Chủ Nhật, 31 tháng 7, 2022

Những Chiến Dịch Đặc Biệt - Chương 8-9

Những Chiến Dịch Đặc Biệt

Tác giả: Pavel Xudoplatov
Người dịch: Nguyễn Văn Thảo
Thể loại: Hồi ký
Nhà xuất bản Công an nhân dân
Năm xuất bản: 2003 (Lưu hành nội bộ)

Chương 8: Chiến Tranh Lạnh

9. Lãnh đạo Xô viết và vấn đề người Kurd ở Cận Đông những năm 1947-1953

Năm 1947 những toán vũ trang người Kurd dưới sự chỉ huy của Mulla Muxtafa Barzani tranh chấp với quân đội nhà vua, đã vượt qua biên giới chúng ta với Iran và lọt vào lãnh thổ Azerbaizan.
Những người Kurd sinh sống ở Iraq, Iran và Thổ Nhĩ Kỳ chịu mọi sự chèn ép, còn các đại diện chính quyền Anh từng thân với người Kurd trong giai đoạn sôi động giới cầm quyền Iran thân Đức những năm 1939-1941, sau khi đưa quân đội Anh và Liên Xô vào Iran, đã từ chối giúp đỡ họ.
Những toán quân chiến đấu của Barzani vượt qua biên giới lên đến hai nghìn, với họ còn thêm chừng ấy gia quyến nữa. Chính quyền Xô viết lúc đầu quản thúc những người Kurd và xếp họ vào trại, còn năm 1947 Abakumov lệnh cho tôi đàm phán với Barzani và đề nghị ông ta và những người đến cùng ông chấp nhận cư trú chính trị với sự sinh sống tạm thời tại các vùng nông thôn Uzbekixtan không xa Taskent.
Tôi được giới thiệu với Barzani như là Matveev, phó tổng giám đốc TASS và đại diện chính thức của chính phủ Liên Xô. Lần đầu tiên trong đời, tôi gặp một viên đại quan phong kiến đích thực. Đồng thời tôi có ấn tượng Barzani là một chính khách sáng suốt và là nhà lãnh đạo quân sự có kinh nghiệm. Ông nói rằng qua một trăm năm gần đây người Kurd đã có 80 cuộc khởi nghĩa chống người Ba Tư, Iraq, Thổ và Anh và trong hơn 60 trường hợp đều nhờ sự giúp đỡ của nước Nga. Vì thế, theo lời ông, họ hoàn toàn tự nhiên xin sự giúp đỡ của chúng ta trong những ngày khó khăn của họ, khi chính quyền Iran xóa bỏ cộng hòa Kurd.
Trước những sự kiện này không lâu, những người Kurd khởi nghĩa đã rơi vào bẫy do nhà vua sắp đặt: họ được mời về Teheran để đàm phán, bị bắt và treo cổ ở đấy. Chỉ Barzani thoát khỏi số phận ấy. Khi nhà vua mời chính Barzani đến để thương thuyết, ông trả lời rằng chỉ đến trong trường hợp nhà vua gửi các thành viên gia đình mình đến ban tham mưu của ông với tư cách con tin. Trong khi tiến hành những đàm phán sơ bộ với nhà vua, Barzani tung một phần lớn lực lượng của mình vào những vùng miền bắc Iran, gần với biên giới Liên Xô. Còn chúng ta, vì mối quan tâm của mình trong việc sử dụng những người Kurd trong đường lối của chúng ta làm suy yếu ảnh hưởng của Anh và Mỹ tại các nước Cận Đông chung biên giới với Liên Xô. Tôi tuyên bố với Barzani rằng phía Liên Xô đồng ý để Barzani và một phần sĩ quan của ông trải qua huấn luyện đặc biệt trong các học viện và trường trung cấp quân sự. Tôi cũng cam đoan với ông rằng sự bố trí dân cư ở Trung Á chỉ là tạm thời cho đến khi chín muồi điều kiện để họ trở về Kurdistan.
Abakumov cấm tôi thông báo với Bagirov, nhà lãnh đạo ĐCS Azerbaizan về nội dung cuộc đàm phán với Barzani, đặc biệt là về sự đồng ý của Stalin cho các sĩ quan Kurd qua huấn luyện trong các trường quân sự của chúng ta.
Vấn đề là ở chỗ Bagirov muốn lợi dụng Barzani và người của ông để làm mất ổn định tình hình ở Azerbaizan của Iran. Thế nhưng Moskva cho rằng Barzani sẽ có thể đóng vai trò quan trọng hơn trong việc lật đổ chế độ Iraq thân Anh. Và ngoài ra, đặc biệt quan trọng, nhờ người Kurd chúng ta có thể loại Iraq khỏi sản xuất dầu khí lúc đó có ý nghĩa quan trọng đặc biệt trong cung cấp dầu lửa cho các tập đoàn quân Anh - Mỹ ở Cận Đông và Địa Trung Hải.
Kết thúc đàm phán với Barzani tôi bay đến Taskent và thông tin cho lãnh đạo Uzbekixtan về việc ông ta sắp tới. Sau đó quay về Moskva.

Barzani và và các toán quân bị tước vũ khí của mình cùng gia đình được chuyển về Uzbekixtan.

Sau 5 năm, tháng 3-1952 tôi được phái đi Uzbekixtan gặp Barzani để giải quyết những vấn đề nảy sinh. Barzani không muốn chờ đợi và bất bình với thái độ của lãnh đạo địa phương. Ông cầu xin Stalin giúp đỡ và đòi hỏi thực hiện những lời hứa trước đây với ông. Ông đòi thành lập các đơn vị chiến đấu của người Kurd. Barzani cũng muốn giữ uy tín của mình với đồng bào bị phân tán ở các nông trang xung quanh Taskent và kiểm soát họ.
Cuộc gặp gỡ với Barzani diễn ra ở biệt thự chính phủ. Phiên dịch của tôi là thiếu tá Zemxkov, anh cũng như Barzani nói tốt tiếng Anh. Barzani kể với tôi là người Mỹ và người Anh muốn mua chuộc ông để tiến hành hoạt động gây sức ép lên các chính phủ Iraq, Iran và Thổ Nhĩ Kỳ.
Kế hoạch tôi soạn thảo theo sự giao phó của Bộ trưởng An ninh mới Ignatiev quy lại là để thành lập một binh đoàn đặc biệt người Kurd - gồm 1.500 người - cho các chiến dịch phá hoại ở Cận Đông. Có thể dùng nó cả cho sự lật đổ chính phủ Nuri Said ở Baghdad, điều hẳn làm đổ vỡ nghiêm trọng uy tín của Anh trong toàn khu vực Cận Đông. (Nhờ người Kurd chúng ta đã thực hiện được điều này năm 1958, khi tôi đã ở trong tù). Người Kurd cũng cần đóng một vai trò xác định trong các kế hoạch của chúng tôi gắn với sự phá hủy ngành dầu khí trên lãnh thổ Iraq, Iran và Syrie trong trường hợp bùng nổ các hành động quân sự hay mối hiểm họa trực tiếp của sự tấn công hạt nhân vào Liên Xô.
Barzani đồng ý ký hiệp ước về hợp tác với chính phủ Xô viết để đổi lấy sự bảo đảm cùng tác động của chúng ta trong việc thành lập cộng hòa Kurd mà Barzani nhìn thấy trước hết ở vùng tiếp giáp các biên giới Bắc Iraq, Iran và Thổ Nhĩ Kỳ.
Nghe Barzani nói xong, tôi đáp rằng tôi không được ủy quyền bàn bạc một hiệp ước kiểu ấy. Thế nhưng chúng tôi không phản đối việc thành lập chính phủ Kurd lưu vong.
Cán bộ Ban quốc tế BCHTƯ đảng đi cùng tôi, Mantskha tham gia đàm phán, đề nghị thành lập đảng Dân chủ Kurdistan đứng đầu là Barzani. Theo ý đồ Mantskha, đảng phải điều phối hoạt động của các đại diện chính phủ của Barzani ở tất cả các vùng có người Kurd sinh sống.
Tôi không tham gia vào câu chuyện đó nhưng nghe một cách chăm chú. Khi kết thúc Barzani mời tôi đi gặp các sĩ quan tham mưu của ông. Khi chúng tôi xuất hiện, chừng ba mươi người đứng theo tư thế nghiêm. Sau đó bọn họ quỳ gối và bò đến Barzani, lạy lục xin phép hôn gấu áo và giày của ông. Dĩ nhiên, mọi ảo tưởng về một nước Kurdistan mà tôi vẫn nuôi từ bấy đến giờ, đã hóa thành mây khói. Tôi đã rõ hoàn toàn rằng đó là thêm một sáng kiến tư tưởng hệ nảy sinh trong lòng BCHTƯ ở quảng trường Cũ.

Tháng 4-1952 Barzani cùng gia đình và đồng bào mình, sống tại một nông trang lớn gần Taskent. Moskva quyết định rằng người Kurd được trao chế định vùng tự trị. Bộ An ninh được giao tổ chức huấn luyện quân sự cho người Kurd và giúp đỡ họ liên hệ với những đồng bào ở nước ngoài. Các ý đồ của chúng tôi cài người của mình vào giới thân cận của Barzani và tuyển mộ ai đó trong số người Kurd đều bị cơ quan an ninh của họ phong tỏa. Thực ra Zemxky có nhiều kinh nghiệm giao tiếp với người Kurd đã tuyển mộ được một sĩ quan cấp thấp học ở học viên quân sự, nhưng sau khi trở về Taskent, anh ta đã biến mất không còn dấu vết. Chúng tôi đã cố tìm anh ta nhưng không thể và đi tới kết luận là anh ta bị thủ tiêu theo lệnh Barzani.
Mùa xuân 1953 xảy ra với tôi một trường hợp trớ trêu. Barzani tham dự buổi giảng trong học viện quân sự trong đó tôi đang theo học. Có lần ông trông thấy tôi trong quân phục trung tướng. Nháy mắt láu cá với tôi, qua người phiên dịch, một trung úy trẻ, ông nói:
- Rất vui có việc với đại diện chính phủ Xô viết trong quân hàm cao dường ấy.
Về phía mình, đáp lại tôi chúc ông nhiều thành công trong việc nắm vững các môn học quân sự.
Lần cuối cùng tôi gặp Barzani trên phố Gorky ngay trước khi tôi bị bắt. Tôi mặc đồ dân sự. Ông nhận ra tôi và muốn lại gần, nhưng với địa vị của tôi cuộc gặp gỡ này chẳng để làm gì, và tôi làm ra vẻ không trông thấy ông rồi lẩn nhanh vào đám đông.

Barzani đủ thông minh để hiểu: tương lai của người Kurd phụ thuộc vào điều là đóng được vai trò như thế nào trong những mâu thuẫn giữa các siêu cường quốc có quyền lợi của mình ở Cận Đông.
Nhìn lại, ta thấy rằng các siêu cường nói chung không hăng hái nghĩ đến một giải pháp công bằng của vấn đề Kurd. Số phận Kurdistan từ quan điểm các quyền lợi của nó chưa bao giờ được xem xét cả ở trong Kremli, lẫn ở London hay Washington. Cả phương Tây, cả chúng ta chỉ quan tâm một điều - tiếp cận các khu mỏ dầu lửa ở các nước Cận Đông, dù điều đó trông có vẻ trơ trẽn thế nào đi nữa.
Vào những năm 40-50 mục đích của chúng ta là sử dụng phong trào người Kurd trong sự đối kháng với phương Tây vào hoàn cảnh “chiến tranh lạnh”. Ý tưởng lập cộng hòa Kurd cho phép chúng ta tiến hành chính sách hướng đến làm suy yếu địa vị của Anh và Mỹ ở Cận Đông, nhưng đông đảo tầng lớp cư dân Kurd lại thờ ơ với các hành động nhằm chống lại người Anh và Mỹ trong khu vực này.
Đến trước nửa sau những năm 50 người Kurd là đồng minh duy nhất của ta tại Cận Đông. Khi chế độ Nuri Said bị lật đổ trong cuộc binh biến (với sự ủng hộ của chúng ta), chúng ta có những đồng minh như Iraq, Syrie, Arập mà từ quan điểm quyền lợi địa-chính trị của Liên Xô là quan trọng hơn nhiều so với người Kurd. Iraq và Syrie bắt đầu có vai trò chủ yếu trong chính sách Cận Đông của chúng ta và sự đối kháng với phương Tây trong khu vực không bình lặng này.
Bi kịch của chính Barzani và đồng bào ông là ở chỗ trong các quyền lợi của Liên Xô và phương Tây (đến chừng mực nào đó còn là của các nước Arập và Iran), người ta xem người Kurd như một lực lượng gây nỗi sợ trong khu vực hay công cụ trao đổi trong các đụng độ mâu thuẫn của các nhà cầm quyền Thổ Nhĩ Kỳ, Iran và Iraq.
Một giải pháp sáng suốt về vấn đề người Kurd là trao vùng tự trị có đảm bảo của quốc tế, dù nó có hạn chế đến đâu đi nữa. Về thực chất, không ai ở phương Tây lẫn ở các nước Arập lại muốn những mỏ dầu lửa sẽ nằm trên lãnh thổ quốc gia Kurd độc lập và dưới sự kiểm soát của nó.
Năm 1963 khi ở ta nảy sinh những phức tạp với chính phủ Kasem và những người dân tộc chủ nghĩa thay thế ông ta, tôi đang trong tù, đã từ đó gửi những đề nghị về những tiếp xúc có thể với Barzani và được cho biết, những đề nghị được tiếp nhận. Sự trợ giúp đến với người Kurd - vũ khí và đạn dược, để họ bảo vệ đất đai của mình khỏi những cuộc thám sát tiễu phạt của quân đội Iraq. Thế nhưng mọi ý đồ của chúng ta làm người Kurd trở thành đồng minh chiến lược để có khả năng ảnh hưởng đến các sự kiện ở Iraq, đã không có được kết quả.
------------
Còn tiếp.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét