Chủ Nhật, 17 tháng 7, 2022

Những Chiến Dịch Đặc Biệt - Chương 5-6

Những Chiến Dịch Đặc Biệt

Tác giả: Pavel Xudoplatov
Người dịch: Nguyễn Văn Thảo
Thể loại: Hồi ký
Nhà xuất bản Công an nhân dân
Năm xuất bản: 2003 (Lưu hành nội bộ)

Chương 5: Tình Báo Xô Viết Trước Ngưỡng Cửa Chiến Tranh

6. Đêm trước của cuộc chiến với Hitler và sự mâu thuẫn của các tin tức tình báo

Sau khi được đề cử làm phó cục trưởng Cục tình báo tháng 3-1939, tôi nhắc Beria về Zubov vẫn nằm trong tù do không thực hiện lệnh chi tài chính cho cuộc đảo chính ở Nam Tư. Con người này, tôi nói với Beria - rất trung thành và là một sĩ quan tình báo giàu kinh nghiệm. Beria biết Zubov trong suốt mười bảy năm, làm ra vẻ không nghe thấy gì, dù chính Zubov có vai trò đáng kể trong việc Beria có thể leo lên đỉnh cao quyền lực. Năm 1922 Zubov đứng đầu cục tình báo theo dõi các mối liên hệ bí mật của bọn Menshevik Gruzia và mạng tình báo của chúng ở Thổ Nhĩ Kỳ. Trên cơ sở thông tin của Zubov, Beria báo với Dzerjinxky và Lenin về cuộc mưu loạn và kế hoạch trấn áp nó. Báo cáo này được thảo luận tại Hội nghị BCHT Đảng và thực tế là cơ sở để đề cử Beria giữ chức vụ phụ trách GPU ngoại Kavkaz. Zubov vẫn giữ quan hệ thân hữu với chính Beria và với phó của ông ta Bogdan Kobulov: mỗi khi đến Moskva, Kobulov đều ở lại căn hộ của Zubov.
Mùa thu 1939, sau khi Đức chiếm Ba Lan, đại tá Xtanixlav Xoxnovxkyb, cựu lãnh đạo cơ quan đặc biệt Ba Lan ở Berlin, và công tước Ianus Radzivill, một ngài thượng lưu Ba Lan giàu có, có sức nặng chính trị đáng kể bị ta bắt. Cả hai bị nhốt ở Lubianka để đào luyện một cách tích cực.
Nhằm cứu Zubov, tôi đề nghị Beria xếp ông vào cùng một xà lim với đại tá Xoxnovxky. Zubov nói thạo tiếng Pháp, tiếng Đức và tiếng Gruzia. Beria đồng ý, và Zubov được chuyển từ Lefortov nơi ông bị đánh đập dã man theo lệnh của chính Kolubov. Kẻ tra tấn ông là Rodos nổi tiếng thần sầu cố moi từ ông lời thú tội: Zubov bị đánh nát hai đầu gối. Kết quả Zubov trở nên tàn phế, nhưng ông không chịu tự tuyên án bản thân.
Xergienko, phụ trách bộ phận điều tra chống lại việc chuyển Zubov từ Lefortov sang Luabianka, dù tôi đã giải thích với ông ta rằng mối quan tâm của tôi tới Zubov được gợi nên đơn thuần bởi các ý đồ tác chiến và đã được thỏa thuận với Beria. Đáp lại điều đó Xergienko từ chối di chuyển Zubov, tuyên bố:
- Tôi sẽ trực tiếp báo cáo về trường hợp này với bộ trưởng. Thằng đểu Zubov từ chối thú nhận tội, tôi không thi hành mệnh lệnh trực tiếp của lãnh đạo!
Đến lượt tôi báo cáo với Beria rằng Xergienko khước từ thi hành mệnh lệnh. Ngay đó Beria vớ ống nói, gọi Xergienko và trách cứ ông ta, nói rằng nếu sau mười lăm phút ông ta không thi hành lệnh, thì ông ta sẽ không giữ nổi đầu mình. Xergienko cố phản đối, nhưng Beria không thèm nghe ông ta lý giải.
Beria thường khá thô lỗ trong giao tiếp với các quan chức cao cấp, nhưng với cán bộ loại bét, như thường lệ, trò chuyện một cách lịch sự. Sau này tôi đã tự khẳng định được rằng các nhà lãnh đạo thời ấy cho phép bản thân thô lỗ chỉ đối với thành phần lãnh đạo, chứ với những người tầm thường thì lại xử sự với vẻ lịch sự nhấn mạnh.
Zubov nằm với Xoxnovxky cùng một xà lim đã tác động đến sự tuyển mộ ông này. Ông thuyết phục ông ta rằng cộng tác với các cơ quan đặc biệt của Đức hoặc của Ba Lan không hứa hẹn cho ông ta một viễn cảnh nào, vì thế ông nên cộng tác với tình báo Xô viết. Những năm 30, Xoxnovxky vốn là phụ trách tình báo Ba Lan ở Berlin, lãnh đạo một mạng lưới điệp viên khá có hiệu quả. Ông ta xuất hiện dưới vẻ một qúy ông thượng lưu chủ một trại ngựa. Ông ta cài các điệp viên của mình, mà chủ yếu là phụ nữ trẻ quyến rũ, vào bộ tham mưu đảng Quốc xã và ban thư ký Bộ Ngoại giao. Năm 1935, Gestapo đã lật tẩy được phần lớn mạng điệp viên của ông ta, còn bản thân Xoxnovxky bị bắt vì tội gián điệp. Ông ta khai với các điều tra viên ở Lubianka rằng các điệp viên bị phát giác đã bị tử hình trong tù tại Pletsenzea ngay trước mắt ông ta. Người Đức đổi ông ta lấy kẻ lãnh đạo cộng đồng Đức tại Ba Lan bị buộc tội làm gián điệp cho nước Đức.
Năm 1937 tòa án quân sự ở Varsava kết án Xoxnovxky do tiêu tán tiền bạc dùng cho tình báo, và ông ta đã trải qua thời hạn tù ở Đông Ba Lan. Hai năm sau các đơn vị Hồng quân giải phóng nhà tù. Từ nhà tù Ba Lan ông ta được “chuyển sang” nhà tù NKVD.
Từ Xoxnovxky chúng tôi nhận được thông tin là hai trong số điệp viên của ông ta vẫn còn tiếp tục hoạt động. Ngoài ra ông ta đưa ra ý tưởng sử dụng các mối liên lạc của công tước Radzivill và làm ông kia trở thành kẻ môi giới giữa lãnh đạo chúng ta và Hermann Goering, một trong các phó của Hitler. Xoxnovxky đã cộng tác sau khi được xem các tư liệu về mạng điệp viên của ông ta tại Berlin và ông ta hiểu ra rằng chúng ta biết tất cả về quá khứ của ông ta. Đó là một người biết quá nhiều. Sự kiểm soát ông ta giúp chúng ta sử dụng hai nguồn thông tin quan trọng của ông ta có ở Đức, - chúng vẫn cần cho chúng ta vào năm 1940 và hai năm đầu của cuộc chiến tranh.
Sau khi Zubov đánh giá được khả năng tiềm tàng của Xoxnovxky đối với tình báo và giúp chiêu mộ ông ta, tôi đề nghị dùng Zubov với tư cách người cùng xà lim với công tước Radzivill. Beria đồng ý với đề nghị của tôi. Zubov được chuyển sang xà lim của Radzivill, và ông đã ở đấy trong vòng một tháng.
Đến thời gian ấy điều kiện giam giữ Zubov có thay đổi: ông được phép ăn trưa và ăn tối tại văn phòng của tôi, thức ăn do chúng tôi đặt ở căng tin cơ quan; vẫn còn bị canh giữ, ông được cảnh vệ dẫn đi khám bệnh ở bệnh viện của NKVD. Cuối cùng, năm 1941, ông được tha, và tôi nhận ông vào làm trưởng ban trong bộ máy của mình. Ông làm việc trong cơ quan đến hết chiến tranh, nhưng năm 1946, khi Abakumov trở thành bộ trưởng An ninh quốc gia, Zubov đành phải vội thôi việc. Vào thời của mình chính Abakumov đã dính líu đến vụ án Zubov và ra lệnh đánh đập dã man Zubov.
Tự Beria chuyên trách vụ công tước Radzivill. Ông ta thuyết phục được Radzivill rằng ông kia phải đóng vai trò người trung gian giúp chính phủ Liên Xô và Goering để làm sáng tỏ một số vấn đề tế nhị trong quan hệ hai nước. Chúng tôi giữ trong tầm nhìn Radzivill từ giữa những năm 30 và biết rằng công tước đã tiếp Goering tại thái ấp của mình gần Vilnhius nơi y thích đi săn (sau này phần lãnh thổ này thuộc Litva). Tiện thể, trong hồi ký của mình Radzivill nhớ về những cuộc gặp gỡ với Beria mà khi từ biệt với ông có lần đã nói: “Những người như ngài, công tước ạ, bao giờ cũng cần cho chúng tôi”.
Đại diện các dòng họ danh tiếng của Anh, Italia và Thụy Điển đã chạy vạy xin phóng thích cho Radzivill. Năm 1940 sau khi Beria chiêu mộ ông, tôi tổ chức cho Radzivill sang Berlin. Từ Berlin chúng tôi nhận được tin về ông: người ta thấy ông thường xuyên tại các cuộc đón tiếp ngoại giao trong nhóm của Goering. Cũng năm đó tôi được lệnh soạn thảo các phương án tiếp cận liên lạc với ông qua điệp viên của mình. Chúng tôi quyết định trong trường hợp này liên lạc với công tước theo các kênh công khai, bởi ông là nhân vật đáng kể trong xã hội và có thể tự do đến thăm sứ quán Xô viết mà không gây ngờ vực. Phần riêng, ông có thể quan tâm đến số phận tài sản của dòng họ đang nằm trên lãnh thổ bị chiếm đóng.
Năm 1940 ông hai lần gặp nhóm trưởng tình báo NKVD ở Berlin, Amaiac Kobulov. Thế nhưng Kobulov không nhận được chỉ dẫn nào về sử dụng tác chiến vị công tước Ba Lan trong các tiếp xúc với người Đức. Chúng tôi không tin lắm vào sự thành thật của Radzivill và vì thế không quyết định nhờ đến ông ta, hơn nữa các tiếp xúc chính trị của ông không hứa hẹn lợi ích tức thì nào. Trước khi nước Đức gây chiến ta, thực tế không có vấn đề gì cần phải dùng ông để thăm dò quan điểm của Đức: bởi suốt thời gian đó Molotov và đại sứ Dekanozov vẫn giữ quan hệ mật với Ribbentrop và đại sứ Đức Sullenburg. Đã rõ là Radzivill không có cách tiếp cận đến thông tin có tính chất quân sự chiến lược. Quyết định của chúng tôi quy tụ lại là thể hiện mức kiên nhẫn tối đa và đơn thuần chờ cho đến khi Radzivill đi sang Thụy Sĩ hoặc Thụy Điển, nơi ông sẽ ở ngoài tầm kiểm soát của người Đức, và chỉ ở đấy sẽ lập mối tiếp xúc với ông. Như tôi biết, ông đã không đi sang các nước đó. Sau khi Hitler tấn công Liên Xô, Radzivill hầu như lùi vào bóng tối, nhưng theo các tin tức của chúng ta, vẫn ở lại Đức và thường đi lại Ba Lan, hưởng thụ cuộc sống đến mức có thể. Năm 1942 dấu vết của ông bị mất một thời gian. Nhìn lại, tôi thấy rằng chúng ta rõ ràng đã đánh giá quá cao những liên hệ riêng của Radzivill và ảnh hưởng của ông ta tới Goering.
Nữ nghệ sĩ nổi tiếng Olga Tsekhova, vợ cũ của cháu nhà văn danh tiếng vốn thân với Radzivill và Goering thông qua họ hàng ở ngoại Kavkaz có quan hệ với Beria. Sau này bà có quan hệ riêng tư trong những năm 1946-1950 với bộ trưởng An ninh quốc gia Abakumov người thay thế Beria. Thoạt đầu dự định dùng bà để liên lạc với Radzivill. Chúng tôi có kế hoạch ám sát Hitler mà Radzivill cùng với Olga Tsekhova có thể, nhờ sự trợ giúp của bạn bè trong giới thượng lưu Đức đảm bảo cho điệp viên chúng ta tiếp cận Hiler. Nhóm điệp viên được ném sang Đức và hoạt động bí mật ở Berlin trực thuộc hoàn toàn Igor Miklasevxky đến Đức vào đầu năm 1942.
Cựu vô địch quyền Anh Miklasevxky đóng vai một người Xô viết vượt biên, ở Berlin đã có tên tuổi không ít sau khi quen với vô địch quyền Anh Đức Maks Smeling khoảng 1942-1943 và được thư giới thiệu của anh ta. Miklasevxky ở lại Berlin đến năm 1944.
Ông chú của Miklasevxky chạy khỏi Liên Xô vào đầu chiến tranh và trở thành một trong những phần tử tích cực của ủy ban chống Bolshevik của Đức vì sự giải phóng Liên Xô. Y với niềm kiêu hãnh đón người cháu, giúp anh bất cứ điều kiện nào như với một kẻ thù chính trị của chính quyền Xô viết. Năm 1942 Miklasevxky tại một buổi tiếp đãi đã gặp Olga Tsekhova. Anh báo về Moskva rằng có thể dễ dàng loại bỏ Goering, nhưng Kremli không thể hiện mối quan tâm đặc biệt tới điều đó. Năm 1943 Stalin từ bỏ kế hoạch ám sát Hitler, bởi vì ông ta sợ: Ngay khi vừa loại bỏ Hitler, các giới phát xít và quân sự sẽ cố ký kết hiệp ước hòa bình riêng rẽ với đồng minh mà không có sự tham gia của Liên Xô.
Những nỗi sợ như thế không phải không có căn cứ. Chúng ta có thông tin về việc mùa hè năm 1942 đại diện Vatican ở Ankara theo sáng kiến của giáo hoàng Pius XII đã trò chuyện với đại sứ Đức Franks von Papen, thúc giục y sử dụng ảnh hưởng của mình để ký hiệp ước hòa bình riêng rẽ giữa Anh, Mỹ và Đức. Ngoài tin tức này từ trưởng nhóm tình báo ở Ankara, tình báo Xô viết ở Roma cũng báo về cuộc gặp gỡ của giáo chủ Ronkalli, (sau này trở thành giáo hoàng Joan XXIII) với von Papen. Các hiệp ước riêng rẽ tương tự hẳn sẽ hạn chế ảnh hưởng của chúng ta ở châu Âu, loại trừ Liên Xô trong tương lai khỏi liền minh châu Âu. Không ai trong số lãnh đạo điện Kremli muốn để một hiệp định tương tự được ký kết. Stalin ra lệnh thủ tiêu von Papen, bởi vì y chính là nhân vật chủ chốt mà các ý đồ của người Mỹ và người Anh chọn lựa trong trường hợp ký kết hiệp ước riêng rẽ. Thế nhưng như tôi đã nhớ lại trên đây, vụ mưu sát bị thất bại, bởi sát thủ người Bungari đã nổ lựu đạn sớm trước thời hạn và chỉ làm von Papen bị thương nhẹ.
Chúng tôi có tin, dù không chi tiết lắm, về tiếp xúc trực tiếp của người Mỹ với von Papen ở Stambul.
Miklasevxky chạy sang Pháp năm 1944 sau vụ thủ tiêu ông chú mình. Tại Pháp anh ở suốt hai năm sau khi đã kết thúc chiến tranh, lần vết bọn theo Vlaxov chạy sang phương Tây - tàn quân của trung tướng Vlaxov phản bội. Năm 1947 Miklasevxky trở về Liên Xô, được tặng huân chương Cờ đỏ và phục hồi lại sự nghiệp quyền Anh mà anh trung thành cho đến tận lúc về hưu.
Người ta đã viết không ít về việc chúng ta nắm những tin tình báo nào trước khi bắt đầu cuộc chiến tranh Vệ quốc vĩ đại. Việc Stalin bình thản chờ sự xâm lược thay vào chỗ kịp thời báo động cho quân đội, thường được lý giải là một trong những nguyên nhân thất bại và tổn thất nặng nề mà Hồng quân đã gánh chịu năm 1941. Nói chung thì tôi đồng tình rằng giới lãnh đạo đất nước đã không thể đánh giá đúng thông tin nhận được theo các kênh tình báo, nhưng trước hết nên phân tích vấn đề cái thông tin này là gì.
Tình báo NKVD đã báo về mối đe dọa của chiến tranh từ tháng 11-1940. Đến thời gian này Jurablev và Zoia Rưbkina đã viết báo cáo tác chiến có tên “Bày trò” trong đó thu thập những tin tức quan trọng nhất về mối đe dọa quân sự của Đức. Trong cặp hồ sơ này có những tài liệu rất gây lo lắng cho giới lãnh đạo Liên Xô, bởi chúng đặt sự nghi ngờ vào tính chân thật các đề nghị phân chia thế giới giữa Đức, Liên Xô, Italia và Nhật Bản mà Hitler đề đạt với Molotov vào tháng 11-1940 tại Berlin. Theo các tài liệu này chúng ta dễ dàng hơn lần theo sự phát triển các sự kiện và báo cáo với lãnh đạo Xô viết về những xu thế cơ bản của đường lối của Đức. Các tài liệu trong hồ sơ “Bày trò” thường được báo với Stalin và Molotov, còn họ sử dụng thông tin của chúng tôi vừa để hợp tác vừa để đối chọi với Hitler.
Dù các tin tình báo nhận được đã vạch trần ý đồ của Hitler tấn công Liên Xô, thế nhưng nhiều tin tức mâu thuẫn nhau. Trong chúng thiếu sự đánh giá tiềm năng quân sự của Đức: các đơn vị xe tăng và không quân bố trí trên biên giới và khả năng chọc thủng tuyến phòng thủ của các đơn vị Hồng quân. Không ai trong cơ quan an ninh quốc gia nghiên cứu nghiêm túc tương quan lực lượng trên biên giới Xô - Đức. Đấy chính lý do tại sao cú giáng của Hitler phần nhiều là bất ngờ đối với các tướng lĩnh, kể cả đối với nguyên soái Jukov lúc đó là Tổng tham mưu trưởng Bộ Tổng tham mưu. Trong hồi ký của mình ông thú nhận là không hình dung nổi kẻ thù lại có khả năng cho những chiến dịch tấn công quy mô đến thế với những tập đoàn quân xe tăng hoạt động đồng thời trên mấy hướng.
Trong các số liệu tình báo đã bỏ sót sự đánh giá chất lượng chiến lược “chiến tranh chớp nhoáng” của Đức. Theo các trò chơi quân sự chiến lược Đức, chúng ta biết rằng cuộc chiến tranh kéo dài đòi hỏi nguồn dự trữ kinh tế bổ sung và đã cho rằng, nếu chiến tranh nổ ra, thì trước hết Đức phải cố chiếm Ucraina và các vùng giàu dự trữ nhiên liệu để bổ sung dự trữ lương thực. Đó là một sai lầm lớn: tình báo quân đội và NKVD đã không thể thông tin đúng cho Bộ Tổng tham mưu rằng mục đích của quân đội Đức ở Ba Lan và Pháp không phải là chiếm đất mà chính là nhằm bẻ gãy và tiêu diệt sức mạnh quân sự của đối phương.
Ngay khi Stalin biết về việc bộ tham mưu Đức tiến hành tập trận, ông ta lập tức hạ lệnh giới thiệu sức mạnh công nghiệp quân sự Xibir với tham tán quân sự Đức ở Moskva. Tháng 4-1941 y được phép đi thăm các nhà máy quân sự mới sản xuất xe tăng cấu tạo mới nhất và máy bay. Qua tổ tình báo của mình ở Berlin chúng tôi truyền đi tin đồn trong các bộ không quân và kinh tế rằng chiến tranh với Liên Xô sẽ trở thành bi kịch đối với Hitler, đặc biệt nếu chiến tranh kéo dài và được tiến hành trên hai mặt trận. Ngày 10-1-1941 Molotov và đại sứ Đức ở Moskva Fridric Von Der Shuỉenburg ký một biên bản mật về sự điều chỉnh các vấn đề lãnh thổ ở Litva. Nước Đức từ bỏ các mối quan tâm của mình tại một số tỉnh của Litva và bù lại nhận được 7,5 triệu đôla Mỹ. Thời ấy tôi không biết về sự tồn tại của biên bản này. Tôi chỉ được cho biết ngắn gọn rằng chúng ta đã đạt được thỏa thuận với Đức về các vấn đề lãnh thổ ở vùng Baltic và về hợp tác kinh tế cho năm 1941.
Tin tức về ngày bắt đầu chiến tranh của Đức với Liên Xô đến với chúng tôi là mâu thuẫn nhất. Từ Anh và Mỹ chúng tôi nhận được từ các nguồn tin cậy rằng vấn đề tấn công Liên Xô của người Đức phụ thuộc vào sự thỏa thuận ngầm với chính phủ Anh, bởi tiến hành chiến tranh trên hai mặt trận là một việc quá nguy hiểm.
Từ đại diện chính trị của ta tại Washington Umanxky và nhóm trưởng tình báo ở New York Ovakimian có các tin tức cho chúng tôi rằng cộng sự của tình báo Anh Montgomeri Haid hoạt động cho William Stivenson từ trung tâm điều phối an ninh Anh ở Empire-Star buiding đã ném được “tin vịt” vào sứ quán Đức tại Washington. Tin giả là đáng giá: nếu Hitler nghĩ chuyện tấn công Anh, thì người Nga sẽ bắt đầu chiến tranh chống Hitler.
Phân tích thông tin chuyển về Liên Xô từ những nguồn tình báo quân đội và NKVD tin cậy nhất, thấy rõ rằng gần một nửa tin tức - trước tháng 5 và thậm chí tháng 6-1941 - đã khẳng định; phải, chiến tranh là tất yếu. Nhưng các tài liệu cũng chỉ ra rằng sự đụng độ với chúng ta phụ thuộc vào việc nước Đức có điều chỉnh được quan hệ của mình với Anh hay không. Filby báo rằng văn phòng thủ tướng Anh soạn thảo kế hoạch về đụng độ quân sự giữa Đức và Liên Xô nhằm khiêu khích Đức. Trong văn bản vụ “Bert Đen” có viện dẫn thông tin nhận được từ Filby hay Kernkross về việc các điệp viên Anh truyền các tin đồn ở Mỹ về tính tất yếu của chiến tranh giữa Đức và Liên Xô; vẻ như chúng ta sẽ bắt đầu trước, mà đòn cảnh báo định giáng xuống ở Nam Ba Lan. Chiếc cặp với các tài liệu này ngày một căng phồng hơn. Đến với chúng tôi những cứ liệu mới về việc phía Anh đang gieo nỗi sợ hãi trong những kẻ lãnh đạo chóp bu Đức liên quan với sự chuẩn bị chiến tranh của Liên Xô. Chúng tôi còn nhận các tin về những tiếp xúc tăng cường có tính chất thăm dò của các đại diện Anh với Đức trong sự tìm kiếm hướng giải quyết xung đột quân sự châu Âu.
Trong khi đó theo lời Beria, Stalin và Molotov đã quyết định ít nhất kìm hãm được xung đột quân sự và cố làm tình hình tốt lên khi ứng dụng kế hoạch mà họ từ chối năm 1938. Kế hoạch này trù liệu lật đổ chính phủ Nam Tư đã ký hiệp định hợp tác với Hitler. Và thế là tháng 3-1941 tình báo quân đội và NKVD đã qua các nhóm trưởng của mình ủng hộ tích cực âm mưu chống lại chính phủ thân Đức ở Belgrad. Bằng cách ấy Stalin và Molotov hi vọng củng cố vị trí chiến lược của Liên Xô tại khu vực Balkan. Chính phủ mới chống Đức, theo quan niệm của họ, hẳn có thể lôi kéo các chiến dịch của Đức và Italia ở Hy Lạp.
Thiếu tướng Milstein phó chỉ huy tình báo quân đội được phái sang Belgrad để trợ giúp việc lật đổ bằng quân sự chính phủ thân Đức. Phía chúng tôi có Alakhverdov tham gia vào hành động đó. Đến thời điểm này nhờ Bộ Ngoại giao, tại Moskva chúng tôi đã tuyển mộ được đại sứ Nam Tư ở Liên Xô Gavrilovich. Fedotov, phụ trách phản gián và tôi cùng chiêu mộ ông ta. Thế nhưng chúng tôi có ấn tượng rằng ông ta chơi trò hai mặt, bởi vì hàng tuần vẫn liên lạc với các đại diện của Anh ở Moskva.
Một tuần sau cuộc đảo chính, chúng ta đã ký hiệp ước giúp đỡ lẫn nhau với chính phủ mới ở Belgrad.
Phản ứng của Hitler với vụ đảo chính này là thần tốc và hiệu quả.
Ngày 6-4, một ngày sau ký kết hiệp ước, Hitler đã đổ quân vào Nam Tư - và chỉ sau hai tuần quân đội Nam Tư đã bị đánh tan. Hơn thế, Bungari, nơi quân đội Đức đi qua, dù thuộc khu vực các mối quan tâm của ta, đã ủng hộ người Đức.
Hitler cho thấy rõ rằng không xem bản thân bị ràng buộc bởi những hiệp định chính thức hay bí mật - các biên bản mật Hiệp ước Molotov - Ribbentrop đã dự liệu các cuộc tư vấn sơ bộ trước khi sử dụng các bước quân sự. Và dù cả hai bên tiến hành các vụ trao đổi tích cực về sự phân chia phạm vi ảnh hưởng từ tháng 11-1940 đến tháng 3-1941, trong quan hệ của hai bên vẫn giữ không khí không tin tưởng lẫn nhau. Hitler sửng sốt bởi các sự kiện ở Belgrad, còn từ phía mình, chúng ta cũng kinh ngạc không kém trước sự tấn công nhanh chóng của y vào Nam Tư.
Tôi buộc phải thừa nhận rằng chúng ta không ngờ sự thất bại nhanh và toàn diện như thế của Nam Tư. Trong thời gian các sự kiện ấy, ngày 18-4-1941 tôi ký lệnh đặc biệt trong đó tất cả các nhóm trưởng ở châu Âu đưa các hoạt động vào phù hợp với điều kiện thời chiến.
Tình báo quân đội cũng phát ra một chỉ lệnh tương tự về tuyến mình. Chúng tôi cũng lập kế hoạch phái sang Thụy Sĩ một nhóm các nhà tác chiến có kinh nghiệm, kể cả Afanaxiev người Bungari. Họ cần là những mắt nối của các nguồn tin cậy với việc sử dụng vỏ bọc của mình tại nước Thụy Sĩ trung lập. Với nước này không có mối liên lạc trực tiếp, và các điệp viên phải đi tàu hỏa qua nước Đức, chuyển tàu ở Berlin. Đã có tăng cường các nhóm trưởng ở Đức và Ba Lan. Chúng tôi phái một số cán bộ tác chiến sang Berlin, chuyển họ đi từ Italia và Pháp. Đến thời gian này Bỉ đã bị chiếm đóng. Chúng tôi không phải luôn luôn kịp với sự phát triển thần tốc các sự kiện; chúng tôi không kịp cung cấp thiết bị thông tin, pin, các phương tiện cho điệp viên tại Đức; tệ hơn nữa, những người này không được huấn luyện đúng cách hoạt động tình báo và nghệ thuật liên lạc điện đài.
Dần dần chúng tôi bắt đầu chú ý hơn đến người tị nạn chính trị đến Moskva từ những nước bị Đức chiếm đóng. Trước khi chạy sang Anh, Benes ra lệnh thành lập đạo quân Tiệp Khắc mà đã được phái sang Ba Lan dưới sự chỉ huy của viên trung tá trẻ Xvoboda.
Sau những tiếp xúc sơ bộ với phụ trách tình báo ở Varsava, Xvoboda với đơn vị của mình di chuyển sang Tây Ucraina. Thực tế sau giải giáp đạo quân của ông ta, khi nhận được quy chế phái viên không chính thức, ông ta sống tại điểm hẹn mật và tại biệt thự của tôi ở ngoại ô Moskva. Makliarxky giữ liên lạc thường xuyên với ông ta. Chúng tôi giữ Xvoboda làm nguồn dự trữ. Vào tháng 5 và tháng 6, ngay trước khi bắt đầu chiến tranh, chúng tôi bàn với ông ta kế hoạch tổ chức các đơn vị Tiệp tại Liên Xô để sau đó ném họ vào hậu phương Đức tiến hành các chiến dịch du kích tại Tiệp Khắc. Tôi rất nhớ con người này - nhã nhặn và kiềm chế, xử sự một cách đường hoàng.
Trong khi đó Stalin và Molotov điều động các tập đoàn quân lớn từ Sibir đến biên giới với Đức. Quân đội đến nơi phòng thủ biên giới phía Tây trong suốt tháng 4, tháng 5 và đầu tháng 6. Vào tháng 5 khi Eitingon và Karida Mercader từ Trung Quốc về đến nơi, tôi ký chỉ lệnh chuẩn bị các nhóm di tản Nga và các dân tộc khác ở châu Âu để tham gia vào các chiến dịch tình báo trong điều kiện chiến tranh.
Hôm nay chúng ta rõ rằng, các cuộc hội ý kín của Hitler, Ribbentrop và Molotov về một hiệp định có thể mang tính chiến lược giữa Đức, Nhật Bản và Liên Xô đã tạo nên ở Stalin và Molotov một khái niệm hão huyền dường như có thể thỏa thuận được với Hitler. Đến tận thời điểm cuối cùng họ vẫn tin rằng uy tín của họ và tiềm lực quân sự được phô bày cho các nhà ngoại giao Đức, sẽ gia thêm thời hạn chiến tranh ít nhất thêm một năm, trong khi Hitler đang cố thu xếp một cách hòa bình các tranh cãi của mình với Anh. Stalin và Molotov bực tức với những quan điểm khác chống lại các kế hoạch chiến lược của họ về ngăn chặn đụng độ quân sự. Điều đó lý giải những đánh dấu thô lỗ của Stalin lên báo cáo của Merkulov ngày 16-6-1941 trong đó nói về những dấu hiệu rõ ràng của cuộc chiến tranh đang đến gần. Cái sự kiện Stalin phong bản thân là người đứng đầu chính phủ vào tháng 5-1941 cho thấy rõ: ông ta sẽ đứng đầu các cuộc thương thuyết với Hitler và tự tin sẽ thuyết phục được y không khai chiến. Tuyên bố nổi tiếng của TASS ngày 14-6 khẳng định: ông sẵn sàng thương thuyết và lần này sẽ tự tiến hành chúng. Dù ở nước Đức khắp nơi triển khai chuẩn bị chiến tranh quy mô lớn, thêm nữa đã từ lâu Stalin và Molotov cho rằng Hitler chưa phê chuẩn quyết định cuối cùng tấn công nước ta và bên trong bộ chỉ huy quân sự Đức tồn tại những bất đồng nghiêm trọng về vấn đề này. Cũng kỳ lạ là tuyên bố của TASS phát ra đúng khi Hitler xác định ngày giờ tấn công Liên Xô. Cũng nên nhớ thêm mấy thời điểm ít được rõ nữa.
Tháng 5-1941 máy bay Đức “Iunkers-52” xâm nhập không phận Xô viết và, không bị phát hiện, đã hạ cánh thuận lợi xuống sân bay trung tâm ở Moskva gần sân vận động “Dinamo”. Điều đó dấy lên sự cuống cuồng trong Kremli và dẫn tới làn sóng phẫn nộ trong giới lãnh đạo quân sự: bắt đầu những vụ cách chức, sau đến các vụ bắt bớ và xử bắn giới chỉ huy cao cấp của lực lượng không quân. Vụ hạ cánh ngoạn mục này ở trung tâm Moskva cho Hitler thấy khả năng sẵn sàng chiến đấu của các lực lượng vũ trang Xô viết yếu kém đến mức nào.
Sự kiện thứ hai. Giới lãnh đạo quân sự và giới thân cận Stalin nuôi ảo tưởng dường như sự hùng hậu của Hồng quân ngang bằng sức mạnh của Đức quốc xã tập trung ở các biên giới phía Tây nước ta. Sao có sự tính toán sai lệch như vậy? Thứ nhất, lệnh tổng động viên mới được đưa ra năm 1939, và dù Hồng quân đã thiết lập được quân số của mình, nhưng nó không đủ những người có trình độ quân sự cao cấp, bởi hơn ba mươi nghìn cán bộ chỉ huy chủ chốt bị thanh trừng vào những năm 30. Số lượng học viện và trung cấp quân sự mở năm 1939 dù là đầy ấn tượng, nhưng vẫn chưa đủ. Thật ra, một nửa các quan chức quân đội cao cấp bị giam cầm được cho trở về từ các trại tập trung và nhà tù, nhưng họ rõ ràng là vẫn thiếu để xoay xở với việc huấn luyện toàn bộ đám đông tân binh. Jukov và Stalin đánh giá quá cao khả năng của các tập đoàn quân xe tăng, bộ binh và không quân. Họ hình dung không hoàn toàn rõ rằng thế nào là cuộc chiến tranh hiện đại với sự phối hợp của tất cả các loại quân - bộ binh, không quân, xe tăng và thông tin. Họ có cảm giác rằng cái chính - đó là số lượng các sư đoàn có khả năng kìm hãm bất kỳ sự tấn công nào và ngăn cản sự tiến lên của Đức trên lãnh thổ Liên Xô. Bất chấp quan điểm của lãnh đạo, Tư lệnh hải quân Kuznetsov đã tỉnh táo đánh giá các khả năng thực tiễn của lực lượng hải quân và thế vượt trội của Đức. Dựa trên kinh nghiệm của Tây Ban Nha (ở đấy ông là tùy viên hải quân), mùa xuân năm 1941 Kuznetsov nghiên cứu và đưa vào hệ thống sẵn sàng chiến đấu sơ bộ: báo động cấp 3 - các hỏa lực trực chiến sẵn sàng; báo động cấp 2 - tiếp nhận tất cả các biện pháp chuẩn bị chống trả sự tấn công có thể của kẻ thù; báo động cấp 1 - toàn bộ hạm tàu sẵn sàng nhanh chóng bắt đầu các hoạt động chiến đấu. Ấy nên tại sao các lực lượng hải quân của ta, bị tấn công bất ngờ ở biển Baltic và Biển Đen, đã có thể gần như không bị tổn thất và chống trả lại đòn giáng đầu tiên của địch.
NKVD và tình báo quân sự phải chịu trách nhiệm vì sự đánh giá không đúng tiềm năng hùng hậu của các lực lượng vũ trang Đức. Các cơ quan này quá bận rộn thu nhận thông tin chính trị và đã không chuyên tâm nghiên cứu về chiến thuật của Đức quốc xã.
Tôi nhớ rõ những ngày cuối trước chiến tranh. Eitingon vừa từ Trung Quốc trở về. Cùng với bà mẹ của Ramon Mercader, ba chúng tôi được Kalinin trong Kremli tặng thưởng vì hành động chống lại Trotsky ở Mexico. Bầu không khí có vẻ lạc quan và tự tin. Nhưng ngày 16-6 Fitin và Merkulov, bộ trưởng An ninh quốc gia, từ Kremli trở về - cả hai lo lắng điều gì đó. Fitin lập tức gọi tôi và Melnikov, phó của mình phụ trách Viễn Đông, và nói rằng Ông chủ (trong nội bộ, chúng tôi gọi Stalin như thế) thấy báo cáo của ông là mâu thuẫn và ra lệnh chuẩn bị đủ sức thuyết phục hơn về toàn bộ thông tin tình báo liên quan đến khả năng bắt đầu cuộc chiến tranh với Đức.
Khác với tướng Ivansutin và những tác giả hồi ký khác, tôi không nhớ các ghi chép đầy giận dữ của Beria trên các báo cáo của điệp viên “Chim ưng”: “Đó là tin giả của Anh. Tìm ra ai là tác giả sự khiêu khích này và trừng trị”. Nói chung tôi không nhớ một điệp viên nào có mật danh “Chim ưng” cả. Ngoài ra, trong tình báo và cơ quan an ninh không có truyền thống viết trên các báo cáo những nhận xét dài dòng.
Cũng có thể là chỉ thị được quy cho Beria gọi về và trừng trị đại sứ ở Berlin Dekanozov, cựu phụ trách tình báo của NKVD, vì rằng ông đã dội bom bằng tin giả. Chính những người kia tuyên bố rằng Beria viết cho Stalin ngày 21-6, đề nghị gọi Dekanozov về, nhưng điều đó là ngoài thẩm quyền ông ta bởi vì Dekanozov chuyển sang Bộ Ngoại giao và báo cáo trực tiếp với Molotov.
Như đã nói ở trên, các tin tức tình báo về sự bắt đầu tấn công có thể của Đức là mâu thuẫn. Thế, Sorge báo về từ Tokyo rằng sự tấn công được lên kế hoạch ngày 1-6. Trong khi đó, tổ tình báo từ Berlin báo rằng nó là ngày 15-6. Trước đó, ngày 11-3, tình báo quân đội báo cáo rằng cuộc tấn công của Đức được dự định vào mùa xuân. Bức tranh càng rối thêm do dự định của lãnh đạo bắt đầu các thương thuyết với Đức.
Tại tiệc rượu tại sứ quán Đức ở Moskva mấy ngày trước khi bắt đầu chiến tranh Zoia Rưbkina nhận thấy một số đồ trang trí và tranh bị tháo khỏi các bức tường, cố xác định những chỗ mới để lắp thiết bị nghe trộm, cô phát hiện rằng các nhân viên sứ quán đã đóng gói va li để ra đi. Điều đó làm chúng tôi rất lo lắng.
Trong khách sạn Metropol, Iakovlev, Raikhman và Riaxnoi, những cán bộ phối hợp các chiến dịch phản gián chống Đức ở Moskva đã bắt được hai tên Đức chuyển thư tín ngoại giao đi. Một bị nhốt trong cabin thang máy, trong khi đó tên thứ hai bị nhốt trong phòng tắm của buồng “hảo hạng” nơi chúng sống. Khi tên đưa tin hiểu rằng bị kẹt, hắn ấn nút gọi người giữ thang máy. Dĩ nhiên “cứu” hắn là các nhân viên phản gián mà trong năm phút họ có được, đã mở cặp ngoại giao của hắn trong buồng “hảo hạng” và chụp các thứ đựng trong đó. Trong số tài liệu tìm được thư của đại sứ Sullenburg gửi Ribbentrop, trong đó ông ta viết rằng có thể làm người trung gian trong điều chỉnh những mâu thuẫn Xô - Đức. Cùng lúc đó Sullenberg báo cáo rằng các chỉ dẫn về việc rút bớt thành phần viên chức sứ quán đã được thực hiện và các nhà ngoại giao đang rời về Đức theo lịch biểu ấn định. Dù các dấu hiệu cuộc chiến đang đến gần là rõ ràng, tài liệu này, địa vị của Sullenberg và uy tín cao của ông ta khẳng định rằng cánh cửa đến sự điều chỉnh hòa bình vẫn còn chưa bị đóng.
Vào cái ngày khi Fitin từ Kremli trở về, Beria gọi tôi lên, ra lệnh tổ chức nhóm đặc biệt trong số cán bộ tình báo trực tiếp dưới trướng ông. Nó phải thực hiện các hoạt động tình báo - phá hoại trong trường hợp có chiến tranh. Tại thời điểm này nhiệm vụ đầu tiên của chúng tôi là lập một nhóm chủ lực từ số các chiến sĩ phá hoại giàu kinh nghiệm có khả năng chống chọi với bất cứ ý đồ nào lợi dụng các khiêu khích trên biên giới như nguyên có để bắt đầu chiến tranh. Beria nhấn mạnh rằng nhiệm vụ của chúng tôi - không cho bọn khiêu khích Đức khả năng tiến hành hoạt động tương tự như đã được tổ chức chống lại Ba Lan năm 1939, khi chúng chiếm đài phát thanh ở Gleiwitz trên lãnh thổ Đức. Bọn khiêu khích Đức phát sóng với những tuyên bố chống Đức, rồi sau đó bắn chết chính các tù hình sự của mình cải trang trong quân phục Ba Lan, nên từ ngoài trông mọi thứ dường như đúng là một trong những đơn vị Ba Lan đã tấn công đài phát thanh vậy.
Tôi lập tức đề nghị để Eitingon được cử làm phó cho tôi. Beria đồng ý, và ngay đêm trước của chiến tranh chúng tôi đã đi tìm những người có khả năng tạo nên bộ khung của nhóm đặc biệt mà có thể sẽ được ném theo đường hàng không vào các vùng đụng độ trên biên giới châu Âu và Viễn Đông. Kinh nghiệm quân sự của Eitingon hơn hẳn tôi, vì thế trong vấn đề này tôi dựa phần lớn vào các đánh giá của ông - chính ông là khâu mắt nối giữa nhóm chúng tôi và bộ chỉ huy quân đội. Cùng với ông chúng tôi lập các kế hoạch phá hoại các kho nhiên liệu cung cấp cho các đơn vị tăng, mô tô Đức đã bắt đầu tập trung gần biên giới chúng ta. Ngày 20-6-1941 Eitingon nói với tôi rằng cuộc trò chuyện với tướng Pavlov tư lệnh Quân khu Beloruxia gây cho ông ấn tượng khó chịu. Bởi họ đã quen nhau từ thời Tây Ban Nha, ông muốn một lời khuyên thân tình ở Pavlov, theo ông ta, những vùng biên giới nào nên đặc biệt chú trọng, nơi có khả năng các vụ khiêu khích từ phía người Đức. Đáp lại Pavlov tuyên bố điều gì đó theo ý Eitingon, là mù mờ, ông ta có vẻ hoàn toàn không hiểu gì về các điều phối hoạt động của các cơ quan khác nhau trong cuộc chiến hiện đại. Pavlov cho rằng không có vấn đề gì đặc biệt nảy sinh, thậm chí cả trong trường hợp nếu ngay từ đầu kẻ thù chiếm được thế thượng phong trên biên giới, bởi ông ta có đủ lực lượng dự bị để chống trả bất cứ cuộc tấn công lớn nào. Ngắn gọn, Pavlov không nhìn thấy một chút cần thiết nào trong các chiến dịch phá hoại để làm đình trệ hậu phương kẻ thù.
21-6 tôi ở trong văn phòng của mình suốt đêm, bất kể tôi với vợ đã thỏa thuận buổi chiều đi nhà nghỉ. Một năm trước đó cô đã rời khỏi công việc ở Trung tâm và bắt đầu giảng dạy ở Học viện cao cấp của NKVD như một hướng dẫn viên về hoạt động tác chiến với điệp viên. Thứ bảy ngày 12-6 cô rời trường vào khoảng ba giờ chiều. Chiều hôm ấy Fitin gặp Gavrilovich, đại sứ Nam Tư tại biệt thự của mình. Vậy nên vào cái đêm định mệnh đó tôi là người duy nhất trong số lãnh đạo ở lại nơi làm việc. Theo các nguyên tắc, chúng tôi chỉ có thể rời khỏi nơi làm việc sau khi thư ký của bộ trưởng gọi điện thoại biết sếp cho phép về nhà. Các trưởng phòng thường rời đi lúc tám giờ, về nhà hay đến các điểm hẹn mật để gặp điệp viên, còn sau đó quay lại chỗ làm việc vào mười hay mười một giờ đêm để tổng kết các tin tức nhận được từ các điệp viên rồi ngay đó khóa vào két sắt. Thế nhưng các thứ bảy, như thông lệ, không ai quay lại chỗ làm.
Hôm ấy tôi chưa được phép từ thư ký của Beria và từ Merkulov và tôi đã ở lại văn phòng, chỉ gọi về nhà và báo rằng sẽ về muộn. Vợ tôi chờ tôi ở nhà và đã bình thản đi ngủ. Chờ hồi chuông của thủ trưởng, tôi bèn đọc các tài liệu, nhưng sau 6 giờ chiều cả thư từ lẫn các thông báo mới không thấy đến. Chỉ có một hồi chuông - từ tư lệnh biên phòng Maxlennikov. Ông có vẻ thất vọng khi tôi nói Nhóm đặc biệt sẽ sẵn sàng hành động không sớm hơn sau mười ngày. Tôi biết, cả Beria lẫn Merkulov đều không có ở chỗ làm việc, nhưng ban thư ký đang đợi họ từng phút: họ được gọi đến chỗ Ông chủ. Tôi ở lại văn phòng, xem giấy tờ. Những ý nghĩ âu lo làm tôi bồn chồn, nhưng tôi không thể có ý nghĩ một bất hạnh đang sắp sửa đổ ụp xuống tất cả chúng ta. Tất nhiên tôi cảm thấy mối hiểm họa của vụ khiêu khích hay đụng độ quân sự gì đó, nhưng không đủ sức hình dung quy mô của nó. Tôi cho rằng bất kể những khó khăn thế nào chúng ta vẫn đủ khả năng kiểm soát tình hình.
Ba giờ sáng điện thoại réo - Merkulov đòi tôi lập tức đến văn phòng ông. Ở đó tôi gặp tất cả các cục trưởng chủ chốt. Merkulov tuyên báo chính thức với chúng tôi rằng chiến tranh đã bắt đầu: các đạo quân Đức đã vượt qua biên giới. Ngay đó ông ra lệnh gọi cán bộ đến cơ quan theo tín hiệu báo động. Đến 9 giờ sáng, ông tuyên bố, mỗi chỉ huy từng hướng phải đệ trình các biện pháp cụ thể phù hợp với kế hoạch hành động trong điều kiện chiến tranh.
Khoảng 9 giờ sáng Fitin đến. Trong phòng hội nghị của Tổng cục tình báo chúng tôi tiến hành cuộc họp chính thức tuyên bố cuộc chiến tranh đã bắt đầu.
Không có sự náo loạn, nhưng trong cuộc họp các chỉ huy trở nên kiệm lời, và những anh chàng độc mồm độc miệng của chúng tôi, đặc biệt là Eitingon, đã kìm nén được những câu đùa thông thường.
------------
Còn tiếp.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét