Thứ Hai, 13 tháng 6, 2022

Tam Lang Vũ Đình Chí với nỗi vinh nhục của nghề làm báo - ký Ngọc Giao

Tam Lang Vũ Đình Chí với nỗi vinh nhục của nghề làm báo

Tác giả: Ngọc Giao

Cái vinh

Thời xưa, cứ đầu xuân, nho gia có thói quen khai bút, dầm đầu bút lông vào nghiên đá, phất tay áo rộng, chữ nghĩa như rồng như phượng nhảy múa trên mặt giấy hoa tiên. Một đôi câu đối. Một bài thơ tâm sự với chúa xuân. Một bài từ, bài phú chuyện trò với cõi phù sinh.
Thời nay, vẫn còn mấy cụ già, mấy ông văn báo, cũng múa bút bi, sớm ngày mồng một Tết, gọi là “khai bút cái chơi”.
Phần tôi, vốn biếng lười không ưa quá nệ cổ, chẳng xuân nào khai bút. Vậy mà, đầu xuân năm nay, cái xuân con khỉ này, tôi cảm thấy nỗi xốn xang, man mác, nhớ thương một cái gì trong quá khứ. Đêm giao thừa qua hai tiếng đồng hồ, ngồi bịt kín tai mong trời đất im tiếng pháo, tôi chui vào màn, tìm giấc ngủ. Nhưng sao mà ngủ được! Chao ôi, những ngày xuân, những đêm xuân thời trai tráng vẫn cứ đến hoài với cái thân già, giờ đây, ngẩn ngơ trong một gian phòng nhỏ, một đèn một bóng, mình nói với mình, nhớ rất nhiều đến những người thân kẻ sơ đã khuất.
Nửa đêm thức giấc, bật ngọn đèn nhỏ đầu giường, nhìn chồng báo chí xếp đầy mặt bàn con, tôi nghĩ ngay tới ông Tam Lang Vũ Đình Chí, sư phụ tôi, dẫn dắt tôi viết từng dòng, kể từ năm 1929.
Ông Tam Lang nếu sống được đến nay thì gần tròn trăm tuổi. Ông là một nhà văn viết báo, không là một nhà báo viết văn.
Nói không ngoa, ông Vũ Đình Chí sinh ra để đa mang nghề báo. Ông đến báo nào, người ta cũng sẵn lòng đặt ghế, mời ông làm chủ bút, mà lại là thứ chủ bút khác thường, rành nghề quá, sắc sảo quá, đến mức bạn đồng nghiệp phải ghét ghen.
Thuở ấy không có trường huấn luyện làm báo, làm văn. Viết được, sống được, đứng ngồi vững được là do một năng khiếu bẩm sinh nào đó, không một ai dám tự đắc nhấn đến chữ thiên tài.
Đêm giao thừa năm nay, tôi trăn trở nhớ đến ông Tam Lang Vũ Đình Chí, là vì tờ lịch trên tường nhắc tôi nhớ rõ ông Tam Lang sinh đúng năm Canh Thân.
Những ngày xưa ấy, các bạn đồng thời, đồng nghiệp với ông Tam Lang, trong cuộc vui đùa, trà dư tửu hậu, thường bạo miệng bảo thằng Chí Béo (ông cao lớn, to béo) chính là con khỉ Tề Thiên Đại Thánh. Con khỉ Tôn Ngộ Không có cây gậy sắt như ý bổng, đánh loạn cả thiên đình thủy phủ, trừ diệt yêu ma. Con khỉ Chí Béo có một cây bút sắt cũng là một thứ như ý bổng, nó đánh “tút mo” (tout le monde) chẳng sợ ai, kể từ phủ toàn quyền, triều đình Huế, đến loại tham quan nội giám hạng bét là tỉnh trưởng, quận trưởng, lãnh chúa đồn điền Việt, Pháp.
Cá tính đặc biệt của ông Chí lầm lì, rất ít nói cười, tránh hết sức các cuộc tranh luận với bất cứ ai. Nhưng cái tật nóng tính, khi cặp mắt lành hiền trên khuôn mặt chữ điền, đỏ sọc lên thì coi chừng đấy, bạn hữu bấm nhau né tránh ông ngay. Các cụ bảo “người lành hay cục”, quả tình như vậy.
Tờ Ngọ Báo sở dĩ được suy tôn là anh cả làng báo, nhờ vào thủ pháp Tam Lang. Hàng ngày, ở góc bên phải dưới trang nhất Ngọ Báo, hút mắt độc giả là cái khung kép “Mỗi ngày một chuyện”. Là báo thông tin, nhưng bất cứ tin long trời lở đất nào cũng không được người đọc lưu ý hơn cái “mục máy chém” này. Quả nó là cái giá treo cổ, cái hố mìn bom, lưỡi đao “chém treo ngành”. Mỗi ngày, ở góc báo ấy, treo lủng lẳng một cái đầu, tưởng như đang rỏ máu hoen nhòa mực in trên trang báo. Người đọc, đọc xong, rợn lo cho tác giả, tên đao phủ nhà nghề, sắp sửa được bốc lên ô tô đen bịt kín, biến đi vào lúc nửa đêm, khi cả thành phố đã ngủ say. Vậy mà, cái con khỉ Chí Béo này vẫn ngày ngày, sáng sớm, từ số 15 ngõ Hàng Hành, lững thững đến nhà báo phía sau đền bà Kiệu, sau đổi đến 15 ter phố Gia Long (nay là Bà Triệu), con khỉ Tề Thiên vẫn bình thản đi cạnh ông bạn là nhà văn chuyên viết bình luận Thái Phỉ Nguyễn Đức Phong. Ngọ Báo, tôi nhắc lại, là cơ quan ngôn luận thông tin, đúng như tôn chỉ. Nhưng tôi đã nói Tam Lang Vũ Đình Chí vốn là một nhà văn, ông bắt Ngọ Báo làm hai việc: thông tin và văn học, mang một sứ mệnh riêng, bộ mặt riêng, không muốn, không thể giống bộ mặt tất cả báo hàng ngày khác.
Các báo hàng ngày thuở đó không đăng thơ văn, ngoài tin tức, kể cả tin chó chết. Ngọ Báo thì khác hẳn. Không cần nói kỹ thuật trình bày khác lạ, chọn từng cỡ chữ đẹp cho đầu bài, đến cách theo đúng nội dung bài dùng chữ đứng hay chữ ngả, bài đóng khung kép hay khung đơn, góc khung phải khép kín, hở một ít là ông bắt thợ phải sửa chữa liền. Căn bản là không được để bài có lỗi hụt dòng, mất câu, lỗi chính tả, làm sao không bao giờ báo phải xin lỗi độc giả về sai lầm thiếu sót. Khi cầm bút ký “bon à tirer” cho máy chạy, thấy ông cứ nhìn chằm chằm vào mắt người công nhân đứng máy, như có ý đe dọa, nhắc nhủ: “Ông phải chịu trách nhiệm hoàn toàn về chữ ký của tôi”.
Ngọ Báo được người yêu thích, là vì nó đăng cả thơ ca, truyện ngắn ngay trên trang nhất. Cho mãi đến bây giờ, gần mãn kiếp rồi, tôi vẫn nhớ những truyện ngắn thật hay do họa sĩ Côn Sinh minh họa. Đây là một chuỗi ngọc trên trang nhất Ngọ Báo. Tôi tin rằng Hà Nội ngày nay còn một số độc giả cao niên vẫn chưa quên: Chống nạng lên đường của Vũ Trọng Phụng, Thần giữ của của Tchya, Lầu Thụy Hoa viết theo phong cách liêu trai của J. Leiba Thanh Tùng Tử, Tiếng sáo của Thanh Châu, Cái chết của người kỹ nữ của Thanh Tử. Phần tôi, tên lính mới tập cầm bút cũng được sư phụ Tam Lang sớm đặt thanh kiếm lên vai, đăng lên trang nhất bài Dưới con mắt tôi, cái xã hội người. Nỗi mừng không bù được cái lo. Hồi ấy tôi mới cưới vợ, đúng 22 tuổi, ở thuê căn nhà phố Hàng Chiếu trông thẳng sang Nhà Vạn Bảo tức hiệu cầm đồ của Hoa kiều. Bài báo ra được ba hôm. Qua ngày thứ tư, vợ tôi khẽ rỉ tai: “Coi kìa, sáng nào cũng đúng 7 giờ là cái lão kia đã đỗ xe đạp đứng hút thuốc lá, nhìn chòng chọc vào nhà ta. Cậu lên xe đạp, hắn cũng đạp theo liền. Có thể là mật thám”. Tôi để ý, theo dõi thằng cha ấy. Khoảng ngót chục ngày, sự kiện ấy diễn đều. Lo quá hóa liều. Mỗi sáng dắt chiếc xe đạp cũ ra vỉa hè, thấy nó, tôi nổi cáu, làu nhàu trong miệng: “Et alors jái des flics dans mes couilles” [Câu chửi tục của người Pháp]. Nhưng rồi, cái họa cũng lặng lẽ qua. Tôi lại tiếp tục viết, viết mãi, viết hoài cho tờ Ngọ Báo. Viết cả thơ, đăng mục Sợi tơ lòng. Về thơ, tôi tự thấy bất tài, xin bỏ, vì hồi đó, thơ J. Leiba, Thanh Tùng Tử, Sybar, Sybarite (đều là bút danh nhà thơ thiên tài chết non Lê Bái, người Nam Đàn, Ý Yên, Nam Định, đồng hương cụ Nhượng Tống danh nho, dịch Tây sương ký) hay quá được cả thiên hạ đọc báo ngợi ca. Anh nổi tiếng trước cả Thế Lữ và các thi sĩ Tự Lực văn đoàn. Mới tròn ba mươi tuổi, Lê Bái đã lìa đời vì lao phổi, chưa in được tập thơ nào, vì bài anh đăng tản mát khắp các tờ báo, không có cách sưu tầm. Anh sống như đùa, làm thơ viết truyện cũng như đùa, cho đến lúc chết, cũng lại như đùa. Ba mươi tuổi mà tài học phi thường, Hán văn, Pháp văn, Latinh, Hy Lạp, hiểu biết đến tầm sâu. Đôi khi buồn quá, viết chơi vài bài đăng báo Pháp, trong bài pha cả Latinh, Hy Lạp; Chủ bút René Candelon báo L'œurre, chủ bút Patrie Annamite Lê Thăng (cử nhân văn đã du học ở Pháp) đọc bài Lê Bái (anh thường kí Jacqueline Lệ Thủy) đều không hiểu nổi. Hai tay cử nhân chủ bút Pháp, Việt ấy mò đến phố Hàng Chiếu nhà tôi, tìm gặp Lê Bái, nhờ giải cho những từ Latinh, Hy Lạp. Một văn tài hãn hữu trong thiên hạ! Ngày anh chết, chúng tôi buồn thương anh, thương như làng văn mặc thương Đỗ Phủ và - ngây thơ hơn mà cũng thực tình hơn - như người đọc Tam quốc chí, buồn thương cái chết nửa chừng đại nghiệp của Khổng Minh nhà Hán.
Tôi vội đến văn phòng Ngọ Báo, đưa cái tin Thanh Tùng Tử chết. Ông Tam Lang đang ngồi cặm cụi soạn bài, nghe tin ấy, ném bút xuống bàn, ngồi lặng đi, mấy giọt nước mắt lăn xuống má.

Nỗi nhục

Giờ đây, tôi nói đến nhà văn, nhà báo Tam Lang Vũ Đình Chí “đi thực tế”. Hồi ấy, chúng tôi chưa biết danh từ này. Cứ nói chung chung là đi làm phóng sự.
Chúng ta đã rõ là ông to béo, nặng nề, không bước được nhanh. Thế mà, một sớm mờ sương, nhà văn Chí Béo cuốc bộ từ ngõ Hàng Hành xuống phố Sinh Từ (trông sang Văn Miếu) đến xưởng xe kéo của Cai Mơ. Ông xuất trình giấy căn cước, thuê xe. Tên lưu manh cai xưởng là Tuế Lợn, phát cho ông bộ quần áo culi đóng dấu số, thu bộ quần áo tồi tàn của ông ném vào xó xưởng. Thân hình ông to béo quá, mà áo culi thì chật hẹp ngắn cũn, quần cũng vậy. Áo không cài được khuy, hở cả ngực cả rốn. Quần ống quá hẹp, bó vào đùi, khó chạy.
Ông dắt chiếc xe kéo ra ngoài phố, sụp nón rách che nửa mặt. Dắt xe qua mấy phố, lên đến đường đôi, gần cột cờ, có tiếng gọi: “Ê, culi!”. Một tên lính Tây da đen cao lớn sừng sững chặn xe ông. Hạ càng xe cho người khách đầu tiên mở hàng lấy may, ông kéo (lần đầu tiên trong đời một nhà văn nhà báo nổi danh!). Ờ, ông Tam Lang culi của tôi bắt đầu kéo, kéo, bước chậm, bước nhanh, chạy. Ôi chao, sao mà nặng thế. Thằng Tây ngồi chễm chệ trên lưng ông, cao hứng rung đùi. Xe kéo ngày xưa có nhíp khiến xe nhún nhảy. Tên Tây càng rung đùi, cặp nhíp càng thêm đà nhún lên nhún xuống, khối nặng của xe do vậy càng tăng. Xe đến Hồ Tây, ông bắt đầu thở dốc, mồ hôi nhỏ giọt. Hai cánh tay cầm càng xe tê dại. Đôi bắp đùi nhức buốt. Bụng vốn béo phệ quặn đau. Lồng ngực tức nghẹn. Mắt bắt đầu hoa, đầu nhức choáng. Lại thêm buốt thận, đau lưng, buồn đi tiểu cộng với nỗi buồn nôn mửa, ông ngừng chạy, cố dài bước, tưởng chừng khách sẽ vừa lòng, đưa mắt ngắm cảnh đẹp Hồ Tây. Nhưng nhà văn culi gặp phải ông khách không là thi sĩ. Nó duỗi dài chân, thúc cả mũi giày săng đá vào lưng ông. Nó quát: “Culi! Plus vite, plus vite” (nhanh hơn, nhanh hơn!). Nhà văn Tam Lang, nhà báo phóng sự của tôi, sư phụ của tôi! Cắn cứng hàm răng chịu cái đạp thứ hai, gắng chạy. Xe bắt đầu lên dốc Cổ Ngư - làm sao lên được? Không bỏ cuộc, cố thử sức mình, ông dồn hết lực lôi chiếc xe lên, cho đến lúc không còn sức, thân thể rã rời, mấy lần xe dọa lộn nhào. Ông vẫn cắn răng, cố, cố, cố lôi xe, hai đầu gối sắp khuỵu. Vừa lúc ấy, may sao, hai em nhỏ vai vác cần câu, tay đu đưa xâu cá, chạy ùa lên, vừa reo hò, vừa bám sau xe đẩy cái khối nặng sắt thép, xương thịt ấy lên đầu dốc. Xe dừng lại ông lau mồ hôi mặn làm xót cặp mắt mờ, nhìn hai em bé, muốn cảm ơn tấm lòng trẻ nhỏ, nhưng chúng đã chạy biến rồi, bởi vì ngay lúc đó, hai thầy đội xếp bắt đầu phóng xe đạp đuổi bắt chúng, đoạt cướp xâu cá, phạt tội xâm phạm cá của quốc gia.
Cũng may là thằng Tây không đi nữa. Nó thấy ông không còn sức kéo. Nó lầu nhầu: “Sale culi Annamite”. Nó quẳng cho ông một hào chỉ trắng. Ông nhìn nó, lại nghiến răng, cúi nhặt đồng hào dưới đất. Đứng thở một lúc, nhà báo phóng sự Tam Lang dắt xe quay lại, đỗ trước cổng chùa Trấn Quốc, nhất định ngồi nghỉ đã. Ông rút cuốn sổ tay bé xíu, ghi vội mấy dòng gì đó. Một bà già bước đến với ấm nước, chiếc bát, điếu cày. Ông uống bát nước, tỉnh dần ra. Nhà văn Tam Lang tạm trút bỏ cái xác culi, đưa mắt ngắm nhìn cảnh đẹp Tây Hồ, viên ngọc của Thăng Long - cố đô bao triều đại, tâm hồn nhà văn bỗng nhớ đến bên hồ nước lịch sử này, Nguyễn Trãi đã gặp cô gái Thị Lộ bán chiếu gon ở chỗ nào đấy... Trịnh Sâm, Đặng Thị Huệ đã ngự thuyền rồng hái sen, ngâm thơ, nghe đờn sáo ở chỗ nào đây... Vợ chồng bà huyện Thanh Quan, sau vụ chê văn hoàng đế bị đuổi ra khỏi cung đình, mất chức đại học sĩ, làm sao tấm thân liễu yếu đào tơ ấy trảy bộ ra Bắc Hà qua rừng xuyên núi, hùm beo rắn rết, qua đỉnh Đèo Ngang cảm khái nước non thân thế mà ứng khẩu bài thơ châu ngọc “Bước tới Đèo Ngang bóng xế tà...”. Thôi thì bị thất sủng về vườn cũng là cái phúc cho bà, cũng là cái may cho văn học Việt Nam, nhờ đó mới có bài thơ giá trị thiên cổ ấy.
“Này, anh xe, kéo lên chợ Đồng Xuân nào”.
Cái tiếng lanh lảnh, đanh đá ấy giựt phắt nhà văn nhà báo tài hoa ra khỏi giấc mơ lịch sử nặng kiếp, phù du, ảo cảnh. Anh culi xe to béo lại còng lưng, thót bụng, lôi cái xe cót két, chứa một mụ to lớn chẳng kém gì tên lính Tây đen.
Chạy thêm vài chuyến nữa, Tam Lang đưa xe về xưởng, thay quần áo, trả xe, trả tiền thuê, tiền thuế, về nhà, tắm rửa. Bà Tam Lang là con gái cưng một ông quan huyện về hưu. Bà bệ vệ, chuyên cầm cái họ, lúc nào cũng ung dung đài các như một vị phu nhân. Thấy ông chồng thân tàn ma dại như vậy, bà la trời kêu đất. Ông vẫn lầm lì ngậm miệng, ăn qua tí chút, mặc bộ com lê màu nâu, vội vã đi bộ đến tòa báo, viết bài cho tập phóng sự Tôi kéo xe. Ông còn tiếp tục đến xưởng Cai Mơ nửa tháng nữa thuê xe kéo, cho đến khi cảm thấy đã đủ tư liệu rồi, ông mới giã từ lão Cai Mơ, thằng cai Tuế Lợn.
Tiếp sau, ông làm liền mấy thiên phóng sự nữa tại “Dạ lữ viện”, “Viện tế bần” ở phố Hàng Bột. Ông vẫn lê bộ quần áo rách trăm mụn vá, tối nào cũng đến mấy hang ổ thảm khốc này, nằm chui ngủ rúc, gậm xương, nhai chuối với bầy người khố rách, ăn mày, móc túi, cù đinh thiên pháo, ghẻ lở nặng đến gần như hủi.
Sớm về, ông trút bỏ áo quần cho bà bắt rận tuốt trứng, nấu luộc trong tiếng kêu la trời đất. Những phóng sự này đều được đăng Ngọ Báo. Có điều lạ là khi xuất hiện tại những hang địa ngục kia, không bao giờ ông chịu xuất trình Thẻ Nhà Báo, tuyệt đối giữ kín tuổi tên, sự nghiệp, rất hài lòng cái tiếng “Ê, culi. Này, thằng cùng đinh hạ bộ, ôlala! Thằng ăn mày, móc túi, ăn uống cái gì mà béo thế!”.
Như thế đấy, nhà văn nhà báo Tam Lang Vũ Đình Chí, niên kỷ 1927-1930 đã “đi thực tế” theo kiểu hoàn toàn lao động, hoàn toàn vô sản, hoàn toàn con người, sống đau sống khổ với con người.
Thưa các bạn đồng nghiệp cao tuổi của tôi, thưa các vị độc giả yêu thương báo chí qua mấy thời đại của tôi! Các vị đọc những dòng này xin hãy tin tôi. Tôi chân thành run tay bút viết về con người, thân thế, sự nghiệp của bậc sư phụ đáng kính của tôi, tôi xin thề với mái tóc bạc của cái tuổi kề cõi chết, rằng tôi viết với tất cả cái não cái tâm, không hề sai một việc, một lời, một ý.
Ông Tam Lang bình sinh điềm đạm, thành tín, trung hậu với nghề nghiệp, với cuộc đời. Thế mà có một lần ông nổi trận lôi đình không khác gì con khỉ Tôn Hành Giả vác gậy sắt xuống thủy cung hỏi tội Long Vương.
Số là, câu chuyện thế này: Năm 1950, ông làm chủ bút nhật báo Lẽ Sống. Quanh ông, có cụ Bạch Diện chuyên dịch tin AFP, cụ Thu Sơn chuyên dịch Tân Hoa Xã, Phạm Mạnh Phan phụ trách hai trang tin ruột, tôi viết bài phỏng vấn, tường thuật các trận đấu thể thao, chủ yếu viết đều truyện dài (Xã Bèo, Người của đất), phần trình bày mỹ thuật có họa sĩ tài ba Lưu Văn Sìn (lúc nào cũng phong lưu công tử, song luôn túng quẫn. Anh em gọi đùa là Lưu Không Tiền). Bên cạnh chúng tôi còn có một nghệ sĩ lão thành sân khấu kịch nói thời ấy, đó là Trương Đình Thi, con một nhà giàu sang nổi tiếng ở Hà Nội. Chúng tôi, chỉ có bốn người, tiền vốn không có, lại thuê in, ngồi nhờ trên căn gác chật hẹp của một nhà in phố Hàng Bồ. Nghệ sĩ Trương Đình Thi chỉ nhận làm công việc người sửa bản in thử (Correcteur). Công việc túi bụi cả buổi sáng, anh em làm không xuể. Trong khi ấy, tôi và cả độc giả Hà Nội biết rằng tuần báo Loa của Côn Sinh đã đăng nhiều tuần thiên hồi ký nổi danh Tôi, kép kịch, tác giả Trương Đình Thi. Một hôm, tôi ngồi cạnh nghệ sĩ Thi trong lúc ông chưa có bài sửa. Tôi ân cần thủ thỉ với ông: báo thiếu người viết, nghèo nàn về bài vở. Sao anh không viết cho báo chúng mình một phóng sự hay một hồi ký tuyệt vời như Tôi, kép kịch...
Tôi nhắc lại câu nói ấy hai lần. Ông nghệ sĩ trợn mắt nhìn tôi, mặt hầm hầm, đi xuống gác. Tôi ngạc nhiên. Tam Lang vẫy tôi lại gần, bảo tôi: “Ông bảo nó thế, nó cho là ông chửi nó, lật tẩy nó. Nó thù ông rồi đấy, phải coi chừng”. Tôi càng ngơ ngác. Tam Lang nói tiếp: “Hồi kí Tôi, kép kịch được nổi tiếng, nổi tên Trương Đình Thi, sự thực thì hồi ký ấy Vũ Trọng Phụng viết hộ, cho nó kí tên”.
Sáng hôm sau, nghệ sĩ “kép kịch”, gây sự với tôi trong tòa soạn. Tam Lang đã nóng lại thẳng tính, ném bút, vùng đứng dậy, dẫm đạp nghệ sĩ già đến nỗi ông ta phải chui xuống gầm bàn. Cuộc đại náo ấy khiến chủ nhà in và thợ in phải ầm ầm chạy lên gác can xin, dàn xếp hộ.
Giấy mực có chừng, tôi xin phép ngừng ở đây thôi. Tôi chỉ băn khoăn một điều là lịch sử văn học của mình, khởi điểm phóng sự có từ năm nào, lao sâu vào lãnh địa phóng sự là ai?
Tôi chỉ biết 1927 đến 1930, Tam Lang Vũ Đình Chí, một mình, một sổ tay, một bút, ngày và đêm, đi kéo xe giữa “Hà thành hoa lệ” trong lúc có phong trào “Phi cao đẳng bất thành phu phụ”, gái thì son phấn rình mò các ông sinh viên cao đẳng thi đỗ ra làm tri huyện. Ông Tam Lang, ngày và đêm mò vào mấy hang ổ thối tha, ăn ngủ, sống với hàng trăm con người cặn bã, xã hội không thèm nhìn ngó.
Những cống hiến cho văn học của ông Tam Lang có cái đã in sách, có cái đã đăng trên báo. Vậy thì nó là chứng cứ có sự sống, còn tồn tại.
Từ 1930 trở đi, ông Tam Lang cảm thấy đuối mệt rồi, an phận ngồi yên ghế chủ bút các nhật báo, viết không run sợ, đánh không chùn tay bọn tham quan, lũ nội gián, những tên hề chính trị.
Năm 1954 ông vào Nam. Nằm nhà, không nuôi nổi bà vợ, hai đứa con gái tật nguyền, cuối cùng vì miếng ăn, ông miễn cưỡng theo yêu cầu đối phương, ông phải phụ trách một tạp chí cho tên Bộ trưởng Thông tin, Trần Chánh Thành, thời Diệm.
Báo ra được năm số, một cú điện thoại réo bên tai Tam Lang: Lập tức lên Bộ hầu Bộ trưởng. Ông đến. Tên Bộ trưởng Trần Chánh Thành, đập bàn, ném tờ báo vào mặt ông Tam Lang. Nó quát: “Có trông rõ nét mực đỏ gạch hàng chữ kia không? Ông định ý dùng mấy từ của Việt cộng để phản Chính phủ Quốc gia đó hả?”.
Ông Tam Lang chưa kịp đáp thì nó lại đập bàn: “Ông xuống phòng trị sự lĩnh lương. Mai không được bước chân đến nhà báo nữa”. Ông vẫn không nói một câu, mỉm cười, bình tĩnh ra về, cũng không cần lĩnh nửa tháng lương.
Hỡi ơi, cái vinh, nỗi nhục của nghề làm báo đấy. Từ 1927, ông Tam Lang Vũ Đình Chí là một cây bút đàn anh trong làng văn bút, không ai chối cãi. Ông Tam Lang Vũ Đình Chí là lá cờ đầu mở ra cho văn học xã hội con đường làm phóng sự, cũng không ai chối cãi. Sau ông, văn đàn mới thấy xuất hiện Vũ Trọng Phụng, Trọng Lang, Tràng Khanh.
Sư phụ! Vào ngày đầu xuân Nhâm Thân, kẻ môn sinh già yếu này xin đốt hương, rửa bút, viết mấy trang hồi ức về thầy. Theo thói thường xưa nay, kẻ võ sinh sau khi biểu diễn kiếm thuật hoặc côn quyền, không thể thiếu cái lễ tì đốc kiếm hoặc chắp đôi bàn tay trước ngực, tỏ lòng thành kính bái tổ, bái sư.
Từ 1930 đến nay, kiếp đời sắp hết, kẻ môn đồ này mỗi lần viết xong một tác phẩm dù thất bại hay thành công, vẫn cúi đầu nhớ ơn thầy dìu dắt. Ngày nay, kẻ môn đồ chắt chiu có được một số tác phẩm nhỏ nhoi, với một cái tên cũng nhỏ nhoi, môn đồ cho đến ngày nhắm mắt, không hề một phút quên sư phụ.

Đầu xuân Nhâm Thân

(Tạp chí Cửa Việt, số 15-1992)
 
Tái bản trong tập “Hà Nội cũ nằm đây”, NXB Phụ Nữ - 2015

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét