Thứ Sáu, 20 tháng 4, 2018

Hồ Sơ ODESSA - Chương 12

Hồ Sơ ODESSA

Tác giả: Frederick Forsyth
Người dịch: Cung Khắc Dũng
Nhà xuất bản Trẻ - Năm xuất bản: 1974

Chương 12

Tối thứ Tư, 19 tháng 2, Peter Miller chào tiễn biệt Alfred Oster để khởi hành về Nuremberg.
Oster bắt tay từ giã chàng trước thềm cửa:
- Chúc chú gặp nhiều may mắn. Tôi đã truyền cho chú tất cả những gì tôi biết về tập thể SS. Bây giờ tôi còn lời khuyên cuối củng này cho chú: tôi không biết ngụy tích của chú có thể đứng vững trong bao lâu. Khi nào điểm mặt được bất cứ ai hay nghi ngờ người nào đó thấy được ngụy tích Kolb thì chú đừng nên chần chờ, mà phải lặn cho thật mau và thật sâu!
Đưa Miller ra tới cổng ngoài, Oster trở vô nhà, miệng không ngớt lầm bẩm:
- Đúng là một lũ điên!
Miller đi bộ đến nhà ga. Chàng mua vé đi Nuremberg.
- Tôi e rằng ông phải đợi hơi lâu! - Người soát vé nói khi chàng ra đến sân ga.
Miller ngạc nhiên vì hỏa xa Tây Đức có tiếng là chạy đúng giờ.
- Có chuyên gì vậy? - Chàng hỏi.
Nhân viên kiểm soát đưa mắt về phía cuối đường ray.
- Đêm qua trận bão tuyết đã lấp gần mười cây số đường. Đám bảo trì đang cố dọn cho xe lửa chạy, nhưng không biết chừng nào mới xong đây!
Nhiều năm dài trong nghề viết báo đã làm cho Miller quá quen thuộc với cảnh chờ đợi tại phi trường, sân ga, nhàm chán với sự mệt mỏi của những giờ phút dài đằng đẵng đi đi lại lại, đốt hết điều thuốc này đến điếu thuốc khác, không biết làm gì khác hơn là chờ đợi.
Trong quán giải khát nhỏ sát trạm ga xe lửa, Miller vừa nhâm nhi tách cà phê vừa nhìn ngắm chiếc vé xe lửa. Trí óc chàng lại mơ tưởng đến chiếc Jaguar. Chàng nghĩ bụng nếu chàng đậu nó ở một chỗ nào đó, cách xa địa chi được giói thiệu đến... Nếu sau cuộc thẩm vấn ra mắt, chúng đưa chàng đến một nơi nào đó bằng phương tiện khác, chàng sẽ có cơ hội để lấy lại chiếc xe yêu quý tại Munich, mà khỏi phải đi đến tinh lẻ Bayreuth này. Chàng cũng có có thể gửi nó ở ga-ra. Chắc sẽ không có ai tìm ra nó trước khi chàng hoàn thành sứ mạng. Ngoài ra, chàng nghĩ, nếu cần phải lặn thật mau và thật sâu, thi chiếc Jaguar quả là một phương tiện lý tưởng. Và chắc chắn sẽ không có lý do nào bọn chúng biết chàng hay chiếc Jaguar sẽ đến miền Bavaria cả.
Miller lại đắn đo suy nghĩ đến những lời khuyến cáo của Motti về sự lộ liễu của chiếc Jaguar, và cân nhắc lời này với lời chỉ dạy của “sư phụ” Oster. Sử dụng chiếc Jaguar quả thật là một chuyện hết sức liều lĩnh, nhưng thử hỏi gặp trường hợp thập tử nhất sinh mà phải lết bộ hay đón xe quá giang, thì cũng kẹt. Chàng suy nghĩ tiếp trong năm phút nữa, rồi quyết định rời khỏi quán giải khát thả bộ đến bãi đậu xe.
Cuộc hành trình đến Nuremberg thật mau với chiếc Jaguar. Đến nơi, Miller giữ phòng tại một khách sạn nhỏ gần nhà ga chính và đậu chiếc Jaguar cách đó hai dãy phố. Chàng thả bộ qua cửa thành King's Gate để vô cổ thành Albrecht Durer.
Trời đã sụp tối nhưng nhờ những ngọn đèn đường và đèn nhà, cả khu cổ thành bật sáng lên như bình minh. Lạc vô cổ thành, du khách cổ thể tưởng tượng mình đang sống trong thời Trung cổ khi các vị vua giòng họ Franconia cai trị Nuremberg, một trong những thành thị giàu mạnh nhất. Miller không thể nào tin được rằng cả khu cổ thành này, từ một viên gạch nhỏ cho đến một tảng đá lớn, đều được xây đựng lại từ năm 1945, dựa trên những đồ án chính xác của khu cổ Thành mà vào năm 1943 đã bị những cuộc oanh tạc của phi cơ Đồng minh san thành bình địa.
Chàng tìm ra căn nhà ghi trên mảnh giấy của Leon, cách chợ Nuremberg hai con đường. Danh thiếp của người chủ căn nhà phù hợp với tên ghi trên phong bì của lá thơ giới thiệu ký tên Đại tá SS Eberhardt Joachim. Vì chưa bao giờ thấy mặt mũi Eberhardt ra sao, nên Miller chi còn hy vọng người chủ căn nhà này cũng chưa bao giờ giáp mặt Eberhardt.
Chàng đưa mắt nhìn khu xóm quanh căn nhà để nhớ cho rõ, và xoay lưng đi trở xuống phố. Chàng phóng viên rảo bước xuống chợ, tìm một quán ăn.
Sau khi đi qua hai ba quán chuyên bán thức ăn Franconian, Miller chợt trông thấy những luồng khói cao bốc lên từ một ngôi nhà ngói đỏ của một quán bán thịt dồi năm ngay góc chợ. Khung cảnh ấm cúng và cởi mở của quán làm cho Miller cảm thấy thoải mái ngay. Chàng gọi món ăn đặc biệt của quán, thịt dồi, và một chai rượu vang để uống cùng với món ăn.
Sau buổi ăn, một tách cà phê đen trong tầm tay, Miller nhắm mắt lại, suy nghĩ không biết có nên liều mình đi lùng một kẻ can tội giết người cách đây hai mươi năm không? Chàng gần như đạt được quyết định bỏ hết mọi sự, cạo phứt hàm râu, để tóc mọc lại trở về Hamburg với chiếc giường ấm áp và Sigi nóng bỏng.
Người hầu bàn tiến về phía chàng chìa “bông” ra.
Chàng đút tay vô túi quần để móc bóp ra lầy tiền trả tiền cơm. Ngón tay trỏ của Miller chạm phải một tấm ảnh. Chàng rút tầm ảnh ra, nhìn nó không chớp mắt: cặp mắt láo liêng, chiếc miệng như cái mỏ chuột, hai làn sét và cấp hiệu đại úy may hai bên cổ áo hình như ngó chàng, thách thức.
“Thằng mặt l...”, chàng nói giữa kẽ răng, đưa tấm ảnh lên sát ngọn đèn cầy. Khi tấm ảnh đã cong lại thành một mảnh tro, chàng cho nó vô chiếc khay gạt tàn thuốc và nghiền nát nó ra. Giờ phút này chàng không cần đến tấm ảnh nữa. Chàng sẽ nhận ra mặt của Eduard Roschmann, dù cho hắn có mang mặt nạ đi nữa. Miller trả tiền, gài lại cổ áo, bước ra khỏi quán ăn, thả bộ về khách sạn.
Vào lúc Peter Miller về đến khách sạn, Mackensen đang điện trình một Sài Kíu Tinh giận dữ.
- Tại sao hắn lại có thể biến mất được? - Tên trùm ODESSA tại Tây Đức hét lớn. - Hắn đâu phải là hơi thở mà tan biến trong không khí? Xe của hẳn là loại xe có một không hai trong xứ. Và sau sáu tuần lễ lục lọi, tìm kiếm những gì chú có thể cho Sài Kíu Tinh này biết là hắn đa biệt tích!
Mackensen im lặng, không nói, đợi cho cơn giận dữ của Sài Kíu Tinh lắng xuống.
- Thưa, đúng vậy. - Mack Dao Phay thở dài. - Tôi canh căn phòng hắn tại Hamburg còn hơn là canh bắt vợ tôi đi với mèo nữa. Tôi tự xưng là bạn của hắn, hỏi con Sigi và mẹ của hắn không biết bao nhiêu lần, nhưng họ không biết gì. Trong thời gian này chắc hẳn phải giấu kín xe hẳn trong một góc hẻm nào đó, và hẳn cũng đã lặn thật sâu vì tôỉ không tìm được manh mối nào kể từ khi hắn ở Anh Quốc về đến phi trường Cologne, xách xe vọt về miền Nam.
- Với bất cứ giá nào chú cũng phải tìm hắn cho ra! Hắn không được đến gần “đồng chí” vì hậu quả sẽ tai hại ghê gớm! - Sài Kíu Tinh nói.
- Đồng chí đừng lo, rồi hắn sẽ lòi mặt chuột ra cho mà xem! Trước sau gì hắn cũng phải thò đầu ra ngoài, lúc đó tôi sẽ làm hắn! - Mackensen quả quyết.
Sài Kíu Tinh ghi nhận tánh kiên nhẫn và lời suy luận đơn giản và hợp lý của tên sát nhân lão luyện. Hắn khẽ gật đầu:
- Tốt lắm. Tôi muốn chú luôn luôn ở gần tôi. Hãy ra phố lấy phòng tại khách sạn, và cả hai ta sẽ đợi hắn xuất đầu lộ diện.
- Tuân lệnh đồng chí. Tôi sẽ ra phố lấy phòng ngay và điện thoại cho đồng chí biết tôi ở đâu để liên lạc.
Gần chín giờ sáng ngày hôm sau, Miller đến căn nhà hôm qua chàng đã điều nghiên. Chàng muốn gặp “người” trước khi “người” đi làm.
Một cô bồi phòng ra mở cửa, mời chàng vô phòng khách.
“Người” bước vô phòng khách mười phút sau đó, chạc năm mươi tuổi, tóc hung, cặp mắt nâu sáng quắc đầy tự tin. Bàn ghế bày biện trong phòng khách đủ chửng tỏ sự giàu sang của “người”.
“Người” nhìn người khách lạ với một thoáng ngạc nhiên, đánh giá giá trị của người này qua bộ quần áo rẻ tiền, chỉ dành cho giới lao động chân tay.
- Tôi có thể làm gì cho ông? - “Người” hỏi thật thản nhiên.
Người khách lạ ra vẻ áy náy, nhút nhát nói:
- Thưa Ngài, tôi ước muốn sẽ được ngài giúp đỡ.
- Tưởng gì! - Tên trùm ODESSA tại Đức nhún vai nói. - Tôi tin chắc thế nào ông cũng biết văn phòng của tôi? Sao ông không thử lại đó xin cô thư ký một buổi hẹn với tôi!
- Thưa Ngài, tôi không cần Ngài giúp đỡ tôi về mặt nghề nghiệp. - Miller nói, sử dụng ngôn ngữ bình dân của miền Bremen. Chàng làm bộ lúng túng. Khi thiếu từ ngữ diễn đạt tư tường, chàng móc lá thư giới thiệu ra nói: - Tôi có mang theo lá thư giói thiệu của người đã khuyên bảo tôi đến nhờ Ngài!
Tên trùm ODESSA cầm lầy lá thơ, không nói tiếng  nào, bóc phong bì ra. Hắn đọc thật nhanh. Một vài phút sau, “người” cau mày lại nhìn Miller.
- Tôi hiểu, ông nên kiếm ghế ngồi xuống đi!
Người chỉ tay về phía chiếc ghế bành. Tên trùm ODESSA để ra hơn mười phút để quan sát người khách lạ, rồi hét lớn :
- Ông tên gì?
- Thưa Ngài, Kolb.
- Họ và tên!
- Thưa ngài, Rolf Gunther.
Miller bắt đầu run.
- Có mang giấy tờ gì theo không?
- Thưa Ngài tôi chỉ có bằng lái xe thôi!
- Đưa xem!
Viên Luật sư - vì đó là nghề của “người” - chìa tay ra bắt, Miller phải nhỏm người khỏi ghế để đặt bằng lái xe vô tay.  Người mở bằng lái xe ra, đọc nhanh nhiều điều ghi bên trong.
Liếc nhìn vể phía Miller, “người” đang làm công việc so sánh tấm hình với khuôn mặt của Miller. Chúng phù hợp với nhau.
- Cho tôi biết ngày sanh tháng đẻ.
- Sinh nhật của tôi? - Miller ấp úng hỏi lại: - Dạ thưa… mười... tám... tháng... sáu.
- Năm nào?
- Dạ thưa ngài, năm 1925.
Luật sư đứng phóc dậy nói:
- Ngồi đợi tôi một phút, - và bỏ đi vô nhà trong.
“Người” đi về phía phòng riêng, mở tủ sắt lôi ra một cuốn sổ dầy cộm.
 “Người” tình cờ được biết tên Joachim Eberhardt, nhưng chưa bao giờ gặp mặt. Người cũng không biết chắc cấp bậc sau cùng của Eberhardt là gì nữa. Cuốn sách xác nhận nội dung của lá thơ giới thiệu. Joachim Eberhardt được vinh thăng Đại tá SS vào ngày 10 tháng Giêng năm 1945. “Người” lật thêm vài trang sách để dò tìm tên Kolb. Có bảy tên Kolb tất cả, nhưng trong số chỉ có một tên Rolf Gunther Kolb, Trung sĩ I tính đến tháng 4 năm 1944 Ngày và năm sanh của tên này là 18 tháng 6 năm 1925, “Người” đóng sách lại cho vô tủ sắt khóa lại, xong trở ra phòng khách. “Người” gặp Kolb đang ngồi ngay ngắn trong ghế.
“Người” đến ngồi xuống chiếc ghế bành khi nãy, đối diện Kolb.
- Có thể tôi không đủ khả năng giúp ông, ông tin vậy không?
Miller cắn môi, lắc đầu tỏ vẻ chán chường.
- Nếu ngài nói vậy thì tôi không biết sẽ đi đâu nữa! Tôi đến gặp ông Eberhardt để nhờ ông ấy giúp tôi ngay sau khi bọn chúng bắt đầu truy lùng tôi. Ông ta đưa cho tôi bức thư bảo tôi phải đến gặp Ngài ngay. Ông Eberhardt có nói nếu ông giúp không được, thì kể như tôi lúa đời! - Miller mếu máo nói, kêu than với “người”, không biết phải gọi “người” bằng ông hay ngài nữa.
Người ngã lưng ra ghế, ngước mắt nhìn lên trần nhà:
- Không hiểu sao Eberhardt không gọi điện thoại cho tôi để nhờ tôi lo. - “Người” nói nhỏ, chờ đợi một câu trả lời.
- Có thể ông Eberhardt không muốn dùng điện thoại để bàn một chuyện quan trọng như vậy. - Miller đáp, hy vọng Người sẽ chấp nhận câu trả lời có vẻ hợp lý này.
Người nhìn thẳng vô mặt Miller với cặp mắt soi mói:
- Có thể lắm. Nhưng thôi được. Kể cho tôi nghe trường họp ông bị kẹt như thế nào.
- Dạ được, thưa ông - tôi muốn nói thưa Ngài, dạ. Để tôi kể. Tôi bị thằng chó chết đó nhìn ra mặt và liền sau đó tôi nghe phong phanh chúng đến bắt tôi nên tôi lặn lẹ - thưa Ngài đúng không? Tôi làm đúng không?
Luật sư thở ra:
- Kể lại từ đầu. - “Người” nói một cách mệt mỏi. - Ai nhìn ra ông, trong trường hợp nào?
Miller hít hơi vô đầy buồng phổi, lấy can đảm kể:
- Thưa Ngài, tôi đang làm ăn sinh sống tại Bremen. Tôi sống tại đó và làm việc - phải, tôi làm việc cho ông Ebrhardt cho đến khi vụ này xảy đến. Một hôm tôi đang đi giao hàng bỗng lên cơn đau kỳ lạ, bao tử tôi hình như thắt lại và tôi lăn đùng ra đường, bất tỉnh. Dân chúng chở tôi vô bệnh viện.
- Bệnh viện nào?
- Thưa Ngài, Bệnh viện Trung ương Bremen. Họ thử bệnh tôi và cho tôi biết tôi bị ung thư, ung thư trong ruột. Tôi nghĩ bụng, thế là hết.
- Thường là vậy, bị ung thư là hềt thuốc chữa! - Luật sư nói.
- Thưa Ngài tôi nghĩ vậy - tôi muốn nói lúc đó, tôi nghĩ như vậy. Nhưng hình như căn bệnh của tôi mới ở giai đoạn đầu. Họ chữa trị tôi bằng một lọ thuốc “ma túy” - hết chích đến uống thay vì giải phẫu, vậy mà sau một thời gian hình như “con sâu” ung thư trong ruột tôi bị tiêu diệt!
- Theo tôi thì ông rất may mắn. Còn chuyện ông bị nhìn mặt thì sao?
- Ồ, dạ phải! Thằng y tá trong bệnh viện đó. Hắn là một tên Do Thái. Cả ngày hắn cứ chăm chăm quan sát tôi. Cái lối hắn nhìn tôi thật kỳ dị, làm tôi hết sức lo sợ. Lối nhìn của hắn làm như muốn nói: “À, tao biết mầy là ai rồi”. Tôi không nhận ra hắn, nhưng tôi luôn luôn linh cảm hắn biết tôi là ai!
- Kể tiếp đi! - Người hình như bị lôi cuốn bởi câu chuyện.
- Cách đây một tháng họ bảo tôi có thể được chuyển qua một dưỡng đường hồi sinh. Sau đó tôi rời khỏi bệnh viện Bremen để vô nằm dưỡng sức tại dưỡng đường. Mọi phí tổn đều do quỹ xã hội của nghiệp đoàn công nhân lò bánh mì đài thọ hết. À! trước khi rời Bremen rồi chợt nhớ ra hắn, thằng y tá. Tôi moi đầu, nặn óc ra mới nhớ hắn. Hắn đã từng bị giam giữ tại Flossenburg…
Luật sư nẩy người lên.
- Ông từng ở Flossenburg sao?
- Dạ thưa Ngài phải. Tôi định nói với Ngài điều này. Về phần thằng y tá, tôi dò hỏi tên nó tại bệnh viện Bremen. Lúc bị giam cầm tại Flossenburg, nó thuộc toán lao công Do Thái có nhiệm vụ hỏa táng thi hài của Đô đốc Canaris và đồng bọn mà anh em chúng tôi đã treo cổ lên vì tham dự vào âm mưu ám sát nguyên thủ Hitler.
Luật sư cười nhìn Kolb giả hiệu:
- Chú, - người thay đổi cách xưng hô - chú là một trong số những người có bổn phận hành quyết Canaris và đồng bọn?
Miller gật đầu:  
- Thưa Ngài, đúng vậy. Tôi chỉ huy tiểu đội hành quyết. - Chàng phóng viên nói một cách thản nhiên, ngây thơ cụ. - Chúng là bọn phản quốc, thưa có đúng không? Chúng định ám sát nguyên thủ Hitler.
Luật sư bật cười thành tiếng.
- Tôi có trách chú đâu mà chú vội phân trần. Dĩ nhiên chúng là một bọn phản quốc. Ngay cả tên đầu sỏ Abwehr, là Canaris, còn chuyển tin tức quốc phòng cho bọn Đồng minh nữa thì còn nói gì đến bọn sĩ quan Wehrmacht từ Tướng xuống đến binh nhì? Tôi không bao giờ ngờ sẽ có ngày gặp được mặt người đã hành quyết Canaris!
Miller cười e thẹn:
- Kẹt là bây giờ Cảnh Sát đang lùng tôi về tội này mới khó chứ! Giết Do Thái là bổn phận của bất cứ nhân viên SS nào, còn giết tên phản quốc Canaris và đồng bọn là bổn phận của bất cứ “Nhà Ái Quốc” nào; nhưng hiện nay có một số người phản động cứ cho rằng bọn phản quốc mới là anh hùng, còn bọn SS thì họ coi như c...
Luật sư gật đầu đồng ý.
- Chú nghĩ đúng; bởi vậy cho nên bây giờ chú mới kẹt với bọn Cảnh Sát. Nhưng tạm gác chuyện này qua một bên, kể tiếp cho tôi nghe.
- Tôi được chuyển đến dưỡng đường vừa nói và không còn gặp mặt thằng y tá Do Thái đó nữa. Bỗng hôm thứ sáu tuần trước, nhận được một cú điện thoại tại dưỡng đường. Tôi nghĩ bụng: “À, chắc anh em ở lò bánh mì thăm hỏi mình đây”, nhưng giọng nói bên kia đầu dây làm tôi toát mồ hôi lạnh. Hắn từ chối không cho tôi biết tên và nói với tôi hắn biết những chuyện liên quan đến tôi mà ít người nào biết, đồng thời hắn thông báo cho tôi rằng có một kẻ vô danh nào đó đã cung cấp danh tính của tôi cho bọn “dòi bọ” tại Ludwigsburg, và hiện bọn này đang lập thủ tục xin án lệnh của tòa để bắt tôi. Tôi không thể nào biết hắn là ai cả, nhưng những điều hắn vừa nói chứng tỏ hắn hiểu rành về tôi. Giọng của nó có “uy” lắm, nếu ngài hiểu ý tôi muốn nói gì!
Luật sư gật đầu :
- Có thể người đó là một người bạn của chúng ta gài được vô Sở Cảnh Sát Bremen. Rồi sau đó chú làm gì?
Miller tỏ vẻ kinh ngạc, lúng túng trả lời:
- Sau đó thì… thì... tôi lặn. Thưa Ngài, tôi làm vậy có đúng không? Tôi trốn ra đường, và lúc đó không biết phải đi về đâu. Tôi không trở về nhà vì đoán chắc thể nào bọn Cảnh Sát cũng sẽ đợi tôi tại đó. Tôi cũng không thèm đi lấy chiếc xe Volkswagen của tôi đậu trước cửa nhà nữa! Cả đêm thứ sáu tôi đi lang thang ngoài đường và khi đã đi la cà chán rồi, tôi mới mướn phòng khách sạn rẻ tiền để nghỉ đêm. Ngày hôm sau tôi bỗng có được một ý kiến thật hay! Tôi đến nhà ông chủ, ông Eberhardt. Ông rất tử tế. Ông cho biết ngày hôm sau ông và bà vợ sẽ đi du lịch, nhưng ông vẫn hứa sẽ giúp đỡ tôi, và viết thư giới thiệu này gửi cho Ngài!
- Làm sao chú biết chắc ông Eberhardt sẽ giúp chú!
- Tôi không biết ông chủ đã làm đến chức gì lúc chiến tranh, nhưng ông chủ rất bình dân, tử tế với mọi người làm việc tại lò bánh mì. Cách đây hai năm chúng tôỉ có một buổi tiệc nhỏ. Tất cả mọi người kể cả ống chủ đều ngà ngà say. Tình cờ tôi đi vô nhà cầu và bắt gặp ông chủ vừa rửa tay vừa huýt gió bản “Horst Wessel!”. Tôi hát theo ông chủ và cả hai chúng tôi cùng đồng ca bản này trong nhà cầu! Dứt bản nhạc ông chủ cười 1ớn vỗ vai tôi nói: “Không được nói cho ai biết chuyện này hết nghe”, rồi bỏ ra ngoài. Tử lúc đó tôi không buồn nghĩ đến chuyện này nữa, cho đến khi nằm trong phòng khách sạn, vắt tay lên trán suy nghĩ những ai có thể giúp được tôi, tôi mới chợt nhớ ra. Tôi nghĩ có thể ông chủ tôi từng ở trong hàng ngũ SS như tôi; và có thể ông ta sẽ giúp tôi. Do đó tôi đến tìm ông ta!
- Và ông ta sai chú đến gặp tôi?
Miller gật đầu.
- Thằng y tá người Do Thái đó tên gì?
- Thưa Ngài Harstein!
- Dưỡng đường hồi sinh chú được gởi đến gọi là gì?
- Dưỡng đường Arcadia tại Delmenhorst, ngay ngoại ô Bremen.  
Luật sư gật gù đi vô nhà trong. Người quay số điện thoại chỉ dẫn và hỏi số của lò bánh mì Eberhardt, dưỡng đường Arcadia tại Delmenhorst, và bệnh viện Trung ương Bremen.
Người gọi cho lò bánh mì Eberhardt trước tiên.
Cô thơ ký tại đó thật sốt sắng:
- Thưa ông tôi e rằng ông chủ tôi đi xa rồi. Thưa ông không, không thể liên lạc được với ông chủ. Ông chủ tôi đi nghỉ mát với gia đình tại vùng biển Carribe rồi. Vâng đúng! Bốn tuần nữa ông bà chủ tôi sẽ về. Thưa ông còn cần điều chi nữa không?
Luật sư cám ơn cô thư ký, cúp máy.
“Người” nhắc điện thoại lên và gọi đến bệnh viện Trung ương Bremen.
- A lô, thưa tôi ở Văn phòng Cục An sinh, Ban Cấp dưỡng. Xin được tiếp chuyện với ông quản lý bệnh viện được không? - Luật sư phịa.
Tổng đài điện thoại tại bệnh viện Bremen chuyển đưòng dây của Luật sư đến điện thoại của ông quản lý bệnh viện.
- Thưa ông quản lý? Vâng. Tôi là đại điện của Ban Cấp dưỡng Cục An sinh, phiền ông quản lý cho tôi được hỏi quý bệnh viện có mướn người y tá nào tên Harstein không?
Bên kia đầu dây xác nhận điều Luật sư hỏi.
“Người” cúp máy một lần nữa, và lần này khi nhắc máy điện thoại lên, “người” cũng gọi số vừa rồi nhưng mạo xưng là thư ký của lò bánh mì Eberhardt. “Người” nói:
- Tôi là thư ký của lò bánh mì Eberhardt. Ông chủ tôi muốn hỏi thăm tình trạng sức Khỏe của một nhân viên tên Kolb. Ông ta bị ung thư ruột!
Đầu dây bên kia im lặng trong vài phút, vì cô thư ký trả lời điện thoại đang tìm kiếm hổ sơ.
Một chập sau, giọng cô ta trở lại trong điện thoại:
- Thưa ông, ông Kolb xuất viện rồi! Ông ta đã phục hồi lại nên bệnh viện chúng tôi đã chuyển ông ta sang dưỡng đường hồi sinh Arcadia tại Delmenhorst rồi!
- Tốt lắm! - Luật sư nói.
Lần thứ ba trong vòng mười lăm phút, Luật sư nhắc máy điện thoại lên, lần này gọi cho dưỡng đường Arcadia.
Một giọng đàn bà trả lời. Sau khi lắng nghe lời yêu cầu bên kia đầu dây, người trả lời điện thoại cho Luật sư quay người qua phía một bác sĩ ngồi cạnh đó.
Lấy tay bịt ống nghe lại, người này nói với vị bác sĩ:
- Có ai hỏi thăm người mà bác sĩ dặn tôi, tên Kolb đó!
Vị bác sĩ tiến đến cầm điện thoại lên:
- Allo, tôi là y sĩ trưởng dưỡng đường Arcadia đây, Bác sĩ Braun.
Nghe nói đến tên Braun, người đàn bà vừa nghe điện thoại cau mày. Bác sĩ Braun chăm chú nghe độc thoại bên kia đầu dây và trả lời lại một cách nhỏ nhẹ:
- Không hiểu tại sao Kolb lại đột ngột rời khỏi dưỡng đường chúng tôi! Vâng đúng! Bệnh viện Trung ương gởi Kolb đến cho dưỡng đường chúng tôi. Vâng. Không có chi! Chào ông.
Vị bác sĩ, tên thật là Rosemayer, bỏ máy điện thoại xuống. Suy nghĩ trong giây lát, ông ta nhắc điện thoại lên quay một hàng số. Không cần giới thiệu mình là ai với người bên kia đầu dây, Bác sĩ Rosemayer nói:
- Có người vừa điện thoại hỏi tôi về Kolb. Cuộc trắc nghiệm đã bắt đầu, - và bỏ máy xuống.
Tại Nuremberg, Luật sư đặt máy điện thoại xuống giá rồi trở ra phòng khách. Người nói với Kolb:
- Thôi được. Cứ tạm cho chú là Kolb.
Miller ngạc nhiên nhìn “Người”.
- Tuy nhiên còn vài câu nữa tôi muốn hỏi chú! Phiền chú không?
- Thưa Ngài không!
- Tốt lắm. Vậy chú cắt da quy đầu chưa?
Miller nhìn “Người” không chớp mắt :
- Thưa Ngài chưa!
- Đưa xem! - Luật sư nói thật bình thản.
Miller ngồi lặng yên, miệng há hốc nhìn người không chớp mắt.
- Đưa xem, mau lên Trung Sĩ I Kolb! - Người hét lớn.
Miller nhảy thót dậy khỏi ghế, đứng nghiêm:
- Zu Befehl. Tuân lệnh. - Chàng hô lớn.
Chàng đứng như vậy trong hơn ba giây, rồi kéo dây kéo quần xuống. “Người” chỉ liếc nhìn chỗ đó trong một thoáng rồi ra hiệu cho Miller gài quần lại.
- Ít ra chú cũng không phải là một tên Do Thái!
Ngồi lại xuống ghế, Miller nhìn thẳng vô mắt “người”:
- Tôi không phải người Do Thái là cái chắc!
Luật sư bật cười:
- Sở dĩ tôi bắt chú làm vậy vì có một số người Do Thái đã thử giả dạng đội lốt một đồng chí trong tập thể chúng ta. Chúng không thọ đâu! Bây giờ chú phải cho tôi biết lại lịch của chú, sau đó tôi sẽ đặt câu hỏi chú. Biên pháp này chỉ để phối kiểm lại những điều tôi đã biết về chú. Rồi. Chú sanh tại đâu?
- Thưa Thượng cấp, tại Bremen. - Miller đáp, thay đổi lời xưng hô.
- Được. Nơi sinh của chú phù hợp với hồ sơ SS của chú. Tôi mới vừa kiểm soát lại. Chú có gia nhập Đoàn Thanh niên Hitler không?
- Thưa Thượng cấp có, khi tôi lên mười tuổi, vào năm 1935.
- Cha mẹ chú thuộc thành phần dân xã?
- Thưa Thượng cấp phải.
- Bây giờ họ hiện ở đâu?
- Thưa Thượng cấp, cha mẹ tôi đều bị giết trong những cuộc oanh tạc của máy bay Đồng Minh xuống Bremen.
- Chú gia nhập hàng ngũ SS năm nào?
- Thưa Thượng cấp vào năm 1944, lúc tôi được 18 tuổi.
- Chú được huấn luyện tại đâu?
- Thưa Thượng cấp tại Trại Huấn luyện SS Dachau.
- Số loại máu chú được xâm dưới nách mặt?
- Thưa Thượng cấp tôi không được xâm số loại máu, nhưng nếu có xâm thì phải xâm dưới nách trái mới đúng!
- Tại sao chú không được xâm số loại máu?
- Thưa Thượng cấp sự việc như vầy. Đúng lý ra chúng tôi mãn khóa huấn luyện căn bản vào tháng 8 năm 1944 và phải đươc bổ sung đến một đơn vị nào đó thuộc Waffen SS. Nhưng vào tháng 7 năm đó, một số sĩ quan tham gia vào âm mưu chống lại nguyên thủ Hitler bị đem nhốt vô trại Flossehburg. Trại Flossenbưrg liên khẩn yêu cầu Dachau bổ sung tân binh SS đến. Tôi và 12 đồng chí khác được chọn để tăng viện cho Flossenburg. Chúng tôi mất dịp được xâm số loại máu, và không được tham dự cuộc diễn binh mãn khóa nữa. Vị Chỉ huy trưởng Trại Huấn luyện Dachau lúc đó cho chúng tôi biết chúng tôi không cần phải xâm số loại máu, vì chúng tôi sẽ không bao giờ được gửi ra mặt trận.
Luật sư gật đầu:
- Chú có được cấp phát dao găm không?
- Thưa Thượng cấp có. Tự tay Chỉ huy trưởng trao cho tôi!
- Trên dao găm khắc những gì?
- Thưa Thượng cấp, trên đó có khắc hàng chữ MÁU và DANH DỰ.
- Trại Dachau đã huấn luyện những gì cho chú?
- Thưa Thượng cấp, tôi được huấn luyện đầy đù về mặt quân sự, chánh trị, ý thức hệ, để bổ khuyết những điều học hỏi được hồi còn ở trong Đoàn Thanh niên Hitler.
- Chú thuộc bài ca không?
- Thưa Thưởng cấp, tôi thuộc.
- Bản Horst Wessel được trích ra từ đâu?
- Thưa Thượng cấp bản Horst Wessel được trích ra từ Tập Giờ Phút Đấu Tranh Của Quốc Gia.
- Trại huấn luyện Dachau đặt tại đâu?
- Thưa Thượng cấp cách Munich mười cây số và cách trại tập trung cùng tên khoảng hơn ba cây số.
- Mô tả quân phục của chú xem!
- Thưa Thượng cấp, quân phục tôi lúc đó gồm có áo quần màu xám lục, giày cao cổ. Cổ áo của tôi được viền đen, bên cổ áo trái có thêu cấp hiệu. Tôi cũng được cấp phát thắt lưng nữa, và búp nịt bằng đồng.
- Phương châm trên búp nịt là gì?
- Thưa Thượng cấp, trên búp nịt có gắn một chữ Vạn, bao quanh bởi hàng chữ Danh Dự Tôi Là Sự Trung Thành.
Luật sư đứng lên. “Người” châm một điếu xì gà, và nói qua khói thuốc:
- Bây giờ cho tôi biết qua về trại Flossenburg.
- Thưa Thượng cấp, trại Flossenburg nằm gẩn biên giới miền Bavaria và Thuringie.
- Khởi sự hoạt động từ ngày nào?
- Thưa Thượng Cấp tôi chỉ biết là trại này hoạt động từ năm 1934. Trại này là trại đầu tiên dành riêng cho bọn phản quốc.
- Trại này rộng lớn không?
- Thưa Thượng cấp, khi tôi đến đó diện tích của trại là ba mươi ngàn thước vuông, được mười tám chòi canh trang bị súng nặng và đại liên. Bên trong trại có một vũ đình trường 140 thước bề dài và 120 bề ngang. Ồ lúc đó, tôi thường giỡn với bọn Do Thái, tôi bắt chúng...
- Hãy trở lại vấn đề, không phải lúc chú nói giỡn đâu! - Luật sư hét lớn. - Các tiện ích của trại ra sao?
- Thưa Thượng cấp, trại có hai mươi bốn căn nhà, một nhà bếp, một nhà tắm, và một vài xưởng nghề!
- Những tiện ích dành cho SS ra sao?
- Thưa Thượng cấp có hai dãy nhà, một tiệm bách hóa và một nhà chứa điếm.
- Thi hài nạn nhân được thủ tiêu bằng cách nào?
- Thưa Thượng cấp, trại có một lò hỏa táng đặt ở ngoài vòng đai phòng thủ. Bên trong trại có một đường hầm bí mật đi ra đến đó.
- Phạm nhân bị bắt phải làm những công việc gì?
- Thưa Thượng cấp, chúng bị bắt phải đập đá.
- Vào cuối năm 1944, nhân số trong trại là bao nhiêu?
- Thưa Thượng cấp, khoảng chừng 16.000 chưa kể đến binh lính SS.
- Văn phòng của Chỉ huy trưởng đặt tại đâu?
- Thưa Thượng cấp, văn phòng của vị này đặt ngoài vòng đai phòng thủ, nằm trên lưng một ngọn đồi thấp ngó xuống doanh trại.
- Các vị Chỉ huy trưởng liên tục là những ai?
- Thưa Thượng cấp, khi tôi đến trại thì đã có ngay hai vị Chỉ huy trưởng bàn giao chức vụ. Vị thứ nhất là Thiếu tá SS Karl Kunstler, và vị kế vị Thiếu tá Kunstler là Đại úy SS Karl Fritdch. Vị Chỉ huy trưởng sau cùng là Trung tá SS Max Kogel.
- Khối Chính trị của trại mang ám số gì?
- Thưa Thượng cấp, Khối Chính trị mang ám số 2 tức Khối 2.
- Đặt văn phòng tại đâu?
- Thưa Thượng cấp, trong dãy nhà làm văn phòng cho vị Chỉ huy trưởng.
- Khối này có nhiệm vụ gì?
- Thưa Thượng cấp, nhiệm vụ của Khối 2 là thi hành đúng đắn các nhu cầu của Berlin, tức đối xử thật đặc biệt với một vài phạm nhân nào đó!
- Như Canaris và đồng bọn?
- Thưa Thượng Cấp phải! Berlin chỉ thị cho chúng tòi phải dành cho bọn này sự đối đãi thật đặc biệt!
- Và thi hành vào ngày nào?
- Thưa Thượng cấp vào ngày 20 tháng 4 năm 1945. Quân lính Mỹ lúc đó đang càn quét vùng Bavaria. Lệnh trên ban xuống là phải thủ tiêu ngay bọn phản quốc. Một nhóm anh em chúng tôi được giao phó nhiệm vụ này. Lúc đó tôi vừa được thăng cấp Trung sĩ I, dù khi mới đến trại chỉ  mang cấp bậc Binh nhì. Và tôi được đề cử chỉ huy tiểu đội hành quyết bọn phản quốc. Một nhóm tù Do Thái được chúng tôi tuyển chọn để thủ tiêu xác của các tử tội. Hẳn nhiên Harstein phải là một trong bọn Do Thái này. Sau vụ này chúng tôi được lệnh thủ tiêu hềt các tài liệu của trại. Ít lâu sau chúng tôi lại nhận được lệnh phải áp tải số tù nhân con lại về miền Bắc. Trên đường di chuyển chúng tôi được hung tin nguyên thủ Hitler đã tự tử chết. Vừa được tin này các vị Sĩ Quan SS liền bỏ rơi chúng tôi trong khi bọn Do Thái, chạy tán loạn vô rừng. Bốn năm anh em Trung Sĩ chúng tôi bắn loạn vô bọn chúng, hạ được vài tên, nhưng hình như lúc đó bọn Do Thái không sợ chềt nữa, có lẽ chúng được biết trong vùng đầy dẫy quân lính Mỹ!
- Tôi chợt nhớ một điểm này muốn hỏi chú về trại Flossenburg: khi đứng bất cứ chỗ nào trong trại và nhìn lên chú sẽ thấy gì, Kolb?
Miller ra vẻ không hiểu câu hỏi. Chàng ấp úng:
- Thưa Thượng cấp, tôi thấy bầu trời!
- Đồ ngu, tôi muốn nói chú thấy gì trồi lên khỏi chân trời?
- Thưa Thượng cấp muốn nói tòa lâu đài đổ nát?
Luật sư gật đầu cười:
- Đúng. Lâu đài này có từ thế kỷ 14. Thôi được. Tôi tin chú đã từng ở trại Flossenburg. Bây giờ chú cho tôi biết làm sao chú lẩn trốn được khỏi đó?
- Thưa Thượng cấp, cuộc đào tẩu của tôi xảy ra trên đường hộ tống bọn Do Thái về miền Bắc. Lúc đó hàng ngũ chúng tôi đã rã đám. Mạnh ai nấy chạy. Tôi bắt gặp một anh binh nhì Lục quân đang trốn trong rừng. Tôi dùng bá súng đập nát đầu nó ra, và đoạt ngay quân phục nó đang mặc trong người! Nhưng hai ngày sau bọn Mỹ bắt được tôi. Chúng nhốt tôi vô một trại tù binh trong suốt hai năm dài, vì lúc đó tôi khai man rằng tôi chỉ là một anh binh nhì Lục quân. Thượng cấp chắc cũng dư biết tình thế lúc đó ra sao! Có rất nhiều tin đồn cho rằng bọn Mỹ gặp SS đâu là bắn liền tại chỗ. Do đó tôi mới khai man lý lịch!
Luật sư hít một hơi thuốc:
- Không phải chỉ một mình chú mới hành động như vậy đâu! Chú có thay đổi tên họ không?
- Thưa Thượng cấp không. Tôi thủ tiêu hết giầy tờ nào dính dáng đến SS, nhưng tôi vẫn giữ nguyên tên họ. Lúc đó tôi nghĩ sẽ không có ai bỏ công ra tìm một thằng tiểu tốt như tôi. Vụ Canaris đâu có gây chấn động như bây giờ! Chỉ sau này dân chúng mới làm lớn chuyện, bênh vực thằng phản quốc Canaris và còn đi đến chỗ ngưỡng mộ nó, lập đền thờ nó ngay chỗ nó bị treo cổ nữa. Sau khi đã sống đủ hai năm trong lao tù Đồng minh, tôi được phóng thích và được nhà cầm quyền Tây Đức cấp căn cước mới với tên Kolb. Nếu không có vụ tên y tá Harstein này nhìn ra tôi, thì giờ này không có ma nào đi truy lùng tôi!
- Có lý! Bây giờ tôi sẽ hỏi chú vài điều chú đã học hỏi được tại trại huấn luyện Dachau. Đọc cho tôi nghe lòi thề tuyệt đối trung thành với Nguyên Thù.
Trong ba giờ liên tiếp sau đó, Luật sư quay Miller lu bù. Mồ hôi trên người Miller đổ như tắm.
Đến quá trưa Luật sư mới hoàn toàn tin tưởng câu chuyện của Miller, “người” hỏi:
- Bây giờ chú muốn gì?
- Thưa Thượng cấp, tôi kẹt ở chỗ là bọn Cảnh Sát đang truy lùng tôi. Tôi cần phải có giấy tờ chứng minh tôi không phải là Rolf Gunther Kolb. Tôi có thể thay hình đổi dạng bằng cách để râu tóc mọc ra và kiếm công ăn việc làm tại miền Bavaria, hay bất cứ nơi nào khác. Tôi là một tên thợ làm bánh mì lành nghề, và ai ai cũng đều cần bánh mì cả, thưa Thượng cấp đúng không?
Lần thứ nhất trong cuộc thẩm vấn, Luật sư ngã người ra ghế cười ngửa nghiêng trước lối suy luận thành thật của Miller.
- Đúng! Đúng lắm Kolb! Dân chúng cần bánh mì để sồng. Nhưng nghe cho kỹ đây. Thường thì hạng người như chú không đáng để cho chúng tôi hao công tốn của mà giúp, Nhưng thấy chú đang bị kẹt, dù chú không làm điều gì bậy mà là một công dân tốt và trung thành, nên tôi sẽ cố hết sức giúp chú. Không có vấn đề kiếm cho chú một bằng lái xe khác, vì nó sẽ không giúp chú xin được một số giấy tờ tùy thân khác. Nhưng một sổ thông hành mới sẽ giúp chú có được mọi thứ giấy tờ cần thiết khác. Có tiền trong người không?
- Thưa Thượng cấp, tôi không còn một xu dính túi. Tôi phải đi quá giang xe suốt ba ngày để đến gặp Thượng cấp đấy!
Luặt sư móc túi đưa cho Miller một trăm Đức kim, nói:
- Chú không thể nào ở lại đây được, và phải cần thời gian một tuần mới kiếm cho chú một thông hành mới. Tôi sẽ gởi chú đến đồng chí sẽ kiếm thông hành mới cho chú. Người đó ở Stuttgart. Đêm nay chú nên kiếm phòng ngủ, mai đến Stuttgart gặp đồng chí này. Tôi sẽ cho đồng chí này biết chú đến.
Luật sư hí hoáy viết địa chỉ của đồng chí ở Stuttgart trao cho Miller. “Người” nói:
- Đồng chí này tên Franz Bayer, ở tại địa chỉ ghi trên mảnh giấy này. Đêm nay chú nên đáp xe lửa đến Stuttgart, kiếm một khách sạn tạm nghỉ và sau đó đến tiếp xúc với Bayer. Nếu chú cần thêm tiền, Bayer sẽ cho chú, nhưng nhớ đứng nên hoang phí hết nghe! Hãy chịu khó ẩn dật chừng một tuần trong khi chờ đợi Bayer kiếm thông hành mới cho chú. Khi đã nắm thông hành mới trong tay rồi thì mặc sức cho chú bay nhảy, muốn kiếm việc làm tại đâu cũng được, và không sợ thằng chó nào theo dõi truy nã chú nữa hết!
Miller đón lấy tờ giấy bạc một trăm Đức kim và mảnh giấy ghi địa chỉ Bayer. Chàng ra vẻ ấp úng, cám ơn Luật sư một cách ngại ngùng :
- Tôi... tôi xin... cám ơn Thượng.. cấp... Luật sư!
Cô người làm tiễn Miller ra cửa, và chàng lủi thủi đi bộ về khách sạn.
Một giờ sau, chàng lái xe đi Stuttgart trong lúc Luật sư gọi điện thoại cho Bayer, bảo tên này phải lo lắng cho Rolf Gunther Kolb, sẽ đến Stuttgart vào ngay đêm hôm đó.
Vào một ngày nắng ráo, quang cảnh hai bên xa lộ băng qua thung lũng và đồi núi Wurtemberg trông rất hùng vĩ. Nhưng vào một buổi chiều thứ sáu, thời tiết quá xấu với những cơn mưa tuyết không dứt, làm con đường nhựa trở nên trơn trượt, không cho phép Miller rời mắt khỏi mặt đường để thường ngoạn phong cảnh. Trên suốt đoạn đường Miller đã xém hai lần lật xe. Miller tự nhủ không có gì phải vội vã gì trước sau gì Bayer, tên biết rõ đường đi nước bước để lấy sổ thông hành giả, cũng sẽ đợi chàng tại nhà. Nhưng không biết sao chân phải chàng vẫn đạp lút ga.
Miller đến Stuttgart khi trời vừa sụp tối, Chàng tìm thuê phòng tại một khách sạn tuy nhỏ nhưng có cả gác dan để mở cửa cho những thân chủ thích đi đêm. Chàng mua một bản đồ thành phố tại một sạp báo, và dò ra địa chỉ của Bayer. Nhà hẳn nằm trong khu Ostheim, một khu gia cư riêng biệt gần dinh Berg, nơi các hoàng tử dòng Wurttemberg thường đến nghỉ mát vào mùa hè.
Đi theo bản đồ, chàng đến khu Ostheim và đậu xe cách nhà tên này chừng ba trăm thước. Khi chàng khum người xuống để khóa cửa xe, chàng không để ý đến một người đàn bà lớn tuổi đang trên đường trở về nhà sau khi tham dự buổi họp hàng tuần của Ủy Ban Bảo Trợ Bệnh Viện Villa.
Tám giờ tối thứ sáu hôm đó Luật sư tại Nuremberg quyết định gọi điện thoại cho Bayer để xem Kolb đến nơi chưa.
Vợ Bayer trả lời điện thoại:
- Ồ có, chàng trai trẻ ấy mà! Nhà tôi và hẳn đi ăn cơm tiệm rồi.
- Tôi cố ý gọi xem hắn đến nơi an toàn không? - Luật sư nói.
- Hắn thật dễ thương, Tôi gặp hắn trước khi hắn đến nhà. Tôi đang trên đường trở về nhà sau khi tan họp với Ủy Ban Bảo Trợ Bệnh Viên Villa. Tôi gặp hẳn cách nhà chúng tôi chừng hai ba trăm thước. Có lẽ hắn không biết nhà, nên mới đậu xe xa như vậy. Nhà chúng tôi dễ tìm lắm, dù cho Stuttgart có nổi tiếng là thành phố của hàng ngàn đường hẻm!
- Xin lỗi bà, - Luật sư ngắt lời. - Chàng trai đó đâu có lái xe Volkswagen hay Opel nào đến tìm nhà ông bà. Hắn đến Stuttgart bằng xe lửa mà!
- Không! không! - Bà Bayer cãi lại. - Hắn đến bằng xe hơi. Tôi thấy hắn đang lúi húi khóa cửa xe. Một chiếc xe đẹp lắm, Tôi chắc nếu hẳn làm chủ chiếc xe này thì hắn đắc đào lắm.
- Bà Bayer nghe kỹ tôi hỏi đây! - Luật sư gằn giọng. - Xe hắn hiệu gì?
- Tôi không biết. Nhưng có lẽ là xe thể thao. Một chiếc xe đen bóng, dài thườn thượt, kẻ hai làn chỉ vàng hai bên hông và...
Luật sư buông mạnh diện thoại xuống giá. Suy nghĩ sao lại bốc điện thoại lên quay một hàng số. Luật sư toát mồ hôi như tắm.
Khi liên lạc được số mong muốn, Luật sư xin được tiếp chuyện với thân chủ đang ngủ tại phòng số...
Một giọng nói quen thuộc trả lời :
- Allo!
- Mackensen? - Sài Kíu Tinh hét lớn. - Đến nhà tôi mau! Thằng Miller lòi mặt ra rồi!
------------
Còn tiếp.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét