Thiên Thần Nổi Loạn
Tác giả: Anatole France
Dịch giả: Đoàn Phú Tứ
Nhà xuất bản Hội nhà văn - 1987
Chương 31
Trong đó người ta lấy làm
kì diệu cái chuyện một người lương thiện, nhút nhát và hiền lành, có thể phạm một
tội ác kinh khủng một cách dễ dàng biết bao.
Bị những lời lẽ tối mò của chàng trẻ Maurice
làm cho vô cùng buồn bã, ông Sariette lên xe ô tô buýt và đi đến nhà ông già
Guinardon, bạn của ông, bạn duy nhất của ông, con người duy nhất ở đời này mà
ông lấy làm vui thích được trông thấy và được nghe chuyện.
Khi ông Sariette bước
vào cửa hàng ở phố de Courcelles, thì Guinardon đương có một mình và ngủ thiu
thiu, lọt thỏm trong chiếc ghế bành cổ kính rộng và sâu. Tóc xoắn vòng và râu
tươi tốt, mặt ông ta đỏ gay; những đường dây màu tím chằng chịt trên hai cánh
mũi của ông ta, đỏ nhừ vì rượu vang Bourgogne. Vì từ nay không thể nào giấu giếm
được điều đó, là ông già Guinardon uống rượu. Cách ông ta hai bước, trên cái
bàn nữ công của cô nàng trẻ tuổi Octavie, một bông hồng đương khô héo nốt trong
một cái cốc cạn nước, và trong một cái làn, một tấm thêu dở dang nằm lì. Cô
Octavie rời cửa hàng mỗi ngày một thường xuyên hơn và ông Blancmesnil không bao
giờ đến đó nếu cô ta không có ở đó. Nguyên nhân là vì họ gặp gỡ nhau mỗi tuần lễ
ba lần vào năm giờ chiều, trong một cái nhà hò hẹn, gần Champs-Élysées. Ông già
Guinardon không hay biết gì cả. Ông ta không biết rõ tất cả đầu đuôi nỗi bất hạnh
của mình nhưng ông ta đau khổ vì nó.
Ông Sariette bắt tay ông bạn già, ông không
hỏi ông ta về tin tức của cô nàng Octavie trẻ tuổi kia, vì ông không thừa nhận
mối tư tình nó kết hợp hai người với nhau. Ông sẽ sẵn lòng hơn để nói chuyện về
Zéphyrine, bị ruồng bỏ một cách cay độc và ông ước mong cho ông già lấy bà ta
làm vợ chính thức. Nhưng ông Sariette cẩn trọng, ông chỉ hỏi Guinardon sức khỏe
ra sao.
- Khỏe lắm, - Guinardon khẳng định như vậy,
tuy đang cảm thấy đau yếu, và làm ra bộ cường tráng và khang kiện từ khi cả hai
thứ đó rời bỏ ông ta. - Cảm tạ ơn Chúa! Tôi vẫn giữ được sức khỏe của cơ thể và
của tinh thần. Tôi trinh khiết. Nên trinh khiết, Sariette ạ; những người trinh
khiết đều khỏe mạnh.
Chiều hôm đó, ông già Guinardon đã rút ở
trong tủ ngăn bằng gỗ tử đàn của ông ta vài quyển sách quý để đưa cho một nhà
yêu sách quý trọng, là ông Victor Meyer, xem; và sau khi ông khách hàng đó đi
khỏi, ông ta đã thiu thiu ngủ đi, không để sách lại chỗ cũ. Ông Sariette, vẫn bị
các sách hấp dẫn, trông thấy những cuốn sách kia trên mặt đá hoa của cái tủ
ngăn, bèn xem xét chúng rất kỹ. Cuốn đầu tiên mà ông giở qua loa các trang là
tác phẩm La Pucelle đóng bìa bằng da
dê thuộc, với văn bản bằng tiếng Anh. Cố nhiên, trái tim người Pháp và tín đồ
Cơ đốc của ông cũng lấy làm đau xót mà chiêm ngưỡng văn bản kia và những hình ảnh
kia, nhưng một bản in đẹp, bao giờ ông cũng thấy là có đức hạnh và tinh khiết.
Vừa nói chuyện rất âu yếm với Guinardon, ông vừa lần lượt cầm lên tay những cuốn
sách mà ông già bán đổ cổ yêu thích vì bìa đóng, vì những tranh in, vì xuất xứ,
hoặc vì hiếm, rồi bỗng ông cất lên một tiếng kêu trác tuyệt vui sướng và yêu
thương. Ông vừa mới thấy lại cuốn Lucrèce
của Tu viện trưởng de Vendôme, cuốn Lucrèce
yêu quý của ông, ông ấp chặt vào trái tim.
- Thế là tôi lại trông thấy nó, - ông thở
dài, và đưa nó lên môi.
Lúc đầu, ông già Guinardon không hiểu rõ lắm
ông bạn già của mình muốn nói gì; nhưng sau khi ông này đã tuyên bố rằng cuốn
sách đó là thuộc về thư viện d’Esparvieu, rằng cuốn sách đó là của ông,
Sariette, và ông đem nó đi chẳng lôi thôi gì cả thì ông già bán đồ cổ hoàn toàn
tỉnh ngủ, đứng phắt dậy và tuyên bố rành mạch rằng cuốn sách đó là của ông ta,
Guinardon, rằng ông ta đã mua nó hẳn hoi tử tế và ông ta chỉ chịu nhượng lại nó
với giá năm nghìn franc đếm đủ số.
- Ông không hiểu điều tôi nói với ông, -
Sariette đối đáp: - cuốn sách này thuộc về thư viện d’Esparvieu; tôi phải đem
trả nó về chỗ cũ ở đó.
- Không được đâu, cô em ơi...
- Quyển sách này là của tôi.
- Ông điên rồi, ông Sariette hiền hậu ơi.
Quan sát thấy rằng quả là ông quản thư có vẻ
ngơ ngác, ông ta bèn rút cuốn sách khỏi hai tay ông kia và cố xoay câu chuyện
trò sang hướng khác.
- Ông đã trông thấy chưa, Sariette, những
quân chó lợn kia sắp phanh phui cung điện Mazarin, và phủ những công trình mĩ
thuật gì chả biết lên cao điểm của Đô thành, nơi trang nghiêm nhất và đẹp nhất
của Paris? Chúng nó còn tệ hại hơn những quân Vandales(1), vì những quân
Vandales phá hoại các công trình kiến trúc của thời cổ, nhưng không đem thay thế
bằng những tòa nhà xây nhơ nhớp và những cái cầu kiểu thức đê tiện, như cầu
Alexandre. Và cái phố Garancière tội nghiệp của ông, Sariette ơi, là cái mồi của
những quân man rợ. Chúng nó đã đem cái mặt người xinh đẹp bằng đồng đen ở vòi
nước của cung điện làm những gì rồi?
Nhưng Sariette chẳng nghe thấy gì cả.
- Guinardon, ông chưa hiểu. Hãy nghe tôi
đây này. Cuốn sách này là của thư viện d’Esparvieu. Nó đã bị lấy trộm đi. Như
thế nào? Ai lấy trộm? Tôi không biết. Có những chuyện kinh khủng và bí mật đã xảy
ra trong cái thư viện ấy. Nói vắn tắt, cuốn sách đó đã bị đánh cắp. Tôi không cần
phải kêu gọi đến những tình cảm lương thiện cao cả của ông, ông bạn tốt ạ. Ông
không muốn mang tiếng là một kẻ oa tàng. Hãy đưa cuốn sách đó cho tôi. Tôi sẽ
hoàn nó lại cho ông d’Esparvieu, ông ta sẽ bồi thường cho ông, ông không thể ngờ
điều đó được. Ông hãy tin cậy ở sự hào phóng của ông ấy và như vậy là ông xử sự
đúng với con người lịch sự của ông.
Ông già bán đồ cổ mỉm cười chua chát:
- Bảo tôi tin cậy ở sự hào phóng của cái
tên d’Esparvieu keo bẩn đó, nó sẵn lòng tróc da một con rệp để lấy bộ da. Ông
hãy nhìn tôi, ông Sariette hiền hậu của tôi ơi, xem tôi có cái đầu của một thằng
Jocrisse(2) không. Ông biết rõ rằng cái thằng d’Esparvieu đó đã từ chối không
trả năm chục franc cho một anh buôn đồ cũ để mua bức chân dung Alexandre
d’Esparvieu, ông tổ vĩ đại, do họa sĩ Hersent vẽ, và ông tổ vĩ đại vẫn còn ở
trên đại lộ Montparnasse, đối diện với nghĩa trang, ở quầy hàng của một tên Do
Thái, để tất cả chó của khu phố đến đái lên... Bảo tôi tin cậy ở sự hào phóng của
ngài d’Esparvieu!... Ông buồn cười thật!
- Thế thì! Guinardon ạ, tôi xin cam đoan tự
tôi trả ông số tiền bồi thường mà những người trung gian sẽ ấn định. Ông nghe
thấy không?
- Thôi đừng làm mặt hào hoa với những kẻ vô
ơn, ông Sariette hiền hậu của tôi ơi. Cái tên d’Esparvieu ấy đã lấy kiến thức của
ông, hoạt động tích cực của ông, cả cuộc đời của ông, đổi lấy một đồng lương mà
một kẻ hầu cận nó cũng chẳng thèm. Thôi hãy dẹp chuyện đó lại. Với lại, cũng chậm
quá mất rồi. Cuốn sách đã bán cho người ta rồi...
- Bán?... cho ai? - Sariette hỏi, có vẻ lo
lắng.
- Can gì đến ông? Ông sẽ không thấy lại nó
nữa; sẽ không thấy nói đến nó nữa; nó đi sang Mỹ.
- Sang Mỹ, quyển Lucrèce có huy hiệu của Philippe de Vendôme, với những ghi chú thủ
bút của Voltaire! Lucrèce của tôi!
Sang Mỹ!
Ông già Guinardon bật cười.
- Ông Sariette hiền hậu của tôi ơi, ông làm
tôi nhớ lại chàng hiệp sĩ trẻ Grieux, khi nghe thấy tin người tình nhân yêu quý
của chàng sẽ bị đưa đi Mississippi. “Tình
nhân yêu quý của tôi đi Mississippi!...”
- Không, - Sariette đối đáp, mặt tái mét, -
không, cuốn sách đó sẽ không đi sang Mỹ. Nó sẽ trở về, theo đúng lý trong thư
viện d’Esparvieu. Đưa nó cho tôi, Guinardon.
Ông già bán đồ cổ cố gắng một lần nữa để cắt
đứt một cuộc trò chuyện nó có vẻ có chiều hướng xấu.
- Ông Sariette hiền hậu ơi, ông không nói
gì với tôi về bức tranh Gréco của tôi. Ông cũng không thèm nhìn nữa. Vậy mà nó
tuyệt vời đấy.
Và Guinardon, đặt bức họa dưới một ánh sáng
thuận lợi:
- Ông hãy xem ông thánh François này, người
nghèo khổ của Chúa, người anh em của Jésus: cái thân hình ám khói của ông bốc
lên trời như đám khói của một lễ hy sinh dễ chịu, như sự hy sinh của Abel.
- Cuốn sách! Guinardon, - Sariette nói
không ngoảnh đầu lại; - đưa tôi quyển sách đây.
Máu đột nhiên bốc lên đầu ông già
Guinardon; mặt đỏ gay và các tĩnh mạch trên trán phồng lên:
- Thôi xin đủ đi, - ông ta nói.
Và ông ta đút cuốn Lucrèce vào túi áo veston.
Ông già Sariette đâm bổ ngay vào ông già đồ
cổ, tấn công ông ta với một sự cuồng nộ đột ngột, và mặc dầu yếu ớt, ông xô ông
già tráng kiện ngã vào chiếc ghế bành sâu rộng của cô nàng Octavie.
Guinardon choáng váng và điên cuồng, phun
những lời chửi rủa kinh khủng vào mặt lão già gàn dở và giáng cho lão một quả đấm
bắn lão ngã, cách đó bốn bước, vào bức họa Lễ
đăng quang của Đức Bà Đồng Trinh, tác phẩm của Fra Angelico, bức họa đổ sập
xuống gãy răng rắc. Sariette trở lại tấn công và toan giật cuốn sách giấu trong
túi áo. Ông già Guinardon đáng lẽ lần này đã đập chết lão, nếu không vì bị máu
bốc lên đầu làm hoa cả mắt, ông ta không đánh hụt sang bên cạnh vào chiếc bàn nữ
công của cô nàng vắng mặt. Sariette bám chặt lấy đối thủ bị kinh ngạc, đè ông
ta ngả người trong chiếc ghế bành và lấy hai bàn tay xương xẩu của lão, bóp cổ
ông ta, cái cổ, vốn đã đỏ gay, trở thành đỏ bầm. Guinardon cố gắng để thoát ra,
nhưng những ngón tay nhỏ bé, cảm thấy thịt nóng và mềm, lại càng ấn sâu một
cách khoái chá, một sức mạnh không ngờ buộc chặt những ngón tay đó vào cái mồi
của chúng. Guinardon rên lên, nước dãi từ một bên mép chảy ra ròng ròng. Dưới sức
bóp nghẹt, thân thể to lớn của ông ta thỉnh thoảng lại giãy giụa, nhưng, những
cơn giật mỗi lúc một đứt đoạn và thưa thớt hơn. Rồi thôi hẳn. Hai bàn tay sát
nhân vẫn không nới ra. Sariette phải cố gắng rất mãnh liệt mới gỡ được nó ra.
Hai bên thái dương của lão ù ù. Tuy vậy, lão nghe thấy tiếng mưa rơi, tiếng những
bước chân êm êm đi trên vỉa hè, đằng xa tiếng những anh quác mồm rao bán báo.
Lão trông thấy những cái ô đi qua trong bóng tối. Lão rút cuốn sách ở túi người
chết ra và bỏ chạy.
Chiều tối hôm đó, cô nàng Octavie không trở
về cửa hàng. Cô ả đi ngủ trong một gian gác lửng ở phía trên cái cửa hàng đổ cổ
mà ông Blancmesnil mới mua cho ả cũng trong cái phố de Courcelles đó. Anh lao
công có nhiệm vụ đóng cửa hàng, thấy thi hài của ông già đồ cổ hãy còn nóng.
Anh gọi mụ gác cổng, là mụ Lenain, mụ đặt Guinardon nằm trên một tấm trường kỷ,
thắp hai cây nến, đặt một mẩu cành hoàng dương vào trong một cái đĩa giầm đầy
nước thánh và khép mắt cho người chết. Ông thầy thuốc được ủy nhiệm xác nhận
cái chết, quy cho nguyên nhân là một cơn xung huyết.
Được bà Lenain báo tin, Zéphyrine chạy đến
và thức trông người chết. Ông ta có vẻ như ngủ. Dưới ánh sáng le lói chập chờn
của những ngọn nến, ông Thánh của Gréco bốc lên như một làn khói; những vàng thếp
của những bức họa tiền Phục hưng lấp lánh trong bóng tối. Gần bên linh sàng,
trông thấy rõ ràng một người đàn bà bé nhỏ của Baudouin đang uống thuốc. Suốt
đêm, ở ngoài phố, cách xa năm chục bước vẫn nghe thấy Zéphyrine rên rỉ. Mụ nói:
- Anh ấy chết rồi, anh ấy chết rồi, anh bạn
của tôi, ông trời của tôi, ông tất cả của tôi, người thương yêu của tôi...
Không! Anh ấy chưa chết, anh ấy còn động đậy. Em đây, Michel, em đây, Zéphyrine
của anh đây mà; hãy thức dậy, hãy nghe em nói. Hãy trả lời em: anh yêu em, nếu
anh đã làm cho em đau lòng, thì hãy tha thứ cho anh... Chết! Chết! Ôi! Lạy Chúa,
hãy nhìn xem: anh ấy đẹp quá! Anh ấy vốn hiền hậu biết bao, thông minh biết
bao, đáng yêu biết bao! Trời ơi! Trời ơi! Trời ơi! Giá tôi có ở đây anh ấy đã
không chết. Michel! Michel!
Đến sáng, mụ im lặng. Người ta tưởng mụ
thiu thiu ngủ, mụ đã chết rồi.
--------------
Chú thích.
1. Vandales: một dân tộc xưa, dòng giống
Germanie pha một phần Slave, ở khoảng giữa sông Vislut và Oder, xâm chiếm nước
Gaul, Tây Ban Nha, rồi Châu Phi (thế kỷ V và VI), đi đến đâu tàn phá đến đấy, cả
những đền đài, công trình mỹ thuật và khoa học. Sau thành danh từ chung, chỉ những
quân tàn ác, phá hủy các công trình mỹ thuật, khoa học, v.v...
2. Jocrisse: tên một nhân vật kịch hài hước
xưa của Pháp, một anh khờ khạo, cả tin và ngây ngô đến cực điểm chuyên bị lừa dối.
Sau thành danh từ chung nghĩa là chú khờ.
------------
Còn tiếp.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét