Thứ Hai, 13 tháng 6, 2022

Nhớ về Lan Khai - ký Ngọc Giao

Nhớ về Lan Khai

Tác giả: Ngọc Giao

Thời trước chiến sự Đông Dương, văn đàn Bắc Hà nổi danh ba cây bút lịch sử tiểu thuyết: Lan Khai, Nguyễn Triệu Luật, Phan Trần Chúc, sau này thêm Nguyễn Huy Tưởng, cũng là cây bút sắc.
Lan Khai nói với tôi: “Ở thời này, nên viết nhiều về sử, lấy người xưa, việc cũ áp dụng vào chính sự và chiến sự, nâng cao tinh thần dân tộc, ngòi bút được thả sức tung hoành, Tây nó biết đấy mà không làm gì được, nó ức lắm, nhưng kệ nó, mình cứ viết. Hơn nữa, viết tiểu thuyết lịch sử, theo riêng mình, mình cho là dễ viết hơn truyện xã hội đương thời. Trong làng văn, hiện nay, tiểu thuyết lịch sử vẫn là khan hiếm. Mình viết dễ ăn hơn. Tôi là cây viết nhà nghề, viết vì văn học, viết để mưu sinh, nuôi cả một đàn con nheo nhóc. Anh đã biết tôi nghèo đến mức nào. Rời cây bút ra là chết đói...”
Lan Khai thực thà tâm sự với tôi như vậy ngày ông cõng cả bầu đoàn thê tử về Hà Nội. Những ngày đầu rời bỏ rừng núi Tuyên Quang, bầu đoàn Lan Khai không nơi trú ngụ, cực kỳ khốn khổ, bữa đói, bữa no. Mãi rồi mới chui được vào căn gác nhỏ ở đầu một ngõ hẻm phố Henri d'Orléan (nay là Phùng Hưng, nguyên trước là trụ sở báo Le Travail, báo Dân chủ, hàng ngày các ông Trường Chinh, Trần Huy Liệu đến làm việc. Hiện giờ là nơi trú ngụ của nhà văn trẻ tuổi Lê Bầu).
Gian gác nhỏ đến nỗi chỉ chứa được tài sản duy nhất của gia đình Lan Khai là một chiếc giường cũ nát để ông nằm vì ông luôn ốm. Còn hai bà vợ, lũ con nằm sàn gỗ đầy rệp muỗi, bởi không màn. Dân cư sinh sống trong ngõ hẻm ấy là một số thợ thuyền nghèo, chen lẫn vào một số me Tây lấy lính da đen và một vài tiệm hút.
Lan Khai độ ấy chừng 35 tuổi. Ông có một thân hình phong nhã, cao gầy, vầng trán cao, mắt không rời kính cận, miệng rộng cười tươi, giọng nói ấm áp hiền hòa, thuyết phục được bất cứ ai ngay từ buổi đầu gặp gỡ. Ông khiêm nhường với bạn, không hề nặng lời lớn tiếng. Mãi sau này, gặp Nguyễn Tuân, Tchya, hai ông tướng nhà văn hay gây gổ, kiêu bạc, thích chơi lối đàn anh, cử chỉ nghênh ngang, ngôn từ châm chọc, con người rừng trong Lan Khai lập tức có thái độ trước hai ông tướng này. Lan Khai tỏ ra cứng rắn, trấn áp lại Nguyễn Tuân, Tchya với hành động và ngôn ngữ rất rừng, sau đó Nguyễn Tuân, Tchya phải nể nhà văn “mán xá” mà họ coi là dễ nuốt. Ông dễ chiếm cảm tình của anh em làng văn bằng cử chỉ nhã nhặn, đức độ, trung thực, kiến văn sâu rộng về Hán học, trội hơn là Pháp học. Ông sinh trưởng ở đường rừng. Tuổi thiếu niên về Hà Nội học, cố gắng thi vào trường Bưởi, đậu thành chung, rồi lại quay về rừng núi Tuyên Quang, nhất quyết không chịu sống đời công chức cạo giấy cho Tây. Sống trong căn nhà lá ven rừng, ông vùi đầu vào đống sách Pháp, Việt cao như núi. Suốt mấy chục năm đọc sách, chuyên nhiều về sử học, nhận thức về Lão Trang, Lan Khai ngay từ thời trẻ đã trở nên con người mẫu mực, hiếu nghĩa, nhân hậu với mọi người nhất là đối với vợ con, bạn viết nghèo mà có tài năng.
Cụ thân sinh ông là một hiền nho, một danh y, chữa bệnh lấy đủ vốn tiền thuốc, nhiều khi gặp con bệnh bần bách, cụ không lấy tiền.
Cụ thân sinh ông luôn kín đáo nặng lòng thương dân yêu nước. Căn nhà chật hẹp của cụ thường mở rộng cửa đón tiếp những quốc sĩ tìm đường vượt biên giới sang Trung Quốc, đi hải ngoại, lo quốc sự. Nhà nghèo túng, nhưng cụ hân hoan coi đó là nhiệm vụ, hết lòng hầu tiếp, giúp đỡ những quốc sĩ khả kính kia. Lan Khai cũng vui mừng giúp cụ thân sinh tiếp khách cho chu đáo. Cả hai cha con không hề tò mò gạn hỏi về mục đích cuộc hành trình, về màu sắc chính trị của những vị khách bí mật, lặng lẽ như một cái bóng trong một ngày đêm lưu trú tại nhà ông. Bởi vì cụ thân sinh và ông không hề có dự kiến làm chính trị, song rất tôn trọng những vị khách qua đường xin tạm trú để xuất dương, hi sinh cho đất nước.
Cảnh nhà ngày thêm sa sút, Lan Khai tự thấy không thể nằm co nghiền ngẫm thi thư, mong có ngày chiếm bảng vàng như những thư sinh thời xưa cũ. Cô đơn, buồn khổ, ông tìm cách khuây sầu. Thế rồi Lan Khai cầm bút, thử viết bài gửi về Hà Nội, thủ đô văn học mà anh chàng mán xá hằng mơ ước. Chuyện lạ đường rừng do đó được chào đời, ra mắt độc giả tờ Ngọ Báo, Tam Lang chủ bút. Những năm tháng thời niên thiếu, Lan Khai đã lang thang hầu khắp miền sơn cước, sống và làm việc với dân tộc ít người, Mán, Thổ, Lô-Lô, cà răng căng tai, sơn đầu, đủ loại. Ông học được khá nhiều tiếng nói của họ, vì thế ông càng yêu họ, cảm thấy máu thịt họ là máu thịt ông.
Chuyện lạ đường rừng được đặc biệt hoan nghênh. Cứ buổi sáng thứ Hai là trẻ bán báo chạy tới tấp rao ngoài phố: “Ngọ Báo - Chuyện lạ đường rừng đây!” Ông viết hay, cốt truyện nào cũng li kỳ, rùng rợn. Người Hà Nội, vào thuở ấy, nào mấy ai bỏ phố phường lên rừng núi đèo heo hút gió, ma thiêng nước độc, thêm cả nỗi sợ thấy người rừng. Cho nên, mỗi thiên truyện Lan Khai là một chuyện lạ lùng, đưa con người thành thị đến gần những người của ma thiêng nước độc mà cứ nghĩ đến, họ đã rùng mình sợ hãi. Bùi Xuân Học, chủ Ngọ Báo, nhờ Lan Khai, kiếm bở, lại thêm mỗi sáng thứ Tư Chuyện nhà binh của Đội Tứ cũng có sức câu độc giả. Lượng báo in tăng như gió. Vậy mà, Lan Khai và Đội Tứ vẫn sống nghèo, sống đói ở nơi rừng núi. Chủ báo Bùi Xuân Học không hề hỏi địa chỉ Lan Khai, không hề gửi một tờ ngân phiếu. Cũng do vậy, nhà văn đường rừng tức khí, nhất định lạy từ cụ thân sinh, bốc vợ con bò về cái thủ đô văn học bạc bẽo này, tìm cách sống bằng văn bút.
Bầu đoàn Lan Khai vẫn tạm chui rúc trên căn gác phố Phùng Hưng. Tôi đưa ông đến động Tân Dân, ra mắt ông chủ Vũ Đình Long. Như tôi nói trên, Lan Khai có cái phong độ trí thức, lịch sự, thanh nhã, có cái nhìn nghiêm mà âu yếm, giọng nói nhẹ mà chắc nịch, toàn thân ông toát ra một trí tuệ khác thường. Điều tôi ngạc nhiên là không biết bằng cách nào, chiếc áo the bạc màu, chiếc khăn xếp sờn rách đã biến mất, thay bằng bộ com lê hạng đắt tiền, màu ghi sáng, may rất khéo. Tôi hỏi khẽ ông trước khi bước vào động Tân Dân. Ông chỉ mỉm cười: “Rồi ông sẽ biết”.
Vũ Đình Long tiếp Lan Khai với lễ thượng khách. Trước đó tôi đã đưa ông Vũ đọc mấy Chuyện lạ đường rừng, và cũng đã xưng tụng Lan Khai sẽ là một cây bút viết lịch sử tiểu thuyết, món hàng Vũ Đình Long đang thấy rất cần, bởi nó ăn khách nhất. Nguyễn Triệu Luật, Phan Trần Chúc không chịu viết đều cho Vũ Đình Long, vì tiền nhuận bút thấp hơn các nhà xuất bản ở Hà Nội, nhất là trong Nam. Điều cuốn hút Vũ Đình Long, “bố già” nghề buôn bán chữ hơn nữa là tiểu thuyết lịch sử Ai lên phố Cát, Lan Khai mới bắt đầu đưa Côn Sinh đăng báo Loa được hai kỳ. Gia đình Lan Khai thoạt bước chân vào Hà Nội với bàn tay trắng, tôi đã khuyến khích Lan Khai hãy cố gắng viết ngay một truyện lịch sử mang nhan đề thật kêu, thay kèn trống. Ông nghe tôi, ngồi nhịn đói, cưỡng cơn bệnh suyễn, viết chuyện này. Côn Sinh vừa là họa sĩ có tài vừa là một công chức bậc cao lương, lại là một con người hào hiệp có mắt xanh, đón nhận với mấy chục trang bản thảo viết thử Ai lên phố Cát với niềm kính trọng nhà văn đường rừng. Côn Sinh ứng trước cho nhà văn một món tiền khá lớn. Việc cần kíp là việc thoát xác. Ông đến ngay phố Hàng Trống may bộ âu phục thật “kẻng”. Còn tiền đưa cho vợ, trả tiền thuê nhà, đong gạo.
Lan Khai, bệnh suyễn liên tục giày vò, nhưng ông vốn có nghị lực, cố cầm bút, cố thức đêm. Nhà văn không có bàn giấy, viết phải bò trên chiếc giường, mệt quá thì lăn kềnh ra nghỉ mấy phút, ôm ngực, trợn mắt, há mồm mà đớp không khí, như con cá phơi bãi cát.
Món tiền đưa vợ, gạo đong ăn vài tuần đã hết, ấy là món ăn hàng ngày chỉ có quả cà, đĩa rau. Ông không nghiện rượu, không cà phê, trà đặc, chỉ có thanh thủy cầm hơi khi nằm viết.
Giữa Lan Khai với nhà xuất bản lớn Tân Dân đã có hợp đồng: mỗi tháng, nhà xuất bản nhận của ông một (chứ không hai) cuốn tiểu thuyết dài, đề tài xã hội, chủ yếu là lịch sử.
Ông cố viết, nằm viết, lấy hơi thở viết, viết cả ngày đêm. Ông tự khoán: Mỗi ngày phải bôi kín ít nhất 30 trang; khổ giấy 32 dòng, mỗi dòng 14 chữ, như tôi đã nói trong bài viết về Vũ Trọng Phụng. Mỗi sớm, ông run tay bóc lịch, run sợ đếm thời gian, lo ngày cuối tháng phải trao hàng cho ông chủ động Tân Dân. Một lần, Lan Khai nói với tôi: mình rất sợ, rất ghét cái việc xé rứt một tờ lịch mỗi ngày. Tờ lịch rơi xuống, mình rùng mình cảm tưởng như tự tay mình bóc xé một mảng đời. Mỗi tờ lịch rơi là một bước chân tiến tới cõi già, cùng với tử thần đưa mình kề cái chết...
Ông làm hai ba việc hàng ngày: viết tiếp truyện Ai lên phố Cát cho Côn Sinh, viết truyện dài cho họ Vũ, kèm thêm một chuyện bình thường nào đó cho một nhà xuất bản vô danh nào đó. Viết kiếm tiền nuôi hai vợ, một đàn con. Bà hai cũng chạy vạy đi kiếm chợ. Bà cả bị liệt chân, ngồi một chỗ. Trong nhà, túng quẫn như thế mà không có một tiếng gắt gỏng, kêu than.
Không lâu sau đó, ông tìm được căn nhà nhỏ phố Châu Long. Lại dọn nhà. Đồ đạc vẫn chỉ có một chiếc giường độc nhất. Ở đây, tiền không kiếm được hơn, song nhờ trời được hơn không khí thở. Cũng vì thế mà bè bạn kéo đến nhà ông đông hơn trước. Đủ mặt hảo hán anh tài. Chuyện suông, uống nước lã mãi, ông sầu đời, một hôm, bà Lan Khai chạy ra chợ Châu Long mua về chút ít rau đậu cho ông chồng đãi khách. Tôi có mặt trong đám ấy nhưng không dự. Khách chuyện đời, chuyện văn nghệ, chuyện giang hồ vặt, vang nhà. Tôi lẻn vào gian bếp, thấy vợ con ông đang cạo nồi cơm, mỗi người tay cầm một miếng cháy gặm, nhịn ăn đãi khách. Tôi thấy đau lòng, thương bạn, thương lũ trẻ.
Nhà Lan Khai ở nẻo biên thùy xa xôi những năm xưa là “Chiêu Anh quán” chân thành đón những quốc sĩ vô danh, đến như cái bóng, đi cũng như cái bóng.
Nhà Lan Khai, lúc này đây, giữa lòng phố phường Hà Nội, cũng lại là một vũng nước Lương Sơn Bạc, chia cái nghèo với mấy chục “tao nhân mặc khách”, lấy ống sậy nhòm trời, lấy bát đong nước biển.
Việc đời, dẫu sao thì cùng tắc biến, biến tắc thông. Cuộc sống gia đình đông đúc ấy, nhờ sự cần cù lao động, cũng có phần nhỉnh lên chút ít.
Vũ Đình Long đặt giấy trịnh trọng mời nhà văn Lan Khai đến tòa soạn 93 Hàng Bông làm việc ăn lương tháng. Họ Vũ giao ông chủ bút tờ báo Văn học Tao Đàn. Báo in đẹp nhất, đứng hàng đầu trong những ấn phẩm của Tân Dân. Báo nửa tháng ra một số, 60 trang. Lan Khai gặp đất dụng võ, đem hết vốn học vấn, trí tuệ ra làm. Cả số lượng 60 trang, ông viết đến nửa báo, nhiều đề mục, nhiều bút danh. Truyện dài từ số đầu là Cái ám ảnh. Mục ông trân trọng nhất là “Mực mài nước mắt”, viết về những nỗi cơ cực của người cầm bút, những số phận con người xưa và nay sống đọa thác đày vì văn bút. Anh em trong nghề bán chữ nuôi thân, đọc ông, dầu chai đá mấy, cũng ngậm ngùi, đau xót. Nỗi đau ấy chỉ anh em biết với nhau. Bọn chủ nhà xuất bản không thèm đọc, không thèm đếm xỉa đến.
Hà Nội thuở ấy có ba ban kịch nói, chỉ hoạt động khi cần diễn lấy tiền giúp vào việc thiện. Ban kịch đàn anh hơn cả do nghệ sĩ Ngọc Đĩnh đứng đầu, tổ chức hai đêm diễn vở Thế chiến quốc tại Nhà hát Lớn (xưa gọi là Nhà hát Tây). Rạp chỉ mở cửa mùa đông, đóng cửa mùa hè, có 700 ghế ngồi. Khách đến bắt buộc phải mang đồ lễ phục, chí ít cũng phải com lê sang trọng mới được vào. Ngược lại, mụ đầm già coi nhà hát sẽ đuổi ra.
Ngọc Đĩnh mời nhà văn Lan Khai sắm vai Ngô Thì Nhậm. Sau nửa tháng tập vở, Lan Khai nhập vai thật là kỳ diệu, không chê vào đâu được. Một nhà văn giàu vốn sử học, sáng tạo một số lớn nhân vật lịch sử trong tác phẩm, lại u ẩn trong tiềm thức tâm tư những văn thần danh tướng qua bao thời đại. Ông đúc kết những tinh hoa ấy, với cả niềm kính trọng trong từng động tác, từng câu nói, bước đi. Ngô Thì Nhậm hiện trên sân khấu quả là một nhân vật siêu phàm kiệt hiệt, một đại danh sĩ Bắc Hà, một đại mưu sĩ của Bắc Bình Vương.
Buổi diễn đóng màn. Anh chị em diễn viên, cả một đoàn, thả bộ về nhà ông bàn kịch, húp bát cháo nóng thay tiệc lớn. Đấy, thuở ấy, chúng tôi làm văn học thì đói khát, chơi nghệ thuật thì đạm bạc, nghèo nàn như vậy, mà vẫn cười vui, không oán, không than. Trừ khi quá uất ức thì mượn vai hề sân khấu, mượn ngòi bút ác độc chửi đổng mấy thằng vua quan bù nhìn, mấy thằng “Tây ăn dân” đầu sỏ vài câu cho bõ ghét.
Cái đêm diễn Thế chiến quốc, trời Hà Nội sao mà rét đến chết người. Ở rạp ấm, bước ra đường, răng đánh vào nhau. Một ông đi cạnh tôi, bỗng ôm sát mình tôi, đi cùng cho đỡ rét. Phố tối, tôi nhìn mặt, hóa ra ông vua tướng số tử vi Hà Nội, tên là thầy tướng Diễn, nhà phố Cầu Gỗ. Ông Diễn ít xem cho khách tạp, chỉ thích coi tướng lũ văn nghệ mà ông gọi đùa là lũ quái nhân. Đi đến Bờ Hồ, thốt nhiên thầy Diễn nói khẽ với tôi: “Cái ông Lan Khai này chơi kịch thì giỏi đấy. Nhưng mà...”, ông ngừng lại, rét quá, hà khói ở miệng ra, đứng tựa ở gốc cây, run tay châm điếu thuốc, bước đi... Tôi nắm chặt cánh tay ông, linh cảm một cái gì gớm ghiếc lắm đây trong câu nói lửng “nhưng mà...”. Tôi gặng: “Nhưng mà sao? Ông nói nốt đi”. Ông Diễn im lặng một lúc nữa, sau thấp giọng: “Rồi ông coi, Lan Khai sẽ bất đắc kỳ tử, ở tuổi 50. Suốt buổi diễn, tôi đã cố ý nhìn nhận tướng mạo anh ấy. Tôi quyết đoán như vậy đấy. Bác cố chờ xem lời tôi nói đêm nay”.
Đến Cầu Gỗ, chia tay. Câu nói của người khác thì tôi bỏ, không cần nghĩ ngợi. Nhưng lời lão thầy Diễn khét tiếng Hà Nội này thì tôi thấy ớn. Trong bài viết về Vũ Trọng Phụng, tôi đã cố tình giấu một chi tiết, ngại người ta bảo tôi là lão già mê tín. Chi tiết ấy thế này: Ông Phụng đã chuyển bệnh lao sang thời điểm thứ hai, ông Diễn đến thăm. Không lâu sau đó, thầy Diễn bảo một ông bạn văn già: “Phụng sắp đi rồi. Tôi hẹn với bác ngày giờ Phụng nhắm mắt”. Quả nhiên, ngày tháng, đúng như thầy Diễn báo trước, duy có giờ thì sai mất 50 phút. Lúc sinh thời, nhà văn hoạt kê, nhà văn hiện thực Vũ Trọng Phụng rất thích chuyện xem tướng số, học nghiên cứu cả khoa học tử vi. Có điều, ông giấu kín, riêng tôi được biết, bởi tình cờ, tôi chạm trán Phụng tại nhà thầy bói nổi danh Ba La Bông Đỏ (Hà Đông).
Lời đoán của thầy Diễn, tôi để lòng cho mãi đến hai năm sau, vào một buổi tối, nhà Lan Khai không có khách, ông cũng nghỉ viết... bởi cơn suyễn hành hạ không chịu nổi. Ông hổn hển bàn với tôi là muốn mang vợ con về Tuyên Quang. Cụ thân sinh độ rày luôn ốm yếu, lại nghe tin Nhật đã chiếm Tuyên Quang. Tình hình bấn loạn, để bố già sống trong cảnh ngộ ấy, lòng ông không nỡ. Ông vốn là hiếu tử, không thể sống an phận với vợ con như người khác. Tôi nghe ông nói, cân nhắc kỹ, rồi tôi đành ghé xuống gối ông nhắc lại lời ông Diễn. Dưới ánh đèn hoa kỳ yếu ớt, tôi cũng nhận thấy sắc mặt ông thay đổi. Cặp mắt cận thị không mang kính mở to nhìn tôi, hoảng hốt. Tôi năn nỉ khuyên ông đừng về. Vậy mà sau đó ít ngày, ông nhận được thư cụ thân sinh. Gia đình ông trả chủ nhà căn phòng thuê số 67 Châu Long, về biên giới.
Từ đấy, xa nhau, xa bằn bặt, xa muôn dặm, tưởng như cả hai chúng tôi không còn tồn tại.
Cho đến một buổi chiều mùa thu, tôi đang ngồi trong nhà, chợt nhìn ra sân, thấy một phụ nữ mặc toàn đồ đen, thắt dải khăn tang cũng màu đen buông suốt sống lưng, tôi vội chạy ra: thì ra bà Lan Khai, bà quả phụ Lan Khai. Vẫn hình dáng ung dung, đường bệ của một vị phu nhân cao quý. Người đây, cảnh ấy, té ra lời tiên tri của lão thầy tướng Diễn chẳng phải là chuyện nói đùa.
Chị Lan Khai nắm tay tôi, ôm mặt khóc từ ngoài sân. Vợ tôi phải cố dìu chị vào trong nhà. Cứ thế, người quả phụ khóc như một người mệnh bạc chưa bao giờ tự xót thương số phận mình đến thế...
Qua nhiều năm sau, một chiều thu lạnh sắp vào đông, tôi nhân chút việc nhà, đã ngồi thuyền ngược Lô Giang lên giáp thượng nguồn. Ông lái đò gập cái thân già trên mái chèo kêu cót két. Đất trời, sông, nước không tiếng động. Sương mù vần vụ mặt sông, bàng bạc như khói sóng. Trước thuyền, một vật gì đó bồng bềnh trôi đến. Tôi chú mục nhìn cái vật bồng bềnh ấy, thốt nhiên thấy rợn. Thế rồi, như vô thức, tôi réo gọi tên anh. Tiếng gọi không to nhưng cũng đã thành âm vang vọng đập dội vào vách đá ven rừng, bạt ngàn “Vi lô san sát hơi may”. Cùng lúc ấy, trên ngọn cây nào đó, vút lên mấy tiếng chim kêu thảm thiết. Tôi sực nhớ hồi Lan Khai viết Chuyện lạ đường rừng thường nhắc đến một loài chim có tiếng kêu buồn, gọi là chim khảm khắc. Khảm khắc kêu gọi bạn lúc bóng tối bắt đầu đổ xuống rừng.
Vậy thì con chim kia, ới Lan Khai! Phải chăng là khảm khắc, là Anh?

Tạp chí Văn học, số 6-1991

Tái bản trong tập “Hà Nội cũ nằm đây”, NXB Phụ Nữ - 2015

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét