Thiên Thần Nổi Loạn
Tác giả: Anatole France
Dịch giả: Đoàn Phú Tứ
Nhà xuất bản Hội nhà văn - 1987
Chương 8
Có nói chuyện tình yêu: độc giả sẽ vừa lòng vì truyện
kể thiếu ái tình cũng vô vị như món dồi tiết thiếu mù tạc(1).
Maurice vốn không hề ngạc nhiên về bất kỳ
điều gì. Anh không tìm biết nguyên nhân sự vật và sống yên ổn trong thế giới
ngoại hình. Không phủ nhận chân lý vĩnh cửu, tùy theo sở thích anh vẫn theo đuổi
những hình thể hư ảo.
Ít chuyên tâm đến thể thao và các môn luyện
tập mạnh mẽ so với phần đông thanh niên cùng thế hệ, anh sống một cách vô thức
theo truyền thống dâm dật xưa cũ của nòi giống anh. Người Pháp là giống người
phong tình bậc nhất, nếu họ mất ưu thế ấy thì thật đáng buồn. Maurice vẫn bảo tồn
được ưu thế đó; anh yêu thích việc yêu đương, như lời thánh Augustin(2) đã nói.
Sau khi đã tôn sùng sắc đẹp không gì tàn phá nổi cùng các nghệ thuật kín kẽ của
bà de la Verdelière, anh đã thưởng thức những trò âu yếm vội vàng của một nữ
nghệ sĩ nhạc kịch trẻ tên là Luciole; bây giờ anh lại chịu đựng chẳng vui thích
gì những trò tà dâm sơ đẳng của Odile, chị hầu phòng của mẹ anh, và những trò
yêu đương sướt mướt của bà Boittier xinh đẹp. Và anh cảm thấy trống rỗng lớn
trong trái tim. Thế rồi, vào một ngày thứ tư, khi vào phòng khách mẹ anh tiếp
những bà sang trọng phần lớn là khắc khổ và không có gì hấp dẫn, lẫn lộn cả những
ông già và những thiếu niên còn rất trẻ, trong khung cảnh thân mật đó anh để ý
thấy bà des Aubels, vợ ông hội thẩm của Tòa thượng thẩm đã được ông d’Esparvieu
vấn kế vô hiệu quả về chuyện thư viện bị cướp phá bí mật. Bà ta còn trẻ; không
phải ngẫu nhiên anh còn thấy bà ta đẹp. Gilberte đã được Thần của chủng loại(3)
nặn hình và không có vị thần nào khác dự phần vào công trình ấy. Vì lẽ đó tất cả
ở bà ta đều gợi thèm, và không có gì trong hình thể cũng như trong bản chất bà
lôi kéo trí óc con người sang những tình cảm khác. Cái tư duy sinh ra chuyện vạn
vật hấp dẫn đã đẩy chàng Maurice lại gần con người tuyệt thú đó. Nên anh đưa
cánh tay cho bà vịn và đưa bà đến bàn nước trà. Và khi Gilberte đã được mời nước,
anh nói với bà ta:
- Hai chúng ta có lẽ thỏa thuận với nhau được
đấy. Bà có ưng không?
Anh nói như vậy, theo phép lịch sự hiện đại,
tránh những lời ca tụng nhạt nhẽo và để tránh cho người phụ nữ khỏi khó chịu vì
lối tỏ tình cũ rích chứa đựng rặt những điều mơ hồ và phiếm định, nên chẳng đòi
hỏi một câu trả lời nào dứt khoát và rành mạch. Và lợi dụng lúc còn được nói
kín với bà des Aubels trong vài giây lát, anh tuôn ra những lời lẽ xoắn xuýt và
thúc ép. Gilberte như ta có thể xét đoán, bẩm sinh là để gợi thèm hơn là tự thấy
thèm. Tuy nhiên, bà cũng cảm thấy số phận của bà là yêu và sẵn lòng thích thú
tuân theo số phận. Maurice chẳng có gì khác thường để bà không ưa. Ví thử anh mồ
côi hẳn bà ưa hơn, vì kinh nghiệm bà biết rằng yêu một anh con nhà gia thế nhiều
khi thất vọng.
- Bà có đồng ý không? - Anh nói để kết
thúc.
Giả vờ không hiểu, tay giữ khư khư miếng
bánh nhân gan béo trước miệng, bà nhìn Maurice bằng đôi mắt ngạc nhiên.
- Sao kia? - Bà hỏi.
- Bà biết rõ quá rồi.
Bà des Aubels cụp mặt xuống, uống một ngụm
nước trà và không trả lời, vì tính thẹn thùng vẫn chưa bị đánh bại.
Khi đó, Maurice đỡ cái chén đã cạn ở tay bà:
- Thứ bảy, năm giờ, 126, phố La Mã(4) ở tầng
dưới cửa bên phải dưới cổng tò vò; gõ ba tiếng.
Bà des Aubels ngước nhìn chàng công tử bằng
đôi mắt nghiêm nghị và lặng lẽ, rồi vững bước trở lại với đám phụ nữ lương thiện
lúc đó đang nghe ông lão nghị viên Le Fol giảng về sự vận hành các lò ấp nhân tạo
ở trại nông nghiệp phúc thiện nữ thánh Julienne.
Thứ bảy sau đó, trong gian phòng tầng dưới
nhà ở phố La Mã, Maurice đợi bà des Aubels. Anh chờ đợi tốn công vô ích. Không
một bàn tay nhỏ nhắn nào đến dưới cổng tò vò gõ cửa ba tiếng. Và Maurice cáu tiết
nguyền rủa người không đến, trong thâm tâm anh gọi là độc ác và đểu giả. Chờ đợi
bị hẫng, thèm muốn không thỏa mãn khiến anh bất bình. Vì bà des Aubels, do chỗ
không đến cái nơi bà không hứa hẹn sẽ đến, thật không đáng phải chịu những tên
gọi kia. Nhưng chúng ta thường xét đoán hành vi con người tùy theo chỗ chúng
làm cho ta vui thích hoặc phiền lòng.
Mãi mười lăm ngày sau cuộc chuyện trò tình
tứ ở mép bàn trà, Maurice mới xuất hiện lại trong phòng khách của mẹ anh ta.
Anh đến muộn, khi bà des Aubels ở đấy được nửa giờ đồng hồ rồi. Anh lạnh nhạt
chào bà, ngồi xa bà và làm ra bộ lắng nghe.
- … Kỳ phùng địch thủ, - một giọng nói mạnh
mẽ và sang sảng cất lên, - cả hai đối thủ đều xứng đáng để cho cuộc chiến đấu bất
phân thắng phụ và khủng khiếp. Tướng Bol, sức lực dẻo dai chưa từng thấy, như
thể đứng chôn chân xuống đất. Tướng Milpertuis, lanh lẹ phi thường, vận động
nhanh chóng, đến hoa cả mắt, quanh đối thủ cứ trơ trơ ra đó. Trận đánh tiếp diễn
hăm hở kinh khủng. Tất cả chúng tôi đều khắc khoải lo…
Đó là tướng d’Esparvieu đang kể lại những
cuộc tập trận lớn mùa thu cho các bà hồi hộp lắng nghe. Ông ta ăn nói có nghệ
thuật và làm vừa lòng người nghe. Sau đó ông so sánh phương pháp của người Pháp
và phương pháp của người Đức, xác định đặc tính của mỗi bên, làm nổi bật giá trị
của đôi bên với thái độ vô tư cao cả, không ngại khẳng định rằng cả hai phương
pháp đều có những ưu điểm và trước hết cho thấy Đức là ngang tài ngang sức với
Pháp, trước con mắt ngạc nhiên, thất vọng, xao xuyến của các bà mặt sa sầm thuỗn
ra. Nhưng khi con người chiến trận dần dần mô tả rõ hơn cả hai phương pháp, thì
phương pháp của người Pháp tỏ ra mềm dẻo, lịch sự, mạnh mẽ, đầy duyên dáng, trí
tuệ, vui vẻ, trong khi phương pháp Đức tỏ ra nặng nề, vụng về và nhút nhát. Và
dần dần mặt mũi các bà nở nang rạng rỡ trong nụ cười vui thích. Để hoàn thành
việc làm yên lòng các bà vợ, các bà chị bà em, các bà tình nhân kia, ông tướng
nói cho các bà biết rằng chúng ta đủ khả năng sử dụng phương pháp Đức khi có lợi,
còn người Đức thì không đủ sức sử dụng phương pháp của người Pháp.
Vừa dứt lời, ông tướng được ông Le Truc de
Ruffec kéo ra nói chuyện riêng, ông này đương lập một hội yêu nước “Kiếm thuật cho mọi người”, với mục đích
(ông ta nói: với mục đích) chấn hưng nước Pháp và đảm bảo cho nước Pháp đứng
trên mọi đối thủ, sẽ lấy vào hội các trẻ em còn nằm nôi, và ông Le Truc de
Ruffec dành ghế chủ tịch danh dự cho tướng d’Esparvieu.
Trong khi đó, Maurice tỏ ra chăm chú vào việc
chuyện trò giữa một bà cụ rất dịu hiền với linh mục Lapetite, cha tuyên giáo của
các bà phước ở Saint-Sang(5). Bà cụ ít lâu nay bị đau khổ rất nhiều vì những
tang tóc và bệnh não, muốn được biết vì sao người ta khổ sở ở cõi đời này, và
bà hỏi linh mục Lapetite:
- Cha lý giải ra sao về các tai họa tàn hại
loài người?
- Chúa cũng cần thỉnh thoảng nhắc nhở chúng
ta chứ, - linh mục Lapetite trả lời với một nụ cười siêu thoát.
Maurice tỏ vẻ rất thích thú cuộc chuyện trò
đó. Rồi anh lại có vẻ bị mê hồn vì bà Fillot-Grandin, một thiếu phụ khá tươi đẹp,
nhưng bị cái vẻ ngây thơ chất phác làm cho sắc đẹp mất hương vị, xác thịt hết mặn
mà. Một bà cụ già khọm cay cú và chua ngoa trong bộ y phục nghèo bằng hàng len
tối sầm đang phơi bày vẻ kiêu hãnh của một
bà lớn trong giới tài phiệt Cơ đốc giáo, bỗng kêu lên bằng một giọng chua chát:
- Này! Bà d’Esparvieu thân mến, vậy ra bà
đã có những chuyện phiền lụy, báo chí đã nói lấp lửng về trộm cắp, biển thủ
trong cái thư viện phong phú của ông d’Esparvieu, những chuyện thư tín bị lấy
trộm…
- Chà! - Bà d’Esparvieu nói, - nếu cứ tin tất
cả những điều báo chí nói!…
- Thế thôi, bà bạn thân mến ạ, báu vật của
bà đã tìm thấy lại rồi. Kết thúc tốt đẹp là vạn sự đều tốt đẹp(6).
- Thư viện hoàn toàn đâu vào đấy, - bà
d’Esparvieu khẳng định. - Không có gì thiếu sót cả.
- Thư viện đó ở tầng gác trên, có phải
không ạ? - Bà thiếu phụ des Aubels hỏi, tỏ ra quan tâm bất ngờ đến sách vở.
Bà d’Esparvieu đáp rằng thư viện chiếm tất
cả tầng gác thứ hai, và những sách ít quý giá xếp ở những buồng xép sát mái
nhà.
- Tôi có thể lên tham quan được không?
Bà chủ nhà đoan quyết rằng chả có gì dễ
hơn. Bà gọi cậu con trai.
- Maurice, anh mời bà des Aubels lên thăm
làm vinh dự cho thư viện đi.
Maurice đứng dậy, và lẳng lặng đi lên tầng
gác hai theo sau bà des Aubels. Anh tỏ vẻ hững hờ, nhưng trong lòng rất khoái,
vì biết chắc Gilberte chỉ giả vờ muốn xem thư viện, chẳng qua là để được trò
chuyện riêng với anh. Và vẫn ra vẻ hững hờ, anh tự hứa sẽ nhắc lại đề nghị cũ,
chắc lần này sẽ không bị từ chối.
Dưới bức tượng bán thân lãng mạn của Alexandre
d’Esparvieu, một bóng dáng ông già nhỏ bé sắc mặt nhợt nhạt, đôi mắt trũng sâu
quen lặng lẽ biểu lộ sự kinh hoàng đón tiếp họ một cách lặng lẽ.
- Mặc chúng tôi, ông Sariette ạ, - Maurice
nói, - tôi đưa bà des Aubels lên thăm thư viện.
Maurice và bà des Aubels sang phòng lớn, ở
đó khắp bốn mặt dựng đứng những tủ đầy sách, và ở đầu tủ là tượng bán thân sơn
màu đồng hun những thi sĩ, những nhà triết học và những nhà hùng biện của thời
cổ đại. Tất cả yên nghỉ ở đó hết sức trật tự, một trật tự hình như từ thời nguyên thủy đến nay chưa bao giờ bị rối
loạn. Duy chỉ có, ở chỗ hôm trước còn bày một bản thảo chưa in của Richard
Simon hôm nay là một lỗ hổng đen ngòm. Trong khi đó, ông Sariette xanh xao,
không ra hồn người, câm lặng, bước đi không tiếng động gần đôi bạn trẻ.
Maurice nhìn bà des Aubels vẻ trách móc:
- Hừm! Hôm nọ bà không hay lắm.
Bà ta ra hiệu rằng viên quản thư có thể
nghe thấy.
Nhưng anh nói để bà yên tâm:
- Bà đừng để ý. Đó là ông già Sariette. Ông
ấy đã hoàn toàn ngu độn rồi.
Và anh nhắc lại:
- Phải! Bà đã không hay lắm. Tôi chờ đợi mà
bà không đến. Bà làm tôi đau khổ.
Sau giây lát im lặng, khi ấy nghe rõ tiếng
ca êm đềm buồn bã của cơn suyễn trong phế quản ông lão Sariette, chàng Maurice
mạnh mẽ nói tiếp.
- Bà sai lầm.
Bà ta nói:
- Sai lầm vì cái gì?
- Vì không thu xếp với tôi.
- Anh vẫn còn nghĩ đến chuyện đó à?
- Hẳn rồi.
- Vậy là chuyện đứng đắn à?
- Hết sức đứng đắn.
Cảm động vì thấy anh quyết tâm bộc lộ một
tình cảm chân thành và bền bỉ, và nghĩ rằng cưỡng lại đến thế là đủ lắm rồi,
Gilberte thuận tình ban cho Maurice cái mà bà ta đã từ chối anh mười lăm ngày
trước đó.
Họ lẻn vào một chỗ khung cửa sổ, sau một
hình cầu to tướng biểu hiện bầu trời, trên đó có khắc họa các cung hoàng đạo và
các hình biểu tượng những chòm sao, hai người đứng đó mắt nhìn chăm chăm lên
chòm sao Sư tử, chòm sao Trinh nữ và chòm sao Thiên xứng, trước muôn vàn Kinh
thánh, trước các tác phẩm của các cha Hy Lạp và La tinh, dưới hình ảnh của
Homère, Eschyle, Sophocle, Euripide, Hérodote, Thucydide, Socrate, Platon,
Aristote, Demosthène, Cicéron, Virgile, Horace, Sénèque, Épictète(7), họ trao đổi
với nhau lời hứa yêu nhau và hôn môi nhau một cái thật lâu.
Ngay lập tức sau đó, bà des Aubels sực nhớ
còn phải thăm viếng nhiều nơi và phải chuồn cho mau; vì tình yêu vẫn không làm
cho bà quên chăm lo đến vinh dự. Bà vừa cùng Maurice đi chưa khỏi vỉa cầu thang
thì họ nghe thấy một tiếng kêu khàn khàn và trông thấy ông Sariette nhảy thục mạng
trong cầu thang và la lên:
- Giữ lấy nó! Giữ lấy nó! Tôi trông thấy nó
bay lên!… Tự nó thoát khỏi giá… Nó đi ngang căn phòng… nó đấy kìa! Nó đấy kìa!
Nó xuống cầu thang… giữ lấy… Nó đã vượt qua cửa nhà dưới.
- Ai? - Maurice hỏi.
Ông Sariette nhìn qua cửa sổ hành lang vỉa
cầu thang và lẩm bẩm đầy khủng khiếp:
- Nó đang đi ngang khu vườn!… Nó vào trong
biệt thất! Giữ lấy nó!… Giữ lấy nó!
- Thì ai mới được chứ? - Maurice hỏi lại. -
Lạy Chúa, ai vậy?
- Flavius
Josephus của tôi! - Ông Sariette nói. - Giữ nó lại!…
Và ông ta ngã huỵch xuống.
- Bà thấy rõ là ông ta điên rồi, - Maurice
vừa nói với bà des Aubels vừa nhấc ông quản thư khốn khổ dậy.
Gilberte, hơi tái xanh, nói rằng hình như
bà ta cũng có trông thấy theo hướng ông già khốn khổ kia chỉ một cái gì đó bay
vụt đi. Maurice chả trông thấy gì nhưng cảm như có một luồng gió tạt qua.
Anh để ông Sariette nằm trong cánh tay của
Hippolyte và chị hầu gái, hai người thấy tiếng động vừa chạy đến.
Ông già bị thủng đầu.
- Càng hay - chị hầu gái nói. - Vết thương
này có lẽ tránh cho ông ta khỏi bị một cơn mê sảng.
Bà des Aubels đưa chiếc khăn tay của bà để
cầm máu, và khuyên nên băng bằng lá cây thuốc arnica(8).
-------------
Chú thích
1. Dồi tiết, mù tạc (boudin, moutarde): boudin - dồi lợn nhồi
tiết; moutarde - gia vị mùi cay hăng,
để chấm món ăn như thịt cừu, thịt bò…
2. Thánh Augustin vốn
là Giám mục địa phận Hippone (nay là Annaba thành phố hải cảng ở Algeria), sau
một thời niên thiếu sóng gió, được thánh Ambrose lôi cuốn về đời sống tu hành
và trở thành người nổi tiếng nhất trong các Cha của giáo hội La tinh (354-430).
Không biết ở đây, Anatole France hóm hỉnh ám chỉ câu nói nào của ông thánh đó,
trong thời trào phúng hay trong thời tu tỉnh? [“Lạy Chúa! Xin Người hãy làm cho con trở nên
thánh thiện, nhưng cứ từ từ thôi. Amen” ☺]
3. Thần của chủng loại
(Génie de l’Espèce): vị thần đẻ ra chủng
loại, muốn cho chủng loại không bị tuyệt diệt, nên tạo ra những hình thể đẹp của
phụ nữ khêu gợi nhục dục.
4. Phố La Mã (rue de Rome): dịch nghĩa chứ không dịch
âm, ở đây còn có ý đồ để bạn đọc thường thức một ý ẩn gợi ra từ La Mã, ở thủ đô
giáo hội.
5. Saint-Sang dịch
nghĩa là Thánh Huyết hoặc Thánh Máu.
6. Kết thúc tốt đẹp,
là vạn sự đều tốt đẹp (Tout est bien qui
finit bien): một thành ngữ Pháp, ý nói rằng hễ thấy kết thúc tốt đẹp thì
coi như các chuyện trước đó đều tốt đẹp, không phải soi mói nữa. Tiếc rằng
không tìm được thành ngữ Việt Nam tương đương.
7. Homère, Eschyle, Sophocle, Euripide,
Hérodote, Thucydide, Socrate, Platon, Aristote, Demosthène, Cicéron, Virgile,
Horace, Sénèque, Épictète: tên các nhà triết học, thi sĩ, hùng biện của thời
cổ đại.
8. Arnica: tên một loại cây thuốc, thuộc
loài cúc dại, có nơi dịch là cây kim sa.
------------
Còn tiếp.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét