Thứ Tư, 27 tháng 7, 2022

Những Chiến Dịch Đặc Biệt - Chương 6-6

Những Chiến Dịch Đặc Biệt

Tác giả: Pavel Xudoplatov
Người dịch: Nguyễn Văn Thảo
Thể loại: Hồi ký
Nhà xuất bản Công an nhân dân
Năm xuất bản: 2003 (Lưu hành nội bộ)

Chương 6: Tình Báo Trong Những Năm Chiến Tranh  Vệ Quốc Vĩ Đại

6. Trò chơi hai mặt của tình báo Anh với việc sử dụng “Dàn đồng ca Đỏ” trong hậu phương Đức

Đầu năm 1941 Vaxilevxky tạo được một mạng điệp viên ở Pháp. Nối liên lạc chính với họ là đại tá Smidt, cán bộ quan trọng của cơ quan mật mã Abwehr. Vaxilevxky biết được rằng đầu những năm 1930 Smidt bị tình báo Pháp chiêu mộ. Những người cộng sản Pháp giúp đỡ người của Vaxilevxky đã xác lập được là Smidt cùng làm việc cho cơ quan đặc biệt Anh. Ngay từ năm 1938 Maklin đã báo cho chúng tôi tên của điệp viên Anh mà Smidt giữ mối tiếp xúc tại Pháp. Theo tính chất các tài liệu được Smidt chuyển cho Vaxilevxky, chúng tôi hiểu rằng người Anh vẫn đều đặn bắt được và giải mã các điện báo của Đức. Người Đức lần ra những liên hệ đáng ngờ của Smidt, và ông ta biến đi không còn dấu vết.
Hàng trăm bức điện báo về Moskva của “Dàn đồng ca Đỏ” từ Thụy Sĩ trong thời gian từ tháng 7-1941 đến tháng 10-1943 chứa thông tin vô cùng giá trị: mệnh lệnh của bộ chỉ huy tối cao Đức, tin tức di chuyển quân và hàng loạt chi tiết tác chiến của các hoạt động chiến sự. Thông tin này được chuyển bởi Rudolf Ressler (“Lutsi”), nhưng ông từ chối nêu ra nguồn của nó với nhóm trưởng Xô viết Sandor Rado.
Rudolf Ressler, kiều dân Đức, gặp Rado khi Hitler tấn công Liên Xô. Ông ngỏ ý cho biết rằng ông xem Rado là người có liên hệ với tình báo Xô viết, và đề nghị ông chuyển tin tức từ giới nhà binh Đức. Biết điều đó chúng tôi cho rằng “Lutsi” đơn giản cố giữ bí mật nguồn của mình - điệp viên trong bộ tổng tham mưu Đức.
Trong thực tế Ressler chuyển cho chúng tôi thông tin mà ông nhận được từ một người Anh. Tình báo Anh biết về công việc của nhóm Rado, bởi trước chiến tranh họ đã cài điệp viên của mình vào “Dàn đồng ca Đỏ” tại Thụy Sĩ. Theo các kênh ngoại giao ở London qua phái đoàn liên lạc Anh ở Moskva họ không chuyển thông tin này, ngại chúng ta sẽ không tin và đòi nêu tên nguồn. Lúc ấy chúng tôi không biết là người Anh có máy đồng dạng với máy mật mã Đức “Enigma”, cho họ khả năng mã hóa các điện báo của Đức. Tin tức về nó đến với chúng tôi vào năm 1945 từ Filby và Kernkross.
Stalin không tin người Anh, và có cơ sở cho điều đó. Khi chúng tôi đối chiếu các tin tình báo từ điệp viên ta ở Thụy Sĩ và London, thì thấy sự trùng hợp đáng kinh ngạc của chúng. Thế nhưng tin từ London của nhóm Cambirge là đầy đủ hơn, còn từ nhóm “Lutsi” đã được chỉnh lý lại. Rõ ràng thông tin của “Lutsi” được nhào nặn và biên tập lại bởi các cơ quan đặc biệt Anh.
John Kernkross làm việc tại trung tâm mật mã Anh “Blechli park”, đều đặn cung cấp các điện báo đã giải mã cho điệp viên London của ta. Muộn hơn, khi trò chuyện với bạn tôi Kukin - anh là nhóm trưởng ở London từ 1943 đến 1947 và lãnh đạo nhóm Cambrige, chúng tôi thừa nhận rằng sự đóng góp của Kernkross vào sự nghiệp chung của chúng ta và các tài liệu nhận từ ông là một giá trị lớn để phát giác các kế hoạch tác chiến của Đức. Các tài liệu được giải mã đến từ Kernkross, không chỉ có giá trị quân sự, mà còn cho phép chúng tôi lần theo sự thâm nhập của cơ quan tình báo Anh vào nhóm của Rado.
Mùa xuân 1943, mấy tuần trước khi bắt đầu trận chiến Kurxk, điệp viên ta ở London nhận từ nhóm Cambrige thông tin về mục đích cụ thể của cuộc tấn công được Đức lập kế hoạch dưới mật danh chiến dịch “Tsitadel”. Thông báo này chỉ ra số lượng các sư đoàn Đức dự trù sử dụng, và nhấn mạnh rằng chiến dịch “Tsitadel” nhằm vào Kurxk, chứ không vào các Vòng cung Lớn, tức không về phía Tây, mà về Tây Nam so với Moskva - ở đấy chúng ta không ngờ sự tấn công của Đức. NKVD chuyển thông tin này cho Tổng hành dinh Liên Xô ngày 7-5-1943. Tin từ London chứa những kế hoạch chính xác và đầy đủ hơn về cuộc tấn công của Đức, so với những gì nhận được theo tuyến tình báo quân đội của “Lutsi” từ Thụy Sĩ. Các lãnh đạo tình báo quân đội và NKVD liền thấy rõ hoàn toàn rằng, người Anh chuyển cho chúng ta thông tin có chỉnh lý, nhưng đồng thời vẫn muốn chúng ta làm thất bại cuộc tấn công của Đức. Từ đó chúng tôi kết luận: họ quan tâm không chỉ vào chiến thắng của ta, mà cả việc kéo dài chiến sự mà chắc sẽ làm suy kiệt sức lực của cả hai bên.
Đầu năm 1943 Tổng cục trưởng tình báo quân đội tướng Ilichev gửi thư đến NKVD và cho tướng Xelivanovxky, phó cục trưởng phản gián quân đội XMERS, thông báo rằng các cơ quan đặc biệt Đức đã thâm nhập vào “Dàn đồng ca Đỏ”. Từ điệp viên ở Brussels Gurevich (Kent) đã nhận được cảnh báo mã hóa: ông ta đang làm việc dưới sự kiểm soát của Đức. Trung tâm chấp nhận tiếp tục trò chơi điện đài này với bọn Đức. Mùa thu 1943 ở Geneve và Lozanna các điện báo viên của “Dàn đồng ca Đỏ” bị bắt, nhưng chúng ta vẫn tiếp tục nhận được thông tin từ London của nhóm trưởng Kukin, người thay thế Gorxky.
Tình báo Anh cho đến giờ vẫn không thừa nhận đã chuyển cho mạng lưới điệp viên ta ở Thụy Sĩ các tin tức đã được chỉnh lý lại. Thế nhưng ở Moskva bao giờ cũng có thái độ ngờ vực đối với “Dàn đồng ca Đỏ”. Hoạt động anh hùng của họ ở Đức, Pháp và Thụy Sĩ không đem lại vinh quang trong mắt giới lãnh đạo tình báo Xô viết. Không ai xem công việc của họ là đáng tin cậy, bởi vì những mệnh lệnh của Đức được giải mã do người Anh chuyển, không chứa các cứ liệu khẳng định, dựa trên các tài liệu đích thực, mà dựa trên thông tin miệng.
“Dàn đồng ca Đỏ” đến giờ ở phương Tây vẫn được xem là nguồn cung cấp thông tin chủ yếu nhưng trên thực tế, thông tin này đối với chúng ta không mang tính chất hàng đầu. Mặc dù vậy, cần thừa nhận là các điệp viên đã hoạt động với lòng dũng cảm và tay nghề cao và nhiều người trong số họ đã hy sinh anh dũng. Những người lãnh đạo “Dàn đồng ca Đỏ” Trepper (Seeps lớn), Gurevich (Seeps nhỏ, hay Kent) và Rado (Dor) bị coi là những tên phản bội. Trepper và Rado cố trốn khỏi chính quyền Xô viết; người Anh đã thực hiện truy lùng và dẫn độ họ về Moskva. Tại Moskva họ bị bắt và giam vào nhà tù ở Lubianka.
Trepper và Rado ở trong tù mười năm cho đến khi họ được tha và minh oan vào cuối những năm 50. Trong các hồi ký của mình họ giới thiệu Gurevich như kẻ phản bội, nhưng chính ông đã tóm được, chiêu mộ và đưa về cho chúng tôi ở Moskva năm 1945 tên điều tra viên chính của Gestapo đã chuyên trách vụ “Dàn đồng ca Đỏ”. Tháng 11-1942 khi Gurevich bị bắt bởi Gestapo, ông đã chuyển được điện báo cảnh báo rằng từ nay ông bị nằm dưới sự kiểm soát của người Đức, còn chỉ dẫn tiếp tục trò chơi điện đài, ông đã làm. Chiến tranh vừa kết thúc, Gurevich đã biết cách thuyết phục viên sĩ quan Gestapo Haints Pannvits, kẻ phụ trách vụ “Dàn đồng ca Đỏ” tiếp xúc với chúng ta. Theo lời Gurevich, đối với tình báo Xô viết, y là một thứ đầy giá trị, bởi đang nắm thông tin cho phép chúng ta phân loại những ai là người có cảm tình và ai là kẻ thù của chúng ta. Điều đó, ông nói, sẽ bảo đảm cho Pannvits sự ân xá và công việc trong các cơ quan an ninh Xô viết. Đang bị sốc vì sự thất bại của nước Đức, Pannvits chấp nhận đề nghị của Gurevich gặp gỡ bí mật với đại diện Nga. Ông ta cùng với Gurevich bị bắt giữ và đưa nhanh về Moskva.
Thế nhưng những phát giác của Pannvits chỉ được quan tâm hạn chế trong mắt ban lãnh đạo tình báo. Sự nổi tiếng của Pannvits ở phương Tây loại trừ khả năng sử dụng ông ta cho các chiến dịch tích cực. Bởi ông ta có thể báo về những tên chỉ điểm của Gestapo mà chúng ta cùng tình báo Anh vẫn tiếp tục lùng kiếm, đã có quyết định không thủ tiêu ông ta, mà giữ tiếp tục trong tù. Trepper, Rado và Gurevich chia sẻ với số phận ông ta; họ đều sống sót chỉ vì những lời khai của họ có thể trong tương lai vẫn còn cần đến. Sau mười năm ở trong tù Pannvits hồi hương về Đức.
Từ năm 1946 Rado và Trepper tuyên bố rằng sự đổ vỡ của “Dàn đồng ca Đỏ” xảy ra là do sự phản bội của Gurevich. Sau cái chết của Stalin năm 1953, như người ta nói với tôi, các cựu binh Quốc tế cộng sản đã chạy vạy minh oan cho Rado và Trepper. Vụ việc của họ được xét lại, và năm 1955 họ được cởi bỏ tội phản bội Tổ quốc, dù Tổng cục tình báo Bộ Tổng tham mưu có phản đối, đưa ra những cáo buộc chống lại họ - sự vi phạm nguyên tắc bí mật và chi phí tiền không được phép. Gurevich được tha năm 1955 theo lệnh ân xá cho những người bị buộc tội cộng tác với Đức, nhưng không được minh oan.
Gurevich yêu cầu thẳng với Khrusev xem xét việc của ông, nhưng KGB và tình báo quân đội khăng khăng giữ ý mình, dự định biến ông thành vật hy sinh vì sự thất bại của “Dàn đồng ca Đỏ”. Theo bản tìm hiểu đặc biệt được chuẩn bị bởi các lãnh đạo tình báo KGB Xakharovxky và Korotkov, năm 1958 Gurevich lại bị bắt. Lệnh bắt được ký bởi Xerov khi ấy đã trở thành người đứng đầu KGB và Viện trưởng công tố Rudenko. Gurevich bị kết án 20 năm tù giam, nhưng tương ứng với bộ luật Hình sự mới thời hạn này được rút xuống 15 năm. Bởi ông đã ngồi gần mười năm, sau 5 năm người ta đã thả ông.
Sau đủ hạn tù Gurevich đã định cư tại Leningrad nơi ông làm phiên dịch. Hằng năm ông đâm đơn đòi xem xét lại vụ án của mình, nhưng KGB và tình báo quân đội cứ khăng khăng phản đối. Trong lịch sử chính thống ngành tình báo quân sự Xô viết soạn những năm 60-70, Gurevich bị coi như một kẻ phản bội mà những hành động đã dẫn tới sự đổ vỡ “Dàn đồng ca Đỏ” tại Đức và Pháp. Ở phương Tây trong cuốn sách của Jil Perro “Dàn đồng ca Đỏ” cũng thể hiện chính quan niệm đó.
Năm 1990 Viện kiểm soát quân sự hỏi tôi về vụ Gurevich, người vẫn tiếp tục đòi minh oan cho mình. Viện kiểm soát đã tìm được một tài liệu có tầm quan trọng vô cùng - ghi chép công vụ của Bộ Tổng tham mưu gửi NKVD khuyến khích trò chơi điện đài của Gurevich (Kent) với người Đức. Khi vụ Gurevich được bắt đầu xem xét lại, thì hóa ra: lỗi duy nhất của ông là đã lập gia đình ở phương Tây không được sự ủng hộ của Trung tâm. Thế nhưng lãnh đạo tình báo quân đội tiếp tục ngoan cố cản trở phục hồi các quyền của ông. Sau năm 1991 khi cuối cùng Gurevich được giải oan. Tổng cục tình báo Bộ Tổng tham mưu kiên quyết từ chối trả tiền bồi thường cho ông, không trả lương hưu và quyền cựu chiến binh chiến tranh.
Con người này vẫn sống. Vợ ông mất ở châu Âu, còn con trai đã cùng vợ và mấy đứa trẻ thường đến Saint-Peterburg gặp gỡ với cha. Câu chuyện Gurevich được viết trên nhiều báo chí Nga, nhưng không ai đặt câu hỏi: ý đồ ác độc của ai trong cơ quan tình báo Liên Xô suốt những năm này vẫn tiếp tục đổ tội lên con người này?
------------
Còn tiếp.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét