Chủ Nhật, 17 tháng 7, 2022

Những Chiến Dịch Đặc Biệt - Chương 2-3

Những Chiến Dịch Đặc Biệt

Tác giả: Pavel Xudoplatov
Người dịch: Nguyễn Văn Thảo
Thể loại: Hồi ký
Nhà xuất bản Công an nhân dân
Năm xuất bản: 2003 (Lưu hành nội bộ)

Chương 2: Ở Tây Ban Nha

3. Gặp Beria

Nhưng chúng ta cùng quay lại các sự kiện năm 1938. Nhận được thư của tôi từ Paris về thành công của chiến dịch thủ tiêu Konovalets, Spigelglaz gọi vợ tôi đến gặp và nói:Andrei (mật danh của tôi) đã an toàn. Cậu ấy thấy người ta đổ xô như thế nào đến nơi đó, và cậu ấy rõ tất cả. Bởi ở Tây Âu không ai chạy đi chỉ là để xem một cái lốp xe ôtô nổ gần đó”.
Tháng 7-1938 chiếc tàu thủy mà tôi có mặt trên đó cập cảng Leningrad. Tôi lập tức đi chuyến tàu đêm về Moskva. Đón tôi trên ga là Paxxov vừa được cử thay Xlutsky, Spigelglaz và vợ tôi. Cần phải nói hay không, tôi hạnh phúc như thế nào khi quay về Moskva với công việc cũ. Tôi cho rằng vụ ám sát Konovalets thành công từ tất cả mọi phương diện và tự hào rằng trong vụ nổ, những người vô tội đã không bị hại. Cả Abwehr lẫn tổ chức dân tộc chủ nghĩa Ucraina đều không có chứng cứ để khám phá nguyên nhân đích thực về cái chết của Konovalets. Tất nhiên, chúng có thể nghi ngờ người đưa tin hoặc liên lạc viên đến gặp y ở Rotterdam, nhưng trong tay chúng không có chứng cớ nào cả.
Sáng sớm ngày hôm sau tôi được gọi tới chỗ Beria, lãnh đạo mới của Tổng cục An ninh Quốc gia - NKVD, phó thứ nhất của Ejov. Trước đó tôi chỉ biết về Beria là ông ta lãnh đạo GPU Gruzia vào những năm 20, sau nữa trở thành bí thư BCHTƯ ĐCS Gruzia. Paxxov, người thay Xlutsky trên cương vị Cục trưởng Cục đối ngoại, đưa tôi vào văn phòng của Beria, cạnh phòng tiếp khách của Ejov. Buổi gặp gỡ đầu tiên của tôi và Beria, hình như kéo dài gần bốn giờ. Suốt thời gian ấy Paxxov giữ im lặng. Beria hỏi tôi hết câu này sang câu khác, mong biết về tất cả mọi chi tiết của chiến dịch chống Konovalets và về OUN từ khởi đầu sự hoạt động của nó.
Sau một giờ Beria bảo Paxxov đem lại cặp hồ sơ “Đặt cược” nơi lưu giữ tất cả các chi tiết về chiến dịch này. Từ các câu hỏi của Beria tôi hiểu đó là một người uyên thâm trong các vấn đề tình báo và phá hoại. Sau đó tôi hiểu ra: Beria hỏi để hiểu rõ hơn, bằng cách nào tôi đã có thể hòa nhập vào cuộc sống phương Tây.
Gây cho Beria ấn tượng đặc biệt là thủ tục thoạt đầu khá đơn giản, việc mua vé tàu hỏa theo mùa cho phép tôi chu du không bị cản trở khắp toàn bộ Tây Âu. Tôi nhớ, ông quan tâm đến qui định bán vé tàu hỏa cho hành khách trên các tuyến nội địa và các tuyến nước ngoài. Tại Hà Lan, Bỉ và Pháp các hành khách đi sang nước khác, từng người một đi lại gần quầy - chỉ sau tiếng chuông của người trực. Chúng tôi ức đoán rằng điều đó được làm với mục đích cho phép người bán vé nhớ tốt hơn những ai đã mua vé. Tiếp theo Beria quan tâm tôi có để ý hay không đến số lối ra, kể cả cửa dự phòng tại phòng hẹn kín nằm ở ngoại ô Paris. Ông khá ngạc nhiên là tôi đã không làm điều ấy bởi vì quá mệt mỏi. Từ đó tôi kết luận rằng Beria có kinh nghiệm hoạt động bí mật tích lũy được trong Treka Ngoại Kavkaz.
Vẫn nhớ, ông mặc chiếc áo vét khá giản dị. Tôi cảm thấy kỳ lạ là ông không có cà vạt, còn ống tay áo sơ mi, chất lượng khá tốt, được xắn lên. Tình huống đó buộc tôi cảm thấy có phần khó xử, bởi trên người tôi là bộ trang phục may khéo tuyệt vời: trong thời gian ngắn ở Paris tôi đã đặt ba bộ comple theo mốt, áo bành tô, cũng như mấy chiếc sơ mi và cà vạt. Thợ may lấy kích cỡ, còn Agaiants ghé qua lấy đồ và gửi chúng về Moskva bằng đường ngoại giao.
Beria quan tâm nhiều đến đội du kích phá hoại đặt cơ sở tại Barcelona. Ông ta biết riêng Vaxilevxky, một trong số chỉ huy du kích - vào thời của mình ông kia phục vụ dưới trướng ông trong phản gián GPU Gruzia. Beria nói tiếng Nga tốt với một chút âm sắc Gruzia và đã xử sự hết mực lịch thiệp đối với tôi. Thế nhưng ông cũng không thể giữ nguyên sự lạnh lùng trong suốt buổi nói chuyện của chúng tôi. Và thế, Beria bị kích động mạnh khi tôi kể là đã đưa ra những lập luận thế nào với Konovalets, để ngăn chặn hắn tiến hành các hành động khủng bố của OUN chống các đại diện của chính quyền Xô viết tại Ucraina. Tôi phản bác hắn, viện lẽ rằng điều đó có thể dẫn tới cái chết của tổ chức bí mật dân tộc chủ nghĩa Ucraina, bởi NKVD sẽ nhanh chóng lần ra dấu vết bọn khủng bố. Còn Konovalets thì cho rằng, những hành động tương tự có thể được thực hiện bởi những nhóm nhỏ riêng biệt. Điều đó, hắn nhất quyết, sẽ tạo thêm hào quang trong mắt người dân địa phương, là động lực để bắt đầu chiến dịch rộng lớn chống Xô viết mà Đức và Nhật Bản sẽ tham dự vào.
Vốn cận thị, Beria đeo kính một tròng, điều làm ông ta giống một công chức khiêm tốn. Có thể, tôi nghĩ, ông ta cố ý chọn cho bản thân hình ảnh như thế: ở Moskva không ai biết ông, và dĩ nhiên, mọi người khi gặp sẽ không chú ý tới một ngoại hình tầm thường đến thế, điều cho ông khả năng khi đến điểm hẹn để trò chuyện với các điệp viên mà không bị nhận ra. Cần nhớ rằng những năm ấy một số phòng hẹn do NKVD nắm giữ ở Moskva nằm trong các chung cư. Sau này tôi biết: trở thành phó của Ejov, điều đầu tiên Beria làm - chuyển sang mình các đầu mối điệp viên quan trọng nhất trước đây nằm trong tay các nhà lãnh đạo các phòng ban và cục chủ chốt của NKVD đã bị thanh trừng.
Tôi nhận phép nghỉ năm ngày để đi thăm mẹ vẫn sống tại Melitopol, còn sau đó là cha mẹ vợ ở Kharkov. Dự tính là khi quay về Moskva, tôi sẽ nhận chức vụ trợ lý Cục trưởng Cục đối ngoại. Spigelglaz và Paxxov rất hoan hỉ với cuộc gặp gỡ của tôi với Beria và khi tiễn tôi ra ga Kievxky, đã đoan chắc rằng khi về Moskva tôi sẽ được giao phụ trách trực tiếp công tác tình báo phá hoại ở Tây Ban Nha.
Trong thời gian chuyến đi vợ tôi kể về các sự kiện bi thảm diễn ra trong nước và trong cơ quan an ninh. Ejov tiến hành những vụ thanh trừng dã man: tống giam toàn bộ thành phần lãnh đạo phản gián NKVD vào năm 1937. Năm 1938 sự thanh trừng cũng chạm tới Cục đối ngoại. Nạn nhân là nhiều bạn bè mà tôi tin tưởng. Lúc ấy tôi nghĩ rằng điều đó là do sự kém cỏi đầy tội lỗi về nghiệp vụ của Ejov mà đến những nhân viên tác chiến thấp nhất cũng biết.
Ở đây tôi muốn dẫn ra sự kiện mà dù rất quan trọng vẫn không được nhắc tới trong các sách lịch sử của các cơ quan đặc biệt.
Trước khi Ejov vào NKVD, ở đấy chưa có các bộ phận điều tra chuyên biệt. Nhân viên tác chiến thời Dzerjinxky (cũng như thời Menjinxky), khi làm việc với điệp viên và người cung cấp tin của khu vực mình quản lý, cần phải tự tiến hành việc điều tra, hỏi cung, chuẩn bị các kết luận buộc tội. Thời Ejov và Beria được lập một bộ phận điều tra chuyên biệt cưỡng bức lời khai ở những người bị bắt về “hoạt động tội phạm” vốn không có một chút gì chung với thực tế.
Các nhân viên tác chiến phụ trách những cơ sở công nghiệp và cơ quan nhà nước cụ thể, có ít hoặc nhiều khái niệm rõ ràng về cán bộ của các công sở và tổ chức này. Đến theo động viên của đảng, chủ yếu là trẻ, thiếu kinh nghiệm sống, các cán bộ bộ phận điều tra ngay từ đầu đã bị lôi cuốn vào vòng luẩn quẩn. Họ mổ xẻ các lời khai ép được từ những người bị điều tra. Không biết sơ đẳng công việc tác chiến, kiểm tra các tài liệu hiện thực, họ thành đồng lõa của sự hủy diệt tội lỗi những người vô tội, đã dấy lên theo sáng kiến của giới lãnh đạo cao cấp và trung cấp của đất nước. Kết quả là nảy sinh một làn sóng bắt bớ được gợi lên bởi trí tưởng tượng bệnh hoạn của các nhà điều tra và những “chứng cớ” được ép ra từ những người bị điều tra.
Tất cả chúng tôi hi vọng rằng, với sự đề bạt Beria vào tháng 12-1938 làm Bộ trưởng Bộ Nội vụ, nhờ nghiệp vụ cao của ông và liên quan với nghị quyết nổi tiếng của BCHTƯ, các lệch lạc sẽ được uốn nắn. Dễ hiểu thôi, niềm hi vọng là ấu trĩ, nhưng chúng tôi lúc ấy tin một cách chân thành vào tính đứng đắn và tính trung thực miễn bàn của những người lãnh đạo trực tiếp chúng tôi. Chúng tôi biết, ví dụ, Xlutsky và Spigelglaz đã chuyển ra khỏi Moskva và ổn định cuộc sống những bà vợ và con cái của một số đồng nghiệp bị bắt, để họ không trở thành nạn nhân những cuộc thanh trừng.
Từ chuyến đi tôi quay về Moskva không ít lo âu bởi những tin đồn về những điều tàn nhẫn đang xảy ra ở Ucraina mà chúng tôi nghe được từ những bà con họ hàng. Khataevich, lúc ấy là bí thư BCHTƯ ĐCS Ucraina bị kết tội là kẻ thù của nhân dân. Koxior bị coi có liên hệ với ĐCS Ba Lan bị Quốc tế cộng sản giải tán, bị bắt ở Moskva. Nguyên do đích thực của tất cả các cuộc bắt bớ này, như tôi nghĩ lúc ấy, đúng là do những sai lầm do họ gây ra. Khataevich trong thời gian nạn đói hàng loạt, đã cho phép bán bột mì thuộc nguồn dự trữ bất khả xâm phạm phòng trường hợp chiến tranh. Vì điều đó năm 1934 ông nhận cảnh cáo từ Moskva. Có thể là, tôi nghĩ, ông còn có sai lầm nào đó nữa.
Tôi nhắc lại một lần nữa: than ôi, tôi đã ngây thơ.
Tại Moskva, Paxxov và Spigelglaz thông báo rằng chức vụ mới đang chờ tôi: trợ lý cho Cục trưởng Cục đối ngoại. Thế nhưng chức vụ này còn cần được BCHTƯ đảng phê chuẩn đã, bởi nó đề cập đến một chức vụ lãnh đạo thuộc giới tinh hoa. Và dù quyết định về đề bạt mới của tôi không thấy đến, thực tế từ tháng 8 đến tháng 11-1938 tôi đã đảm nhận trách nhiệm này.
------------
Còn tiếp.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét