Thứ Năm, 5 tháng 4, 2018

Khi Yêu Cần Nhiều Dũng Cảm - (Chương 12, 13, 14)

KHI YÊU CẦN NHIỀU DŨNG CẢM

Tác giả: Chetah Bhagat
Người dịch: Nguyễn Thị Hương Thảo
NXB Hội Nhà Văn, 05-2015

PHẦN 2 -  DELHI

12

- Con đang đọc gì mà chăm chú vậy? - mẹ tôi hỏi khi đang thái đậu bắp trên bàn ăn.
- Hồ sơ nhân viên mới của Citibank mẹ ạ. Con phải điền năm mươi trang. Họ muốn biết tất cả mọi thứ, chẳng hạn như mẹ được sinh ra ở đâu.
- Trên đường từ Lahore tới Delhi. Bà ngoại con sinh mẹ trong một chiếc lều tạm gần Punjab Bagh.
- Con sẽ viết là Delhi vậy, - tôi nói.
Tôi phải quay về nhà nghỉ ngơi hai tháng trước khi gia nhập Citibank. Cho dù còn đang tháng Tư, nhiệt độ ở Delhi đã vượt qua bốn mươi độ C. Chẳng có nhiều việc để làm, ngoại trừ gọi cho Ananya mỗi ngày một cuộc hoặc đợi cô gọi. Tôi ngồi với mẹ mình trong khi bà chuẩn bị bữa trưa. Bố tôi không ở nhà, chẳng ai thực sự chắc chắn hoặc quan tâm xem ông đang ở đâu.
- Đây là mẫu để con điền địa điểm mong muốn à? - mẹ tôi hỏi.
Tôi nhìn đôi tay bà, đã nhăn nheo hơn một chút so với trước khi tôi rời nhà đi học đại học. Bà cắt đầu cắt đuôi một quả đậu bắp và cắt đôi ở giữa.
- Vâng, - tôi nói.
- Con chọn Delhi, phải không?
Tôi im lặng.
- Sao thế?
- Vâng, con sẽ chọn, - tôi nói.
Chuông điện thoại kêu. Tôi chạy tới để cầm máy. Hôm đó là Chủ nhật và cước gọi đường dài rẻ hơn, nghĩa là Ananya sẽ gọi tôi vào buổi trưa.
- Chào cưng, - Ananya nói.
- Chắc là mẹ em không ở đó hả? - tôi nói.
Tôi nói khẽ bởi vì mẹ tôi mắt thì để ở những quả đậu bắp nhưng tai thì để ở chỗ tôi.
- Tất nhiên là không rồi. Mẹ em đi mua các thứ cho lễ cầu nguyện Varsha Porupu ngày mai.
- Varsha gì thế?
- Varsha Porupu, năm mới của người Tamil. Mọi người không biết hay sao?
- Có, tất nhiên là có chứ. Chúc mừng năm mới, - tôi nói.
- Thế anh đã gửi bản khai cho Citibank chưa vậy?
- Chưa, anh còn phải điền một vài mục nữa, - tôi nói.
- Anh đã chọn Chennai là địa điểm ưu tiên chưa?
- Anh sẽ… khoan đã nhé.
Tôi cầm điện thoại và đi xa mẹ tôi hết mức có thể, trong chừng mực chiếc dây xoắn điện thoại cho phép.
- Mẹ anh muốn anh điền Delhi, - tôi thì thào.
- Còn anh muốn gì? HLL đã bố trí em ở Chennai. Em đã bảo với anh mấy tuần trước còn gì. Như thế thì làm sao được chứ?
- Sẽ được. Nhưng nếu anh đến Chennai, mẹ anh sẽ biết anh đến đó vì em.
- Tốt thôi, hãy nói cho bà biết điều đó.
- Bằng cách nào đây?
- Em chẳng biết đâu. Họ chẳng cho em lựa chọn, chứ không em sẽ tới Delhi. Em nhớ anh nhiều lắm. Đi mà, đến sớm nhé, bé yêu.
- Anh còn là bé yêu của một người khác nữa, theo nghĩa đen luôn đấy. Và bà ấy đang theo dõi anh, bởi thế anh phải gác máy thôi.
- Anh nói “anh yêu em” đi.
- Anh có.
- Không, nói đàng hoàng đi nào.
- Ananya!
- Chỉ một lần thôi mà. Nói ba từ cùng nhau đi.
Tôi nhìn mẹ tôi. Bà nhặt chùm đậu bắp cuối cùng lên và lau bằng một chiếc khăn ướt. Con dao sáng bóng của bà, biểu trưng cho vị trí hiện tại của bà trong chuyện tình của tôi, lóe lên trong ánh nắng chiều.
- Những bộ phim anh yêu. Em cũng nên xem chúng.
- Ê ê, không được ăn gian thế chứ, - Ananya cao giọng giễu ở đầu đằng kia.
- Tạm biệt, - tôi nói.
- OK, yêu anh. Tạm biệt, - cô kết thúc cuộc gọi.
Tôi quay trở lại bàn ăn tối. Để thoát khỏi cảm giác tội lỗi, tôi nhặt vài quả đậu bắp lên và bắt đầu lau chúng bằng khăn ướt.
- Đứa con gái Madras đó hả?
- Ananya, - tôi nói.
- Tránh xa nó ra. Bọn họ biết tẩy não đấy.
- Mẹ, con thích cô ấy. Thực ra, con yêu cô ấy.
- Thấy chưa, mẹ đã bảo mà. Chúng lừa con vào tròng, - mẹ tôi tuyên bố.
- Không ai lừa con cả, mẹ ạ, -tôi vừa nói vừa dằn mạnh một quả đậu bắp xuống bàn. - Cô ấy là một cô gái tốt. Cô ấy khéo léo, thông minh, xinh đẹp. Cô ấy có công việc tốt. Sao cô ấy cần đánh bẫy ai kia chứ?
- Chúng nó thích đàn ông Bắc Ấn.
- Tại sao? Có gì đặc biệt ở đàn ông Bắc Ấn nào?
- Người Bắc Ấn trắng hơn. Người Tamil da sậm.
- Da sậm ư? - Tôi cười khùng khục.
- Đúng vậy, rất sậm, - mẹ tôi nói.
- Mẹ, cô ấy đi học ở IIMA, cô ấy là một trong những cô gái thông minh nhất Ấn Độ đấy. Mẹ phàn nàn gì nữa? Và không chỉ có thế, mẹ cũng đã thấy cô ấy rồi đấy. Cô ấy trắng hơn con mà.
- Những đứa trắng hơn là những đứa nguy hiểm nhất. Sridevi và Hema Malini đấy. [Những nữ diễn viên xinh đẹp và nổi tiếng của Ấn Độ, xuất thân từ Nam Ấn]
- Mẹ đừng so sánh Ananya với Sridevi và Hema Malini, - tôi gào lên và lấy tay gạt chiếc bát đựng đậu bắp trên bàn sang một bên. Chiếc bát chạm vào con dao, con dao đâm vào ngón tay mẹ tôi. Bà nhăn mặt đau đớn khi những giọt máu từ ngón giữa và ngón trỏ phải nhỏ xuống.
- Mẹ ơi, con vô cùng xin lỗi, - tôi nói. - Con vô cùng xin lỗi.
- Không sao. Cứ giết mẹ đi. Giết mẹ vì đứa con gái đó đi, - bà rền rĩ.
- Mẹ, con không…
Một giọt máu rơi trên tờ khai Citibank của tôi. Giờ là lúc để phản bội mẹ mày đây, thằng đần ạ, tôi nghĩ.
- Con sẽ điền Delhi, - tôi nói.
- Gì cơ?
- Không ạ. Băng gạc ở đâu ấy nhỉ? Mẹ đừng lo, con sẽ nấu đậu bắp. Mẹ đưa masala cho con.
Tôi băng tay cho mẹ và đưa bà tới ngồi trên ghế xô pha. Tôi bật ti vi. Tôi cố tìm kênh nào chiếu một bộ phim dài tập sướt mướt mà ở đó không có cảnh con cái bất kính với bố mẹ mình. Trong vòng một giờ tiếp theo tôi nhồi masala vào trong các quả đậu bắp.
- Con có biết bật bếp ga không đấy? - bà gào lên từ phòng khách khi tôi đi tìm diêm trong bếp.
- Con biết. Mẹ đừng lo.
- Mẹ sẽ tìm cho con những cô gái Punjab trắng như sữa ấy, - bà nói, giọng bà to hơn cả tiếng ti vi.
Tôi tảng lờ bà và tìm đồ đựng trong chạn bát.
- Chúng ta có nên đăng tin tuyển vợ không? Cô Verma ở dưới tầng đã đăng tin; cô ấy đã nhận được năm mươi hồi đáp dù rằng con trai cô ấy học ở trường thiện nguyện. Con sẽ có năm trăm cho mà xem, - mẹ tôi nói.
- Thôi nào, mẹ, - tôi nói.
Tôi bật bếp ga và đặt chảo lên trên. Tôi rót dầu ăn và mở các ngăn kéo để tìm lọ hạt thì là. Nó vẫn được để ở nguyên vị trí khi tôi rời nhà đi học hơn bảy năm trước.
- Thực ra, mẹ đang nghĩ đến một đứa con gái đấy. Con đã gặp con gái cô Pammi chưa nhỉ?
- Chưa. Mà con cũng không muốn gặp, - tôi nói.
- Gượm đã, - mẹ tôi nói như thể có một làn sóng năng lượng mới vừa được giải phóng trong cơ thể bà. Tôi nghe thấy bà mở tủ Godrej trong phòng ngủ của bà. Bà mang một album ảnh cưới xuống bếp. - Vặn nhỏ lửa đi, không là cháy đấy. Mà sao con không bật hút mùi?
Bà giật cái môi khỏi tay tôi và tiếp quản chiếc bếp. Bà vừa nói tiếp vừa đảo đậu bắp hăng hái hơn.
- Mở album này ra. Thấy con bé đang nhảy trong đám baraat gần con ngựa không? Nó mặc lehnga  hồng ấy.
[Baraat: nghi lễ đưa chú rể tới nơi tổ chức hôn lễ, có âm nhạc và nhảy múa, chú rể ngồi trên ngựa]
[Lehnga: loại váy dài thêu nhiều hoạ tiết, thường được mặc trong các dịp lễ hội, đám cưới ở Bắc Ấn]
- Mẹ, - tôi phản đối.
- Thỉnh thoảng con cũng phải nghe lời mẹ chứ. Chẳng phải mẹ đã gặp gia đình Jayalalitha theo yêu cầu của con đó sao?
- Gì cơ ạ?
- Chẳng có gì cả, con xem trong ảnh ấy.
Tôi mở cuốn album. Đó là đám cưới em họ Dinki của tôi với Deepu. Năm trang đầu tiên của cuốn album toàn là những bức ảnh cận mặt cô dâu chú rể trong vô vàn những kết hợp đầy màu sắc và được đóng khung hình trái tim. Tôi lật lướt qua cuốn album để đến với những bức ảnh chụp với chú ngựa.
Tôi nhìn thấy một cô gái mặc lehnga hồng, mặt cô chỉ lộ ra một chút dưới mái tóc dày. Cô đang nhảy, hai tay giơ cao và hai ngón trỏ chỉ lên trời.
- Con bé đẹp phải không? - Mẹ tôi bật bếp nữa và đặt một chiếc chảo rán lên đó để làm roti. Bà lấy bột ra lăn.
- Con chẳng thấy gì, - tôi nói.
- Con phải gặp nó. Đây, đảo chỗ đậu bắp này để mẹ làm roti, - bà đưa tôi cái môi.
- Con chẳng muốn gặp ai cả.
- Một lần thôi mà.
- Cô ấy thì có gì đặc biệt chứ?
- Nhà đó có sáu cây xăng đấy.
- Gì cơ ạ?
- Bố con bé. Ông ấy có sáu cây xăng. Và điều hay ho nhất là, họ chỉ có hai cô con gái thôi. Bởi vậy mỗi chàng rể sẽ có ba cây, thử nghĩ mà xem.
- Gì cơ? - tôi nói, tưởng tượng cảnh mình ngồi ở một trạm xăng.
- Đúng thế, họ cực giàu. Các trạm xăng đều thanh toán bằng tiền mặt. Rất nhiều tiền chui.
- Thế cô đó thì làm gì? Cô ấy có học hành gì không?
- Nó đang làm gì đó thì phải. Thời nay có thể học từ xa vẫn tốt nghiệp được mà.
- Ồ, thế là cô ấy không đi học sao?
- Bằng đại học thì dễ kiếm thôi. Họ rất giàu mà.
- Mẹ, vấn đề không phải ở đó. Không thể tin được rằng mẹ định cưới cho con một cô vợ mới qua lớp mười hai… Thôi quên đi mẹ ơi. Dẹp cái album này sang một bên. Thế roti đã được chưa ạ? Con đói rồi.
- Chúng ta có thể kiếm một cô Punjab có học.
- Không, con không thích con gái Punjab.
- Mẹ của anh là người Punjab đấy, - mẹ tôi nói giọng bực tức.
- Vấn đề không phải ở đó, mẹ ạ, - tôi nói và mở tủ lạnh lấy pho mát ra. - Con không muốn một cô nào khác. Con có bạn gái rồi.
- Con định cưới đứa con gái Madras đó sao? - mẹ tôi hỏi, kể từ khi biết về Ananya, đây là lần đầu tiên bà tỏ ra sốc đến vậy.
- Con muốn thế. Tất nhiên là vào một lúc thích hợp.
Mẹ tôi lật một miếng roti trên chảo rồi sau đó vỗ trán.
- Chúng ta ăn thôi, - tôi nói, làm lơ vẻ bất mãn của bà.
Chúng tôi bày thức ăn ở trên bàn trà phòng khách và ngồi xuống trước màn hình ti vi. Chuông cửa reo lên hai lần.
- Ôi, không, bố con đấy, - mẹ tôi nói. - Tắt ti vi đi.
- Không sao đâu mà, - tôi nói.
Mẹ tôi liếc tôi một cái sắc như dao. Tôi miễn cưỡng tắt ti vi đi. Mẹ tôi mở cửa. Bố tôi bước vào và nhìn tôi. Tôi quay đi và bước trở lại bàn.
- Ăn trưa nhé? - mẹ tôi hỏi.
Bố tôi không trả lời. Ông đến bàn xem xét thức ăn.
- Thế này mà gọi là thức ăn sao? - ông nói.
Tôi nhìn ông.
- Mẹ mất ba giờ để nấu đấy, - tôi nói.
Mẹ tôi lấy một đĩa cho ông.
- Tôi không muốn ăn thứ này, - bố tôi nói.
- Sao bố không nói rằng bố ăn rồi mới về nhà? - tôi lại nói xen vào.
Bố tôi trừng mắt nhìn tôi và quay sang mẹ tôi.
- Cô nuôi dạy con thế này à. Bằng cấp vứt vào sọt rác hết. Cuối cùng cũng chỉ đến thế.
Đến thế ấy à, mức lương khởi điểm Citibank trả cho tôi còn nhiều gấp ba số tiền ông từng kiếm được trong đời mình, tôi muốn nói thế nhưng lại thôi.
Tôi kéo mẫu đơn của Citibank vào gần mình. Bố tôi đến sờ lên nóc ti vi.
- Còn nóng. Ai đã xem ti vi vậy?
- Con xem đấy. Có vấn đề gì không? - tôi nói.
- Tao hy vọng mày sẽ rời khỏi nhà này sớm, - bố tôi nói.
Tôi hy vọng ông sẽ rời bỏ thế giới này sớm, tôi vừa thầm đáp trả trong đầu vừa cầm lấy đĩa của mình và rời phòng.
Đêm đến tôi nằm trên giường, chờ cơn buồn ngủ kéo đến. Tâm trí tôi dao động giữa những hồi tưởng tuyệt vời khi mái tóc của Ananya cọ vào mặt tôi lúc ngủ ở trường và những lời cãi nhau với bố tôi chiều nay. Mẹ tôi bước vào phòng tôi và bật đèn lên.
- Mẹ hẹn gặp rồi. Ngày kia chúng ta sẽ đến chỗ cô Pammi.
- Mẹ, con không…
- Đừng lo, mẹ đã bảo người ta rằng chúng ta đến uống trà. Để mẹ khoe con một chút ấy mà. Con hãy đợi mà xem nhé, người ta sẽ hỏi mẹ trước đấy.
- Con không thích chuyện này.
Tôi ngồi dậy trên giường.
- Đến ăn nhẹ thôi mà. Họ giàu lắm con ạ. Ngay cả với những khách bình thường, họ cũng mời hoa quả khô.
- Mẹ, thực ra sao con lại phải tới đó?
- Bởi vì điều đó sẽ làm mẹ vui. Như vậy đã đủ chưa? - bà nói và tôi nhận ra bàn tay nhăn nheo bị băng của bà.
- OK, - tôi nhún vai và lại chui vào giường. - Giờ mẹ để yên cho con ngủ.
- Tuyệt vời, - bà nói và tắt điện khi rời phòng.
Tôi lại cho phép tâm trí mình bị giam cầm bởi những ý nghĩ về cô gái Nam Ấn của tôi.

13

Cô Pammi sống ở Pitampura, một khu người Punjab giàu có. Mỗi một làn đường ở vùng này có nhiều đá hoa cương hơn cả Taj Mahal. Tất cả các đường phố đều dậy mùi cà chua nấu với paneer. Chúng tôi đi xe tuk tuk bởi vì bố tôi không bao giờ cho phép đi xe ca. Mẹ tôi bảo tài xế tuk tuk dừng xe cách một vài nhà. Chúng tôi không thể nói với cô Pammi rằng chúng tôi không tới bằng xe ca.
- Ông ấy có một cuộc hẹn, ông ấy thả chúng tôi ở bên ngoài và đi rồi, - mẹ nói khi cô Pammi ra cửa đón chúng tôi.
- Ít ra thì anh ấy cũng vào uống một chút nước mát đã chứ, - cô Pammi nói và đưa chúng tôi vào.
Trọng lượng của cô Pammi xấp xỉ với thập kỷ mà cô đang sống, và mối tương quan đó đã tiếp diễn tới thập kỷ chín mươi hiện tại. Cô Pammi từng là hoa hậu Chandigarh ba mươi bảy năm trước. Một thương gia giàu có đã nhanh chóng chộp lấy cô chẳng bao lâu sau khi cô đăng quang và cho cô một cuộc sống thừa mứa những tiện nghi và thừa mứa cả calo. Giờ cô đã nặng hơn cả tổng trọng lượng của một cô hoa hậu và hai á hậu cộng lại.
Chúng tôi bước tới bậc thang ngũ cấp để lên phòng khách của họ. Cô Pammi leo lên khó nhọc.
- Đầu gối của tôi, - cô lẩm bẩm khi bước lên bậc cuối cùng.
- Dạo này cô có hay đi tập buổi sáng không? - mẹ tôi hỏi.
- Đi đâu được chứ, chị Kavita, nóng lắm. Với lại, buổi sáng tôi có satsang, ngồi đi, - cô Pammi nói rồi bảo người giúp việc đi lấy khus sharbat.
[Satsang: hình thức thiền hoặc yoga, nghe giảng về nhân sinh quan]
[Khus sharbat: đồ uống được chiết xuất từ rễ cây khus, một loài thực vật giống như cỏ]
Chúng tôi chìm vào một chiếc xô pha nhung đỏ có đế mút dày chừng sáu mươi phân.
- Thực ra, chỉ cần cô đi bộ tới chỗ satsang cũng là tập thể dục rồi, - mẹ tôi nói.
- Sáu chiếc xe, trời ạ. Lái xe thì ngồi không. Sao lại phải đi bộ? - cô Pammi hỏi lại.
Cô vừa thể hiện một tuyệt kỹ của người Punjab - khoe khoang sự giàu sang của mình trong một cuộc nói chuyện vô thưởng vô phạt. Mẹ tôi quay sang tôi và nhắc lại lời nhận xét của cô.
- Sáu chiếc xe? Krish, con nghe đấy, họ có sáu chiếc xe.
Tôi không biết phải đáp lại thế nào. Có lẽ tôi nên vỗ tay hoan hô chăng?
- Là xe loại gì ạ? - tôi hỏi, chỉ bởi vì họ vẫn đang chằm chặp nhìn tôi.
- Cô chẳng biết nữa. Chồng cô biết đấy. Mới tuần rồi ông ấy mua một chiếc Honda.
- Bao nhiêu tiền vậy? - mẹ tôi hỏi.
Khuyến khích một người đang phô trương sự giàu có của mình khoe khoang thêm chút nữa là hành động gần như được người Punjab coi là nhã nhặn.
- Bảy trăm nghìn rupi, cộng với ba mươi nghìn để thay đổi hệ thống stereo nữa, - cô Pammi nói.
- Chà! - mẹ tôi nói. - Cháu nhà tôi cũng làm ở Citibank, bốn trăm nghìn rupi mỗi năm.
Với một người không phải dân Punjab, lời nhận xét của mẹ tôi có thể bị coi là không liên quan. Với một người Punjab, đó là một sự nối tiếp hoàn hảo. Suy cho cùng thì chúng tôi đều đang nói chuyện về hàng trăm nghìn.
- Tốt. Con trai chị giờ sáng láng rồi, - cô ấy nói.
Tôi đoán cứ giàu lên thì tức là sáng láng, bởi vì cô ấy đã không hỏi IQ của tôi.
- Thượng đế phù hộ cô, Pammi, - mẹ tôi nói.
- Không, không, - cô Pammi nói, ánh mắt hau háu như thể cô đang hình dung mình có được công việc của tôi.
Chúng tôi cười với nhau thêm một phút nữa, đoạn cô Pammi lại cất lời.
- Hoa quả khô nhé?
- Thôi, thôi, cô Pammi, cần gì phải bày vẽ thế chứ? - mẹ tôi gạt đi.
- Rani, lấy hạt điều và chỗ quả chà là Dubai đó ra đây, - cô Pammi gào lên.
Mẹ tôi khẽ gật đầu cảm kích những thứ hoa quả nhập ngoại đó.
- Dolly của chúng ta đâu rồi? - mẹ tôi hỏi, tự nhận người được thừa kế ba trạm xăng là “của mình” mà không hề do dự.
- Xuống đây nào, Dolly! - cô Pammi gọi thật to để có thể xuyên lên tầng trên của tòa biệt thự được dựng nên từ xăng dầu này. Những người phục vụ được triệu đến để gọi Dolly xuống tầng.
- Nó tắm thì cả ngày mới xong, - cô Pammi nói bằng giọng làm ra vẻ giận dữ trong khi cô bốc một nắm hạt điều và ấn vào tay tôi.
- Đừng ngăn cản con gái chúng ta làm đẹp mà, cô Pammi, - mẹ tôi nói.
Tuyệt, Dolly đã là của chúng tôi.
- Không biết nó sẽ thành con dâu nhà ai đây? Chúng tôi chỉ có hai đứa con gái, tất cả mọi thứ là của chúng, - cô Pammi nói và dang rộng hai cánh tay để chỉ tất cả mọi thứ.
Đúng vậy, những chiếc xô pha, những chiếc bàn uống nước bằng cẩm thạch trông đáng sợ, những rèm cửa, những chiếc quạt, những cái điều hòa nhiệt độ - tất cả mọi thứ đều thuộc về hai cô con gái và chồng tương lai của họ. Phải nói rằng, trong một tích tắc, ý nghĩ được thừa hưởng một nửa cơ ngơi này làm tôi băn khoăn liệu có phải mẹ đã đúng chăng. Nhưng trong tích tắc tiếp theo ý nghĩ sẽ mất Ananya đến với tôi. Không, tôi sẽ không từ bỏ Ananya để lấy tất cả hạt điều và tiền bạc trên thế giới này. Giá mà cô Pammi cho phép tôi sống trong căn nhà này cùng với Ananya.
Dolly bước nhanh xuống cầu thang và mùi nước hoa của cô thoảng tới chỗ chúng tôi ba giây trước khi cô tới.
- Cháu chào bác, - Dolly nói và bước tới ôm siết mẹ tôi.
- Con gái của chúng ta mới xinh đẹp làm sao! - mẹ tôi cảm thán.
Dolly và tôi chào hỏi nhau bằng những cái gật đầu khe khẽ. Cô mặc một bộ slawar kameez màu rượu vang đỏ với những đường sọc vàng chạy từ trên xuống. Cô trắng một cách khác thường, và mẹ tôi đã đúng; cô làm tôi nghĩ đến sữa. Bụng cô hơi lộ, dù rằng cô không béo. Ngực cô cũng đầy hệt như cô Pammi, khiến tôi băn khoăn làm cách nào những người phụ nữ này có thể cho con bú mà không khiến chúng ngạt thở.
- Hồi này con đang làm gì, Dolly? - mẹ tôi hỏi.
- Cháu tốt nghiệp đại học từ xa rồi, bác ạ.
- Nói cả chuyện con đang theo học một khóa vi tính nữa. - cô Pammi nói và quay sang mẹ tôi, - Tôi lấy thêm đồ ăn nhé?
Dolly cố nói điều gì đó nhưng bị lờ đi vì chúng tôi đã chuyển sang chủ đề thú vị hơn, đó là đồ ăn.
- Thôi đừng, cô Pammi. Thế này là được rồi, - mẹ tôi nói, hiển nhiên là đang khiêu khích để cô mang ra nhiều hơn cho chúng tôi.
- Chị nói gì thế? Mẹ con chị không đến đúng bữa, bởi vậy tôi chỉ mang vài thứ đồ ăn nhẹ thôi mà. Raju, lấy đồ ăn đi. Mang cả chutney  xanh và đỏ nhé! - cô hét lên với người phục vụ.
Raju và một người giúp việc khác mang ra một khay lớn bánh gối, jalebi, chole bhature, bánh sữa, kachori, và, tất nhiên rồi, chutney xanh và đỏ. Hai mươi nghìn calo đang được bày ra trên bàn.
[Chutney: một loại xốt đặc làm từ hoa quả, giấm, đường và gia vị, có nguồn gốc và phổ biến ở Ấn Độ]
[Jalebi: một loại bánh ngọt có hình như chiếc vòng hoặc sợi mì. Bánh được làm từ bột ủ lên men chiên vàng với bơ và được rưới một lớp xi rô đường]
[Chole bhature: món ăn kết hợp giữa đậu xốt gà cay (chole) và bánh mì rán (bhatoora)]
[Kachori: một loại bánh tròn, dẹt, làm bằng bột mì nhồi đậu và các loại gia vị]
- Cô đừng bày vẽ thế chứ! - mẹ tôi nói trong khi ra hiệu cho người phục vụ chuyển jalebi tới. - Có gì đâu chị, ăn cho vui miệng thôi. Lúc nào chị tới ăn tối nhé.
Tôi cảm giác mình sẽ giống như một thằng đần nếu như không bắt chuyện với Dolly lúc này.
- Em đang học khóa vi tính về gì vậy?
- Microsoft Word, PowerPoint, Email, em chẳng biết nữa, mới bắt đầu thôi. Có vẻ khá là công nghệ cao.
- Chính thế, có vẻ là một chương trình học khó đấy, - tôi nói, và ngay lập tức cảm thấy tội lỗi vì sự mỉa mai của mình.
- Mấy đứa bạn em đang học nên em mới học cùng. Nếu quá khó thì thôi em bỏ. Anh có biết những thứ đó không?
- Cũng biết chút ít, - tôi nói.
Mẹ tôi và cô Pammi đã ngừng nói kể từ khi Dolly và tôi bắt đầu câu chuyện. Dolly và tôi im phắc khi nhận ra họ đang nhìn chúng tôi.
- Không sao. Cứ nói chuyện đi, - mẹ tôi tươi cười và nhìn cô Pammi.
Hai người bọn họ kín đáo cười với nhau. Họ nháy mắt với nhau rồi chắp tay và nhìn lên trời để tạ ơn Thượng đế.
Dolly nhìn mẹ tôi và cười.
- Bác uống trà nhé? - cô hỏi.
- Không, con ạ, ai lại bắt con gái phải động tay động chân cơ chứ, - mẹ tôi nói.
“Động tay động chân” trong tình huống này tức là gọi người phục vụ.
- Raju, lấy trà, - Dolly ráng sức gọi và nhận được cái nhìn trìu mến của mẹ tôi.
Sao mẹ không thể cho Ananya một cái nhìn, chỉ một cái nhìn như thế thôi?
- Uống trà không con? - cô Pammi hỏi tôi. Tôi lắc đầu.
- Thanh niên thường uống cà phê, cô biết mà. Vậy để lấy cà phê nhé? Mà gượm đã, cái chỗ mới đó ở District Centre là gì ấy nhỉ, Dolly? Chỗ người ta bán loại cà phê đắt tiền đó? Barsaat à?
- Barista, mẹ ạ. - Dolly chuyển sang giọng Anh rõ hơn khi được yêu cầu miêu tả thứ gì đó thời thượng.
- Đúng rồi, chính nó. Lấy xe Honda đưa anh ấy tới đó. Chị thấy không, thực ra chúng ta cũng khá hiện đại đấy, - cô nói với mẹ tôi.
* * *
- Anh thích mấy bộ này chứ? - cô hỏi và mở túi ra.
- Đẹp lắm, - tôi nói khi chúng tôi bước vào Barista.
Điều hòa nhiệt độ và tiếng nhạc du dương làm dịu ánh mặt trời chói chang bốn mươi độ bên ngoài.
- Một cà phê đá kem, - Dolly nói. - Anh dùng gì?
Tôi gọi y như thế và chúng tôi ngồi xuống ghế, cách xa nhau nhất có thể. Chúng tôi ngồi lặng thinh xem kênh ca nhạc trên chiếc ti vi trước mặt.
- Em chưa bao giờ nói chuyện với ai học IIT, - sau một lúc cô nói.
- Thế thì em cũng không có gì nhiều để tiếc đâu, - tôi nói.
Cô ngồi dịch lại một chút. Túi quần áo của cô rơi xuống. Cô nhặt nó lên.
- Em xin lỗi, em hay hồi hộp trước những người hiểu biết công nghệ, - cô nói.
- Đừng thế, - tôi nói.
- Em uống cà phê đi.
- Anh có bạn gái hả? Người Nam Ấn à?
- Gì thế? - tôi nhảy dựng lên.
- Ai đã bảo em thế?
- Chị Kittu nói với em, - cô nói.
Kittu là chị họ của tôi và là con gái bác Shipra. Bố Kittu là anh họ cô Pammi. Xét theo một khía cạnh nào đó, Dolly là em họ đời thứ ba hay thứ tư của tôi, dù rằng chúng tôi chẳng có quan hệ máu mủ gì.
- Kittu? Sao chị ấy lại biết?
- Hẳn là bác Shipra đã nói với chị ấy. Và chắc mẹ anh đã nói với bác Shipra.
- Và giờ toàn thể họ hàng đã biết, - tôi đoán.
- Chắc thế?
- Thế em còn biết gì về cô ấy nữa?
- Chẳng gì cả, - Dolly nói và liếc mắt nhìn quanh.
- Kể với anh đi.
- Ồ, có một vài điều. Rằng cô ấy rất táo bạo, thông minh và cô ấy hoàn toàn kiểm soát anh. Nhưng tất cả các cô gái Nam Ấn đều như vậy à?
- Em có biết cô gái Nam Ấn nào không?
- Không, - Dolly nói và xoay chiếc ống hút. - Em xin lỗi, em đã không muốn nói với anh điều đó. Anh chị nghiêm túc hay chỉ là thoảng qua vậy thôi?
Tôi cố nén sự bực dọc.
- Còn em thì sao? Em có bạn trai không?
- Không, không. Chưa bao giờ, - cô thề thốt.
- Kể cả thoảng qua cũng không sao?
Cô nhìn tôi. Tôi cười để cho thấy sự thân thiện.
- Chỉ có một anh chàng kiều dân thôi. Làm ơn đừng nói với mẹ em. Hoặc mẹ anh, hay thậm chí cả chị Kittu.
- Anh sẽ không nói đâu.
- Anh ấy gửi cho em một con gấu ôm trong ngày Valentine.
- Đáng yêu đấy, - tôi nói.
- Anh đã hôn ai bao giờ chưa? - cô hỏi. - Chẳng hạn như cô gái Nam Ấn đó.
Tôi cố nghĩ xem làm thế nào cho cô câu trả lời mà không phải nói ra sự thật, rằng tôi đã làm tình với Ananya trong một căn phòng ký túc xá bé tẹo trong vòng hai năm.
- Chưa, - tôi nói.
- OK, bởi vì anh chàng này cứ đòi em hôn anh ấy. Nhưng em không muốn có bầu.
- Em gặp anh ta như thế nào?
- Đó là một câu chuyện rất ngọt ngào. Một hôm anh ấy gọi nhầm vào số máy nhà em. Và bọn em bắt đầu nói chuyện với nhau từ đó. Em chỉ mới gặp anh ấy một lần.
- Em hẹn hò với một anh chàng gọi nhầm số điện thoại sao?
- Anh ấy chưa phải là bạn trai của em. Nhưng anh biết không, em có một bà chị họ ở Ludhiana, chị ấy đã cưới anh chàng gọi nhầm vào số của chị ấy đấy. Bây giờ họ có hai con rồi.
- Chà, - tôi nói.
Tôi tự hỏi mình có nên nuốt ực cốc cà phê cho xong để chúng tôi có thể ra về nhanh hơn không.
- Anh có thích em không? - Dolly hỏi.
- Gì cơ?
- Anh biết vì sao chúng mình lại được bảo tới đây, phải không? Để lửa gần rơm rồi bén.
- Dolly, anh không thể cưới ai khác ngoài Ananya.
- Ồ, vậy ra đó là tên cô ấy. Tên đẹp thật.
- Cảm ơn em, cô ấy cũng đẹp như cái tên vậy. Và anh cũng có liên quan. Anh xin lỗi vì đã để mẹ anh lôi vào chuyện này.
- Nhưng anh nói là còn chưa từng hôn cô ấy mà.
- Anh nói dối đấy. Bọn anh đã ở với nhau suốt hai năm. Nhưng em đừng nói với ai điều này nhé.
- Ở cùng nhau ư? - Lông mày cô nhướng lên. - Như là cùng nhau á? Ý anh là, hai người đã làm mọi chuyện?
- Điều đó không quan trọng. Anh chỉ kể với em để em đừng buồn nếu anh không quan tâm nhiều đến em thôi.
- Hai năm? Cô ấy không có bầu sao?
- Dolly, thôi nào. Cảm ơn em vì cà phê.
- Em có thể làm anh quên cô ấy, - Dolly nói và xõa mái tóc dài chấm hông của cô.
- Gì cơ?
- Em biết đàn ông muốn gì.
- Em không biết đâu. Và gắng mà tránh xa những cuộc gọi nhầm số.
Chúng tôi rời Barista và trở về trên chiếc Honda rộng rãi. Tôi nhận ra rằng chiếc Honda này có thể là của tôi, chỉ cần tôi không tin vào những thứ ngu ngốc như tình yêu.
- Em phải nói gì với mẹ em đây? - Dolly hỏi.
- Cứ nói em không thích anh.
- Tại sao? Mẹ em sẽ hỏi thế.
- Dìm hàng một anh chàng IIT dễ thôi mà. Cứ nói anh mọt sách, buồn chán, háo sắc, gì cũng được, - tôi nói.
- Mẹ em sẽ không hiểu những điều đó đâu, - Dolly nói.
- OK, thế thì nói với mẹ em rằng Krish không định làm ở ngân hàng mãi. Vài năm nữa anh ấy sẽ bỏ việc để trở thành một nhà văn.
- Một nhà văn ư?
- Đúng thế.
- Anh quá công nghệ cao đối với em, - cô nói khi chúng tôi về đến nhà cô.

14

- Mẹ không thể tin con lại từ chối Dolly, - mẹ tôi nói. - Phải có lý do nào chứ?
Mẹ tôi đã khơi lại chủ đề này lần thứ hai mươi trong vòng ba ngày vừa rồi. Bố tôi muộn mới về nhà bởi thế mẹ tôi đã đánh liều mời chị gái mình tới ăn trưa. Có những người đàn ông Ấn Độ không thể chấp nhận bất cứ niềm vui sướng nào trong cuộc đời vợ mình, bao gồm cả việc gặp gỡ anh chị em ruột của họ.
- Pammi sắp sửa mua thêm một căn nhà ở khu bên cạnh. Cô ấy nói là để cho con gái, - bác Shipra nói, xát muối vào vết thương của mẹ tôi. Mẹ tôi gục đầu xuống. - Dì lại sắp phạm một lỗi lầm y hệt. Dì đã chọn cưới một người lính. Dì nói rằng họ là những người biết hy sinh. Chúng ta đã thấy chú ấy hy sinh chừng nào rồi đấy. Dì đã sống cả cuộc đời bất hạnh và nghèo khổ.
Mẹ tôi gật đầu như để thừa nhận lời nhận xét của chị gái mình. Bác Shipra đã cưới một người giàu có. Chồng bác ấy, một doanh nhân lắp bồn vệ sinh, đã kiếm bộn tiền nhờ xây những cái toa lét. Mẹ tôi đã trân trọng những thứ ngu ngốc như phẩm chất, học thức và tính chất công việc, và rồi phải chịu khổ. Và theo bác Shipra, tôi sắp sửa làm điều tương tự.
- Con bé Madras đó sẽ kiếm được bao nhiêu tiền chứ? - bác Shipra hỏi vặn. - Dolly sẽ mang đầy đủ các thứ tới cho nhà dì. Lần cuối cùng dì mua một thứ gì mới là khi nào? Nhìn này, đến cái bàn ăn của dì cũng lung lay rồi.
Bác Shipra vỗ vào bàn ăn, thế là mấy cái chân bàn lung liêng. Tôi ấn tay lên mặt bàn để làm giảm tác động của bác.
- Chị bảo, gặp Pammi một lần nữa và xác định cho xong đi, - bác Shipra gợi ý.
- Dì đang nghĩ gì vậy? - bác hỏi sau một phút. - Dì có biết Pammi mua điện thoại rồi không, cái loại mang theo khắp mọi nơi được ấy?
- Điện thoại không dây ấy à… - mẹ tôi nói.
- Không phải điện thoại không dây, loại mới mà hai mươi nghìn rupi một cái cơ. Dì có thể mang nó đi khắp Delhi được. Đưa chị lọ dưa chuột muối, - bác Shipra nói.
Bác ăn thật nhanh để bù lại khoảng thời gian đã mất cho đoạn độc thoại. Điện thoại di động đã được đưa vào Ấn Độ dạo gần đây. Một phút nói chuyện có giá hơn một lít xăng. Khỏi phải nói, đó là thứ đồ chưng diện mới nhất của người Punjab ở Dehli.
- Còn chuyện nhà văn nhà viếc là sao? Dolly nói cháu sẽ bỏ việc ở ngân hàng để làm nhà văn.
- Gì cơ? - mẹ tôi há hốc mồm.
- Vào một lúc nào đó, sau khi con đã dành dụm được ít tiền, - tôi nói và cầm đĩa của mình lên bước vào bếp.
- Dì cứ dạy dỗ cho lắm vào, rồi nó thành ra thế này đây, - bà bác tôi nói.
- Em làm sao biết nó lại muốn thành nhà văn. Chuyện này bắt đầu từ khi nào thế? - mẹ tôi quay sang hỏi khi tôi từ bếp trở vào.
- Hẳn là con bé Nam Ấn đó đã bảo thằng bé. Chúng nó thích sách vở mà, - bác Shipra nói.
Tôi đấm tay xuống bàn. Những chân bàn rung lên. Có lẽ chúng tôi cần thay nó thật.
- Chẳng ai bắt cháu làm nhà văn cả. Mà đó cũng không phải việc của bác, bác Shipra.
- Nhìn nó kìa, hẳn cái bọn sạm xịt đó đã dùng phép thuật đen của chúng, - bác Shipra nói.
- Ngu ngốc vừa thôi, Kavita, hãy nói với Pammi rằng nó sẽ vẫn ở lại Citibank và làm ra rất nhiều tiền. Hãy để nó có cái giá của nó.
Tôi trừng trừng nhìn mọi người quanh bàn, đoạn bước tới xô pha ở phòng khách và nhặt một tờ báo lên. Trang kén vợ tuyển chồng mở ra. Tôi ghê tởm ném nó đi.
- Vậy hãy tìm một vài đứa có học thức. Con muốn gặp những cô gái có học chứ? - mẹ tôi đấu dịu.
- Bạn gái con có học thức. Con thích cô ấy. Cô ấy có công việc, xinh đẹp, đoan trang, chăm chỉ và cư xử rất đúng mực. Mẹ còn muốn gì nào?
- Con trai, - bác Shipra nói, giọng dịu xuống để làm hòa, - tất cả đều tốt cả. Nhưng sao chúng ta có thể cưới người Madras chứ? Mai kia rồi các anh chị em của con sẽ muốn cưới cả người Gujarat nữa đấy.
- Hoặc người Assam? - mẹ tôi phụ họa.
- Trời ơi! - bác Shipra nói.
- Thế thì sao nào? Chẳng phải họ đều là người Ấn Độ à? Họ không thể là người tốt hay sao? - tôi hỏi.
Bác Shipra quay sang mẹ tôi.
- Thằng con dì thế là xong. Tôi xin lỗi, nhưng thằng bé này giờ hết thuốc chữa rồi.
Chuông cửa vang lên hai lần. Nỗi kinh hoảng trải khắp căn nhà vì bố tôi đã trở về nhà sớm hơn mọi khi. Tôi chẳng bao giờ chào mừng ông về nhà. Dù vậy, tôi vẫn vui vì điều đó có nghĩa là bác Shipra sẽ đi bây giờ.
- Chào chú Jija, - bác Shipra nói khi bố tôi bước vào trong nhà.
Bố tôi không trả lời. Ông nhặt tờ báo vứt ở dưới sàn lên và gập nó lại.
- Tôi nói chào chú Jija, - bác Shipra nói và cười. Bác sẽ không chịu bỏ cuộc dễ dàng.
- Tôi thích chị nói lời từ biệt hơn là chào gặp mặt, - bố tôi đáp lời. Về cái khoản dùi đục chấm mắm cáy thì chẳng ai bằng ông.
- Em gái tôi mời tôi đến đấy, - bác Shipra nói.
- Người vô dụng mời người vô dụng, - bố tôi nói.
Bác Shipra quay sang mẹ tôi.
- Chị đến đây không phải để bị sỉ nhục đâu. Chỉ có dì mới chịu đựng được chú ấy. Quyết định tồi tệ nhất của đời dì, - bác Shipra vừa lẩm bẩm vừa nhặt túi xách lên để ra về.
- Tôi sẽ rất cảm kích nếu như chị không xía mũi vào chuyện của nhà tôi, - bố tôi nói và đưa cho bác một chiếc túi màu nâu. Đó là túi kẹo mà bác Shipra đã mang tới cho chúng tôi. Họ nhìn nhau.
- Cầm lấy không thì tôi ném vào sọt rác đấy, - bố tôi nói.
Tôi đứng dậy định cãi. Mẹ tôi ra hiệu cho tôi thôi đi. Bác Shipra đã tới cửa chính. Tôi tiễn bác ra để đóng cửa. Tôi chạm vào hai chân bác, để chiếu lệ hơn là để bày tỏ sự tôn kính.
- Con trai, giờ đừng đưa ra những quyết định ngu ngốc như mẹ con. Hãy cưới một cô gái Punjab tốt trước khi họ biết được sự thật về bố con. Dolly tốt đấy.
Tai bố tôi cũng tinh sắc như miệng lưỡi ông vậy.
- Có chuyện gì thế? Dolly là đứa nào? - ông quát to.
Bác Shipra đóng cửa và ra về. Chẳng ai trả lời cả.
- Bà đang đi xem mặt lũ con gái đấy à? - bố tôi tra vấn mẹ tôi. Mẹ tôi yên lặng.
- Mày đi xem mắt đứa con gái nào à?
- Phải, - tôi nói.
Tôi thấy vui vì mình đã trả lời thế, chỉ để trêu tức ông.
- Tao sẽ… - ông gào lên với mẹ tôi và giơ tay lên.
- Bố đừng có nghĩ tới chuyện đó! - Tôi bước gần tới ông.
- Trong nhà này, tao là người đưa ra quyết định, - bố tôi nói. Ông cầm một chiếc cốc thủy tinh lên và đập xuống sàn vỡ tan. Cái thói hung bạo với mẹ tôi cuối cùng cũng xổ ra.
- Có vẻ bố cũng đủ lớn để nhặt chúng lên rồi đấy, - tôi nói và bước về phía bếp.
- Đừng đi chân trần, - mẹ nói lớn.
Bà cúi người xuống nhặt những mảnh thủy tinh vỡ. Cơn giận sôi sục trong tôi. Không chỉ giận bố tôi, mà cả mẹ tôi nữa; sao mẹ có thể bỏ qua cho ông ta chuyện đó và lặng lẽ đi dọn dẹp vậy?
- Không hiểu sao tao lại vào căn nhà này nữa, - bố tôi nói.
- Tôi cũng nghĩ như thế đấy, - tôi nói.
- Thằng mất dạy, mày dám nói thế à? - ông ta quát lên với tôi như thể đang quát đám lính dưới quyền mình mười năm trước đây.
- Krish, ra chỗ khác ngay, - mẹ tôi nói.
- Nó mà là con trai tôi à. Chẳng có đứa con nào nói chuyện với bố mình như thế cả.
- Cũng chẳng có ông bố nào cư xử như thế này, - tôi nói.
Mẹ tôi đẩy tôi về phòng ngủ. Bố tôi nhìn quanh tìm thứ gì mới để quát tháo hay đập phá. Chẳng tìm được gì, ông ta bèn quay đầu bước ra ngoài. Cánh cửa đóng sầm lại, ai nấy trong nhà đều thở phào nhẹ nhõm.
Mẹ tôi vào phòng tôi sau khi dọn sạch chỗ thủy tinh vỡ ở phòng khách. Bà tiến lại ngồi lên giường sát cạnh tôi. Tôi không nhìn bà. Bà giữ cằm tôi và quay mặt tôi về phía bà.
- Mẹ để bố làm thế nên bố mới làm thế. Sao mẹ phải dọn dẹp chứ? - Tôi dằn dỗi.
- Vì nếu không thì ông ấy còn đập những chiếc cốc khác nữa. Và rồi chúng ta sẽ không có cốc cho khách uống nước, - mẹ tôi nói. - Đừng lo. Mẹ có thể lo liệu được ông ấy.
Tôi nhìn mẹ, một giọt nước mắt lăn trên má bà. Tôi cũng cảm thấy mắt mình ươn ướt.
- Mẹ phải rời bỏ ông ấy đi thôi, - tôi nói khi hai mẹ con đã bình tĩnh trở lại.
- Không đơn giản thế đâu, - bà nói.
- Giờ con sắp kiếm ra tiền rồi, - tôi nói.
- Mẹ không sao. Chín mươi phần trăm thời gian ông ấy có ở đây đâu. Ông ấy đi với hội đồng ngũ của ông ấy, thăm thú những người bạn làm ăn và cùng bọn họ thử những kế hoạch làm ăn ngu ngốc.
- Gì cơ? Giống như dịch vụ an ninh đó sao? - Tôi giễu cợt.
- Đúng thế, nhưng ông ấy cãi cọ với khách hàng ngay lần gặp đầu tiên. Nên họ không cảm thấy yên tâm cho lắm, - mẹ tôi nói.
Tôi cười to.
- Mẹ có thể kiểm soát ông ấy. Chính con mới là người nóng giận và đối đầu với ông ấy, - mẹ tôi nói.
- Ông ấy khơi mào trước mà. Cần gì phải xúc phạm bác Shipra chứ?
- Ông ấy sẽ không thay đổi đâu. Bác Shipra đã quen điều đó rồi. Mẹ lo con sẽ sống chung thế nào với ông ấy khi con làm việc ở Delhi cơ. Có lẽ con nên ở nhà tập thể của công ty.
- Hoặc có lẽ con không nên ở Delhi.
- Con đang nói gì thế?
- Con không thể chịu đựng được ông ấy.
- Thế con định đi đâu?
- Con không biết nữa, mẹ ạ. Con chỉ có thể bày tỏ một nguyện vọng với Citibank. Chẳng có gì đảm bảo cả. Thêm nữa nhiệm kỳ công tác cũng chỉ có hai năm.
- Con chọn Delhi chứ?
Tôi không trả lời. Ý nghĩ về việc ở Delhi và gặp gỡ những cô gái Punjab ngớ ngẩn vào ban ngày và bố tôi vào ban đêm đã trở nên không hấp dẫn chút nào.
- Con đi đâu thì mẹ sẽ theo đó chứ, - tôi nói.
- Gì cơ? Mẹ không thể rời Delhi được. Tất cả họ hàng nhà mình đều ở đây. Con sẽ đi làm cả ngày. Mẹ biết làm gì ở một thành phố mới chứ?
- Con muốn đến Chennai, - tôi nói.
- Trời ơi! - Tâm trạng điềm tĩnh của mẹ tôi đã chuyển sang quá khích. Bà đứng bật dậy khỏi giường. - Mẹ thấy chuyện này còn khó đương đầu hơn là chuyện bố con. Con điên rồi sao?
- Không, con thích Ananya. Con muốn cho mối quan hệ của chúng con một cơ hội.
- Con định trở thành một người Madras sao?
- Con không định trở thành ai cả. Con chỉ tới đó để sống thôi. Và Citibank sẽ điều chuyển đến chỗ khác sau hai năm.
- Mẹ phải đi xem bói mới được. Mẹ không biết đợt này con đang bị làm sao nữa.
- Chẳng làm sao đâu mẹ. Con đang yêu.
- Tình yêu chẳng là thá gì cả, con trai ạ, - mẹ tôi vỗ vỗ má tôi và rời khỏi phòng.
* * *
Đến ngày cuối tôi mới nộp bản khai cho Citibank. Tôi cứ giữ đầu bút ở câu hỏi “nơi làm việc mong muốn”. Nó yêu cầu lựa chọn ba nơi theo thứ tự ưu tiên, tôi không thể điền được.
- Anh gửi bản khai rồi chứ? - Ananya hỏi qua điện thoại.
- Anh sẽ gửi. Sắp xong rồi, - tôi nói.
- Anh điên hay sao thế? Hôm nay là ngày cuối cùng rồi. Anh điền Chennai rồi, phải không?
- Ừ, - tôi nói và gác máy.
Tôi liếc nhìn lần cuối cùng vào bản khai.
Tôi nhìn Thượng đế trên cao và nhờ người định đoạt tình yêu của tôi.
Tôi điền vào bản khai:
Nơi làm việc ưa thích:
1. Chennai hoặc Delhi (mức độ ưa thích như nhau)
2. -
3. -
Tôi dán bản khai lại và mang nộp ở chi nhánh ngân hàng. Tôi về giường và mở lá thư Ananya gửi tuần trước. Đêm nào tôi cũng đọc nó trước khi đi ngủ.

Chào chàng trai Punjab quyến rũ của em,
Nhớ em không? Em nhớ anh. Em nhớ những cái ôm của chúng mình, em nhớ những lần mình đi dạo trong trường, em nhớ khi chúng mình học cùng nhau và đi uống chai [một thứ đồ uống phổ biến của người Ấn, được chế biến từ trà đen, gừng và các gia vị khác, pha thêm sữa đặc] vào nửa đêm, em nhớ cảnh chạy về ký túc xá của mình mỗi buổi sáng để đánh răng, em nhớ cảnh ăn pao bhaji ở charrasta với anh, em nhớ trò đá chân trong thư viện, em nhớ những cái liếc trộm nhau trong lớp học, em nhớ những điểm kém của em và những giọt nước mắt mà sau đó anh đã lau cho em, em nhớ anh đã nhìn em kẻ mắt như thế nào, em nhớ… ồ, anh đã hiểu rồi đấy, em nhớ anh khiếp lên được.
Ở Chennai thì em vẫn ổn. Mẹ em thì kiểu như lúc nào cũng bấn loạn, bố em thì vẫn im lặng như mọi khi còn em trai em thì luôn có những quyển sách có ghi Vật lý, Hóa học và Toán trên bìa. Nói cách khác, mọi thứ bình thường cả. Em đã nhắc lại về anh với mẹ một lần nữa. Bà đã mời một tu sĩ đến nhà cho em một chiếc bùa để làm em quên anh đi. Chà, em chẳng bao giờ nghĩ họ lại phản đối anh như thế. Cái bùa đó thì thấm tháp gì mà đòi làm em quên anh cơ chứ, nhưng để cẩn thận hơn, em đã ném nó xuống vịnh Bengal ở bãi biển Marina rồi. Em đã không nhắc đến anh kể từ khi đó, bởi vì em biết anh sẽ tới Chennai và mê hoặc họ như anh đã mê hoặc em vậy.
Tạm biệt nhé, tình yêu của em,
Ananya.
Tái bút: Ồ, em chưa nói nhỉ, em nhớ lúc làm tình nữa.

Tôi đọc lá thư chục lần rồi. Tôi đọc câu cuối cùng đã cả trăm lần. Tôi muốn đến với cô ngay lúc này. Tôi nhận ra rằng mình đã có thể viết “Chennai” vào bản khai, nhưng tôi đã chơi súc sắc với tình yêu của mình do những cảm giác mơ hồ về bổn phận và tội lỗi với gia đình. Tôi tự hỏi liệu Citi có cần nhiều người ở Delhi hơn không, vì tiền bạc tập trung cả ở đó? Suy cho cùng thì một người Punjab sẽ có khả năng mở một tài khoản nước ngoài hơn nhiều so với một người Tamil. Và tôi là người Punjab, bởi thế họ sẽ để tôi ở Delhi. Có gì đó đang rên rỉ trong tôi. Tôi đọc mãi, đọc mãi lá thư cho tới khi ngủ thiếp đi.
Một tuần sau đó, tôi nhận được một cuộc gọi tới nhà. Mẹ tôi cầm máy và nói rằng cuộc gọi từ một anh chàng giọng nói như con gái.
- Xin chào? - tôi nói.
- Chào Krish, tôi là Devesh từ phòng nhân sự Citi đây.
- Ồ, chào Devesh. Anh thế nào?
- Tôi ổn, tôi chỉ muốn báo cho cậu biết ngày và địa điểm cậu bắt đầu đi làm.
Tim tôi bắt đầu đập nhanh hơn.
- Vâng, - tôi nói.
Phấn khích và hồi hộp.
- Cậu sẽ bắt đầu vào mồng một tháng Sáu.
- OK.
- Và chúng tôi bố trí cậu ở Chennai.
Màn pháo hoa tưởng tượng nổ tung trên bầu trời Delhi. Lần đầu tiên trong đời mình tôi cảm thấy thật lòng yêu quý Devesh, phòng nhân sự và Citibank.
------------
Còn tiếp.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét