Thứ Sáu, 29 tháng 7, 2022

Những Chiến Dịch Đặc Biệt - Chương 7-7

Những Chiến Dịch Đặc Biệt

Tác giả: Pavel Xudoplatov
Người dịch: Nguyễn Văn Thảo
Thể loại: Hồi ký
Nhà xuất bản Công an nhân dân
Năm xuất bản: 2003 (Lưu hành nội bộ)

Chương 7: Tình Báo Soviet Và Vấn Đề Nguyên Tử

7. Sự giúp đỡ của Nils Bor

Mùa thu 1945 chương trình làm việc về bom nguyên tử đã đến điểm kịch tính, cần phải tiến hành xây dựng lò phản ứng hạt nhân đầu tiên của Liên Xô. Thế nhưng các bác học không thống nhất trong đánh giá các tài liệu tình báo, bởi vì sự mâu thuẫn của các thông tin. Người Mỹ dùng hai kiểu lò phản ứng: lò than chì và lò hoạt động bằng nước nặng. Nảy sinh mạo hiểm lớn trong việc sử dụng các mẫu uran-235 tình báo quân đội thu được, cần phải có quyết định đi theo hướng nào trong xây dựng lò phản ứng đầu tiên.
Kurtratov và Kikoin đề nghị để một chuyên gia bậc cao, giáo sư Zeldovich làm việc chỗ Kurtratov, đi cùng các sĩ quan tình báo sang Đan Mạch để gặp Bor. Nhưng Zeldovich không hợp với vai này vì không phải là cộng tác viên của tình báo và chúng ta không thể để lộ với ông các điệp viên ở nước ngoài trong trường hợp cần thiết. Hoàn cảnh này buộc chúng tôi dựa vào những bác học làm việc trong bộ máy cơ quan tình báo. Sự lựa chọn là không lớn. Trong ban tham mưu Cục “X” có hai sĩ quan - cán bộ khoa học, nhà vật lý về học vấn nắm được tiếng Anh ở mức độ nào đó. Sau khi được nhận vào làm việc ở NKVD họ đã dự xemina của Kapitsa và Landao. Một là Rưlov, tương lai là một bác học, thể hiện thiên hướng lớn về công việc phân tích tình báo. Người khác là Terletsky vừa bảo vệ luận án phó tiến sĩ, về sau là người được giải thưởng nhà nước, không gắn với nhóm Kurtratov, Ioffe, Alikhanov và Kikoin bởi các mối quan tâm khoa học của mình và có thể cho sự đánh giá riêng về các tài liệu khoa học. Terletsky và Rưlov dịch và biên tập các tài liệu về công việc nguyên tử đến với chúng tôi, báo cáo tại các cuộc họp của hội đồng khoa học - kỹ thuật Ủy ban đặc biệt.
Làm việc trong tình báo, Terletsky vẫn là một người sáng tạo. Cùng với sự đánh giá và xử lý thông tin về bom nguyên tử Mỹ, anh thường đề đạt các kết luận cá nhân tại hội đồng khoa học - kỹ thuật, điều đó tạo nên những vấn đề, vì chúng tôi phải hai lần mỗi ngày trình ban lãnh đạo cao nhất toàn bộ thông tin nhận được, mà Terletsky đôi khi chậm trễ với sự đánh giá, và tôi bị nghe những nhận xét không đẹp mặt. Thế nhưng chúng tôi đã dừng sự lựa chọn ở Terletsky - anh có thể bằng sự uyên bác của mình gây được ấn tượng cần thiết tới Niels Bor.
Beria phê chuẩn đề nghị của tôi phái Terletsky đi Copenhagen. Không thể có chuyện cử một mình Terletsky đến cuộc gặp để thực hiện một nhiệm vụ quan trọng dường ấy. Anh không có chút khái niệm nào về công việc tác chiến, vì thế tiếp nhận quyết định là đại tá Vaxilevxky, người trực tiếp phụ trách Fermi, phải đi cùng với anh. Tiên liệu rằng Vaxilevxky sẽ bắt đầu câu chuyện với Bor, còn Terletsky chuyển sang thảo luận các vấn đề kỹ thuật. Còn một người phiên dịch nhưng tiếc là tôi quên mất tên. Vaxilevxky sang Đan Mạch dưới tên Grebetsky, Terletsky giữ nguyên họ tên mình.
Trong hồi ký Terletsky viết rằng trước lúc đi sang Copenhagen, Kapitsa tiếp anh và khuyên đừng đặt nhiều câu hỏi với Bor, “mà đơn giản tự giới thiệu, chuyển bức thư và quà của ông, kể về các nhà bác học Xô viết, và Bor sẽ thông báo về nhiều điều mà chúng ta quan tâm”.
Sự thỏa thuận sơ bộ về cuộc gặp gỡ đạt được là nhờ nữ văn sĩ Phần Lan Vuoliyoki và nhà văn Đan Mạch Martin Andersen Nekse. Nekse không phải là điệp viên của ta, nhưng vào những năm 40 đã giúp rất nhiều cho Rubkina trong thiết lập quan hệ với những nhân vật có uy tín vùng Scandinavia.
Tháng 7-1993, khi trò chuyện với Terletsky, chúng tôi nhớ lại một số chi tiết của câu chuyện này. Trước cuộc gặp Bor báo tin vào sứ quán Liên Xô là sẽ tiếp phái đoàn của ta. Vào lúc đầu buổi gặp Bor bị kích động, Terletsky nhớ lại, và hai tay ông run. Chắc hẳn Bor hiểu rằng lần đầu tiên ông có việc trực tiếp với các đại diện của chính phủ Xô viết và đã đến lúc thực hiện quyết định được ông và các nhà vật lý khác tiếp nhận là chia sẻ các bí mật bom nguyên tử với cộng đồng các bác học thế giới và các nhà vật lý Xô viết.
Sau cuộc gặp gỡ đầu tiên với Vaxilevxky tại buổi tiếp tại sứ quán ngày 6-11-1945, Bor thích nói chuyện hơn về các vấn đề khoa học với Terletsky, và đành phải cho phép cuộc gặp của Terletsky và Bor mặt đối mặt với sự tham gia của phiên dịch. Các vấn đề để trò chuyện với Bor được chuẩn bị trước bởi Kurtratov và Kikoin.
Terletsky nói với Bor rằng ở trường đại học Tổng hợp Moskva mọi người luôn nhớ về ông, chuyển thư giới thiệu và quà tặng của Kapitsa, lời thăm hỏi của Ioffe và các bác học Xô viết khác, cảm ơn ông sẵn sàng tư vấn cho các chuyên gia Liên Xô về chương trình nguyên tử.
Bor trả lời các câu hỏi về các phương pháp nhận được uran ở Mỹ, phương pháp thẩm thấu và ghi nhận dao động phân tử, về liên kết các phương pháp này, bằng cách nào đạt được tính sản sinh lớn với phương pháp. Ông thông báo rằng ở Mỹ trong các các lò làm việc với vách ngăn than chì, bởi sản xuất nước nặng đòi hỏi khối lượng điện năng khổng lồ. Terletsky nhận được những thông tin quan trọng về nguyên lý, trong đó về plutôn-240, điều không có trong báo cáo chính thức của Smith, mà nhận được từ Bor và từ Mỹ. Theo ý kiến của Kurtratov, cuộc gặp gỡ có ý nghĩa quan trọng để các bác học ta kiểm chứng lý thuyết mấy trăm bản tổng kết và công trình của Fermi, Stsilard, Bete, Oppenheimer và các bác học nước ngoài khác tình báo thu được. Như Kvaxnikov nhớ lại, 690 tài liệu khoa học.
Theo ý kiến John Harad, một chuyên gia Anh nổi tiếng về vật lý nguyên tử từ London’s Imperial College, Bor truyền lại cho người Nga thông tin thiết thực về cấu trúc bom nguyên tử Mỹ.
Jack Sarfatti, nhà vật lý lý thuyết, học trò của một trong những người sáng lập bom nguyên tử H. Bete, cũng cho các lời đáp của Bor chứa đựng thông tin chiến lược quan trọng về chế tạo vũ khí hạt nhân.
Đáng nhớ là Bor đã cho cơ quan đặc biệt Anh rõ một cách chính thức về cuộc gặp gỡ và buổi trò chuyện với các chuyên gia Xô viết về chương trình nguyên tử, việc chuyển cho người Nga báo cáo của Smith, nhưng đồng thời ông im lặng về tính chất những câu hỏi được đặt ra với ông. Bằng cách đó, các cơ quan đặc biệt phương Tây trước khi bắt Fuchs đã không biết những vấn đề quan trọng về nguyên tắc chế tạo vũ khí nguyên tử đã đến chỗ chúng ta.
Vả lại, Stsilard ngay sau các vụ nổ nguyên tử ở Nhật Bản đã tiên đoán rằng Liên Xô sau 2-3 năm sẽ chế tạo vũ khí hạt nhân của mình. Còn Bor lúc ấy phát biểu ủng hộ việc thiết lập sự kiểm soát quốc tế về sử dụng năng lượng nguyên tử.
Sau chuyến đi thành công của Terletsky tôi đã thiết lập quan hệ thân mật với Kurtratov, Alikhanov và Kikoin.
Những cao thủ của tình báo Xô viết như Parparov, nhà tình báo rất có hiệu quả trong hậu phương Đức, đại tá Mikheev đã làm việc với những nhà vật lý Đức nổi tiếng nhất trong suốt mấy năm.
Gần Moskva, ở Maloiaroxlavets-10 - nay là Obninxk - dưới sự kiểm soát của chúng tôi đã xây dựng trung tâm bí mật được tăng cường các chuyên gia Đức về xử lý, khai thác và giàu hóa quặng uran và luyện kim uran.
Các cán bộ tác chiến của chúng tôi chuyển lên phía Bắc tỉnh Tseliabinxk các nhà vật lý hạt nhân Đức có tên tuổi thế giới: G. Born, P. Rompe, K. Tsimmer và v.v...
Người được giải Nobel G. Gers và nhóm của ông thực hiện tại Xukhumi công việc quan trọng về tách phân hạt uran-235 và uran-238.
Cán bộ Cục “X” đã giúp nhóm tìm kiếm của Iu. Khariton ở Đức phát hiện và chuyển về Liên Xô 100 tấn oxit uran ngay trước mũi chính quyền Mỹ chiếm đóng.
Theo đề nghị của văn phòng số 2 Ủy ban đặc biệt về vấn đề nguyên tử do tôi đứng đầu, tất cả các nhà vật lý Đức được chuyển về Liên Xô được chia ra từng nhóm để làm việc cho khắp ba phương án công nghệ giàu hóa uran mà người Mỹ đã nghiên cứu ra: thẩm thấu gas, điện từ và tách phân hướng tâm. Giáo sư Đức Steinbek trở thành người lãnh đạo các nghiên cứu về công nghệ hướng tâm tách phân hạt uran. Tất nhiên có sự đóng góp cực kỳ lớn vào việc này của viện sĩ Kikoin kiểm soát người Đức.
Có ý nghĩa quan trọng đối với Kurtratov là những cuộc tư vấn chuyên môn do chúng tôi tổ chức với người được giải Nobel Nikols Ril được tình báo chúng ta đưa ra khỏi nước Đức. Ở Đức ông nghiên cứu sự thu nhận toria, còn trong những năm chiến tranh đã nắm vững công nghệ thu uran kim loại sạch.
Vì những công lao trong chế tạo vũ khí nguyên tử Xô viết, N. Ril được phong danh hiệu tối cao - Anh hùng lao động xã hội chủ nghĩa.
Cục “X” cũng thực hiện sự hoạt động phối hợp với các cơ quan tình báo đặc biệt của lãnh đạo Xô viết vốn không thuộc hệ thống an ninh quân đội. Đó là nhóm đặc biệt trực thuộc chủ tịch Hội đồng bộ trưởng Liên Xô I.V. Stalin, tồn tại từ 1945-1953.
Các tiếp xúc này của Cục “X” được ghi nhận trong các mục của sắc lệnh của GKO Liên Xô số 1887 ngày 20-8-1945:

giao cho đ/c Beria tiếp nhận các biện pháp tổ chức công tác tình báo được tiến hành bởi các cơ quan tình báo NKVD, Hồng quân và các công sở khác”.

Nắm được sự phối hợp lẫn nhau này của Cục “X” với cơ quan đặc biệt của người đứng đầu chính phủ là phó của tôi và đồng thời là trưởng tình báo khoa học - kỹ thuật của NKVD, đại tá Vaxilevxky.
Cùng với Vaxilevxky tôi phải lựa chọn các nhà vật lý hạt nhân cho chuyến đi sang Mỹ, Anh và Canada để lôi kéo các chuyên gia phương Tây từ các trung tâm hạt nhân về làm việc tại Liên Xô.
Vào giai đoạn này Vaxilevxky mấy lần đi sang Thụy Sĩ và Italia để gặp Bruno Pontekorvo. Để che giấu các chuyến đi này ông sử dụng giấy mời của phái đoàn các nhà hoạt động văn hóa Liên Xô đứng đầu là đạo diễn điện ảnh nổi tiếng Grigori Alexandrov và ngôi sao màn bạc Liubov Orlova. Sự bảo đảm tác chiến những cuộc gặp gỡ của ông với Pontekorvo do Gorskov và Iatskov, vốn vào những thời gian khác nhau đã ở Italia và Mỹ, thực hiện.
Vaxilevxky cũng đã gặp Jolio-Quyri. Thế nhưng Beria và Stalin quyết định không lôi kéo Jolio-Quyri vào các nghiên cứu nguyên tử của Liên Xô, dù ông muốn sang nước ta. Ở lại phương Tây, Jolio-Quyri sẽ có lợi hơn, bởi sẽ có ảnh hưởng tới sự hình thành quan niệm chống chiến tranh của các nhà bác học nguyên tử nổi tiếng, có lợi cho chúng ta.
Vì những hoạt động thành công ở Đan Mạch, Thụy Sĩ và Italia, Vaxilevxky được thưởng một giải thưởng bằng tiền khá lớn đối với thời ấy là 1000 đôla và một căn hộ riêng ở trung tâm Moskva, chuyện lúc ấy là hiếm có.
Các chiến dịch tích cực của chúng ta ở Tây Âu trùng với sự khởi đầu “chiến tranh lạnh”. Chúng tôi hiểu rằng phản gián Mỹ đã lần đến rất gần các nguồn thông tin và hệ thống điệp viên của chúng ta. Hoàn cảnh tác chiến phức tạp đi một cách đột ngột. Khi mở lò phản ứng đầu tiên năm 1946, Beria ra lệnh ngừng mọi tiếp xúc với các nguồn Mỹ. Tại buổi gặp gỡ với tôi ông đề nghị suy nghĩ kỹ việc lợi dụng uy tín Oppenheimer, Fermi, Stsilard và các bác học khác gần gũi với họ trong phong trào chống chiến tranh. Chúng tôi cho rằng chiến dịch và cuộc đấu tranh giải trừ vũ khí hạt nhân có thể ngăn cản người Mỹ tống tiền chúng ta bằng bom nguyên tử, và bắt đầu một chiến dịch chính trị rộng lớn chống lại ưu thế nguyên tử của Mỹ. Chúng tôi muốn trói buộc các giới cầm quyền Mỹ bằng các hạn chế chính trị trong việc sử dụng vũ khí hạt nhân - khi ta vẫn chưa có bom nguyên tử. Beria ra lệnh một cách kiên quyết không để có sự bôi nhọ thanh danh các nhà bác học phương Tây bởi các liên hệ với tình báo ta: đối với chúng ta quan trọng là để các bác học phương Tây đại diện cho một lực lượng chính trị độc lập có uy tín và ảnh hưởng, thân thiện với Liên Xô.
Qua Fuchs ý tưởng về vai trò chính trị của các bác học trong thời đại hạt nhân được truyền đến Fermi, Oppenheimer và Stsilard, những người kiên quyết đấu tranh chống ý đồ chế tạo bom khinh khí. Trong các lập luận của mình họ hoàn toàn chân tình và không nghi ngờ rằng Fuchs dưới ảnh hưởng của chúng ta đã dẫn họ tới quyết định như thế. Hành động như những người chống phát xít, một cách khách quan họ biến thành đồng minh chính trị của Liên Xô.
Chỉ thị của Beria dựa trên thông tin nhận từ Fuchs năm 1946 về những bất đồng ý kiến giữa các nhà vật lý Mỹ về vấn đề hoàn thiện vũ khí hạt nhân và chế tạo bom khinh khí. Tại hội nghị tổ chức cuối năm 1945 đầu năm 1946 các bác học cùng với Fuchs phát biểu chống nghiên cứu “siêu bom” và bị sự phản đối gay gắt của Teller.
Klaus Fuchs từ chối đề nghị của Oppenheimer tiếp tục làm việc với ông tại Prinston, trở về Anh và tiếp tục cung cấp cho ta thông tin vô cùng quan trọng. Từ mùa thu 1947 đến tháng 5-1948, Fuchs chuyển cho cán bộ tác chiến chúng ta Felikxov ở London những nghiên cứu lý thuyết cơ bản về chế tạo bom khinh khí và các kế hoạch khởi công mà Anh và Mỹ bắt đầu thực hiện vào năm 1948.
Đặc biệt giá trị là thông tin nhận từ Fuchs về kết quả các vụ thử bom nguyên tử pluton và uran trên đảo san hô Enivetok. 3-4 tháng một lần Fuchs gặp Feklixov ở London. Mỗi cuộc gặp được chuẩn bị chu đáo và không kéo dài quá 40 phút. Có ba cán bộ tác chiến đi cùng Feklixov để loại trừ khả năng ghi hình lại cuộc gặp gỡ bởi cơ quan phản gián Anh. Fuchs và Feklixov đã không bị phản gián Anh theo dõi. Fuchs tự mình vô tình tạo khả năng cho sự bại lộ của bản thân khi báo cho cơ quan an ninh phụ trách các công trình nguyên tử rằng bố ông nhận được chỗ giảng dạy môn thần học tại trường đại học Tổng hợp Laixich ở Đông Đức. Lúc ấy cơ quan đặc biệt Mỹ đã khám phá ra điệp viên của ta, người đưa tin của Fuchs, Golda, anh ta nhận ra Fuchs trên ảnh, và người Mỹ thông báo điều này cho phản gián Anh. Năm 1950 Fuchs bị bắt. Sau những cuộc hỏi cung căng thẳng Fuchs thú nhận rằng đã chuyển những tin tức quan trọng cho Liên Xô. Ông bị xét xử, và trong bản luận tội của ông chỉ nhắc đến một cuộc gặp gỡ với tình báo Xô viết năm 1947, mà đó cũng dựa hoàn toàn vào sự thú nhận riêng của ông. Về sự cộng tác của Fuchs với tình báo ta và về hoàn cảnh bắt giữ ông được Feklixov kể lại trong truyện ký Chiến công anh hùng của Klaus Fuchs trong cuốn sách Bên kia đại dương và trên đảo.
Các tin tức về sự phát triển của các nghiên cứu nguyên tử ở Anh và dự trữ vũ khí hạt nhân hiện thực ở Mỹ được Fuchs chuyển năm 1948 trùng hợp với thông tin vô cùng quan trọng từ Washington của Maklin mà từ năm 1944 giữ chức bí thư sứ quán Anh tại Mỹ và kiểm soát toàn bộ văn phòng này. Ông thông báo rằng tiềm năng vũ trang hạt nhân của Mỹ chưa đủ để tiến hành chiến tranh với Liên Xô.
Trong các giới khoa học Mỹ và Liên Xô, các bác học với tín niệm chính trị độc lập đóng vai trò to lớn nhất.
Thí dụ, Oppenheimer làm tôi gợi nhớ đến các bác học của ta - Vernadxky, Kapitsa, Xakharov. Họ luôn, khao khát một nền hòa bình được họ xây dựng bằng trí tưởng, với ảo tưởng độc lập.
Còn đối với Kurtratov trong công tác khoa học chủ yếu là vì những quyền lợi của tổ quốc. Ông ít ương ngạnh hơn và phụ thuộc nhiều hơn vào chính quyền so với Kapitsa và Ioffe. Beria, Pervukhin, Stalin lập tức nắm bắt được rằng, ông đại diện cho thế hệ mới của giới trí thức khoa học Xô viết, ít gắn bó hơn với những truyền thống bác học Nga. Họ đã hiểu đúng rằng ông tự thị và tràn đầy quyết tâm bắt toàn bộ công tác khoa học phục vụ các quyền lợi của nhà nước. Chính phủ quyết tâm bằng mọi giá đẩy nhanh việc thử quả bom nguyên tử đầu tiên, và Kurtratov đã sao chép thiết bị nguyên tử của Mỹ. Đồng thời không ngừng công việc song song về chế tạo bom cấu trúc Xô viết. Nó được nổ thử năm 1951. Người Mỹ giữ quan điểm tương tự là Teller, cố khẳng định độc quyền Mỹ về vũ khí hạt nhân.
Vốn là những bác học chân chính, Kurtratov và Oppenheimer đồng thời cũng là những nhà quản lý của những đề án quan trọng nhất có ý nghĩa đối với số phận thế giới. Đụng độ giữa các tín niệm cá nhân các quan tâm khoa học và trách nhiệm quản lý trong trường hợp này là tất yếu. Chúng ta không thể phán xét họ, công việc của những người này với bom nguyên tử đã mở ra một kỷ nguyên mới trong khoa học. Thế nhưng vấn đề không chỉ ở sự phát minh, bản chất vấn đề là ở chỗ lần đầu tiên những bác học lớn nhất của thế giới hoạt động không chỉ như đại diện của các ý tưởng khoa học mà còn như các nhà hoạt động nhà nước.
Vào những năm 40 không một chính phủ nào trên thế giới có thể đủ sức trọn vẹn kiểm soát tiến bộ khoa học - kỹ thuật. Trớ trêu là ở chỗ cả chính phủ Mỹ lẫn chính phủ Liên Xô vì quyền lợi giải quyết vấn đề nguyên tử buộc phải dựa vào công việc hợp tác với các nhà bác học có thế giới quan khác nhau, có thể là thù địch với chính quyền, và quen với những đòi hỏi, cách xử sự lập dị của họ. Những nhà bác học nổi danh nhất của thế giới khi chia sẻ các quan niệm chống phát xít và chống chiến tranh, đầy ảo tưởng về vai trò chủ đạo của họ trong chính phủ thế giới sau khi năng lượng hạt nhân được phát hiện, có thiên hướng chia sẻ các thành tựu trong lĩnh vực này với những bác học cùng chính kiến của các nước hữu hảo.
Giữ các lý tưởng của mình Bor, Oppenheimer đã đóng vai trò là các bác học ly khai của thế giới tư bản, cũng như viện sĩ Xakharov vào những năm 1960 công khai phát biểu chống việc chế tạo vũ khí nhiệt hạch mới và như đối thủ chính trị của chế độ Xô viết.
Với sự bắt đầu chiến tranh lạnh tâm trạng của các bác học thay đổi đột ngột. Chính vì thế các nhà vật lý Mỹ đã khước từ ý định của Fiser (“Abel”), điệp viên ngầm của ta năm 1948 nối lại sự hợp tác với họ. Họ hiểu rằng đó không phải là sự hợp tác mà là làm gián điệp.
------------
Còn tiếp.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét