Thứ Hai, 13 tháng 6, 2022

Hồi ức về nhà thơ Nguyễn Bính - ký Ngọc Giao

Hồi ức về nhà thơ Nguyễn Bính

Tác giả: Ngọc Giao

Giờ đây là mùa thăm viếng Chùa Hương. Đã quá lâu rồi, tôi không còn sức khỏe, không còn hứng thú rủ bạn văn đi vãn cảnh động Nam Thiên. Không còn cái thú được nhìn các cô gái hái mơ. Nhưng giữa phố phường Hà Nội, lão già tôi còn đủ sức chống gậy đi nhìn các cô gái bán mơ, trên mấy vỉa hè bốc bụi kinh thành. Nhìn những thúng mơ đầy, những bàn tay cô gái bán mơ thoăn thoắt bốc mơ trao cho khách, làm sao tôi không thể nhớ đến bài thơ Rừng mơ bất hủ của thi nhân Nguyễn Bính. Bởi vậy, sớm nay tôi cố ngồi nghĩ về anh, viết về anh.
Viết hồi ký là gì nhỉ? Là thẩn thơ nói chuyện với hồn ma. Ít lâu nay, tôi đã nói chuyện khá nhiều với các anh, những con người chí thiện thuở thiếu thời. Hỡi những hồn ma thân hữu của tôi ở bên kia cõi thế. Nếu quả có linh hồn thì các anh đã có thể đọc tôi, nghe tôi khóc thương cái chết, phần đông là chết quá trẻ của các anh trên những trang giấy đầy nhân hậu, đầy tình nghĩa, thủy chung này. Tôi nhắc đến các anh cả cái tốt và đôi khi có cả ít điều gọi là cái xấu.
Bọn văn bút chúng mình, hãy can đảm nói to lên, chúng ta viết khôn mà sống dại, chỉ vì nhân hậu, chỉ vì tình nghĩa, chỉ vì quá hào hoa phong nhã trong cái nghèo, cái khổ. Nhà tiểu thuyết Lê Văn Trương, Lan Khai, Vũ Trọng Phụng thuộc vào loại người tiêu biểu cho cái phóng khoáng này.
Tôi viết về các anh, những hồn ma sống dại chết khôn, chính là cái lão già này, cũng sống dại và chết dại, làm cái công việc đọc kinh sám hối, nói theo lời đạo là rửa tội.
Gần đây một bức thư của một bạn văn tên tuổi ở miền Trung [nhà thơ Hoàng Phủ Ngọc Tường] - một cử nhân triết học - bay đến tay tôi. Qua bốn trang giấy dày, anh triết luận về cái sống và cái chết của Kipling, của Sartre, của anh. Anh đã đọc tất cả các bài hồi ký của tôi. Tôi xin trích một đoạn ngắn trong thư, nhà triết học trẻ tuổi này ngỏ ý về ký sự:

Cháu rất mong những bài anti-mémoire của bác, để nhìn lại lịch sử dưới con mắt của một nhà văn đã trải cuộc sống, đủ năng lực phán xét thực sự. Ai cũng có thể viết mémoire được nhưng viết anti-mémoire thì chỉ một số người đủ trung thực, và đủ trí tuệ để phán xét về sự thực ấy... ”.

Tôi coi những câu này là lời tâm đắc, khích lệ tôi, dầu não yếu, tay run, vẫn cố sức viết ký sự nói về những hồn ma chí thân chí thiết của tôi, đồng thời, nói với những người còn tồn tại trên cõi thế gian tạm bợ này về những nghiệp văn oan trái của một số người trước kia đã cúi đầu hứng chịu những roi đòn định mệnh.
Như tôi thường nhắc nhiều lần, bọn viết lách chúng tôi, thời cũ, sống với nhau, cũng như đối với cuộc đời hết sức trân trọng, hết tình thân ái. Chúng tôi luôn giữ cách sống cho phong nhã, nghiêm chỉnh mà vui vẻ, lễ độ, dù chung sống với cô gái yên hoa, sa chân lỡ bước...
Ngày ấy đã quá xa rồi, ngày nay tôi thấy một số bài viết phê phán, có thể nói là giễu cợt...
Thưa rằng, không có những trò hề ấy ở thời chúng tôi. Quả tình chúng tôi có lạy nhau, chỉ khi nào trong phòng kín, chúng tôi bái phục một áng văn tuyệt bút của tiểu thuyết gia này, nhà thơ nọ. Lê Văn Trương, Lan Khai, những con người ngang bướng ấy, đã nhiều lần vái lạy Vũ Hoàng Chương, J. Leiba, Đinh Hùng, Nguyễn Bính... Người xưa, nhất là kẻ sĩ, đi vào triều kiến hoàng đế, có khi không lạy, nhưng đi đường, thấy tảng đá núi dáng hình kỳ lạ, ông ta vội thụp xuống lạy, gọi là “bái thạch vi huynh”. Kẻ sĩ biết ngẩng cao đầu, cũng có lúc biết cúi đầu.
Ô này, tôi đã lạc đề rồi. Xin trở lại với mấy cô bán mơ trên vỉa hè, nghĩ về mấy thôn nữ hái mơ rừng Chùa Hương của thi nhân Nguyễn Bính.
Tôi nhớ năm 1939, một bọn nhà thơ thành phố Nam Định, trong đó có Hiếu Lang, tức Đồ Đức, Võng Xuyên, Nguyễn Bính, Việt Quyên (nhà thơ trào phúng tuyệt vời), Nguyệt Hồ họa sĩ, cuối là tôi. Các ông đều chết cả rồi. Nay còn sót lại họa sĩ Nguyệt Hồ (nhiều năm minh họa cho Tiểu thuyết thứ Bảy, nay đã 92 tuổi).
Chúng tôi thuê chiếc thuyền lớn trên sông Đáy, khởi hành từ Phủ Lý vào Bến Đục, Chùa Hương. Trong thuyền, ngoài lũ chúng tôi, còn có một đào nương ca trù, một ông kép đờn luống tuổi. Trong khoang rộng trải chiếu hoa, đặt một khay đèn nha phiến, theo đề xuất của nhà thơ Nguyễn Bính. Thời ấy chuyện mượn “ả phiến” làm khuây là chuyện rất bình thường. Cuộc họp mặt bình văn nào, cuộc du hí lớn nhỏ nào cũng không thể vắng nàng tiên nâu nũng nịu, duyên dáng.
Thuyền rời bến Phủ Lý vào chập tối. Đàn đáy đã rung tơ, phách đàn nương đã hòa nhập cùng sóng vỗ mạn thuyền. Tiếng trống của Hiếu Lang đã lách vào đàn, vào phách, khuyên những lời văn đẹp ca trù của Nguyễn Công Trứ, Tú Xương, Tản Đà, Dương Thập Lang (con Dương Khuê, một tay chơi sành sỏi như tiến sĩ phong lưu Nguyễn Khản).
Con dê buộc ở đầu thuyền đã được ông lái thuyền hóa kiếp. Ông và cô gái xinh đẹp đang dọn tiệc. Nửa đêm, trời đổ cơn giông, gió xoáy, sấm ran trời, mưa trút. Gió giật mạnh liên hồi, con thuyền tuy được cha con ông lái già cố điều khiển mà vẫn trườn lên ngụp xuống, có khi quay theo sức lốc.
Chúng tôi không ai biết làm dấu thánh, cũng không ai biết “nam mô” chỉ nhìn nhau bình tĩnh chờ thăm Hà bá. Nhà thơ Nguyễn Bính bình thản hơn ai hết, anh vẫn nằm bên ả phù dung, tay che ngọn đèn gió thổi, tay vẫn múa tiêm như Quan Vũ múa đao.
Thế rồi, sóng gió im dần. Nguyễn Bính nói đùa: Lũ mình thì trời chu đất diệt cũng không nổi, kể gì cái gió xoáy này.
Sáng hôm sau đã đến Chùa Hương. Chúng tôi nhập cùng thiên hạ, một chốc đã không thấy Nguyễn Bính đâu. Mãi đến gần bữa ăn chiều, mới thấy gã về nhà trọ tìm chúng tôi. Trong bữa ăn Nguyễn Bính uống nhiều rượu hơn thường, miệng luôn lẩm bẩm, có lúc, rút sổ tay ra ghi vội đôi câu gì đó.
Sau này tôi mới biết, thì ra Nguyễn Bính đang thai nghén bài thơ Cô gái hái mơ từ thuở ấy. Thoạt đến Chùa Hương, anh đã một mình lẻn vào rừng mơ, một mình cấu tứ. Điều khiến tôi lạ là Nguyễn Bính chưa bao giờ phải đăm chiêu vò tóc về việc hoàn chỉnh một thi phẩm dài ngắn và khó dễ. Anh thường ứng khẩu đọc trước mọi người, coi việc sáng tạo một bài thơ dễ dàng như tớp rượu. Bài Cô gái hái mơ nằm trong đầu Nguyễn Bính từ năm 1939. Vậy mà cho đến gần đây viên ngọc bích ấy mới sáng rực lên khi anh đã vĩnh viễn đi vào cõi tối, tan vào nơi cảnh ảo.
Thi nhân Nguyễn Bính quả là một thi nhân rất dễ thương khi anh say túy lúy. Bộ mặt da nâu lúc nào cũng như nhẫy mồ hôi. Vẻ mặt chỉ nghiêm nghị lúc nào ngậm miệng, không có chén bên tay trái mà chỉ có bút bên tay phải. Nói là cười, cái cười nhếch mép. Chẳng bao giờ nói to, không hề cầu xin ai kể từ đồng xu nhỏ đến đôi tất rách. Uống khó bao nhiêu thì ăn và mặc, nhất là mặc cẩu thả không nói được. Tính này giống hệt Nguyên Hồng. Tôi nhớ một hôm Bính đến chơi nhà tôi. Thấy Bính quần áo nhem nhuốc quá, tôi mở tủ lấy bộ đồ mới may, cho đến cả sơ mi, quần đùi, rồi ngọt ngào mời thi sĩ thay cái vỏ ấy vào người. Nguyễn Bính trợn mắt nhìn tôi, mặt hầm hầm: “Các ông sợ tôi rách rưới, coi tôi như hủi, không dám chơi với tôi nữa à? Sợ xấu hổ à? Thế thì thôi, cái kẻ rách rưới này xin vĩnh biệt các ông!”. Nhà thơ ôm vội mớ bản thảo, định ra đường. Ngay lúc đó, Vũ Hoàng Chương, Đinh Hùng, Đoàn Phú Tứ bước vào. Tôi ra hiệu. Đoàn Phú Tứ, cản lối ra. Vũ Hoàng Chương níu áo Nguyễn Bính giữ lại. Tôi phân trần. Bộ ba Đinh Hùng phải họa lời, đề nghị Nguyễn Bính chấp nhận tặng vật và lòng yêu kính của bạn. Nguyễn Bính nguôi tự ái, cười to, vào phòng tắm gội, thay bộ đồ mới, lại như một công tử thư sinh. Sau đó, chúng tôi hò nhau xuống xóm. Bính phản đối đề nghị xuống xóm (Khâm Thiên, Vạn Thái) mà anh muốn “sang sông” nghĩa là qua cầu Bồ Đề, sang Gia Thượng, Gia Quất (Gia Lâm).
Rồi những năm kháng chiến, thi nhân Nguyễn Bính vào Nam, chúng tôi xa nhau, tưởng chừng muôn thuở. Nhưng may sao, 1954, lại thấy nhau trong bốn bàn tay nóng hổi. Bính ở Hà Nội có một mình, tâm sự một lần trên miệng chén đầy, rằng anh ra Bắc, để lại bên dòng sông Thu Bồn một cô vợ trẻ đẹp, một đứa con thơ.
Không thể nào xa cây bút, Nguyễn Bính xoay xỏa cả tám phương, lấy tiền để ra tuần báo Trăm hoa. Tôi chưa kịp viết gì cho bạn cố tri, chỉ đến tìm anh, thăm báo. Ngồi bên anh, tôi thấy một nàng nho nhỏ, khá xinh tươi. Anh nháy mắt ra cái điều cô nàng là nữ thư kí của Trăm hoa. Tôi thấy lo sợ thay cho cô gái non trẻ ấy. Hàng ngày, có thể cả hàng đêm giữ gìn sao được tấm thân mình bên con quỷ rượu. Chỉ ít ngày sau, báo Trăm hoa, đâu như mới ra ba số đã tàn rồi, nghĩa là đã chết.
Nhà thơ chỉ biết ngẫu hứng làm thơ, đâu có biết gì về kinh tế, về phương pháp điều khiển tờ tuần báo, từ bài vở, đường lối chính trị, đến việc tiếp cận các người trợ bút, cận tiếp nhà in... Nhà thơ không thể trở nên nhà báo mà không cần học hỏi. Trăm hoa chết không trống kèn. Riêng cô nàng thư ký đi đâu? Tôi nghe thiên hạ đồn cô đã trở thành phu nhân Nguyễn Bính. Tôi không tin và cũng không cần tìm hiểu rõ, coi đó là chuyện quá thường.
Nguyễn Bính về Nam Định sống với gia đình, coi như an phận. Chị Bính là người hiền hậu, nết na. Chị hàng ngày ra chợ Rồng, thu nhặt từng xu từng hào với mẹt bày quả chanh, quả ớt. Chị tháo mồ hôi, phai tàn tuổi trẻ, làm sao cho hàng ngày có đủ rượu, đồ nhắm, bồi dưỡng cho ông chồng thơ.
Ngày tháng qua đi trên cái thị xã tẻ buồn. Một ngày gần Tết, người ta tấp nập đón xuân. Nguyễn Bính quá nghèo, chị Bính đành bất lực với cái mẹt ớt chanh cay chua ấy. Bính quá buồn, một buổi sáng gió đông se lạnh, anh lững thững rời đất Vị Hoàng, đến một thôn xóm ven đô. Tình cờ, anh gặp một người lạ mặt. Ông này đã biết Nguyễn Bính, chịu tài Nguyễn Bính, vồ vập ngay Nguyễn Bính, nói rõ lòng thán phục nhà thơ, tự giới thiệu là Hân, cựu y sĩ thời cũ, xin kính mời thi nhân về nhà uống rượu.
Tất nhiên, nhà thơ không từ chối. Sự tiếp đãi quá nồng hậu, với rượu đế thơm ngon, đồ nhắm tốt, lại thêm ông Hân còn có huê viên, mai trắng, đào phai, hải đường, hoàng cúc nở rộ. Chủ nhân mời khách quý ngồi dưới gốc mai, đào, đánh chén liền qua Tết. Bà Bính không biết ông chồng thơ ở mô tê, bà đi tìm kiếm. Ông thi sĩ không cần biết chuyện vợ tìm, cứ uống tối ngày với đào, mai.
Thế rồi, trưa một ngày đầu Giêng, nhà thơ vẫn chưa tắm rửa, thay quần áo. Trong người ngứa ngáy không chịu được, mặc cơn say, nhà thơ bò ra bờ ao nhà ông Hân. Bính lao đao bước xuống ván cầu, ngồi cởi áo, xắn cao ống quần, vốc nước ao bèo gội tóc, rửa mặt, rửa cả mình. Xong, áo vắt cánh tay anh lại lao đao bước khỏi ván cầu. Cơn gió bấc phào thổi đến. Nguyễn Bính thấy trời đất xoay tròn, anh chỉ kịp kêu một tiếng, rồi cả thân hình đổ sấp xuống, mặt úp vào bùn nước, máu mũi rỉ ra. Anh vừa mổ dạ dày ít đó không lâu. Có lẽ anh chết vì bục dạ dày.
Nhà thơ thiên tài Nguyễn Bính đã đi rồi, sự thực như thế đấy. Anh rời cõi đời giữa mùa mơ rừng Chùa Hương gửi hương cho thiên hạ, và kết trái, cùng với bài thơ Cô gái hái mơ của anh giao duyên với những ai bấy lâu yêu thương Nguyễn Bính, suốt từ Nam đến Bắc, qua từ già đến trẻ, nữ như nam, có học như thất học.
Nguyễn Bính ơi, anh đã đi rồi! Thôi nhé! Hôm nay người bạn già này tâm niệm, uống hớp nước mơ do bà vợ già đưa trong khi đang viết về anh, đang nói với anh, với một hồn ma lang thang như làn sương khói trong rừng mơ ấy.
Nguyễn Bính ơi, anh đã đi rồi! Thôi cũng cứ coi là một việc bình thường của kiếp phù du. Xưa Lý Bạch say rượu vồ trăng, chết chìm trên dòng sông lớn. Nay thi nhân Nguyễn Bính cũng say, chết nổi bên vũng nước ao bèo, âu cũng là cái chết, bằng cách nào cũng là cái chết. Và Bính ơi, nó cũng nhẹ nhàng như
... rừng mơ hiu hắt lá mơ rơi.

(In trong Đốt lò hương cũ, Nxb Khánh Hòa, 1992)

Tái bản trong tập “Hà Nội cũ nằm đây”, NXB Phụ Nữ - 2015

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét