Thứ Hai, 13 tháng 6, 2022

Đôi điều tôi biết về Vũ Trọng Phụng - ký Ngọc Giao

Đôi điều tôi biết về Vũ Trọng Phụng

Tác giả: Ngọc Giao

Năm 1939, Vũ Trọng Phụng mất, tôi đã viết về ông trong Chiêu niệm Vũ Trọng Phụng. Bài này đăng báo nào, nhiều năm đã qua đi, tôi không nhớ. Nhưng gia đình ông còn lưu giữ.
Nửa thế kỷ đã trôi qua...
Nửa thế kỷ đã trôi qua, nhưng những gì tôi biết về con người ông, với tư cách là một nhà văn, một đồng nghiệp, một bằng hữu, vẫn luôn làm tôi cảm thương, tiếc xót. Một con người tài năng siêu hạng là thế, sống nghĩa tình, đầy đặn với đời là thế, sao lại rời bỏ cõi thế gian này sớm vậy?
Lần đầu tôi gặp Vũ Trọng Phụng tại tòa soạn báo Loa của Côn Sinh và Tam Lang đường Gia Long xưa, nay là Bà Triệu. Tôi tới đưa bản thảo truyện ngắn Đời tư Lã Bố. Khi đó Tam Lang đang thích thú cái “tít” hài hước của truyện thì bỗng thấy một anh chàng nhỏ nhắn, gầy gò, đầu đội khăn xếp, mặc áo the đen, xuất hiện. Đó, Vũ Trọng Phụng. Và tôi thật sự sửng sốt trước cái nhan đề tập phóng sự mà họ Vũ đưa ra: Kỹ nghệ lấy Tây. Vừa lúc đó Lan Khai y phục cũng giống Vũ Trọng Phụng bước vào. Ông là người chuyên viết về Chuyện lạ đường rừng cho tờ Ngọ Báo (anh em vẫn gọi đùa là nhà văn “mán xá”). Vốn rất vui tính, Lan Khai cười hô hố rồi la: “Jeu de titre! Các ông toàn chơi những cái “tít” quái ác thế này!”
Quả là sau đó, nhiều truyện của Vũ Trọng Phụng đều mang đầu sách giật gân, đập vào thị hiếu người đọc.
Vậy mà Phụng lại vốn là người rất lành hiền. Ngạn ngữ Pháp: Văn là người - với Vũ Trọng Phụng - không hẳn đúng. Đang học năm thứ ba trường Bưởi, Vũ Trọng Phụng bị đuổi vì tham gia bãi khóa ủng hộ Phan Châu Trinh. Ông bắt đầu viết văn. Truyện ngắn đầu tay là Chống nạng lên đường. Hồi này ông rất nghèo, chưa vợ, chưa bệnh. Ông rất thích đàn nguyệt. Giữa đám đông, bao giờ Vũ cũng ngồi im một góc, gẩy “vọng cổ hoài lang”. Thỉnh thoảng giữa dăm ba văn hữu nổ cuộc tranh cãi về một tác phẩm nào đó, một nhà văn nhà thơ nào đó, hoặc về một học thuyết nào đó. Vũ nổi hăng cũng đập bàn xô ghế, bảo vệ bằng thắng ý kiến của mình. Xong, lại rút vào một góc ôm đầu. Tôi chưa bao giờ nghe Vũ cười thành tiếng, mà chỉ đôi khi nhếch mép. Nhưng nụ cười lạnh ấy không khiến người ta liên tưởng tới một bụng dạ thâm hiểm mà chỉ nói lên một tâm hồn u uẩn, châm biếm, đến độ làm nạn nhân có thể chết luôn! Ông không bao giờ quát tháo to tiếng, nói bậy. Câu khiển trách nặng nề nhất của ông là: “Cậu xoàng lắm!”. Thế thôi!
Tôi và bạn bè đều rất lạ vì Vũ không hề biết người đàn bà nào ngoài người vợ hiền mà lại viết những Kỹ nghệ lấy Tây, Làm đĩ, Lục sì... Sau mới biết cách “đi thực tế” của ông. Thấy Vũ viết về đề tài đĩ điếm, tôi bảo Vũ: “Ở Hà Nội chỉ có mấy ổ lầu xanh ở ngõ Hàng Mành, ngõ Hàng Hương, Cống Đục, Đường Thành, Cống Chéo, Hàng Lược. Còn me Tây phải tìm họ ở Sơn Tây, Đáp Cầu, Tông (ở đấy có nhiều trại lính lê dương đóng)”. Thế là Vũ lặn lội đến những sào huyệt ấy. Đi luôn mấy hôm, trở về viết, hoàn thành bản thảo. Hồi đó chúng tôi không đi thực tế như bây giờ. Nếu hiểu “đi thực tế” như ngày nay thì chúng tôi quả là “nằm tháp ngà”. Viết văn như nhờ một thiên bẩm nào đó, như chỉ nhờ sức tưởng tượng, sức sáng tạo của mình. Nhưng nhìn lại thì thấy cũng không hẳn thế. Để viết Cơm thầy, cơm cô Vũ Trọng Phụng đã ăn mặc như một người làm công bình thường, ra ngồi ở máy nước công cộng chợ Hàng Da. Đó là nơi những “con sen”, “thằng nhỏ” tập trung để lấy nước. Và ông đã biết được những thói hư tật xấu của những ông chủ, bà chủ qua những câu chuyện mỉa mai, phê phán của đám người nô lệ ấy.
Khi viết Lục sì, Vũ Trọng Phụng tìm được viên đội Tây người Coóc tên là Mác, trùm “đội con gái” chuyên bắt loại gái “ăn sương”, không có giấy “lục sì”. Viên đội này đã dẫn ông vào nhà dispensaire (chữa bệnh cho gái lầu xanh). Và nhờ đội Mác, ông biết được số phận của người gái đĩ. Hồi đó Hà Nội có khoảng ba mươi vạn dân thì có hơn hai nghìn gái đĩ.
Câu hát của gái lầu xanh thời đó, nói lên cảnh đời dày dạn, ê chề của họ:
Hôm nay thứ sáu mình ơi.
Ngày mai thứ bảy, phiên tôi lục sì!
Cũng vì những chuyến “thám hiểm” như thế mà khi viết Cạm bẫy người, Vũ Trọng Phụng đã suýt chết. Ông là người không biết đánh bạc, đến đánh tam cúc với vợ con vui ngày Tết, ông cũng không hề cầm đến lá bài. Thế mà lại dám liều mình “đâm đầu” vào các sòng bạc của Cả Vê, Hai Mơ, Ba Sinh là ba tên cầm đầu các sòng bạc thời bấy giờ ở Hà Nội. Đi theo một con bạc, ông la cà trong sòng bạc, xem đánh xóc đĩa, thầm thì hỏi han, quan sát cặn kẽ các tay chơi. Và ông đã “lật tẩy” tất cả các mánh khóe cạm bẫy, lột túi giết người của bọn chủ sòng ác ôn trên mặt giấy. Chúng đe dọa sẽ giết tác giả Cạm bẫy người. Bạn bè lo lắng cho ông, nhưng Vũ Trọng Phụng vẫn bình thường, chỉ mỉm cười: “Tôi thích viết, tôi cần viết. Chết vì nghề cũng được. Không ai thù nạt được tôi”.
May mà bọn chủ bạc ấy cũng còn biết sợ nhà tù, nên rồi chúng phải lờ đi.
Bình thường Vũ Trọng Phụng là người ôn hòa, thậm chí yếu ớt là khác. Vậy mà khi “vào cuộc”, ông dũng cảm, nhanh nhẹn, xông xáo, có tài ứng biến với những tình huống nan giải. Tôi còn nhớ một câu chuyện vui, rất nghịch ngợm, nói lên tính cách ấy ở Vũ Trọng Phụng, nhà văn trào lộng bậc thầy.
Ngày ấy ở Hà Nội có hai tờ báo trào phúng. Tờ Con Ong do ông Huyến Voi (bố vợ Văn Cao) làm chủ bút. Tờ Vịt Đực do Vũ Bằng làm chủ bút. Các cộng tác viên là Vũ Trọng Phụng, Tam Lang Vũ Đình Chí, Phùng Bảo Thạch. Chúng tôi thường đùa là: Trong thiên hạ có ba con ác quỷ, ba cây bút sắt đảo thiên nghịch địa đó là ba thằng họ Vũ, một thằng họ Phùng (sau đó nhà nho vui tính Ngô Tất Tố cũng tham gia). Tờ Vịt Đực dám ngỗ ngược chửi cả toàn quyền, thống sứ Tây đến cả đức Cựu hoàng Bảo Đại, cho đến tất cả quan trường vô tài, bất đức. Nhưng từ quan Tây đến quan ta vẫn vì lẽ gì đó cứ lờ đi. Ở Hà Nội, người bị Vịt Đực nắm tóc nhiều nhất là mụ Hồng Khê (mà họ Vũ nói lái là mụ Kề Hông). Mụ này, theo Vịt Đực, chuyên quan hệ với Môhamét bán vải ở Hàng Đào, Hàng Ngang, nhờ đó mụ có cơ ngơi dọc ngang phố Huế. Nguyên do là tờ Vịt Đực thường xuyên ở tình trạng ba chìm bảy nổi. Nhà in không chịu in cho vì thiếu tiền. Ba ông họ Vũ bất đắc dĩ nghĩ ra mẹo làm vụ chantage (tống tiền) cứ réo mụ Hồng Khê, chờ mụ chịu “nộp phạt” lấy tiền in báo. Thế là Vịt Đực liên hồi xa xả bới móc mụ Kề Hông. Nhưng Hồng Khê keo kiệt nhất định không cởi túi. Trả miếng, mụ thuê hai chục nữ nặc nô chợ Hôm, kéo đến tòa soạn Vịt Đực, góc phố Phủ Doãn, sau khách sạn Asia để “xé xác” ba họ Vũ. Có người báo cho ba ông biết sẽ có cuộc “tử chiến”. Để đối phó lại, Vũ Trọng Phụng vẫn rung đùi bình tĩnh, bàn mưu, chơi trò “Ba Giai, Tú Xuất”. Trước cửa tòa soạn thường có hàng chục trẻ ngồi chờ lấy báo và bọn hành khất nằm chờ xin ăn cửa sau khách sạn Asia. Các ông cho mỗi đứa năm xu và dặn chúng phải hoàn toàn khỏa thân, nấp trong tòa soạn. Khi bọn nữ nặc nô kia đến. Ba tướng họ Vũ, có cả ông Ngô Tất Tố nép mình trên gác hô to: “Mở cửa thành!”. Vậy là hai ba chục thằng trần như nhộng, giữa ban ngày ban mặt rùng rùng chạy ra quát tháo. Bọn nặc nô đỏ mặt, ù té chạy. Hai chàng họ Vũ trên gác cười vang. Riêng Vũ Trọng Phụng vẫn điềm tĩnh, đội khăn, mặc áo the của cụ đồ Ngô Tất Tố, bắc ghế ra bao lơn gác, ôm cây đàn nguyệt ung dung gảy bài Khổng Minh tọa lầu (tích Khổng Minh tay không dùng mưu đánh thắng 30 vạn quân Tư Mã Ý trong Tam Quốc diễn nghĩa). Nhưng thói thường, cực lạc sinh bi, vui lắm buồn nhiều. Bọn nữ tặc chạy xa rồi, mấy tướng họ Vũ không ai nói với ai, chợt thấy nỗi buồn mênh mông xâm chiếm. Buồn về nghề với nghiệp, buồn về thân thế, buồn về cái trò lục sở vừa mới bày ra đó, rõ ràng là “phi quân tử”!
Các ông ấy, ở thời ấy, nghịch như vậy đấy. Nghịch đến nỗi nhiều người ở Hà Nội sợ tờ Vịt Đực, nhất là mấy cha nghị gật, mấy anh trọc phú đại gian thương, mấy mụ me như cô Ba Tú, Tư Hồng đĩ có tàn có tán, có hương án bàn độc đều nguyền rủa chú Vịt điên khùng. Và cũng từ đấy xuất xứ câu thành ngữ “Làm báo nói láo ăn tiền”. Thực ra thì nhiều điều báo Vịt Đực, Con Ong chửi đúng. Người viết có bản lĩnh khiến kẻ thù kiêng nể. Nhưng cuối cùng Con Ong của Huyến Voi cũng do chính trị-kinh tế rút nọc, Vịt Đực cũng vậy, bị “đánh tiết canh”. Các ông chủ bút quan niệm, làm báo cũng là một cách chơi với đời (đời mất nước, đời nô lệ) vậy thôi. Thời đó hầu hết chúng tôi là như vậy. Mặc dầu văn phái khác nhau, viết lách, suy nghĩ, sinh hoạt khác nhau, chúng tôi không hề đối nghịch nhau. Anh em trân trọng, thương xót, đùm bọc nhau trong tình bạn. Chúng tôi thầm ví mình như Vân Hạo trong Lều chõng của Ngô Tất Tố. Chẳng phải chúng tôi không thấy, không thấm cái nghèo, cái nhục của cảnh sống vong nô. Đã không làm được cách mạng thì rỡn nghịch chơi, phá phách chơi rỡn cho thiên hạ cười, và mình cũng cười. Ờ mà cười nhếch mép trước đắng cay, đểu cáng của cuộc sống xô bồ, Tây, Tầu, Nhật, đĩ đực, đĩ cái, nhớp nhúa, từ ngai vàng đến cống rãnh hôi tanh. Ờ hãy biết cười nhếch mép như Phụng, Phụng ơi!
Nụ cười nhếch mép của Phụng ít khi trọn vẹn, thường tắt lặng nửa chừng. Nụ cười ấy chưa lúc nào giải tỏa được cõi lòng ông và cũng buộc người đời chẳng thể chỉ cười. Đọc Vũ Trọng Phụng quả là cười sa lệ, vì những cảnh đời éo le, những cảnh đời nhố nhăng, đảo điên, đồi trụy vì tiền. Trúng số độc đắc là bản thảo cuối cùng của Vũ Trọng Phụng đăng dài kỳ trên Tiểu thuyết thứ Bảy cũng lột tả những mảnh đời như thế. Ông nói với tôi là ông viết tiểu thuyết này dưới ảnh hưởng của nhà văn Pháp Marcel Pagnol. Ông tìm thấy ở cốt truyện của nhà văn này cái “típ” lí thú thể hiện những thực tế của xã hội Việt Nam bấy giờ. Nhân vật chính là Phúc Cái Đinh, một thằng cha vô tài bất tướng, thất nghiệp dài dài, ăn hại báo cô, đến nỗi bố khinh vợ ghét, em gái coi rẻ. Hắn mơ ước được trúng số độc đắc, để trả thù đời bằng cách làm đủ mọi việc từ thiện cho xã hội, giúp dân nghèo, lưu danh thiên cổ. May, thần tài cười với hắn: Trúng số độc đắc, Phúc Cái Đinh trở mặt. Hắn biến thành con quỷ dữ, thằng bần tiện. Trước hết hắn trả thù ông bố, trước kia đã dám khinh rẻ hắn. Rồi trả thù vợ, em gái cũng có tội như lão bố, đã dám khinh hắn là thằng vô học, thằng thất nghiệp. Suốt từ đầu đến trang cuối, tác giả không nửa lời phê phán, chỉ cảm thấy nụ cười lạnh, nụ cười nhếch mép của anh chàng họ Vũ giá băng này.
Con người từng trải cảnh đời, tình người, từng trải đến mức nhiều khi cay nghiệt ấy, lại là người sống trung hậu, tình nghĩa đầy trách nhiệm với bổn phận của mình, với nghề nghiệp, với bạn bè. Vũ Trọng Phụng đã viết hàng loạt phóng sự, truyện ngắn, tiểu thuyết về “tình trường”, nhưng ông lại rất ngây thơ về “tình riêng”. Ông chịu ảnh hưởng quan điểm của đạo Khổng: “Nam nữ thụ thụ bất tương nhân”, nên khi đã đi hỏi vợ rồi mà vẫn chưa hề gặp gỡ chuyện trò với vợ chưa cưới. Lấy nhau xong, bà Phụng mở một hiệu sách nho nhỏ ở đầu phố Hàng Nón. Cảnh nhà Vũ Trọng Phụng vẫn luôn túng thiếu. Đến nỗi tôi phải nói với nhà in Tân Dân cho ông nhận sửa morat lấy thêm món tiền nhỏ sinh sống, thuốc thang. Những năm sau đó Vũ Trọng Phụng ngã bệnh, người rất yếu rồi. Tôi còn nhớ ông còng lưng, gập người chữa bản morat. Nhưng ông vẫn sửa rất cẩn thận, sửa lỗi chính tả và có khi còn đề nghị tác giả thay đảo cả đoạn văn dài (tất nhiên là những người viết, trong đó có Như Phong mới bước vào nghề, đều vui lòng nghe theo lời ông). Nhà văn lớn của lịch sử văn học Việt Nam, thời ấy, đã vì cơm áo vợ con mà làm cái công việc khổ sai này để một tháng nhận thêm có 10 đồng.
Vũ Trọng Phụng đã làm việc gì đều làm cẩn trọng, hết mình. Bản thảo của ông đầy đặn. Ông dùng loại giấy khổ học trò, chữ đúng ngòi “ma la”, mực tím, nét rõ ràng. Bản thảo đưa cho Tiểu thuyết thứ Bảy dù mấy trăm trang, cũng chỉ viết một lần mà vẫn rất sạch sẽ. Đó là điều khiến lũ chúng tôi kinh ngạc, khác hẳn bản thảo của nhà văn, nhà giáo Nguyễn Công Hoan chữa bằng mực đỏ, như thầy giáo chấm bài vở học trò. Thợ sắp chữ đọc bản thảo ông Hoan kêu mệt.
Ông Phụng đau bệnh, nhiều khi nằm viết, viết trong cơn đói, giữa cơn ho, cơn sốt. Vậy mà ngòi bút ông, mỗi dòng, mỗi chữ, hạ xuống giấy, mạnh như kiếm, như dao.
(Ờ mà, Vũ Trọng Phụng của chúng ta, sống như thế đấy, viết như vậy đấy! Phụng ơi!).
Điều đáng lạ nữa là, theo lệ nhà xuất bản, ông viết đúng mỗi trang 32 dòngmỗi dòng đúng 14 chữ. Ông nói rằng ông không muốn “ăn gian của nhà in một chữ”. Khi đưa tôi năm trang cuối cùng Trúng số độc đắc, Vũ Trọng Phụng mệt quá, hổn hển bảo tôi: “Đây là những trang nợ cuối đời tôi. Giao nhớ nói với ông Vũ Đình Long rằng, hôm nay Phụng thanh toán nợ cũ. Tôi không nợ Vũ Đình Long (kể cả thế gian này) một đồng, một chữ”.
Hồi đó các nhà văn thường lĩnh tiền ứng trước của nhà xuất bản và viết sau. Vì thế nên họ thường cuống lên vì nợ. (Trong số con nợ, khổ nhất là Lan Khai, nhà văn “mán xá” quanh năm suyễn nặng, hai vợ, năm con nghèo xơ xác, luôn viết không hề rời bút và phải bám chặt nhà xuất bản). Nhưng Vũ Trọng Phụng dầu biết mình sắp tắt, vẫn giữ sĩ khí của mình, quyết không nợ, không lụy một ai. Phẩm tiết ấy, đức độ ấy, tài năng ấy đã giúp ông không những không nợ đời mà còn để lại cho đời, nhất là cho những người viết văn chúng tôi bao bài học không ước lường được giá. Ngay trước khi sắp “được” biệt giã cõi đời, Vũ Trọng Phụng vẫn còn nghĩ đến những người ở lại. Hồi đó anh em viết nghèo chúng tôi, đội quân bút lông, bút sắt, hàn sĩ khá đông đều tập trung tại nhà in báo Tân Dân số 93 phố Hàng Bông. Tiền nhuận bút ít ỏi không đủ sống. Nhưng vì cái bệnh “sĩ khí” và mang tâm trạng của kẻ “may thuê viết mướn” nên chúng tôi không bao giờ nói đến chuyện tiền. Vậy mà Vũ Trọng Phụng, thoi thóp chờ “đi” đã cố ngóc dậy nói với chúng tôi là cần phải “làm reo” với nhà xuất bản. Phải viết kiến nghị đòi tăng nhuận bút từ tám hào, trang viết (32 dòng, 14 chữ một dòng) lên một đồng hai hào một trang.
Chúng tôi, gồm Vũ Trọng Phụng, Thanh Châu, Lê Văn Trương, Trúc Khê, Lan Khai, tôi... tập trung tại nhà Trương Tửu, 53 phố Hàng Gà để viết “yêu sách”. Sau đó chúng tôi “xuống đường” nhằm 93 phố Hàng Bông thẳng tiến. Tôi đỡ cánh tay Phụng, dìu đi, từng bước, từng bước nhỏ. Tay kia ông chống ba toong. Đường gần mà Vũ Trọng Phụng cứ rũ ra, dường như muốn ngã. Đến Hàng Da, tôi đùa ông, nói nhỏ: “Đi đấu tranh, Phụng cố thẳng lưng lên nào, gắng lên nào!”. Phụng nổi cáu mắng tôi: “Cậu xoàng lắm!”. Đó là câu mắng lời trách cuối cùng của ông đối với tôi. (Đến nay thoảng nghe câu “xoàng lắm” tôi lại nhớ đến Phụng, nhớ đến câu trách mắng thân thương ấy, tôi muốn khóc!).
Đến nhà in Tân Dân, tôi dìu Phụng leo ba mươi hai bậc cầu thang, lên lầu cao gặp ông Vũ Đình Long. Tôi còn nhớ, khi nhận bản yêu sách của chúng tôi, ông Vũ Đình Long mặt tái mét, tay run lập cập (ông vốn bệnh đau tim mãn tính). Cuộc “biểu tình” ấy đã thắng lợi nhờ chàng họ Vũ, người chiến hữu đã đành chịu thua số mệnh, ném vũ khí, ném bút xuống rồi!
Vài hôm sau, có lẽ Vũ Trọng Phụng biết mình sắp chết, nên ông nói tôi đưa ông đến nhà in Tân Dân lần nữa. Tôi hỏi đến làm gì, ông bảo “Cứ đi, sẽ biết”. Vào nhà in, Vũ Trọng Phụng xin gặp xếp typô, ông Phú già. Phụng thều thào bảo ông Phú: “Cho tôi xin vài tờ bản thảo Trúng số độc đắc”. Ông Phú đưa chúng tôi ra sọt đựng giấy, hồi đó, bản thảo đưa in đều là bản viết tay chứ không phải bản đánh máy như bây giờ, thợ sắp chữ xong là vứt vào sọt rác, đốt đi ngay). Vũ Trọng Phụng run tay lục tìm, chọn mấy tờ bản thảo lem luốc dấu tay dầu mỡ của người thợ sắp chữ, cẩn thận bỏ vào túi. Xuống đường, ông nói: “Giao ạ, khi tôi chết, người nhà, khi liệm sẽ đặt đầu mình lên hòn gạch theo thường lệ. Cậu hãy lót mấy tờ bản thảo này lên hòn gạch cho mình được gối đầu lên...”.
Năm đó Vũ Trọng Phụng mới 28 tuổi. Ông mất ở Cầu Mới. Tôi đến và làm theo lời trăng trối của ông.
Cuộc đời Vũ Trọng Phụng thật ngắn ngủi. Lúc sinh thời ông đã sống nhiều, đã lăn lóc nhiều với cuộc sống bụi bặm của tầng lớp thợ thuyền, những con người “dưới đáy” thị thành thời ấy. Đã mấy ai đau được nỗi đau của họ như Vũ Trọng Phụng. Và cho đến lúc chết, ông vẫn muốn đem theo chút hơi ấm bàn tay những con người cần lao ấy. Tôi biết Vũ Trọng Phụng không thích nói chuyện chính trị. Ông cũng “ngây thơ” về chính trị như nhiều người viết lách lúc bấy giờ. Nhưng với thiên tư một nhà văn hiện thực lớn, trái tim ông đã tự nghiêng về phía những người lao khổ, nói lên nỗi đau không được làm người của họ, phê phán quyết liệt cái xã hội mà nhà thơ bất đắc chí Tú Xương đã thốt lên:
Quân cu li
Thần cu li
Dân cu li
Tút mo* cu li
[*Tout le monde: Tất cả mọi người (tiếng Pháp). Tú Xương nhại lại thành tiếng Tây bồi là “tút mo”]
Vũ Trọng Phụng, bút danh Thiên Hư không còn đó, nhưng tinh anh vẫn còn đây, còn đấy, cả một thiên thu.
Vũ Trọng Phụng, đầu đông năm 1930, “chống nạng lên đường”, “không một tiếng vang” đã dũng cảm lăn vào trường văn, trận bút để chung cục trước khi xuống ngựa, người chiến sĩ họ Vũ đã tận dụng sức mạnh vũ khí của ông - cây viết của ông, xuyên tới đỉnh cao văn học Việt Nam hiện đại.

(Lê Kim Vinh ghi theo lời kể của nhà văn Ngọc Giao. Tạp chí Văn học số 5/1989)

Tái bản trong tập “Hà Nội cũ nằm đây”, NXB Phụ Nữ - 2015

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét