Thứ Sáu, 29 tháng 7, 2022

Những Chiến Dịch Đặc Biệt - Chương 7-8

Những Chiến Dịch Đặc Biệt

Tác giả: Pavel Xudoplatov
Người dịch: Nguyễn Văn Thảo
Thể loại: Hồi ký
Nhà xuất bản Công an nhân dân
Năm xuất bản: 2003 (Lưu hành nội bộ)

Chương 7: Tình Báo Soviet Và Vấn Đề Nguyên Tử

8. Vụ nổ bom nguyên tử của Liên Xô

Các tài liệu tình báo về bom nguyên tử có ý nghĩa vô giá không chỉ trong đường lối chính trị, mà cả trong lĩnh vực ngoại giao. Khi Fuchs báo cho chúng ta những số liệu không công bố trong báo cáo của Ủy ban Smith về cấu tạo bom nguyên tử, ông cũng cho chúng ta những tin tức đặc biệt giá trị về quy mô sản xuất uran-235. Thông tin này của Fuchs cho khả năng tính toán, người Mỹ sản xuất bao nhiêu uran và pluton hàng tháng, và giúp xác định số lượng thực tế số bom nguyên tử mà họ có.
Các tin tức nhận được từ Fuchs và Maklin cho phép kết luận rằng phía Mỹ chưa sẵn sàng tiến hành chiến tranh hạt nhân vào cuối những năm 40 và thậm chí vào đầu những năm 50. Về ý nghĩa các tin tức này có thể ngang bằng với thông tin Penkovxky về tiềm năng tên lửa hạt nhân của Liên Xô mà vào đầu những năm 60 y chuyển cho người Mỹ. Tương tự Fuchs, Penkovxky thông báo rằng Khrusev chưa chuẩn bị đối kháng với Mỹ, cũng như Mỹ chưa sẵn sàng cho một cuộc chiến tranh nguyên tử tầm rộng với Liên Xô vào những năm 40.
Khi bắt đầu chiến tranh lạnh, Stalin cứng rắn tiến hành đường lối đối chọi với Mỹ. Ông biết rằng hiểm họa tấn công hạt nhân của Mỹ đến cuối những năm 40 là ít có khả năng. Theo số liệu của chúng tôi, chỉ đến năm 1955 Mỹ và Anh mới chế tạo được dự trữ vũ khí hạt nhân đủ để tiêu diệt Liên Xô.
Thông tin của Fuchs và Maklin có vai trò quan trọng trong quyết định chiến lược của ban lãnh đạo Liên Xô ủng hộ các nhà cộng sản Trung Quốc trong cuộc nội chiến những năm 1947-1948. Chúng ta có các cứ liệu rằng tổng thống Truman xem xét khả năng ứng dụng bom nguyên tử để không cho những người cộng sản ở Trung Quốc chiến thắng. Lúc ấy một cách có ý thức Stalin làm căng thẳng tình hình ở Đức, và năm 1948 nảy sinh khủng hoảng Berlin. Trên báo chí phương Tây xuất hiện những thông báo rằng tổng thống Truman và thủ tướng Anh Etattlec sẵn sàng sử dụng vũ khí nguyên tử để không cho phép Tây Berlin chuyển sang dưới sự kiểm soát của chúng ta. Thế nhưng chúng ta biết rằng người Mỹ chưa có số lượng bom nguyên tử đủ để đối chọi với chúng ta đồng thời ở Đức và ở Viễn Đông, nơi đang quyết định số phận cuộc nội chiến ở Trung Quốc. Lãnh đạo Mỹ đánh giá quá cao mối đe dọa của chúng ta ở Đức và bỏ qua mất khả năng sử dụng kho vũ khí hạt nhân để giúp Quốc dân đảng Trung Quốc.
Năm 1951 khi chúng ta đã soạn thảo ra kế hoạch về các chiến dịch phá hoại quân sự chống lại các căn cứ quân sự của Mỹ, Molotov khi bình phẩm các đề nghị của chúng tôi, đã nhận xét rằng những chiến dịch như thế phải được tiến hành phù hợp với các ý tưởng quân sự, mà trước hết với các quyết định chính trị. Ông nói rằng quan điểm của chúng ta và những hành động kiên quyết về khối Berlin ở mức độ đáng kể đã giúp những người cộng sản Trung Quốc. Đối với Stalin chiến thắng của những người cộng sản ở Trung Quốc có nghĩa là sự ủng hộ lớn lao đường lối của ông trong sự đối kháng với Mỹ. Tôi nhớ rõ rằng chiến lược của Stalin quy về sự xây dựng trục Liên Xô - Trung Quốc trong sự đối kháng với thế giới phương Tây.
Tháng 8-1949 chúng ta thử quả bom nguyên tử đầu tiên của mình. Sự kiện này kết thúc kết quả bảy năm lao động căng thẳng không tưởng tượng nổi. Không xuất hiện thông báo này trong báo chí - chúng ta e ngại đòn nguyên tử cảnh cáo của Mỹ. Ít nhất, trợ lý của Beria về các vấn đề nguyên tử, tướng Xazưkin đã nói với tôi như thế.
Vì thế thông báo trên báo chí Mỹ ngày 25-9-1949 gây cú sốc cho Stalin, ban lãnh đạo đề án nguyên tử và đặc biệt cho những người chịu trách nhiệm bảo đảm bí mật các dự án nguyên tử. Phản ứng đầu tiên của chúng ta - điệp báo Mỹ đã nhận được cứ liệu về vụ thử vừa tiến hành. Nếu chúng ta đã thâm nhập vào đề án Manhattan, thì không thể loại trừ những hành động tương tự của tình báo Mỹ. Thật nhẹ nhõm cho tất cả mọi người khi sau chừng một tuần các bác học thông báo rằng các thiết bị khoa học lắp trên máy bay thử không khí đều đặn có thể phát hiện ra dấu vết vụ nổ nguyên tử trong khoảng không. Sự giải thích của các bác học cho phép các cơ quan an ninh tránh bị buộc tội việc tình báo Mỹ cài được điệp viên của mình vào giới những nhà sáng chế vũ khí nguyên tử của đất nước.
Kurtratov và Beria vì những công lao xuất sắc trong việc củng cố sự hùng cường của đất nước ta đã được ghi nhận bằng những phần thưởng cao quý, giải thưởng bằng tiền lớn và chứng chỉ đặc biệt về chế định suốt đời Công dân Liên Xô danh dự. Tất cả những người tham gia chương trình nguyên tử Xô viết đều nhận được đặc quyền: đi lại trên các phương tiện giao thông miễn phí, nhà nghỉ quốc gia, con cái được vào học các trường đại học không cần thi tuyển. Đặc quyền cuối cùng được giữ đến năm 1991 cho con cái cán bộ tình báo - điệp viên ngầm đang thực hiện các trách nhiệm công vụ ở nước ngoài.
Sắc lệnh Đoàn chủ tịch Xô viết Tối cao ngày 29-10-1949 tặng thưởng huân chương nhóm cán bộ tình báo tham gia vào các chiến dịch về vũ khí nguyên tử, Gorxky, Kvaxnikov và Feklixov nhận huân chương Lenin; Barkovxky, Xemenov, Iatsov - huân chương Cờ đỏ Lao động. Năm 1996 Kvaxnikov và Iatsov được truy tặng danh hiệu Anh hùng Liên bang Nga. Feklixov và Barkovxky nhận danh hiệu cao quý này khi còn sống.
Đánh giá các tài liệu về vấn đề nguyên tử đã qua Cục “X”, theo ý kiến tôi, cần chú ý đến những phát biểu của các viện sĩ Khariton và Alexandrov trong cuộc họp kỷ niệm 85 năm ngày sinh Kurtratov. Họ nhấn mạnh thiên tài của ông trong thiết kế bom nguyên tử và trong quyết định đầy trách nhiệm bắt đầu xây dựng các nhà máy sản xuất uran và pluton trong khi đó chúng ta có số lượng tài liệu này quá ít ỏi nhận được từ các phòng thí nghiệm. Bom nguyên tử Liên Xô được chế tạo trong vòng 4 năm. Các tài liệu tình báo, một cách vô điều kiện, đã đẩy nhanh khả năng chế tạo vũ khí nguyên tử của chúng ta.
Đối với tôi Kurtratov vẫn là một trong những nhà bác học lớn đóng vai trò như Oppenheimer, dù tất nhiên, ông không là một người khổng lồ như Nils Bor và Enriko Fermi. Tài năng của Kurtratov, khả năng tổ chức của ông và tính kiên quyết của Beria có vai trò quan trọng trong việc giải quyết thành công vấn đề nguyên tử ở Liên Xô.
Năm 1961 khi Nils Bor thăm Trường đại học Tổng hợp Lomonoxov Moskva và tham dự ngày hội sinh viên “Ngày vật lý”, KGB khuyên Terletsky, giáo sư Trường đại học Tổng hợp Lomonoxov, người được giải thưởng nhà nước về khoa học và kỹ thuật, đừng xuất hiện trước mắt ông. Nhưng Terletsky đã đến cuộc gặp gỡ, nhưng Bor khi dừng ánh mắt lại chỗ anh, làm ra vẻ không nhận ra. Vào những năm ấy tôi đang ngồi tù, còn Vaxilevxky đang bị đeo dấu ấn một kẻ nguy hiểm, bị khai trừ khỏi Đảng “vì hoạt động phản bội chống Đảng ở Paris và Mexico”. Thế nhưng KGB đã xử sự thông minh khi không gợi lại với Bor về những cuộc gặp gỡ của ông với cán bộ tình báo ta ở Đan Mạch. Mãi đến trước lúc Bor chết không lâu, Rưlov, sĩ quan tình báo ta, cán bộ hãng Quốc tế về năng lượng nguyên tử, trong quá khứ là nhân viên của Cục “X”, đã đến thăm ông tại Copenhagen, và Bor mới nhắc đến cuộc gặp gỡ của ông với các chuyên gia Xô viết năm 1945.
Vaxilevxky cho rằng sớm hay muộn các cơ quan đặc biệt phương Tây cũng sẽ ghi nhận được các tiếp xúc của chúng ta với Pontekorvo ở Italia và Thụy Sĩ, và lúc đó đã có quyết định về cuộc chạy trốn có thể của ông sang Liên Xô. Năm 1950 ngay sau việc bắt giữ Fuchs, Pontekorvo đã chạy sang Liên Xô qua đường Phần Lan. Chiến dịch này của tình báo ta đã phong tỏa thành công mọi nỗ lực của FBI và phản gián Anh khám phá những nguồn thông tin khác về vấn đề nguyên tử, ngoài Fuchs. Đến Liên Xô Pontekorvo làm công việc khoa học tại trung tâm hạt nhân gần Moskva, ở Dubna. Ông đã viết cuốn tự truyện tuyệt vời trong đó kể nhiều điều hay về Fermi, nhưng đã im lặng về tiếp xúc của mình với tình báo Xô viết.
Dù Vaxilevxky bị thất sủng khoảng 7 năm - đến năm 1961, ông đã gặp Pontekorvo vào những năm 60-70, mời ông ăn trưa tại nhà hàng Nghệ sĩ. Năm 1968 khi tôi được giải phóng khỏi nhà tù, Vaxilevxky đề nghị tôi gặp và ăn trưa với Pontekorvo. Nhưng bởi nhà hàng nằm dưới sự chú ý liên tục của KGB, mà các nhà lãnh đạo tình báo lại kiên quyết phản đối những cuộc gặp gỡ của Vaxilevxky với Pontekorvo, tôi đã từ chối.
Năm 1970 tôi trở thành hội viên Hiệp hội nhà văn Moskva và thường xuyên đến câu lạc bộ nhà văn. Tại đó, trong nhà hàng, tôi và Vaxilevxky đã gặp Ramon Merkader vào bữa ăn trưa. Tôi không thích lôi kéo sự chú ý tới mình, vì thế đã đề nghị để Ramon không đeo ngôi sao Anh hùng Liên Xô. Nhưng Mercader và Vaxilevxky, ngược lại, khoan khoái khi ném sự thách thức với chính quyền bằng những huân chương của mình. Đến tận ngày chót Vaxilevxky vẫn tiếp tục viết thư gửi BCHTƯ ĐCS Liên Xô, vạch trần nhà lãnh đạo tình báo của KGB lúc đó là tướng Xakharovxky, những thất bại và sai lầm của ông ta trong công tác với mạng điệp viên.
------------
Còn tiếp.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét