananya.
- Xin lỗi, thưa cô, - Công tước nói.
- Tôi là Ananya. Gì thế?
- Chúng tôi có thể tới nói chuyện với những người lớn được chứ? Tôi muốn nói chuyện với mẹ tôi.
- Về chuyện gì thế? - Ananya nói và chặn anh ta lại.
- Sao cô lại áp chế thế chứ? Để tôi đi.
- Để tất cả cùng đi, - Ananya nói.
Tất cả anh em họ đứng dậy khỏi ghế của họ. Chúng tôi bước tới chỗ người lớn. Công tước bước tới chỗ mẹ anh ta.
- Mẹ, con muốn cưới Minti.
Mẹ Công tước nhìn con trai đầy kinh ngạc.
- Nhưng bọn họ đã trở mặt với chúng ta, con ơi, - bố Công tước nói.
Bác Rajji lại chực phủ phục dưới chân họ lần nữa. Ananya ngăn ông lại.
- Bố, chẳng phải con đã yên lặng quá lâu rồi sao? Mọi chuyện đều do bố quyết định. Giờ dù thế nào đi nữa, đừng làm hỏng đám cưới của con.
- Con ơi, nhưng họ đã hứa với chúng ta, - mẹ Công tước nói.
- Mẹ, đủ rồi! Lại còn màn kịch giữ đồ trang sức của họ này là sao? Mẹ nghĩ gì vậy? Con không tự mua được cái xe sao?
- Năm phút đã hết, - Ananya nói, - Chúng tôi nên gói ghém hay là...
- Con gái con đứa kiểu gì thế? Cô còn không cho tôi thời gian để thuyết phục, - Công tước nói với Ananya.
Một trong những ông bác của Công tước đứng dậy:
- Hãy bắt đầu thôi. Chúng ta không thể làm hỏng ngày hạnh phúc của con cháu mình được. Chúng ta muộn lễ jaimala rồi.
- Họ đồng ý chứ? - bác Rajji vừa hỏi vừa nhìn bố mẹ Công tước.
- Ông đừng lo, là hiểu lầm thôi. Chúng tôi đâu có muốn làm hỏng mối quan hệ lâu dài, - ông bác Công tước nói và ra hiệu cho tất cả những người họ hàng đứng lên.
- Mọi người, mời dùng đồ ăn ạ, - Công tước nói.
Chừng đó là đủ để họ hàng của anh ta nhảy bổ vào những người phục vụ. Giữ người Punjab cách xa thức ăn của họ ở một đám cưới là một việc làm tàn nhẫn, nhất là khi hầu hết bọn họ chẳng được chấm mút gì ở cái xe đó cả.
Gia đình đằng nhà tôi ôm chầm bố mẹ Công tước. Họ không ôm trả lại, nhưng ít nhất cũng không đẩy chúng tôi ra. Bác Rajji mang ra một hộp kẹo và đút cho bố mẹ Công tước mỗi người một cái. Vị ngọt của đường cải thiện vẻ mặt của họ. DJ cho nhạc nổi lên. Đám cưới tiếp tục được tiến hành.
Một cô gái đứng lại cho tới khi tất cả mọi người rời khỏi ghế xô pha và tiến lên sân khấu. Đó là một cô gái Nam Ấn đã đến cùng với tôi từ tận Chennai.
- Cô ấy đã nói gì với anh ta vậy? - bác Shipra hỏi tôi. Bà đã lấy lại chiếc túi và trả lại các đồ trang sức. Tôi nhún vai.
- Một cô gái thông minh làm sao, - bác Kamla ôm Ananya một cái. - Cảm ơn cháu. Cháu đã giữ thể diện cho chúng ta.
- Nhưng cho ta biết điều này được không, lương cháu hai mươi lăm ngàn sao? - bác Rajni hỏi câu mà mọi người đều muốn hỏi.
Mẹ tôi bước tới và gật đầu cười với Ananya. Cho dù bà không nói bất cứ điều gì, tôi biết cử chỉ đó rất nhiều hàm ý.
- Con bé không đến nỗi tệ, - bác Shipra nói với mẹ tôi trong lễ jaimala.
- Em ghi điểm rồi đấy, em biết em đã ghi điểm mà, - tôi nói với Ananya khi chúng tôi tung những cánh hoa lên Công tước và Minti.

50

- Thế, mẹ - tôi nói, - như con đã nói đấy.
Chúng tôi đang ở trong bếp.
- Con đã nói bốn lần rồi. Thực sự là con có điều gì để nói không? - mẹ tôi nói.
Bà nhấc ấm trà sôi ra khỏi bếp.
- Mai Ananya đi rồi, - tôi nói.
- OK, - bà nói.
Bà đưa tôi một cốc trà.
- Con đã gọi cô ấy tới nhà để gặp chúng ta trước khi cô ấy rời đi.
- Rồi sao, - mẹ tôi nói.
- Chúng con muốn biết quyết định của mẹ, - tôi nói.
- Đó là quyết định của con, - bà nói.
- OK, vậy thì quan điểm của mẹ, đó là điều quan trọng đối với con để con đưa ra quyết định của mình.
- Chà, anh lại dùng cách nói MBA của mình đấy, - mẹ tôi nói.
* * *
Ananya tới nhà vào buổi chiều. Mẹ tôi cắt một quả dưa khi chúng tôi ngồi ở bàn ăn.
- Vậy, mẹ, điều không tưởng đã xảy ra. Nhà ngoại thích Ananya. Giờ con có được phép cưới cô ấy không ạ?
- Con đâu cần mẹ cho phép, - mẹ nói và đưa tôi mấy miếng dưa.
- Không cần cho phép, thế thì chấp thuận vậy. Chúng con có được sự chấp thuận của mẹ không ạ? - tôi hỏi.
Bà đưa vài miếng dưa cho Ananya.
- Thế là đồng ý phải không ạ? - tôi hỏi.
- Bác gái Kamla và bác Rajji rất thích con bé đấy, - mẹ tôi nói.
- Bác có thích cháu không ạ? Bác cứ nói với cháu nếu như bác thấy không chắc, - Ananya nói.
- Tất nhiên, bác thích chứ, con bé này, - mẹ tôi nói, đặt tay lên đầu Ananya. - Nhưng còn những người khác nữa, gia đình bên nhà cháu.
- Mọi người trong nhà cháu rất mến anh Krish!
- Đúng thế, nhưng hai bên gia đình có thích nhau không? Hai đứa có thể hạnh phúc, nhưng những người lớn nhà bác cũng phải hòa thuận với những người lớn bên nhà cháu. Cháu còn nhớ chuyện ở Sabarmati Ashram chứ?
- Kiên nhẫn nào mẹ. Qua thời gian, hai gia đình sẽ lại gần nhau hơn, - tôi nói.
Ananya khơi dậy chủ đề về bố tôi lần cuối cùng trước khi rời đi.
- Bố anh Krish không đồng ý ạ? - Ananya hỏi.
Mẹ tôi cười gượng gạo.
- Ông ấy không cho hai mẹ con xem ti vi, chứ đừng nói đến việc để Krish tự chọn cô dâu. Không sao đâu, anh chị em bác là đủ rồi. Nếu không, sẽ chẳng bao giờ cưới xin được đâu, - mẹ tôi nói.
Ananya gật đầu. Mẹ tôi bước vào phòng mình và quay trở ra với hai chiếc vòng vàng.
- Thôi thôi, bác ơi, - Ananya nói, còn mẹ tôi cứ cố đeo vào tay cô và hôn trán cô.
Hạnh phúc bồng bềnh như những cánh hồng trong không trung, tôi hình dung mình giật mạnh nắm tay đắc thắng ba lần liền.
* * *
- Vậy bước tiếp theo là gì? Chọn ngày cưới?
Ananya và tôi đang nói chuyện đường dài từ văn phòng mỗi đứa.
- Anh biết không, mẹ anh nói đúng, có một khoảng cách ở đây, - Ananya nói.
- Khoảng cách gì? - tôi hỏi.
- Bố mẹ em thích anh. Mẹ anh thích em. Còn hai gia đình có thích nhau không? Nhớ thảm họa Ahmedabad chứ? - Ananya nói.
- Có, nhưng mà, - tôi nói. - Ôi không, anh tưởng chúng ta đã nói xong chuyện đó rồi chứ.
- Không, hai gia đình phải đoàn kết. Hãy tin em đi, điều đó đáng đấy. Chúng ta nên để họ gặp nhau, - cô nói.
- Ở đâu? Anh sẽ tới Chennai cùng với mẹ anh à? - tôi hỏi.
- Không, hãy tới một địa điểm trung lập không có những người họ hàng.
- Ý hay đấy. Để anh sắp xếp một số thứ đã, - tôi kết thúc cuộc gọi.
Tôi quay trở lại làm việc. Ở Citibank Delhi tôi chưa thuộc phòng ban nào cố định mà cũng chưa có sếp. Tôi cứ loăng quăng giữa các phòng ban, giả vờ như mình hữu dụng. Tạm thời tôi làm ở phòng thẻ tín dụng. Tôi đã có một kế hoạch tiếp thị phát triển thẻ tín dụng, một lĩnh vực tôi không có mấy hứng thú hoặc chuyên môn. Tôi mở cuốn sách ghi những đề xuất hiện thời với các khách hàng thẻ tín dụng của chúng tôi. Chúng tôi có một thương vụ đặc biệt ở Goa.
Tôi nhấc điện thoại lên và gọi lại cho Ananya.
- Goa, - tôi nói. - Tất cả chúng ta hãy tới Goa. Chẳng có gì kết nối hai gia đình bằng biển cả, mặt trời và cát. Thêm nữa, chúng mình cũng sẽ rất vui. Vậy tháng sau nhé?
- Sẽ không rẻ đâu, - cô nói.
- Chẳng phải đầu tư cho tình yêu là sự đầu tư tốt nhất sao? - tôi nói và lục đống card visit của mình để gọi hãng du lịch.
------------
Còn tiếp.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét