Chủ Nhật, 17 tháng 7, 2022

Những Chiến Dịch Đặc Biệt - Chương 2-2

Những Chiến Dịch Đặc Biệt

Tác giả: Pavel Xudoplatov
Người dịch: Nguyễn Văn Thảo
Thể loại: Hồi ký
Nhà xuất bản Công an nhân dân
Năm xuất bản: 2003 (Lưu hành nội bộ)

Chương 2: Ở Tây Ban Nha

2. Các hoạt động tình báo ở Tây Ban Nha những năm 1936-1939

Tên tuổi Eitingon ở Tây Ban Nha gắn liền với một loạt việc kín của các hành động đối ngoại quan trọng nhất của ban lãnh đạo Xô viết trong nội chiến. Ông đã lôi kéo được một trong những người sáng lập đảng Falange phát xít Ferdinando de Kuest cộng tác. Ông ta, thủ lĩnh duy nhất của bọn phát xít trong số những kẻ bị phái cộng hòa bắt làm tù binh, được giữ mạng sống. Thông qua điệp viên ngầm của ta “Iuzic” (Grigulievich) với sự giúp đỡ của de Kuest đã bảo đảm được kênh bí mật thương thuyết với Franko. Sau đó de Kuest được trao đổi để lấy những người quan trọng của phái cộng hòa vào năm 1938. Tiếc rằng thông qua ông ta cuộc trung gian bí mật đã không thỏa thuận được về thỏa hiệp hòa bình cho cuộc nội chiến sau thất bại của quân đoàn thám sát Italia trong những trận đánh gần Gvadelakhara tháng 3-1937. Thế nhưng, theo những giới thiệu của Kuest, đã tiếp cận được một loạt quan chức cao cấp từ giới thân cận của Franko và ép họ cộng tác với tình báo Xô viết.
Eitingon cũng tiến hành do thám sâu trong hậu phương các đơn vị phát xít trên chiến trường Aragon. Cú đánh bất thần của những người cộng hòa trong trận chiến trên sông Ebro năm 1938 dù là kìm giữ chân được các đơn vị của Franko, nhưng không thay đổi được sự phát triển bất lợi chung của tình hình quân sự.
Những cuộc thương thuyết bí mật được tiến hành dưới sự giám sát của Eitingon với một trong số những người sáng lập ĐCS Tây Ban Nha, Jesus Hernández - bộ trưởng Tư pháp trong chính phủ cộng hòa. Thời lưu vong ở Mexico, Hernández có quan hệ gay gắt với Dolores Ibarruri và H. Dias ở Moskva. Các cố gắng của Eitingon bằng thư riêng với “Pedro” [bí danh của Hernández] đã không thành công. Ở Moskva, Hernández bị tuyên bố là gián điệp và kẻ chia rẽ, “tay sai của Trotsky”.
Cuộc gặp gỡ tiếp theo của chúng tôi là ở Tây Ban Nha, nơi từ đó ông bí mật chuyển tôi sang Pháp năm 1938 sau việc thủ tiêu Konovalets. Người ta phái Eitingon sang Tây Ban Nha hai năm trước đó với tư cách phó đại diện chịu trách nhiệm các chiến dịch du kích, bao gồm cả phá hoại các đường sắt và sân bay. Sau khi Nicolxky, đại diện ở Tây Ban Nha (dưới tên Alexandr Orlov) biến mất vào tháng 6-1938, Eitingon trở thành trưởng nhóm tình báo. Tôi đánh giá cao nghệ thuật thích ứng với các điều kiện địa phương của ông.
Năm 1939, Franko giành chiến thắng và Eitingon dời sang Pháp, nơi mấy tháng sau ông tổ chức và hồi phục lại tất cả những gì còn lại từ mạng lưới điệp viên của ông, và giữ mối liên hệ với Berges - một trong số thành viên nhóm Cambrige có mật danh “Cô gái”. Sau đó Berges được chuyển nối liên lạc cho Gorxky - trưởng nhóm NKVD ở Anh. Áng chừng cũng thời gian đó Eitingon lôi kéo được người cháu của thủ lĩnh đảng phát xít Tây Ban Nha, Primo de Riverk, bạn của Hitler. Đến 1942 ông ta là nguồn thông tin quan trọng về các kế hoạch của Franko và Hitler. Năm 1938 Trung tâm đã nổi giận vì vụ chạy trốn của Orlov, trưởng nhóm tình báo ở Tây Ban Nha. Rất nhanh chóng, chúng tôi biết rằng ông ta bỏ chạy vì sợ bị bắt.
Thế nhưng Eitingon đề nghị, bất chấp sự phản bội của Orlov, tiếp tục các tiếp xúc với nhóm Cambrige, bởi Orlov, đang sống ở Mỹ, không thể khai ra các mối liên hệ của mình vì nguy hiểm về mặt tư pháp. Năm 1934-1935 Orlov sống ở Anh với hộ chiếu Mỹ giả, vì thế nếu phản gián Mỹ kiểm tra nhóm Cambrige, thì Orlov không thể nhận được quốc tịch Mỹ và hẳn sẽ bị trục xuất khỏi Hoa Kỳ. Hơn nữa, sẽ lộ ra những sự kiện không lợi đối với ông ta: các chiến dịch khủng bố dưới sự lãnh đạo hoặc sự tham gia của ông ta chống lại Trotsky và các điệp viên NKVD bị tình nghi là hai mang ở Tây Ban Nha.
Năm 1941 Eitingon được phái sang Thổ Nhĩ Kỳ và ở lại đấy gần cả năm 1942 dưới tên gọi Leonid Naumov. Ở đấy ông chuẩn bị việc ám sát Frank von Papen, đại sứ Đức lúc đó tại Thổ Nhĩ Kỳ. Theo tin đồn, von Papen sẽ đứng đầu chính phủ Đức trong trường hợp các tướng lĩnh của đế chế ép được Hitler rời chính quyền. Điều đó mở đường tới thỏa hiệp hòa bình riêng rẽ giữa Đức, Anh và Mỹ. Mưu đồ ám sát không thành - điệp viên người Bungari bị kích động, và quả bom đã nổ trước hạn trên tay anh ta. Kết quả là anh hy sinh, còn von Papen chỉ bị mấy vết xước nhẹ.
Vào những năm cuối đời Eitingon cưới Puzưreva, nữ cán bộ KGB duy nhất được tặng thưởng Huân chương nước Anh. Eitingon lần thứ hai bị bắt cùng với tôi trong làn sóng tiếp sau việc gạt bỏ Beria khỏi quyền lực năm 1953, và chỉ được tha năm 1964. Eitingon mất năm 1981, khi vẫn chưa được minh oan - chính thức ông được xem là một tội phạm được ân xá mà thôi. Chỉ đến tháng 4 năm 1992 gia đình mới nhận được chứng chỉ về sự minh oan cho ông sau khi chết.
Leonid là một nhân cách tài năng thật sự và nếu không trở thành nhà tình báo, hẳn ông đã thành công trên cương vị quan chức nhà nước hoặc trong khoa học. Cho đến giờ trong trí nhớ tôi vẫn sống động câu đùa: “Với hệ thống của chúng ta chỉ có một khả năng bảo đảm không kết thúc những ngày tháng của mình trong tù: Cần không là người Do Thái hoặc tướng an ninh quốc gia”.
Năm 1992, con gái Eitingon, Xvetlana gọi điện thoại cho tôi và đề nghị tiếp bà họ hàng xa của cô từ Anh mới đến Moskva thu thập tài liệu cho cuốn sách về Eitingon. Trong thời gian gặp nhau vào tháng 5-1992 tôi biết từ cô rằng “gia tộc” Eitingon có thể tìm được ở Beloruxia, Moskva, New York và Laixich. Thế nhưng những người họ hàng đã chuyển từ châu Âu sang Mỹ và có những ưu đãi đặc biệt về buôn bán da thuộc từ Liên Xô, đã không đóng một vai trò gì trong sự thành đạt của Eitingon, và ông không giữ các mối liên hệ với họ thậm chí cả sau khi được tha khỏi nhà tù Vladimir.
Những thông tin xuất hiện trước đây tại phương Tây trong đó Eitingon được gán cho vai trò quan trọng trong việc tiến hành chiến dịch bắt cóc tên tướng Miller, lãnh đạo ROVX (Hiệp hội chiến binh Nga) năm 1937 tại Paris, là không đúng với thực tế. Y bị bắt cóc với sự tham gia của tướng Xcoblin (mật danh “Điền chủ”) di tản sang Paris hoạt động dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Spigelglaz. Xcoblin dụ được Miller đến điểm hẹn của NKVD nơi có vẻ như y sẽ gặp các sĩ quan tình báo Đức. Ở đấy y bị tóm. Nhân sự biến mất của Miller, chính quyền Pháp đã phản đối cương quyết với đại sứ Xô viết ở Pháp, khăng khăng rằng trong thực tế tên tướng kia bị bắt cóc và bị đưa lên tàu thủy Liên Xô. Họ thậm chí dọa phái chiến hạm của mình bắt giữ con tàu Xô viết trên biển. Đại sứ Liên Xô Xurets cực lực bác bỏ tất cả mọi lời buộc tội, cảnh báo người Pháp rằng họ sẽ chịu trách nhiệm, nếu tàu Xô viết bị họ dừng và khám xét trên lãnh hải quốc tế. Trong bất cứ trường hợp nào, theo lời ông, dù sao cũng sẽ không tìm ra tướng Miller ở đấy. Kết quả là tàu thủy Xô viết không bị chặn giữ và thuận buồm xuôi gió trải qua quãng đường từ Havre về Leningrad. Miller bị đưa về Moskva, nơi người ta hỏi cung y, y khước từ viết lời hiệu triệu cho bọn bạch vệ lưu vong ngừng đấu tranh chống chính quyền Xô viết, y bị xét xử và bị bắn năm 1939 tại Lubianka. Việc bắt cóc y gây nên nhiều tai tiếng vào thời ấy. Vô hiệu hoá được tên tướng này dẫn tới sự đổ vỡ toàn bộ tổ chức các cựu sĩ quan Sa hoàng, cắt đứt các kế hoạch của chúng hợp tác với người Đức trong cuộc chiến tranh chống Liên Xô.
Xcoblin trốn từ Paris sang Tây Ban Nha bằng máy bay do Orlov đặt cho (khi năm 1938 Orlov bỏ chạy, ông ta vẫn giữ chiếc nhẫn vàng của Xcoblin như chứng cớ về sự liên quan của mình đối với vụ việc này). Xcoblin đã hy sinh trong một trận tấn công Barcelona bằng máy bay trong thời nội chiến ở Tây Ban Nha. Vợ ông là ca sĩ Nga nổi tiếng Nadejda Plevitskaia, giữ mối liên hệ với NKVD. Bà không ngờ rằng Spigelglaz lãnh đạo chiến dịch bắt Miller, và coi ông là bạn của chồng mình. Bà chỉ biết rằng Spigelglaz (“Duglax”) có liên hệ với các đại diện Xô viết và giúp đỡ họ về mặt vật chất. Bà bị bắt ở Pháp vì sự đồng lõa trong vụ bắt cóc Miller và người ta kết án bà hai mươi năm khổ sai. Bà chết trong tù năm 1944. Nếu Xcoblin chỉ huy chiến dịch này, như một số nhà “am hiểu” lịch sử của tình báo chúng ta viết, với việc bọn Đức biết, thì hẳn chúng đã tha bà, hoặc ít nhất, người Đức nhất thiết đã cố lợi dụng bà để lần ra mối liên hệ của tình báo Liên Xô tại Pháp.
------------
Còn tiếp.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét