Thứ Bảy, 16 tháng 7, 2022

Những Chiến Dịch Đặc Biệt - Chương 1-1

Những Chiến Dịch Đặc Biệt
 
Tác giả: Pavel Xudoplatov
Người dịch: Nguyễn Văn Thảo
Thể loại: Hồi ký (hồi ký của tướng tình báo Liên Xô cũ)
Nhà xuất bản: Công an Nhân dân
Năm xuất bản: 2003 (Lưu hành nội bộ)
 
“Những chiến dịch đặc biệt” như một bộ phim tài liệu, đầy ắp những thông tin và tên tuổi của các vị tướng, chính khách, điệp viên, nhà ngoại giao... những lệnh thủ tiêu, những cuộc bắt bớ, thanh trừng thảm khốc... tất cả có thể sẽ làm bạn đọc choáng ngợp. Nhưng “Những chiến dịch đặc biệt” giúp chúng ta nhìn rõ hơn về lịch sử Liên Xô và chính quyền Xô Viết.
 
Chương 1:  Khởi Đầu
 
1. Bắt đầu công tác tại Treka
 
Tôi sinh năm 1907 ở Ucraina, tại thành phố Melitopol nằm trong khu vực giàu hoa trái và thời ấy có khoảng hai mươi nghìn dân. Mẹ tôi là người Nga, còn cha tôi là người Ucraina - công nhân phụ việc, thợ làm bánh, đầu bếp, hầu bàn.
Năm 1919, ở tuổi 12, tôi đã trốn nhà và nhập vào một trung đoàn Hồng quân mà chẳng bao lâu đành phải rời bỏ Melitopol. Trung đoàn của chúng tôi bị Bạch vệ đánh tan, và chỉ những nhóm nhỏ may mắn hòa nhập vào các phân đội của sư đoàn bộ binh 44 Hồng quân tại vùng Kiev. Bởi đến thời gian này tôi đã học xong tiểu học và biết đọc, người ta phân tôi về đại đội thông tin. Sau đó tôi đã tham gia vào các trận đánh ở gần Kiev. Năm 1921, khi tôi tròn 14 tuổi, các cán bộ Ban đặc biệt của sư đoàn bị rơi vào ổ phục kích của bọn dân tộc chủ nghĩa Ucraina, và nhiều người trong số họ đã hy sinh. Thời ấy chúng tôi chiến đấu chủ yếu không phải với bọn Bạch vệ mà với các đơn vị của bọn dân tộc chủ nghĩa Ucraina cầm đầu bởi Petliura và Konovalets, tư lệnh quân đoàn “Những tay súng Xetrev”. Khi bắt đầu nội chiến, những kẻ dân tộc chủ nghĩa Ucraina tuyên bố cộng hòa độc lập và chính thức vào tháng 1-1919 đã tuyên bố chiến tranh với nước Nga và lãnh đạo bolsevich Ucraina, (vào những năm 30, còn sau đó, vào những năm 40 tôi đã tham gia trực tiếp vào cuộc đấu tranh với bọn dân tộc chủ nghĩa Ucraina. Cuộc đấu tranh này thực tế mãi đến tháng 01-1992 mới kết thúc, sau khi chính phủ Ucraina lưu vong và toàn bộ phần thế giới còn lại thừa nhận tổng thống Kravtruk là người đứng đầu hợp pháp của nhà nước Ucraina độc lập).
Ban Đặc biệt đã chịu những mất mát lớn, cần gấp điện thoại viên và nhân viên cơ yếu. Và thế là tôi được cử sang làm việc ở cơ quan an ninh. Đó là khởi đầu công tác của tôi ở Ủy ban đặc biệt Liên bang - KGB.
Trong sư đoàn nơi tôi phục vụ, chiến đấu cùng chúng tôi là những người Ba Lan, Đức, Xecbi và thậm chí cả người Trung Quốc. Những người sau cùng rất có kỷ luật và chiến đấu đến giọt máu cuối cùng. Cuộc chiến đấu là tàn khốc, và có khi những làng quê bị hủy diệt trọn vẹn bởi bọn dân tộc chủ nghĩa Ucraina và các băng cướp: trong nội chiến Ucraina có trên một triệu người chết. Thế hệ chúng tôi nhanh chóng quen với những khắc nghiệt, mất mát, khó khăn của cuộc chiến tranh này. Chúng tôi xem toàn bộ thứ đó là hoàn toàn tự nhiên. Đất nước chịu tình trạng chiến tranh từ năm 1914, và bi kịch nước Nga là ở chỗ cho đến tận cuối nội chiến, tức là đến năm 1922, việc xây dựng một xã hội ổn định dựa trên trị giá bình thường, nhân đạo là không thể.
Kinh nghiệm có được khi thực hiện trách nhiệm một điện thoại viên, sau đó là nhân viên mật mã, hóa ra là có lợi. Tôi in các tài liệu với con dấu “mật” được gửi đến ban chỉ huy, và mã hóa các điện tín mà chúng tôi nhận được trực tiếp từ người đứng đầu Treka Toàn Nga Feliks Dzerjinxky từ Moskva.
Năm 1921 là bước ngoặt của cuộc đời tôi. Sư đoàn được chuyển đến Jưtomir. Nhiệm vụ chính của Ban Đặc biệt là giúp Treka địa phương thâm nhập vào các đội du kích bí mật của bọn dân tộc chủ nghĩa Ucraina do Petliura và Konovalets lãnh đạo. Các băng vũ trang của chúng tổ chức phá hoại chống các cơ quan của chính quyền Xô viết địa phương. Potajevich và Xavin lãnh đạo Treka đã thiết lập được đối thoại với những kẻ lãnh đạo du kích và tiến hành những cuộc thương thuyết không chính thức. Họ gặp nhau tại điểm hẹn ở Jưtomir. Là nhân viên trẻ, tôi phải ở nơi hẹn và phục vụ cuộc thương thuyết. Kinh nghiệm giao tiếp với các thủ lĩnh của bọn dân tộc chủ nghĩa Ucraina mà thực chất là những chủ nhân ông đích thực trong khu vực của mình, đã giúp tôi trong tương lai khi tôi trở thành cán bộ tác chiến của cơ quan An ninh Quốc gia.
Chiến tranh với bọn dân tộc chủ nghĩa Ucraina tiếp diễn gần hai năm và kết thúc bằng sự thỏa hiệp - các thủ lĩnh của chúng được chính phủ Ucraina Xô viết ân xá. Điều đó xảy ra sau khi toán kỵ binh với hai ngàn tay kiếm do Konovalets và Petliura phái tới bị vây hãm bởi các phân đội Hồng quân và đã đầu hàng. Băng cướp của Konovalets bị một thất bại choáng váng. Anh trai của tôi, Nicolai phục vụ tại đơn vị biên phòng trên biên giới Ba Lan, đã hy sinh trong những trận đánh này. Còn tôi đã xin chuyển về Melitopol để được gần hơn với gia đình và có khả năng giúp đỡ gia đình.
Trong suốt ba năm cuối ở tại Melitopol tôi là nhân viên tác chiến tại GPU [Cục An ninh Quốc gia] khu và chịu trách nhiệm về công việc của các chỉ điểm viên hoạt động trong dân chúng người Đức, người Bungari và người Hi Lạp. Năm 1927 tôi được thăng chức và chuyển về Kharkov lúc đó là thủ đô của Ucraina, nơi tôi bắt đầu làm việc tại GPU cộng hòa Xô viết Ucraina. Chính ở đấy, ở Kharkov, tôi đã gặp người vợ tương lai của mình, Emma Kaganova: tôi hai mươi, cô hơn tôi hai tuổi - cô chuyển đến Ucraina từ thành phố Gomel nước cộng hòa Beloruxia.
Emma là người thông minh, và cô đã thi đỗ vào trung học, nơi đối với người Do Thái có một chuẩn mực hạn chế. Cô kết thúc mấy lớp của trung học và đã làm thư ký đánh máy chỗ Khataevich, bí thư tổ chức Bolsevich tỉnh Gomel. Khi người ta chuyển người phụ trách của cô về Odessa, nơi ông đứng đầu tổ chức Đảng, cô đã đi theo ông. Chính ở Odessa Emma đã chuyển sang GPU địa phương. Cô được giao tiến hành công việc trong những người Đức sống tại thành phố. Cô gái tóc sáng mắt xanh, nói bằng phương ngữ gần với tiếng Đức và hoàn toàn được coi là một cô gái Đức.
Cô chuyển về Kharkov một năm trước khi tôi chuyển về đó. Tại GPU cộng hòa Xô viết Ucraina, Emma có một vị trí nặng ký hơn nhiều so với một kẻ mới toanh là tôi lúc ấy. Là một phụ nữ hấp dẫn và có học thức, thêm nữa đọc nhiều và cảm thấy bản thân khá tự do trong giới nhà văn và thi sĩ, người ta giao cho cô lãnh đạo hoạt động của những người đưa tin trong giới trí thức Ucraina - các nhà văn và các nhà hoạt động sân khấu. Tôi gặp cô tại nơi làm việc. Sắc đẹp và trí tuệ của cô đã làm tôi sững sờ. Cha của Emma, người chống bè gỗ, đã mất khi cô mới lên mười. Cô bắt đầu làm việc một mình và nuôi cả gia đình có tám đứa trẻ. Vậy nên giữa tôi và Emma có nhiều điểm chung: cả tôi lẫn cô đều là chỗ dựa của gia đình, và do hoàn cảnh mà phải chín chắn sớm trước tuổi.
Bất kể công việc của chúng tôi bận rộn, cô vợ đã thúc giục tôi nghiên cứu luật học tại trường đại học Tổng hợp Kharkov. Nhưng thực ra tôi chỉ dự được tất thẩy có mười buổi giảng và trả được một môn thi - địa lý kinh tế. Đơn giản là tôi không có thì giờ. Ngày làm việc của tôi bắt đầu vào mười giờ sáng và kết thúc lúc sáu giờ chiều với một khoảng nghỉ ăn trưa. Sau đó bắt đầu các cuộc gặp chỉ điểm viên ở các điểm hẹn. Chúng tiếp diễn từ bảy rưỡi tối đến mười một giờ đêm. Rồi tôi quay lại cơ quan để báo cáo với lãnh đạo về những tài liệu tác chiến nhận được.
Từ năm 1922 GPU, sau đó là NKVD-KGB (nay là FSB) và cơ quan phản gián đối ngoại khi tiếp nhận các quyết định về những vấn đề đường lối đối nội và đối ngoại của nhà nước đều phải là nguồn tin chủ yếu đối với tất cả các cấp lãnh đạo Xô viết.
[NKVD: Hội đồng Dân ủy Nội vụ. KGB: Ủy ban An ninh Quốc gia. FSB: Tổng cục An ninh Liên bang Liên bang Nga]
Như hiện giờ lãnh đạo đất nước vẫn nhận các báo cáo hàng tháng về tình hình trong quốc gia từ các cơ quan an ninh theo đường dây điệp viên của họ. Báo cáo loại này bao gồm các khó khăn bên trong và những khuyết điểm trong công tác của những tổ chức, xí nghiệp và công sở khác nhau. Theo chế định đặt ra từ thời Stalin, không được phép gặp chỉ điểm viên của mình ban ngày. Vậy nên chúng tôi mới gặp nhau vào ban đêm. Stalin ngồi đến tận khuya, và chúng tôi cũng làm việc như thế.
Như trớ trêu của số phận, phụ trách ban thông tin của phòng chúng tôi là cựu sĩ quan Sa hoàng Cozelxky, xuất thân trong một gia đình quý tộc sa sút. Dù con người này từng phục vụ trong quân đội Sa hoàng, cảm tình của ông đối với những người Bolsevich thể hiện trong những năm cách mạng, cho phép ông chiếm được lòng tin của chúng tôi. Năm 1937 ông tự sát để tránh bị thanh trừng...
Đối với tôi Emma là lý tưởng của một phụ nữ chân chính, và năm 1928 chúng tôi cưới nhau, dù người ta chỉ đăng ký chính thức hôn nhân của chúng tôi năm 1951. Nhiều đồng đội của tôi cũng đã sống như thế nhiều năm liền không đăng ký hôn thú của mình.
Trong khi đó công việc vẫn tiến triển, và tôi nhận một nhiệm vụ mới - khá bất thường nhưng quan trọng - cùng lúc được kiểm soát bởi các nhà lãnh đạo OGPU [Tổng cục An ninh Quốc gia] và các tổ chức Đảng. Chức vụ mới của tôi được gọi là: chính ủy trại đặc biệt ở Priluki dành cho trẻ em không người chăm sóc. Sau nội chiến những trại loại này đặt nhiệm vụ chấm dứt sự lang thang của trẻ mồ côi mà cái đói và cùng quẫn đã đẩy vào con đường phạm tội. Để nuôi dưỡng những trại này mỗi chiến sĩ Treka phải trích ra mười phần trăm tiền lương của mình. Tại đó có các xưởng thợ và các lớp dạy nghề: thái độ lao động của bọn trẻ lúc đó được xem là có ý nghĩa quyết định. Chiếm được lòng tin của các trại viên, tôi đã tổ chức được một nhà máy sản xuất bình cứu hỏa mà chả bao lâu đã bắt đầu đưa lại thu nhập.
Nhờ địa vị của vợ tôi trong các giới đảng ở Ucraina, tôi hai lần được gặp Koxior, bí thư BCHTƯ ĐCS [Ban chấp hành Trung ương đảng Cộng sản] Ucraina lúc ấy. Những buổi gặp đó diễn ra tại nhà Khataevich nơi chúng tôi được mời với tư cách là khách. Gây ấn tượng đặc biệt đối với tôi là cái cách hai nhà lãnh đạo nhìn tới tương lai của Ucraina. Các vấn đề kinh tế và bi kịch của tập thể hóa họ xem như khó khăn tạm thời cần vượt qua bằng mọi cách. Theo họ, cần thiết đào tạo một thế hệ mới, tuyệt đối trung thành với sự nghiệp chủ nghĩa cộng sản và thoát khỏi mọi nghĩa vụ theo quan niệm cũ. Nên chú trọng nhất đến sự phát triển và nâng đỡ giới trí thức mới có thái độ thù nghịch với các tư tưởng dân tộc chủ nghĩa. Sau chục năm Liên Xô tan vỡ để trở thành hiển nhiên: cần kiên nhẫn và cố gắng hiểu mặt trái vấn đề, chứ không nên hung hăng tìm mọi cách tiêu diệt nó.
Tôi và vợ rất tự hào vì những người như Koxior và Khataevich trò chuyện với chúng tôi như với các đồng chí cùng đảng của mình, dù cả hai chúng tôi lúc đó còn là đoàn viên. Sau đó chúng tôi mới trở thành đối tượng đảng.
Năm 1933 người lãnh đạo GPU Ucraina Balitsky được cử làm Phó chủ tịch OGPU toàn Liên bang. Chuyển về Moskva, ông lấy theo mấy cộng sự, trong đó có cả tôi. Tôi nhận ở Cục cán Bộ An ninh Quốc gia chức vụ chánh thanh tra thuyên chuyển công tác và những chỉ định mới tại Cục đối ngoại (tình báo ngoài nước) của OGPU.
Vào thời ấy tôi bắt đầu thường xuyên tiếp xúc với Artuzov, phụ trách Cục đối ngoại và phó của ông là Xlutsky.
Có vai trò lớn tại Cục đối ngoại, ngoài Artuzov và Xlutsky, là Berman, Fedorov (lãnh đạo đấu tranh với dân di tản), Spigelglaz, Minxker. Eitingon và Gogojanin (người cuối cùng được Maiacovxky tặng bài thơ “Những chiến sĩ của Dzerjinxky”).
------------
Còn tiếp.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét