Chủ Nhật, 1 tháng 12, 2019

Thiên Thần Nổi Loạn - Chương 1

Thiên Thần Nổi Loạn

Tác giả: Anatole France
Dịch giả: Đoàn Phú Tứ
Nhà xuất bản Văn Học - Hà Nội, 1987

Chương 1

Đôi ba dòng về lịch sử một dòng họ Pháp từ 1789 đến nay.

Dưới bóng nhà thờ St. Sulpice, dinh thự của dòng họ d’Esparvieu sừng sững ba tầng cao khắc khổ giữa một cái sân xanh rêu và một khoảnh vườn, đời này qua đời khác, đã bị thu hẹp bởi những tòa nhà xây càng ngày càng cao hơn và sát hơn, và từ trong vườn đó hai cây dẻ lớn vẫn còn vươn lên những cái chòm heo hắt. Chính đó, từ 1825 đến 1857, là nhà ở của bậc danh nhân dòng họ, ngài Alexandre Bussart d’Esparvieu, phó chủ tịch Tham chính viện dưới Chính thể tháng Bảy, viện sĩ Học viện Khoa học nhân sinh và chính trị (1), tác giả bộ sách Khảo luận về các thiết chế dân sự và tôn giáo của các dân tộc, gồm ba tập in khổ 13 x 19, tác phẩm đáng tiếc là chưa hoàn thành.
Nhà lý thuyết lỗi lạc, theo chế độ quân chủ tự do đó có người thừa kế cả về huyết thống, cơ nghiệp và vinh quang là Fulgence-Adolphe Bussart d’Esparvieu sau này là nguyên lão nghị viên (2) dưới thời Đệ nhị đế chế (3), đã làm phình to sản nghiệp của mình bằng cách tậu những khu đất sau này sẽ nằm hai bên đại lộ Nữ Hoàng và đã đọc một bài diễn văn xuất sắc bênh vực quyền lực thế tục của các Giáo Hoàng.
Fulgence có ba con trai. Con cả, Marc-Alexandre nhập quân ngũ và làm nên sự nghiệp lớn: ông ta nói giỏi. Con thứ hai, Gaétan, không thấy biểu lộ một năng lực đặc biệt nào, thường sống nhiều ở nông thôn săn bắn, nuôi ngựa, chơi nhạc và vẽ tranh. Con thứ ba, René, từ tuổi thơ ấu đã được hướng theo nghề pháp quan, đã từ chức phó biện lý để khỏi dính dấp vào việc thi hành những sắc lệnh của Ferry về các giáo đoàn, và, sau này, dưới thời tổng thống Fallières (4) thấy đã trở lại thời kỳ đàn áp các tín đồ Cơ đốc giáo (5) ông đã đem tài học và lòng nhiệt thành ra phục vụ cho Nhà thờ bị ngược đãi.
Kể từ thỏa ước năm 1801 (6) đến tận những năm cuối cùng Đệ nhị đế chế, mọi người trong dòng họ d’Esparvieu đều đi lễ nhà thờ để làm gương. Thâm tâm họ hoài nghi, họ coi tôn giáo là một phương tiện trị dân. Các ông Marc và René là những người đầu tiên trong tầng lớp ấy đã tỏ ra có một niềm mộ đạo chân thành. Ông tướng thì khi còn là đại tá đã hiến dâng trung đoàn của ông cho nhà thờ Thánh Tâm (7) và ông theo đạo với một niềm sốt sắng rõ rệt, dù là một quân nhân, tuy ai cũng biết rằng lòng sùng tín, con gái của Trời, đã chọn trái tim các tướng lĩnh Đệ tam Cộng hòa làm nơi cư ngụ yêu thích hơn cả trên trái đất. Lòng tín mộ cũng có những bước thăng trầm. Dưới chế độ cũ, dân chúng tin đạo; giai cấp quý tộc thì không, cả giai cấp tư sản có học thức cũng không. Dưới Đệ nhất đế chế, quân đội từ trên xuống dưới hết sức vô tín ngưỡng.
Ngày nay dân chúng chẳng tin cái gì cả. Giai cấp tư sản muốn tin và đôi khi đạt tới niềm tin, cũng như các ông Marc và René d’Esparvieu đã đạt được. Trái lại, người anh em ruột của họ, ông Gaétan nhà quý tộc nông thôn lại không đạt được cái đó: ông ta theo thuyết bất khả tri, như người ta thường nói trong chốn xã giao, để khỏi phải dùng các từ ngữ khả ố là tự do tư tưởng. Và ông tuyên bố rõ là theo thuyết bất khả tri, trái với phép lịch sự muốn chuyện đó phải kín đáo. Trong thời đại chúng ta đây, có biết bao nhiêu là cách tin và không tin, các sứ giả sau này khó mà lần được ra. Cũng như chúng ta, liệu có lần ra nổi tình trạng tín ngưỡng thời kỳ đa thần giáo hay không?
Là người Cơ đốc giáo nhiệt thành, René d’Esparvieu lại gắn bó chặt chẽ với những tư tưởng tự do mà tổ tiên ông đã truyền lại cho như một thứ hương hoa thiêng liêng. Bị dồn đến bước phải chống lại nền Cộng hòa vô thần và Dân chủ tiến bộ, ông ta vẫn còn tuyên bố là thuộc phái Cộng hòa. Chính là nhân danh tự do, mà ông đòi Nhà thờ phải có độc lập và chủ quyền. Trong thời gian có những cuộc tranh luận lớn về sự phân lập (8) và những cuộc tranh chấp về các vụ Tổng kê (9), các hội nghị Giám mục và các hội đồng giáo hữu đều họp ở nhà ông ta.
Ở phòng khách lớn màu xanh lục, nơi các thủ lĩnh có uy tín nhất của phe đảng Thiên chúa giáo tụ hội lại, chủ giáo, tướng lĩnh, nghị viện, hạ nghị viện, nhà báo, mọi tâm hồn hiện diện đều hướng về La Mã với một niềm thuần phục dịu dàng hoặc một vẻ thuận lòng cưỡng ép, và ông d’Esparvieu, tỳ khuỷu tay trên tấm đá hoa mặt lò sưởi, đem giáo luật đối lập với dân luật và hùng hồn phản kháng sự cưỡng đoạt tài sản của Giáo hội nước Pháp, hai bức họa cổ câm lặng, bất động, ngó nhìn cuộc hội họp hiện đại. Bên phải lò sưởi là bức họa của David (10), vẽ ông Romain Bussart, dân cày ở Esparvieu, mặc áo ngắn và quần cụt bằng vải gai, vẻ mặt thô và láu, hơi chút ngạo nghễ. Ông ta có lý do để cười: ông lão đã xây nên cơ nghiệp của dòng họ bằng cách mua những tài sản của Nhà thờ. Bên trái là bức họa của Gérard (11) vẽ chân dung nam tước Emile Bussart d’Esparvieu y phục đại khánh tiết, lòe loẹt những huân chương, là con trai ông lão nông dân kia, đã từng là giám cung của đế chế (12) và làm chưởng ấn đại thần dưới triều vua Charles X, chết năm 1837. Khi đương giữ chức vụ ủy viên quản lý tài sản giáo hội và khi chết vẫn lẩm nhẩm những câu thơ nho nhỏ trong tác phẩm Nàng trinh nữ (13).
Năm 1888 René d’Esparvieu đã lấy Marie-Antoinette Coupelle, con gái nam tước Goupelle, chủ xưởng luyện sắt ở Blainville trong tỉnh Haute Loire. Bà René d’Esparvieu, từ năm 1903, làm chủ tịch Hội những bà mẹ Cơ đốc giáo. Đôi vợ chồng tuyệt hảo đó đã gả chồng cho con gái lớn năm 1908, nay chỉ còn ba người con, một gái và hai trai, ở với họ.
Léon, cậu con út, lên sáu tuổi, có buồng riêng bên cạnh buồng của mẹ và của chị Berthe. Maurice con trai cả, ở trong một biệt thất nhỏ gồm hai căn phòng ở cuối vườn. Ở đó chàng trai này được tự do, vì thế mà cuộc sống gia đình cũng thành dễ chịu. Anh chàng khá xinh trai, lịch sự, mà không có vẻ kiểu cách quá đáng, nụ cười mỉm của anh, chỉ nhếch một bên mép lên, cũng không phải là không có duyên. Mới hai mươi nhăm tuổi, Maurice đã có đủ cái khôn ngoan trong kinh Người truyền đạo (14). Không tin rằng mọi khổ cực tự chuốc lấy trên đời sẽ có lợi lộc gì cho con người nên anh không bao giờ chịu nhọc công một chút gì hết. Ngay từ hồi còn bé tí teo, anh chàng con nhà nòi đó đã chuyên tâm học cách lẩn tránh việc học hành, và chính do thờ ơ với sự dạy dỗ của nhà trường, mà anh ta đã có bằng tiến sĩ luật khoa và trở thành luật sư Tòa thượng thẩm.
Anh không tranh tụng và cũng không làm tố tụng (15). Anh không biết gì hết, không muốn biết gì hết, bằng cách đó anh xử sự phù hợp với thiên tư của anh, cái thiên tư bé mọn đáng yêu anh không bắt nó phải chứa chất quá nặng nề, và may mắn sao bản năng cũng khuyên anh nên hiểu ít còn hơn là hiểu sai.
Theo cách diễn đạt của linh mục Patouille, Maurice bẩm sinh đã thu nhận của trời những ơn huệ của một nền giáo dục Cơ đốc giáo. Từ hồi còn trẻ thơ, lòng sùng đạo của anh đã được hình thành nhờ những gương sáng ngay trong nhà, và khi học xong trung học rồi vào trường Luật, anh thấy học thuật của các bậc tiến sĩ, đạo hạnh của các cha nghe tội, đức kiên trinh của các phụ nữ đầy sức mạnh đều đã có nền nếp ở ngay gia đình bố mẹ anh. Nhưng được vào cuộc sống xã hội và chính trị vào thời kỳ giáo hội nước Pháp bị ngược đãi lớn, Maurice không vắng mặt trong một cuộc biểu tình nào của thanh niên Công giáo, hồi tiến hành những vụ tổng kê. Anh góp công đi dựng chướng ngại vật của giáo khu và cùng với các bạn đã tháo yên cương những con ngựa của vị tổng Giám mục bị đuổi ra khỏi dinh thự. Tuy nhiên, trong những trường hợp đó, anh tỏ ra sốt sắng vừa phải thôi: không bao giờ thấy anh đi hàng đầu đoàn người anh dũng kia, đang khích quân đội bất tuân thượng lệnh một cách vẻ vang và ném vào mặt bọn thu thuế những rác rưởi bẩn thỉu cùng những lời thóa mạ.
Anh chỉ làm bổn phận thế thôi, nếu anh có nổi bật, và trong vụ hành hương lớn năm 1911 (16) nếu anh có nổi bật trong bọn khiêng cáng ở Lourdes (17) thì e rằng đó cũng chỉ là để được lòng bà de la Verdelière, là người thích cánh đàn ông lực lưỡng. Linh mục Patouille, bạn thân của gia đình, con người hiểu biết rất sành sỏi mọi tâm hồn, biết rằng tham vọng tử vì đạo ở Maurice rất chừng mực thôi. Ông chê trách lòng kém nhiệt thành của anh, và kéo tai anh, gọi anh là thằng lười nhác. Dù sao, Maurice cũng vẫn còn là kẻ tin đạo. Trong các lầm lạc của tuổi trẻ, niềm tin của anh vẫn nguyên vẹn, vì anh có động gì đến nó đâu. Anh chưa hề xem xét kỹ điểm nào của niềm tin ấy. Anh cũng chẳng hề xem xét kỹ hơn các tư tưởng đạo đức ngự trị cái xã hội của anh. Anh tiếp nhận những tư tưởng đó y nguyên như khi chúng được đem đến cho anh, cho nên, trong mọi trường hợp, anh vẫn tỏ ra là một con người hoàn toàn trung thực, điều mà có lẽ anh không thể làm được nếu anh nghiền ngẫm về cơ sở của các phong tục. Anh dễ kích động, dễ nổi cáu, anh có danh dự và chăm chú trau dồi tình cảm danh dự. Anh không có tham vọng, cũng không thích hư vinh. Cũng như phần đông người Pháp, anh không thích tiêu pha; có lẽ anh chẳng cho phụ nữ cái gì cả, nếu họ không biết cách ép anh. Tưởng rằng khinh bỉ họ, thực ra anh lại tôn thờ họ, và bản tính dâm dục quá tự nhiên nên anh không nhận ra điều đó. Điều không ai biết và chính anh cũng mù mịt hoàn toàn, điều mà đáng lẽ mọi người có thể đoán được khi thấy một ánh sáng nhỏ ướt át thỉnh thoảng lấp lánh trong đôi mắt xinh đẹp màu hạt dẻ nhạt của anh, là anh vốn có tình cảm và dễ kết bạn; ngoài ra trong cuộc giao tiếp thường ngày với cuộc đời, anh cũng khá độc ác.
-------------
Chú thích.

1 - Académie des Sciences morales et politiques - một trong năm học viện lớn, hợp lại thành Pháp quốc Bác học viện (Institut de France).

2 - Nguyên lão nghị viện này, tên gọi là Nguyên lão nghị viện bảo thủ (Senat conservateur) được sáng lập ở Pháp năm 1799, đến 1811 bị phế bỏ, rồi đến 1852 được tái lập dưới thời Đệ nhị Đế chế, và đến 1870 lại bị phế bỏ cùng với đế chế bị truất bãi, để đến năm 1875 được tổ chức lại thành Thượng nghị viện của Đệ tam Cộng hòa.

3 - Nền đế chế của Napoléon III.

4 - Fallières (1841-1931): chính khách người Pháp, Chủ tịch Thượng nghị viện (1899) và Tổng thống nước Cộng hòa Pháp từ 1906 đến 1913.

5 - Nguyên văn: đã trở lại những ngày của Decius (249-251) và Dioclétien (284-305). Decius, Dioclétien - hai vị hoàng đế La Mã khét tiếng là ngược đãi tín đồ Cơ đốc giáo.

6 - Concordat: thỏa ước kí kết giữa Bonaparte (hồi đó là Đệ nhất tổng tài) và Giáo Hoàng Pie VII ngày 15-7-1801, quy định các quan hệ giữa nước Pháp với Tòa thánh và giữa Nhà nước với Nhà thờ.

7 - Sacré Coeur: được xây ở Paris, trên ngọn đồi Montmartre, khởi công từ 1875, hoàn thành năm 1914, cao 80 mét, tháp chuông cao 100 mét, xây theo kiểu La Mã xưa, dùng làm pháp đình và phòng thương mại.

8 - Séparation: giữa Nhà thờ với Nhà nước, không bên nào dính líu đến công việc của bên nào.

9 - Inventaires: tài sản của Nhà thờ, bị Nhà nước tịch thu.

10 - Jacques-Louis David (1748-1825): danh họa người Pháp, trong thời Đế chế, chuyên vẽ Napoléon.

11 - Nam tước François Gérard (1770-1837): họa sĩ người Pháp, tác giả bức họa nổi tiếng Trận đánh Austerlitz (chiến thắng rực rỡ của Napoléon I).

12 - Préfet de l’Empire: thời Đệ nhất Đế chế của Napoléon I, đã tạo ra một mạng lưới bảo vệ chính quyền trung ương, gồm có một Tổng quản đại thần (gouverneur), những giám cung (préfets du palais) và những nội thần (chambellans) có quyền hành cao để ngăn chặn mọi hành vi có thể xúc phạm chính quyền, không kể các préfet khác (tỉnh trưởng) đại diện cho nhà nước và có uy quyền tuyệt đối ở địa phương.

13 - La Pucelle: một vở kịch thơ, đề tài là chuyện nữ anh hùng dân tộc Pháp Jeanne d’Arc.

14 - Livre de l’Ecclésiaste: triết lý căn bản của kinh này là thế sự đều hư không. “Hư không của hư không, hư không của hư không, thảy đều hư không”. (Vanitas vanitatum, vanitas vanitatum, et omnia vanitas). Đó là câu mở đầu của sách. Câu thứ hai là câu mà Anatole France lấy lại nguyên văn cho tiếp theo câu trên: “bao nhiêu khổ cực… được lợi ích gì?”. Từ triết lý căn bản đó, tất phải rút ra cái đạo lý mà Maurice luôn luôn tuân theo, là hãy tiếp nhận mọi sự vật y nguyên như nó đến, coi đó là ý muốn của Thượng đế, và hãy hưởng thụ đi.

15 - Luật sư có hai loại hoạt động khác nhau, một là luật sư tranh tụng, hai là luật sư tố tụng.

16 - Cuộc hành hương đến nhà thờ Courdes nổi tiếng là linh thiêng.

17 - Tổng lỵ trong tỉnh Hautes Pyrénées trên bờ dòng thác Pau. Nhà thờ Lourdes nổi tiếng về những phép màu của Đức Bà Đồng Trinh, là một nơi hành hương nổi tiếng - Khiêng cáng, có lẽ là để đưa bệnh nhân bị tê liệt đến xin phép màu của Đức bà.
-----------
Còn tiếp.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét