Thứ Bảy, 30 tháng 7, 2022

Những Chiến Dịch Đặc Biệt - Chương 8-5

Những Chiến Dịch Đặc Biệt

Tác giả: Pavel Xudoplatov
Người dịch: Nguyễn Văn Thảo
Thể loại: Hồi ký
Nhà xuất bản Công an nhân dân
Năm xuất bản: 2003 (Lưu hành nội bộ)

Chương 8: Chiến Tranh Lạnh

5. Tổ chức lại các cơ quan an ninh và tình báo vào những năm 1946-1947

Vào cuối chiến tranh vị trí công tác của tôi càng được củng cố: Tổng cục 4 mà tôi lãnh đạo đã đóng góp đáng kể được thừa nhận vào chiến thắng của chúng ta. Trong 28 chiến sĩ Treka được tặng thưởng huân chương cao quý nhất - danh hiệu Anh hùng Liên Xô, 23 người là sĩ quan và cán bộ của Tổng cục tôi. Tháng 12-1945 tôi được vinh dự đặc biệt báo cáo chính thức tại cuộc họp thường niên cán bộ bộ máy NKGD-NKBD kỷ niệm ngày truyền thống thành lập Treka. Nhanh chóng tôi được bầu là đảng ủy viên Bộ An ninh Quốc gia.
Còn từ tháng 7-1945, ngay sau kết thúc cuộc chiến, trước hội nghị Potsdam, Stalin ký sắc lệnh phong cho sĩ quan và lãnh đạo an ninh quốc gia và nội vụ quân hàm tương đương với Hồng quân (trung tá - đại tá, chính ủy an ninh quốc gia bậc 3 - trung tướng, bậc 2 - thượng tướng, bậc 1 - đại tướng; tổng chính ủy - nguyên soái). Beria nhận danh hiệu nguyên soái tháng 7-1945. Fitin và tôi được phong hàm trung tướng, còn Eitingon - thiếu tướng. Đó là lần đầu tiên tên tôi và Eitingon được nhắc đến trên các trang báo trong nước.
Trong khi đó “chiến tranh lạnh” đã có tính chất khắc nghiệt, dẫn đến việc tổ chức lại cơ cấu các cơ quan tình báo năm 1947. Chiến tranh cho thấy rằng tình báo chính trị và quân sự không phải bao giờ cũng đủ trình độ chuyên nghiệp để đánh giá và phân tích toàn bộ thông tin mà họ nhận được từ các kênh. Và lúc đó Molotov, người trước hội nghị Yalta mấy lần chủ trì những cuộc họp của lãnh đạo các cơ quan tình báo, đã đề nghị thống nhất chúng vào một tổ chức trung tâm. Stalin đồng ý, thế là xuất hiện Ủy ban thông tấn mà gia nhập vào đó có Tổng cục 1 MGB và Tổng cục tình báo Bộ Quốc phòng (GRU). Bộ An ninh thì vẫn giữ trong thành phần của nó cơ quan tình báo và phá hoại đặc biệt - phòng trường hợp chiến tranh có thể hoặc đụng độ khu vực ở Cận Đông, châu Âu, vùng Balkan hay ở Viễn Đông. Một phân đội tương tự cũng được giữ lại ở Bộ Quốc phòng.
Tổng cục tình báo của NKVD-NKGB trước kia là công cụ chủ yếu đảm bảo các quyền lợi an ninh quốc gia ở nước ngoài, thực chất, đã biến thành bộ phận phụ của Bộ Ngoại giao mà hoạt động chủ yếu của nó là ngoại giao chứ không phải tình báo. Cũng như Ủy ban thông tấn, Bộ chịu sự kiểm soát của Molotov. Kết quả là những chiến dịch thuộc NKVD-NLGB tiến hành thành công như chui vào các tổ chức lưu vong, cài điệp viên vào các cơ quan đặc biệt của Anh và Mỹ và sự hợp tác với phản gián trong việc đàn áp các phong trào dân tộc chủ nghĩa vùng Baltic và Tây Ucraina, dần dần mất đi ý nghĩa. Ủy ban thông tấn được phê chuẩn cùng thời với CIA ở Mỹ. Đó là một ý đồ - sai lầm nghiêm trọng! - một cách tương tự phản ứng lại những thay đổi ở Mỹ.
Thậm chí bây giờ sau sự sụp đổ của Liên Xô, tôi vẫn tin chắc: chức năng có hiệu quả của cơ quan đặc biệt ở nước Nga phụ thuộc vào sự hợp tác chặt chẽ của nó với các cơ quan an ninh. Chúng ta không có cơ sở chuyên nghiệp cho công việc như cảnh sát thuế vụ, cơ quan hải quan v.v... Ở phương Tây các cơ quan này có những đòn bẩy quan trọng kiểm soát những lĩnh vực quan trọng của cuộc sống xã hội. Ở Nga các cơ quan này chỉ mới ra đời. Đồng thời cơ quan phân tích và đánh giá tin tức tình báo cần hoạt động độc lập, trực tiếp bàn bạc với lãnh đạo đất nước, chứ không phải chịu phụ thuộc vào những kẻ quan liêu và những nhà chính trị hay lãnh đạo có uy tín này khác của các cơ quan đặc biệt.
Sự cần thiết trong một bộ máy như thế cảm thấy đặc biệt sâu sắc hiện giờ vì rằng như tôi nghe kể, thường có những thông tin mâu thuẫn của các cơ quan đặc biệt - SBR, FSB, FAPSI và các công sở khác - đang cạnh tranh lẫn nhau trong việc định hướng của lãnh đạo đất nước được đệ lên bàn Tổng thống.
Người ta không đi đến những kết luận như thế ngay được mà từ từ, đến năm 1951, chính xác hơn là năm 1952, khi Stalin ra lệnh để toàn bộ công tác tình báo tác chiến lại được tập trung vào Tổng cục tình báo Bộ Quốc phòng và Tổng cục 1 mới (tình báo đối ngoại) của Bộ An ninh Quốc gia. Ủy ban thông tấn đóng vai trò trung tâm phân tích về xử lý thông tin tình báo chính trị và quân sự. Berges và Maklin bắt đầu làm việc ở đấy khi họ chạy sang được Liên Xô.
Có thể, với lý do này những năm 1960 Khrusev đã thành lập Ban thông tin quốc tế trực thuộc BCH ĐCS Liên Xô để phân tích và xử lý tài liệu về các vấn đề chính trị và kinh tế đối ngoại. Sau những sự kiện tháng 8-1991, Gorbachev và Eltsin lại có sai lầm: thay vào chỗ soạn ra cơ chế kiểm soát nghị viện dân chủ xã hội đối với hoạt động của các cơ quan đặc biệt, họ đã hợp nhất công việc tác chiến và phân tích và tạo lập cơ quan tình báo đối ngoại mà trong hoạt động nước ngoài của mình không thể dựa vào các tài liệu của phản gián. Sự thiếu điều phối hiệu quả các hành động của các cơ quan an ninh trong nước, cảnh sát thuế vụ và hải quan vẫn là điểm yếu trong công việc của nó.
Lãnh đạo Ủy ban thông tấn thoạt đầu là Molotov, sau đó 3 tháng là Vưsinxky, còn sau Vưsinxky là Zorin mà về sau là đại diện của Liên Xô tại Liên hợp quốc. Tôi đã có mặt tại mấy cuộc họp thời Vưsinxky: cho đến ngày cuối cùng giữ chức chủ tịch Ủy ban ông ta đã khôn khéo tránh không ký một tài liệu quan trọng nào mà chuyển trách nhiệm cho các vị phó của mình. Luôn luôn ông ta nói: “Trong một công việc nghiêm túc như thế tôi hoàn toàn không thạo”.
Theo lời ông ta, ông đã hai lần nói với đồng chí Stalin về nghiệp vụ yếu của mình trong những vấn đề hoạt động tình báo. Lần nào đến chỗ Stalin ông ta cũng mang theo người phó của mình. Ông ta hoàn toàn cởi mở muốn để ai đó chia sẻ với ông trách nhiệm: điều đó cho phép ông ta có khả năng trong trường hợp thất bại chuyển tội sang người khác. Tiện thể Vưsinxky còn thạo việc hơn nhiều so với những gì ông ta cố tự giới thiệu. Có lần trong bối cảnh không chính thức ông ta thú nhận rằng tình báo, về nguyên tắc, gắn với những điều khó chịu chứ không phải với thành công trong công việc. Ông ta đã đúng: trong công việc của chúng tôi thực sự không chỉ tính đến toàn thành công - sự mạo hiểm bao giờ cũng vẫn cao. Cuối cùng ông ta đã thuyết phục được Stalin giải phóng cho ông khỏi gánh nặng này, và Zorin được cử giữ chức chủ tịch Ủy ban thông tấn.
Trước những thay đổi đó, năm 1946, bất ngờ đối với tôi, Merkulov bị mất chức Bộ trưởng An ninh Quốc gia. Sau chiến tranh vấn đề tổ chức lại lực lượng vũ trang được đặt lên hàng đầu. Ngay sau điều đó Stalin đề nghị Bộ Chính trị xem xét hoạt động của các cơ quan an ninh quốc gia và đặt trước chúng những nhiệm vụ mới. Sau này Mamulov và Liudvigov kể với tôi rằng người ta đòi hỏi Merkulov trình lên Bộ Chính trị kế hoạch tổ chức lại Bộ An ninh Quốc gia. Trong cuộc họp, Beria, theo lời của họ (cả hai phụ trách ban thư ký của Beria), đã đổ xuống đầu Merkulov sự thiếu khả năng định hướng trong công tác phản gián thời hậu chiến. Stalin chung ý kiến với ông khi buộc tội Merkulov hoàn toàn không có chuyên môn. Tại cuộc họp có hiện diện của các phó của Merkulov phải thảo luận những nhiệm vụ mới của Bộ An ninh. Phản gián quân đội (XMERS) thời chiến tranh thuộc Bộ Quốc phòng do Abakumov lãnh đạo và Stalin kiểm soát, giờ đây lại được trả về cho Bộ An ninh vì Stalin không đứng đầu Bộ Quốc phòng nữa. Buganin, một người không am hiểu quân sự, được cử giữ chức Bộ trưởng Quốc phòng, ông ta được khẩn cấp phong hàm nguyên soái, tiếp ngay đó là sự cất nhắc.
Lúc ấy tại cuộc họp xảy ra một cảnh thú vị. Stalin hỏi tại sao trưởng phản gián quân đội lại không thể đồng thời là Thứ trưởng Bộ An ninh Quốc gia. Merkulov đồng ý ngay với ông để Abakumov được cử làm Thứ trưởng thứ nhất. Lúc ấy Stalin nhận xét cay độc rằng Merkulov xử sự tại Bộ Chính trị như một kẻ theo đuôi và nên thay ông ta ở chức Bộ trưởng An ninh. Giống như Merkulov có sai lầm khi dễ dàng đồng ý với đề nghị của Stalin, nhưng thực tế thì Stalin đơn giản tìm một nguyên cớ thích hợp để gạt bỏ Merkulov. Stalin đã có sẵn ứng cử viên - Ogolsov, một người trung thực, người tỉnh lẻ, chưa bao giờ làm việc ở Trung tâm; mới nửa năm ông ta được chuyển từ sở an ninh Quybưsev về Moskva. Ogolsov van lạy Stalin đừng cử ông làm chức ấy. Như một đảng viên cộng sản trung thực, ông tuyên bố ở Bộ Chính trị, tôi hoàn toàn không hợp cho một chức vụ cao như thế, bởi tôi chưa đủ kinh nghiệm và tri thức cần thiết đối với một công việc đầy trách nhiệm nhường ấy. Lúc ấy Stalin bèn đề nghị cử Abakumov giữ chức bộ trưởng. Beria và Molotov im lặng, thế nhưng ủy viên Bộ Chính trị Jdanov đã nồng nhiệt ủng hộ ý tưởng đó.
Sau một tuần Eitingon và tôi được gọi đến chỗ Abakumov. - Gần hai năm trước - ông ta bắt đầu, - tôi đã có quyết định không bao giờ làm việc với các anh. Nhưng đồng chí Stalin, khi tôi đề nghị giải phóng các anh khỏi trách nhiệm đang giữ, đã nói rằng các anh phải tiếp tục làm việc ở chức vụ cũ. Vậy nên, - Bộ trưởng mới kết luận, - hãy cùng hợp tác.
Thoạt đầu tôi và Eitingon cảm thấy nhẹ nhõm - sự chân thành của ông ta đã ru ngủ chúng tôi. Thế nhưng những sự kiện tiếp theo cho thấy rằng chúng tôi không nên quá say sưa với tương lai. Sau mấy ngày tôi bị gọi lên cuộc họp của Ủy ban đặc biệt của BCHTƯ, tại đó người chủ tọa là người phụ trách mới của cơ quan an ninh, bí thư BCHTƯ A. Kuznetsov.
Ủy ban xem xét “những sai lầm tội lỗi” và những trường hợp thiếu trách nhiệm mà lãnh đạo Bộ An ninh cũ đã để xảy ra. Đó là chuyện thường: mỗi lần khi thay đổi lãnh đạo trong các Bộ (Quốc phòng, An ninh hay Ngoại giao) BCHTƯ đều cử một Ủy ban để xem xét hoạt động của ban lãnh đạo cũ và chuyển giao công tác.
Giữa những vấn đề mà Ủy ban của Kuznetsov xem xét có vấn đề thế này: Merkulov bị đình chỉ dẫn đến truy cứu hình sự những kẻ theo Trotsky trong những năm 1941-1945. Bất ngờ nổi lên những mối liên lạc đáng ngờ của tôi và Eitingon với những “kẻ thù của nhân dân” nổi tiếng - các nhà lãnh đạo tình báo OGPU-NKVD vào những năm 30. Abakumov buộc tội thẳng tôi và Eitingon trong các vụ “đầu cơ tội phạm”: chúng tôi đã đưa “các bạn bè” ra khỏi nhà tù năm 1941 và giúp họ thoát khỏi sự trừng trị xứng đáng. Điều đó xúc phạm tôi đến tận đáy lòng: ông ta vu khống những người anh hùng của cuộc chiến tranh, những người trung thành với sự nghiệp của chúng ta. Điên giận, tôi cắt ngang ông ta một cách đột ngột:
- Tôi không cho phép dẫm đạp ký ức các anh hùng đã hy sinh trong chiến tranh, những người đã thể hiện lòng dũng cảm và trung thành đối với Tổ quốc trong cuộc đấu tranh với chủ nghĩa phát xít. Trước sự có mặt của đại diện BCHTƯ tôi sẽ chứng minh rằng sự nghiệp của những chiến sĩ Treka ấy bị ngụy tạo trong kết quả hoạt động tội lỗi của Ejov, - tôi tuyên bố nóng giận.
Kuznetsov (ông trực tiếp biết tôi - chúng tôi gặp nhau ở nhà láng giềng, bà vợ góa của Emelian Iaroxlavxky), đã can thiệp vào, vội vã nói rằng vấn đề đã được khép lại. Cuộc thảo luận đến đấy là chấm dứt và tôi bỏ đi.
Trở về phòng mình, tôi gọi ngay Xerebrianxky, Zubov, Prokopiuk, Medvedev và những cán bộ khác đã bị bắt và bị sa thải vào những năm 30, và đề nghị họ xin thôi việc không chậm trễ. Tình trạng của Xerebrianxky và Zubov là đặc biệt dễ tổn thương vì vụ của họ thời trước do Abakumov tiến hành.
Tháng 7-1946 - lần đầu tiên sau 8 năm - tôi xin nghỉ phép và đi với vợ con đến vùng Riga, đến nhà nghỉ Maiori. Lúc đầu chúng tôi sống trong viện điều dưỡng quân đội, nhưng nhà văn Latvia nổi tiếng, một thời là chính ủy nhân dân Bộ Nội vụ Latvia, còn sau đó là chủ tịch Hội đồng bộ trưởng, đã mời chúng tôi đến dinh thự ông. Sau kỳ nghỉ khi tôi trở về Moskva phụ trách ban thư ký Bộ An ninh Quốc gia. Tsernov thông báo với tôi rằng Tổng cục 4 mà tôi lãnh đạo đã bị giải tán. Bởi vì phân sở của tôi không còn tồn tại nữa, tôi nhận được chỉ thị của Bộ trưởng trình cho ông ta những đề nghị về việc sử dụng biên chế của nó. Tôi thực tế không có khả năng lựa chọn: một phía - Molotov dự định lập Ủy ban thông tấn, còn phía khác - Abakumov, Bộ trưởng An ninh Quốc gia.
Dù sao tôi vẫn đang là người lãnh đạo văn phòng tình báo của Ủy ban đặc biệt chính phủ về vấn đề nguyên tử. Từ Ogolsov tôi biết: Abakumov rất bực bội rằng tôi cho đến giờ vẫn giữ chức vụ này và tiếp cận thẳng với Kremli. Ông ta chẳng thể làm gì được, bởi vấn đề nguyên tử không thuộc đặc quyền của ông ta.
Ủy ban thông tấn mới, như dự tính, phải liên kết tình báo và không thể không đụng đến công việc của văn phòng tình báo đặc biệt về vấn đề nguyên tử vốn chuyên trách sự điều phối hoạt động của GRU và MGB về thu thập các thông tin gắn với vũ khí nguyên tử. Vậy phân sở này bây giờ sẽ làm gì? Đến cuối năm 1946 câu hỏi này đã nổi cộm, mà tôi thì vẫn chưa thỏa thuận được với Beria đang là vị phó đứng đầu chính phủ và ủy viên Bộ Chính trị. Cuối cùng tôi gọi điện thoại cho ông và hỏi, chế định của Ủy ban đặc biệt của chính phủ về ‘Vấn đề số 1” giờ đây phải là thế nào và trực thuộc ai liên quan với việc tổ chức Ủy ban thông tấn.
Lời đáp của Beria làm tôi lo lắng:
- Các anh có Bộ trưởng của mình để giải quyết những câu hỏi như thế - ông nói xẵng và buông máy.
Tôi hiểu nếu Abakumov vẫn là Bộ trưởng, thì ông ta sẽ chẳng bao giờ ủng hộ tôi.
Vì thế tôi lập tức đề nghị để các chức năng của văn phòng tình báo số 2 được chuyển cho Ủy ban thông tấn. Xét tầm quan trọng của vấn đề nguyên tử, một cục khoa học - kỹ thuật độc lập phải chuyên trách những vấn đề này. Tôi giới thiệu Vaxilevxky giữ chức Cục trưởng tình báo khoa học - kỹ thuật. Fedotov thoạt đầu thay Fitin ở chức trưởng tình báo MGB còn sau đó trở thành phó của Molotov tại Ủy ban thông tấn, đã đồng ý, nhưng Vaxilevxky chỉ làm được mấy tháng. Ông bị loại khỏi Ủy ban thông tấn khi chiến dịch bài Do Thái đã bắt đầu trong nước, ông về hưu năm 1948 với quân hàm đại tá vì nhiều năm phục vụ.
------------
Còn tiếp.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét