Chủ Nhật, 8 tháng 12, 2019

Thiên Thần Nổi Loạn - Chương 16

Thiên Thần Nổi Loạn

Tác giả: Anatole France
Dịch giả: Đoàn Phú Tứ
Nhà xuất bản Hội nhà văn - 1987

Chương 16

Nó lần lượt đưa ra sân khấu Mira, bà thầy bói Zéphyrine và ông già Amédée tai hại, và nó minh họa, bằng cái gương khủng khiếp của ông Sariette, cái tư tưởng sau đây của Euripide(1) rằng thần Jupiter triệt bỏ sự khôn ngoan của những kẻ nào thần muốn hại.

Thất vọng vì đã không soi sáng được cho tín ngưỡng của một nhà truyền giáo có tiếng về ánh sáng trí tuệ và bị mất hy vọng tìm lại được thiên thần của mình bằng những con đường chính thống, Maurice nghĩ chuyện nhờ đến các khoa học huyền bí và nhất là quyết tìm một bà thầy bói (2). Đáng lẽ thế nào anh cũng đến hỏi bà De Thèbes; nhưng anh đã hỏi bà ta rồi, vào dịp những nỗi đau khổ đầu tiên vì tình, và bà ta đã trả lời anh một cách rất khôn ngoan, đến nỗi anh không tin là bà ta có phù phép nữa. Anh bèn nhờ đến ánh sáng của một bà mộng du (3) đang được ưa chuộng là bà Mira.
Người ta thường kể cho anh nghe rất nhiều thí dụ về sự sáng suốt dị thường của bà thầy bói này, tuy vậy, cần phải đưa cho bà Mira xem một đồ vật mà người vắng mặt đã xem hoặc sờ mó, để thu hút con mắt bán thấu quang (4) của bà ta vào nó.. Maurice, đi tìm xem anh chàng thiên thần đã sờ mó vào những vật gì từ cái lúc hiện hình khốn khổ của chàng ta, thì bỗng nhớ ra rằng khi còn lõa thể như ở thiên đàng, chàng ta có ngồi trong một chiếc ghế bành rộng, đè lên đôi bít tất đen của bà des Aubels và sau đó đã giúp bà này mặc xống áo. Maurice bèn hỏi xin Gilberte một vật bùa phép(5) nào đó mà bà thầy bói đòi hỏi. Gilberte không tìm lại được một thứ gì cả, trừ phi chính bản thân bà ta là một cái bùa phép đó. Vì anh chàng thiên thần đã tỏ ra cực kỳ bất nhã đối với bản thân bà ta, và nhanh tay quá khiến bà không thể mỗi lúc đều phòng trước được những mưu đồ của anh chàng. Khi nghe thấy lời bộc bạch đó, tuy nó chả mách cho Maurice cái gì mới mẻ cả, Maurice phát cáu lên đối với anh chàng thiên thần, gọi anh ta bằng tên của những loài thú vật xấu xa nhất và thề sẽ đá đít anh chàng nếu có bao giờ gặp anh ta vừa tầm chân của anh. Những nỗi cuồng nộ của anh chuyển ngay sang bà des Aubels: anh buộc tội bà ta là đã khêu gợi nên những láo xược mà bây giờ bà tố giác, và, trong cơn tức giận, anh gọi bà ta bằng tên tất cả những loại thú vật biểu trưng cho vô sỉ và đồi bại. Tình yêu của anh đối với Arcade lại nhóm lên trong lòng anh nồng nhiệt và trong trẻo hơn bao giờ hết, và chàng thanh niên bị ruồng bỏ, hai cánh tay vươn ra, hai đầu gối quỳ xuống, kêu gọi thiên thần của anh với những tiếng nức nở và những dòng lệ chứa chan.
Trong những đêm trằn trọc, Maurice nghĩ rằng những quyển sách mà chàng thiên thần đã giở trang trước khi hiện hình, cũng có thể dùng làm bùa phép. Vì vậy, một buổi sáng anh lên thư viện và chúc ngày tốt đẹp(6) cho ông Sariette, đương liệt kê thư mục dưới con mắt nhìn lãng mạn của Alexandre d’Esparvieu. Ông Sariette cười, sắc mặt nhợt nhạt như chết. Bây giờ không còn bàn tay vô hình nào đến đảo lộn sách vở đặt dưới quyền trông nom của ông nữa, bây giờ trong thư viện, tất cả mọi thứ đã lấy lại được trật tự nề nếp cũ, ông Sariette sung sướng, nhưng sức khỏe mỗi ngày một sút kém; thân hình chỉ còn là một cái bóng nhẹ nhàng và yên vui.
Người ta chết tràn đầy hạnh phúc vì khổ ải vừa qua”.
- Ông Sariette ạ, - Maurice nói, - ông còn nhớ cái thời mà những sách vở của ông, đêm nào cũng bị xáo lộn, khuấy trộn, kéo lôi lếch thếch, lúc lắc lung tung, cuộn tròn, đổ sụp, ra đi tán loạn đến tận rãnh nước của phố Palatine. Thật là cái thời tốt đẹp! Vậy, xin ông chỉ cho tôi, ông Sariette ạ, những quyển nào bị xáo động nhiều nhất.
Những lời lẽ đó đẩy ông Sariette vào một tình trạng sững sờ thảm đạm, và Maurice đã phải nhắc lại đến ba lần để được ông già thủ thư nghe thấy, ông ta cuối cùng chỉ vào một quyển pháp điển Do Thái rất cổ của Jérusalem coi như là luôn luôn được dày vò bởi những bàn tay không ai tóm được. Một kinh phúc âm ngụy tác(7) của thế kỷ thứ III, gồm có hai mươi tờ bằng giấy cói papyrus(8), cũng đã nhiều lần dời chỗ; bộ thư tín của Gassendi có vẻ được lần giở rất nhiều.
- Nhưng, - ông Sariette nói thêm, - quyển sách mà chắc hẳn người khách lạ bí mật ưa nghiên cứu hơn cả, là một quyển Lucrèce nhỏ bằng da dê thuộc, màu đỏ, có mang huy hiệu của Philippe de Vendôme, Pháp quốc Tu viện trưởng đại thần, với những ghi chú thủ bút của Voltaire, như người ta được biết, hồi thanh niên hay lui tới tu viện Le Temple (9). Vị độc giả kinh khiếp, đã cho tôi bao nỗi lo âu, đọc quyển Lucrèce ấy không biết mệt mỏi và dùng nó, có thể nói, làm sách đầu giường. Y sành thật, vì đó là một của quý. Khốn nỗi! Tên ác quái đó đã bôi, ở trang 137, một vết mực mà tất cả nghệ thuật của các nhà hóa học có lẽ cũng sẽ bất lực để tẩy xóa nó đi.
Và ông Sariette thở dài một cách thật sâu. Ông ta tiếc rằng đã nói nhiều như thế về chuyện này, khi chàng thanh niên d’Esparvieu đòi ông đưa cho anh quyển Lucrèce quý báu đó. Ông quản thư lấy cớ, nhưng vô hiệu là quyển sách đang đưa đi sửa chữa ở nhà hàng đóng sách và không thể đưa cho anh lúc này được. Maurice ra hiệu rằng anh không bị mắc lừa đâu. Anh cương quyết đi vào phòng các triết gia và các hình cầu và nói, ngồi trong một chiếc ghế bành:
- Tôi chờ.
Ông Sariette đề nghị một bản in khác của nhà thơ La tinh. Có những bản in, ông ta nói, chỉnh tề hơn về văn bản và vì lẽ đó, để nghiên cứu, thì tốt hơn. Ông ta đề ra cho anh bản Lucrèce của Barbou, bản Lucrèce của Coustelier(10), hoặc, tốt hơn nữa, một bản dịch tiếng Pháp. Có thể chọn giữa bản dịch của nam tước des Coutures, hơi cũ, có lẽ, bản của La Grange(11), những bản trong các bộ sưu tập Nisard và Panckoucke(12) và hai phiên bản đặc biệt ưu nhã, một bằng văn vần, một bằng văn xuôi, cả hai đều do ông de Pongerville(13), trong viện hàn lâm Pháp(14).
- Tôi không cần đến bản dịch, - Maurice kêu lên một cách kiêu mạn. - Ông hãy đưa cho tôi quyển Lucrèce của tu viện trưởng Vendôme.
Ông Sariette đi thong thả lại gần cái tủ cất giấu báu vật đó. Chùm chìa khóa leng keng trong bàn tay run rẩy của ông ta, ông ta ghé chùm chìa khóa gần ổ khóa rồi lại đưa ra xa ngay, và đề nghị với Maurice quyển Lucrèce tầm thường của bộ sưu tập Garnier(15).
- Quyển đó rất dễ khiển dụng, - ông nói với một nụ cười đon đả.
Nhưng thấy lời đề nghị ấy được đáp lại bằng sự im lặng, ông thừa nhận rằng mọi kháng cự đều vô hiệu; ông bèn từ từ rút quyển sách ra khỏi ô của nó, và, sau khi được chắc chắn là không có một hạt bụi nào trên thảm trải bàn, ông mới run rẩy đặt quyển sách lên đó, trước mặt anh chàng chắt nội của Alexandre d’Esparvieu.
Maurice bèn lần giở trang sách, đến trang 147, anh ngắm nghía cái vết mực tím to bằng một hột đậu Hà Lan.
- Phải rồi, đấy, - ông già Sariette nói, ông ta vẫn không rời mắt khỏi quyển Lucrèce, - đấy là cái dấu vết mà những đứa ác quái vô hình đã để lại trên quyển sách này...
- Thế nào? Ông Sariette, vậy là còn nhiều đứa ác quái à? - Maurice kêu lên.
- Nào tôi có biết đâu. Nhưng không biết tôi có tẩy sạch cái vết này không, nó, cũng như vết mực mà Paul-Louis Courier(16) làm rõ trên bản thảo Florentine, trở thành, có thể nói, một tài liệu văn học.
Ông già nói chưa dứt lời, thì tiếng chuông ở cổng vào réo lên và một tiếng ồn ào lớn của những bước chân và của tiếng người nói, vang rầm trong gian phòng bên cạnh. Sariette nghe thấy tiếng ồn chạy ra và đâm sầm vào bà nhân tình của ông già Guinardon, bà già Zéphyrine đang nghẹn ngào vì đau khổ, và điên cuồng, tóc dựng ngược như một ổ rắn độc, cái mặt rực lửa, bộ ngực nổi giông tố, cái bụng như cái mền đắp chân bị một cơn bão kinh hoàng thổi bốc lên. Và qua những tiếng nức nở, thở dài, rên rỉ và trăm nghìn âm thanh khác nữa, nó từ cơ thể của bà ta phóng ra, hợp thành tất cả những tiếng động mà những xúc động của các sinh vật và tiếng ồn ào của các sự vật dâng lên trên trái đất:
- Nó đi rồi, - bà ta kêu lên, - thằng ác quái đó! Nó đi với con ấy! Nó đã dọn đi tất cả cửa nhà, đồ ăn thức đựng, và nó bỏ tôi lại một mình với một franc bảy mươi centime(17) trong ví tiền của tôi!...
Và bà ta kể kể dài dòng và lộn xộn rằng Michel Guinardon đã rời bỏ bà ta để đi sống với Octavie, con gái mụ đưa bánh mì. Và bà phun ra hàng tràng câu chửi rủa kẻ phụ tình:
- Một thằng đàn ông mà tôi đã nâng đỡ bằng tiền của tôi trong năm chục năm trời và hơn thế nữa. Vì tôi đây có quibus(18)*, và có những bạn quen biết tốt đẹp, và tất cả cái này cái nọ. Tôi đã rút nó ra khỏi cảnh khốn cùng, và bây giờ nó đền công tôi như thế đấy! Nó hay hớm thế đấy, cái thằng bạn của ông! Một thằng lười biếng! Phải mặc quần áo cho nó như một đứa trẻ con; một thằng nghiện rượu!... một con người đáng khinh bỉ. Ông chưa biết rõ nó đâu, ông Sariette ơi... Nó là một thằng làm đồ giả. Nó làm giả những tranh Giotto, phải, những Giotto và những Fra Angelico, và những tranh Gréco(19) thì lu bù, ông Sariette ạ, để bán cho những lái buôn tranh, và cả những Fragonard(20) nữa, và những Baudouins nữa chứ!... Một thằng trụy lạc, không tin Chúa!... Cái đó là tệ hại nhất, ông Sariette ạ, vì không có lòng sợ Chúa.
Zéphyrine sỉ vả lão hồi lâu. Và khi mụ đã mệt đứt hơi, ông Sariette tranh thủ để khuyên dỗ mụ bình tĩnh và kéo mụ trở về hy vọng. Guinardon sẽ trở lại, người ta làm sao quên được năm chục năm chung sống êm đềm.
Những lời lẽ ôn tồn đó làm nổi dậy những cơn cuồng nộ mới và Zéphyrine thề rằng không bao giờ mụ quên cái nhục vừa phải chịu, rằng mụ sẽ không tiếp nhận quân ác quái đó ở nhà mụ nữa. Và nếu nó có đến quỳ gối xin lỗi mụ, thì mụ sẽ để mặc nó ở ỳ dưới chân mụ.
- Vậy ông không hiểu, ông Sariette ơi, rằng tôi khinh bỉ nó, tôi căm thù nó, tôi ghê tởm nó à?
Mụ biểu lộ sáu chục lần những tình cảm kiêu hãnh đó và thề sáu chục lần rằng mụ quyết không tiếp nhận Guinardon, không thể trông thấy lão được, dù là trong tranh vẽ.
Ông Sariette không đả phá một quyết tâm mà, sau những lời quả quyết như vậy, ông thấy là không thể nào lay chuyển được. Ông không chê trách Zéphyrine, thậm chí còn tán thành nữa. Mở cho con người bị ruồng bỏ những chân trời trong trẻo hơn, ông miêu tả cho mụ thấy sự mong manh của tình người, quên mình an ủi và khuyên mụ nên thành kính phó thác thân mình cho ý muốn của Chúa.
- Vì thực ra, ông bạn của bà, - ông ta nói với mụ, - chẳng đáng quyến luyến gì mấy...
Ông ta không nói được hết lời, Zéphyrine đã nhảy bổ vào ông ta, và túm lấy cổ áo redingote của ông ta mà lay lắc ông ta một cách dữ dội.
- Chẳng đáng quyến luyến gì mấy, - mụ vừa kêu vừa nghẹn thở, - chẳng đáng quyến luyến gì, Michel!... Chà!... Ông bạn ơi, hãy tìm cho tôi một người nào khác đáng yêu hơn, vui vẻ hơn, dí dỏm hơn, một người nào khác, như nó, bao giờ cũng trẻ, bao giờ cũng... chẳng đáng quyến luyến gì mấy! Thấy rõ là ông chả biết gì về tình yêu, ông khọm già ơi!...
Lợi dụng lúc ông già Sariette đang bận bịu ghê gớm như vậy, chàng thanh niên d’Esparvieu đút nhẹ quyển Lucrèce bé nhỏ vào túi và quả quyết đi qua trước mặt ông thủ thư đang bị lay lắc, vừa giơ tay khẽ chào từ biệt ông ta.
Có cái bùa phép kia mang theo, anh chạy đến quảng trường Ternes, nhà bà Mira, bà ta tiếp anh trong một phòng khách màu vàng son, ở đó không thể nào phát hiện được cú mèo hoặc cóc nhái(21) hoặc bất cứ một đồ lề gì của khoa pháp thuật cũ. Bà Mira, mặc áo dài màu mận chín, và tóc rắc phấn, tuổi đã về già, vẻ người rất lịch sự. Bà ta ăn nói thanh nhã và tự hào là khám phá được những điều bí ẩn chỉ nhờ duy có khoa học, triết học và tín ngưỡng. Bà sờ nắn bìa sách đóng bằng da dê và, đôi mắt nhắm nghiền, bà nhìn qua khe mi mắt chữ nhan đề La tinh và những huy hiệu mà bà chả hiểu gì cả. Thường quen tiếp nhận, coi như hình tích, những nhẫn đeo, những khăn mùi xoa, những bức thư, những món tóc, bà không tưởng tượng được là quyển sách lạ lùng này có lẽ là của loại người nào. Do một sự khéo léo quen thuộc và nhạy bén, bà ngụy trang sự ngạc nhiên thực sự của bà dưới một vẻ ngạc nhiên giả vờ.
- Lạ thật! - Bà nói lẩm bẩm, - lạ thật!... Tôi không phân biệt được rõ lắm... tôi trông thấy một người phụ nữ...
Khi thốt ra câu nói màu nhiệm đó, bà quan sát trộm hiệu quả của nó và đọc thấy trên nét mặt người hỏi sự việc của bà một vẻ thất vọng không ngờ. Thấy rằng mình đi lạc hướng, bà đổi ngay lời sấm của bà:
- Nhưng nó lại tan biến ngay... Lạ thật... lạ thật. Tôi cảm giác thấy mập mờ một hình thể chập chờn, một sinh vật không xác định được...
Và sau khi đã liếc mắt một cái, nắm chắc là, lần này, người ta chăm chú nghe những lời của bà, bà nói lan man về sự mập mờ của cá thể con người, về đám sương mù nó bao phủ con người đó.
Trong khi đó, cái ảo ảnh rõ nét dần dần trong con mắt của bà Mira, bà theo một dấu vết từng bước một.
- Một con đường lớn trồng cây... một quảng trường với một bức tượng... một phố vắng, một cầu thang. Anh ta đó, trong một căn phòng màu xanh nhạt... đó là một chàng thanh niên, khuôn mặt nhợt nhạt và băn khoăn. Có những sự việc anh ta có vẻ hối tiếc và anh sẽ không làm lại nữa nếu vẫn còn để làm...
Nhưng sự cố sức để đoán biết đã lớn quá rồi. Sự mệt mỏi ngăn cản bà thầy bói tiếp tục những tìm tòi siêu việt của bà. Bà tận dụng sức lực cuối cùng của bà bằng cách thiết tha khuyên nhủ con người đến hỏi bà nên cứ giữ mối hợp nhất mật thiết với Chúa, nếu anh muốn tìm thấy lại cái gì anh đã mất và thành công trong các mưu đồ.
Maurice, khi ra về, để một đồng louis trên mặt lò sưởi và ra đi xúc động, rối loạn, tin chắc rằng bà Mira có những năng khiếu phi thường, khốn nỗi còn chưa đủ.
Xuống đến chân cầu thang, anh sực nhớ ra rằng anh đã để quên quyển Lucrèce nhỏ xinh trên bàn của bà thầy bói(22), và, nghĩ rằng lão già gàn dở sẽ không sống được nếu mất quyển sách đó, anh bèn trở lên tìm. Khi trở về nhà cha mẹ, anh thấy sững sờ trước mặt anh một bóng dáng bị tai họa. Đó là ông già Sariette, ông ta, bằng một giọng rền rĩ như gió tháng mười một, đòi quyển Lucrèce của ông ta. Maurice hững hờ rút quyển sách ở túi áo pardessus của anh ra:
- Đừng lo ngại gì, ông Sariette ơi. Nó đây, cái đồ vật của ông!
Ông già thủ thư đem đi, ốp vào ngực, cái của báu đã tìm lại được, và đặt nó nhẹ nhàng trên tấm thảm xanh lơ của mặt bàn, vừa trù tính, cho cái kho báu mà ông ta tha thiết, một nơi giấu chắc chắn, vừa xáo động trong đầu óc các dự kiến của một người quản thư sốt sắng. Nhưng chúng ta, ai là người có thể tự hào là khôn ngoan? Sự phòng ngừa của loài người thì ngắn ngủi và sự cẩn trọng của họ luôn luôn bị phá hỏng. Những biến cố phúc họa không sao tránh được: không ai có thể trốn được số kiếp của mình. Không có lời khuyên bảo nào, không có sự chăm lo nào có thể thắng thế chống với định mệnh. Khốn khổ chúng ta, cái sức mạnh mù quáng đó, nó điều khiển các tinh tú và các nguyên tử, đến những nỗi thăng trầm của chúng ta cấu thành sự trật tự phổ biến! Sự tai họa của chúng ta quan trọng cho sự điều hòa vũ trụ. Ngày hôm đó, là Ngày của thợ đóng sách(23) mà sự tuần hoàn của bốn mùa mỗi năm lại đưa về hai lần, dưới cung Bạch Dương và cung Thiên Bình(24). Ngày hôm đó, ngay từ sáng sớm, ông Sariette đã chuẩn bị công việc cho người thợ đóng sách; ông đặt trên mặt bàn những sách khâu chỉ, mới kiếm về, và xét là xứng đáng đóng bìa bọc da hoặc bìa các-tông, và cả những sách mà lớp bìa bọc ngoài cần phải sửa sang đôi chút, và ông ta lập kỹ lưỡng một bản kê chi tiết. Đúng năm giờ(25), người nhân viên của ông Léger-Massieu, chủ hiệu đóng sách ở phố Tu viện, ông già Amédée, đến thư viện d’Esparvieu và, sau một công trình kiểm tra kép mà ông Sariette tiến hành, xếp thành chồng những sách mang về cho chủ trong một miếng vải mà ông ta buộc nút bốn góc lại với nhau và đeo vững vàng trên vai; rồi ông ta chào ông thủ thư bằng những lời thế này:
- Chào bà con!
Và đi xuống cầu thang.
Mọi chuyện xảy ra lần này cũng như thường lệ. Nhưng Amédée, thấy quyển Lucrèce trên bàn, ngây thơ bỏ vào túi vải nhỏ của mình và đem đi với các sách khác, mà ông Sariette không để ý thấy. Ông già thủ thư rời bỏ gian phòng các hình cầu và các triết gia, hoàn toàn quên phứt quyển sách mà sự vắng mặt đã làm cho ông ta, trong ngày hôm đó, phải lo lắng rất ác hại. Đó là điều mà những quan phán xét sẽ trách ông ta như một sự suy nhược của thiên tư ông ta. Nhưng nói như thế này chả hơn ư, rằng số kiếp đã định như thế rồi và cái mà người ta gọi là sự ngẫu nhiên, mà thực ra là trật tự của thiên nhiên, làm trọn cái sự kiện không ai có thể cảm thấy, mà những hậu quả phải là kinh khủng theo sự phán xét của con người. Ông Sariette đi ăn bữa tối ở hàng kem sữa Bốn Giám Mục và đọc báo Thánh giá. Ông ta bình tĩnh và thanh thản. Mãi đến hôm sau, khi bước vào gian phòng các Hình cầu và các Triết gia, ông ta mới sực nhớ đến quyển Lucrèce, và không trông thấy nó trên bàn, ông tìm nó khắp nơi mà chẳng thấy đâu cả. Ông không hề có ý nghĩ là Amédée có thể đem nó đi vì vô ý. Đầu óc của ông gợi cho ông nghĩ đến sự trở lại của vị khách thăm vô hình và ông bị xáo động vì một nỗi rối loạn lớn.
Ông quản thư khốn khổ, nghe thấy có một tiếng động gì đó ngoài vỉa cầu thang, bèn mở cửa ra và trông thấy chú bé Léon, đội một cái mũ kêpi(26) có lon, kêu lên: “Nước Pháp muôn năm!” và ném những giẻ lau, những chổi lông và xi đánh sàn gác của Hippolyte vào những kẻ thù tưởng tượng. Cậu bé thích cái vỉa cầu thang này để chơi trò chiến trận hơn bất cứ nơi nào khác trong nhà, và đôi khi cậu lẻn vào thư viện. Ông Sariette bỗng ngờ cậu đã lấy quyển Lucrèce để làm đạn bắn và đòi cậu với một giọng dọa nạt. Cậu bé chối không lấy, và ông Sariette phải dùng đến cách hứa hẹn:
- Léon, nếu cháu đem lại cho ta quyển sách nhỏ màu đỏ đó, ta sẽ cho cháu sô cô la.
Cậu bé tần ngần, đến chiều tối, khi ông Sariette đi xuống cầu thang, ông gặp cậu bé Léon nói với ông:
- Đây, quyển sách đây!
Và chìa cho ông một cuốn album tranh ảnh đã rách mướp. Truyện Gribouille(27), và đòi sô cô la của cậu.
* * *
Cách đó mấy hôm, Maurice nhận được qua bưu điện tờ quảng cáo của một văn phòng thám tử do một cựu nhân viên của sở Công an(28)* chủ trì, ông ta hứa hẹn sẽ nhanh chóng và kín đáo. Anh tìm thấy ở địa chỉ đã dặn một người đàn ông có ria mép, lầm lì và tư lự, ông ta hỏi xin anh một món tiền ứng trước và hứa đi tìm con người anh cần.
Người cựu nhân viên của sở Công an ít lâu sau lại viết cho anh để nói anh rõ rằng những cuộc dò xét rất tốn kém đã được bắt đầu và để xin anh một món ứng trước nữa. Maurice không cho tiền và quyết định tự mình tìm lấy. Tưởng tượng, không phải là không có lý do, rằng anh chàng thiên thần chắc phải giao du với những tên khốn cùng, vì anh chàng không có tiền, và với những kẻ lưu vong của tất cả các nước, cùng cách mạng như anh ta, anh len lỏi vào các phòng cho thuê có sẵn đồ đạc ở St. Ouen, ở Chapelle, ở Montmartre, ở cửa ô Italie, trong các nhà lụp xụp ở đó người ta ngủ trên mảnh khố tải(29), trong các tiệm rượu ở đó người ta dọn cho ăn một món lòng bò, và trong các tiệm người ta cho ăn một món hổ lốn giá ba xu(30), trong các hầm ở chợ lớn và ở nhà lão Momie.
Maurice đến thăm các quán ăn có những người hư vô chủ nghĩa và vô chính phủ chủ nghĩa; anh gặp ở đấy những đàn bà ăn mặc như đàn ông, những đàn ông ăn mặc như đàn bà, những chàng trai mới lớn lầm lì và dữ tợn và những cụ già tám chục tuổi, đôi mắt xanh, và cười như những đứa con nít. Anh quan sát, hỏi han, bị coi là một tên do thám, bị một phụ nữ rất đẹp đâm cho một nhát dao, và ngay hôm sau lại tiếp tục những cuộc tìm tòi trong các tiệm rượu, các buồng cho thuê cả đồ đạc, các nhà gái điếm, các sòng bạc, bọn người đói khát khổ sở, các quán rượu có treo biển kết bằng cành lá xanh, và các quán rượu nhỏ ở ngoại ô, mọc bên các thành lũy, các nhà buôn bán đồ cũ và bọn du côn.
Thấy anh xanh xao tiều tụy, mệt lử, im lặng, mẹ anh băn khoăn bứt rứt.
- Phải lấy vợ cho nó, - bà nói. - Đáng tiếc cô de la Verdelière lại không có của hồi môn to tát hơn.
Linh mục Patouille không giấu nỗi lo âu.
- Cậu này, ông nói, - đang trải qua một cuộc khủng hoảng tinh thần.
- Tôi lại cho rằng, - ông René d’Esparvieu đáp lời, - nó đang bị ảnh hưởng của một người đàn bà hư hỏng nào đó. Cần phải tìm cho nó một công việc thu hút nó và làm vui thích lòng tự ái của nó. Tôi cũng có thể làm cho nó được bổ nhiệm làm thư ký của ủy ban bảo quản các nhà thờ nông thôn hoặc luật sư cố vấn của nghiệp đoàn những thợ làm đồ chì Thiên chúa giáo.
-------------
Chú thích.

1. Euripide: Nhà thơ kịch cuối cùng về thời gian trong ba nhà thơ kịch lớn của Hy Lạp (hai người kia là Sophocle và Eschyle).

2. Bà thầy bói (voyante): Tuy phương pháp khác nhau những bản chất giống thầy bói của ta. Tự xưng là có con mắt trông thấy suốt cả quá khứ, vị lai, cõi âm, cõi dương, cho nên gọi là voyante (thấu thị).

3. Mộng du (somnambule): Người có bệnh thần kinh, hoặc có năng khiếu riêng, vừa ngủ vừa đi chơi, hoặc nói lảm nhảm, hoặc nói lời sấm, đoán chuyện quá khứ và vị lai.

4. Bán thấu quang (translucides): Tiếng Pháp, trong quang học gọi là translucides, những vật thể cho ánh sáng đi qua nhưng không trong suốt như thủy tinh mà đục mờ mờ như là giấy, thủy tinh mài mờ..., cho nên gọi là bán thấu. Người thầy bói nói là có con mắt nhìn bán thấu vì chỉ trông thấy lờ mờ, rồi đoán mò.

5. Vật bùa phép (talisman): Hoặc là bùa phép của người pháp sư, phù thủy, viết những chữ quái quỷ lên để hô thần hoán quỷ, hoặc là một vật nào đó, như đã nói trong truyện vậy, có tác dụng linh ứng.

6. Chúc ngày tốt đẹp (souhaite le bonjour): Nghĩa là chào bonjour, nếu dịch là chào thì gọn lời nhưng không hết ý, vì chào từ biệt hay chào mới gặp, không rõ.

7. Kinh phúc âm ngụy tác (évangile apocryphe): Kinh phúc âm mạo xưng là có trong Tân Cựu ước, nhưng không được hội Thánh chấp nhận, ví dụ một số sách Cựu ước mà Hội thánh không nhận là hợp giáo luật, giáo quy.

8. Papyrus: (có dịch là cây chi thảo) một thứ cây được người Ai Cập dùng vỏ làm giấy để viết (hồi chưa có giấy nhân tạo).

9. Le Temple: tu viện có công sự, của những hiệp sĩ dòng Đền Thánh, (Templiers, hiệp sĩ trong hiệp hội quân sự và tôn giáo Le Temple, thành lập năm 1118, có chiến tích lỗi lạc ở Palestine), ở Paris, xây dựng trong thế kỷ XII, đến 1811 bị san phẳng. Louis XVI bị giam trong đó năm 1792. Nội khu của tu viện được hưởng quyền ti hộ (chứa chấp, che chở, giúp đỡ người bị nạn). Tu viện được dùng làm cư dinh của Tu viện trưởng đại thần Philip de Vendôme, tiếp các nhà văn ở đó (trong số đó có văn hào Voltaire).

10. Barbou, Coustelier: tên những người san định, xuất bản quyển sách nói trên.

11. La Grange: tên người san định và xuất bản sách nói trên.

12. Nisard và Panckoucke:
Nisard - là hai nhà văn Pháp, anh là Désiré Nisard (1806-1888) tác giả bộ sách Lịch sử văn học Pháp có giá trị; em là Charles Nisard (1808-1890) có viết những tác phẩm kỳ thú về Sách dân gian, Những bài dân ca v.v…
Đây không rõ là nói đến ông Panckoucke nào. Panckoucke là tên một dòng họ nhà in và xuất bản ở Pháp thế kỷ XVIII và XIX; nhân vật chính là Charles Panckoucke (1736-1798), sinh ở Lille, đã xuất bản một Tủ sách La tinh-Pháp, hoặc Sưu tập các tác giả La tinh với bản dịch tiếng Pháp.

13. Ông de Pongerville: Jean-Baptiste Sanson de Pongerville (1782-1870) viện sĩ Viện Hàn lâm Pháp đồng viện và đồng thời với Anatole France. Vì là người đương thời và còn sống, nên phải xưng hô cho tôn trọng có tiếng Monsieur đứng trước tên người (khi đã quá cố, đã đi vào lịch sử hoặc còn sống nhưng danh tiếng đã trở thành lịch sử, thì gọi tên không, không có Monsieur nữa).

14. Viện Hàn Lâm Pháp (Académie Française): Nước Pháp có một số Học viện (Academies), mỗi viện chuyên trách một ngành khoa học, hoặc xã hội hoặc tự nhiên, gọi là Học viện này, Học viện nọ, duy có Académie Française thành lập từ lâu dưới danh hiệu đó không chuyên trách một khoa nào cả, đáng lẽ cứ dịch là Học viện Pháp Quốc là đủ, nhưng lâu nay ở nước ta quen gọi là Hàn lâm viện Pháp đã thành thông dụng rồi, nên chúng tôi trọng truyền thống đó (mặc dầu tên gọi như thế dễ gây hiểu lầm tính chất Viện đó với Viện Hàn Lâm cũ của ta và của Trung Hoa).

15. Garnier: Tên một nhà xuất bản văn học nổi tiếng, hiện nay vẫn còn hoạt động.

16. Paul-Louis Courier: tên gọi tắt của Paul-Louis Courier de Méré (1772-1825), nhà văn Pháp, sinh ra ở Paris, tác giả những bài văn châm biến chế độ Trung Hưng, được liệt vào hàng nhà văn cổ điển. Ông có duyệt và hiệu đính bản dịch truyện Daphnis et Chloé của Longus do Amyot dịch. Bản thảo ở Florentine nói đây, có lẽ là bản thảo truyện này chăng?

17. Centime: một centime là một phần trăm của đồng franc, một phần năm của xu.

18. Quibus: Để nguyên tiếng La tinh trong nguyên văn, ý nghĩa là tôi có khả năng chi tiêu.

19. Gréco: họa sĩ gốc người Hy Lạp, hoạt động sáng tác phần nhiều ở Tây Ban Nha (1541-1614).

20. Fragonard: họa sĩ và khắc họa gia người Pháp (1732-1806).

21. Cú mèo (chouette), cóc nhái (crapaud): những con vật kinh tởm mà bọn pháp thuật, phù thủy dùng để nhờ chúng làm trung gian với ma quỷ, nhưng thực ra để làm khách hàng kinh khiếp, dễ dàng tin những lời lừa bịp của chúng.

22. Bà thầy bói (pythie): ở trên gọi Mira là voyante đã chú thích, đây gọi là pythie, có chỗ khác gọi là pythonisse, đều có nghĩa là bà thầy bói mặc dầu có những khía cạnh khác nhau về ý nghĩa, nguồn gốc, cách thức hành nghề v.v...

23. Ngày của thợ đóng sách (le jour du relieur): mỗi nghề nghiệp có ngày tết của họ trong năm: có thể ngày hôm đó là ngày của thợ đóng sách, nhưng điển cố chưa tường. Cũng có thể chỉ có nghĩa là: ngày hẹn đưa sách cho thợ đóng sách.

24. Bạch Dương (Bélier), Thiên Bình hoặc Thiên Xứng (Balance/Libra) hai chòm sao (constellation, cũng gọi là tinh tòa, hoặc tinh tú) đối xứng với nhau, chòm Bélier thì ở bắc bán cầu, là một trong 12 cung Hoàng đạo, tương ứng với thời kỳ 21 tháng 3 (Xuân phân) đến 20 tháng 4; chòm Balance cũng là một trong 12 cung Hoàng đạo nhưng ở nam bán cầu, tương ứng với thời kỳ 23 tháng 9 (Thu phân) đến 21 tháng 10. Gọi là Balance (nghĩa là cái cân trên trời) vì thời kỳ đó, ngày đêm dài bằng nhau (cũng như thời kỳ Xuân phân nói trên). Như vậy là ngày của thợ đóng sách nói trên, mỗi năm có hai lần.

25. Năm giờ: đây là 5 giờ chiều, tuy tác giả không nói rõ, nhưng xem toàn thể câu chuyện trong đoạn văn thì rõ.

26. Kêpi (képi): mũ có lưỡi trai cứng bóng của các quân nhân hay học sinh, người phát thư bưu điện v.v… khác với casquette, cũng có lưỡi trai nhưng bọc vải, là mũ của công nhân và thường dân.

27. Truyện Gribouille (Histoire de Gribouille): Gribouille danh từ chung là người ngốc nghếch, đầu óc rối ren, lộn xộn; danh từ riêng, là tên nhân vật dân gian đầu óc bối rối lộn xộn, làm cái gì cũng lẫn lộn ngược đời, trở thành một nhân vật truyện dân gian.

28. Sở Công an (Préfecture): ở các tỉnh thì Préfecture là tòa Tỉnh trưởng. Nhưng Préfecture de Paris là Sở công an thành phố Paris. Đây là Sở công an, vì công việc kể ở đây, điều tra, do thám, là thuộc ngành hoạt động của Công an chứ không phải việc hành chính của Tòa tỉnh.

29. Khố tải (corde): chưa tra cứu rõ nghĩa chính xác, vì có thể hiểu hai cách, một là ngủ trên những cái giường tồi tàn, không có lò xo, không có băng vải căng cho êm, lại căng bằng dây thừng; hai là ngủ trên tấm bao tải cũ mòn trơ khố tải chứ chẳng có giường nệm gì. Chúng tôi tạm dịch theo nghĩa thứ hai, để tra cứu thêm.

30. Món hổ lốn ba xu (un arlequin pour trois sous) là món nấu hổ lốn những mẩu thức ăn còn thừa của bữa trước; ba xu: một xu là 1 phần 20 của 1 franc.
------------
Còn tiếp.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét