Chủ Nhật, 31 tháng 7, 2022

Những Chiến Dịch Đặc Biệt - Chương 8-7

Những Chiến Dịch Đặc Biệt

Tác giả: Pavel Xudoplatov
Người dịch: Nguyễn Văn Thảo
Thể loại: Hồi ký
Nhà xuất bản Công an nhân dân
Năm xuất bản: 2003 (Lưu hành nội bộ)

Chương 8: Chiến Tranh Lạnh

7. Những chiến dịch điệp viên của Abel-Fiser và những người khác ở Tây Âu và trên đại lục Mỹ

Quyết định chuyển Fiser ra nước ngoài được phê chuẩn cuối 1947. Tôi đề nghị Fedotov chuyển ông sang Tây Âu và Bắc Mỹ để kiểm tra tại chỗ mạng lưới điệp viên chúng ta có ở Pháp, Na Uy, Mỹ và Canada. Ông phải bảo đảm sự tiếp cận những cơ sở quân sự, kho tàng, kho đạn dược. Chúng ta rất cần biết được người Mỹ có khả năng đổ quân sang châu Âu trong trường hợp “chiến tranh lạnh” tăng trưởng thành chiến tranh nóng như thế nào.
Eitingon về phần mình, đề nghị Fiser nhận quốc tịch Mỹ và bố trí hệ thống liên lạc điện đài riêng của mình với Moskva. Tự ông là một nhân viên điện đài giỏi. Tôi đồng ý với Eitingon, nhấn mạnh rằng trong bất cứ trường hợp nào Fiser cũng không được dựa vào các nguồn thông tin cũ. Ông phải thiết lập những tiếp xúc mới, sau đó kiểm tra những người mà chúng ta đã sử dụng những năm 30-40: trong từng trường hợp ông cần tự quyết định, có nên bắt mối liên lạc với họ hay không, nghĩa là chúng tôi sẽ không báo với họ về sự xuất hiện người phụ trách mới của họ ở phương Tây.
Quan trọng hàng đầu ở Mỹ đối với chúng ta là bờ biển miền Tây - chính ở đấy tại Long Bach, có các cơ sở quân sự. Fiser nhận chỉ thị thông báo với chúng tôi về các chuyến hàng quân sự chuyển đi Trung Quốc cho Quốc dân đảng Trung Hoa lúc ấy vẫn đang tiến hành những trận chiến tàn khốc với quân Giải phóng nhân dân Trung Hoa.
Fiser lập được mạng điệp viên mới, liên kết các điệp viên ở California và điệp viên người lưu vong Tiệp ở Brazin, Mexico và Argentina. Người của ông báo cáo về sự di chuyển của kỹ thuật quân sự và đạn dược được chuyển từ các cảng Mỹ trên Thái Bình Dương đến các cảng Viễn Đông. Các điệp viên khá thường xuyên đi từ Mỹ Latinh sang Mỹ theo công việc gắn với kinh doanh của họ, vỏ bọc tuyệt vời. Tất cả bọn họ là những chuyên gia thật sự về tiến hành các chiến dịch phá hoại, có nhiều kinh nghiệm trong thời gian chiến tranh du kích chống Đức. Trong nhóm Mỹ Latinh này có Grintsenko, Filonenko và cựu thư ký của Trotsky, Maria de Las Eras (mật danh “Patria”). Nhận lệnh từ Trung tâm, họ có thể lôi kéo các điệp viên California vào các chiến dịch phá hoại.
Đại tá Filonenko và vợ ông, thiếu tá tình báo, cùng với ba đứa trẻ sống ở Argentina, Brazin và Paragoay, dưới vỏ bọc doanh nhân Tiệp từ Thượng Hải chạy trốn những người cộng sản Trung Quốc. Trong trường hợp cần thiết, họ có thể sử dụng những người Trung Quốc sống ở California để tiến hành gây nổ trên các tàu Mỹ chở hàng quân sự đi Viễn Đông. Để hạn chế mạo hiểm, Filonenko thường đều đặn đi thăm Mỹ thay cho việc sống cố định tại đấy. Rất may, đã không có lệnh tiến hành phá hoại trên các tàu Mỹ.
Mạng lưới điệp viên khác của Fiser - các kiều dân Đức ở bờ biển phía Đông của Mỹ. Nói riêng có Kurt Vizel cựu trợ lý của Ernest Vollveber, chuyên gia tiến hành phá hoại từ trước chiến tranh. Tại Mỹ ông đã leo cao trong công tác và giữ chức kỹ sư trưởng của hãng chế tạo tàu biển cho phép tiếp cận thông tin bí mật. Hãng của ông nằm đâu đó gần Nolfork hay Philadelphia gì đó, ông có các mối liên hệ rộng trong cư dân Đức tại đây. Vizel tạo được một nhóm tin cậy để tiến hành các vụ phá hoại.
Vào cuối những năm 40 cũng có người bị quyến rũ bởi ý định trang bị các thiết bị nổ cho Vizel và Filonenko, nhưng tôi kiên quyết phản đối. Mùa thu 1950 khủng hoảng trong cuộc chiến Triều Tiên lên đến đỉnh điểm, các chuyên gia chúng ta vốn có thể lắp thiết bị nổ tại chỗ, đã từ Mỹ Latinh đi sang Mỹ. Họ ở Mỹ hai tháng, nhưng không có lệnh của Trung tâm, và các sĩ quan lại yên lành trở về Argentina, còn từ đấy qua Vienne về Moskva.
Có thể điều đó đã cứu các điệp viên ở Mỹ Latinh thoát chết. Vào những năm 1950-1960 tình báo Mỹ kết hợp chặt chẽ với các cơ quan đặc biệt các quốc gia Mỹ La tinh tích cực tìm kiếm và mò mẫm một số cách tiếp cận các điệp viên ngầm của ta. Nói riêng người Mỹ biết chắc chắn rằng điệp viên Xô viết Artur, ông cũng là “Iuzik” (tên trong tài liệu tác chiến của Grigulevich), đã lập một nhóm tình báo - phá hoại ở Argentina trong những năm chiến tranh. Rất may Grigulevich đã được đưa ra khỏi đòn giáng năm 1944, trở về Liên Xô qua một lớp huấn luyện của đại tá Makliarxky, rồi được ném sang Tây Âu. Họ cũng tìm Zina - vợ của đại tá Filonenko mà họ rõ nhân dạng, vì bà hoạt động công khai năm 1945 trong phái đoàn thương mại ở Montevideo.
Các nhà lãnh đạo cơ quan bí mật của ta của Ủy ban thông tấn, sau là Tổng cục 1 KGB đã làm một sự phiêu lưu khó biện minh khi gọi Filonenko đến cuộc họp bí mật ở Urugoay, tại Montevideo. Dù chuyến đi không khó nhưng điệp viên ngầm - trưởng nhóm đi sang một nước mà phản gián địa phương có những tư liệu về vợ ông ta là mạo hiểm.
Trong thời gian ở Moskva, Fiser về nghỉ phép, Abkumov hay hình như Molotov có nêu vấn đề về truy lùng Orlov, tôi kiên quyết phản đối, nhắc lại BCHTƯ đã cấm chúng tôi truy nã ông ta. Ngoài ra Orlov sẽ nhận ra ngay sự theo dõi hay bất kỳ ý đồ nào của các điệp viên tìm cách đến gần những người họ hàng của ông ta. Ý tưởng dùng Fiser để tìm kiếm Orlov là của Korotkov.
Về sau chính Korotkov trở thành kẻ có lỗi trong sự đỗ vỡ của Fiser. Năm 1955, với tư cách trợ lý ông ta đã gửi cho Fiser điệp viên Kheikhanen, người Phần Lan. Tay này thích rượu, tiêu hết tiền tác chiến, vi phạm nguyên tắc bảo mật, còn khi người ta quyết định gọi y về Moskva, y trốn ở lại Mỹ và khai ra Fiser “Rudolf-Abel”.
Fiser được chuyển về Cục tình báo bí mật của Ủy ban thông tấn, nhưng tôi vẫn để ý đến ông. Năm 1951 hay 1952 bộ trưởng mới Bộ An ninh, Ignatiev ra lệnh để văn phòng của tôi cùng với GRU chuẩn bị kế hoạch của chiến dịch phá hoại tại các cơ sở quân sự Mỹ trong trường hợp chiến tranh hay đụng độ khu vực hạn chế gần biên giới. Chúng tôi xác định 100 mục tiêu, chia chúng thành 3 loại: các căn cứ quân sự nơi đóng các lực lượng không quân chiến lược với vũ khí hạt nhân; các công trình quân sự với kho tàng đạn dược và kỹ thuật chiến tranh dành để cung ứng cho quân đội Mỹ ở châu Âu và Viễn Đông; và cuối cùng, các đường dẫn dầu với kho chứa nhiên liệu để đảm bảo cho sự bố trí ở châu Âu các đơn vị Mỹ và NATO cố định, cũng như cho quân đội họ đóng ở Cận Đông và Viễn Đông ở gần biên giới nước ta.
Đến đầu những năm 1950 chúng tôi có trong tay những điệp viên có thể thâm nhập vào các căn cứ và cơ sở quân sự ở Na Uy, Pháp, Áo, Đức, Mỹ và Canada. Kế hoạch là để thiết lập sự theo dõi và kiểm soát các cơ sở chiến lược của NATO, ghi nhận sự tích cực của nó. Fiser phải thiết lập iên lạc điện đài cố định, tin tưởng các nhóm chiến đấu chúng ta dự trữ ở Mỹ Latinh. Trong trường hợp cần thiết những người này sẵn sàng vượt biên giới Mexico sang Mỹ như những công nhân thời vụ.
Tại châu Âu trong khi đó công tước Gagarin, điệp viên từ lâu của ta tự nhận là người lưu vong có tinh thần chống Xô viết và thời thế chiến II phục vụ trong quân đội của Vlaxov, chuyển từ Đức sang Pháp. Nhiệm vụ của ông là tạo lập các căn cứ cho các hoạt động phá hoại ở các cảng biển và sân bay quân sự cũng như những nhóm phần tử vũ trang mà trường hợp chiến tranh hay căng thẳng dọc biên giới nước ta, hẳn đủ sức loại khỏi vòng chiến đấu hệ thống cung ứng sinh hoạt và thông tin của ban tham mưu NATO đóng ở Fontainebleau - ngoại ô Paris.
Một trong những nhà hoạt động chính trị Pháp được tuyển dụng những năm 1930 bởi Xerebrianxky khi ông làm việc trong văn phòng Daladie, thủ tướng lúc ấy, cũng có vai trò quan trọng trong mạng lưới điệp viên chúng ta tổ chức, ở Moskva tôi được chuyển một nhóm chuyên gia về dầu lửa, chế biến dầu và bảo quản nhiên liệu mà cùng họ chúng tôi thảo luận các đánh giá kỹ thuật và sự phân bố các đường dẫn dầu chủ chốt ở Tây Âu. Sau đó chúng tôi giao cho các sĩ quan của mình nhiệm vụ chiêu mộ điệp viên phá hoại trong số người phục vụ các nhà máy lọc dầu và quản lý ống dẫn dầu.
Năm 1952 tôi nhận một thông báo rằng Fiser đã nhận quốc tịch Mỹ và bằng cách đó kiếm được “ô” chắc chắn. Bây giờ ông có thể làm, hoàn toàn chính thức, một nghề nghiệp của mình - nghệ sĩ hay họa sĩ. Ông có ba căn hộ được trang bị điện đài: giữa New York và Nolfork, gần hồ Lớn và tại bờ biển miền Tây. Đó là điều cuối cùng tôi nghe được về ông trước khi tôi bị bắt và trước thời điểm ông được đổi lấy phi công quân sự Mỹ Powers, nằm trong tù Vladimir, nơi tôi cũng ở đó thời ấy.
Ignatiev thay chức Bộ trưởng An ninh của Abakumov, cùng với Bộ trưởng Quốc phòng, nguyên soái Vaxilevxky năm 1952 khuyến khích kế hoạch hành động chống lại các căn cứ quân sự chiến lược Mỹ và NATO trong trường hợp chiến tranh hay các đụng độ toàn cục vượt khỏi tầm kiểm soát. Nhưng đề nghị của tôi mở rộng cơ sở hoạt động của điệp viên ở Paris bất ngờ đã vấp phải những khó khăn nghiêm trọng.
Khokhlov (mật danh “Xvixtun”), một trong điệp viên - cựu binh của chúng ta, làm việc tích cực trong những năm chiến tranh, đột nhiên bị phát giác bởi phản gián đối phương, sau đó anh ta chạy sang phương Tây. Trước chiến tranh Khokhlov chủ yếu “làm việc” trong giới trí thức. Chúng tôi lên kế hoạch dùng anh ta như người liên lạc cho mạng điệp viên được thành lập ở Moskva trong trường hợp nó bị Đức chiếm. Ở Minxk, anh làm quen với cô hầu của thống đốc Beloruxia người Đức. Năm 1943 trong phòng ngủ của ông chủ một quả mìn được gài dưới đệm và thống đốc Cube bị giết.
Tôi đưa theo Khokhlov sang Rumani để anh ta quen dần với lối sống phương Tây. Trở về Moskva anh ta là nguồn dữ trữ tích cực nhằm để cài sâu sang phương Tây. Tôi bố trí cho anh ta vào học khoa ngữ văn Trường đại học Tổng hợp Moskva. Từ những năm 1950 Khokhlov bắt đầu thường hay đi sang phương Tây. Trong văn phòng tôi, Khokhlov do Tamara Ivanovna phụ trách, cô là trưởng phòng huấn luyện điệp viên. Cô làm việc tốt ở Hungari và Áo, năm 1945 tham gia chiêu mộ những người Đức trong chiến dịch Berezino, nhưng năm 1948 được gọi về theo sắc lệnh đình chỉ công việc và gọi về tất cả các điệp viên từ những nước xã hội chủ nghĩa Đông Âu.
Khokhlov mấy lần đi Đức, Áo và Thụy Sĩ. Tôi muốn anh ta bằng khả năng thiên phú làm quen với vũ nữ balê gốc Gruzia trong nhà hát balê Paris mà người ta thường thấy trong nhóm các sĩ quan Mỹ và thành viên NATO. Bản thân Khokhlov không biết gì về các kế hoạch này. Thật tiếc và bực tức, anh ta đã gây một sai lầm không thể tha thứ mà lúc đầu tự thấy không quan trọng. Dưới mắt tôi, điều đó đã gạch bỏ hoàn toàn đường công danh của anh ta.
Tháng 5-1992 Khokhlov xuất hiện một thời gian ngắn ở Moskva sau khi Eltsin ký lệnh ân xá cho y, nhưng rồi nhanh chóng lại quay sang Mỹ.
Một trong những chỉ huy cuối của Khokhlov, Anh hùng Liên Xô Mirkovxky, cựu phó của tôi, kể với tôi rằng thuộc cấp của ông không muốn đi làm nhiệm vụ cuối cùng. Người ta cử y đi không phải để giết Okolovich, mà để chuẩn bị cho vụ ám sát đó, còn một nhóm điệp viên Đức phải thực hiện việc này. Khokhlov cũng không muốn đưa vợ và con theo sang Áo. Điều đó có nghĩa y hoàn toàn không định chạy trốn. Thế nhưng tại cuộc họp báo y nói là y và vợ chỉ luôn mơ được bỏ chạy sang phương Tây. Việc chạy sang phương Tây của Khokhlov gây đau khổ cho gia đình y, đặc biệt cô vợ. Cô vợ đã không kể gì về người bố với con trai. Con trai Khokhlov trở thành giáo sư sinh học ở Trường đại học Tổng hợp Moskva và như một thẩm định viên khoa học vẫn sang Mỹ. Vả lại với bố mình anh gặp lần đầu tiên chỉ vào tháng 5-1992 khi Khokhlov xuất hiện tại căn hộ của họ ở Moskva.
------------
Còn tiếp.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét