Thứ Năm, 12 tháng 4, 2018

Khi Yêu Cần Nhiều Dũng Cảm - (Chương 62 & hết)

KHI YÊU CẦN NHIỀU DŨNG CẢM

Tác giả: Chetah Bhagat
Người dịch: Nguyễn Thị Hương Thảo
NXB Hội Nhà Văn, 05-2015

62

Tôi phải đổ những cốc nước đầy vào mặt những người họ hàng để đánh thức họ dậy. Bác Rajji ngất ngưởng nặng. Tôi chỉ được ngủ ba tiếng nên hơi đau đầu. Chúng tôi yêu cầu phục vụ phòng pha cà phê đặc gấp ba lần.
- Thật là bất nhân, sao họ có thể cưới xin vào giờ này chứ? - mẹ tôi nói. Bà mở va li để lấy ra bộ sari mới dành cho dịp này.
Bố Ananya đã đặt một chiếc xe buýt tới khách sạn của chúng tôi cho một hành trình hai trăm mét.
Tôi đứng bên ngoài đợi từng người phụ nữ trong đoàn của tôi sấy khô tóc và đánh son. Sự hoảng hốt bắt đầu lúc năm giờ mười lăm.
- Các tu sĩ đã thắp lửa rồi. Bắt đầu cầu nguyện rồi, - bố Ananya nói.
- Còn hai bà lớn tuổi nữa thôi, sẽ đến sớm ạ, - tôi nói và gác máy.
Chúng tôi tới mandapam lúc năm rưỡi. Họ hàng nhà Ananya đã chiếm những chỗ ngồi tốt nhất rồi. Tôi xuyên qua bọn họ tới ngồi trước các tu sĩ.
- Người mẹ ngồi đây, - vị tu sĩ nói, - và nếu người cha không ở đây thì một người họ hàng nam lớn tuổi…
- Bố tôi ở đây, - tôi nói.
Bố mẹ Ananya bật dậy khỏi ghế của họ.
- Chào mừng anh, - bố Ananya nói, - Bệnh sốt của anh thế nào rồi?
- Bệnh sốt nào cơ? - bố tôi nói và ngồi vào chỗ mình.
Các tu sĩ tiếp tục những bài cầu nguyện của họ. Bác Rajji chuyền quanh mấy vỉ thuốc Saridon và những người đang đau đầu do say rượu đều lấy một viên. Các ông chú ông bác của Ananya chuyền những tờ báo Người Hindu cho nhau để tranh thủ nạp kiến thức trong thời gian tổ chức đám cưới.
- Lại đây nào, Krish, - bố Ananya nói sau năm phút cầu nguyện.
- Gì cơ ạ?
- Cháu phải thay đồ. Chú giúp cháu, - ông nói một cách thản nhiên.
Tôi đã mặc một bộ pyjama kurta lụa màu gỉ sắt mới mẹ tôi mua cho.
- Bộ này không được ạ? - tôi hỏi.
Ananya cười khúc khích. Bố Ananya lắc đầu và đứng dậy. Tôi theo ông vào một phòng ngay cạnh hội trường. Ông chốt cửa lại một cách mờ ám.
- Cởi quần áo ra đi, - ông nói.
- Gì cơ ạ? - tôi nói khi tay ông lần trên mép áo kurta của tôi để giúp tôi cởi nó ra. - Cháu sẽ tự làm, - tôi nói vội vã.
Tôi cởi bỏ chiếc kurta của mình.
- Cả pyjama nữa, - ông nói, làm tôi gọi nhớ đến những ngày rách rưới ở trường đại học.
- Chuyện này có cần thiết không ạ? - Tôi tự hỏi liệu màn thoát y của mình có làm cho những lời kinh cầu hiệu nghiệm hơn chăng.
Ông không đáp lời. Đúng lúc tôi quyết định sẽ không bẽn lẽn nữa, hai tay ông đã chạm vào dây buộc áo pyjama của tôi. Tôi đã mặc một chiếc quần sịp màu trắng in hình những chú chuột Mickey nghênh ngang khắp nơi.
- Sao cháu lại mặc… cái này?
Tôi đã mua một gói sáu chiếc quần sịp theo chủ đề hoạt hình Disney. Vì sắp kết hôn, mà Ananya thích các nhân vật hoạt hình, tôi nghĩ cô ấy sẽ thấy như thế thật đáng yêu. Tất nhiên, tôi không thể đưa ra nguyên do đó với bố vợ tương lai của mình được.
- Làm sao cháu biết được nó sẽ phải lộ ra ngoài chứ? - tôi nói.
Bố Ananya lộ vẻ lo lắng.
- Sao thế ạ, có gì không ổn sao? - tôi hỏi.
- Cháu sẽ phải mặc bộ veshti này, - bố Ananya nói và đưa tôi một bộ lungi màu kem trong mờ. Nó giống như bộ đồ tắm Mandakini mặc trong Ram Teri Ganga Maili.
- Cháu phải mặc cái này sao? Như thế nào đây?
Tôi cầm nó lên. Những tia sáng mặt trời xuyên qua nó.
- Lại đây, chú sẽ chỉ cho cháu. - bố Ananya nói, và kinh dị của kinh dị, ông xọc nửa bàn tay vào trong quần lót của tôi. Tôi tự hỏi liệu một chú rể có thể kiện ông bố vợ ra tòa vì tội quấy rối tình dục được không.
- Để cháu thử trước, - tôi nói.
Tất nhiên, do hồi hộp tôi không thể nào tập trung được. Chiếc veshti cứ trượt xuống và tôi đứng đó trong chiếc quần lót chuột Mickey, suýt rớt nước mắt.
- Để chú, sẽ chỉ mất một phút thôi, - bố Ananya nhẹ nhàng nói, giống như một bác sĩ thuyết phục một đứa trẻ để nó chịu tiêm.
Tôi nhắm mắt lại. Đây chắc chắn là lần bẽ bàng cuối cùng tôi phải trải qua để có được tình yêu của đời mình, tôi nghĩ. Một vài giờ nữa thôi là chuyện này sẽ kết thúc. Tay ông sát vào tôi khi ông cố để mặc cho thật khít. Người ta nói nghi lễ này được định ra để đảm bảo “đồ đạc” của chú rể ở đúng chỗ. Chà, thế thì hẳn ông đã làm tốt công việc đó.
- Chúng ta xong chưa ạ? - tôi hỏi khi thấy ông chỉnh lại những nếp áo cuối cùng.
Tôi nhìn mình trong gương. Cuộc gặp ở trần đầu tiên của tôi với thế giới chuẩn bị diễn ra. Những chú chuột Mickey nhỏ bé đang cười nhăn nhở qua chiếc veshti trong mờ. OK, chỉ thêm một lúc nữa thôi, tôi tự nhủ.
- Thấy chưa, giờ tất cả các bức ảnh cưới của cháu sẽ có chuột Mickey, - ông nói, đảm bảo rằng nỗi hổ thẹn này sẽ theo tôi đến cuối cuộc đời.
- Cháu muốn thay quần lót khác không? Cháu có thể mặc quần của chú. Chúng ta đổi nhé? - ông hỏi.
Tôi nhìn ông, tự hỏi có phải ông vừa nói vậy thật không.
- Chúng ta đi thôi. Cháu còn phải cưới.
Chúng tôi bước ra ngoài và các anh chị họ của tôi phá lên cười khi thấy tôi.
- Chuột Mickey, - em họ năm tuổi của tôi kêu to lên, đảm bảo rằng tất cả khách khứa có thể tự do nhìn ngắm nó.
Ananya ngồi đó trong bộ sari màu đỏ thẫm lộng lẫy. Cổ đeo những chiếc vòng cổ nạm kim cương và vàng. Trông cô như một nữ thần chan hòa yêu thương.
- Quần lót sao thế? - cô thì thào với tôi.
- Anh mua nó để dành cho em… cho chúng mình, - tôi nói.
- Xin lỗi, - cô nói khi vị tu sĩ mắng chúng tôi vì nói chuyện và yêu cầu chúng tôi tập trung cầu nguyện.
Ai đó buộc một chiếc khăn lên mắt tôi bởi vậy tôi không thể nhìn thấy bất cứ thứ gì trong vòng mười phút trong khi những lời cầu nguyện vẫn tiếp tục. Có thể đó là sự trừng phạt vì nói chuyện riêng với cô dâu trong lễ cưới, nhưng không ai giải thích tại sao. Những đợt cầu nguyện vẫn tiếp tục ngay cả sau khi chiếc khăn bịt mắt đã được tháo ra.
- OK, giờ cậu tới Kashi Yatra, - vị tu sĩ nói một giờ sau đó. Ông ta đưa tôi một chiếc ô và một quyển Gita.
- Là gì thế? - tôi hỏi.
Bố Ananya cho tôi biết chi tiết. Tôi phải đứng lên và nói rằng tôi không hứng thú với đám cưới và sẽ tới Kashi, hoặc Varanasi, để trở thành một tu sĩ. Tôi không biết tại sao họ đưa tôi cái ô, nhưng tôi phải mở ô ra trên đầu khi bước ra ngoài. Bố Ananya sẽ đi theo tôi và thuyết phục tôi đừng làm thế mà hãy cưới con gái ông.
Tôi quyết định phải làm thật tốt với lễ này, nhất là khi tôi đã gặp rắc rối với chiếc veshti. Tôi đứng dậy nhìn bố mẹ Ananya với vẻ khó chịu và chạy khỏi hội trường. Bố Ananya bước theo tôi nhưng tôi bước nhanh hơn ông nhiều. Tôi ra đường cái bên ngoài tòa nhà. Tôi bước trên đường. Một người lái tuk tuk nhìn thấy và chạy xe lại gần tôi.
- Đi đâu, đi đâu? - anh ta hỏi, động cơ của anh ta vẫn nổ phình phịch ở số một.
- Kashi, - tôi nói.
- Kashi ở đâu? - anh ta hỏi.
- Varanasi, ở U.P. - tôi nói.
- Ga trung tâm à? Bảy mươi rupi, - anh ta nói.
Tôi quay lại và thấy bố Ananya hai mươi mét đằng sau tôi. Hừm, chỉ được cưới một lần thôi, bởi vậy tôi quyết định phải làm lễ Kashi Yatra cho thật ra trò. Tôi ngồi vào trong chiếc xe tuk tuk. Chiếc tuk tuk tăng tốc.
- Này, - bố Ananya gào hết cỡ.
- Ai thế? - người tài xế tuk tuk hỏi.
- Không có gì, - tôi nói, - dừng lại.
Tôi bước ra khỏi chiếc xe tuk tuk, bố Ananya chạy lại phía tôi.
- Cháu đang làm gì vậy? - ông vừa nói vừa thở hổn hển sau quãng chạy đó.
- Đến Kashi ạ, - tôi nói và cười, - chú có bảo cháu lúc nào thì phải dừng lại đâu.
Ông chộp cánh tay tôi thật chặt.
- Vào bên trong, - ông nói và lôi tôi vào trong mandapam.
- Cháu tưởng chú phải thuyết phục cháu chứ? - tôi nói.
Chúng tôi có một vài lễ Tamil khác nữa. Chúng tôi có Maalai Maatral, liên quan tới việc trao đổi các vòng hoa như lễ jaimala của người Punjab. Tuy nhiên, họ hàng Ananya nhấc cô lên cao, làm cho tôi khó mà với tới đầu cô. Những người họ hàng của tôi phải mất một lúc mới nhận ra đó chỉ là một trò chơi và suýt chút nữa đánh nhau với một trong những ông bác của Ananya. Sau đó, chúng tôi có lễ Oonjal, Ananya và tôi ngồi trên một chiếc xích đu trong khi những người họ hàng của cô cho chúng tôi ăn những miếng chuối nhỏ nhúng trong sữa. Cuối cùng, chúng tôi quay lại ngồi xung quanh đám lửa. Ananya ngồi trong lòng bố cô, làm lễ Kanyadaan cuối cùng.

[Lễ Oonjal mang ý nghĩa nhắc nhở cô dâu, chú rể luôn bên nhau trải qua những thăng trầm cuộc sống (như chiếc xích đu lên xuống) đồng thời ghi nhớ vai trò vun đắp hạnh phúc của họ hàng, người thân]

[Kanyadaan: nghi lễ bố cô dâu trao con gái cho chú rể trong đám cưới người Tamil]

- Được rồi, - tôi tự nhủ, - sắp xong rồi.
Ananya và tôi cầm một quả dừa nhúng trong nghệ. Mẹ Ananya giội nước lên trên đó. Ananya không thể kìm được nước mắt, vẫn ngồi trong lòng bố cô. Vào lễ Mangalya dharanam, tôi đeo một chiếc dây chuyền vàng, mặt dây chuyền phẳng hình chữ nhật, được gọi là taali, lên cổ cô.
Các vị tu sĩ bảo chúng tôi đứng dậy làm lễ Saptapathi [Lễ Saptapathi hàm ý hai vợ chồng sẽ gần gũi, cùng nhau bước đi trong cuộc sống], hay là bảy bước cung kính. Chiếc sari của Ananya và chiếc veshti của tôi được nối lại bằng một nút buộc và hai bàn tay nắm. Tôi cảm nhận sự động chạm của cô sau nhiều tháng.
- Em không sao chứ? - tôi hỏi khi thấy cô sụt sịt.
- Anh không phải là con gái, anh không hiểu đâu, - Ananya nói, và thế là bắt đầu cuộc đời đầy những câu “anh không hiểu đâu” mà những người đàn ông có vợ phải chịu đựng hằng ngày.
Tôi để Ananya đặt hai chân lên chân mình và giúp cô bước bảy bước xung quanh ngọn lửa. Tôi đeo những chiếc nhẫn bạc vào các ngón chân cô.
Tất cả mọi người vỗ tay khi tôi quay trở lại.
- Gì thế ạ? - tôi hỏi.
- Xong rồi, giờ hãy đi vòng quanh phòng và nhận lời cầu chúc từ mọi người, - tu sĩ trưởng nói.
Tôi nhìn chú Swami và vợ ông. Họ không còn là bố mẹ Ananya nữa. Họ là bố mẹ vợ tôi. Tôi đã làm được. Hai bang giờ đã thành một.
- Làm namaskaram đi, - vị tu sĩ chỉ dẫn chúng tôi.
Ananya và tôi nằm sát người xuống đất trước mặt những người họ hàng lớn tuổi để họ ban phước cho chúng tôi.
Đó là nghi lễ đám cưới duy nhất trên thế giới có liên quan đến việc tập tành thể dục.
- Bố mong cho các con những điều tốt lành, - bố tôi nói và ngăn chúng tôi không nằm phủ phục trước mặt ông nữa.
- Thượng đế ban phước cho cháu, - bác Shipra nói khi tôi nằm trước mặt bà, - Nhưng ta buồn ngủ rồi. Hãy quay trở lại khách sạn thôi.

63

- Ông có bài diễn thuyết à? - tôi hỏi.
Ananya và tôi ngồi trên những chiếc ngai ở chỗ đón tiếp chúng tôi. Ít nhất thì thủ tục này quen thuộc với họ hàng nhà tôi bởi vì họ đã nhìn thấy những quầy thức ăn ở trong vườn. Chúng tôi đang ở trong Câu lạc bộ thuyền Madras. Những ánh sáng đèn màu chạy xung quanh những cái cây; địa điểm ven hồ này là một sự thay đổi được chào đón nếu so với cái mandapam đầy khói không thể phát âm nọ.
- Đúng vậy, ông muốn làm PowerPoint, nhưng em đã ngăn ông lại. Ông thậm chí còn đến khách sạn để cho anh xem bài diễn thuyết.
- Khi nào? - tôi hỏi, - Anh chỉ ở đó thôi mà.
- Ngủ cả ngày, - Ananya nói. - Ông chỉ nghe thấy tiếng ngáy thôi.
- Em không ngủ à? - tôi hỏi.
- Không thể nào, nhà em có bao nhiêu khách từ ngoài thành phố. Em không thể ngủ trong ít nhất hai ngày.
- Thế sao em vẫn có thể trông xinh đẹp được như thế? - tôi nói.
Cô đỏ mặt. Hợp với màu áo của cô. Cô mặc chiếc lehnga hồng với những đường thêu vàng và bạc đậm dành cho buổi tối, một sự bất ngờ dành cho họ hàng của tôi và hơi sốc một chút cho chính các bà bác của cô. Tuy vậy, đã quá trễ và Ananya đã được gả cho tôi rồi. Đồ chết tiệt, Harish Trinh Trắng, tôi nghĩ, dù rằng tôi rủa bản thân mình vì đã nghĩ đến hắn ta.
- Chúc mừng hạnh phúc, - một vài người nào đó bước tới sân khấu gặp chúng tôi và chúng tôi cười để chụp ảnh tới hàng trăm lần.
Bữa tối có những món Bắc Ấn, nhưng hương vị thì không được bằng.
- Họ làm gobi aaloo bằng dầu dừa, - chị Minti ca cẩm.
- Ngày mai chúng ta quay về rồi, - tôi nói. - Chị sẽ được ăn parantha sớm thôi. Giờ thì đừng bịu xịu nữa và ăn kem đi.
- Khi nào chúng ta cắt bánh thế? - một em họ trẻ tuổi của tôi hỏi và trỏ tới chiếc bánh bông lan không trứng đặt ở giữa vườn. Bên cạnh chiếc bánh có chiếc bục với những cái ghế xung quanh.
Một người phục vụ rung chiếc chuông tay, báo hiệu đã đến bài diễn văn và lễ cắt bánh. Những người họ hàng tới và ngồi trên những cái ghế. Những người Tamil và Punjab nhìn nhau. Người ta không chỉ đến để dự đám cưới, họ đến xem một bảo tàng sống của một cộng đồng khác.
- Nhưng khi nào thì DJ mới bắt đầu đây? - em họ của tôi hỏi.
- Kiên nhẫn nào, - tôi nói.
Ananya và tôi đứng cạnh chiếc bánh. Ananya cầm micro để nói trước.
- Cảm ơn tất cả mọi người vì đã đến đây. Tôi rất biết ơn tất cả mọi người vì đã chia sẻ hạnh phúc với chúng tôi. Đúng vậy, đám cưới của chúng tôi rất khác lạ, chúng tôi đã phải trải qua nhiều chuyện mới tới được đây, điều đó càng làm cho nó trở nên đặc biệt. Tôi muốn người bố tuyệt vời của mình chia sẻ vài điều với mọi người.
Ananya vỗ tay và tất cả đám đông đều vỗ tay theo. Bố mẹ tôi ngồi cùng nhau, khuôn mặt nở nụ cười. Ít nhất là trong tối nay, họ đã quyết định hòa bình với nhau.
- Chào tất cả mọi người, - bố Ananya nói. - Tôi cũng muốn mời đại diện nhà trai có vài lời sau đây.
Ông nhìn bố tôi. Bố tôi chắp tay lại để thoái thác.
- Tôi sẽ nói, - bác Rajji nói và giơ tay lên. Hẳn là ông đã tìm được quầy rượu của Câu lạc bộ thuyền rồi.
- Chào mừng mọi người, - bố Ananya bắt đầu, - tôi chưa bao giờ thích phát biểu cả. Mặc dù vậy, trong năm vừa rồi, được sự giúp đỡ của con rể tôi, tôi đã có được sự tự tin để nói chuyện trước đám đông.
Tất cả mọi người quay lại nhìn tôi. OK, thuyết trình ở công ty là một chuyện, giãi bày trước cộng đồng của mình lại là một chuyện rất khác. Tôi hy vọng ông biết ông đang làm gì.
- Tôi biết chủ đề hàng đầu mọi người vẫn bàn tán trong bữa tiệc này - tại sao Swami lại gả con gái của ông ta cho một anh chàng Bắc Ấn? Tôi biết, vì chính chúng tôi cũng đã hỏi cùng câu đó.
Những tiếng cười lích rích khắp đám người.
- Thực tế là, lần đầu tiên Ananya nói chuyện với chúng tôi về Krish, chúng tôi đã rất bực. Như tất cả những người Tamil biết, chúng tôi rất tự hào về văn hóa của chúng tôi. Chúng tôi cũng nghĩ con gái tôi là của hiếm, nó sẽ lấy chàng trai tốt nhất trong cộng đồng của chúng tôi. Sao nó phải chọn một anh chàng Punjab?
Tất cả những người mặc sari Kanjeevaram trong đám đông gật đầu. Những người Punjab mặt nghiêm lại.
- Chúng tôi đã cố hết sức để làm nhụt chí nó. Chúng tôi đã không đối xử tốt với Krish dù rằng cậu ấy chuyển đến Chennai vì chúng tôi. Chúng tôi thậm chí còn giới thiệu cho nó các cậu con trai Tamil. Nhưng quý vị biết bọn trẻ ngày nay đấy, chúng làm những điều chúng muốn làm.
Lần này thì tất cả đều gật đầu thấu hiểu.
- Thế thì tại sao các bậc cha mẹ lại phản đối chuyện này? - ông nói và chỉnh lại cặp kính. - Vấn đề không chỉ là về một cộng đồng khác. Vấn đề ở chỗ, con gái của quý vị đã tự tìm một chàng trai. Chúng ta là bố mẹ, chúng ta cảm thấy lời nói của mình không có sức nặng, thấy mình bị gạt ra rìa và cảm thấy thất vọng. Chúng ta nuôi nấng con cái mình từ tấm bé thành ra khôn lớn, sao chúng có thể lờ chúng ta đi như thế? Tất cả những bực dọc của chúng tôi đã thành giận dữ. Chúng ta đã rất ghét những cuộc hôn nhân do tình yêu, phải không?
Các bà bác Ananya cười.
- Nhưng chúng ta quên rằng điều này xảy ra là bởi vì con cái của quý vị có tình yêu để dành cho ai đó trên thế gian này. Đó có phải là một điều quá tồi tệ? Con cái chúng ta đã học cách yêu từ đâu? Chính là từ chúng ta, người mà chúng yêu đầu tiên chính là chúng ta.
Ananya nắm lấy cánh tay tôi và siết thật chặt. Đám đông lắng nghe hết sức chăm chú.
- Thực ra, sự lựa chọn rất đơn giản. Khi con cái quý vị quyết định yêu một người mới, quý vị có thể xem đó như một cơ hội để ghét người được chọn và gia đình của họ. Đó là điều chúng tôi đã làm trong một thời gian. Tuy vậy, quý vị cũng có thể xem đó như một cơ hội để yêu quý thêm một vài người nữa. Và làm sao yêu quý nhiều người hơn lại là một điều tồi tệ cơ chứ? - Ông dừng lại uống một cốc nước và tiếp tục. - Đúng thế, con người Tamil trong tôi đã có chút thất vọng. Nhưng con người Ấn Độ trong tôi thì rất hạnh phúc. Và trên tất cả mọi thứ, con người trong tôi hạnh phúc. Sau cùng thì, chúng tôi đã quyết định tận dụng cơ hội này để được yêu thương nhiều người hơn.
Khi ông bỏ micro xuống, Ananya ôm ông thật chặt. Đám đông bật ra những tràng vỗ tay. Ananya và tôi cắt bánh trong tiếng vỗ tay vang dội. Chúng tôi cho nhau ăn và cho bố mẹ bên kia mỗi người một miếng. Người thợ chụp ảnh tập trung bố mẹ cả hai bên lại để chụp hình.
- Ananya, em thấy không, bố mẹ của cả hai chúng ta. Họ đang cười, - tôi nói.
Bác Rajji tiến tới và cầm micro để phát biểu.
- Ngăn bố Minti lại đi, ông ấy đã uống sáu cốc rồi đấy, - bác Kamla nói.
Bác Rajji cầm lấy micro và đưa tay lên.
- Thưa quý vị, - ông nói.
Tôi bước lên chỗ ông.
- Bác Rajji, thế là đủ rồi. Bác ngầu thế này mà lại thốt ra những bài diễn văn buồn tẻ thì còn ra gì nữa, - tôi thì thầm vào tai ông.
- Vậy sao? Chúng ta phải đáp lời họ chứ? - ông hỏi.
- Có phải thi thố gì đâu bác ơi, - tôi nói.
Ông nói vào trong micro:
- Thưa các quý vị Tamil Nadu, cảm ơn quý vị rất nhiều. Giờ chúng tôi mời quý vị nhảy vài điệu theo kiểu Punjab với DJ ở phía sau.
Các anh chị họ của tôi bật khỏi ghế và tràn ra sàn nhảy. Tuyển tập bài hát là sự pha trộn của nhạc phim Tamil và Hindu. Họ có một đĩa nhạc Punjab mà bác Rajji đã chỉ đạo chơi lặp lại. Gia đình tôi áp đảo trên sàn nhảy, nhưng Ananya đã giục các bà bác ông bác của mình tham gia cùng. Tôi nghĩ giờ đây họ cũng đã là gia đình của mình. Bác Rajji đã tránh được một cú ngã đau trong khi thử một bước nhảy cuồng nhiệt khá khó trong điệu breakdance Bhangra để gây ấn tượng với những họ hàng mới của tôi. Các anh chị em họ đẩy cả tôi và Ananya ra nhảy một điệu thân mật.
Tôi giữ Ananya bên mình tiến ra sàn nhảy.
- Ananya, - tôi thì thầm vào tai cô.
- Gì thế? - cô nói khe khẽ.
- Anh yêu em và bố em và mẹ em và em trai em và họ hàng em, - tôi nói.
- Em cũng yêu anh và họ hàng nhà anh, - cô nói.
Chúng tôi hôn nhau trong khi những người Tamil và Punjab nhảy xung quanh.
- Thế bây giờ chế độ khắc kỷ đã qua rồi chứ? Em nói chúng ta chỉ được làm chuyện đó khi đã cán qua vạch đích mà, - tôi nói.
- Đàn ông các anh chỉ nghĩ về điều đó sao? - cô nói.
- Vì sự đoàn kết của dân tộc, - tôi nói.

64

Một vài năm sau

- Anh có phải ở trong này không? - tôi hỏi Ananya lúc đó đang nằm trong phòng hộ sinh. Một tấm rèm kéo ngang giường ngăn phần phía trên và phía dưới cơ thể cô. Các bác sĩ đã gây tê nửa người cô, để cô vẫn tỉnh táo suốt quá trình đẻ mổ. Một đội ngũ chuyên viên y tế đứng đằng sau tấm rèm đang rạch bụng cô.
- Ông ấy có một con dao, - tôi nói và trộm nhìn các bác sĩ.
Đầu tôi bỗng choáng váng.
- Đừng làm em bấn loạn lên thế. Nói chuyện gì khác đi, - cô nói. - Quyển sách thế nào rồi?
- Hừm, nhà xuất bản thứ năm đã từ chối nó ngày hôm qua, - tôi nói và lại đứng dậy để ngó. - Ít nhất thì giờ anh cũng có thể đến được với nhà xuất bản thứ sáu... eo, có máu kìa.
- Nếu anh không chịu được cảnh đó thì ngồi xuống đi, và đừng có sợ thế nữa. Em bị gây tê nên chẳng cảm thấy gì cả, - cô nói.
Bác sĩ đã khuyến nghị đẻ mổ mà không gây mê toàn thân.
- Giá mà em thấy được nhỉ, - tôi nói, - Chà, anh nhìn thấy một cái chân. Như trong phim Người ngoài hành tinh ấy.
- Thôi đi, - cô nói. - Trông nó giống em không?
- Anh không biết. Anh chưa nhìn thấy mặt. Anh mới chỉ nhìn thấy chỗ ấy thôi.
Bác sĩ nhấc cả đứa trẻ ra ngoài.
- Cảm ơn, bác sĩ, cảm ơn rất nhiều, - tôi cảm động nói và tiến lại để bắt tay ông.
- Đợi đã, - bác sĩ nói qua khẩu trang.
- Gì thế? - Ananya hỏi.
- Tôi không biết nữa, - ông nói. - Ồ, xem nào, còn một cái chân nữa. Chà, một bé trai nữa.
- Sinh đôi à? - cô nói như không tin vào chính mình, trông tưởng chừng sắp ngất đi.
- Đúng vậy, - bác sĩ nói. - Chúc mừng nhé.
Y tá lau sạch hai em bé và trao chúng cho tôi.
- Cẩn thận nhé, - cô nói, còn tôi mỗi tay đỡ một đứa.
- Hai người từ hai bang khác nhau phải không? Thế chúng sẽ thuộc về bang nào đây? - cô y tá nói và cười khúc khích.
- Chúng sẽ từ một đất nước được gọi là Ấn Độ, - tôi nói.
--------------
 Hết

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét