Thứ Sáu, 29 tháng 7, 2022

Những Chiến Dịch Đặc Biệt - Chương 8-1

Những Chiến Dịch Đặc Biệt

Tác giả: Pavel Xudoplatov
Người dịch: Nguyễn Văn Thảo
Thể loại: Hồi ký
Nhà xuất bản Công an nhân dân
Năm xuất bản: 2003 (Lưu hành nội bộ)

Chương 8: Chiến Tranh Lạnh

1. Đường tới Yalta và bắt đầu đối kháng hòa bình

Chiến tranh lạnh vẫn được xem là đã bắt đầu từ phát biểu nổi tiếng của Winston Churchill ngày 6-3-1946, khi lần đầu tiên ông ta nhắc về sự tồn tại các “bức màn sắt”. Thế nhưng đối với chúng ta sự đối đầu với các đồng minh phương Tây đã bắt đầu ngay lập tức khi Hồng quân bước lên lãnh thổ Đông Âu. Đụng độ các quyền lợi là tất yếu. Nguyên tắc tiến hành bầu cử nhiều đảng tại các miền đất được giải phóng và sự thành lập những chính phủ liên hiệp (với định hướng phương Tây) như tổng thống Roosevelt đề nghị ở Yalta, có thể là chấp nhận được đối với chúng ta chỉ ở giai đoạn giao thời sau thất bại của nước Đức Hitler. Tôi nhớ nhận xét của ngoại trưởng Molotov và Beria: các chính phủ liên hiệp ở Đông Âu không kéo dài được. Muộn hơn, năm 1947, tại cuộc họp của Ủy ban thông tấn đứng đầu bởi Molotov, những lời này có thêm ý nghĩa mới. Tôi nhấn mạnh rằng từ 1947 đến 1951 Ủy ban là cơ quan tình báo chủ chốt nhận hầu như tất cả thông tin từ nước ngoài về những vấn đề quân sự và chính trị.
Hiệp ước Yalta nơi chính thức ghi nhận sự phân chia thế giới sau chiến tranh giữa Mỹ, Anh và Liên Xô, thực trớ trêu, lại được định sẵn bởi Hiệp định Molotov - Ribbentrop. Trong hiệp định năm 1939 này như bây giờ người ta nói, không có những nguyên tắc nhân đạo cao cả, nhưng lần đầu tiên nó thừa nhận Liên Xô là một cường quốc vĩ đại. Sau Yalta nước Nga trở thành một trong những trung tâm chính trị thế giới mà tương lai nhân loại và số phận thế giới phụ thuộc vào đó.
Ngày nay nhiều nhà phân tích chỉ ra sự gần gũi của Stalin và Hitler trong việc phân chia thế giới, người ta phê phán tàn nhẫn Stalin vì rằng ông đã phản bội các nguyên tắc và chuẩn mực đạo đức khi ký hiệp định với Hitler. Trong khi đó đã bỏ qua việc ông ký những thỏa ước và biên bản ngầm về sự phân chia châu Âu, việc trao cho Liên Xô những kẻ di tản tìm chỗ trú thân ở phương Tây tránh chế độ Xô viết, với Roosevelt, Churchill và Truman (Yalta, Potsdam).
Những nguyên tắc tư tưởng hệ còn xa mới có ý nghĩa quyết định đối với những phi vụ bí mật giữa các siêu cường quốc. Tháng 12-1941 trong văn phòng Beria gặp đại sứ ta ở Mỹ Umanxky vừa trở về từ Washington sau vụ tấn công Trân Châu cảng của Nhật Bản. Ông kể với tôi rằng Harry Hopkins, bạn thân của Roosevelt, và phái viên về những vấn đề đặc biệt, nhân danh tổng thống đề nghị LX giải tán Quốc tế cộng sản và hòa hợp với nhà thờ chính giáo Nga. Theo lời ông ta, điều đó là cần thiết để cởi bỏ chướng ngại từ phía phe đối lập trong trợ giúp kinh tế và bảo đảm hợp tác chính trị với Mỹ trong những năm chiến tranh. Những đề nghị không chính thức này được Stalin tiếp nhận từ năm 1943 và đã tạo ra những tiền đề bổ sung thuận lợi cho cuộc gặp gỡ tại Teheran, còn sau đó là ở Yalta. Điều đó cho người Mỹ thấy rằng với Stalin có thể thỏa thuận được về những vấn đề tế nhị nhất với sự lưu ý các quyền lợi của ông.
Nhân thể nói thêm, cả chúng ta lẫn người Mỹ đều gan lỳ không công bố tất cả những ghi chép các cuộc trò chuyện của Hopkins với các nhà lãnh đạo Liên Xô. Nguyên do là đơn giản - những bàn bạc tin cậy các vấn đề tế nhị đang lật đổ nhiều khái niệm truyền thống và chứng nhận về việc sự câu kết của phương Tây với Stalin về sự phân chia lĩnh vực ảnh hưởng trên thế giới sau chiến tranh là hoàn toàn hiện thực. Các nước phương Tây chịu lép với sự tồn tại chủ nghĩa cộng sản trong nền chính trị thế giới, và hơn nữa, họ không cho chế độ cộng sản là sự cản trở trong việc đạt tới thỏa thuận về các vấn đề cơ cấu thế giới thời hậu chiến.
Cuối năm 1944 khi chuẩn bị cho hội nghị Yalta (khai mạc vào tháng 2-1945), chúng tôi đã tiến hành cuộc họp các lãnh đạo NKVD-NKGB, Bộ Quốc phòng và Bộ Hải quân do Molotov chủ trì. Mục đích cuộc họp này là làm rõ, nước Đức có thể tiếp tục chiến tranh hay không, và phân tích thông tin về những lĩnh vực có thể của những thỏa thuận với các đồng minh Mỹ và Anh về tổ chức thế giới sau chiến tranh.
Sau cuộc họp này Beria cử tôi làm lãnh đạo nhóm đặc biệt chuẩn bị và kiểm tra tài liệu cho hội nghị Yalta. Tôi phải thường xuyên thông tin cho Stalin và Molotov. Beria đi Yalta, nhưng không tham gia hội nghị. Để chuẩn bị cho cuộc gặp ở Krưm, chúng tôi thu thập số liệu về các nhà lãnh đạo các nước liên minh, dựng chân dung tâm lý để phái đoàn ta biết trong đàm thoại có thể đụng độ với cái gì. Chúng tôi rõ rằng người Mỹ cũng như người Anh không có đường lối rõ ràng liên quan đến tương lai của các nước Đông Âu. Ở các đồng minh không tồn tại sự thỏa thuận trong vấn đề này, cũng không có chương trình chuyên biệt. Tất cả những gì họ muốn, đó là đưa các chính phủ Ba Lan và Tiệp Khắc đang lưu vong tại Anh trở về nắm chính quyền.
Các tư liệu của tình báo quân đội và của chính chúng tôi chỉ ra rằng người Mỹ cởi mở cho thỏa hiệp, vậy thì tính mềm dẻo có thể bảo đảm phân chia các lãnh vực ảnh hưởng ở châu Âu sau chiến tranh và ở Viễn Đông là chấp nhận được. Chúng ta đồng tình rằng chính phủ Ba Lan lưu vong phải nhận được một số chức vụ quan trọng trong chính phủ liên hiệp mới. Các đòi hỏi của Roosevelt và Churchill đưa ra ở Yalta, chúng tôi cảm thấy là cực kỳ ấu trĩ: từ quan điểm của chúng ta, thành phần chính phủ Ba Lan sau chiến tranh sẽ do các thành phần được sự ủng hộ từ phía Hồng quân.
Vào giai đoạn trước hội nghị Yalta, Hồng quân tiến hành các hoạt động chiến đấu tích cực chống bọn Đức và có thể giải phóng phần lớn lãnh thổ Ba Lan. Tiên đoán bước ngoặt thuận lợi cho chúng ta trong tất cả các nước Đông Âu là chẳng khó khăn gì - đặc biệt ở nơi nào ĐCS có vai trò tích cực trong các Ủy ban cứu quốc trên thực tế là cựu chính phủ lâm thời nằm dưới ảnh hưởng và chịu kiểm soát một phần của chúng ta.
Chúng ta có thể thể hiện sự mềm dẻo và đồng tình đối với việc tiến hành những cuộc bầu cử dân chủ, bởi các chính phủ lưu vong không cách gì chống đối nổi ảnh hưởng của chúng ta. Thí dụ, Benes chạy khỏi Tiệp Khắc sang Anh bằng tiền của NKVD. Sau này Lidovich Xvoboda trở thành Tổng thống Tiệp Khắc luôn luôn định hướng về Liên Xô. Lãnh đạo tình báo Tiệp, đại tá Moravets, về sau là tướng, từ 1935 đã cộng tác, đầu tiên với tình báo quân đội, sau với NKVD, điều không ngăn cản ông ta giữ tín niệm chống Liên Xô, đã tiếp xúc chặt chẽ với Tsitsaev nhóm trưởng của ta ở London.
Nhà vua Rumani trẻ tuổi Mikhai cần sự giúp đỡ của những nhóm cắm sâu của chúng ta có liên hệ với sự lãnh đạo của ĐCS Rumani để bắt giữ tướng Antonescu, cắt đứt liên minh với Hitler và gia nhập liên minh chống Hitler.
Tình hình ở Bungari cũng hoàn toàn thuận lợi, xét đến sự có mặt và ảnh hưởng của George Dimitrov huyền thoại, cựu chủ tịch Quốc tế cộng sản. Trong thời gian tiến hành hội nghị Yalta chúng ta đã chuẩn bị bí mật chuyển quặng uran khai thác ở núi Rodosk Bungari.
------------
Còn tiếp.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét