Thứ Bảy, 30 tháng 7, 2022

Những Chiến Dịch Đặc Biệt - Chương 8-3

Những Chiến Dịch Đặc Biệt

Tác giả: Pavel Xudoplatov
Người dịch: Nguyễn Văn Thảo
Thể loại: Hồi ký
Nhà xuất bản Công an nhân dân
Năm xuất bản: 2003 (Lưu hành nội bộ)

Chương 8: Chiến Tranh Lạnh

3. Phái viên và đặc phái viên của Roosevelt

Mùa hè 1941 Harry Hopkins, cố vấn của tổng thống Roosevelt đề nghị với đại sứ ta ở Washington Umanxky thiết lập những quan hệ mật. Như Umanxky kể với tôi, ông ta làm theo chỉ thị trực tiếp của tổng thống. Tháng 12-1941 Stalin cử Litvinov tiếp xúc với Hopkins và đã lập tức thiết lập các quan hệ gần gũi với ông ta.
Trước bất cứ chuyến đi thăm chính thức nào danh sách những người tham gia đàm phán nhất thiết phải trao cho NKVD (hay NKGB). Trong trường hợp này danh sách tất cả các thành viên phái đoàn Mỹ tại hội nghị Yalta do tôi nhận. Trong đó có số liệu chi tiết kể cả các mối liên hệ và thái độ đối với đất nước ta.
Một trong những quan chức Mỹ mà chúng ta có quan hệ bí mật, thuộc thành phần đại biểu Mỹ tham dự các thương thuyết Yalta. Người đó là Ellger Hiss, ông ta là người được tin cậy của Hopkins. Trong những cuộc trò chuyện với Umanxky, còn sau đó là với Litvinov, Hiss đã hé lộ kế hoạch của Washington. Ngoài ra, ông ta cũng rất gần gũi với một số “nguồn” cộng tác với tình báo quân đội Xô viết và với những điệp viên tích cực của chúng tôi ở Mỹ. Theo những kênh đặc biệt của tình báo quân đội chúng ta biết rằng Hiss đưa đến chúng tôi một thông báo: người Mỹ sẵn sàng đi đến thỏa thuận về châu Âu tương lai.
Trong hồ sơ của chúng tôi về Hopkins chỉ rõ, ông có cảm tình với Liên Xô và là người theo phái hợp tác sau chiến tranh giữa hai chính phủ Xô - Mỹ. Thế nhưng không hề nói rằng Hiss, cán bộ văn phòng nhà nước, là điệp viên của tình báo ta.
Năm 1993 tôi trò chuyện với một đồng nghiệp một thời gian là nhóm trưởng tình báo quân đội ở London và New York. Theo lời ông, Hiss trở thành nguồn thông tin của chúng ta ở Washington vào đầu và giữa những năm 30. Thuộc nhóm ấy mà đứng đầu là nhà kinh tế sinh ở Nga Natan Silvermaster, có cả những điệp viên của ta cũng như những người là nguồn thông tin mật, nhưng tên tuổi không được ghi ở bất kỳ tài liệu nào bởi không ai trong số họ ký văn bản hợp tác.
Các bản báo được dịch ra tiếng Nga, theo thông lệ chúng tôi báo cáo với Stalin và Molotov. Theo tôi nhớ, dù tôi có thể nhầm, Hiss được xem như nguồn “Maks”, nhưng ông ta không có chút khái niệm nào về điều đó.
Cuối những năm 40 khi Hiss bị buộc tội làm gián điệp cho Liên Xô, người Mỹ không đưa ra được chứng cứ nào thuyết phục, mà thực ra chúng cũng không có. Hiss đã gần gũi với những người cộng tác với tình báo quân đội Xô viết, có thể là nguồn thông tin được chuyển cho các cơ quan đặc biệt của ta, thế nhưng ông chưa bao giờ là điệp viên theo đúng nghĩa của từ này.
Bạn tôi, sĩ quan tình báo quân đội đã nghỉ hưu, nhớ lại rằng trong ban quản trị của Roosevelt chúng ta có một nguồn thông tin rất quan trọng. Đó là trợ lý của Roosevelt về tình báo có quan hệ xấu với William Donovan và Edgar Hoover, các lãnh đạo Tổng cục chiến lược và FBI. Thời ấy Roosevelt lập một mạng lưới tình báo không chính thức mà ông sử dụng để thực hiện những nhiệm vụ tế nhị. Hiss cũng như Hopkins và Harriman thuộc nhóm nhỏ những nhân vật được tin cậy này.
Có thể điều đó lý giải tại sao Truman lên thay Roosevelt, đã không lập tức loại Hiss ra. Một lời cảnh cáo mềm mỏng ông nhận được, những lời buộc tội mơ hồ đưa ra chống lại ông, và cuối cùng, lập trường trung lập mà chính phủ Mỹ giữ trong vấn đề này, chỉ ra rằng Hiss biết quá nhiều, điều có thể ảnh hưởng đến thanh danh cả Roosevelt lẫn Truman. Bạn tôi, cựu binh tình báo quân đội cho rằng trong lưu trữ của FBI hẳn có nhiều tư liệu hơn về Hiss so với những gì được trình ra tòa, có khả năng giữa Roosevelt và Truman tồn tại thỏa thuận ngầm hạn chế sự buộc tội Hiss chỉ bằng chứng cứ ngụy tạo mà thôi.
Nên lưu ý rằng 80% thông tin tình báo về các vấn đề chính trị đến không phải từ các điệp viên mà từ các nguồn bí mật. Thông thường các nguồn này phản gián lần ra, nhưng chứng minh hành động gián điệp bao giờ cũng là vấn đề. Đường lối tình báo Xô viết quy lại là để các đảng viên cộng sản không dính líu với hoạt động tình báo của chúng ta. Nếu nguồn thông tin là quá quan trọng, thì người ta sẽ được lệnh ra khỏi Đảng nhằm bày tỏ sự thất vọng của mình vào chủ nghĩa cộng sản.
Trong những năm chiến tranh Hopkins và Harriman giữ quan hệ riêng, không chính thức với chính phủ Xô viết - tôi cho rằng họ hành động theo chỉ thị của Roosevelt. Còn Stalin dựa vào quan hệ không chính thức chỉ vào đầu chiến tranh, lợi dụng Umanxky và Litvinov. Khi ông vừa thiết lập được các quan hệ riêng với Roosevelt ở Teheran, ông không còn cần giữ Litvinov, một nhà ngoại giao giàu kinh nghiệm, nói thông thạo tiếng Anh, Đức, Pháp ở lại Mỹ. Việc cử Gromưko làm đại sứ ở Mỹ năm 1944 chứng tỏ rằng đã thiết lập được tiếp xúc riêng giữa Stalin và Roosevelt. Ông không cần thêm nữa những nhà trung gian như Litvinov và Umanxky.
Sau này Stalin cắt đứt tất cả những ai giữ những tiếp xúc không chính thức với các phái viên của Roosevelt. Thông báo về việc phiên dịch riêng của Roosevelt - con trai của một trong số thủ lĩnh tổ chức khủng bố bạch vệ “Liga Obera” tham gia vụ ám sát Voikov đại sứ Liên Xô ở Varsava, tôi nhận được hai ngày trước khi bắt đầu hội nghị Yalta. Tôi cấp tốc báo cáo về điều đó với Bogdan Kobulov, ông này - báo cho Beria đang ở Yalta, và theo mệnh lệnh của Beria, Krulov là người chính thức chịu trách nhiệm bảo vệ các phái đoàn và giữ tiếp xúc thường xuyên với các cơ quan đặc biệt Anh - Mỹ, đã thông tin cho chỉ huy cơ quan bảo vệ Mỹ. Phiên dịch lập tức bị đưa đi khỏi Yalta lên con tàu Mỹ neo ở cạnh bờ biển Krưm.
------------
Còn tiếp.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét