Thứ Hai, 13 tháng 6, 2022

Chiêu niệm Vũ Trọng Phụng - ký Ngọc Giao

Chiêu niệm Vũ Trọng Phụng

Tác giả: Ngọc Giao

Người ta đã thường nhắc nhở nhiều đến Thiên Hư Vũ Trọng Phụng. Đời còn nhớ tiếc anh, văn mạch còn khóc thương anh, Phụng ơi, vẫn hay rằng cái nghề của lũ chúng mình chẳng nuôi sống được người, nhưng dẫu văn tinh rụng sớm, anh còn ngự trị trên văn đàn xứ sở và trong lòng những kẻ bạn đã chia đau khổ với anh. Những độc giả đã thông cảm với anh qua những nhân vật điển hình bất tử: ông Týp-phờ-nờ, bà Văn Minh, Xuân Tóc Đỏ, cụ Cố Hồng, Phúc Cái Đinh, Nghị Hách...
Thực vậy, Thiên Hư không bao giờ chết một khi nhân loại còn những con người, con vật, tiêu biểu cho thất tình thú tính mà chính Christ, Như Lai chưa diệt nổi, và tiêu biểu cho Thiện, Ác, Giả, Chân mà chính họ Khổng đất Lỗ xưa chưa định được trong Kinh Thi, Dịch, Lễ, Nhạc truyền thiên hạ.
Thế cho nên, bá đạo đang tung hoành trên mặt đất nhầy nhụa tội lỗi, chúng ta càng nhận thấy rằng nhân loại mất Molière, Balzac, Vũ Trọng Phụng... ấy là đã mất những bộ Bách khoa từ điển, trong đó ý nghĩa thực tiễn của con người, con vật đã được giải thích và minh họa với ống kính của những nhà vi trùng học chân chính nhất...
Nhân loại mất Thiên Hư, xã hội mất một văn hào, và vườn văn hóa Việt Nam mất một cây tùng, cây bách. Khoảng đất trống kia còn trống mãi. Đã làm gì có một loài cổ thụ khác thay vào cho đời nghe lá gió rung nhạc quỷ, cho mặt đất tiềm tàng đón đợi sức sống của rễ mạnh đục muôn trùng.
Hôm nay, tôi nghĩ đến anh, viết về anh. Đốt tâm hương, chiêu niệm anh linh một cây thần bút, cái kẻ còn gửi mình vào buổi chợ chiều này còn thấy dư đôi hạt lệ gọi hồn ma, thì thầm nói chuyện cùng ma.
Ờ, Phụng nhỉ, hình như 1929 tôi gặp anh tại văn phòng Ngọ Báo sau đền Bà Kiệu. Việt Quang tức Bùi Xuân Như tức Micro (lại một văn hữu ngã vì nát phổi!) đã chỉ cho tôi biết cái anh chàng mặc áo the thâm, khom cái mình gầy trên bàn máy chữ lách tách trong xó tối và giới thiệu đó là tác giả thiên truyện ngắn Chống nạng lên đường.
Người thư ký làm việc âm thầm và sống nghèo nàn nhũn nhặn kia đã dám cam làm chân cậu ký quèn để tập viết thử một vài truyện ngắn, dăm cột báo phụ trương, không hề mơ tưởng tiền nhuận bút. Độc giả thờ ơ đọc và lạnh lẽo quên một nhà văn mới, có biết đâu rằng đó là ánh đuôi sao chổi sẽ làm sáng cả một trời, và đó là một danh tướng bắt đầu chống giáo lên yên để tung hoành trên trường văn trận bút.
Vũ Trọng Phụng đã chống nạng bước lên đường văn nghiệp. Cần cù, nhẫn nại, Phụng lao thân ốm đi tìm một chân trời. Chân trời hé mở đón anh với kịch phẩm Không một tiếng vang mà bạn anh chỉ một lần đem lên sân khấu để rồi không một tiếng vang nào vọng lại.
Phụng thôi thí nghiệm kịch trường. Anh mê mải rẽ sang tiểu thuyết và phóng sự.
Từ Lấy nhau vì tình lâm li lãng mạn đến tác phẩm sau cùng Trúng số độc đắc (riêng tôi cho là chua cay, châm biếm, sâu sắc nhất), cây bút Vũ Trọng Phụng quả đã là cánh đại bàng vượt Thái Sơn, Nam Hải.
Tuy nhiên, chưa hề có lần nào Phụng hài lòng. Dễ dãi cởi mở với cuộc đời hung bạo bao nhiêu, Phụng càng khắc nghiệt, nghiêm nghị bấy nhiêu với những tác phẩm mà anh chỉ dám coi là non yếu lắm.
Trái ngược với các văn hữu khác, Vũ Trọng Phụng rất rụt rè. Hay tin Phụng vừa viết xong một truyện, các bạn vội quay ngay đến căn gác lụp xụp ở phố Hàng Bạc kia để đòi Phụng cho xem bản thảo. Phụng giấu kỹ tập giấy dày cộm đóng cẩn thận như sách học trò vào ngăn kéo, chỉ miễn cưỡng moi ra nếu bị đòi hỏi dữ, không chối được. Anh không thích ai đọc văn mình trước mặt mình, e thẹn như cô gái nhà lành chịu ép ngồi cho người ta xem mặt.
Thường lệ, anh vuốt ve bản thảo của anh, bận rộn quyến luyến đứa con tinh thần ấy độ ba ngày rồi mới trao cho nhà xuất bản.
Vũ Trọng Phụng là một nghệ sĩ không ưa bừa bãi. Anh thủ tín và giữ lễ như một nhà nho tự trọng, một nhà đạo đức chính tông. Không bao giờ anh chịu sai lời hẹn với nhà xuất bản, ông chủ báo, khi đã hứa viết bài, đưa tác phẩm. Trước mặt anh, một tấm thời khắc biểu đóng trên tường, kèm bên một tờ giấy lớn, viết bằng mực đỏ ghi ngày tháng phải viết xong và danh sách những người đã đặt tiền mua văn phẩm.
Nhà văn Vũ Trọng Phụng làm việc chăm chỉ như một cậu học trò nghèo và ngày đêm lo thanh toán nợ văn chương, không muốn để ai được phép làm thương tổn danh dự và lòng tự ái. Đến nỗi những văn hữu sẵn tiếng là chây lười, hay là đãng trí như Lưu Trọng Lư, Nguyễn Triệu Luật, Lan Khai, Nguyễn Tuân - nhất là Nguyễn Tuân - đã bực mình gắt bên giường Phụng, những ngày anh đang cố giãy giụa chống với hai làn phổi nát: “Cái đức tín nghĩa và cái văn tài đầy đủ của người đã đến lúc có thể cho phép người quỵt chơi dăm ba món nợ mà đời không ai dám rủa xả đã có lũ chúng ta đây hứng chịu, trang trải sạch cho người. Can gì mà cứ ôm ngực, khạc mãi máu vào giấy mực để mà lo trả nợ!”
Phụng chỉ mỉm cười. Anh vẫn khom lưng viết, ôm ngực viết Người tù được tha là cuốn tiểu thuyết được tạo tác công phu nhất trong thời kỳ lao phổi đang trầm trọng. Tiểu thuyết đó là thiên hồi ký của một chánh trị phạm bị phát vãng ngoài Côn Đảo, do một tù nhân khác thuật lại cho Phụng viết. Phụng đã thức một đêm, lắng tai nghe và thưởng thức câu chuyện giang hồ ấy bằng những mồi thuốc lào khiến anh ho sòng sọc, rũ ra như gà giãy chết. Thế rồi, chỉ hai tháng sau, Vũ Trọng Phụng đã tìm người kể chuyện, trịnh trọng và kín đáo hai tay đưa bạn giang hồ đọc tập bản thảo dày ba trăm trang lẻ. Người này đọc xong, đã toát mồ hôi, ôm lấy cái thân hình gày gò của Phụng mà bái phục: “Thế này thì thật là lạ quá! Anh đã sống hơn một thằng tù mọt xiềng nát xích là tôi. Thực là một thiên tài, một thiên tài!”. Nhưng tiếc rằng hồi ấy, kiểm duyệt không cho cuốn sách ấy ra đời.
Vũ Trọng Phụng được thiên bẩm một khả năng kinh tưởng và tạo tác mạnh phi thường. Quanh năm, co ro, rên rỉ vì nghèo túng và bệnh tật trong bốn bức tường giăng mạng nhện, vậy mà cây viết thần linh đó đã có sức vượt không gian, thời gian để nhập điệu tất cả cái gì là thầm kín nhất, sâu lắng nhất, u minh nhất, gai lửa nhất của nhân loại và vũ trụ.
Viết Kỹ nghệ lấy Tây, Vũ Trọng Phụng chỉ nghe một lão hảo hán ngõ Sầm Công vui kể cạnh khay đèn mà đã khiến thiên hạ rùng mình tưởng tác giả vốn đã nửa kiếp ghi tên dưới trướng, nghênh ngang quán Sở, lầu Tần.
Viết Cạm bẫy người, cái con người văn học mặc áo the gài đủ năm khuy, đội khăn phải soi gương cho chữ “nhân” đứng vào giữa trán, nghĩa là một con người không biết cả đến kết tốt đen đè tốt đỏ thế nào, mà chỉ nghe một công tử phá gia kể có nửa ngày, Vũ Trọng Phụng lại đã làm cho lũ chủ sòng hết vía và phẫn nộ đến mực cần phải giết ngay cái anh văn sĩ có lẽ đã đốt rất nhiều văn tự ấy, nếu không thì bao nhiêu mòng két biết hết tẩy của chúng rồi, thì còn làm ăn gì được nữa!
Cho đến cả Cơm thầy, cơm cô, Lục xì, Vũ Trọng Phụng cũng chỉ lượm lặt được chút ít tài liệu qua những câu chuyện cợt đùa của mấy dân nghiện hút, thế mà rồi những tác phẩm ấy đều là những hòn đá lớn ném vào ao ếch. Dư luận xôn xao về tác phẩm họ Vũ, ở các tao đàn, tại những gia đình trưởng giả, cho đến cả những lầu xanh, máy nước. Do thế, có thể bảo rằng giữa cái thời phong trào lãng mạn, tư tưởng bi quan đang cực thịnh, Vũ Trọng Phụng đã là một nhà văn tiên tiến khả dĩ biểu dương quan niệm xã hội, nhân sinh và đại chúng, những danh từ, hồi ấy, chỉ là phiếm ngữ, hư văn được nêu lên bởi một nhóm nhà văn tư sản.
Thực vậy, Vũ Trọng Phụng đã có tinh thần đấu tranh và thiết thực. Nhưng hỡi ôi! Phụng đã cả một đời chỉ có dịp tranh đấu một lần, để rồi chưa kịp hưởng gì anh đã vội theo Thần Chết.
Đây là câu chuyện cũ: chúng tôi, một số lớn văn nghệ sĩ Bắc Hà - từ 1935 trở đi - đều giúp ông Vũ Đình Long mà dạo đó mặc dầu chúng tôi không nhận, người ta cũng cứ gọi là văn phái Tân Dân, nghĩa là một văn phái đối lập với anh em Tự Lực văn đoàn. Sự thực đâu có thế, chúng tôi chỉ là những nhà văn độc lập, những mảnh buồm tơi tả không bảo nhau mà giạt cả vào một bến, bởi vì không có gió để ra khơi!
Nếu tôi nhớ không lầm thì năm ấy nạn kinh tế khủng hoảng làm lung lay các xí nghiệp, thương gia. Bọn hàn sĩ chúng tôi chung ảnh hưởng. Thế là Vũ Trọng Phụng nhìn quanh cái đói của anh em, đã cố ngóc đầu khỏi giường bệnh, cổ xúy các bạn cùng tranh đấu, nghĩa là làm một bản yêu sách tăng tiền nhuận bút. Chúng tôi họp ở căn gác tối tăm của anh Trương Tửu, phố Hàng Gà, tuy Trương Tửu không viết gì cho họ Vũ. Khói thuốc lào, thuốc lá, tiếng ho khù khụ, tiếng cười nhạt nhẽo gây cho căn phòng ảm đạm một không khí nghẹn ngào, tức thở, khiến Lan Khai thu hình trong xó tối đang gân cổ hít điếu thuốc bào chữa suyễn, long lanh đôi mắt cú rừng ái ngại: “Họp thế này để làm gì? Tôi tin rằng chúng ta sẽ làm một trò cười”.
Lưu Trọng Lư, một nhà thơ tình tứ, một con nai vàng ngơ ngác không thích lá vàng mà lại thích giấy bạc hơn, bởi vì trên vai anh nặng một đàn thê tử, đã trợn mắt quát: “Sao lại không kết quả! Thằng thì ho nát phổi không biết đến thời kỳ thứ mấy, thằng thì rên suyễn gù gập cả xương sống, thằng thì ôm mãi khăn áo đến nhà Vạn Bảo cầm cố, đến nỗi khách trú nó chán không cần nhìn mặt, thế mà cứ viết mãi tám hào một trang giấy rộng, để rồi chết rũ cả hay sao?”
Nguyễn Tuân phì phèo píp thuốc khói mù ở góc tường, lặng lẽ nhìn ra cửa sổ, nhất định không nói một câu nào. Có lẽ anh đang nghĩ tới ống khói một con tàu mặt biển, có lẽ anh đang nghĩ biết đến bao giờ người ta róc mảnh da đã được thuộc nhiều chớp bể mưa nguồn, mưa rừng nắng núi của anh, để làm va li bán cho người Do Thái?
Rồi đó, ký kết xong, Vũ Trọng Phụng cùng chúng tôi chống nạng lên đường... nhắm “động” Tân Dân thẳng tiến. Phụng lòng còng cái lưng thảm hại, khăn len bịt kín đầu, lê đầu ba toong trên đường nhựa, đi tiên phong, và đi hăng hái lắm, tuy rằng đôi chân anh nặng nề nhấc bước như con rùa bò mặt đất.
Tới tòa báo đồ sộ phố Hàng Bông, Vũ Trọng Phụng không còn hơi thở. Tôi phải dìu cánh tay anh, leo đủ 32 cấp cầu thang nhẵn bóng. Kết quả vô cùng rực rỡ: bản yêu sách được chấp nhận ngay: đang từ tám hào một trang khổ giấy học trò (32 dòng, mỗi dòng đủ 14 chữ) vụt nhảy lên một đồng hai.
Phụng đau trầm trọng. Tôi đã hai lần lau dòng máu chảy ở môi anh.
Nhưng anh vẫn viết, và bảo bạn chơi một lần chót vở kịch xưa Không một tiếng vang, để anh đành nhắm mắt. Song bạn anh không có điều kiện chiều theo con bệnh sắp đến giờ vĩnh quyết. Hàng ngày, Phụng vẫn cố ngồi viết nốt truyện Trúng số độc đắc, một tác phẩm vĩ đại sau cùng. Anh gượng cười bảo bạn:
- Ta đã tranh đấu. Ta đã thắng. Ta cần được hưởng thêm bốn hào một trang, rồi chết cho an thỏa, cho mát mẻ, chúng bay ôi, chúng bay ôi!
Viết đến trang cuối cùng bộ truyện dài trào phúng và hí lộng kia, Phụng đã vật mình xuống manh chiếu rách, trên tay mẹ già, một tối mùa đông.
Anh chống gậy đến tòa báo, tự tay trao bản thảo, để rồi trở về túi rỗng. Phụng nghiêm trang khoe với bạn trong cơn sốt:
- Phụng của các anh sống không nợ, chết thủy chung. Món nợ tôi vay trước của nhà xuất bản, thế là đã được trang trải hết bằng 400 trang đủ dòng đủ chữ. Lương tâm ta yên ổn lắm, không còn lo gì quỷ sứ, Diêm Vương kìm cặp linh hồn ta nữa.
Rồi lại có một chiều, tôi gặp Phụng ở giữa đường, tôi rợn mình vì mặt anh không còn sinh sắc nữa. Anh lê gậy đi như một con ma giữa cái thiên hạ đang tranh sống, dưới mặt trời, trong bụi gió, Phụng lảo đảo ngã vào tôi, hổn hển:
- Đưa tôi đến nhà báo thu thập những bản thảo cũ đã in. Rồi cần giữ bản thảo của tôi. Tôi thích chơi bản thảo, càng dây bẩn nhiều vết tay anh em thợ chữ lại càng quý.
Lần thứ hai, tôi vực Phụng lên 32 cấp thang đánh bóng, xin bản thảo về. Tới nhà, Phụng lại ngất trên tay mẹ già không còn nước mắt mà nhỏ xuống vầng trán lạnh người con hiền. Anh nắm tay tôi.
- Giao ôi, khi liệm xác tao, nhớ cho tao gối đầu lên bản thảo. Đó là điều yêu sách cuối cùng nhờ ở lũ chúng bay còn sống sót. Đừng quên, nhá!
Bao nhiêu năm qua rồi nhỉ? “Đừng quên, nhá!”
Không, tôi vẫn nhớ anh. Đời vẫn nhớ anh.
Tôi chân thành đốt trầm hương trong phòng vắng, viết những dòng tâm huyết thiết tha này giữa một đêm cầu nguyện cuối năm Thìn.
Cái xã hội này đang lúc cần có mặt anh để cho thiên hạ được soi gương, trên những dòng chữ của anh, và được che mặt gượng cười thêm chút nữa. Anh đã vội đi rồi. Viết về anh, tôi đã nói, và tôi còn nhắc lại, tin tưởng mà nhắc lại nữa rằng: “Cái chết của nhà văn không có nghĩa là mất hẳn. Đấng sĩ phu kia đã có quyền an nghỉ trên những vòm hoa trắng của tháp đài văn học sử”.

Năm 1939

Tái bản trong tập “Hà Nội cũ nằm đây”, NXB Phụ Nữ - 2015

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét