Thứ Hai, 13 tháng 6, 2022

Hồi ức về Lê Văn Trương - ký Ngọc Giao

Hồi ức về Lê Văn Trương

Tác giả: Ngọc Giao

Thời tiền chiến, 1930-1945, kể về số lượng tác phẩm. Lê Văn Trương là một nhà văn lớn. Theo tôi nhớ, ông có tới 60 tiểu thuyết dài, không nói khá nhiều truyện nhỏ đăng trên các báo khắp ba miền trong nước. Ở miền Nam, nhất là tại Sài Gòn, tủ sách nhà nào cũng có Lê Văn Trương. Giai đoạn ấy, văn học lãng mạn thịnh hành. Về mặt chính trị, con người, nhất là giới trí thức, lâm vào đời sống tinh thần bế tắc, đứng ở ngã ba lịch sử kể từ sau cái đêm Yên Bái đỏ, mười ba cái đầu yêu nước, cùng một lúc, rụng dưới lưỡi dao thực dân Tây.
Bắt đầu từ 1932, xuất hiện Lê Văn Trương trong làng báo, làng văn. Họ Lê ra mắt độc giả một cách khiêm tốn với những bài ngắn đăng đều hàng ngày trên nhật báo Trung Bắc Tân Văn của ông Nguyễn Văn Luận (bố nhà cử nhân văn chương thứ nhất của Việt Nam - ông Nguyễn Khắc Kham ở Pháp về, thiên hạ hồi ấy quen miệng gọi là cậu Cử Kham). Trên báo Trung Bắc Tân Văn mỗi ngày một cột trang đầu, không hề thiếu vắng tên Cô Lý (cô lý luận) nội dung triết lý, hài hước, nói về các tầng lớp xã hội, đả kích rất chua cay. Quan lại phần lớn bị ông xỉa bút vẫn làm ngơ, Tây cũng mần thinh, không có dấu hiệu gì phản ứng. Tờ nhật báo của ông Luận nhờ Cô Lý được nhiều người yêu mến, làm ngả nghiêng mấy bạn đồng nghiệp Ngọ Báo của Bùi Xuân Học, Đông Pháp của Ngô Văn Phú, Tia Sáng của Ngô Vân...
Được hơn một năm, Lê Văn Trương thôi viết báo, bắt đầu sáng tác văn học. Tôi không nhớ tác phẩm đầu tay là cuốn gì, chỉ biết rằng ngay từ bước đầu, chủ động Tân Dân Vũ Đình Long đã rung đùi xoa tay, hài lòng với tiểu thuyết Cô Ba Trà của họ Lê. Thuở ấy, người ta đang say sưa với mớ tiểu thuyết tình lâm li của Pháp như Trà hoa nữ, Mai Nương lệ cốt, Graziella... Độc giả nữ mê say và ảnh hưởng đến mức đã xảy ra mấy vụ “trầm hương đắm ngọc” ở Hoàn Kiếm, Tây Hồ. Về vụ đó, đáng kể nhất là vụ “Tuyết Hồng lệ sử”. Cô gái đẹp Hà thành này là Hội viên hội “Phi Cao đẳng bất thành phu phụ”. Hội viên nào phạm nội quy: Không lấy chồng sinh viên Cao đẳng sẽ bị tử hình. Cô Tuyết Hồng, vì khuôn phép giáo dục gia đình đã bị bức bách lấy một thanh niên tên là Đạm ở phố Hàng Mã. Ngay hôm đón dâu, cô nhận được bản án tử hình. Cô vẫn bình tĩnh lên xe hoa, rồi sớm ngày nhị hỉ, một nữ đao phủ đứng đón Tuyết Hồng tại đầu phố Hàng Mã, áp đảo cô lên Tây Hồ, đọc bản án, rồi lập tức đưa mình xuống nước.
Nhân vật cô Ba Trà của Lê Văn Trương cũng như các nhân vật nam nữ khác ở mọi tiểu thuyết của ông không hề có hành động, tư tưởng yếu hèn, sống khổ, chết khổ vì tình. Ông quyết liệt chống đối lối yêu đương, lề thói hôn nhân ngu muội của cái bọn nữ ma đầu tư sản “Phi Cao đẳng bất thành phu phụ” đó. Từ Cô Ba Trà, tiếp đến Cô Tư Thung, ông được độc giả hoan nghênh. Đây là hai cô gái đẹp, nổi danh tài sắc của Sài Gòn, yêu tỉnh táo, yêu cuồng bạo với thủ đoạn dẫm lên đầu kẻ đàn ông, không hề biết khóc, không hề quỳ gối trước mấy ông nghị gật, mấy anh nhà giàu đốt giấy bạc kiểu công tử triệu phú Cần Thơ. Hai cuốn tiểu thuyết này đã khiến những chàng, những nàng vốn tôn thờ Mai Nương lệ cốt, Trà hoa nữ... quay đầu về phía Lê Văn Trương, ôm ấp tác phẩm của ông, và đón đợi những tác phẩm sau. Cuốn truyện ra tiếp đó là Người anh cả, in thành hai tập loại Phổ thông bán nguyệt san của Tân Dân. Đây cũng là một tác phẩm đáng ghi nhớ. Nhân vật chính chỉ là một chàng trai nhà nghèo, sau lưng anh, một đàn em nheo nhóc đói ăn, thiếu học. Người anh cả đã lao vào cuộc sống kiếm tiền nuôi lũ em, dạy dỗ, dẫn dắt chúng, trở nên những con người hữu dụng. Câu chuyện cũng rắc rối, phức tạp, li kỳ như Anh em nhà Karamazov của Dostoievxki. Tác phẩm Lê Văn Trương chủ yếu dựng lên những nhân vật, nam cũng như nữ, phải có một cơ thể mạnh để chứa đựng một tinh thần mạnh. Bởi thế, thời đó, người ta mệnh danh ông là nhà văn triết lí người hùng với luận điệu nửa đùa, nửa mến. Thời kỳ ấy, một số đông trí thức hâm mộ hai nhà văn chủ trương con người phải mạnh. Đó là Nietsch và Kant. Lê Văn Trương tán thành ảnh hưởng chủ thuyết này. Lê Văn Trương luôn nghĩ con người phải nuôi dưỡng tinh thần mạnh, ý chí nam nhi. Ông thường nhắc nhủ “Soyons hommes!” (Hãy là Người!) Và với luận cứ ấy, ông bám chặt vào con người hùng trong tất cả sáng tác của ông. Giữa giai đoạn này, xuất hiện một số trí thức tôn sùng André Gide qua tiểu thuyết La porte étroite (Cửa hẹp). Ô famille, je te hais (Gia đình, ta căm thù mi). Nhà thơ Lưu Trọng Lư đã là tín đồ của Gide. Bài thơ tứ tuyệt của ông đăng trên Tiểu thuyết thứ Bảy, tôi đã bảo thợ đóng khung trang trọng:
Vô liêu như chiếc đồng hồ
Đôi kim đã chết trên giờ thê nhi.
Sông hồ thưa vắng biệt li
Người lành của rẻ có đi cũng sầu.
Tâm trạng những người trí thức, nhất là những văn nghệ sĩ, như tôi đã nói, đứng ở ngã ba lịch sử, ngày tháng rối ren, không biết làm gì, không biết đi đâu, ngoài những chuyến đi giang hồ vặt.
Lê Văn Trương, ngược lại, không tán thành A. Gide, không căm ghét gia đình, coi gia đình là cái lồng hẹp, nhốt đại bàng. Ông càng viết khỏe, càng bảo vệ chủ thuyết yêu cuộc sống, vượt qua mọi thăng trầm. Hồi đó, một số người nhắc đến Lê Văn Trương với giọng mỉa mai, xem ông là người hùng kiểu Đông Ki Sốt đánh cối xay. Và cho đến ngay cả bây giờ, thanh niên chưa hề đọc Lê Văn Trương, cũng tưởng Lê Văn Trương là người hùng loại cao bồi phong kiến.
Số lượng tác phẩm khổng lồ của Lê Văn Trương, trước khi in, tôi đều đọc bản thảo, thật tình, chưa hề bắt gặp một truyện nào thiếu đạo đức, vắng cái hào khí của con người đất Việt.
Tôi tưởng cũng cần phác họa dáng dấp nhà văn Lê Văn Trương. Ông cơ thể to cao, da ngăm đen, trán hơi gồ, cặp mắt tinh khôn, có một hột cơm dưới đuôi mắt phải, tiếng cười sảng khoái, đi đứng ung dung, chững chạc. Bạn bè quý mến tính hào phóng, lễ độ, ngang tàng, chân thật, gắn bó với bạn văn nghèo. Gần họ Lê, không có gì đáng phải đề phòng. Duy có điều đáng ngại là mỗi lần gặp nhau, cái bắt tay thân ái của ông khiến người được ông chào phải cố gắng giấu nét mặt đau đớn trong bàn tay sắt của ông. Thật vậy, bàn tay Lê Văn Trương không phải sinh ra để cầm bút, mà để bóp chết những kẻ nào mà ông căm ghét. Mỗi lần Lê Văn Trương đến động Tân Dân hoặc nhà xuất bản nào đó, về đến nhà thì anh em văn hữu, được ông hẹn, đã ngồi chật căn nhà lá hẹp ông thuê tại Ngã Tư Sở, gọi đùa là “Chiêu Anh Quán”, cũng được mang cái tên nữa là Lương Sơn Bạc, bạn bè đùa ông là Tống Công Minh.
Bà vợ cả Lê Văn Trương quanh năm ở ngôi nhà dưới ngõ Chùa Vua với hai con trai, một con gái. Bà cả người miền Nam, dáng điệu cốt cách ung dung như một phu nhân mệnh phụ. Cạnh bà vợ quá nghiêm túc, ông tìm hết cách sống riêng, xa vợ, xa con. Và, quả vậy, ông đã sống riêng với một nàng kỹ nữ (chị Đào) nhảy ở tiệm Fantasio, phố Hàng Bông. Bà cả không hề phản đối, không hề liếc mắt ngó coi ông chồng nghệ sĩ sống cách nào.
Những ngày trong túi có món tiền bán sách, ông hô bạn đến nhà, cơm rượu suốt đêm ngày, cầm bằng như đốt bạc. Ông có hai đồ đệ tận tụy trung thành là hai gã trẻ tuổi Đặng Đình Hồng, Tân Hiến. Hồng thấp bé, những ngày đói rách, đã từng làm cái nghề đi tuyên truyền đạo Tin Lành ở khắp nơi. Hiến thì cao lớn bên cạnh vẻ thấp lùn của Đặng Đình Hồng. Tân Hiến tháo vát, khỏe mạnh, tính nết hiền hòa. Tôi nhớ mỗi lần tôi vào “Lương Sơn Bạc”, thăm Lê Văn Trương, thấy bóng tôi từ đầu ngõ, ông đã vui vẻ hô to: “Kìa, đại ca đã đến, chú Hồng, chú Hiến đâu mau đi làm việc”. Làm gì, tôi kinh ngạc tự hỏi? Thì ra, ngay lúc đó, Tân Hiến đã với tay lên vách, lấy cây lao sắt nhọn. Còn Đặng Đình Hồng thì cắp cây nỏ và một túi tên tre. Tuần trà vừa trọn, ngoảnh ra sân, thấy hai cao đồ của họ Lê đã xách về một chú gà, một chú vịt, và không thiếu một xâu cá béo bắt trộm ở ao trong xóm. Những nhà văn, nhà thơ gần gũi Lê Văn Trương hồi ấy là Nguyễn Bính, Lan Khai, Trần Huyền Trân, Thâm Tâm... lẫn cả anh chàng Viễn, một tay đồ tể khét tiếng ở lò sát sinh Lò Đúc. Làm nghề chọc tiết lợn, nhưng Viễn rất yêu mến, hiểu biết về văn học, hào hiệp như một hảo hán thời Đông Chu liệt quốc. Bài thơ Tống biệt hành bất tử của Thâm Tâm chính là ông gửi tâm sự vào đó trong bữa rượu tại nhà Lê Văn Trương, chia tay Viễn, đi xa... Thâm Tâm ứng khẩu đọc bài thơ ấy trên chum rượu bến Hồ. Nhắc đến Thâm Tâm tôi không thể nào không thương nhớ con người gầy choắt, cao thước rưỡi, hầu như không nói, không cười. Có cảm giác, con người Thâm Tâm, sâu như cái giếng. Rượu uống chẳng kém gì thi sĩ đời Đường. Thơ ứng khẩu nhanh chẳng kém Tào Thực nhà Hán. Con người nhỏ bé này chưa hề biết sợ ai. Chúng tôi thường ví Thâm Tâm là Yêu Ly, là Lạn Tương Như đất Triệu. Cũng ví Lê Văn Trương là đại tướng Liêm Pha, cũng người nước Triệu. Một Lạn Tương Như nhỏ bé, một Liêm Pha thét lửa, cả hai đều khiến bạo Tần phải nể.
Lê Văn Trương chịu đọc sách, nghiên cứu sâu văn học Pháp, từ thế kỷ Ánh sáng. Nhưng ông không khoe sách trong câu chuyện văn học với bạn bè.
Về sức mạnh, họ Lê luôn khiêm tốn. Hồi ấy, ở Hà Nội, phố Hàng Trống có một lực sĩ tên là Nguyễn Lộc, mở lò dạy võ, chụp hình trên sách báo, bắp thịt trông ghê như nhà quyền anh vô địch thế giới Tyson ngày nay. Nguyễn Lộc vắng đồ đệ, có cơ đói rách. Có người xui Nguyễn Lộc thách đấu với Lê Văn Trương, mà thiên hạ thì thầm nhà văn này là cao thủ gồng Trà kha, vũ thuật Cao Miên. Chuyện ấy đến tai Lê Văn Trương. Trương chỉ mỉm cười. Sau lại nghe vũ sĩ Nguyễn Lộc được báo đưa tin ông vừa biểu diễn võ nghệ cho công chúng nhìn tận mắt: trước một tấm mành che cửa, ông Lộc phất tay một cái là lá mành tự động cuốn lên chừng bốn mươi phân. Sau đó, ông Lộc đứng bên một miệng giếng, nước cao gần bằng thành giếng, ông phất tay, làm cho mực nước dâng lên, sóng lăn tăn bắn ra ngoài giếng. Rồi thì báo chí đăng rầm rĩ ca ngợi Nguyễn Lộc quá trời. Báo Đông Pháp lại mạnh hơn, tung ra cái tin vũ sĩ Nguyễn Lộc thách đấu với nhà văn gồng Trà kha Lê Văn Trương.
Đã có một lúc, Lê Văn Trương mất cái bình tĩnh thường ngày. Ông định nhận lời thách thức đó. Chúng tôi vội xúm lại hết lời can ngăn, nhắc ông: dù thắng bại cũng làm trò cười thiên hạ. Nguyễn Lộc, bán sức kiếm ăn như một anh mãi võ, thua không ai cười. Nhà văn Lê Văn Trương mà bị Lộc đánh ngã trước quần chúng thì đó là cái nhục chẳng riêng cho ông, mà nhục chung cho cả làng cầm bút. Cuối cùng ông nghe chúng tôi, rồi câu chuyện lố bịch ấy cũng qua đi.
Năm tháng không đứng lại. Chúng tôi tan tác dần, mỗi người một ngả, vác bút đi kiếm ăn ở khắp ba kỳ. Chao ôi, cái nghề viết mướn may thuê!
Lê Văn Trương vẫn ở ngôi nhà lá cũ với hai đồ đệ, với kỹ nữ Đào, người đàn bà xinh đẹp, hiền hậu, cơm nước, hầu hạ ông chồng càng thêm tuổi càng sinh biến tật, nóng nguội thất thường.
Ông vẫn viết, quanh năm ít có một ngày nghỉ bút. Chỗ làm việc của Lê Văn Trương là một góc gian phòng tối. Những hôm thời tiết đông âm u tối, ông bảo đốt nến trắng, soi bản thảo. Một bàn giấy gỗ mọt, một ghế gần như còn có ba chân. Ông ngồi đó, mặt đăm chiêu, suy nghĩ. Trên bàn giấy, ngay trước mặt đặt một cái sọ người luộc kỹ, sọ bóng lên bởi nhiều bàn tay đã mó vào. Ông ngồi đó, môi mím chặt, mắt trũng sâu, dưới tay một chồng giấy bản thảo. Chúng tôi lặng lẽ ngắm nhìn cái đầu ông lẫn với cái đầu lâu sọ người nào đó lung linh trong ánh nến. Theo thói quen, có khi mạch văn bí tắc, ông cầm bút gõ mạnh lên cái đầu lâu mấy tiếng liền. Rồi im lặng. Sau đó ít phút, ông cầm bút viết lia viết lịa, không ngừng nghỉ, có lẽ không cả thở.
Biết ông say viết, chúng tôi bấm nhau lặng lẽ ra về. Cũng đã nhiều lần, ông bảo đồ đệ Đặng Đình Hồng, Tân Hiến, mỗi người ngồi một đầu bàn, cầm bút viết theo ông đọc. Đầu ông ngả lên lưng ghế, mắt nhắm lại, như người ngủ nói mê. Không, ông rất tỉnh. Ngồi mãi mỏi, ông vùng đứng dậy, đi đi lại lại quanh bàn giấy, vẫn tiếp tục đọc cho hai đồ đệ viết. Những tác phẩm sáng tạo theo kiểu đó, khá nhiều. Có tác phẩm thành công, cũng không ít cuốn thất bại. Cũng nhiều khi ông thảo nội dung với đầy đủ chi tiết, ném cho hai đồ đệ viết. Bởi thế, qua mấy năm liền, mấy nhà xuất bản cương quyết khước từ bản thảo tiểu thuyết Lê Văn Trương, vì kém quá, hơn nữa, chữ bản thảo không phải là nét chữ quen thuộc của ông. Họ Lê đi vào túng quẫn. Ông đành vác bản thảo kiểu hàng rởm đó đến “động” Tân Dân. Tất nhiên, ông chủ Vũ Đình Long đưa tôi đọc, cho ý kiến. Thật tình, (nói trộm linh hồn ông Vũ Đình Long) tôi đã biết là hàng rởm, nhưng thương bạn, tôi không đọc, phê ngay bằng mực đỏ ngoài bìa: “Tốt. In được”. Thế là, ngay hôm sau, Lê Văn Trương, lúc nào cũng y phục chỉnh tề, ngửa cao đầu bước qua động Tân Dân, tay múa can như Saclô, tiếp nhận chiếc phong bì lớn đầy giấy bạc do tay “Tiên ông” đưa.
Sau đó, Trần Huyền Trân, Thâm Tâm, Nguyễn Bính, Vũ Trọng Can được tin mừng, đã đến đủ mặt trong “Lương Sơn Bạc”. Với Lê Văn Trương, viết là cho văn học, cho độc giả thân kính, tiền viết kiếm được, chỉ có giá trị trong việc tiếp đãi, giao du, thỏa mãn bạn văn nghèo. Cho nên, hôm nay tiệc lớn, không tiếc một ai. Ngày mai, lại xác xơ, nghèo túng. Nhưng họ Lê không vì thế mà than thở, chau mày. Những năm tháng ấy, chúng tôi thực tình yêu thương nhau, đùm bọc nhau, cái nhục cái vinh cùng chia sẻ.
Cho đến một buổi chiều cuối đông, gần Tết. Anh em cùng kiết xác, họp nhau uống rượu suông ở nhà Thâm Tâm. Trần Huyền Trân nâng cốc, nhìn Thâm Tâm, Nguyễn Bính, nước mắt lăn xuống má. Trân cúi đầu, lau nước mắt, ứng khẩu mấy câu thơ này, mỗi lần nhớ đến, tôi thấy não lòng:
Thôi thế anh về yên xóm cỏ
Xứ nghèo đã cỗi gốc yêu thương.
Nhớ nhau vẩy bút làm mưa gió
Cho đống xương đời được nở hương.
Nghe xong, con người sắt thép như Lê Văn Trương mà cũng cúi đầu giấu tiếng thở dài.
1950, nhà văn Lê Văn Trương vào Nam, chúng tôi không hề biết trước. Tôi tình cờ giở tờ tuần báo Mới của Phạm Văn Tươi, chủ nhà in, nhà xuất bản Tín Đức thư xã phố cũ Sabourin, thấy truyện dài in hàng tuần, nhan đề Cô gái họ Phạm. Ít ngày sau, tin Sài Gòn đưa ra: Làng báo trong đó, không biết vì lí do nào, đang phát động phong trào tẩy chay Lê Văn Trương? Tuần báo Mới không in tiếp Cô gái họ Phạm nữa. Lần lữa mãi, Lê Văn Trương, cũng như Vũ Bằng, Tam Lang, Thượng Sỹ, đều thất nghiệp.
Sống chơ vơ, cùng quẫn, họ Lê ốm, già, kiệt sức. Không ai thân thích, ông vẫn hàng ngày đi xoay xỏa. Đói thì chịu vậy, nhưng ông không nỡ để đói lũ mèo ba mươi con, đủ các loại, các giống, sống quanh ông, bầu bạn chung thủy với ông.
Cho đến một ngày, ông bạn Thanh Châu nhận được thư Thượng Sỹ (nhà văn, nhà phê bình cũ trong nhóm Vũ Bằng) gửi ra, kèm theo một mẩu báo cắt nham nhở, đưa tin nhà văn Lê Văn Trương đã qua đời trên căn gác ổ chuột. Trương ơi, anh chết đói hay chết bệnh? Bệnh gì? Vẫn chỉ là căn bệnh chung của lũ chúng mình, cái bệnh của những con người không chịu sống bình thường. Bài báo không quên tả, quanh thi thể ông, một đàn ba mươi con mèo đói, không kêu gào gì hết. Chúng lặng lẽ bám quanh xác chết, rúc đầu vào nhau. Chúng, chỉ có chúng, những con mèo chung thủy, tiễn ông đi.
Lê Văn Trương ơi.
Hôm nay, ngày xuân Hà Nội. Mây trời u ám. Gió xuân se lạnh. Tôi, đã tám mươi, râu tóc bạc phơ rồi. Tôi khép chặt cửa phòng, run tay cầm bút, viết về Anh, nhớ thương Anh. Viết theo thể hồi ức, nhớ gì viết nấy, không bố cục, không văn hoa.
Con chim già, đang rơi rụng cánh, tiếng hót thường lảnh lót. Bạn đọc cổ kim thân quý của tôi, đọc tôi, hãy tin tôi. Sức quá yếu rồi, mạch văn cũng yếu. Bạn đọc thể tình cho cây bút về già.

(Tạp chí Văn học, số 3-1991)

Tái bản trong tập “Hà Nội cũ nằm đây”, NXB Phụ Nữ - 2015

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét