Chủ Nhật, 17 tháng 7, 2022

Những Chiến Dịch Đặc Biệt - Chương 2-5

Những Chiến Dịch Đặc Biệt

Tác giả: Pavel Xudoplatov
Người dịch: Nguyễn Văn Thảo
Thể loại: Hồi ký
Nhà xuất bản Công an nhân dân
Năm xuất bản: 2003 (Lưu hành nội bộ)

Chương 2: Ở Tây Ban Nha

5. Thủ tiêu những người theo phái Trotsky ở nước ngoài

Họ tên thật của Orlov - Nikolxky-Feldbin, ông cũng là “Thằng Thụy Điển” hay “Leva” trong những tài liệu tác chiến. Vả lại ở phương Tây ông đã nổi tiếng là Alexandr Orlov. Tôi gặp ông ta ở phương Tây và ở Trung tâm, nhưng chỉ thoáng qua. Ấy thế nhưng tôi cho là quan trọng dừng lại ở nhân vật này đầy đủ hơn, bởi vì chính sự chống phá của ông trong những năm 50 và 60 đã cho khả năng hiểu tính chất những cuộc thanh trừng năm 1937 ở Liên Xô. Tiện thể, bất chấp khẳng định của ông ta, Orlov chưa bao giờ là một vị tướng NKVD. Trên thực tế ông ta có quân hàm thiếu tá An ninh, một hàm đặc biệt được coi ngang hàm đại tá năm 1945. Vào đầu những năm 30, Orlov đứng đầu Ban Tình báo Kinh tế của Cục đối ngoại OGPU, là người tham gia các cuộc tiếp xúc và liên lạc bí mật với các nhà doanh nghiệp phương Tây và đóng vai trò quan trọng trong sự xuất khẩu phát minh mới của kỹ thuật nước ngoài từ Đức và Thụy Điển sang Liên Xô.
Thêm nữa Orlov còn là một nhà báo tài ba. Ông không ở Moskva khi diễn ra những cuộc bắt bớ và thủ tiêu vào những năm 1934-1937, nhưng giả thuyết sách vở của ông về các sự kiện này được công chúng xem là hợp lý. Thậm chí một số tác giả của chúng ta đến ngày hôm nay vẫn sử dụng giả thuyết này để miêu tả sự dã man của chính thể Stalin. Tất nhiên, có không ít sự thật, nhưng cần nhớ: con người này không nắm rõ lắm về các sự kiện thực tế. Orlov sử dụng tiếng Anh tuyệt vời, tiếng Đức và tiếng Pháp. Ông ta khá thành công trên thị trường chứng khoán Đức. Ông ta đã viết một cuốn sách giáo khoa cho Học viện đặc biệt của NKVD hướng dẫn việc lôi kéo người nước ngoài cộng tác gián điệp. Raixa Xobol, bạn gái của vợ tôi, trở thành nhà văn Irina Gugo nổi tiếng, vào những năm 20 làm việc tại phòng Kinh tế GPU dưới sự lãnh đạo của ông ta, đánh giá ông ta khác thường. Từ số người đưa tin của mình, Orlov đã tạo lập được một nhóm kiểm tra không chính thức, đã làm sáng tỏ thu nhập của những người theo chính sách kinh tế mới. Cái cơ quan kiểm tra không công khai này của Orlov do Xlutsky thời đó là trưởng phòng Phòng Kinh tế GPU điều hành trực tiếp, sau đó khi ông trở thành lãnh đạo Cục đối ngoại, đã chuyển Orlov sang phục vụ cho tình báo ở nước ngoài. Vào những năm 1934-1935 Orlov phụ trách điệp viên mật ở London, ông ta đã củng cố được mối liên hệ với nhóm đã trở nên nổi tiếng khắp thế giới: Filby, Maklin, Berges, Kernkross, Blantidr. [nhóm Cambridge]
Tháng 8-1936 ông ta được phái sang Tây Ban Nha sau một bi kịch tình ái với nữ nhân viên trẻ NKVD Galina Voitova. Cô ta tự sát ngay trước tòa nhà Lubianka, sau khi Orlov bỏ cô, từ chối ly dị vợ. Xlutsky, bạn thân của ông ta, không chậm trễ đề nghị cho ông ta chức vụ phụ trách tình báo ở Tây Ban Nha ngay trước khi Ejov được đề cử làm Bộ trưởng Bộ Nội vụ vào tháng 9-1936. Orlov được giao những nhiệm vụ đặc biệt bí mật, một trong số đó là đưa vàng từ Tây Ban Nha về Moskva. Nhờ chiến dịch liều lĩnh này ông ta được thăng cấp. Báo “Sự Thật” thông báo về việc thiếu tá An ninh Quốc gia Nikolxky được tặng thưởng huân chương Lenin vì hoàn thành một nhiệm vụ quan trọng. Cũng trong số đó, tờ báo đưa tin thiếu tá An ninh Quốc gia Naumov (Eitingon) được tặng thưởng huân chương Cờ đỏ, còn đại úy Vaxilevxky - huân chương Sao đỏ.
Cả Spigelglaz cũng rất quý trọng Orlov, ông thường thăm Tây Ban Nha và kể với tôi rằng Orlov đang ở đấy hoàn thành một cách xuất sắc nhiệm vụ chiêu mộ mạng điệp viên quan trọng.
Orlov đóng một vai trò quan trọng trong việc thủ tiêu kẻ cầm đầu phái Trotsky Tây Ban Nha Andres Nin. Toàn bộ chiến dịch giải thoát Nin từ nhà tù được tiến hành với sự tham gia trực tiếp của Orlov-Nikolxky nhờ nhóm phần tử vũ trang đặc biệt - những người Đức chống phát xít, chiến sĩ của đội du kích phá hoại. Đứng đầu nhóm người Đức là Guxtav Rubeirlein, sau này là vụ trưởng Vụ đối ngoại TƯ của Đảng Xã hội chủ nghĩa Thống nhất Đức. Sự tham gia của những người Đức này dường như khẳng định giả thuyết của Nikolxky về sự liên đới của các cơ quan đặc biệt Đức đối với việc giải thoát điệp viên của mình từ nhà tù cộng hòa. Ấy thế mà sự đụng độ gắn với việc giải thoát Nin vẫn không được điều chỉnh. Chính phủ cộng hòa phản ứng hết sức bệnh hoạn. Chính vì sự tham gia vào cuộc dấy loạn của phái Trotsky tại Barcelona, Nin bị bắt bởi chính phủ cộng hòa, để sau đó được Orlov giải thoát và bị giết chết không xa Barcelona.
Phi vụ thủ tiêu Nin được giữ trong lưu trữ của NKVD như chiến dịch “Nikolia”. Tiền đề của vụ việc này gắn với sự thâm nhập thành công của các điệp viên của Orlov-Nikolxky vào phong trào Trốtkit. Thông qua bộ trưởng của chính phủ cộng hòa Catalonia, Gaodosi Orivero, phong tỏa sự tiếp ứng của các đơn vị vô chính chủ đến giúp những kẻ phản loạn theo Trotsky tại Barcelona tháng 6-1937. Ngoài ra, chỉ huy cơ quan an ninh cộng hòa Catalonia - V. Xala (Hota) - được Orlov chiêu mộ, thường xuyên báo về các ý đồ của bọn Trốtkít và tạo khả năng kiểm soát trọn vẹn các thư từ và thương thuyết của tất cả các nhà lãnh đạo của phong trào này tại Catalonia nơi chúng có chỗ dựa.
Chính “Hota” đã bắt giữ những kẻ đưa tin Đức kích động sự nổi loạn tại Barcelona mà nhanh chóng nó đã lớn mạnh thành cuộc khởi nghĩa vũ trang. Các chứng cứ không thể bài bác về sự dính líu của các cơ quan đặc biệt Đức tới tình hình Barcelona với mục đích nhằm bôi xấu thanh danh các lãnh tụ Trốtkít. Sau đó Orlov viết một bài trào phúng chống Trốtkít, truyền bá nó nhân danh Andres Nin, và tạo nên một giả thuyết được chính quyền thừa nhận về sự tác động của các cơ quan an ninh Đức vào sự vượt ngục của Nin. Sự kiện này giáng đòn nặng cho tiếng tăm của phong trào Trốtkít ở Tây Ban Nha. Về các hoạt động phản thông tin thành công của Orlov và sự thủ tiêu những kẻ Trốtkít ở Tây Ban Nha được Ejov trực tiếp báo cáo với Stalin.
Tháng 6-1938 Spigelglaz, phải gặp gỡ với Orlov trên boong tàu Xô viết trên lãnh hải Bỉ để nhận báo cáo định kỳ. Spigelglaz nghi ngờ rằng các cơ quan đặc biệt Pháp và Bỉ có cơ sở để bắt giữ ông ta, bởi một năm về trước người ta đã bắt một số điệp viên của ông bị vướng vào việc bắt cóc tướng bạch vệ Miller. Với lý do này Spigelglaz sợ đi lên bờ. Orlov lại sợ điều khác: ông ta nghi ngờ đó là cái bẫy để tóm ông ta. Thế là ông ta không đến chỗ hẹn gặp với Spigelglaz.
Orlov lẩn trốn, và chỉ vào tháng 11 chúng tôi mới rõ là ông ta xuất hiện tại Mỹ. Trước khi điều đó xảy ra, tôi đã ký cái gọi là “thông báo” về việc tìm kiếm ông ta truyền đến tất cả các mạng lưới điệp viên. Trong tài liệu này miêu tả đầy đủ nhân dạng Orlov và các thói quen của ông ta, cũng như mô tả vợ và con gái ông ta, mà lần cuối cùng người ta thấy họ với ông ta ở cùng nhau ở Pháp. Trong thông báo chỉ rõ nguyên nhân sự biến mất có thể của Orlov và gia đình ông ta - đe dọa bắt cóc từ phía Anh, Đức hoặc Pháp. Đặc biệt tôi nhấn mạnh là Orlov nổi tiếng với chính quyền Anh và Pháp như một nhà giám định của chính thể Xô viết, đã tham gia, hai lần, vào công việc của Ủy ban quốc tế về sự không can thiệp vào cuộc nội chiến ở Tây Ban Nha. Nguyên nhân khác có thể là sự phản bội của ông ta: két sắt mạng tình báo ở Barcelona đã biến mất 60 nghìn đôla dành cho các mục đích tác chiến. Sự biến mất của ông ta còn làm chúng tôi lo lắng bởi vì Orlov biết rõ về hệ thống điệp viên tại Anh, Pháp, Đức và tất nhiên là ở Tây Ban Nha.
Tháng 11-1938 Beria gọi tôi tới và khi đưa ra các chỉ dẫn, đã bất ngờ ra lệnh ngừng truy lùng Orlov. Phục hồi lại sự tìm kiếm, tôi phải làm theo chỉ thị trực tiếp của ông. Hóa ra, từ Mỹ, Orlov đã gửi thư riêng cho Stalin và Ejov trong đó giải thích sự trốn chạy của mình vì lo sợ vụ bắt giữ trên boong tàu Xô viết.
Trong thư cũng nói rằng, trong trường hợp mưu toan làm rõ chỗ ông ta đang sống hay thiết lập sự theo dõi, ông ta sẽ cho luật sư của mình công bố các tài liệu do ông ta cất giữ trong tủ két nhà băng Thụy Sĩ. Nó chứa đựng thông tin về sự dối trá của các tài liệu chuyển cho Ủy ban quốc tế về sự can thiệp vào cuộc nội chiến ở Tây Ban Nha. Orlov cũng đe dọa kể toàn bộ câu chuyện gắn với vụ chuyển vàng Tây Ban Nha và bí mật đưa nó về Moskva với các tài liệu tương ứng. Sự phanh phui này hẳn đặt cả chính phủ Xô viết lẫn vô số người di tản Tây Ban Nha vào tình huống khó xử, bởi vì sự viện trợ quân sự của Liên Xô cho những người cộng hòa trong cuộc nội chiến vẫn được coi một cách chính thức là vô tư. Tiền trả mà chúng ta nhận dưới dạng là vàng và các đồ quý hiếm, được vây bọc bởi một màn bí mật. Orlov đề nghị Stalin không săn đuổi bà mẹ già nua của ông ta đang ở lại Moskva, và nếu các điều kiện của ông ta được tiếp nhận, ông ta sẽ không làm lộ mạng gián điệp nước ngoài và các bí mật của NKVD mà ông ta biết.
Tôi không tin lý do mà theo đó Orlov không khai ra nhóm Cambrige hay vụ bắt cóc tướng Miller. Nó đơn giản là sống còn. Tháng 8-1938 lần đầu tiên tôi nghe nói về các vụ bắt cóc và thủ tiêu những người Trốtkít và những kẻ di tản do OGPU-NKVD tiến hành ở châu Âu trong những năm 30. Gắn với chuyện này đáng làm rõ một số chi tiết về Reiss (họ tên thật là Poretski), nhà tình báo bí mật được cắm ở Tây Âu. Ông ta nhận được một số tiền lớn, và Reiss sợ rằng sẽ trở thành nạn nhân của sự thanh trừng. Ông ta lấy tiền dành cho các mục đích tác chiến và bỏ trốn. Ông ta cất tiền tại một nhà băng Mỹ. Trước khi trốn chạy, năm 1937, Reiss đã viết một bức thư cho lãnh sự Liên Xô tại Pháp, trong đó chỉ trích Stalin. Bức thư này sau đó xuất hiện trên một ấn phẩm Trốtkít và trở thành nguy hại đối với ông ta, dù từ hồ sơ của Reiss cho thấy là chưa bao giờ ông ta có cảm tình với chính Trotsky, hay với bất cứ nhóm nào ủng hộ Trotsky. Mặc dù thế sau khi bức thư này xuất hiện trên báo chí Trốtkít, Reiss đã bị kết án tử hình vắng mặt.
Reiss sống một cuộc sống khá buông thả, và mạng lưới điệp viên của Spigelglaz rất nhanh chóng lần ra ông ta. Vụ thủ tiêu được thực hiện bởi hai điệp viên: một người Bungari tên Afanaxiev và đồng hao của anh ta là Pravdin ở Thụy Sĩ. Họ ngồi xuống bàn cạnh ông ta trong một hiệu ăn nhỏ ở ngoại ô Lozanna. Reiss say sưa uống rượu với hai người Bungari có vẻ là những nhà doanh nghiệp. Afanaxiev và Pravdin dàn cảnh cãi cọ với Reiss, tống ông ta ra khỏi hiệu ăn, dúi vào ô tô của mình và chở đi. Ở cách chỗ đó ba kilômét họ bắn chết Reiss, bỏ xác lại bên vệ đường.
Tôi tiếp Aianaxiev và Pravdin tại điểm hẹn ở Moxkva nơi họ trở về sau khi hoàn thành nhiệm vụ. Cùng với họ có Spigelglaz, người phụ trách họ. Afanaxiev và Pravdin được tặng huân chương. Theo sắc lệnh đặc biệt của chính phủ, mẹ của Pravdsin sống ở Paris được nhận tiền hưu trọn đời. Afanaxiev trở thành sĩ quan tình báo và phục vụ đến năm 1953, còn Pravdin vào làm việc tại Nhà xuất bản văn học nước ngoài ở Moskva, nơi ông làm việc đến lúc mất năm 1970. Theo tôi, nên làm rõ: tin đồn về việc Xergei Efron, chồng của nữ thi sĩ Marina Svetaeva, là một trong những người đã chỉ điểm Reiss cho NKVD, là bịa đặt hoàn toàn. Efron làm việc cho NKVD ở Paris, không nắm được tin tức gì về Reiss.
Một trường hợp khác cũng đòi hỏi sự đánh giá, liên quan đến Agabekov. Vào những năm 20 Agabekov là phụ trách điệp viên NKVD ở Stambul. Ông ta trở thành kẻ vượt tuyến do sự gần gũi với Bliumkin, người bị buộc tội có cảm tình với các quan điểm của Trotsky. Người ta cho rằng, tình yêu của ông đối với con gái của một viên tình báo Anh ở Stambul đóng trọn vai trò của mình. Thiếu tiền một cách tuyệt vọng, Agabekov đã viết và cho xuất bản hai cuốn sách ở phương Tây. Ông ta cũng dính vào các vụ buôn lậu với đám dân lưu vong người Kavkaz mà ông ta hứa chuyển các báu vật gia đình họ cất giấu ra khỏi Liên Xô qua đường dây buôn lậu.
Có tin rằng Agabekov mất tích trên biên giới với Tây Ban Nha. Trong thực tế ông ta bị thủ tiêu ở Paris, khi bị lừa đến điểm hẹn, nơi ông ta dường như cần phải thỏa thuận về việc bí mật chở kim cương, ngọc và kim loại quý của một gia đình giàu có người Armenia. Nhà buôn Hi Lạp, kẻ trung gian trong phi vụ mà ông ta đã gặp tại Antwerpen, là G. Takhtsianov - cộng sự của NKVD tại Pháp. Chính anh ta đã dụ Agabekov tới điểm hẹn, khi đánh vào tình cảm dân tộc của ông ta. Chờ ông ta trong phòng đã có một tay súng, cựu sĩ quan quân đội Thổ Nhĩ Kỳ, và điệp viên trẻ tuổi Korotkov, vào những năm 40 trở thành phụ trách tình báo bí mật MGB Liên Xô.
Người Thổ giết Agabekov bằng dao, sau đó xác ông ta bị nhét vào va li rồi vứt xuống sông. Và thế là thi thể chẳng bao giờ được phát hiện.
Người Thổ và Korotkov còn thực hiện một vụ khủng bố năm 1938. Eil Taubman, một điệp viên trẻ với mật danh “Thiếu niên”, xuất thân từ Litva đã tìm cách lấy được lòng tin của Rudolf Klement, cầm đầu tổ chức Trốtkít tại châu Âu và là bí thư cái được gọi là Đệ tứ Quốc tế cộng sản. Trong suốt một năm rưỡi Taubman là trợ lý của Klement. Có lần buổi tối Taubman mời Klement ăn tối với bạn bè của anh ta và dẫn ông kia đến căn hộ trên đại lộ Saint-Michael, nơi người Thổ và Korotkov đã chờ sẵn. Người Thổ đâm chết Klement, thi thể lại được nhét vào va li và ném xuống sông Seine. Thi thể được tìm ra và nhận dạng bởi cảnh sát Pháp, nhưng đến lúc ấy, Taubman, Korotkov và người Thổ đã ở xa Paris rồi.
Tại Moskva huân chương đang chờ họ, còn tôi phải lo về công việc tương lai của họ. Người Thổ trở thành “ông chủ” một phòng hẹn bí mật ở Moskva, G. Takhtsianov trở thành một trong những người lãnh đạo tình báo bí mật vào những năm 40. Taubman đổi tên là Xemenov và được cử đi học ở Trường chế tạo máy Hóa chất. Sau đó anh chuyển sang phục vụ tại cơ quan an ninh.
Cảnh tiếp gắn với số phận một trong những kẻ vượt tuyến vào những năm 30, Krivitsky. Sĩ quan tình báo quân sự Krivitsky năm 1937 bỏ chạy và xuất hiện tại Mỹ năm 1939, xuất bản cuốn sách dưới tiêu đề “Tôi từng là điệp viên của Stalin”. Tháng 2 năm 1941 người ta tìm thấy ông ta bị giết chết ở một khách sạn tại Washington. Người ta cho rằng ông ta bị giết bởi NKVD, dù được thông báo chính thức đó là một vụ tự sát. Thật ra, đã có kế hoạch truy tìm Krivitsky, nhưng kết cục bình thường là thế đối với những kẻ đào ngũ.
Trong Tổng cục tình báo Hồng quân và NKVD, tất nhiên, người ta không thương tiếc cái chết của ông ta, nhưng nó, theo như tôi được rõ, không do chúng tôi gây ra. Tôi cho rằng ông ta tự sát do kích động thần kinh.
------------
Còn tiếp.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét