Chủ Nhật, 17 tháng 7, 2022

Những Chiến Dịch Đặc Biệt - Chương 4-1

Những Chiến Dịch Đặc Biệt

Tác giả: Pavel Xudoplatov
Người dịch: Nguyễn Văn Thảo
Thể loại: Hồi ký
Nhà xuất bản Công an nhân dân
Năm xuất bản: 2003 (Lưu hành nội bộ)

Chương 4: Thủ Tiêu Trotsky

1. Chiến dịch chống “Ông già”. Gặp Stalin

Lối vào tòa nhà của điện Kremli nơi Stalin làm việc tôi đã quen trong những lần đi gặp ông trước kia. Chúng tôi theo cầu thang đi lên tầng hai và đi dọc hành lang dài rải thảm đỏ vắng người, ngang qua các văn phòng với những cánh cửa cao thường chỉ thấy ở viện bảo tàng, vẫn viên sĩ quan cận vệ, từng trực ban lúc Ejov dẫn tôi tới đây, cho tôi với Beria đi qua. Giờ đây anh ta chào không phải Ejov, mà Beria: “Chúc đồng chí Beria mạnh khỏe!”. Beria mở cửa và chúng tôi đi vào phòng khách lớn đến nỗi ba chiếc bàn làm việc đứng ở đó trông nhỏ xíu. Có ba người trong phòng: hai người mặc áo cùng kiểu như của Stalin, và một người mặc quân phục. Chào Beria là người không cao, có vẻ gân guốc, mặc áo xanh mà giọng vang lên khe khẽ và lãnh đạm (sau đó tôi biết rằng đó là Poxkrebưsev, phụ trách ban thư ký của Stalin). Tôi có cảm tưởng rằng sự thiếu vắng trọn vẹn các biểu hiện bề ngoài của bất cứ xúc cảm nào là nguyên tắc trong phòng này. Và đích thực, trật tự chính bất thành văn một lần và mãi mãi được Stalin và Molotov thông qua trong tòa nhà này.
Poxkrebưsev đưa chúng tôi vào văn phòng của Stalin rồi cửa đóng lại không tiếng động.
Vào thời điểm ấy tôi vẫn trải qua những tình cảm như trong các lần gặp trước với Stalin: hồi hộp xen lẫn sự chờ đợi căng thẳng, và niềm hân hoan bao trùm lấy toàn bộ con người. Tôi có cảm giác người xung quanh có thể nghe thấy nhịp đập của tim tôi.
Khi chúng tôi xuất hiện Stalin đứng lên từ sau bàn. Đứng ra giữa phòng, chúng tôi trao đổi bằng những cái bắt tay, và ông dùng cử chỉ mời chúng tôi ngồi xuống một chiếc bàn dài phủ nhung xanh lá cây. Bàn làm việc của chính Stalin nằm gần cạnh, trong một góc văn phòng. Bằng khóe mắt tôi kịp nhận thấy rằng tất cả các cặp trên bàn của ông được xếp theo một trật tự lý tưởng, bên trên bàn làm việc - chân dung của Lenin, còn trên bức tường khác - của Mác và Ănghen. Mọi thứ trong văn phòng trông vẫn y như lần trước, khi tôi đến đây. Nhưng chính Stalin thì có vẻ khác: chăm chú, bình thản và tập trung. Nghe người đối thoại, hầu như ông suy ngẫm từng lời, giống như có một ý nghĩa đặc biệt đối với ông. Và những người cùng nói chuyện đơn giản là không thể thoáng hiện trong óc rằng con người này có thể là thiếu chân tình.
Có như thế hay không trong thực tế? Tôi không chắc lắm. Nhưng đích thực Stalin nghe Beria với sự chú ý lớn.
- Thưa đồng chí Stalin, - Beria nói, - theo chỉ thị của đảng, chúng tôi đã vạch trần ban lãnh đạo tình báo nước ngoài cũ của NKVD và chặt đứt mưu toan tráo trở lừa dối chính phủ. Chúng tôi đề nghị bổ nhiệm đồng chí Xudoplatov làm phó chỉ huy tình báo nước ngoài của NKVD để giúp đỡ các cán bộ trẻ của đảng được động viên vào công tác trong các cơ quan, để hoàn thành tốt các nhiệm vụ của chính phủ ạ.
Stalin nhíu lông mày. Ông vẫn tiếp tục giữ tẩu trong tay như cũ mà không hút. Sau đó quẹt diêm (cử chỉ quen thuộc đối với tất cả những ai dù chỉ xem một tạp chí thời sự phim ảnh) và xích gạt tàn lại gần mình.
Ông không thốt ra một lời về sự bổ nhiệm tôi, nhưng đề nghị Beria kể ngắn gọn về những phương hướng cơ bản của các chiến dịch tình báo ở nước ngoài. Trong khi Beria nói, Stalin đứng lên khỏi bàn và bắt đầu đếm bước trong văn phòng, ông di chuyển chậm rãi và hoàn toàn không tiếng động trong đôi ủng Kavkaz mềm của mình.
Dù Stalin đi lại không ngừng, tôi có cảm tưởng ông không hề giảm sự chú ý, ngược lại, càng trở nên tập trung hơn. Những nhận xét của ông có phần khắc nghiệt không cần giấu giếm. Thái độ gay gắt đối với những người được mời đến tiếp kiến, có lẽ là một nét tiêu biểu trong hành xử của ông, là một bộ phận không tách rời khỏi cá tính Stalin - cũng y như những nốt đậu mùa trên mặt ông, tạo cho ông một vẻ khắc nghiệt.
Theo lời Beria, tình báo nước ngoài trong những điều kiện hiện đại cần phải thay đổi hướng làm việc chính. Nhiệm vụ cơ bản của nó phải là chuẩn bị các mạng điệp viên cho chiến tranh ở châu Âu và Viễn Đông, chứ không phải là cuộc đấu tranh với giới lưu vong. Sẽ đóng vai trò to lớn hơn nhiều, ông nói, là các điệp viên của chúng ta có ảnh hưởng, tức những người từ giới làm ăn của chính phủ phương Tây và Nhật Bản, những người có thể tiếp xúc với ban lãnh đạo các nước ấy và có thể được sử dụng để đạt tới những mục đích của chúng ta trong chính sách đối ngoại. Nên tìm những người ấy trong số các nhà hoạt động của phong trào trung lập, có thái độ nhẫn nhịn đối với những người cộng sản. Đồng thời, theo ý kiến của Beria, phong trào cánh tả đang nằm trong tình trạng lộn xộn nghiêm trọng do những ý đồ của bọn Trốtkít. Bằng cách ấy chính Trotsky và những kẻ theo ông ta đã thách thức nghiêm trọng đối với Liên Xô. Họ khao khát làm mất vị trí thủ lĩnh của phong trào cộng sản thế giới của Liên Xô. Beria đề nghị giáng một đòn quyết định vào trung tâm phong trào Trốtkít ở nước ngoài và đề cử tôi tiến hành các chiến dịch này. Để kết luận, ông nói rằng chính vì với mục đích này mới đưa tôi ứng cử vào chức vụ phó Cục trưởng Cục đối ngoại mà lúc ấy do Dekanozov phụ trách. Nhiệm vụ của tôi là sử dụng mọi khả năng của NKVD để thủ tiêu Trotsky.
Một quãng lặng. Stalin tiếp tục cuộc trò chuyện.
- Trong phong trào Trốtkít không có các nhân vật chính trị quan trọng, trừ chính Trotsky. Nếu kết thúc Trotskv, mối hiểm họa của Quốc tế cộng sản sẽ được loại trừ.
Ông lại chiếm chỗ của mình đối diện với chúng tôi và bắt đầu từ tốn nói về sự không bằng lòng đối với việc các chiến dịch tình báo được tiến hành như thế nào. Theo ý kiến của ông, chúng thiếu sự tích cực cần thiết, ông nhấn mạnh rằng, việc loại bỏ Trotsky năm 1937 đã được giao cho Spigelglaz, thế nhưng ông kia đã làm đổ vỡ.
Sau đó Stalin trở nên khắc nghiệt và, dằn từng lời, dường như hạ lệnh, nói:
- Trotsky, hay như các anh gọi ông ta trong các vụ án của các anh là “Ông già”, cần phải bị loại trừ trong vòng một năm, trước khi nổ ra chiến tranh. Không loại bỏ Trotsky, như kinh nghiệm Tây Ban Nha, chúng ta không thể tin chắc có sự ủng hộ của các đồng minh của chúng ta trong phong trào Quốc tế cộng sản, trong trường hợp tấn công của bọn đế quốc vào Liên Xô. Họ sẽ rất khó thực hiện nghĩa vụ quốc tế của mình là làm rối loạn hậu phương của kẻ thù, triển khai chiến tranh du kích.
Chúng ta không có kinh nghiệm xây dựng một đế chế công nghiệp và quân sự hùng hậu đồng thời với củng cố chuyên chính vô sản, - Stalin tiếp tục, và sau khi đánh giá tình hình thế giới và cuộc chiến tranh sắp tới ở châu Âu, ông chuyển trực tiếp sang tôi. Tôi cần lãnh đạo một nhóm phần tử vũ trang để tiến hành chiến dịch thủ tiêu Trotsky, đang lưu vong tại Mexico. Stalin rõ ràng thích những lời được gọt rũa kiểu “hành động” (thay cho “thủ tiêu”), đồng thời nhận xét rằng trong trường hợp thành công của hành động “đảng sẽ không bao giờ quên những người đã tham gia trong đó, và quan tâm không chỉ về chính họ, mà còn cả mọi thành viên gia đình họ”.
Khi tôi cố phản đối rằng tôi không hoàn toàn phù hợp để thực thi nhiệm vụ ở Mexico, bởi không nắm vững tiếng Tây Ban Nha, Stalin không có chút phản ứng gì.
Tôi đề nghị cho phép sử dụng các cựu binh những chiến dịch phá hoại trong nội chiến Tây Ban Nha cho công việc.
Hội kiến kết thúc, chúng tôi tạm biệt và bước ra khỏi văn phòng.
Sau buổi gặp gỡ với Stalin tôi nhanh chóng được bổ nhiệm làm phó Cục trưởng tình báo. Tôi được phân một văn phòng trên tầng bảy của tòa nhà chính của Lubianka dưới số 755 - có thời được Spigelglaz sử dụng.
Vợ tôi lo lắng bởi sự thăng tiến nhanh của tôi năm 1938. Cô thích tôi có một chức vụ khiêm tốn hơn, và cô đúng, bởi tôi bắt đầu bị đầu độc chính là do điều đó, dù sự bổ nhiệm chỉ mang tính chất tạm thời hoàn toàn. Tôi không là kẻ thù của nhân dân, mà là kẻ thù của các đồng nghiệp ghen tị - cái môtíp tầm thường là thế để đầu độc trong những năm thanh trừng.
Sự bổ nhiệm mới không cho tôi thì giờ để suy ngẫm lâu về chiến dịch mà tôi suýt bị mất mạng. Tốc độ chóng mặt các sự kiện đã cuốn hút tôi. Cuộc họp đảng thế là không xem xét vụ việc của cá nhân tôi. Hai ngày sau buổi trò chuyện ở Kremli, người ta thông báo với tôi rằng đảng ủy xem xét lại quyết định về việc khai trừ tôi khỏi đảng và thay vào đó cảnh cáo được ghi vào hồ sơ vì sự mất cảnh giác và không vạch mặt các hành động thù nghịch của cựu lãnh đạo Cục đối ngoại.
Ngày hôm sau, khi tôi vừa đến văn phòng mới, Eitingon vừa từ Pháp trở về chưa lâu, đã gọi điện thoại cho tôi.
- Pavel, mình ở Moskva mười ngày rồi, chẳng làm gì cả. Vụ tác chiến theo dõi mình liên tục. Mình tin chắc điện thoại của mình bị nghe trộm. Cậu biết chắc mình đã làm việc thế nào rồi. Xin hãy báo cáo với cấp trên của cậu: nếu họ muốn bắt mình, thì cứ làm việc đó ngay đi, chứ đừng bày những trò trẻ con nữa.
Tôi trả lời Eitingon rằng đây là ngày đầu tiên tôi giữ chức vụ lãnh đạo và không biết kế hoạch nào cả về việc bắt ông. Ngay đó tôi đề nghị ông đến chỗ tôi, sau đó tôi gọi điện thoại cho Merkulov và báo cáo về cuộc trò chuyện vừa diễn ra. Ông kia cười to và nói:
- Những kẻ ngốc ấy giám sát Eitingon và nhóm của ông ta mà không hiểu là có chuyện với những nhà chuyên nghiệp.
Sau mười phút theo đường dây trực tuyến Beria gọi cho tôi và đề nghị: Eitingon - một ứng cử viên thích hợp cho công việc của tôi và đến cuối ngày ông ta chờ hai chúng tôi.
Khi Eitingon xuất hiện, tôi kể về dự định của chiến dịch ở Mexico. Ông được dành vai trò chủ đạo trong đó. Ông đồng ý không chút xíu chần chừ. Eitingon là nhân vật lý tưởng để lãnh đạo mạng điệp viên ngầm đặc biệt ở Mỹ và Mexico. Tiếp cận Trotsky chỉ có thể thông qua mạng điệp viên của chúng tôi cắm ở Mexico sau cuộc chiến tranh Tây Ban Nha. Không ai hiểu những người này bằng ông. Làm việc cùng nhau, chúng tôi đã trở thành những người bạn thân thiết. Lệnh về việc thủ tiêu Trotsky không làm cả tôi lẫn ông ngạc nhiên: đã hơn mười năm OGPU-NKVD tiến hành cuộc chiến thật sự chống lại Trotsky và tổ chức của ông ta.
Buộc phải rời Liên Xô năm 1929, Trotsky đã thay đổi mấy nước (Thổ Nhĩ Kỳ, Na Uy và Pháp), trước khi định cư năm 1937 ở Mexico. Còn trước cả sự lưu đày của mình, ông thực chất đã thua Stalin trong cuộc đấu tranh vì quyền lực và, trong cảnh lưu đày, đã cố sức không ít để nhằm phá vỡ, còn sau đó lãnh đạo phong trào cộng sản quốc tế, dấy lên sự bè cánh trong hàng ngũ những người cộng sản, làm suy yếu địa vị của chúng ta tại Tây Âu và đặc biệt ở Đức vào đầu những năm 30.
Theo đề nghị của Eitingon, chiến dịch chống Trotsky được gọi là “Con vịt”. Trong tên gọi mã hóa này từ “vịt”, dĩ nhiên được sử dụng trong nghĩa “xuyên tạc thông tin”: khi nói “tin vịt”, có ý chỉ sự đăng tải tin giả trên báo chí.
Leonid biết mạng lưới điệp viên của chúng ta ở Mỹ và Tây Âu, vậy nên đủ sức hình dung một cách thực tiễn, chúng tôi có thể đặt niềm tin chắc chắn vào ai trong số các điệp viên. Tiếc rằng Maria de Las Eras, điệp viên “Patria” tốt nhất của chúng tôi cài được vào ban thư ký của Trotsky từ thời ông ta ở Na Uy và là người từng ở với ông ta tại Mexico, đã cấp thiết cần phải gọi trở về. Spigelglaz có kế hoạch sử dụng cô vào những năm 1937-1938, nhưng sự chạy trốn của Orlov, kẻ biết rõ cô, đã phá vỡ kế hoạch đó. Chúng tôi không thể mạo hiểm. Không loại trừ sự khước từ bắt buộc chiến dịch ở Mexico đã quyết định số phận bi thảm của Spigelglaz. Ông biết quá nhiều và không còn là người cần thiết.
Số phận của Maria de Las Eras là một huyền thoại. Trong thời gian chiến tranh Vệ quốc vĩ đại cô nhảy dù vào hậu phương quân Đức, nơi cô chiến đấu trong đội du kích anh hùng Liên Xô Medvedev. Sau chiến tranh cô tích cực làm việc trong mạng lưới điệp viên KGB tại Mỹ Latinh, với vai trò điện báo viên. Maria de Las Eras là điệp viên mật hơn hai mươi năm. Chỉ vào những năm 70 cô mới trở về Liên Xô với quân hàm đại tá, và mất năm 1988.
Hai tháng sau khi chạy trốn sang Mỹ, Orlov đã viết một bức thư nặc danh cho Trotsky, cảnh báo về việc có những kế hoạch mưu sát ông ta đang được soạn thảo và thực hiện nó sẽ là những người thân cận của ông ta từ Tây Ban Nha đến. Thời ấy chúng tôi chưa biết về bức thư của Orlov và sự cảnh báo đó, nhưng hoàn toàn cho rằng Orlov có thể làm một hành động tương tự. Kế hoạch ban đầu của tôi là sử dụng mạng điệp viên được Eitingon chiêu mộ trong số người theo Trotsky tại Tây Âu và đặc biệt ở Tây Ban Nha. Eitingon, ví dụ, tự tuyển dụng các thủ lĩnh phái Trốtkít Tây Ban Nha, anh em Ruan. Ông có mối liên lạc nằm trong số những kẻ vô chính phủ thân Trotsky, các bộ trưởng chính phủ cộng hòa Tây Ban Nha: Gaodosio Olivero và Frederico Amundseni. Thế nhưng Eitingon khăng khăng ý kiến muốn sử dụng điệp viên tại Tây Âu, Mỹ Latinh và Mỹ chưa bao giờ tham gia vào chiến dịch nào chống lại Trotsky và những người cùng cánh của ông ta. Theo kế hoạch của ông nhất thiết cần thành lập hai nhóm độc lập. Nhóm thứ nhất “Tuấn mã” chịu sự phụ trách của David Alfaro Sikeiroso, một họa sĩ Mexico, quen riêng với Stalin, cựu binh cuộc nội chiến ở Tây Ban Nha. Ông ta chuyển sang Mexico và trở thành một trong những nhà tổ chức ĐCS Mexico. Nhóm thứ hai được gọi là nhóm “Bà mẹ” dưới sự chỉ đạo của Karidad Mercader. Trong số các tổ tiên giàu có của bà có cựu tổng trấn Cuba, còn cố nội của bà là đại sứ Tây Ban Nha ở Nga. Karidad rời bỏ người chồng, một cự phú ngành đường sắt Tây Ban Nha, đến với phái vô chính phủ và chạy sang Paris với bốn người con vào đầu những năm 30. Bà phải kiếm sống bằng đan lát thêu thùa. Năm 1936, khi ở Tây Ban Nha bắt đầu cuộc nội chiến, bà quay về Barcelona, gia nhập hàng ngũ phái vô chính phủ và bị thương nặng vào bụng trong một lần máy bay công kích. Con trai lớn của Karidad hy sinh (anh quấn lựu đạn quanh người lao vào xe tăng), còn con trai thứ, Ramon chiến đấu trong đội du kích. Con trai út Luis đến Moskva năm 1939 cùng với các trẻ khác của những người cộng hòa Tây Ban Nha chạy trốn Franko, con gái ở lại Paris. Bởi Ramon tuyệt đối vô danh tính giữa những kẻ Trốtkít, Eitingon thời ấy vẫn còn ở Tây Ban Nha, đã quyết định gửi anh từ Barcelona sang Paris mùa hè năm 1938 dưới dạng một doanh nhân trẻ bất cần đời có thái độ thù địch với bất kỳ chính thể nào, đôi khi ủng hộ những tên quá khích chính trị.
Đến năm 1938 Ramon và mẹ anh, Karidad, sống tại Paris, cộng tác với tình báo Xô viết. Tháng 9 Ramon theo sự dẫn dắt của anh em Ruan đã làm quen với Silvia Agelof bấy giờ đang ở Paris, và vợ chồng Rozmer, những người thân với gia đình Trotsky. Theo các chỉ dẫn của Eitingon, anh tránh mọi hoạt động chính trị. Vai trò của anh là ở chỗ thỉnh thoảng giúp tiền cho bạn bè và những người mà anh cảm tình, nhưng không dính vào chính trị. Anh không quan tâm đến công việc của những người này và bác bỏ mọi đề nghị gia nhập vào phong trào của họ.
Chúng tôi còn có một điệp viên quan trọng mật danh “Garry” Morrison người Anh mà cả Orlov lẫn Spigelglaz đều không biết. Garry hoạt động theo tuyến Nhóm đặc biệt của Xerebrianxky và đóng vai trò then chốt trong vụ lấy cắp các hồ sơ lưu trữ của Trotsky ở châu Âu vào tháng 12 năm 1937. (Theo mách nước của tôi, lưu trữ này được Dmitri Volkogonov sử dụng trong cuốn sách “Trotsky” của ông xuất bản năm 1992). Garry cũng có những mối liên lạc tin cậy tại khu bảy Tổng cục cảnh sát Paris. Điều đó giúp ông ta kiếm được cho chúng tôi các con dấu thực và phiếu mẫu của cảnh sát và mật vụ Pháp để giả mạo hộ chiếu và giấy phép cư trú cho phép các điệp viên chúng ta nằm vùng lâu dài ở Pháp.
Eitingon cho rằng các điệp viên của ông phải được hành động hoàn toàn không phụ thuộc vào các nhóm trưởng địa phương tại Mỹ và Mexico. Tôi đồng ý với ông nhưng báo trước rằng chúng tôi sẽ không thể di chuyển tất cả những người cần thiết từ Tây Âu sang Mỹ khi chỉ dựa vào các nguồn tài chính thông thường. Theo ước lượng của chúng tôi, để di chuyển và trang bị cho hai nhóm cần không dưới 300 nghìn đôla. Để tạo vỏ bọc tin cậy, Eitingon đề nghị lợi dụng trong chiến dịch các quan hệ gia đình riêng của ông ở Mỹ. Các họ hàng của ông có được những ưu đãi của chính phủ Xô viết từ năm 1930 cho đến tận 1948 khi tham dự các hội chợ đấu thầu bông sợi ở Leningrad. Chúng tôi trình bày các dự trù của mình với Beria, nhấn mạnh rằng trong giới thân cận của Trotsky chúng ta không có người có thể tiếp cận trực tiếp với ông ta. Chúng tôi không loại trừ rằng chúng ta có thể phải chiếm dinh thự Trotsky bằng một vụ công phá. Bực bội bởi phải gọi điệp viên “Patria” là người thân cận của Trotsky trở về, khi đã đồng ý sử dụng các mối liên lạc riêng của Eitingon, bất ngờ Beria đề nghị chúng tôi sử dụng các mối liên lạc của Orlov, để làm điều đó chúng tôi phải nhân danh ông ta liên lạc với Orlov. Orlov quen biết với Beria từ thời ở Gruzia nơi ông ta chỉ huy đội biên phòng năm 1921. Eitingon kiên quyết phản đối, và không chỉ vì các vấn đề cá nhân: ở Tây Ban Nha giữa ông và Orlov có những quan hệ căng thẳng. Ông cho rằng Orlov vốn là một nhà chuyên nghiệp tham dự vào những vụ thủ tiêu những kẻ vượt tuyến, chắc chắn sẽ không tin chúng tôi, không phụ thuộc vào việc chúng tôi liên lạc với ông ta nhân danh ai. Hơn thế nữa, nhận thấy sự theo dõi hay bất cứ ý đồ nào nhằm tìm ra ông ta, ông ta có thể đặt tất cả những người của chúng ta dưới một sự đe dọa. Nghiến răng, Beria buộc phải đồng tình với chúng tôi. Kết quả là mệnh lệnh cấp trên được Beria chuyển cho tôi: để Orlov yên và không tìm những sự liên lạc nào hết với ông ta.
Beria khá bồn chồn bởi làm sao sử dụng những mối liên hệ riêng của mình trong các công việc tác chiến, về đường vợ Nina, Beria có hai người họ hàng Gegetskori nổi tiếng: một là đảng viên Bolshevik trung thành, tên của ông được đặt cho một quận ở Gruzia, người khác sống lưu vong ở Paris, bộ trưởng ngoại giao trong chính phủ Menshevik Gruzia. (Sau này đó là cơ sở cho lời buộc tội dựng lên chống Beria, rằng thông qua họ hàng mình ông liên hệ với các gián điệp đế quốc). Mạng tình báo của chúng ta ở Pháp đúng là chất đầy các chỉ thị của ông về các vấn đề Gruzia lưu vong, đặc biệt là những người Menshevik mà chính phủ lưu vong của họ đóng ở Paris. Tôi còn nhớ, những công tước Gruzia nào đó cứ làm rối đầu óc chúng tôi bằng những tin đồn về các kho báu khó tưởng tượng, đâu như được cất giấu trong các hầm bí mật khắp đất nước.
Từ cuộc trò chuyện lúc ấy với chúng tôi, Beria hiểu ra rằng chúng ta thực sự cần một mạng lưới điệp viên mới loại trừ được khả năng phản bội. Ông ta nói để chúng tôi bắt đầu hành động, không cần lo về khoản tài chính.
Sau khi nhóm lập xong, ông ta muốn thêm vào đó mấy điệp viên do ông nắm.
Beria chỉ đạo để tôi cùng Eitingon sang Paris đánh giá nhóm được phái sang Mexico. Tháng 6-1939, Georg Miller, người Áo di tản, giữ chức trưởng phòng “kỹ thuật hộ chiếu” đã chuẩn bị cho chúng tôi các giấy tờ giả mạo. Khi chúng tôi rời khỏi Moskva, Eitingon mừng như trẻ con do việc một trong số em gái ông, một cô bé khó tính, đã không ra ga tiễn ông. Gia đình ông tin rằng bất cứ việc gì có cô ta hiện diện đều là điềm báo trước sự thất bại. Từ Moskva chúng tôi đi Odessa, còn từ đó theo đường biển sang Athen, nơi thay đổi giấy tờ và trên một con tàu khác đi tới Marssaille.
Chúng tôi đến Paris bằng tàu hỏa. Tại đấy tôi gặp gỡ với Ramon và Karidad Mercader, sau đó, một cách riêng biệt, với các thành viên của nhóm Xikeiros. Hai nhóm này không tiếp xúc với nhau và không biết về sự tồn tại của nhau. Tôi thấy họ khá đáng tin cậy, và biết điều còn quan trọng hơn, rằng họ đã tham dự các chiến dịch phá hoại bên chiến tuyến của Franko. Kinh nghiệm này chắc chắn sẽ phải giúp họ trong hành động chống lại Trotsky. Tôi đề nghị để Eitingon trong vòng một tháng ở lại với Karidad và Ramon, để họ làm quen với những điều cơ bản của công tác tình báo. Họ không có những kiến thức sơ đẳng như phương pháp xem xét nguồn tin, chiêu mộ điệp viên, phát hiện sự theo dõi hay thay đổi ngoại hình. Những tri thức này là thiết yếu để tránh các bẫy của các cơ quan phản gián. Nhưng sự chậm trễ suýt trở thành nguy hại đối với Eitingon.
Tôi trở về Moskva vào cuối hoặc giữa tháng 7, còn vào tháng 8-1939, Karidad và Ramon đi tàu thủy từ Havre sang New York. Eitingon phải nhanh chóng theo sau họ, nhưng đến thời gian đó hộ chiếu Ba Lan mà ông dùng sang Paris, đã trở thành một giấy tờ nguy hiểm. Dẫu sự tấn công của Đức vào Ba Lan đã khởi đầu thế chiến II, người ta định động viên ông như một người Ba Lan di tản vào quân đội Pháp hoặc bị quy kết như một người ngoại quốc đáng ngờ. Đến thời gian này đã áp dụng những sự hạn chế mới, khắc nghiệt hơn đối với việc đi ra nước ngoài dành cho người Ba Lan, vậy nên Eitingon buộc phải lui vào bí mật.
Tôi trở về Moskva, nguyền rủa bản thân vì sự chậm trễ do việc huấn luyện điệp viên, nhưng rất tiếc, chúng tôi đã chẳng còn lối thoát nào khác. Chúng tôi chỉ dẫn trưởng nhóm tình báo của ta ở Paris Vaxilievxky (mật danh “Taraxov”), tổng lãnh sự, làm tất cả những gì có thể để đảm bảo cho “Tom” (tên Eitingon trong danh sách tác chiến) mọi giấy tờ phù hợp cho chuyến đi sang Mỹ. Vaxilievxky cần gần một tháng để hoàn thành nhiệm vụ này. Trong lúc khó khăn, ông ta bố trí Eitingon vào một bệnh viện tâm thần mà bác sĩ chính ở đó là người Nga lưu vong. Theo chỉ thị của tôi, Vaxilievxky sử dụng các liên lạc của Morrison để kiếm cho Tom giấy phép cư trú giả của Pháp. Bây giờ Tom thành người Xiri Do Thái bị suy nhược thần kinh. Lẽ tự nhiên, ông không còn phù hợp để phục vụ trong quân ngũ, còn giấy tờ thì cho ông khả năng có mặt ở Pháp và có thể được dùng để nhận hộ chiếu ra nước ngoài. Vaxilievxky tin chắc hộ chiếu là thật (viên quan chức Pháp đã nhận món hối lộ tương ứng), nhưng dù sao vẫn còn lại vấn đề visa của Mỹ.
Mối liên hệ duy nhất của chúng tôi với lãnh sự Mỹ được thực hiện qua nhà doanh nghiệp giàu có từ Thụy Sĩ, trong thực tế đó là Steinberg, điệp viên của ta. Thế nhưng ở đây lại nảy sinh một khó khăn. Ông từ chối quay về Moskva nơi người ta gọi ông ta về năm 1938. Trong thư ông ta tuyên bố nhắc lại lòng trung thành của mình, nhưng nói rằng sợ sự thanh trừng trong NKVD. Vaxilievxky phái sĩ quan liên lạc, điệp viên của chúng tôi Takhtsianov đến Lozanna gặp ông ta. Anh ta được một điệp viên khác, Alakhverdov, yểm trợ. Trong cuộc gặp, Steinberg đã suýt bắn người liên lạc, vì sợ anh ta là sát thủ. Rốt cuộc ông ta đồng ý thu xếp visa cho người Do Thái Xiri, ông ta không nhận ra Eitingon, trên ảnh ông đã nuôi ria và thay đổi kiểu tóc. Sau một tuần Steinberg lấy được visa, và phái viên quay về Paris.
------------
Còn tiếp.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét