Chủ Nhật, 17 tháng 7, 2022

Những Chiến Dịch Đặc Biệt - Chương 3-2

 Những Chiến Dịch Đặc Biệt

Tác giả: Pavel Xudoplatov
Người dịch: Nguyễn Văn Thảo
Thể loại: Hồi ký
Nhà xuất bản Công an nhân dân
Năm xuất bản: 2003 (Lưu hành nội bộ)

Chương 3: Những Cuộc Thanh Trừng Chính Trị 1934-1939

2. Các vụ thanh trừng trong NKVD [Bộ Dân ủy Nội vụ]

Năm 1938 bầu không khí thấm đẫm nỗi hoảng loạn, trong nó cảm thấy gì đó báo điềm dữ.
Spigelglaz, Cục phó phụ trách tình báo ngoài nước của NKVD, ngày càng trở nên cau có hơn. Ông bỏ thói quen nghỉ ngày chủ nhật. Tháng 9, thư ký của Ejov, lúc đó là người đứng đầu NKVD, tự tử trên chiếc thuyền khi bơi trên sông Moskva. Điều đó đối với chúng tôi là sự bất ngờ hoàn toàn. Nhanh chóng xuất hiện lệnh bắt giữ người dù không có chữ ký của Beria, phó thứ nhất của Ejov. Có tin đồn, rằng Beria gọi Ejov một cách thân mật là “Ejic của tôi” (Ejic: con nhím) và thường có thói quen vỗ vào lưng ông ta, thế nhưng kiểu xử sự bằng hữu đó đơn giản chỉ là giả tạo. Tại Lubiaka mọi người trở nên kìm chế và né tránh các cuộc trò chuyện bất kỳ. Trong NKVD có một ban kiểm tra đặc biệt từ BCHTƯ đến làm việc.
Các sự kiện sau đó vẫn còn đậm nét đối với tôi. Đã là tháng 11, ngay trước những ngày kỷ niệm cách mạng tháng Mười. Vào lúc bốn giờ sáng hồi chuông điện thoại dai dẳng đã đánh thức tôi: Kozlov, phụ trách ban thư ký Cục đối ngoại, gọi đến. Giọng nói vẻ nghiêm trọng, nhưng trong đó ẩn chứa sự hồi hộp khác thường.
- Pavel Anatolievich này, - tôi nghe thấy, - đồng chí Merkulov phó thứ nhất Tổng cục An ninh gọi gấp anh đấy. Xe đang đợi anh. Hãy đến một cách nhanh nhất. Spigelglaz và Paxxov vừa bị bắt.
Vợ tôi cực kỳ lo lắng. Tôi cho là đã đến lượt tôi.
Tại Lubianka chính Kozlov đón tôi và dẫn vào văn phòng Merkulov. Ông kia chào tôi với phong thái trầm tĩnh, lịch thiệp thông thường và đề nghị đi tới chỗ Beria. Thần kinh của tôi căng thẳng tột độ. Tôi tưởng tượng người ta sẽ hỏi tôi thế nào về các quan hệ của tôi với Spigelglaz. Nhưng thực kinh ngạc, Beria không thẩm vấn gì tôi cả. Bằng giọng điệu khá nghiêm chỉnh ông ta giải thích rằng Paxxov và Spigelglaz bị bắt vì lừa dối Đảng và rằng tôi phải không chậm trễ bắt tay vào thực hiện trách nhiệm Cục trưởng Cục đối ngoại. Tôi sẽ phải báo cáo trực tiếp với ông ta về tất cả các vấn đề khẩn cấp nhất. Đáp lại tôi nói rằng văn phòng của Paxxov bị niêm phong và tôi không thể đi vào đó được.
- Hãy gỡ ngay niêm phong, và hãy nhớ: đừng làm rối đầu tôi bằng chuyện vớ vẩn như thế. Anh không còn là chú học trò để hỏi những câu trẻ con.
Sau mười phút tôi đã phân loại các tài liệu trong két sắt của Paxxov. Một số đơn giản là gây sửng sốt. Thí dụ, thông tin về Heifets phụ trách tình báo ở Italia. Nó nói đến các mối liên hệ với các phần tử có vấn đề trong Quốc tế cộng sản nơi Heifets một thời từng làm việc. Nó cho thấy cả tính chất đáng ngờ của những mối tiếp xúc của ông với những những người tốt nghiệp trường đại học Bách khoa ở Ien (Đức) năm 1926. Đến giờ tôi vẫn nhớ chỉ thị của Ejov trên tài liệu: “Gọi về Moskva. Bắt ngay không chậm trễ”.
Tài liệu tiếp theo - đơn gửi BCHTƯ ĐCS Liên Xô và Đoàn chủ tịch Xô viết Tối cao về việc tặng thưởng tôi, Xudoplatov Pavel Anatolievich, huân chương Cờ đỏ vì hoàn thành nhiệm vụ quan trọng ở nước ngoài vào tháng 5 năm 1938 do Ejov ký. Cũng ở đây có lệnh chưa được ký bổ nhiệm tôi làm trợ lý Cục trưởng Cục đối ngoại. Tôi đem các tài liệu này cho Merkulov.
Mỉm cười, ông ta xé chúng ngay trước mặt tôi và ném vào giỏ đựng rác, điều làm tôi không ít ngạc nhiên. Tôi im lặng nhưng trong lòng hơi phật ý - tôi được đề nghị tặng thưởng vì đích thực tôi đã mạo hiểm sự sống, thực thi một nhiệm vụ nguy hiểm. Vào thời điểm đó tôi chưa hiểu tôi đã gặp may đến đâu: nếu lệnh về sự bổ nhiệm tôi được ký, thì một cách tự động phù hợp với Nghị định của BCHTƯ ĐCS Liên Xô, tôi hẳn sẽ bị bắt như một cán bộ lãnh đạo tác chiến của bộ máy NKVD bị coi là có vấn đề về chính trị.
Lúc sau trong văn phòng của tôi, điện thoại réo. Đó là Kixelev, trợ lý của Malenkov ở BCHTƯ. Ông ta bực tức khiển trách tôi vì chậm chuyển giao các phương tiện từ quỹ đặc biệt dành để tài trợ các chiến dịch bí mật của Quốc tế cộng sản tại Tây Âu. Ông ta còn nổi cơn thịnh nộ hơn bởi tại hội nghị của Ủy ban Tây Ban Nha tại BCHTƯ đã không có đại diện của NKVD. Tôi cố giải thích với ông ta rằng tôi không biết quỹ nào cả và không rõ ai chính là người chuyên trách chuyển giao chúng. “Còn tại cuộc họp ở BCHTƯ, - tôi nói, - NKVD vắng mặt vì Paxxov và phó của ông ta vừa bị bắt như những kẻ thù của nhân dân”. Tôi nói thêm rằng tôi vừa tiếp nhận trách nhiệm hai giờ trước đấy. Kixelev vứt ống nói.
Qua ba tuần thừa hành chức Cục trưởng tôi có thể biết rõ cấu trúc và tổ chức việc tiến hành các chiến dịch tình báo ở nước ngoài. Trong khuôn khổ NKVD tồn tại hai phân đội chuyên trách tình báo ở ngoài nước. Đó là Cục đối ngoại mà lúc đầu lãnh đạo là Trilixxer, sau đó là Artuzov, Xlutsky và Paxxov. Nhiệm vụ của Cục - thu thập cho Trung tâm tin tình báo trên các kênh công khai (qua các cán bộ chúng ta có vỏ bọc ngoại giao hay làm việc tại các văn phòng đại diện thương mại ở ngoài nước), và các kênh bí mật. Đặc biệt quan trọng là các tin tức về hoạt động của các chính phủ và các hãng tư bí mật chi tài chính cho hoạt động phá hoại của bọn Nga lưu vong và các sĩ quan bạch vệ ở các nước châu Âu và Trung Quốc. Cục đối ngoại được phân chia theo địa lý, và cũng kể cả các ban chuyên thu thập tin tình báo về khoa học kỹ thuật và kinh tế. Các phòng này tổng hợp tài liệu đến từ các mạng điệp viên ở nước ngoài. Ưu thế các kênh bí mật là hoàn toàn tự nhiên, bởi ở nước ngoài lúc ấy chưa có nhiều các tổ chức thương mại và ngoại giao. Vì thế mà các kênh bí mật là vô cùng quan trọng.
Đồng thời tồn tại một cơ quan tình báo khác - Nhóm đặc biệt trực thuộc Bộ trưởng Bộ Nội vụ và được ngụy trang kín đáo. Trong nhiệm vụ của nó có sự tạo lập mạng lưới dự bị các điệp viên mật để tiến hành các chiến dịch phá hoại trong hậu phương kẻ thù ở Tây Âu, Cận Đông, Trung Quốc và Mỹ trong trường hợp có chiến tranh. Lưu ý tính chất công việc, Nhóm đặc biệt không có các cộng sự của mình trong các tổ chức thương mại và ngoại giao ở nước ngoài. Bộ máy của nó gồm hai mươi cán bộ tác chiến chịu trách nhiệm điều phối hoạt động của mạng điệp viên ngoài nước. Tất cả các cán bộ còn lại hoạt động ở nước ngoài với tư cách điệp viên mật. Vào thời gian tôi đang nói đến, số điệp viên như thế có khoảng sáu mươi người. Chả bao lâu tôi rõ rằng ban lãnh đạo NKVD có thể theo sự lựa chọn của mình sử dụng lực lượng và phương tiện của Cục đối ngoại và Nhóm đặc biệt để tiến hành những chiến dịch đặc biệt quan trọng trong đó có việc phá hoại và thủ tiêu các đối thủ của Liên Xô ở nước ngoài.
Nhóm đặc biệt đôi khi được gọi là “Nhóm Iasư”, bởi vì hơn mười năm do Iakov Xerebrianxky lãnh đạo. Chính người của ông đã tổ chức bắt cóc tướng Kutepov, thủ lĩnh ROVX bạch vệ tại Paris năm 1930. Trước cách mạng Xerebrianxky là đảng viên đảng Eser [đảng Xã hội-Cách mạng]. Ông tham gia vào việc thủ tiêu các quan chức bảo vệ đã tổ chức những cuộc cướp bóc người Do Thái ở Mogilev (Beloruxia). “Nhóm Iasư” tạo lập một mạng lưới điệp viên hùng hậu vào những năm 20-30 tại Pháp, Đức, Palestine, Mỹ và vùng Scandinavia. Họ trưng dụng các điệp viên trong số người hoạt động bí mật của Quốc tế cộng sản, những người không tham gia các hoạt động tuyên tuyền và danh hiệu đảng viên của họ trong các ĐCS các nước được giữ kín. Nhóm của Xerebrianxky tỏ ra xuất sắc trong các vụ chuyên chở máy bay mới nhất từ Pháp sang cộng hòa Tây Ban Nha năm 1937.
Tháng 11 năm 1938, Xerebrianxky nằm trong số các nhà lãnh đạo NKVD bị bắt giam - ông bị kết án tử hình, nhưng người ta không bắn chết. Năm 1941, sau khi chiến tranh nổ ra, ông được tha và theo sáng kiến của tôi, ông trở thành trưởng phòng chuyên trách chiêu nạp điệp viên cài cắm lâu dài tại các nước Tây Âu và Mỹ.
Năm 1946 Abakumov được bổ nhiệm làm bộ trưởng Bộ An ninh Quốc gia, và Xerebrianxky buộc phải nghỉ hưu, bởi vì năm 1938 chính Abakumov xử lý vụ án của ông và, dùng những cực hình dã man, đã lấy lời cung khai giả dối. Lẽ tự nhiên, Xerebrianxky không thể ở lại nơi công tác với vị bộ trưởng mới đến. Ông nghỉ với hàm đại tá và nhận lương hưu. Sau cái chết của Stalin người ta đưa ông trở lại làm việc và bổ nhiệm làm một trong số phó của tôi liên quan với kế hoạch mở rộng các chiến dịch tình báo - phá hoại. Đó là thời Beria, vào tháng 4 năm 1953, còn vào tháng 10 cùng năm ông bị bắt cùng với vợ lần thứ hai - giờ đây ông bị khép tội tham gia vào cái gọi là âm mưu của Beria với mục đích sát hại các thành viên Đoàn chủ tịch BCHTƯ đảng. Ông mất trong tù năm 1956 trong thời gian hỏi cung và được minh oan năm 1971, khi Andropov biết về số phận Xerebrianxky trong lúc chuẩn bị cuốn sách đầu tiên về lịch sử ngành tình báo Xô viết mà người ta bắt đầu viết theo chỉ thị của ông.
Chỉ đến năm 1963 tôi mới biết cái gì đích thực đứng đằng sau các sự sắp xếp lại tổng thể và thanh trừng trong hàng ngũ NKVD vào những tháng cuối năm 1938. Mamulov và Liudvigov phụ trách ban thư ký của Beria - họ đã cùng với tôi ngồi trong nhà tù Vladimir - đã kể với tôi sự thật trọn vẹn về các sự kiện này, cái sự thật không bao giờ được đưa ra công chúng.
Đã được tung ra như thế nào cái điều giả dối mở đường cho chiến dịch chống Ejov và những người cùng làm việc với ông ta. Được Beria xúi bẩy, hai lãnh đạo công an tỉnh từ Iaroxlav và Kazakxtan đã gửi thư tới Stalin tháng 10-1938, khẳng định rằng dường như trong các cuộc trò chuyện với họ, Ejov đã hàm ý nói đến các cuộc bắt bớ sắp tới các thành viên ban lãnh đạo Xô viết ngay trước những ngày lễ tháng Mười. Hành động bôi xấu Ejov đã được triển khai thành công. Sau mấy tuần Ejov bị buộc tội âm mưu có mục đích phế bỏ chính phủ hợp pháp. Bộ Chính trị phê chuẩn nghị định đặc biệt trong đó những nhân vật lãnh đạo cao cấp nhất của NKVD bị tuyên bố là “không đáng tin cậy về chính trị”. Điều đó dẫn tới sự bắt bớ hàng loạt lãnh đạo của các cơ quan an ninh, và tôi đích thực là gặp may khi lệnh của Ejov thăng cấp cho tôi còn chưa ký nằm trong két của Paxxov.
Tháng 12-1939 Beria chính thức nắm dây cương điều hành NKVD, còn Dekanozov trở thành Cục trưởng Cục đối ngoại. Ông ta có kinh nghiệm làm việc tại GPU Azerbaizan thời Beria với tư cách một tay cung ứng. Sau đó, tại Gruzia, Dakanozov là bộ trưởng Bộ công nghiệp thực phẩm nơi ông ta nổi danh bởi sự xa hoa thái quá.
Bàn giao công việc, tôi như quyền Cục trưởng, giải thích cho ông ta một số điểm đặc biệt của mạng tình báo tại Tây Âu, Mỹ và Trung Quốc. Nhưng Dekanozov không nghe hết lời tôi, đã ra lệnh để tôi theo dõi đồ vật của Orlov bỏ trốn, những thứ đang được chuyển từ Barcelona về Moskva. Tôi cần đem chúng vào văn phòng của ông ta - ông ta muốn tự mình xem xét chúng.
Sang ngày hôm sau Beria giới thiệu Dekanozov với các cán bộ cơ quan tình báo. Bằng giọng điệu khắc nghiệt Beria báo về sự thành lập một ủy ban đặc biệt đứng đầu là Dekanozov kiểm tra tất cả các cán bộ tác chiến của ngành tình báo. Ủy ban phải làm sáng tỏ những kẻ phản bội và lừa dối BCHTƯ Đảng bị vạch trần như thế nào. Beria tuyên bố bổ nhiệm Garanin, Fitin, Leonenko và Liagin. Ông cũng nhấn mạnh rằng tất cả các nhân viên còn lại sẽ được kiểm tra kỹ. Những người lãnh đạo mới đến ngành tình báo theo sự chọn lựa của đảng. BCHTƯ bổ sung vào hàng ngũ NKVD các thành viên tích cực của đảng và những người tốt nghiệp Học viện quân sự mang tên Frunze. Tôi thì bị hạ cấp thành phó phòng Tây Ban Nha. Bằng cách tương tự người ta xử sự với các cựu binh khác của ngành tình báo, những người cũng bị hạ cấp làm trợ lý các phòng.
Trò chuyện với từng cán bộ có mặt trong buổi gặp, Beria cố để biết được anh ta có là điệp viên hai mang hay không, và nói rằng hiện giờ tất cả đều nằm trong sự nghi vấn. Vợ tôi là một trong bốn phụ nữ - cán bộ cơ quan tình báo. Nhìn cô bằng ánh mắt xấc xược, Beria hỏi, cô là ai: người Đức hay người Ucraina. “Người Do Thái”, - thật sửng sốt cho Beria, vợ tôi đáp. Từ chính ngày đó cô thường xuyên cảnh báo tôi, để tôi dè chừng Beria. Tiên liệu rằng nhà tôi có thể bị nghe trộm, cô nghĩ ra một mật danh để chúng tôi không nhắc đến tên ông trong các câu chuyện của mình ở nhà. Cô gọi ông là công tước Sadiman theo tên nhân vật tiểu thuyết của Antonovxcaia “Mouravia vĩ đại” người đã ngã xuống trong cuộc đấu tranh giành quyền lực giữa các lãnh chúa Gruzia. Sự nhìn xa trông rộng của vợ tôi liên quan đến số phận Beria và những lời khuyến cáo tránh xa Beria và giới thân cận của ông ta hóa ra là tiên tri.
Tiếp đó là cuộc họp đảng - đó là giai đoạn kế tiếp của chiến dịch. Trên cuộc họp một đồng nghiệp mà tôi biết từ thời ở Kharkov, Gukaxov, người Armenia, bất ngờ đề đạt đảng bộ xem xét các mối liên hệ đáng ngờ của tôi. Anh ta nói rằng tôi được kẻ thù của nhân dân Balitsky chuyển về Moskva. Anh ta cũng buộc tội tôi có quan hệ với những kẻ thù khác của nhân dân mới đây bị vạch trần là Spigelglaz, Raixa Xobol và chồng của cô, Revzin, điệp viên của chúng tôi ở Trung Quốc, nổi tiếng bởi những lời sắc sảo độc địa về việc thực hiện các kế hoạch năm năm.
Đảng bộ lập một Ủy ban về vụ việc của tôi. Một trong số người quen của tôi, Gexxelberg, cán bộ Cục đối ngoại, một bậc thầy xuất sắc về ảnh chân dung (anh chịu trách nhiệm các phóng viên chụp ảnh Stalin), đặt những câu hỏi ngu xuẩn nhất và khẳng định rằng tôi đang tự vệ như một “kẻ tay sai Trotsky tiêu biểu”.
Tôi không giữ ác tâm cả với Gukacov lẫn với Gexxelberg. Ba năm sau, Gukaxov đang là lãnh sự Xô viết tại Paris, tỉnh dậy khi bọn Gestapo tấn công chiếm tòa nhà nơi anh ta đang ở. Nữ nhân viên mật mã Marina Xirokina bắt đầu đốt các cuốn sách mã khóa, còn khi một trong số tên Gestapo giật từ trên tường bức chân dung Stalin, Gukaxov đã lợi dụng điều đó như nguyên cớ để bắt đầu một cuộc ẩu đả. Anh ta bị đánh tàn nhẫn, nhưng với ngần ấy thời gian đủ để các mật mã được tiêu hủy. Bọn Đức áp giải Gukaxov sang Thổ Nhĩ Kỳ để trao đổi lấy những nhân viên ngoại giao Đức tại Moskva. Sau này Gukaxov được giao phụ trách phòng thẩm tra hồi hương và dân lưu vong. Anh ta mất ở Moskva năm 1956.
Gexxeberg chuẩn bị đề án quyết định của đảng bộ do Dekanozov đọc cho. Trong đó đề nghị khai trừ tôi khỏi hàng ngũ ĐCS vì sự liên hệ với các kẻ thù của nhân dân và sự không tố giác Spigelglaz. Đặc biệt là trong tài liệu này, Xlutsky, dù ông mất vào tháng 2 năm 1938 và được mai táng với tất cả nghi lễ cần có, cũng bị quy kết như một kẻ thù của nhân dân.
Đảng ủy tiếp nhận quyết định này với một phiếu trắng. Fitin, mới được bổ nhiệm chức phó cục trưởng Cục đối ngoại, đã bỏ phiếu trắng vì theo lời ông, ông tuyệt đối không hề biết gì về tôi cả. Năm 1939 ông trở thành cục trưởng Cục Nước ngoài và chết năm 1971.
Tháng 12-1938 Đảng ủy phê chuẩn quyết định khai trừ tôi. Quyết định này phải được biểu quyết trong hội nghị đảng của cơ quan tình báo, được ấn định vào tháng 1-1939, còn tạm thời tôi vẫn đến ngồi trong văn phòng của mình không làm gì cả. Các nhân viên mới không dám tiếp xúc với tôi, sợ phiền toái. Tôi nhớ, trưởng phòng Garanin, khi trò chuyện với phó của mình trước mặt tôi, đã chuyển sang nói thầm, e sợ là tôi có thể nghe lỏm được. Để có gì đó làm, tôi quyết định bổ sung tri thức của mình và bắt đầu nghiên cứu các vụ án từ hồ sơ lưu trữ trong khi chờ đợi số phận.
Tôi cảm thấy mình bị đè bẹp. Vợ cũng lo lắng, hiểu rằng mối đe dọa nghiêm trọng đang lơ lửng trên đầu chúng tôi. Chúng tôi tin chắc rằng đã có chứng cứ bôi xấu chúng tôi được ngụy tạo và ép cung chỗ các bạn chúng tôi trong thời gian điều tra. Thế nhưng tôi vẫn hi vọng, bởi nhẽ tôi vẫn nổi tiếng với ban lãnh đạo NKVD như một cán bộ tận tụy, và lệnh bắt giữ tôi sẽ được hủy bỏ.
Khi người ta bắt các bạn chúng tôi, tất cả chúng tôi nghĩ là đã xảy ra sự nhầm lẫn. Nhưng sự xuất hiện Dekanozov lần đầu tiên cho chúng tôi hiểu đó không phải sự nhầm lẫn. Không, đó là một đường lối. Những người non kém nghiệp vụ sẽ dễ dàng thực hiện bất kỳ mệnh lệnh nào và họ được bổ nhiệm vào các chức vụ lãnh đạo. Lần đầu tiên chúng tôi lo sợ cho sự sống của mình, khi rơi vào mối đe dọa hủy diệt bởi chính hệ thống của mình. Chính lúc đó tôi bắt đầu suy ngẫm về bản chất của hệ thống vốn đem những người phụng sự nó bằng niềm tin và sự thật làm vật hy sinh.
Thêm một người bạn của tôi, Piotr Zubov, cũng trở thành nạn nhân và rơi vào chính cái máy xay thịt ấy. Năm 1937 anh được cử phụ trách tình báo ở Praha. Lần đầu tiên trong thời gian phục vụ trong ngành tình báo anh làm việc dưới vỏ bọc ngoại giao. Zubov gặp gỡ với tổng thống Eduard Benes và theo chỉ thị của Stalin chuyển cho ông ta mười nghìn đôla, bởi Benes không thể dùng tiền của mình để tổ chức việc phái đi từ Tiệp Khắc sang Anh những người gần gũi và cần thiết của ông ta. Giấy biên nhận tiền được giao cho Zubov bởi thư ký tổng thống. Chính Benes bỏ chạy sang Anh năm 1938. Zubov đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Chính quyền Anh và Pháp không có lấy một chút khái niệm về các mối liên hệ của chúng ta với những nhân vật rời khởi Tiệp Khắc. Một năm rưỡi sau khi Benes rời khỏi Praha, người ta gọi Zubov về Moskva và tống giam theo lệnh riêng của Stalin.
Nguyên nhân là do Benes - thông qua Zubov - đề nghị Stalin để Liên Xô đầu tư năm 1938 cho cuộc đảo chính chống lại chính phủ Xtoiadinovich tại Nam Tư, nhằm thiết lập một chính thể quân sự và bằng cách đó làm giảm áp lực lên Tiệp Khắc. Benes xin tổng số 200 nghìn đôla tiền mặt cho các sĩ quan Sécbi sẽ tổ chức đảo chính. Nhận số tiền này từ Trung tâm, Zubov đi sang Belgrad để làm quen với tình hình. Khi anh tin chắc rằng các sĩ quan được nói đến, tất thẩy chỉ là một nhúm những kẻ liều lĩnh thiếu tin cậy và sẽ chẳng có khả năng thành công nào, anh đã kinh ngạc và từ chối trả tiền tạm ứng cho họ. Quay về Praha mang theo tiền, anh báo cáo với Trung tâm. Stalin nổi cơn thịnh nộ: Zubov dám không thi hành mệnh lệnh. Stalin tự tay viết lên bức điện: “Bắt ngay lập tức”, (tôi thấy bức điện này năm 1941 khi người ta cho xem vụ án Zubov).
Và ngay đấy xảy ra một sự bất ngờ. Cuộc họp được ấn định vào tháng 1 sẽ phải phê chuẩn việc khai trừ tôi khỏi đảng, bị đình lại. Chả bao lâu Ejov bị gạt khỏi chức trách bộ trưởng và bị bắt. Như sau này tôi biết, vụ án Ejov do chính Beria và một vị phó của ông ta, Bogdan Kobulov, đảm nhiệm. Nhiều năm sau Kobulov kể với tôi rằng người ta bắt Ejov tại văn phòng Malenkov trong BCHTƯ. Khi dẫn ông ta đi xử bắn, ông ta hát “Quốc tế ca”.
Vẫn như trước, tôi cho Ejov chịu trách nhiệm về nhiều tội ác nặng nề - hơn thế, ông ta còn là một nhà lãnh đạo kém chuyên môn. Tôi tin chắc: các hành động của Stalin có một quy mô điên cuồng đến thế, nói riêng, là do Ejov tuyệt đối vô dụng trong công tác tình báo và phản gián.
Để hiểu bản chất chủ nghĩa Ejov, cần xét đến các truyền thống chính trị của đất nước ta. Tất cả các chiến dịch chính trị trong điều kiện chuyên chính nhất thiết sẽ có quy mô kinh khủng, và Stalin có lỗi không chỉ trong các hành động được thi hành theo chỉ dẫn của ông, mà cả trong việc cho thuộc hạ mình nhân danh ông tiêu diệt tất cả những ai thành ra bất lợi cho lãnh đạo đảng ở cấp huyện và tỉnh.
Các nhà lãnh đạo đảng và NKVD nhận được khả năng giải quyết thậm chí những vụ cãi vã thông thường nhất xảy ra hầu như hàng ngày bằng cách thủ tiêu bên đối lập. Tất nhiên, những ngày ấy tôi còn chưa biết tất cả, nhưng nó là đủ để lo sợ cho mạng sống của mình.
Xuất phát từ logic các sự kiện, tôi chờ người ta bắt tôi vào cuối tháng 1 hoặc, cùng lắm, vào đầu tháng 2-1939. Hàng ngày tôi xuất hiện tại nơi làm việc và không làm gì cả - ngồi và chờ bị bắt giữ. Một ngày tháng 3 người ta cho gọi tôi vào văn phòng của Beria, và bất ngờ, tôi nghe ông trách móc, rằng hai tháng cuối tôi ăn không ngồi rồi. “Tôi thi hành mệnh lệnh nhận từ trưởng phòng ạ”, - tôi nói. Beria cho là không cần bình phẩm những lời của tôi và ra lệnh cho tôi tháp tùng ông ta đến một cuộc gặp, theo lời ông ta, rất quan trọng. Tôi cho rằng đó là cuộc gặp với một trong những điệp viên mà chính ông ta phụ trách, tại một căn phòng bí mật. Tháng 9 năm 1939 tôi đã hai lần tháp tùng ông ta đến những vụ việc tương tự.
Trong khi đó chiếc xe đưa chúng tôi vào Kremli, nơi chúng tôi đi vào qua cổng Xpaxxkye. Xe dừng trong ngõ cụt cạnh quảng trường Ivanovxcaia. Chợt tôi hiểu ra rằng Stalin sẽ tiếp tôi.
------------
Còn tiếp.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét