Chủ Nhật, 17 tháng 7, 2022

Những Chiến Dịch Đặc Biệt - Chương 4-2

Những Chiến Dịch Đặc Biệt

Tác giả: Pavel Xudoplatov
Người dịch: Nguyễn Văn Thảo
Thể loại: Hồi ký
Nhà xuất bản Công an nhân dân
Năm xuất bản: 2003 (Lưu hành nội bộ)

Chương 4: Thủ Tiêu Trotsky

2. Hoàn thành chiến dịch “Con vịt”

Eitingon đến New York tháng 10-1939 và lập tại Brooklyn một công ty xuất nhập khẩu mà chúng tôi sử dụng như một trung tâm liên lạc. Và quan trọng nhất, công ty này là “cái ô” cho Ramon Mercader trụ lại ở Mexico với hộ chiếu Canada giả mạo mang tên Frank Jakson. Giờ đây anh có thể đi thường xuyên đến New York để gặp Eitingon, người cung cấp tiền cho anh.
Dần dần tìm ra vỏ bọc cho cả nhóm Xikeiros ở Mexico. Chúng tôi có hai điện báo viên, nhưng đáng tiếc liên lạc điện đài lại không hiệu quả do chất lượng thiết bị tồi. Eitingon soạn ra các phương án đột nhập vào biệt thự của Trotsky ở Coyoacán, ngoại ô thành phố Mexico. Chủ biệt thự, họa sĩ phong cảnh người Mexico Diego Rivera, cho Trotsky thuê. Nhóm Xikeiros lập kế hoạch tấn công chiếm tòa nhà, trong khi đó mục đích chính của Ramon là lợi dụng thiên tình sử của mình với Silvia Agelof để kết thân với giới gần gũi Trotsky.
Ramon giống ngôi sao điện ảnh Pháp Alen Delon. Silvia đã không trụ vững trước sức hút đặc biệt vốn có của anh từ thời ở Paris. Cô đi với anh sang New York, nhưng anh cố giữ cô cách xa Eitingon. Thường có khi Eitingon quan sát Ramon và Silvia trong nhà hàng, nhưng không lần nào gặp cô.
Trong các giới Trốtkít, Ramon xử sự một cách độc lập, không có ý đồ chiếm lòng tin của họ “bằng sự thể hiện cảm tình với sự nghiệp chung”. Anh tiếp tục diễn vai nhà doanh nghiệp, “ủng hộ” Trotsky vì tính cách quái dị của mình, chứ không như một kẻ chung chí hướng trung thành.
Nhóm Xikeiros đã có sơ đồ các phòng biệt thự của Trotsky, được Maria de Las Eras bí mật chuyển cho, trước khi cô được gọi về Moskva. Cô có các thông tin về các vệ sĩ của Trotsky, cũng như sự phân tích chi tiết hoạt động của ban thư ký ít người của ông ta. Thông tin khá quan trọng này được tôi gửi cho Eitingon.
Cuối năm 1939 Beria đề nghị tăng cường mạng điệp viên mật của chúng ta tại Mexico. Ông dẫn tôi đến phòng hẹn bí mật và làm quen với Grigulevich (mật danh “Iuzic”), đến Moskva sau khi đã ở Tây Âu. Anh nổi tiếng trong các giới Trốtkít bởi tính trung lập của mình. Không ai nghi ngờ anh trong âm mưu được cài vào tổ chức của họ. Sự có mặt của anh ở Mỹ Latinh là hoàn toàn tự nhiên, bởi bố của Grigulevich là chủ một hiệu thuốc lớn ở Argentina.
Grigulievich đến Mexico tháng 4-1940 và theo chỉ thị của Eitingon đã lập ra mạng lưới điệp viên ngầm thứ ba, dự bị, để tiến hành các chiến dịch ở Mexico và California. Anh hợp tác với nhóm của Xikeiros. Grigulievich làm quen được với một vệ sĩ của Trotsky, Seldon Hart. Ngày 23-5-1940 khi Hart trực, vào những giờ trước bình minh, Grigulievich gõ cổng biệt thự. Hart có một sai lầm không thể tha thứ - hắn hé mở cổng, và nhóm Xikeiros lao vào dinh thự Trotsky. Họ găm nát căn phòng nơi Trotsky đang ở bằng những loạt đạn súng máy. Nhưng bởi họ bắn qua cánh cửa đóng kín và kết quả sự bắn phá không được kiểm tra, Trotsky nấp ở dưới gầm giường đã thoát nạn.
Hart bị thủ tiêu, vì biết Grigulievich và có thể khai ra. Vụ đụng độ kết thúc bằng việc bắt giữ chỉ một Xikeiros, điều đó cũng tốt để tiếp tục các hoạt động của Grigulievich và Mercader, vốn chưa biết về sự tồn tại của nhau.
Vụ mưu sát bị đổ vỡ do nhóm tấn công không được chuẩn bị một cách chuyên nghiệp cho một hành động cụ thể. Eitingon theo ý đồ giữ bí mật đã không tham gia vào vụ tấn công này. Chứ không thì chắc ông đã điều chỉnh được hành động của những người tấn công. Trong nhóm Xikeiros không ai có kinh nghiệm lục soát và kiểm tra các căn phòng hoặc ngôi nhà. Các thành viên của nhóm là những nông dân và thợ mỏ với sự huấn luyện sơ đẳng về chiến tranh du kích và phá hoại.
Eitingon chuyển qua điện đài về thất bại của chiến dịch. Thông báo đến chỗ chúng tôi có phần chậm trễ vì nó đi qua một con tàu Xô viết đang đậu ở cảng New York, từ đó mới được chuyển về Paris cho Vaxilevxky. Ông chuyển nó về Moskva, nhưng không cho thông báo này có ý nghĩa đặc biệt, bởi không biết mã khóa. Kết quả là Beria và Stalin biết về vụ mưu sát không thành từ thông báo của TASS. Tôi không nhớ ngày chính xác, hình như đó là một ngày chủ nhật tháng 5-1940. Người ta gọi tôi đến biệt thự gặp Beria - xe của ông được phái tới đón tôi. Biệt thự đang có khách: Xerov hồi đó là bộ trưởng Bộ Nội vụ Ucraina, và Kruglov, phó của Beria về cán bộ. Khi tôi bước vào, họ đang ăn trưa.
Xét mọi nhẽ, Beria không muốn bàn luận việc của chúng tôi trước mặt họ. Ông dùng cử chỉ xua tôi ra vườn, nơi những thứ cây nhiệt đới được ông trồng với hy vọng là chúng sẽ sống nổi trong khí hậu Moskva khắc nghiệt. Vợ ông, Nina, kỹ sư nông nghiệp, và con trai Xergei đang chăm sóc vườn. Beria giới thiệu tôi với họ và đi cùng tôi vào góc vườn xa. Ông đang nổi điên. Nhìn tôi chằm chằm, ông bắt đầu hỏi về thành phần nhóm được tôi khen ngợi ở Paris và về kế hoạch thủ tiêu Trotsky. Tôi trả lời rằng trình độ nghiệp vụ của nhóm Xikeiros là thấp, nhưng đó là những người trung thành với sự nghiệp của chúng ta và sẵn sàng hy sinh vì nó. Tôi đang chờ báo cáo chi tiết từ Mexico qua các kênh điện đài trong ngày một ngày hai. Sau cuộc trò chuyện, chúng tôi quay vào nhà ăn, và Beria ra lệnh cho tôi không chậm trễ quay lại nơi làm việc và thông tin cho ông ngay lập tức khi biết được các sự kiện tiếp theo.
Sau hai ngày tôi nhận được báo cáo ngắn của Eitngon từ Paris và báo với Beria. Eitingon báo rằng ông sẵn sàng với sự cho phép của Trung tâm bắt tay vào thực hiện kế hoạch được chọn lựa - sử dụng để thủ tiêu Trotsky với một điệp viên trong số “tối hậu” chủ chốt - Mercader. Để thực hiện kế hoạch này nhất thiết phải từ bỏ việc sử dụng Mercader như điệp viên của chúng ta trong giới thân cận của Trotsky và không cài thêm người mới: một điệp viên mưu toan giết Trotsky bị bắt giữ có thể là sự đổ vỡ của toàn bộ mạng lưới điệp viên liên quan trực tiếp với Trotsky và giới thân cận của ông ta. Tôi cảm thấy rằng một quyết định tương tự cả tôi lẫn Eitingon đều không thể chấp nhận một cách độc lập. Nó có thể được chấp nhận bởi chỉ Beria và Stalin. Việc cài điệp viên vào các nhóm Trốtkít ở nước ngoài là một trong những sáng tạo quan trọng trong công tác tình báo Xô viết những năm 1930-1940. Chứ làm sao khác để nhận được thông tin về các nhóm Trốtkít sau sự sát hại Trotsky? Phái Trôtkit nếu không có Trotsky sẽ có sức mạnh đe dọa đối với Liên Xô hay không? Stalin đều đặn đọc các tin tức từ điệp viên của chúng ta đã chui được vào ban tham mưu của tờ báo Trốtkít xuất bản tại New York. Từ anh ta chúng tôi nhận được thông tin về các kế hoạch và mục đích phong trào của họ và thiết lập hoạt động phù hợp cho cuộc đấu tranh với chủ nghĩa Trốtkít. Không hiếm khi Stalin có khả năng đọc các bài báo và tài liệu Trốtkít trước cả khi chúng được đăng tải ở phương Tây.
Vì cái lợi chính trị, hoạt động của Trotsky và những kẻ cùng chí hướng với ông ta ở nước ngoài trong những năm 1930-1940 chỉ gói gọn trong hoạt động tuyên truyền. Nhưng đâu phải chỉ có thế. Bọn Trốtkít hành động rất tích cực: lợi dụng sự ủng hộ của những nhân vật gắn với Abwehr, tổ chức cuộc nổi loạn chống lại chính phủ cộng hòa tại Barcelona năm 1937. Từ các nhóm Trốtkít trong các cơ quan đặc biệt ở Pháp và Đức thoát ra các tài liệu “chỉ điểm” về hoạt động của các ĐCS ủng hộ Liên Xô. Suits- Boizen, sau này trở thành một trong những người phụ trách nhóm điệp viên ngầm “Dàn đồng ca Đỏ” đã báo cho chúng tôi về các mối liên hệ với Abwehr của các thủ lĩnh cuộc bạo loạn Trốtkít ở Barcelona năm 1937. Sau này, khi bị bắt, Gestapo đã khép anh tội chuyển thông tin này cho Liên Xô, và nó được nêu trong bản án tử hình Hitler dành cho anh.
Đại diện của chúng ta ở Paris, Vaxilevxky, năm 1940 được cử làm đặc mệnh toàn quyền Ủy ban thừa hành của Quốc tế cộng sản, đã báo cáo về việc Abwehr sử dụng các liên hệ của bọn Trốtkít để lùng bắt các nhà lãnh đạo ĐCS Pháp hoạt động bí mật năm 1941.
Tôi trình bày tất cả những điều đó với Beria. Thoạt đầu ông không có phản ứng gì hết. Tôi quay trở lại văn phòng của mình và chờ.
Tôi chẳng phải chờ lâu. Chỉ sau hai giờ tôi đã bị gọi lên tầng ba gặp Beria.
- Hãy đi với tôi, - ông buông ra.
Lần này chúng tôi đi gặp Stalin tại nhà nghỉ nằm về phía Tây cách Moskva độ nửa giờ đi xe. Phần đầu cuộc gặp khá ngắn ngủi. Tôi báo cáo về ý đồ thủ tiêu Trotsky không thành của Xikeiros, sau khi giải thích rằng kế hoạch được chọn lựa có nghĩa là mối đe dọa sẽ bị mất đi mạng lưới chống Trotsky tại Mỹ, Mỹ Latinh sau khi tiêu diệt Trotsky.
Stalin hỏi độc một câu:
- Mạng lưới điệp viên ở Mỹ và Mexico do Ovakimian phụ trách, được kéo vào hành động ở mức độ nào trong chiến dịch chống Trotsky?
Tôi đáp rằng chiến dịch của Eitingon hoàn toàn độc lập với Ovakimian, đang hoạt động dưới vỏ bọc của hãng “Amtorg”.
Stalin khẳng định ý kiến cũ của mình, nhận xét:
- Hành động chống Trotsky sẽ có nghĩa là sự lật nhào toàn bộ phong trào Trốtkít. Và chúng ta sẽ không cần phải chi tiền để đấu tranh với chúng và các mưu toan của chúng phá hoại Quốc tế cộng sản và các mối liên hệ của chúng ta với những nhóm cánh tả ở nước ngoài. Hãy bắt tay vào thực hiện phương án được chọn lựa, bất chấp sự thất bại của Xikeiros, và hãy gửi điện tín cho Eitingon với sự tin cậy trọn vẹn của chúng ta.
Tôi chuẩn bị điện tín và bổ sung vào cuối:
Pavel gửi những lời chào tốt đẹp nhất”.
Trong mã số “Pavel” là mật danh của Beria.
Năm 1953 khi người ta bắt tôi, các điều tra viên xem các tài liệu chiến dịch “Con vịt” trong giấy tờ công tác của tôi cất trong két, đã hỏi giấu dưới cái tên “Pavel” là ai. Tôi thấy không cần nhấn mạnh rằng Beria, đến thời gian ấy đã bị bắt và bị xử bắn, đã đánh giá cao Eitingon, và nói đó là tên tôi bổ sung vào để khẳng định tính đích thực của thông tin được chuyển đi.
Thời gian đã muộn, mười một giờ đêm, và Stalin mời Beria và tôi ở lại ăn tối. Tôi nhớ, thức ăn hoàn toàn đơn giản, Stalin chọc đùa việc tôi không uống rượu, đề nghị tôi uống rượu nho Gruzia pha với nước ga “Lagidze”. Nước này hàng ngày được máy bay chở từ Gruzia đến cho ông. Bất kể việc người ta hiện nay viết gì về ông, Stalin không nổi giận do vụ mưu sát Trotsky không thành. Nếu ông có giận, thì cũng đã không bộc lộ. Bề ngoài ông trông bình thản và sẵn sàng tiến hành chiến dịch tiêu diệt kẻ thù của mình đến tận cùng, sau khi đã đặt cược số phận toàn bộ mạng điệp viên trong giới thân cận của Trotsky.
Sau này Eitingon kể với tôi rằng Ramon Mercader tự xin thực hiện nhiệm vụ, vận dụng các kinh nghiệm trong cuộc chiến tranh du kích ở Tây Ban Nha. Anh không những bắn súng tốt mà còn nắm vững kỹ thuật đánh giáp lá cà. Xét đến việc người của chúng ta thời ấy không có trong tay kỹ thuật chuyên dụng, Mercader sẵn sàng bắn, đâm hay giết kẻ thù khi giáng đòn bằng một vật nặng. Karidad cho con trai “lời chúc phúc”. Khi bà và Eitingon gặp Ramon để cùng phân tích hệ thống bảo vệ tại biệt thự của Trotsky và chọn vũ khí giết người, thì đi đến kết luận rằng, tốt nhất là sử dụng dao hay gậy trượt tuyết nhỏ của dân leo núi: thứ nhất, dễ giấu, thứ hai, những vũ khí giết người này không gây tiếng động, vậy nên không ai trong nhà kịp chạy đến trợ giúp. Về thể lực Ramon đủ mạnh.
Cũng cần thiết đưa ra động cơ giết người thích hợp nhằm để bôi nhọ thanh danh Trotsky và bằng cách ấy làm suy yếu phong trào của ông ta. Vụ sát hại phải trông như một hành động trả thù cá nhân đối với Trotsky, là ông ta đã như khuyên ngăn Silvia Agelof lấy Mercader. Nếu Mercader bị bắt, anh cần tuyên bố rằng bọn Trốtkít có ý đồ lợi dụng những phương tiện anh quyên góp vào các mục đích cá nhân, chứ hoàn toàn không cho phong trào, và thông báo rằng Trotsky có ý đồ thuyết phục anh gia nhập tổ chức khủng bố quốc tế nhằm giết Stalin và các nhà lãnh đạo Xô viết khác.

Buổi tối mùa đông, đầu năm 1969, tôi gặp Ramon Mercader tại căn hộ Eitingon, sau đó chúng tôi dùng bữa tại nhà hàng Nhà văn ở Moskva. Từ lần gặp cuối cùng của chúng tôi đã qua gần ba chục năm. Và chỉ giờ đây Ramon kể với tôi mọi chi tiết diễn ra vào ngày 20-8-1940.
Tại buổi anh gặp mẹ trong phòng bí mật ở Mexico, theo lời Ramon, Eitingon đề nghị như sau: trong lúc Mercader ở tại biệt thự Trotsky, chính Eitingon, Karidad và nhóm gồm năm tay súng sẽ tiến hành ý đồ xông vào biệt thự. Sẽ bắt đầu vụ bắn lộn với bọn vệ sĩ mà trong thời gian đó Mercader sẽ có thể tiêu diệt Trotsky.
- Tôi, - Mercader kể với tôi, - không đồng tình với kế hoạch này và thuyết phục ông rằng một mình tôi sẽ tiến hành thực hiện bản án tử hình.
Bất kể chuyện được viết về chính một vụ giết người, Ramon không nhắm mắt trước khi nện vào đầu Trotsky bằng cái gậy trượt tuyết sắc nhỏ mà anh giấu dưới áo khoác. Trotsky ngồi bên bàn viết và đọc bài báo của Mercader viết bảo vệ ông ta. Khi Mercader chuẩn bị ra đòn, Trotsky đang bị cuốn hút vào việc đọc bài báo, hơi nghiêng đầu đi, và điều đó làm đổi hướng cú đánh, làm giảm sức của nó. Vậy nên tại sao Trotsky không bị giết chết ngay và hét lên kêu cứu. Ramon đã bối rối và không thể đâm Trotsky, dù có dao trong người.
- Hãy tưởng tượng, tôi đã kinh qua chiến tranh du kích và đâm lính gác trên cầu trong thời gian nội chiến ở Tây Ban Nha, nhưng tiếng hét của Trotsky đúng là làm tôi tê liệt, - Ramon giải thích.
Khi vợ Trotsky với các vệ sĩ chạy vào phòng, Mercader bị quật ngã, và anh đã không thể sử dụng súng ngắn. Thế nhưng không cần đến điều đó. Trotsky chết ngày hôm sau trong bệnh viện.
- Tôi bị một vệ sĩ của Trotsky đánh ngã bằng báng súng ngắn. Sau đó luật sư của tôi lợi dụng chi tiết này để chứng minh rằng tôi không phải là một sát thủ chuyên nghiệp. Tôi thì giữ giả thuyết rằng tôi bị tình yêu đối với Silvia làm cho mê muội và rằng bọn Trốtkít đã tiêu tán tiền nong mà tôi hy sinh cho phong trào của họ, và cố lôi kéo tôi vào hoạt động khủng bố, Mercader nói với tôi. Tôi không rời khỏi giả thuyết đã thỏa thuận: các hành động của tôi bị kích thích chỉ bởi những động cơ cá nhân mà thôi.
Theo kế hoạch ban đầu chúng tôi dự trù rằng Trotsky sẽ bị giết không tiếng động và Ramon có thể lặng lẽ rời đi - Ramon thường xuyên tới thăm biệt thự và đội vệ sĩ biết rõ anh.
Eitingon và Karidad, chờ Ramon trong một chiếc xe đỗ không xa biệt thự, buộc phải ẩn trốn, khi trong nhà bắt đầu sự lộn xộn trông thấy. Thoạt đầu họ chạy sang Cuba, nơi Karidad lợi dụng các mối quan hệ gia đình của mình, đã chuyển vào hoạt động bí mật. Grigulievich chạy từ Mexico sang California nơi ít ai biết anh.

Thông báo đầu tiên đến với chúng tôi theo các kênh của TASS. Sau đó, Eitingon gửi thông báo từ Cuba, lại cũng qua Paris. Tôi được thông báo chính thức rằng cấp trên bằng lòng với người của Eitingon và công việc của họ, những người tham gia chiến dịch sẽ được tặng thưởng sau khi trở về Moskva. Vào thời điểm đó tôi quá bận rộn với công việc của mình ở Latvia, nên chẳng nghĩ gì về vụ Trotsky. Beria hỏi tôi, Karidad, Eitingon và Grigulievich có tự thoát thân và ẩn trốn kín đáo hay không. Tôi đáp là họ có chỗ trốn tốt mà Mercader không rõ. Mercader bị bắt với tên Frank Jackson, doanh nhân Canada, tên thật của anh chính quyền không biết trong suốt sáu năm.
Ramon cũng gợi nhắc tôi rằng tôi đã cho anh và mẹ anh một lời khuyên trong buổi gặp ở Paris: nếu ai trong các vị bị bắt, hãy bắt đầu tuyệt thực trong nhà tù, nhưng trong khi đó nên cố tránh gây ngờ vực không cần thiết cho bọn giám ngục. Từ đầu hãy ăn uống mỗi lần một ít đi, chuẩn bị cho sự từ chối thức ăn hoàn toàn. Cuối cùng họ sẽ bắt đầu nuôi ăn nhân tạo, và thời kỳ điều tra bị kéo dài đến một thời gian không xác định, còn những kích động sẽ nguội đi. Và điều đó sẽ rất cần cho các vị.
Mercader tiếp tục tuyệt thực hai hay ba tháng. Cuộc điều tra đã khẳng định rằng anh là một trong những kẻ đi theo Trotsky nổi cơn điên giận. Ngày hai lần các nhân viên cơ quan đặc biệt Mexico đánh anh và cứ thế tiếp diễn suốt sáu năm cho đến khi phát hiện ra được tên thật của anh. Thêm nữa, suốt thời gian ấy anh bị giữ trong xà lim không có cửa sổ.
Beria báo với tôi về quyết định bảo vệ Mercader. Các luật sư cần phải chứng minh rằng vụ ám sát được gây ra trên cơ sở mâu thuẫn và thanh trừ lẫn nhau trong nội bộ phong trào Trốtkít.
Eitingon và Karidad nhận được lệnh giữ nguyên hoạt động bí mật. Họ sống nửa năm ở Cuba, còn sau đó bằng đường biển đi sang New York, nơi Eitingon sử dụng mối quen biết trong cộng đồng Do Thái để kiếm các giấy tờ và hộ chiếu mới. Cùng với Karidad ông xuyên suốt nước Mỹ đến Los Angeles, sau đó tới San Francisco. Eitingon nhân cơ hội lập lại các tiếp xúc với hai điệp viên mà ông và Xerebrianxky đã phái sang California vào đầu những năm 1930 và những người kia đã nhận về mình trách nhiệm liên lạc với mạng lưới điệp viên ngầm vốn đã lấy được các bí mật nguyên tử của Mỹ từ năm 1942 đến năm 1945.
Tháng 2-1941 Eitingon và Karidad đi tàu thủy sang Trung Quốc. Tháng 5-1941 ngay trước khi bắt đầu cuộc chiến tranh Vệ quốc vĩ đại, họ quay về Moskva từ Thượng Hải theo tuyến đường sắt xuyên Xibir.
Các cơ quan đặc biệt chỉ xác định được nhân thân của Mercader sau khi một trong những nhà hoạt động nổi tiếng của ĐCS Tây Ban Nha năm 1946 bỏ chạy sang phương Tây mà trước đó từng ở Moskva. Nhân thể, người này là họ hàng xa với Phidel Castro. Karidad có lỗi một phần về sự rò rỉ thông tin. Trong thời gian chiến tranh mẹ của Ramon tản cư từ Moskva đến Taskent, nơi bà sống từ năm 1941 đến 1943. Chính ở đấy bà đã kể với người quen của mình rằng Ramon đã giết Trotsky. Karidad tin chắc rằng ông ta sẽ không để lộ.
Sau thế chiến II Karidad nhiều lần thử cách giải phóng cho Mercader, đề nghị thậm chí là tìm vợ cho anh, nhưng Stalin phản đối kế hoạch này, bởi nhân thân Mercader còn chưa gây sự chú ý nhiều. Karidad đi sang Mexico, sau đó sang Paris, tìm tất cả mọi cách để giải phóng cho con trai.
Khi người ta đưa hồ sơ lưu trữ của cảnh sát Tây Ban Nha sang Mexico, nhân thân của anh đã bị xác định, chối cãi là vô ích. Trước những bằng chứng không thể phủ nhận Frank Jackson thú nhận rằng thực tế anh là Ramon Mercader và xuất thân từ một gia đình Tây Ban Nha giàu có. Thế nhưng anh vẫn không thừa nhận rằng đã giết Trotsky theo lệnh tình báo Xô viết. Trong tất cả các tuyên bố mở của mình Mercader khẳng định không hề thay đổi động cơ cá nhân của vụ ám sát này.
Điều kiện giam giữ Mercader trong tù sau việc kẻ vượt tuyến nói lộ tên thật của anh lập tức trở nên tốt hơn, và thậm chí người ta còn cho anh thỉnh thoảng ra ngoài, nơi anh có thể ăn uống ở nhà hàng cùng với giám ngục của mình. Người phụ nữ giám sát Ramon trong tù, đã mê anh và giờ đây đến thăm anh mỗi tuần. Sau này anh đã cưới cô ta và đưa cô về Moskva cùng anh khi được thả tự do ngày 20-8-1960. Anh đã ngồi hết hạn hai chục năm trong tù.
Trước 1960 Ramon chưa bao giờ đến Moskva. Ở đây người yêu của anh, người về sau chết vì bệnh lao, đã sống những năm 1939-1942.
Tại Moskva Mercader được tiếp bởi chủ tịch KGB Selepin người trao cho anh Ngôi sao Anh hùng Liên Xô. Thế nhưng một thời gian sau Mercader xin gặp gỡ với chủ tịch mới của KGB Xemitsaxtnưi, anh bị từ chối. Theo quyết định đặc biệt của BCHTƯ đảng và theo sự chạy vạy riêng của Dolores Ibarruri (Pasionary), Mercader được nhận vào làm chuyên viên trường khoa học của Viện Mác-Lênin ở Moskva. Ngoài ra, anh cùng vợ được cấp một biệt thự ở Kratov, ngoại ô Moskva. Mercader nhận tiền từ BCHTƯ và từ KGB. Tổng số tiền ngang với lương thiếu tướng về hưu. Thế nhưng quan hệ của anh với KGB vẫn khá căng thẳng trong suốt những năm 60: anh không ngừng đòi hỏi, đầu tiên với Selepin, sau đó là Xemitsaxtnưi để Eitingon và tôi được giải phóng ngay lập tức khỏi nhà tù. Anh nêu vấn đề này trước Dolores Ibarruri, và cả Xuxlov. Ủy viên Bộ Chính trị kỳ cựu Xuxlov không chút động lòng, hơn thế, tức giận về việc Mercader tự tiện hỏi riêng ông ta, bèn tuyên bố: “Chúng tôi đã quyết định số phận những con người này. Đừng dí mũi vào việc không phải của mình”.
Thoạt đầu Mercader sống trong khách sạn “Leningrad” gần nhà ga Leningrad, còn sau đó nhận một căn hộ bốn buồng không có trang bị nội thất gì gần bến metro “Xokol”. Trong số những người đã từng liên quan với Mercader về công việc, chỉ còn duy nhất Vaxilevxky không bị thanh trừng, dù ông bị khai trừ khỏi đảng. Ông đấu tranh cho Mercader và vì thế đồ gỗ được cấp cho căn hộ mới của anh. Vợ của Mercader, Roselia Mendosa làm phát thanh viên trong ban biên tập tiếng Tây Ban Nha của đài phát thanh Moskva. Năm 1963 họ nhận hai đứa trẻ làm con nuôi: chú bé Artur mười hai tuổi và bé gái Laura sáu tháng tuổi. Cha mẹ của họ là bạn của Mercader. Ông bố tham gia cuộc nội chiến ở Tây Ban Nha, sau thất bại của những người cộng hòa đã chạy sang Moskva, rồi quay về tổ quốc với tư cách điệp viên mật, bị bọn Franko bắt được và bị xử bắn. Bà mẹ mất tại Moskva trong khi sinh nở.
Giữa những năm 70 Mercader rời Moskva sang Cuba nơi anh trở thành cố vấn bên cạnh Phidel Castro. Anh mất năm 1978. Thi hài của anh được bí mật đưa về Moskva. Vợ góa của Mercader cố liên lạc với tôi, nhưng thời gian ấy tôi không ở tại Moskva. Eitingon có mặt trong buổi tang lễ. Người ta mai táng Mercader tại nghĩa trang Kuntsevxcoie. Tại đấy anh yên nghỉ dưới cái tên Ramon Ivanovich Lopes, Anh hùng Liên Xô.

Tôi hoàn toàn rõ rằng các nguyên tắc đạo lý ngày hôm nay không dung hòa được với tính tàn bạo đặc trưng cho cả giai đoạn đấu tranh vì chính quyền vốn kế thừa cuộc đảo chính cách mạng, cả đối với nội chiến. Stalin và Trotsky đối kháng với nhau, dùng các phương pháp để đạt mục đích của mình, nhưng sự khác nhau là ở chỗ trong sự lưu đày, Trotsky đối kháng không chỉ Stalin, mà cả với Liên Xô như một nhà nước. Sự đối kháng này là cuộc chiến dẫn đến sự hủy diệt. Stalin, mà cả chúng ta nữa, đã không thể đối xử với Trotsky ở nơi lưu vong đơn giản như một tác giả những tác phẩm triết học. Ông ta là kẻ thù của nhà nước Xô viết.
Cuộc sống chỉ ra rằng, sự nghi ngờ và lòng thù địch của Stalin và ĐCS Liên Xô đối với những kẻ xét lại và đối thủ chính trị trong cuộc đấu tranh vì quyền lực là có cơ sở hiện thực.
Chính nhóm cựu lãnh đạo của Đảng đã giáng đòn quyết định vào ĐCS Liên Xô và đất nước Liên Xô vào những năm 1990-1991.
Những tư lợi nhỏ nhen thoạt đầu của sự tranh giành quyền lực được che đậy bằng các khẩu hiệu vay mượn của Trotsky “đấu tranh với chủ nghĩa quan liêu và sự thống trị của cơ quan Đảng”. Mối đe dọa chết người đối với sự giữ vững thể chế chính quyền Xô viết luôn luôn ẩn trong lòng hiểm họa chia rẽ của đảng cầm quyền.

Con trai của Trotsky, Lev Xedov mang họ mẹ, nằm dưới sự theo dõi không ngừng của chúng tôi. Y là tay tổ chức chủ chốt của phong trào Trốtkít ở châu Âu sau khi từ Thổ Nhĩ Kỳ sang Paris năm 1933. Chúng tôi có ở Paris hai lối tiếp cận tình báo độc lập với nhau nhằm vào y. Trong một nhóm đóng vai trò chủ đạo là Zborovxky (mật danh “Etien”, cũng là “Tiulpan”). Về ông ta Volkogonov đã viết tỉ mỉ. Đứng đầu nhóm thứ hai là Xerebrianxky. Zborovxky dẫn chúng tôi lần ra dấu hồ sơ của Trotsky, còn Xerebrianxky sử dụng thông tin nhận được, đã chiếm hồ sơ được cất giấu ở Paris này, và bí mật chuyển chúng về Moskva. Ông làm điều đó có sự trợ giúp của điệp viên của mình là “Garry” có mặt ở Paris, và điệp viên làm việc trong cảnh sát Pháp.
Trong cuốn sách “Trotsky” Volkogonov khẳng định, dường như hồ sơ được Zborovxky đưa ra, trong khi thực tế ông ta thậm chí không có khái niệm cái thông tin ông ta lấy được cần sử dụng thế nào. Volkogonov cũng viết rằng Zborovxky đã giúp giết chết Xedov lúc ấy đang ở trong bệnh viện Pháp. Con trai Trotsky, như đã rõ, thực sự đã chết năm 1938 trong những tình huống khá bí ẩn, sau khi mổ ruột thừa. Biết rành rọt chỉ là điều Xedov chết tại Paris, nhưng cả trong hồ sơ của y lẫn trong các tư liệu của Quốc tế cộng sản phái Trốtkít, tôi không tìm đâu ra chứng cứ nào, rằng đó là một vụ giết người. Nếu Xedov bị giết, thì ai đó phải được nhận tặng thưởng của chính phủ hoặc có thể cạnh tranh. Trong thời gian đó, đã có nhiều lời buộc tội cho cơ quan tình báo mà đâu như vơ về mình vòng nguyệt quế không hề có, nhưng không đưa ra những chi tiết hay ví dụ nào cả. Vẫn cho rằng, Xedov chết như nạn nhân của chiến dịch được tiến hành bởi NKVD. Trong khi đó Spigelglaz, khi báo cáo với Ejov về cái chết của Xedod tại Paris, chỉ nhắc đến cái chết tự nhiên của ông ta. Thật ra, Ejov có bình phẩm báo cáo bằng những lời: “Cuộc phẫu thuật tốt lắm! Đã làm việc không tồi, nhỉ?”. Spigelglaz không định tranh cãi với bộ trưởng, kẻ cố gắn công lao “ám sát” Xedov cho ngành tình báo và trực tiếp báo cáo với Stalin về điều này. Điều đó tạo khả năng để người ta cho rằng NKVD chịu trách nhiệm về cái chết của Xedov.
Khi tôi và Eitingon bàn với Beria kế hoạch thủ tiêu Trotsky, không có lần nào nhắc tới việc loại bỏ con trai ông ta. Tất nhiên, dễ dàng giả sử rằng Xedov bị giết, nhưng riêng tôi có thiên hướng không tin vào điều đó. Và lý do ở đây thật đơn giản. Trotsky tin con trai vô điều kiện, vì thế chúng ta tiến hành theo dõi chặt chẽ y, và điều đó cho khả năng nhận được thông tin về các kế hoạch của bọn Trốtkít nhằm vào Liên Xô qua châu Âu. Việc thủ tiêu y hẳn dẫn đến sự mất kiểm soát của chúng ta đối với nguồn thông tin về các chiến dịch Trốtkít ở châu Âu.

Sau sự thủ tiêu Trotsky, một phần mạng điệp viên được Eitingon chiêu mộ, và những người khác được lôi cuốn vào mạng lưới của ông hoạt động ở Mỹ và Mexico bị phong tỏa, và việc sử dụng họ chỉ có thể được thực hiện với chỉ đạo của Beria. Mạng lưới điệp viên mở rộng này về sau đóng vai trò quan trọng trong tiếp cận với giới bác học chế tạo bom nguyên tử của Mỹ. Các điệp viên với các giấy tờ giả, không giữ chức vụ chính thức nào, cư trú tại Mỹ từ cuối những năm 20 đầu những năm 30. Nhiệm vụ chính của họ là xin làm một công việc tại nơi có thể có sự tiếp xúc với thông tin khoa học kỹ thuật và vận chuyển hàng hóa quân sự chiến lược trong trường hợp chiến tranh với Nhật Bản.
Các tài liệu và báo cáo về vụ Trotsky cho đến giờ vẫn được bảo quản trong lưu trữ tổng thống và trong quỹ lưu trữ cá nhân của Andropov và Beria. Một phần giấy tờ này được trả về ngành tình báo vào năm 1996.

Cuối những năm 20 và đầu những năm 30, Eitingon và Xerebrianx được cử sang Mỹ để tuyển mộ dân di cư Nhật Bản và Trung Quốc mà có thể cần đến trong các chiến dịch quân sự và phá hoại chống lại Nhật Bản. Đến thời ấy người Nhật đã chiếm những vùng Bắc và trung tâm Trung Quốc và Mãn Châu Lý, và chúng ta dè chừng cuộc chiến sắp tới với Nhật Bản. Đồng thời Eitingon cắm lâu dài hai điệp viên người Do Thái Ba Lan mà ông đem được từ Pháp sang Mỹ.
Eitingon cũng cần cho đánh giá các khả năng tiềm ẩn của những người cộng sản Mỹ trong lợi ích tình báo của chúng ta. Theo đề nghị khá hiệu quả của ông, không nên chiêu mộ điệp viên từ các đảng cộng sản, mà chỉ tập trung vào những người có cảm tình đối với các lý tưởng cộng sản.
Eitingon hoạt động song song với Akhmerov, người bất chấp những phản đối nghiêm túc của Eitingon, vẫn cứ cưới cháu gái của Erl Brauder, người sáng lập ĐCS Mỹ. Các chiến dịch ở Mỹ và việc lập mạng điệp viên ngầm ở đấy không thuộc mục tiêu quan trọng nhất của Kremli, bởi thời ấy việc nhận các tin tức tình báo từ Thế giới mới không ảnh hưởng đến các quyết định do Moskva phê chuẩn. Thế nhưng Eitingon giao cho mấy điệp viên của mình theo dõi đường lối của Mỹ đối với Trung Quốc. Nói riêng, ông đã tìm được những nhà báo từ tạp chí America mà về sau đã hình thành trò chơi có ảnh hưởng tới đường lối ngoại giao của Mỹ ở châu Á.
Một trong những điệp viên được Eitingon chiêu mộ là họa sĩ phong cảnh khá nổi tiếng người Nhật Bản Miagi mà sau này thuộc nhóm của Richard Sorge ở Nhật Bản. Eitingon và người bạn tốt của tôi Ivan Vinarov (cố vấn tình báo bên cạnh Georgi Dimitrov vào những năm 40) tiếp xúc với Sorge ở Thượng Hải vào cuối những năm 20. Thông tin của Sorge được xem là đáng giá trong suốt những năm 30, thật ra, cần nói, rằng cả người Đức, cả người Nhật đều xem ông là điệp viên hai mang. Điệp viên của chúng ta “Người bạn” - cố vấn chính trị của nước Đức tại bộ tham mưu Tưởng Giới Thạch - thường gặp gỡ với Sorge vào những năm 1939-1941. Ông ta nhận thấy sự thông tỏ rộng của Sorge về tình hình tại Viễn Đông, không đoán ra hoạt động của Sorge cho tình báo Hồng quân, và khẳng định các liên hệ vững chắc có uy tín của Sorge với tình báo quân sự Đức.
Năm 1932 Eitingon rời California và quay về Liên Xô qua Thượng Hải. Ông được cử làm phó cho Xerebrianxky, nhưng họ không cùng làm việc được, và Eitingon chuyển sang công tác tại Cục đối ngoại của OGPU.

Trong thời kỳ căng thẳng ngay trước sự tham chiến của Mỹ, Kheifets đứng đầu công tác tình báo theo tuyến NKVD trên duyên hải phía Đông nước Mỹ. Trước kia ông làm việc tại Quốc tế cộng sản. Bố ông là một trong những người thành lập ĐCS Mỹ. Kheifets trực tiếp biết nhiều người cộng sản Mỹ nổi tiếng. Tính đến kinh nghiệm tại Quốc tế cộng sản, vào đầu những năm 30 người ta cử ông làm việc trong NKVD. Ông tổ chức các nhóm điệp viên ở Đức và Italia vào giữa những năm 30, khi đóng vai một sinh viên Ấn Độ đang học ở châu Âu. Trong thực tế Kheifets là người Do Thái nhưng do làn da sạm nên trông chẳng khác gì một kẻ lưu vong thực sự từ châu Á, bất kể màu mắt xanh. Tại Mỹ trong các phái cánh tả ông nổi danh như là ngài Braun.
Trước đây khi ở Italia, Kheifets đã làm quen với Bruno Pontekorvo trẻ tuổi là sinh viên theo học tại Roma. Kheifets giới thiệu Pontekorvo liên hệ với Frederic Jolio Quiri nhà vật lý Pháp vĩ đại thân cận với ban lãnh đạo ĐCS Pháp. Trong tương lai chính Pontekorvo trở thành cái kênh mà qua đó các bí mật nguyên tử của Mỹ từ Enriko Fermi đến với chúng ta.
Kheifets gặp may: vào những năm 30 ông không bị thanh trừng. Người ta gọi ông về Moskva, và dù năm 1938 Ejov đã ra chỉ thị về việc bắt ông, nó đã không được thực hiện. Rất nhanh, Kheifets được phái sang Mỹ, đến duyên hải miền Tây, để thúc đẩy thêm công tác tình báo.
Kheifets được giao nhiệm vụ thiết lập những mối liên lạc vững chắc với mạng điệp viên “nằm ổ sâu” do Eitingon dựng lên để sử dụng trong trường hợp chiến tranh giữa Liên Xô và Nhật Bản. Kế hoạch ban đầu là xây dựng mạng lưới điệp viên ngầm tại các cảng Mỹ theo mẫu vùng Scandinavia để tiêu diệt các con tàu với nhiên liệu và chất đốt chiến lược dành cho Nhật Bản. Không biết về dự định của Nhật Bản tấn công Đông Nam Á hoặc Trân Châu cảng, chúng tôi giả thiết rằng đầu tiên sẽ bắt đầu các hành động quân sự chống lại chúng ta.
Trợ lý của Kheifets tại lãnh sự quán San Francisco, Liagin, kỹ sư, tốt nghiệp đại học chế tạo tàu thủy Leningrad được giao nhiệm vụ đặc biệt nhận số liệu về những phát minh mới của các xí nghiệp duyên hải miền Tây. Nhiệm vụ chủ yếu đặt ra trước anh thu thập tài liệu về các chương trình chế tạo tàu biển quân sự của Mỹ. Tôi nhớ một trong những báo cáo của anh. Trong đó nói lên mối quan tâm lớn của người Mỹ đối với chương trình chế tạo các hàng không mẫu hạm. Liagin cũng chiêu mộ được một điệp viên ở San Francisco, người đã cho chúng ta sự mô tả các thiết bị được nghiên cứu để bảo vệ tàu khỏi mìn từ trường.
Để không gây nghi ngờ, Liagin tránh bất cứ sự tiếp xúc nào với các giới thân cộng sản. Thế nhưng anh làm việc không lâu tại San Francisco. Anh được gọi về Moskva và cất nhắc lên chức phó Cục trưởng tình báo ngoài nước của NKVD. Anh mới 32 tuổi. Trong thời gian chiếm đóng của Đức, anh được chúng tôi phái đến cơ sở quân sự ở Nikolaev vùng Biển Đen với tư cách phụ trách điệp viên ngầm. Gestapo rốt cuộc bắt được anh với điện báo viên của nhóm. Liagin khước từ vượt ngục, bởi không thể bỏ mặc người điện báo viên bị thương bị bắt cùng với anh. Họ bị xử bắn. Năm 1945 anh được truy tặng danh hiệu Anh hùng Liên Xô.
Kheifets còn lại ở San Francisco nhận được định hướng của Eitingon, đã tiếp cận với hai điệp viên được cắm sẵn từ trước. Cả hai sống một cuộc sống bình thường không gây chú ý của những người Mỹ giản dị: một người là bác sĩ nha khoa, người khác - chủ một cơ sở buôn bán lẻ. Cả hai đều là dân Do Thái Ba Lan lưu vong. Bác sĩ nha khoa quen trực tiếp với Xerebrianxky, có thời nhận tiền của chúng ta để học Cao đẳng y khoa tại Pháp và trở thành một nhà chuyên môn có bằng cấp. Cả hai người này được cài phòng trường hợp, nếu sự giúp đỡ của họ cần cho chúng ta dù là sau một năm hoặc mười năm. Sự cần thiết dùng đến họ đã nảy sinh vào những năm 1941-1942, khi những người này bất ngờ trở nên gần gũi với với các thành viên có xu hướng cộng sản của gia đình Robert Oppenheimer - người chế tạo bom nguyên tử Mỹ.
------------
Còn tiếp.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét