Thứ Tư, 20 tháng 7, 2022

Những Chiến Dịch Đặc Biệt - Chương 6-1

Những Chiến Dịch Đặc Biệt

Tác giả: Pavel Xudoplatov
Người dịch: Nguyễn Văn Thảo
Thể loại: Hồi ký
Nhà xuất bản Công an nhân dân
Năm xuất bản: 2003 (Lưu hành nội bộ)

Chương 6: Tình Báo Trong Những Năm Chiến Tranh  Vệ Quốc Vĩ Đại

1. Khả năng điệp viên - tác chiến của tình báo Xô viết trước sự tấn công của Hitler

Tình báo Xô viết đóng góp thiết thực vào chiến thắng, nhưng nó cũng chia sẻ với lãnh đạo chính trị - quân sự đất nước cả trách nhiệm vì những tính toán sai lầm đã có trong những năm chiến tranh. Tôi quay lại các sự kiện ngay trước chiến tranh.
Vào giai đoạn này các cơ quan đặc biệt Xô viết có những khả năng tác chiến như thế nào?
Vẫn có quan niệm rằng các nhóm điệp viên của mạng lưới Tổng cục tình báo Bộ tổng tham mưu (lúc ấy được gọi là Tổng cục tình báo - GRU) và Tổng cục tình báo đối ngoại (INO) thuộc NKVD có hệ thống điệp viên tin cậy đủ sức tiếp cận đến cấp cao nhất của bộ chỉ huy quân sự Đức quốc xã và giới lãnh đạo chính trị Đức, và việc giới lãnh đạo Xô viết coi thường các tài liệu đến từ các nguồn tin cậy đó về kế hoạch gây chiến của Hitler chống Liên Xô. Sự thể ra sao?
GRU và INO-NKVD có các nguồn thông tin quan trọng tiếp xúc với các giới lãnh đạo quân sự và chính trị, nhưng không tiếp cận được các tài liệu. Thêm nữa thông tin nhận từ các giới thân cận của Hitler, đã thể hiện sự chao đảo trong lãnh đạo Đức về vấn đề phê chuẩn quyết định tối hậu việc tấn công Liên Xô.
Vào đầu và giữa những năm 30 Berzin, Uritsky, Artuzov, Borovich (theo tuyến Tổng cục tình báo Hồng quân), Xlutsky, Spigelglaz, Xerebrianxky, Kaminxky, Parparov, Eitingon (theo tuyến OGPU-NKVD) đã thiết lập được ở Tây Âu và Viễn Đông (Trung Quốc - Nhật Bản) một bộ máy điệp viên - phá hoại hùng hậu bao thâu hơn 300 nguồn thông tin. Những điệp viên ngầm đóng vai trò đặc biệt trong sự thiết lập bộ máy này: Arnold Deits (Lang), người Phổ, lôi kéo được bộ năm nổi tiếng của Kim Filby và những người khác ở Anh cùng hợp tác; Theodor Maly, người Hungari, cựu giám mục đạo Cơ đốc, làm việc ở Anh và Pháp; Boguxlavxky, người Ba Lan, cựu nhân viên tình báo Bộ tổng tham mưu Ba Lan; Sandor Rado, Leopold, Richard Sorge, Ernst Bolleveber. Năm 1942 phục hồi liên lạc với một điệp viên đáng giá dưới biệt danh Người bạn được lôi kéo về hợp tác từ mười năm trước, là phó của chỉ huy của SA - lực lượng xung kích Roehm. Ông ta được xem là một nhân vật có uy tín trong giới cận thần của Hitler đang khát khao hướng đến quyền lực. Sau việc thanh toán Roehm, Người bạn bị chính quyền Đức giam giữ. Được tha năm 1936, ông ta làm cố vấn chính trị cho cố vấn quân sự chủ chốt của nước Đức phát xít cạnh bộ tham mưu Tưởng Giới Thạch, ở đây ông ta thường xuyên gặp gỡ với Sorge, không đồng tình với một số tài liệu Sorge chuyển cho. Phó cục trưởng tình báo đối ngoại phụ trách Viễn Đông Melnikov và V. Zarubin làm việc trực tiếp với Người bạn.

Số phận những người này là khác nhau. Deits mất năm 1942 trên tàu chở hàng Xô viết đi từ Anh về bị trúng ngư lôi tàu ngầm Đức. Maly và Boguxlavxky bị bắn theo lệnh Ejov vào những năm thanh trừng. Rado và Trepper, làm bọn Đức nát thần kinh vì “Dàn đồng ca Đỏ”, nằm trong trại giam của NKVD-MGB. Sorge bị Nhật treo cổ. Voileveber lãnh đạo cơ quan tình báo sau đó là MGB Đông Đức, nhưng trở thành nạn nhân mưu mô của Ulbrikht.

Những vụ thanh trừng hàng loạt những năm 1937-1938 giáng một đòn nghiêm trọng nhất cho các cơ quan tình báo chúng ta, thế nhưng hoạt động tình báo vẫn tiếp tục. Dù là chúng tôi tạm thời mất đi liên lạc với một loạt những điệp viên sáng giá, thì mạng lưới điệp viên ở Scandinavia, Đức và các nước Tây Âu đã gặp may. Các nguồn tin ở Đức (các nhóm của Sults-Boizen - Bộ Tham mưu không quân, Harnak - Bộ Kinh tế, Kukhoff và Stebe - Bộ Ngoại giao, Leman - Gestapo) được lôi kéo bởi vợ chồng Zarubin, tổ trưởng tình báo Belkin, điệp viên Parparov, điệp viên Girsfeld tránh khỏi sự thanh trừng. Mối liên lạc với họ được giữ thường xuyên. Ngoài những nguồn này, năm 1940 thêm vào với họ còn có nghệ sĩ danh tiếng Olga Tsekhova và công tước Ianus Radzivill có đường tiếp cận trực tiếp với Goering. Nhóm trưởng điệp viên NKVD Gudimovich cùng vợ Mordzinxka ở Varsava đã tạo được một nhóm mạnh thực hiện theo dõi việc chuyển quân và kỹ thuật Đức sang Ba Lan trong những năm 1940-1941. Chúng ta có các vị trí điệp viên nghiêm túc cả ở Italia. Nhóm trưởng Ragatnev, “Tit” đã lôi kéo được cháu của bá tước Tiano - bộ trưởng ngoại giao trong chính phủ Mussolini.
Trong số các huyền thoại bền vững về công việc của tình báo Xô viết vào những năm chiến tranh, đặc biệt sau loạt phim gây ầm ĩ Mười bảy khoảnh khắc mùa xuân, đã lan truyền giả thuyết về sự cộng tác của Bormann viên phó bí thư đảng của Hitler với tình báo Xô viết. Không phải một lần đã bị phủ nhận những tin đồn việc Borman được bí mật đưa về Moskva và chôn cất tại một trong những nghĩa trang Moskva.
Như đã rõ, không có lửa làm sao có khói. Dù Bormann chưa bao giờ cộng tác với chúng ta, y, cũng như sếp Gestapo Muller, luôn luôn nằm trong tầm chú ý của ta.
Khi Bormann còn là một thành viên đảng Quốc xã chưa ai biết tới và năm 1930 sống tại một nhà nghỉ khiêm nhường gần Vienne, Boris Afanaxiev, điệp viên ngầm của tình báo chúng ta đã giữ “sự làm quen có lợi” với y.
Trong các tin tức của Afanaxiev gửi Trung tâm đã cho những nhận xét chi tiết và đánh giá nhân cách của Bormann, đưa ra các đề nghị tuyển mộ y một cách tích cực. Nhưng tiếc rằng Afanaxiev bị lộ trong hàng loạt các chiến dịch của ta vào nửa sau những năm 30, và những ý đồ của ông ngay trước chiến tranh phục hồi lại các quan hệ có lợi và các liên lạc cũ ở Đức và Thụy Sĩ đã không thu được thành công.
Dù sao thì những tin đồn về việc Bormann đến Liên Xô vào tháng 5-1945 cũng là tin bịa đặt.
Sau chiến tranh nữ nghệ sĩ nổi tiếng Olga Tsekhova chỉ sống một thời gian tương đối ngắn ở Moskva tại một căn hộ bí mật. Từ Beria bà được chuyển cho Abakumov mà năm 1946 trở thành bộ trưởng An ninh quốc gia để liên lạc trực tiếp. Với Abakumov bà giữ mối liên hệ thư tín riêng khi ở Đức, cho đến tận vụ bắt giữ ông ta tháng 7 năm 1951.
Từ năm 1937 tình báo ta dưới sự lãnh đạo của phó cục trưởng INO-NKVD Spigelglaz đã thu được những tin tức quan trọng về các kế hoạch chiến lược do bộ chỉ huy Đức tiến hành. Những tài liệu này đã đóng một vai trò khá lớn trong sự phát triển các sự kiện và sự thay đổi hoạt động của lãnh đạo chúng ta trước cuộc chiến tranh Xô - Đức. Sau các diễn tập tác chiến tiến hành bởi von Beck, sau đó bởi Blomberg, đã xuất hiện “di chúc của Beck”, trong đó nói rằng nước Đức không thể thắng trong cuộc chiến với nước Nga, nếu các hoạt động quân sự kéo dài quá hai tháng, và nếu trong vòng một tháng đầu chiến tranh không thể chiếm được Leningrad, Kiev, Moskva và đánh tan các lực lượng chủ yếu của Hồng quân, đồng thời chiếm đóng các trung tâm công nghiệp quân sự và khai thác nhiên liệu tại phần châu Âu của Liên Xô.
Tôi nghĩ, rằng các kết quả những diễn tập tác chiến chiến lược được nhắc tới cũng là một nguyên do kích thích Hitler năm 1939 có sáng kiến ký kết hiệp ước không tấn công. Thế nhưng, đáng nhớ rằng những cách tiếp cận thăm dò đối với lãnh đạo Liên Xô về việc thực hiện ý định này người Đức thích tiến hành không theo hướng tình báo mà theo các kênh ngoại giao qua đại sứ của mình ở Thổ Nhĩ Kỳ von Papen từ tháng 4-1939.
Trong những nghĩa vụ của tôi có việc phụ trách tình báo ở nước Đức do thiếu tá An ninh Quốc gia (sau này là thiếu tướng) Juravlev trực tiếp chỉ huy trong những năm 1938-1942. Giới lãnh đạo luôn luôn cho hướng nước Đức một ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Những năm 1940-1941 nhóm tình báo ở Berlin dù được lãnh đạo bởi Amaiak Kobulov, một cán bộ thiếu kinh nghiệm, thế nhưng đã hoạt động một cách tích cực.
Các tài liệu tình báo từ Berlin, Roma, Tokyo, thường xuyên được báo cáo với chính phủ. Thế nhưng lãnh đạo tình báo đã không nắm rõ rằng sau cuộc viếng thăm Berlin của Molotov tháng 11-1940 đã bắt đầu các thương thuyết bí mật với nước Đức. Như thế, tính tất yếu hiển nhiên của đụng độ quân sự đồng thời lại hòa vào với sự xem xét hoàn toàn nghiêm túc các đề nghị của Hitler về sự phân chia các quyền lợi địa-chính trị của Đức, Nhật, Italia và Liên Xô.
Chỉ bây giờ tôi mới rõ rằng các cuộc trò chuyện thăm dò của Molotov và Sullenburg, đại sứ Đức ở Liên Xô vào tháng 2 và 3-1941 thể hiện không chỉ mưu đồ của Hitler dẫn Stalin đi lạc lối và buộc ông luống cuống bởi cuộc xâm lăng bất ngờ, cộng cả sự do dự trong giới chóp bu Đức về vấn đề chiến tranh với Liên Xô trước khi chiến thắng được Anh. Thông tin chúng tôi nhận được và thông tin giả từ một tên người Latvia hợp tác với Gestapo, thể hiện sự do dự này. Chính vì thế thậm chí những nguồn tin cậy khi báo về quyết định của Hitler tấn công Liên Xô (tin của Harhak, Sults-Boizen, vợ một nhà ngoại giao Đức nổi tiếng (mật danh “Iuna”, thân cận với Ribbentrop) tháng 9-1940 - tháng 5-1941, không hứa chắc tính chân thực và viện dẫn Goering vẫn liên kết ở chừng mực nào đó trước sự xâm lược Hitler đang chuẩn bị chống Liên Xô với thỏa thuận có thể hòa hoãn với người Anh.
Tiếc rằng, kết luận đúng về sự chuẩn bị chiến tranh đã kết nối với kết quả các thương thuyết Xô - Đức sắp tới ở cấp cao nhất về các vấn đề lãnh thổ, mà phù hợp với các tin báo từ Anh (Filby, Kernkross và những người khác) và sự dàn xếp có thể chấm dứt cuộc chiến tranh Anh - Đức. Tôi khó xét đoán đến mức nào trong thực tế Hitler nghiêm túc thỏa thuận với Stalin. Nhớ rằng, cũng có các tin về việc Ribbentrop đã nhất quán, mãi tận quyết định cuối cùng của Hitler, chống lại cuộc chiến với Liên Xô, ít nhất cho đến khi chưa điều chỉnh xong sự đối kháng quân sự Anh - Đức.
Dù Stalin có thái độ bực tức với các tài liệu tình báo, nhưng ông cũng cố sử dụng chúng nhằm ngăn chặn chiến tranh bằng con đường thương thuyết ngoại giao bí mật về các vấn đề lãnh thổ, cũng như - điều được giao trực tiếp cho chúng tôi - cảnh báo giới quân sự Đức, khi nhấn mạnh vào chỗ là chúng ta đã xây dựng ở Ural một cơ sở công nghiệp quân sự bất khả xâm phạm.
Quyết định tối hậu về tấn công Liên Xô được Hitler phê chuẩn ngày 14-6-1941, hôm sau khi người Đức rõ tuyên bố của TASS về tính vô căn cứ những tin đồn về cuộc chiến tranh Xô - Đức. Cũng thú vị là tuyên bố của TASS trước tiên lan truyền ở Đức và chỉ ngày hôm sau mới đăng lên báo Sự thật.
Đáng tiếc, tình báo của chúng tôi cũng như tình báo quân đội, lẫn tình báo chính trị khi bắt được các tài liệu về thời hạn tấn công và xác định một cách đúng đắn tính tất yếu của cuộc chiến tranh gần tới, đã không dự báo con bài giới lãnh đạo Đức dùng là chiến thuật chớp nhoáng. Đó là sai lầm định mệnh, bởi sự đặt cược cho đòn chớp nhoáng chỉ ra rằng, người Đức đã có kế hoạch tấn công mà không cần kết cục cuộc chiến với Anh. Một khiếm khuyết lớn của công tác tình báo là cách xử lý yếu kém các thông tin nhận được bởi đường điệp viên. Một chứng cứ đầy thuyết phục, trong cuộc chiến tranh, Tổng cục tình báo quân đội và trong NKVD mới thành lập những phòng đánh giá và nghiên cứu tin tức tình báo đến từ các nguồn ở ngoài nước.
------------
Còn tiếp.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét