Thiên Thần Nổi Loạn
Tác giả: Anatole France
Dịch giả: Đoàn Phú Tứ
Nhà xuất bản Hội nhà văn - 1987
Chương 25
Trong đó, Maurice gặp lại
được thiên thần của anh.
Sau cuộc biểu diễn, Bouchotte lau chùi phấn
son trong biệt phòng của cô. Ông già bảo trợ(1) của cô, ông Sandraque, bước vào
nhẹ nhàng, và, sau lưng ông ta, là một lũ đông những người hâm mộ. Không ngoảnh
đầu lại, cô hỏi họ đến làm gì đó, tại sao họ cứ nhìn cô như một lũ ngố, và hay
là họ tưởng đang ở chợ phiên Neuilly, trong cái lều xem quái vật.
“Thưa các bà và các ông, hãy bỏ mười
centime vào ống tiền để làm hồi môn cho cô thiếu nữ, và các ông bà sẽ được sờ nắn
hai cái bắp chân của cô: rắn như cẩm thạch!”(2)
Và, ngoảnh lại nhìn đám người con con đó, với
một vẻ cáu:
- Thôi! Đi! Bước cả đi!
Cô xua đuổi tất cả mọi người, và cả đến người
tình yêu dấu của cô, là Théophile đương đứng đó, mặt xanh xao, tóc bù xù, dịu
hiển, buồn bã, cận thị, lơ đãng. Nhưng khi nhận thấy anh chàng Maurice yêu mến,
cô mỉm cười. Anh lại gần cô, cúi xuống vai cái ghế tựa cô đương ngồi, khen ngợi
cô về nghệ thuật biểu diễn và về giọng hát, với một tiếng động và một cử chỉ của
hôn hít sau mỗi lời khen. Cô không để cho anh ta như thế là xong với cô, và bằng
những câu hỏi nhắc đi nhắc lại, bằng những khẩn khoản thôi thúc, bằng vẻ giả vờ
không tin, cô bắt anh phải nhắc lại hai, ba và bốn lần những câu sáo tán tụng của
anh và, khi anh dừng lại, cô có vẻ thất vọng, đến nỗi anh bắt buộc phải nối tiếp
ngay tức khắc. Anh cố gắng vất vả, vì không phải tay sành sỏi; nhưng anh được
cái thú trông thấy đôi vai tròn trĩnh và đầy đặn, được ánh sáng đèn làm nổi ánh
vàng và cái thú được rình xem khuôn mặt xinh đẹp kia trong tấm gương của bàn hóa
trang.
- Cô thật tuyệt diệu.
- Thật ư?… Anh nghĩ thế ư?
- Tuyệt vời, tuyệt...
Bỗng nhiên, anh kêu thét lên một tiếng. Mắt
anh đã trông thấy trong gương một cái mặt người hiện lên ở cuối biệt phòng. Anh
quay phắt ngay lại, và giang hai tay vồ lấy Arcade, kéo anh ta ra hành lang.
- Cung cách gì mà lạ thế! - Bouchotte kêu
lên, tức thở.
Nhưng, xuyên qua một đám những chú chó làm
xiếc và một gia đình bọn leo dây múa rối người Mỹ, chàng d’Esparvieu trẻ tuổi
lôi kéo thiên thần của chàng về phía cửa ra.
Trong bóng tối và không khí mát mẻ của đại
lộ có cây cối, say sưa vì vui mừng, và hãy còn ngờ vực vì hạnh phúc của mình:
- Anh đây rồi! - Chàng ta nói, - anh đây rồi!
Tôi đã tìm anh bao lâu, Arcade, Mirar, tùy anh, thế là tôi lại gặp anh. Arcade,
anh đã lấy mất thiên thần hộ mệnh của tôi, anh hãy trả lại cho tôi đi. Arcade,
anh có còn yêu tôi không?
Arcade trả lời rằng, để làm tròn nhiệm vụ
siêu thiên thần mà anh đã tự đề ra cho mình, anh đã phải chà đạp lên tình bạn hữu,
tình thương xót, tình yêu và tất cả mọi tình cảm nó làm nhu nhuyễn tâm hồn.
Nhưng, một mặt khác, thân phận mới của anh, vì bắt anh phải chịu đựng những đau
khổ và thiếu thốn, nên làm cho anh sẵn sàng có tình âu yếm của loài người và
anh cảm thấy đối với Maurice thân mến của anh một tình bạn hữu tự nhiên.
- Thế thì, - Maurice kêu lên, - nếu anh có
yêu tôi chút ít, thì anh hãy trở lại với tôi, hãy ở lại với tôi. Tôi không thể
nào không có anh được. Trước kia, có anh bên cạnh thì tôi không nhận thấy sự hiện
diện của anh. Nhưng, anh vừa đi khỏi, là tôi cảm thấy trong tôi một sự trống rỗng
ghê gớm. Không có anh, tôi như một cái xác không hồn. Tôi có cần phải nói không
nhỉ, trong căn hộ tầng dưới nhà, ở phố La Mã, bên cạnh Gilberte, tôi cảm thấy
cô đơn, tôi nhớ tiếc anh và tôi ao ước được trông thấy anh và nghe thấy tiếng
anh nói như cái ngày mà anh đã làm cho tôi phải hết sức giận dữ... Anh phải
công nhận rằng khi đó tôi có lý và anh đã xử sự hôm đó không ra người lịch sự.
Anh, dòng dõi cao thượng như thế, tinh thần cao quý như thế, mà đã phạm một điều
bất nhã như thế, thật là lạ lùng. Khi nghĩ đến, bà des Aubels vẫn chưa tha thứ
cho anh đâu. Bà ấy trách anh đã làm cho bà ấy sợ, khi anh xuất hiện một cách
không đúng lúc như vậy, và đã bất nhã một cách láo xược khi cài khuy áo cho bà
và buộc dây giày cho bà. Tôi, thì tôi đã quên hết. Tôi chỉ còn nhớ rằng anh là
anh em thiên giới của tôi, là bầu bạn thần thánh của thời thơ ấu của tôi.
Không, Arcade, anh không được, anh không thể chia lìa với tôi được. Anh là
thiên thần của tôi, anh là của cải của tôi.
Arcade trình bày cho chàng d’Esparvieu biết
anh không thể làm thiên thần hộ mệnh cho chàng được nữa, vì anh đã tự lao mình
xuống vực thẳm. Và anh tự miêu tả ra kẻ khủng khiếp, sặc mùi căm thù và cuồng nộ,
nghĩa là một tinh thần địa ngục.
- Chuyện nhảm nhí, - Maurice nói vừa mỉm cười,
nước mắt lưng tròng.
- Than ôi, các ý nghĩ của chúng ta, các số
kiếp của chúng ta, tất cả đều chia lìa chúng ta, chàng Maurice ạ. Nhưng tôi vẫn
không bóp nghẹt được mối tình âu yếm mà tôi cảm thấy đối với anh, và sự chân thật
của anh bắt buộc tôi phải yêu anh.
- Không! - Maurice thở dài, - anh không yêu
tôi. Anh chưa bao giờ yêu tôi cả. Ở một người anh em hay chị em ruột, thì sự
lãnh đạm đó có lẽ là tự nhiên, ở một người bạn, nó sẽ là bình thường; ở một
thiên thần hộ mệnh, nó là quái gở. Arcade, anh là một kẻ khả ố. Tôi ghét anh.
- Tôi yêu anh một cách quý báu, Maurice ạ,
và tôi vẫn còn yêu anh. Anh làm rối loạn trái tim tôi mà tôi cứ tưởng đã khóa
kín trong ba lần vỏ đồng; anh phát hiện cho tôi nỗi mềm yếu của tôi. Khi anh
còn là một đứa trẻ ngây thơ, tôi đã yêu anh một cách thắm thiết, bằng và trong
trẻo hơn Miss Kate, cô giáo người Anh của anh, cô ấy ôm hôn anh với một ý dâm dật
kinh khủng. Ở thôn quê, trong cái mùa mà vỏ cây phong tự tước ra thành những mảnh
dài và để lộ ra cái thân cây màu xanh lục dịu dàng, sau những trận mưa nó làm
cho cát mịn chảy ròng ròng trên những lòng đường dốc, tôi đã dạy anh lấy cái
cát đó, những mảnh vỏ cây đó, vài bông hoa đồng nội và vài cọng dương xỉ, làm
thành những cây cầu mộc mạc, những cái lều man rợ, những nền cao và những khu
vườn của Adonis(3), chỉ bền được một tiếng đồng hồ. Tháng năm, ở Paris, chúng
ta dựng được một bàn thờ Đức Bà Đồng Trinh và đốt trên đó một thứ hương mà mùi
thơm tỏa khắp nhà, làm cho Marcelline, chị nấu bếp, nhớ đến làng quê và sự
trinh bạch đã mất, khóc giàn giụa, và làm cho mẹ anh nhức đầu. Bà vốn là người
sống giữa cảnh giàu sang, mà bị khốn khổ vì nỗi buồn chán chung cho tất cả những
người sung sướng trên trái đất. Khi anh đi đến trường học, tôi lưu tâm đến những
tiến bộ của anh; tôi chia sẻ các công việc và các trò chơi của anh. Tôi nghiền
ngẫm cùng với anh những bài toán đố gay go của số học, tôi cùng tìm với anh ý
nghĩ khó khăn nan giải của một câu văn của Jules César(4). Biết bao cuộc đuổi bắt
nhau hoặc đá bóng chúng ta đã cùng chơi với nhau! Đã nhiều phen, chúng ta được
biết cái say sưa của chiến thắng và những vòng nguyệt quế trẻ trung của chúng
ta không bị đẫm máu và nước mắt. Maurice, tôi đã làm hết sức của tôi để bảo hộ
sự ngây thơ trong trắng của anh, nhưng tôi đã không thể nào ngăn cản anh đánh mất
nó, hồi mười bốn tuổi, trong vòng tay của chị hầu phòng của mẹ anh. Sau đó tôi
lại lấy làm tiếc mà trông thấy anh đi yêu những người đàn bà thuộc mọi hạng người,
mọi lứa tuổi và không phải đều là đẹp cả, ít ra cũng là theo con mắt của một
thiên thần. Buồn bã vì quang cảnh đó, tôi lao vào học hỏi; một thư viện phong
phú cung cấp cho tôi những nguồn học thức hiếm thấy. Tôi nghiên cứu sâu lịch sử
các tôn giáo; còn những gì nữa thì anh biết rồi.
- Nhưng bây giờ, anh Arcade thân mến, -
chàng trẻ d’Esparvieu kết luận, - anh không có địa vị gì, không có chức nghiệp
gì, không có một thứ nguồn thu nhập nào. Anh là một kẻ lạc ngũ, một anh ngoại
ngạch. Anh là một kẻ lưu manh, một anh khố rách.
Thiên thần đối đáp có đôi phần chua chát rằng
dù sao anh ta hiện nay cũng còn ăn mặc hơi khá hơn cái lúc anh mang một bộ đồ
di vật của một thằng tự tử chết.
Maurice, để miễn lỗi, viện lẽ rằng, khi anh
đem bộ đồ di vật của một thằng chết tự tử để khoác cho thiên thần trần trụi của
anh, là lúc đó anh đang tức giận vị thiên thần bất trung đó. Nhưng không nên trở
lại chuyện đã qua và không nên trách móc gì nữa; chỉ nên xét xem phải quyết định
thế nào.
- Arcade, anh định làm gì?
- Tôi đã chẳng bảo anh rồi ư, Maurice? Đánh
kẻ đang ngự trị ở thiên đình, lật đổ hắn và đặt Satan thay thế vào.
- Anh sẽ không làm cái đó. Trước hết, bây
giờ không phải lúc. Dư luận không có chiều hướng đó. Các anh sẽ lạc điệu, như
ba tôi vẫn nói. Bây giờ người ta bảo thủ, và thích uy quyền. Người ta muốn được
cai trị và ông tổng thống Cộng hòa sắp thương thảo với Giáo Hoàng. Đừng nên gàn
bướng, Arcade. Anh không phải là ác bụng như anh nói đâu. Trong thâm tâm anh
cũng như mọi người thôi: anh kính thờ Đức Chúa lòng lành.
- Hình như tôi đã dạy bảo anh rồi, anh
Maurice thân mến, rằng kẻ mà anh coi là Đức Chúa, thực ra chỉ là một thần sáng tạo. Y tuyệt đối không biết gì
đến cái thế giới thần thánh cao hơn y, và y tự cho mình, một cách chân thực, là
Chúa Trời duy nhất và thực sự. Anh sẽ thấy, trong bộ sách Lịch sử nhà thờ, do Đức
cha Duchesne(5) viết, quyển I, trang 162, rằng vị thần sáng tạo kiêu ngạo và
thiển cận đó tên gọi là Ialdabaoth. Và có lẽ anh tin tưởng ở nhà sử học của
giáo hội đó hơn là chính thiên thần của anh. Tôi phải từ biệt anh đây, chào
anh.
- Hãy ở lại.
- Không thể được.
- Tôi sẽ không để cho anh đi như thế. Anh
đã làm tôi mất thiên thần hộ mệnh của tôi rồi. Anh có bổn phận phải đền bồi sự
thiệt hại mà anh đã gây ra cho tôi. Hãy cho tôi một thiên thần hộ mệnh khác!
Arcade phản biện rằng anh không thể nào thỏa
mãn được một yêu sách như vậy. Rằng, đã bất hòa với vị thần tối cao phân phối
các linh thần thủ hộ, anh sẽ không có thể yêu cầu được cái gì ở phía đó.
- Không, Maurice thân mến ơi, - anh nói
thêm và mỉm cười, - anh hãy tự mình hỏi xin Ialdabaoth một linh thần hộ mệnh
đi.
- Không! Không! Không! Không có Ialdabaoth
nào hết! - Maurice kêu lên. - Anh đã lấy mất thiên thần hộ mệnh của tôi, anh
hãy trả tôi đi.
- Tôi không thể làm được, than ôi!
- Anh không thể làm được, Arcade, vì anh là
một kẻ phản loạn à?
- Phải.
- Một kẻ thù của Chúa trời?
- Phải.
- Một linh thần ác quỷ?
- Phải.
- Vậy thì! - Chàng trẻ Maurice kêu lên. - Chính
tôi sẽ là thần hộ mệnh của anh. Tôi không rời anh.
Và Maurice d’Esparvieu dẫn Arcade đi ăn sò ở
hàng P.
--------------
Chú thích.
1. Bảo trợ (protecteur): protecteur có thể có hai nghĩa, một là bảo
trợ, giúp đỡ bằng tiền nong, che chở bằng thế lực, hai là bỏ tiền ra bao gái.
Đây, không có dấu hiệu gì để hiểu theo nghĩa thứ hai, nên cứ dịch theo nghĩa thứ
nhất.
2. Tác giả không nói
rõ là ai trong câu này, nhưng đặt trong hai ngoặc kép, thì ta có thể hiểu là
câu nói của Bouchotte, nhưng không phải là nói thẳng thắn ý nghĩ của mình, mà
là nói kháy, nhại một lối nói khả ố của kẻ khác, trong hoàn cảnh tương tự.
3. Khu vườn của Adonis: Adonis, vị thần của xứ Phénicie, trong
thần thoại Hy Lạp, vốn là một chàng trai có sắc đẹp tuyệt trần, bị một con lợn
lòi cắn tử thương được Venus hóa phép biến thành cây bạch đầu ông (anemone, cũng gọi là thu mẫu đơn). Điển hình của sắc đẹp con trai ủy mị. Đây chỉ dịch
đúng nguyên văn.
4. Jules César: danh tướng La Mã, một trong
ba vị (triumvirat) thống trị La Mã. Đây là nói đến một câu nói nào đó, được trích
dẫn trong cuốn sách nổi tiếng La tinh De
viris illustribus urbis Romae, là cuốn gọi tắt là De viris (Nói về những danh nhân của thành La Mã) sách thành tập đọc
cho học sinh nhỏ bắt đầu học vỡ lòng tiếng La tinh.
5. Đức cha Duchesne: học giả Pháp (1843-1922),
tác giả những tìm tòi hay về Nguồn gốc
tôn giáo Cơ đốc (Origines du culte chrétien), nhan đề hơi khác lời dẫn của
A. France, nhưng nội dung chắc là đúng như A. France viện dẫn, vì là người sống
đồng thời.
------------
Còn tiếp.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét