Thứ Ba, 14 tháng 6, 2022

Chơi sách - ký Ngọc Giao

Chơi sách

Tác giả: Ngọc Giao

Thuở ấy, 1945, tôi có ông bạn văn mắc chứng mê say sách quý đến mức điên cuồng rồ dại. Anh em gọi đùa ông là anh chàng mang bệnh “dâm thư” không thuốc chữa. Tôn thờ sách quý đã đành, ông còn yêu sách đẹp, in đẹp. Chữ đúng, cỡ 10, soi trang sách nơi ánh sáng, dòng chữ bên này phải căn chỉ với dòng chữ trang sau. Giấy phải loại ngoại hạng, Boufflant. Gờ sách nhà in không được xén bằng máy, mà phải để cho người mua sách, nghĩa là độc giả, dùng dao con bằng tre nứa, nhẹ tay rọc tờ này sang tờ khác, những sợi bông giấy thổi ra tua tủa dưới lưỡi dao tre. Người đọc sách vui sướng vuốt ve, ngửi hít mùi hương hồng giấy, say sưa như hôn hít người đẹp trong trắng dâng tình.
Cái anh chàng “dâm thư” ấy là nhà văn đường rừng, chuyên viết tiểu thuyết giả lịch sử Lan Khai, cùng thời với Nguyễn Triệu Luật, Phan Trần Chúc. Thời ấy văn đàn từ Nam, Trung đến Bắc phần, chỉ có Lan Khai, Triệu Luật, Trần Chúc chuyên viết tiểu thuyết sử, tác phẩm nào cũng đẹp, cũng li kỳ, làm độc giả mê say. Truyện của Lan Khai thường được các rạp hát chuyển thể cải lương, tuồng, chèo.
Ở tuổi hoa niên, Lan Khai rời sinh quán Tuyên Quang về Hà Nội, theo học trường Bưởi. Đỗ bằng thành chung lại trở về rừng núi Tuyên Quang, nằm đọc sách “trau dồi kinh sử”, đi sâu vào văn học, lịch sử Trung Hoa, dưới sự hướng dẫn của phụ thân vốn là một danh y nhân hậu chữa trị bệnh nhân nghèo không đòi tiền thuốc. Trong cảnh nhà tan nước mất, cụ cũng thuộc vào hàng ngũ những bậc danh nho đêm ngày gạt lệ thầm ngâm ngợi lời thơ bất hủ của bà Huyện Thanh Quan: “Nhớ nước đau lòng con cuốc cuốc - Thương nhà mỏi miệng cái gia gia”. Cụ lang, trải nhiều năm, lấy ngôi nhà tranh làm thuốc cứu dân nghèo, làm nơi chiêu anh quán kín đáo tiếp cận, đón đưa hết tốp người vượt tuyến này đến lớp người yêu nước khác tìm đường ra hải ngoại.
Ngày ấy, Lan Khai cũng đỡ đần thân phụ, hết lòng hầu hạ, chăm sóc những tráng sĩ ra đi, lòng nặng căm thù như Ngũ Tử Tư căm thù nước Sở thời chiến quốc.
Nằm suông nghe núi rừng rung chuyển không chịu được, Lan Khai bắt đầu cầm bút viết văn. Tức thì Chuyện lạ đường rừng hàng tuần, được gửi về Hà Nội, Thủ đô văn học. Tờ Ngọ Báo của Bùi Xuân Học, Tam Lang làm chủ bút được hân hạnh đăng tải bài của Lan Khai. Mỗi sáng thứ Hai trẻ bán báo rao ơi ới “Ngọ Báo đây! Chuyện lạ đường rừng của Lan Khai, mua mau kẻo hết”. Tờ Ngọ Báo đang có cơ chết chìm, nhờ có Chuyện lạ đường rừng lại ngóc được lên, số lượng in gấp bội.
Vậy mà Lan Khai, nhà văn đường rừng hàng tuần thấy chuyện lạ của mình trên trang nhất tờ Ngọ Báo, không cho là chuyện lạ mà chỉ thấy làm lạ là chưa hề được nhận một lá thư, một tờ giấy ngân phiếu của ông chủ báo Bùi Xuân Học. Nghĩ rằng con không khóc mẹ không vạch vú. Lan Khai viết thư hỏi ông chủ báo họ Bùi. Không hề có hồi âm. Không chịu được. Nhà văn đội khăn xếp cũ rách, áo the thâm bạc màu, về Hà Nội. Đứng giữa đất Thủ đô văn hiến, nhà văn tâm trạng bồi hồi, xao xuyến, nghiêng mình chào Khuê văn các nơi Văn Miếu, run tay mó vào chân tượng đồng khổng lồ đền Quan Thánh, bâng khuâng về thần thoại rùa đớp kiếm nước Hồ Gươm... Sau đó, lại tình cờ thấy mặt một số nhà văn Hà Nội ông vẫn mến yêu những năm tháng dài nằm ôm mộng trường văn trận bút ở rừng xanh. Ngày nay, tay bắt mặt mừng anh em văn bút, thôi thì chuyện văn học, chuyện tình đời, chuyện “nhớ nước đau lòng con cuốc cuốc”, rồi đến chuyện yên hoa “nửa giấc yên hoa cười mộng cũ, hai hàng si lệ khóc tình xưa”.
Lan Khai bị cuốn vào câu chuyện hàn huyên chảy thao thao như thác loạn, cứ nghễu mặt ra, rồi thì dòng thác ấy cuốn phăng xuống xóm “Kính trời” (Khâm Thiên) mặc cho sênh phách cuốn hồn, nụ cười hồ li xé xác. Nhà văn ba đêm liền chết lịm trong mê hồn trận, do nhà thơ giang hồ vặt Tchya dẫn dắt. Sang ngày thứ tư, Lan Khai tỉnh dần ra, hồn phách trở về. Ông soi gương, ngắm hình bóng khăn xếp, áo the cũ rách, chán đời. Ông định đến Ngọ Báo đòi tiền nhuận bút, sắm bộ quần áo tây, mặc vào mình cho nó ra người, ra ngợm. Tchya gạt đi: “Không cần món tiền còm ấy. Anh đến nhà tôi, ngồi viết một tiểu thuyết lịch sử thật hay, với nhan đề thật ngộ đưa cho tuần báo Loa, họa sĩ Côn Sinh là chủ báo, cũng là một kẻ biết nhìn văn nhân và văn phẩm bằng mắt xanh. Nó sẽ trả anh số tiền lớn, đủ may bộ âu phục bảnh, đủ giúp cho các em bé xóm Kính trời”.
Thế là không quá hai tuần, nhà văn thiên bẩm về tiểu thuyết lịch sử đã viết xong Ai lên phố Cát, Côn Sinh nhiệt liệt hoan nghênh. Đọc Ai lên phố Cát thấy quý mến con người Lan Khai: trung hậu, chân thật, phóng khoáng, mắc chứng bệnh đa tình.
Lập tức, Ai lên phố Cát được báo Loa quảng cáo ầm ĩ, rồi đăng tải.
Báo Loa nổi tiếng. Các tuần báo, cả nhật báo khác, cũng xô nhau đặt cọc, thuê Lan Khai viết truyện dài lịch sử, tạm quên hai nhà văn sử học quá quen thuộc là Nguyễn Triệu Luật, Phan Trần Chúc. Tchya khuyên Lan Khai không nên viết bừa bãi, giá văn sẽ rẻ đi, phải biết từ chối, treo cao giá ngọc. Côn Sinh chủ báo Loa xin Lan Khai chỉ viết cho báo Loa. Côn Sinh giữ độc quyền cây bút sắc sảo của Lan Khai. Nhưng rồi Côn Sinh cũng không làm chủ được tài năng trí tuệ của con “người rừng” này được mãi. Vì cuộc sống của lũ vợ con kéo nhau về Hà Nội, Lan Khai phải tìm cách tự làm chủ bản thân mình. Ông được tiên ông, chủ động Tân Dân phố Hàng Bông, đọc Ai lên phố Cát mến tài Lan Khai, bảo tài xế đánh xe đến nhà thi sĩ Tchya đón rước Lan Khai về sơn động.
Gặp minh chủ, Lan Khai làm việc hết sức mình. Ông ngồi ghế lớn trong tòa soạn. Động chủ Vũ Đình Long dùng cả tòa nhà gác (xưởng in tầng dưới) trang trí văn phòng cho các nhóm nhà văn đặc trách tạp chí Tao Đàn, Ích Hữu, Tiểu thuyết thứ Bảy, sách nhi đồng Truyền bá, sách Phổ thông nửa tháng ra một số. Từng nhóm nhà văn ngồi riêng biệt, mỗi nhóm có một kẻ hầu chạy việc vặt do các nhà văn sai khiến, như mua thuốc lá, bia, rượu, đưa thư. Các nhà văn lão thành thuộc thế hệ bút lông ngồi phòng ngoài, bút sắt buồng trong. Cứ như là một Hàn lâm viện ở một nước châu Âu thế kỷ cũ.
Lan Khai, lúc này đã có ghế ngồi trên văn đàn Bắc Việt, mặc dầu mang danh chủ bút một tạp chí văn học, tiền lương tháng vẫn là số tiền quá nhỏ nhoi không đủ cứu lũ vợ con nheo nhóc giữa cái Hà thành hoa lệ.
Chính giữa lúc hữu danh vô thực ấy, chính giữa lúc nghèo nàn chen chân với thiên hạ giàu sang ấy, nhà văn Lan Khai, qua nhiều ngày mò mẫm vào các thư viện Thủ đô, trở về nhà bắt đầu không ốm mà rên vì mắc nhiễm đột ngột cái bệnh chơi sách đẹp.
Ôi chao, sách Thư viện Quốc gia, chất cao như núi, Lan Khai thấy rùng mình. Nhớ hồi còn thiếu niên, cậu bé lâm tuyền này một mình vẩn vơ trong khe đá, trên ngọn núi, thấy tảng đá nào hình thù quái dị thì sụp xuống, cung kính lạy, gọi là bái thạch vị huynh. Lạy đó, là vì cậu bé sơn nhân này một hôm nghe phụ thân vui chén kể chuyện về cái tính khí ngang tàng cao ngạo của văn nhân tráng sĩ thời xưa vào triều không sụp lạy vua nhưng đi đường thấy hòn đá lạ thì sụp lạy. Không phải lạy đá, mà lạy khí thiêng âm dương của trời đất, của vũ trụ đã trải triệu triệu năm hun đúc thành đá lạ. Thật vậy, trước kia, cậu bé Lan Khai chỉ biết vách đá cao sừng sững. Lúc này, nhà văn sử học Lan Khai nổi da gà trước những núi sách tưởng như dài vô cùng, cao vô tận. Núi đá lóe sáng dưới nắng nóng mặt trời. Ở đây núi sách lóe hào quang dưới ánh đèn chiếu sáng rọi vào những nét vàng in trên lưng sách, xếp liền nhau trùng trùng điệp điệp. Nhà văn đứng như đá mọc trước những hàng núi sách bìa cứng gáy mạ vàng, có sức hấp dẫn tâm hồn dễ xúc cảm, chỉ suýt chút nữa thì Lan Khai sơn nhân ngày cũ quỳ xuống lạy sách như lạy đá.
Mắc bệnh gì còn có thuốc, vướng vào cái bệnh si mê sách hay, sách đẹp thì không còn có thuốc gì ngoài tiền, mà bệnh nhân lại quá nghèo. Càng túng kiết, không mua được sách quý, không gây được một thư viện tại gia, sách hay hàng ngày, hàng vạn cuốn, sách đóng bìa cứng, bọc gấm vóc, vàng son chói lọi, con người “dâm sách” Lan Khai càng rên xiết vì con trùng sách ngày đêm hành hạ, nguy hơn trùng lao, trùng hủi.
Lan Khai đã mê sách hay, sách đẹp, lại mê cả cách chơi bản thảo của chính mình mỗi khi phác họa một tác phẩm đã chín mùi trong não. Chỉ là bản nháp thôi nhưng ông rất coi trọng bản nháp, phải viết nó trên giấy trắng, dày dặn, bút mực phải tốt. Phải thuê thợ đóng bìa gáy mạ vàng, gáy sách phải có bốn gân. Phải có triện đóng vào bìa sau sách, triện đủ loại, triện lá lật, triện âm, triện dương...
Đó, bản thảo của nhà văn nghèo yêu cái đẹp, cái sang, cái hiếm. Viết kín tập bản thảo đầu đóng bìa đẹp, đắt tiền như vậy, ông đọc lại, sửa chữa cắt xén, sửa đi sửa lại, chữa chán chữa hồi, sửa chữa đến nỗi mấy trăm trang viết chữ như rồng như phượng, bị bôi trát nhem nhuốc, đưa cho nhà xuất bản, họ phải khước từ, nói là không đọc nổi, thợ nhà in sắp chữ cũng xin thua. Thế là nhà văn có tính chơi ngông này lại vác tập bản thảo về, móc túi vợ, lần lưng con, cố gom góp số tiền nữa đến nhà đóng sách giỏi nhất Hà Nội là nhà Trung Ký ở vườn hoa phố Cửa Nam, ông còn nhăn nhó khi vợ thở than cái bệnh chơi bản thảo đẹp của ông chồng túng kiết. Tập bản thảo thứ hai lại đẹp hơn tập đã vứt đi. Ông ngồi chép lại, khó nhọc như trâu cày, ngựa kéo. Các bạn văn thấy vậy, thương ông. Họ cười nói đùa ông:
- Cái bất tử là văn hay. Bản thảo miễn là viết rõ cho thợ sắp chữ khỏi la trời là được. Cái vỏ áo mũ đẹp, không biến con quỷ thành ông thánh.
Câu nói đùa ấy không khiến Lan Khai giận. Bởi vì khi chơi cái bản thảo cầu kỳ, đắt tiền ấy Lan Khai đã qua ba tháng trời, rút mồ hôi, hơi thở, viết Mực mài nước mắt, một thiên ai sử tặng làng văn.
Đã muốn là phải được. Nén chịu ba năm khổ nhục, nhà văn mê sách đã cố sức gây được tủ sách gia đình. Khá nhiều pho sử cổ kim, khá nhiều tác phẩm Âu Tây cổ đại, trung đại, hiện đại đã có mặt và mặc áo đẹp, đứng hiên ngang trong tủ kính. Thậm chí, ông đã nhờ ông bạn quý, nhân chuyến công du Pháp quốc, đến bờ sông Sein tìm hàng sách cũ. Ông già bán sách Đã muốn là phải được. Nén chịu ba năm khổ nhục, nhà văn mê sách đã cố sức gây được tủ sách gia đình. Khá nhiều pho sử cổ kim, khá nhiều tác phẩm Âu Tây cổ đại, trung đại, hiện đại đã có mặt và mặc áo đẹp, đứng hiên ngang trong tủ kính. Thậm chí, ông đã nhờ ông bạn quý, nhân chuyến công du Pháp quốc, đến bờ sông Sein tìm hàng sách cũ. Ông già bán sách đã trao cho ông bạn ấy ba pho sách của ba nhà văn lớn kỷ nguyên Ánh sáng, loại thực, không phải giả.
Có một số khá đông, hàng ngày rình xem giờ nào Lan Khai ở nhà báo về, đến gõ cửa, xin vào xem nhờ một cuốn nổi danh, chỉ tìm thấy trong thư viện Lan Khai. Có một số đến xin ghi chép, chụp ảnh những trang hay. Khi chúng rút lui, nhìn vào tủ thấy khuyết đi một chỗ.
Lan Khai nhăn nhó, hoảng hốt, lại ngửa tay xin vợ đủ số tiền đi chuộc sách về cho đủ bộ. Ngày ấy, ở Hà Nội, có một nhà chuyên mua sách cũ, tức là sách ăn cắp được. Nhà đó ở phố Hàng Trống, số 64. Bạn bè, kể cả mấy bạn chí thân, cũng mượn sách không trả lại. Đến nỗi, người mê sách phải viết lên tấm biển, treo ngoài tủ kính:

“Có thể cho mượn vợ. Không cho mượn sách” (!)

Báo Người Hà Nội, số 46, 24/11/1996
Tái bản trong tập “Hà Nội cũ nằm đây”, NXB Phụ Nữ - 2015

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét