Chủ Nhật, 17 tháng 7, 2022

Những Chiến Dịch Đặc Biệt - Chương 2-4

Những Chiến Dịch Đặc Biệt

Tác giả: Pavel Xudoplatov
Người dịch: Nguyễn Văn Thảo
Thể loại: Hồi ký
Nhà xuất bản Công an nhân dân
Năm xuất bản: 2003 (Lưu hành nội bộ)

Chương 2: Ở Tây Ban Nha

4. Vàng Tây Ban Nha

Khởi đầu công việc của tôi không thể gọi là thành công được. Tôi nhanh chóng hiểu rằng chỉ huy Paxxov của tôi không hề có kinh nghiệm tác chiến ở nước ngoài. Đối với ông ta các vấn đề thu dụng điệp viên ở phương Tây và các tiếp xúc với họ là “terra incongita” thực sự. Ông ta tin bất cứ thông tin nào nhận được từ mạng lưới điệp viên, và không có khái niệm về các phương pháp kiểm tra các tin tức của các nguồn nước ngoài. Kinh nghiệm tác chiến trong phản gián và trong lĩnh vực hoạt động điều tra của ông ta chống “kẻ thù của nhân dân” đã không thể giúp ông. Tôi đơn giản là khiếp sợ khi biết rằng ông ta ký chỉ thị cho phép mỗi nhân viên tác chiến ngoài nước sử dụng mật mã của riêng mình và bỏ qua trưởng nhóm gửi thông tin trực tiếp về Trung tâm, nếu anh ta có thể có những lý do không tin tưởng chỉ huy trực tiếp của mình. Chỉ sau này mới hiểu được, tại sao có loại tài liệu kiểu ấy. Tại Hội nghị TƯ Đảng tháng 3-1937 người ta đòi hỏi NKVD “củng cố cán bộ” của Cục đối ngoại. Nó che đậy mong muốn của giới lãnh đạo đất nước thoát khỏi ban lãnh đạo cơ quan tình báo Xô viết cũ đã thành ra bất lợi.
Năm 1936 những người cộng hòa Tây Ban Nha đồng ý gửi Moskva một phần lớn dự trữ vàng Tây Ban Nha trị giá hơn nửa tỉ đôla. Ngoài ra, mùa xuân năm 1939 những người cộng hòa cũng đã chở những tài sản lớn từ Pháp sang Mexico bằng tàu thủy. Tháng 3-1939 Agaiants gửi từ Paris về Trung tâm một bức điện trong đó báo rằng không phải tất cả vàng, kim loại và đá quý của Tây Ban Nha được gửi sang Moskva. Trong điện báo chỉ rõ rằng, hình như một phần dự trữ ấy bị phung phí bởi chính phủ cộng hòa với sự tham gia của lãnh đạo mạng điệp viên NKVD tại Tây Ban Nha.
Người ta trình ngay báo cáo với Stalin và Molotov, những người đã ra lệnh cho Beria tiến hành kiểm tra nguồn thông tin. Thế nhưng khi chúng tôi đề nghị Eitingon, phụ trách điệp viên ở Tây Ban Nha lý giải sự việc, ông đã gửi đáp lại một bức điện giận dữ gần như chỉ những câu chửi. “Tôi, - ông viết, - không phải kế toán cũng không phải kẻ chào hàng. Đã đến lúc Trung tâm giải quyết lấy vấn đề Dolores Ibarruri, Hose Dias, tôi và các đồng chí Tây Ban Nha khác từng ngày một đang mạo hiểm trong cuộc chiến tranh chống phát xít vì sự nghiệp chung. Nên chuyển tất cả những lời yêu cầu tới các nhân vật được tin cậy của lãnh đạo TƯ ĐCS Pháp và Tây Ban Nha, Jak Duklo, Dolores Ibarruri và những người khác. Trong khi đó nên hiểu rằng việc chuyển vàng và các vật quý diễn ra trong điều kiện chiến sự”.
Bức điện của Eitingon gây ấn tượng rất mạnh đến Stalin và Beria. Tiếp ngay lệnh: xem xét các mối quan hệ qua lại của các nhân viên mạng lưới điệp viên NKVD tại Pháp và Tây Ban Nha.
Tôi cũng nhận được nhiệm vụ riêng từ Beria làm quen với tất cả các tài liệu về việc bàn giao và tiếp nhận của cải từ Tây Ban Nha vào Ủy ban bảo quản Liên Xô. Nhưng nói điều đó thì dễ hơn so với làm, bởi lẽ quyết định cho phép làm việc với các tài liệu của Ủy ban bảo quản phải được Molotov ký. Trợ lý của ông trong khi đó lại từ chối đưa tài liệu đi ký khi thiếu chữ ký của Ejov, Bộ trưởng NKVD, chữ ký của Beria lúc đó là chưa đủ. Thời ấy tôi còn hoàn toàn chưa quen với tất cả mọi nguyên tắc thủ cựu này và chuyển tài liệu cho Ejov qua ban thư ký của ông ta. Sáng hôm sau nó vẫn còn chưa được ký. Beria chửi rủa tôi qua điện thoại về sự chậm trễ, nhưng tôi đáp là không thể tìm thấy Ejov - ông ta không có ở Lubianka. Beria ném ra một cách bực dọc:
- Đó không phải là việc riêng mà là công vụ quốc gia khẩn cấp. Hãy phái người đưa tin tới nhà riêng Ejov, ông ta không khỏe và đang ở đấy.
Giọng bất kính của ông về Ejoy, ủy viên dự khuyết Bộ Chính trị, có phần làm tôi ngơ ngẩn và kinh ngạc.
Cùng với người đưa tin chúng tôi được chở đến biệt thự của bộ trưởng ở Ozero, không xa Moskva. Trông Ejov có vẻ nào đó là lạ: tôi có cảm tưởng rằng tôi đưa tài liệu cho một người ốm thập tử nhất sinh hoặc một người đã say mèm suốt đêm để ký. Ông ta ký mà không hỏi một câu và không hề thể hiện sự liên quan của mình tới công việc. Tôi lập tức về Kremli để chuyển tài liệu cho ban thư ký chính phủ. Từ đấy tôi đến Ban bảo quản quốc gia với hai thanh tra đi cùng, một trong số họ là Berzon, thủ quỹ chính của Treka toàn liên bang - NKVD từ năm 1918. Trước cách mạng ông giữ chức thanh tra trong hãng bảo hiểm Nga mà tòa nhà bị Dzerjinxky chiếm.
Các thanh tra làm việc tại Ban bảo quản quốc gia trong suốt hai tuần, kiểm tra toàn bộ tài liệu hiện có. Họ không phát hiện ra một chút dấu vết không đầy đủ nào. Các phụ trách điệp viên ở Pháp và Tây Ban Nha những năm 1936-1938 đã không sử dụng cả vàng lẫn báu vật cho những mục đích tác chiến. Chính lúc ấy tôi biết được rằng tài liệu về bàn giao vàng được ký bởi thủ tướng cộng hòa Tây Ban Nha Fransisco Largo Kabaliero và thứ trưởng Bộ Ngoại giao Krextinxky, người sau đó bị bắn chết như kẻ thù của nhân dân cùng với Bukharin sau tòa án công khai năm 1938.
Người ta chở vàng từ Tây Ban Nha trên tàu thủy từ Kartakhena, căn cứ hải cảng quân sự Tây Ban Nha, về Ôđécxa, sau đó cất giấu vào hầm của Ngân hàng quốc gia. Thời ấy tổng số của chúng được đánh giá là 518 triệu đôla. Những vật báu khác dành cho các nhu cầu tác chiến của chính phủ cộng hòa Tây Ban Nha với mục đích tài trợ các chiến dịch bí mật, đã được bí mật chuyển từ Tây Ban Nha sang Pháp, từ đó nó được đưa về Moskva - với tư cách như các khối hàng hóa ngoại giao.
Vàng Tây Ban Nha đã trang trải phần lớn những chi phí của chúng ta cho sự trợ giúp quân sự và vật chất đối với những người cộng hòa trong cuộc chiến của họ với Franko được Hitler và Mussolini ủng hộ, cũng như để giúp đỡ dân lưu vong Tây Ban Nha. Những phương tiện này cũng cần để trang trải các chiến dịch tình báo trước ngưỡng cửa cuộc chiến tranh ở Tây Âu năm 1939.
Vấn đề về vàng sau những sự phanh phui của Orlov vào những năm 1953-1954 có sự phát triển mới. Chính phủ Tây Ban Nha của Franko không chỉ một lần đưa vấn đề đòi lại những báu vật bị lấy đi. Tôi và Eitingon bị hỏi cung bởi các nhân viên tình báo KGB vào những năm 1950-1960 về số phận của vàng, khi chúng tôi ngồi tù. Kết quả, như tôi được thông báo, “bên trên” đã chấp nhận quyết định vào những năm 1960 - bồi thường cho chính quyền Tây Ban Nha dự trữ vàng bị tiêu phí năm 1937, bằng cách bán dầu hỏa cho Tây Ban Nha theo giá ưu đãi.
Tháng 7-1938, ngay trước sự chạy trốn của Orlov, nhóm trưởng của chúng ta ở Tây Ban Nha, có sự đồn đại về việc ông ta sẽ nhanh chóng thay thế Paxxov ở cương vị chỉ huy tình báo của NKVD. Thế nhưng việc bắt giam con rể của ông ta, Kantsnelxon, thứ trưởng Bộ Nội vụ Ucraina, bị thanh trừng vào năm 1937 hoặc 1938, đã làm Orlov hoảng sợ.
------------
Còn tiếp.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét